Việt Văn Mới
Việt Văn Mới






SÓNG CỦA HỒ






  K hông thèm chọn chỗ, tôi ngồi phịch xuống bờ cỏ, ngồi như quăng cái nỗi buồn chán của mình xuống đất. Đến cỏ cũng không được mượt mà! Mặt hồ bình thường lăn tăn sóng, lấp loáng nắng chiều như trăm ngàn cái hồ khác trên trái đất, chẳng có đặc biệt gì! Tôi tự an ủi: Dẫu sao cũng còn được một chút thanh mát khi có cái hồ này. May mà mặt nước thì không thể nứt nẻ khô khốc được.

Một vùng đất chang chang chát chát. Tôi thực sự buồn nản khi lê những bước chân rã rời gần năm cây số đường đất không có phương tiện giao thông đến nhận công tác nơi đây. Nghề dạy học thời nay đã không quí báu gì, vậy mà còn bị phân công đến một vùng quê cỗi cằn heo hút. Tôi thở dài thường xuyên đến nỗi phát sợ phổi mình bị dị dạng.

Còn ngôi trường nữa! Nó mới thảm hại làm sao! Ngày đầu lên lớp, mắt tôi cứ vấp vào mấy mảng phân bò trét mê bồ làm vách lớp học, khô cong trong nắng. Lũ học trò ồ lên khi nhìn thấy hộp phấn viết bảng nhiều màu tôi mang từ thành phố về. Giờ ra chơi, chúng ùa lên săm soi như được nhìn kho báu. Tôi phát hết cho mỗi đứa một viên, rồi về nằm lì trong cái chòi dành cho giáo viên đến gần nửa tháng, bệnh quằn quại!

Chán hoài cũng nản. Rồi tôi cũng ra khỏi cơn sốc buồn chán của tuổi đôi mươi. Tôi tò mò dạo thử một vòng quanh xóm. Đi ngó xong tối về nằm ngủ toàn mơ thấy hố bom, quần áo rách, chén mẻ, nồi sứt…!!!

Điều duy nhất an ủi vớt vát là cái hồ nước trong vắt sau hàng gáo cuối xóm. Một khoảng trời thơ mộng mi ni cho cái tuổi đầy huyễn hoặc của tôi. Thế là mỗi chiều tôi có một nơi để đến, dạo chơi loanh quanh, ngắt vài bông cỏ dại, rình mấy con kỳ nhông, khều chọc vài con sâu hoặc ngồi bên bờ nước liệng đất cát xuống mặt hồ và hát nghêu ngao hầm bà lằng các loại nhạc. Thỉnh thoảng một bác nông dân đi làm đồng về gặp, chào tôi: “Cô giáo nhớ nhà ra đây hóng mát hả?”. Tôi cười cho phải phép và nhìn theo bàn chân rám nắng của bác, bất giác buột mắt nhìn xuống đôi chân nhợt nhạt của mình, tâm hồn pha tạp sĩ-nông-công-thương liền nhủ: Chớ dại mà so sánh ngẫm nghĩ điều gì!

Một chiều, tôi ra hồ và trông thấy cậu con trai khoảng mười sáu tuổi. Em đứng trên đôi nạng gỗ, loay hoay với con diều giấy. Vì không thể chạy, nên em dùng một cây trúc dài để treo cánh diều lên chờ gió đến. Tôi lặng lẽ ngồi xuống chỗ của mình, lặng lẽ quan sát, không ý định làm quen, không ý định giúp cho cánh diều tiếp gió. Em loay hoay cố gắng thả con diều nhỏ, bất ngờ té ngã sóng soài trên đám cỏ thưa khô. Tôi đành đi đến chỗ em, giúp em đứng dậy. Em nhìn tôi cười bảng lảng. Tôi chạy diều giúp em và bất ngờ phát hiện ra gió ở đây thả diều thiệt dễ. Trao lại cho em hộp lon quấn dây cước với cánh diều chịu gió, bay thật đằm, tôi buột miệng khen: “Em làm diều ngon lắm!”.

Tôi ngồi xuống vệ cỏ, thư thả ngắm bầu trời đang hào phóng thả những ngọn gió quanh cánh diều mỏng mảnh. Em cũng ngồi xuống bên tôi. Tôi nhìn em cười lạt. Em đáp lại với nụ cười không giống vậy. Rồi không một lời nào nữa, chúng tôi ngồi lơ lãng suốt chiều. Khi hoàng hôn sửa soạn, em thu sợi dây diều, con diều chao xuống vai tôi, tôi đọc được chữ “chuyến đi…” gì đó trên cái tít tờ báo mà em làm diều và gương mặt cô người mẫu bị cắt mất phần trán.

- Mình về thôi chị!

Đêm ấy tôi nằm mơ thấy dĩa bay rơi xuống mặt hồ.

Chiều lại xuống. Tôi lệ thường thả bước ra hàng gáo. Em đã đứng đó, cánh diều thôi, không mang theo cây trúc nữa. Em chờ tôi với vẻ rất tự tin. Tôi lơ lơ ngồi xuống vệ cỏ, thay lời chào bằng cách cất đi gương mặt không thân thiện. Em đến bên tôi trên đôi nạng gỗ, cười hiền:

- Chị ơi, chị chạy diều đi. Em biết thế nào chị cũng tới.

Cánh diều mong manh mềm mại làm sao, những cái đuôi líu quíu bay lấn quấn vào tóc tôi. Tôi đứng dậy. Cánh diều thư thả bay thật ngọt trong gió chiều lao rao. Em bỏ đôi nạng gỗ, ngồi xuống bên tôi, ngước đôi mắt trong veo lấp loáng sắc hồ giản dị. Rồi em chăm chú ngắt những lá cỏ. Tôi nhìn ra hồ, quên sự hiện diện của em. Tôi thả hồn mình bập bênh trên những ngọn sóng, nhớ nghĩ miên man về những điều không cuối không đầu. Nếu với Descarter là tư duy, thì với tôi là những suy nghĩ miên man không đầu không cuối, vu vơ và mê mải. Không có những suy nghĩ miên man vu vơ mê mải ấy, tôi ứ biết mình lấy gì để tồn tại khi trống hoác tư duy.

Chợt giật mình vì có ai đó kéo vạt áo:

- Chị ơi!

Tôi quay lại, em chìa cho tôi một cái thuyền con con bằng lá cỏ. Ôi tuyệt quá! – tôi reo lên – Em khéo tay quá!

Em cười thiệt dễ thương:

- Em cho chị đó! Chị thả xuống hồ đi!

Tôi nhoài người thả ngay chiếc thuyền cỏ, khoát khoát nước cho thuyền dạt ra xa. Ối! - một chú cá nhào lên đớp, tôi hốt hoảng la. Em cười giòn. Tiếng cười trong vắt pha lê. Tôi ngớ người rồi cũng cười. Thật dễ chịu khi được cười chung với giọng cười trong veo ấy. Chiều xuống thật nhanh. Ông mặt trời hụp xuống phía bên kia hồ, vẫy lại chút hoàng hôn trên tóc tôi và em. Tôi thay em thu sợi dây diều. Lại nhìn thấy hình một cái máy móc gì đó mới phát minh in trên tờ giấy báo, phía bên kia là hình cô người mẫu bị cắt mất phần trán.

Tôi đã lần hồi đi qua được mùa xuân với những buổi thả diều thật lý thú và lãng mạn cùng em. Một niềm vui nhẹ nhõm lân la trong lòng khi biết hè sắp đến, tôi sắp được trở về thành phố, gặp lại bạn bè, người thân. Những buổi thả diều bắt đầu bị gián đoạn vì những cơn mưa sớm. Những cơn mưa không đoán được. Khi thì chúng tôi ướt mem vì chạy về không kịp, khi thì về đến nhà rồi lại tiếc nuối ngồi chong mắt ra nền trời vừa phủi đi những đám mây đen, gió lại rất đằm.

Trẻ con bắt đầu mùa đá dế. Tôi hờ hững hỏi: “Sao em không đá dế?” Em lặng lẽ cười buồn, đôi mắt đọng màu cặp nạng. Trời trong, mặt hồ hiu hắt dăm vòng sóng, chắc dưới sóng kia cũng chẳng có gì, lòng tôi nghĩ thế. Từ ngày đến đây, chưa bao giờ tôi thấy hồ có những dợn sóng đáng quan tâm.

Một buổi chiều, tôi bất ngờ nhìn thấy cái chòi lá con con, nơi tôi và em vẫn ngồi. Em nhìn tôi, tay siết chặt sợi dây buộc mấy tàu lá chuối khô trên nóc chòi, nói nghe chững chạc:

- Để khi trời mưa chị em mình khỏi ướt, khi trời chuyển mưa mà lại không mưa, chị em mình đỡ tiếc!

Tôi nhìn em, tự dưng thấy em tiềm ẩn giòng máu Phù Đổng! Lớn hồi nào tôi hổng hay!

Vậy là những buổi chiều mưa. Hai chị em ngồi bó gối nhìn ra mặt hồ nở hoa bóng nước. Đôi khi tôi kể em nghe chuyện trên trời dưới đất, em thì chẳng kể gì, đa phần là im lặng. Tôi khâm phục sự im lặng. Mười sáu tuổi mà biết im lặng!


***

Tôi về thành phố. Cầm tinh tuổi con cọp nên đôi lần va vào những vấn đề phía trước là tôi quên ngay những vấn đề phía sau, quên ngay làng quê nhỏ ấy với những đứa học trò nhỏ, người con trai nhỏ, con diều nhỏ, sợi dây nhỏ, chiếc thuyền cỏ nhỏ và căn chòi nhỏ…

Làng quê xưa giờ bỗng trở thành một vùng du lịch sinh thái nổi tiếng. Trong chớp mắt, heo hút thành sầm uất, xấu xí thành ngộ nghĩnh. Đọc lời quảng cáo trên báo, tôi chợt nhớ… Và trong ký ức chao chao lại một cánh diều, mơ hồ vơ vất một sợi dây, lững lơ con thuyền cỏ...

Vậy là tôi thu xếp cho cả nhà cùng du lịch miền quê.


***

Tôi bần thần đứng trước ngôi mộ là một trong những điểm tham quan. Bên cạnh là một cái chòi bằng lá chuối khô lạ lùng quen thuộc! Cô hướng dẫn viên giọng xúc động một cách bài bản:

- … Cô giáo về thành phố, không tin tức. Mỗi ngày cậu con trai nhỏ vẫn ra hồ. Cậu ngồi dán những cánh diều và tết những con thuyền cỏ. Những cánh diều không bao giờ thả, nằm sóng soài, dần tả tơi trên đất. Những con thuyền cỏ treo lủng lẳng; thuyền mới thuyền cũ, thuyền xanh thuyền vàng, tươi úa bên nhau, lắc lư bồng bềnh rồi rắc rơi trong gió. Hai mươi năm như thế…

Trời! Hai mươi năm?!! Cuộc đời này có chăng cái gọi là “linh cảm”? Tôi đã sống an lành, nhẹ hững bình yên hai mươi năm với đủ mọi thứ “cảm” trên đời, nhưng đã không “cảm” được một tâm hồn, một tình yêu thiêng liêng như thế! Tại vì sao?

Hồ vẫn lao xao sóng. Hồ giờ được người chăm chút, đã khác xưa. Cỏ có xanh hơn nhưng đầy những vết thương vì chân người giẫm đạp. Gió chẳng diều bay gió vẫn đằm đằm. Dẫu không ai có thể chăm chút, sửa sang được những con sóng nhưng tôi đã thấy được rồi sóng khác ngày xưa…