Việt Văn Mới
Việt Văn Mới





TIẾNG TẮC LƯỠI
CỦA CON THẰN LẰN




  T rời còn sớm bửng, thầy giáo Tư đã thức dậy, người mỏi nhừ như bị ai đánh khắp mình mẩy. Tối qua con thằn lằn trong góc nhà cứ tắc lưỡi suốt đêm, chả ngủ nghê gì được. Mà tiếng tắc lưỡi của loài bò sát quen thuộc này sao ban ngày chẳng ai chú ý, ban đêm lại vang lên khó chịu, bứt rứt đến vậy! Hay tại ban ngày nó ít khi kêu ?

Tắc …tắc… tắc… Nghe cứ như ai chắc lưỡi, thở dài thườn thượt bởi một nỗi bế tắc, cùng cực nào . Nhất là trong đêm khuya, khi mọi thứ đều im ắng, tĩnh mịch, cái tiếng chắc lưỡi ấy càng não nuột , bi thương . Nó khiến thầy giáo Tư cứ thao thức, trăn trở rồi nghĩ đến mọi thứ chuyện linh tinh lang tang, mà không có chuyện nào vui vẻ cả. Kỳ khôi vậy đó ! Ngẫm nghĩ lại thì cuộc đời xế chiều của người thầy giáo này có gì là bi thương đâu mà nỗi buồn lại cứ gậm nhấm thầy suốt đêm như vậy.

Thầy giáo Tư đi như chạy ra khỏi nhà, nôn nóng đến quán cà phê đầu ngõ. Ở đó chắc thầy giáo Liêm, bạn thân của thầy cũng đã có mặt. Ông này thường đi tập thể dục sớm, ghé lại quán ngồi một chập thì thầy Tư mới ra. Mỗi ngày đều như vậy, riết rồi thành thói quen không thể bỏ được vào lúc đầu ngày.

Trái với mọi khi, hôm nay thầy giáo Tư là người đến sớm. Vừa ngồi xuống gọi ly cà phê đen nóng thầy giáo Liêm mới tới. Vừa thấy mặt bạn, thầy Tư hỏi liền:

- Ông có đọc báo hôm qua không ?

Như hiểu ông bạn, thầy Liêm gật đầu :

- Cái vụ bọn học trò côn đồ chận đánh thầy giáo chứ gì ?

- Ừ. Sao lại vậy hả ông ? Sao đến nỗi thế ?

- Ông hỏi tôi, tôi biết hỏi ai. “gặp thời thế, thế thời phải thế”, ông quên rồi sao ? Mà ông không thấy học hành thi cử giờ đầy dẫy tiêu cực đó sao ?

Thầy giáo Tư rầu rầu vẻ mặt :

- Đến ông mà cũng nói như vậy sao ? Con cháu mình rồi thế nào đây?

Thầy giáo Liêm cũng lấy lại vẻ nghiêm trang, giọng trầm hẳn xuống :

- Thì ráng dạy nó lễ nghĩa ở đời chứ sao ! Trường học nào chẳng treo cao khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” hả ông bạn. Có điều bọn nhỏ có hiểu để học theo không cũng còn là vấn đề, phải không ?

Hai ông bạn già ngồi ngay góc đường nhộn nhịp gần khu chợ mà mặt ỉu xìu như cái bánh bao chai. Không nói ra chứ cả hai đều hiểu thấu lòng nhau. Mà không hiểu sao được ! Cả hai là đồng hương, cùng học trường tiểu học ở xã, rồi cùng thi đậu vào sư phạm Vĩnh Long ra làm thầy giáo, lại dạy chung trường trong TP này. Hơn ba mươi năm đứng lớp, mới được hưu vài năm nay, con cái lớn khôn, gia cảnh tạm thư nhàn, tình bạn vẫn bền chặt như ngày nào nên có chuyện gì mà họ không chia sẻ cùng nhau . Nhìn bề gia cảnh thì thầy giáo Liêm có “nhỉnh” hơn một chút, hai thằng con trai đều theo ngành kinh tế, lương bổng tương đối, chỉ còn đứa con gái lấy chồng rồi buôn bán tạp hóa tại nhà, cũng trong xóm cũ nên sớm hôm vẫn thường xuyên tới lui chăm sóc ba má. Thầy giáo Tư chỉ có một mụn con gái, học hành cũng giỏi dắn, tốt nghiệp đại học sư phạm tưởng đi theo nghề để thầy tự hào có được truyền nhân, nào ngờ nó chê “làm cô giáo ít lương” nên đi làm cho công ty nước ngoài. Đứa con độc nhất vừa là niềm vui cũng vừa là nỗi lo của thầy giáo Tư. Cứ nghĩ làm cô giáo đời sống ổn định, êm ả , tránh được cảnh bon chen, chụp giựt nhưng bọn trẻ bây giờ chúng có suy nghĩ khác, biết làm sao được ! Mãi tới nay con nhỏ vẫn chưa có gia đình, chạy miết theo công việc vậy thôi. Hình như buổi sáng nay, ngồi nơi quán cà phê đầu ngõ này, lần đầu tiên nhớ đến con gái, thầy giáo Tư không thấy nặng trĩu trong lòng như trước. Những tin tức đọc trên báo hàng ngày khiến thầy thay đổi cách nhìn về cái nghề mà xưa nay thầy vẫn coi là cao quý, là bất khả xâm phạm đó chăng ?

Hai người bạn già từ giã nhau ra về với câu nói quen thuộc mọi khi :

- Mai gặp lại!

- Ừ, mai gặp lại, ông về cẩn thận !

Về tới nhà, thầy giáo Tư lại ra chiếc võng ngoài hàng ba nhà, nằm đong đưa như mọi hôm. Tờ báo mới mua ban sáng vẫn cầm trong tay nhưng cái thú vui đầu ngày này không cuốn hút thầy chút nào bởi hôm nay lòng thầy giáo Tư ngỗn ngang trăm mối, thầy những muốn “tĩnh tâm” để suy ngẫm chuyện đời, chuyện người một chút. Và, như con nước trở về nguồn, bao giờ có chuyện không yên, thầy lại nhắm mắt, đưa mình trở về “chốn ấy”…


**

Ngôi trường nằm sát bến sông, mỗi sáng mấy đứa học trò nhà ở bên kia phải đi đò sang học . Cách trở đò giang vậy chứ vẫn gần hơn nếu chúng đi đường bộ ra tận trường trên kia, tận Mỹ Khánh. Cậu bé Tư ngày đó hôm nào cũng cùng thằng bạn tên Liêm ở xóm trên qua đò đi học . Trường nhỏ, chỉ vài lớp học cấp tiểu học, hai đứa vào lớp một học với thầy Lương, ông thầy dạy luôn hai lớp, lớp một và lớp hai, lớp buổi sáng, lớp buổi chiều . Vì vậy suốt hai năm học, hai cậu bé đã được thầy dìu dắt từ những bài học vỡ lòng đến khi biết làm từng bài toán, viết từng bài chính tả.

Nhà thầy Lương ở gần trường, chếch về phía chợ nên mỗi khi tan học, hai cậu bé len lén vòng quanh khu chợ bắt buộc phải đi ngang qua nhà thầy, ngôi nhà có bụi hoa nguyệt quế thật lớn trước sân, mùa nắng toả hương thơm nức mũi tự đàng xa rất dễ nhận ra . Còn nhớ có hôm hai đứa vừa từ chợ đi quành lại để về bến đò, gặp thầy gọi lại. Hai cậu chàng run cầm cập sợ bị mắng, nhưng thầy chỉ ôn tồn:

- Hai trò tan học rồi nên mau về nhà coi có đỡ đần được chút nào cho cha mẹ không . Đi rong chơi chỗ này chỗ kia có ích gì đâu !

Những lời nói nhẹ nhàng ấy sao mà trải bao nhiêu năm, biết bao vật đổi sao dời cậu học trò xưa vẫn không quên. Nó khắc sâu vào lòng như hình ảnh ông thầy dáng cao gầy, khuôn mặt có vẻ nghiêm nghị mà như thấp thoáng nụ cười hiền lành, đôi mắt sâu sáng rực như nhìn thấu tâm can kẻ khác… Ai đó nói “người thầy đầu tiên” bao giờ cũng in dấu ấn rơ nét trong tâm hồn học trò. Với cậu bé Tư, cậu bé Liêm những năm xưa quả là vậy. Hai cậu ra thành phố học, rồi ra trường dạy học, có chút thành tựu trong cuộc sống nhưng ngôi trường nhỏ bên sông, cái ngã ba mênh mang sông nước của vùng quê mộc mạc xưa thì vẫn đọng mãi trong lòng. Họ thân nhau cũng vì mảnh trời chung ấy, vì người thầy tôn kính ấy. Gặp nhau, không nhắc chuyện cũ thì thôi, bao giờ ôn lại năm tháng cũ, hình bóng thầy Lương vẫn thấp thoáng trong từng kỉ niệm một thời xa lắc trong lòng hai thầy giáo cả một đời nối gót chân thầy. Vậy mà đã mấy năm rồi thầy giáo Tư không về lại quê, không ghé thăm thầy cũ ? Lần đến nhà thầy vào ngày Tết năm nào hình như đã lâu lắm, thầy trò gặp nhau vui mừng biết mấy. Thầy đã qua tuổi “cổ lai hy” lâu rồi mà vẫn khoẻ, tiếng nói vẫn ấm áp, vang vang như thuở nào, hai trò xưa nay đã thành đồng nghiệp, bao chuyện hàn huyên. Có lẽ từ khi lớn lên, cùng đứng trên bục giảng như thầy, cậu học trò xưa mới biết nhìn thầy giáo của mình như một người bình thường. Những ngày thơ bé, ông thầy mới oai nghiêm làm sao, phi thường làm sao! Những cậu học trò không thể nào tin thầy Lương của mình từng đi rọc lá chuối cho mẹ gói bánh tét bán chợ, cũng như không thể nào nghĩ thầy từng bắt ốc hái rau, từng nhảy ùm xuống sông đùa giỡn như mình… Ôi , trong lòng lũ học trò nhà quê ngày ấy, người thầy quả thực được tôn vinh như một vị thần đứng trên bệ cao. Nhưng dù biết thầy cũng chỉ là người thầy bình thường như chính mình hôm nay, niềm tôn kính vẫn không hề suy giảm. Chỉ có thêm sự đồng cảm thân thiết của tình đồng nghiệp mà thôi…

Càng nhớ, thầy giáo Tư lại thấy bồn chồn, băn khoăn trong dạ. Chắc mình phải rủ ông bạn già về thăm thầy thôi. Mấy cái Tết rồi không gặp thầy, không biết thày ra sao rồi ? Mùa xuân đến có đứa học trò cũ nào đem mai đến cho thầy cắm vào chiếc độc bình quý báu của thầy không ?


**

Chưa kịp về thăm thầy Lương, cách mấy ngày sau, thầy giáo Liêm đã hớt hơ hớt hãi đến nhà bạn :

- Thầy mất rồi Tư ơi! Con cháu gái ở Phong Điền mới ra báo tin đó.

“Thầy mất rồi Tư ơi” ! Lâu lắm thầy Tư mới nghe bạn gọi mình như vậy. “Tư ơi”, tiếng kêu thảng thốt của cậu bé năm xưa. Tư ơi, Liêm ơi! Thầy mất rồi ! Thầy mất rồi ! Vậy là không được gặp mặt thầy nữa rồi, không được kể với thầy những băn khoăn ray rứt suốt mấy ngày nay nữa rồi.

Hai người học trò cũ lên xe đèo nhau chạy về Mỹ Khánh. Bến phà ngay kinh Vàm Xáng vẫn nhộn nhịp người qua lại. Mấy năm nay dân chúng không còn phải đi đò nữa, mấy người đi xe gắn máy cũng không phải gởi xe bên này mà chạy thẳng xuống phà nên rất tiện. Vậy mà mình vẫn không về thăm thầy thường xuyên! Đứng trên phà ngang qua sông, nhìn lại con sông rẽ ra ba nhánh chảy về Cần Thơ, Vàm Xáng, Phong Điền nước lớn mênh mông, thầy giáo Tư tự trách với nỗi xót xa dằn vật trong lòng.

Về đến nơi thì thầy đã được liệm rồi. Vị thầy cúng đang tụng kinh phát tang cho gia quyến. Cũng chẳng nhiều nhặn gì ! Vợ thầy đã mất mấy năm trước, con gái lấy chồng xa, hai vợ chồng đứa con út sống chung tại đây và bốn năm đứa cháu gì đó. Hai ông thầy giáo học trò ngồi uống nước ở bàn ngoài, nhận ra rất nhiều gương mặt quen của đám bạn đồng môn vùng quê nhà. Thầy giáo Tư biết, các bạn cũ vẫn tới lui thăm viếng thầy, họ là những người có mặt sớm nhất khi thầy lâm chung. Tin tức không có gì mới lạ nhưng vẫn làm ấm lòng người học trò ở xa, không trọn đạo với thầy xưa.

Vị thầy cúng tụng xong thời kinh, thầy Tư và thầy Liêm vào bàn thờ tế thày. Nhìn lên đầu quan tài, ảnh thầy vẫn mĩm cười tươi tỉnh trong khuôn hình mà hai cậu học trò xưa nước mắt rưng rưng. Qua màng khói nhang và nước mắt, thầy giáo Tư còn thấy chiếc độc bình để trên bàn cúng vong được cắm đầy hoa huệ trắng. Chiếc bình vẫn bóng loáng với nước men xanh lam, với cảnh hai ông tiên đánh cờ trên thạch bàn và chú tiểu đồng lấp ló sau gốc cây tùng. Hai người vái lạy lui ra rồi mà thầy giáo Tư vẫn nhìn như khắc vào tâm trí hình dáng chiếc độc bình quý của thầy Lương. Thầy nhớ như in lời thầy kể năm nào:

- Chiếc độc bình này là tặng vật quý báu nhất cả một đời đi dạy của thầy. Đó cũng là lần duy nhất thầy nhận quà của học trò, mấy trò nghĩ có lạ không?

Rồi thầy kể cho hai cậu học trò nghe về lai lịch của nó: Vốn là lúc thầy mới ra trường, đi dạy ở miệt trong ngọn rạch, có cậu học trò đem chiếc độc bình cổ này đến , khoanh tay lễ phép :

- Tía con biểu mang “kính” thầy chiếc độc bình . Đây là của ông nội con để lại, tía con dốt nát, không biết giá trị của nó nên kính thầy giữ dùm.

Nhìn nước men màu lam và dấu triện Xương Nam khắc dưới đáy bình thầy giáo Lương biết sự quý giá của chiếc bình nên nhiều lần từ chối. Nhưng cha cậu học trò lại đến nhà nằn nỷ “xin thầy nhận cho không thì uổng phí tâm huyết của tía con tôi”… Cuối cùng thầy đã nhận nó như nhận một ân tình, một phần thưởng vô giá của người thày. Và từ đó, chiếc độc bình vẫn “ngự” trang trọng trên bàn thờ để thầy giáo Lương cắm mai ngày Tết. Thầy còn nói:

- Chỉ có hoa mai, loài hoa tượng trưng cho người quân tử thanh khiết, kiên cường kia mới xứng đáng với chiếc độc bình cổ này.

Có phải vì vậy mà cả đời thầy đã sống với cái Tâm của người xưa, của loài hoa cao khiết kia chăng ? Bởi qua lời các bậc trưởng thượng trong xã, thầy Tư còn biết đáng lẽ được giảng dạy ở TP do học rất giỏi, thầy giáo Lương đã xin về quê nhà vì “Vùng xa thiếu giáo viên , con em đi học khó khăn nên chịu nhiều thua thiệt..” Và vậy là may mắn biết bao cho những đứa trẻ được thầy dìu dắt ở vùng quê nghèo này, trong đó có thầy giáo Tư , thầy giáo Liêm và bao người nữa ...

Hình ảnh chiếc độc bình trên bàn thờ và câu chuyện kể của người thầy cũ lại khiến thầy giáo Tư ứa nước mắt. Thầy ơi, xin thầy cứ yên nghỉ, xin thầy cứ tin như xưa giờ thầy vẫn tin, rằng loài cây kia đã sẵn sàng trút hết lá để nhựa sống tràn lên cho hoa mai bung cánh vàng rực trên cành mùa xuân làm đẹp cho đời. Loài hoa thanh cao , quân tử kia chẳng phải như thầy đó sao?

Đưa tang thầy cũ trở về, trời đã ngả trưa. Những chuyến phà sang sông đầy ắp người. Thầy giáo Tư nhìn đồng hồ. Đã gần một giờ trưa. Hèn gì học sinh đông vậy. Nhìn đám trẻ chen nhau xuống phà, hồi ức về những ngày xuống đò qua sông của một thời thơ trẻ như bùng lên trong lòng người giáo viên đã nghỉ hưu . Chừng như hiểu được tâm tư của ông bạn già, thầy giáo Liêm buột miệng :

- Bọn nhỏ bây giờ sướng hơn mình hồi đó nhiều hả ?

Thầy giáo Tư cũng gật gù :

- Ừ , sướng hơn thiệt. Gặp khi trời mưa gió không cực như bọn mình . Có điều chắc bọn chúng cũng không biết mình sướng đâu !

Đừng trong lòng phà, nhìn sóng cuộn ầm ào dưới chân rồi thả mắt theo con nước đổ vào mấy nẻo sông mịt mùng xa tắp, lòng thầy giáo Tư lại bề bộn, ngỗn ngang. Nhìn ông bạn già đứng kế bên, gương mặt thầy Liêm cũng đăm chiêu, nhăn nhúm như sóng xô từng đợt, từng đợt trên mặt sông …


***

Đêm hôm đó thầy giáo Tư lại một mình thao thức trước hiên nhà. Nằm đu đưa trên võng, mùi hương nguyệt quế từ góc sân lại toả ngát, thơm lừng . À, gốc nguyệt quế này mình chiết từ nhà thầy Lương Tết năm nào đây mà ! Hương nguyệt quế quen thuộc như ve vuốt, như vỗ về làm dịu bớt nỗi đau thắt trong lòng. Ít ra mình cũng còn được chút kỷ niệm của thầy. Mới nghĩ tới đó thầy Tư lại ứa nước mắt .

Tắc..Tắc..tắc… Con thằn lằn trong kẹt nhà lại chắc lưỡi liên hồi như phụ hoạ vào nỗi buồn của thầy Tư. Mẩu tin trên báo mấy ngày trước như được khơi lại trong trí. Chao ôi, cuộc đời dạy học của vị thầy cũ, chiếc độc bình cổ và tấm lòng “Tôn sư trọng đạo” cả một thời đẹp đẽ, vàng son của đạo học đâu cả rồi ? Và đã có xa xôi gì đâu, những ngày trên bục giảng của mình, của thầy giáo Liêm. Những con người làm nghề “GODAUTRE” để được sống trong lòng nhân dân ấy đã mất đi chỗ đứng của mình rồi sao ?

Tắc…Tắc…Tắc… Lại tiếng than não nuột của con thằn lằn ! Gió đêm lạnh buốt thổi qua vơng nằm khiến thầy giáo Tư rùng mình, có cảm giác như cái lạnh toát ra từ trong xương thịt.

Không, không đâu! Thầy giáo Tư lắc đầu dứt khoát như có mặt ai đó đối diện với mình. Mình không thể bi quan, không được quyền bi quan như vậy. Đám tang thầy Lương chẳng phải đông nghẹt học trò cũ đó sao ? Những giọt nước mắt ứa ra nào phải là giả dối, là hời hợt. Và còn nữa, trên từng chuyến phà qua lại trên bến sông kia không phải chở theo bao tấm lòng thày cô, bao ước mơ, hi vọng trong sáng của bao thế hệ học trò đó sao ? Tuổi trẻ có thể vô tâm, rồi vô tình . Nhưng người lớn có thể nào “vô cảm” với những sai trái, lầm lỗi kia được. Phải có một ngày, mọi thứ sẽ lấy lại nguyên trạng của nó, người xưa vẫn dạy “cùng tắc biến, biến tắc thông” mà ! Có điều đến bao giờ mới “thông” để trở lại đạo “hằng” đây ? Liệu những người thầy giáo già như thầy, như thầy Liêm có còn được rạng mặt nở mày với lớp cháu con ?

Hương nguyệt quế lại thơm ngát trong đêm. Con thằn lằn trong góc nhà không chắc lưỡi nữa. Trong óc thầy giáo Tư lại hiện ra hình ảnh chiếc độc bình cổ với nước men màu lam, bóng láng sáng ngời của người thầy cũ. “Chiếc độc bình như một món nợ ân tình” của cả một đời làm thầy !.