Việt Văn Mới
Việt Văn Mới







ĐỜI THẾ MÀ VUI !




  N gồi ôm hông chồng sau anh xe ôm lái con “Min - khờ” - thế hệ phương tiện giao thông tồn đọng từ mấy chục năm trước của người anh cả xã hội chủ nghĩa, tim tôi không ngừng hết mềm ra rồi đột ngột quặn cứng lại.

Mưa vẫn đổ ngang trời, tầm tã. Lặc lè trên lưng tận ba nhân mạng, con “Min - khờ” cao tuổi vẫn cố hùng hổ lao trên đoạn đường tối tăm trải đá dăm dang dở và la liệt ổ trâu ổ bò ngập đầy nước như những chiếc bẫy. Tiếng máy của “Min - khờ” thô kệch, mệt mỏi trong đêm khuya khoắt, nghe như tiếng chiếc xe công nông ngất ngưởng chở đầy hàng vậy. Có lúc, đang lăn trơn tru “Min - khờ” bỗng khựng lại, thở Ánh đèn pha của Min - khờ chẳng đủ soi tỏ mặt đường như định lịm hẳn.

Anh xe ôm nghiêng người, đưa một tay sờ soạng xuống phía dưới máy, chừng như điều chỉnh nút xăng. Trong nháy mắt, tay xe loạng choạng, tôi cứ ngỡ cả ba sẽ ngã chổng kềnh giữa đường, ngửa mặt dưới làn mưa xối. Vậy mà, cánh tay vạm vỡ của người nông dân vùng đất cằn tỉnh Thanh đã nhanh chóng “dằn mặt” sự giở chứng của “Min - khờ”, đưa con tim tôi trở lại nhịp đập ổn định. Chưa kịp qua một hơi thở đều, tay lái “Min - khờ” lại loạng choạng, ngoằn ngoèo, ngoắt ngoéo, để tránh không trèo lên những khối gạch to xù ngang ngạnh đầy mặt đường. Ngực trái của tôi ngay lập tức thắt lại, hơi thở nghẹn ứ. “Đấy là những “chiến luỹ”… dân sinh sống hai bên đường ném ra… khi màn đêm xuống, ngăn không cho ô tô qua lại”. Vừa cúi mặt vượt mưa, lách ngoắt ngoéo qua những hố nước to, vượt “chướng ngại vật”, anh xe ôm vừa giải thích ngắt quãng. Thật lạ! Giai đoạn hội nhập, theo quy hoạch phát triển kinh tế xã hội chung, đường quốc lộ được mở đến tận những nẻo hoang vắng xa xôi, với dự tính “đổi đời” cho cả một vùng đất từng có thời, “ăn rau má” quanh năm này. Vậy mà, những cư dân ven con đường này lại định lập “chiến luỹ” để làm rào cản tiến trình “thoát nghèo”, giữ nguyên nếp nghĩ thuở hoang sơ, như kiểu xây hai cột mốc bên đường, ấn định khoảng không vừa đủ chỉ cho xe đạp, cùng lắm là xe máy, vào làng. Phải chăng, nếp nghĩ bản vị, cục bộ thâm căn cố đế đã làm cho họ sợ sự mở mang, phát triển?! Sợ không theo kịp những tiến bộ chung?! Hay, họ sợ… “được đổi đời”?! Lạ lùng thay!

Khác hẳn lúc trở ra này, khi sáng chúng tôi bước chân đến nơi đây là gần chính ngọ, trời nắng nóng. Cái nóng cái nắng chưa đến nỗi đổ lửa, nhưng cặp kính râm tôi đeo vẫn không đủ ngăn sáng, làm cho hai con mắt cứ phải nheo nheo lại. Và bụi. Bụi đường đất đỏ. Bụi trắng xoá từ những đám đá răm trải chưa kịp lấp nhựa. Mịt mù. Mung lung.

Đang yên đang lành, vợ chồng tôi quyết định làm một chuyến tìm lại mẹ cha, sau mấy chục năm “xa cách”. Nói như vậy, không có nghĩa là, chúng tôi bị lưu lạc cha mẹ tự thuở ấu thơ, để đến bây giờ qua nhiều thông báo “Tìm người nhà”, mới được gặp lại. Cuộc gặp của chúng tôi, nôm na theo sự hiểu thông thường, đó là, đi “gọi hồn” cha mẹ. Để người âm người dương được đôi hồi đoàn tụ, trò chuyện, thăm hỏi, dặn dò, nhắc nhở... chuyện làm ăn, sinh sống, cách đối nhân xử thế sao cho trọn nghĩa, vẹn tình…

Trước nay, việc cúng tế cha mẹ, được cái hai vợ chồng tôi đều thống nhất cùng một quan niệm giản dị. Mỗi ngày, nên thắp nén hương thơm trên ban thờ cúng gia đình, để tưởng nhớ công sinh thành của mẹ, nghĩa dưỡng dục của cha. Còn thì, cả hai chúng tôi luôn nghĩ, khuất núi là hết. Là chấm dứt một sự sống. Chấm dứt cuộc mưu sinh. Chấm dứt mọi ân oán. Chấm dứt hết cừu thù. Khuất núi chính là dấu chấm hết cho sự tồn tại của những cuộc đời, mà đa phần khi sống luôn chỉ là triền miên những chuỗi vui ít buồn nhiều, no chẳng được mấy còn đói thì dẳng dai… Chúng tôi luôn cho là vậy!

Thế nên, cũng thật kỳ cục mà vợ chồng chúng tôi chợt lên cơn hứng, nghe theo bạn bè, tìm đến một chốn heo hút, cách xa Thủ đô hơn hai trăm cây số, để “đoàn tụ” cùng mẹ cha sau mấy chục năm phân ly cách biệt. Trên đường ra bến xe, chúng tôi chỉ chuyện trò vu vơ. Cố không đả động đến cuộc “gặp mặt” (nếu có) sắp tới. Trải quãng dài của cuộc hành trình, xảy ra vài ba trục trặc về xe cộ làm những người cùng đoàn khó chịu đôi chút; song, thời buổi với đầy đủ các loại phương tiện giao thông, việc khắc phục sự cố là không khó, nên cuối cùng chúng tôi cũng “đổ bộ” được lên địa điểm dự tính “mời” mẹ cha “tái dương”.

Trước mắt chúng tôi xuất hiện ngôi nhà nhỏ, mái bê tông, tuềnh toàng giữa một khu vườn rộng - nhà của người đàn bà gách vai trò làm cầu nối giữa vong hồn của những người đã khuất, với các thể loại chúng sinh nơi trần thế. Cây cối trong vườn không xum xuê, nhưng cũng không đến nỗi tạo cho người ta cái cảm giác xác xơ, cằn cỗi. Vẫn có một vài cây vừa đủ bóng râm cho mọi người ngồi nghỉ, chờ đến phiên mình được gặp “vong” của người thân đến từ cõi âm; và, hóng những ngọn gió hiếm hoi trong tiết trời oi ả, đe doạ cơn bão giông đang lẩn quất quanh đâu đó. Anh xe ôm, sau khi ghi lại cho chúng tôi số phone để liên lạc lúc xong việc, bèn nổ máy. Trong chốc lát, con “Min - khờ” đã khuất dạng mà khói xăng và tiếng rền rĩ già nua của nó vẫn đọng lại dưới những tán cây.

Tôi tò mò ngắm gian nhà. Một ban thờ gần chục bát hương, nằm đối diện chính giữa cửa trước, cũng tuềnh toàng y như cái vẻ ngoài của cả ngôi nhà và toàn bộ cơ ngơi này. Một bộ bàn ghế gỗ giả cổ, chắc chắn, choán cả không gian giữa cửa và ban thờ. Người đàn bà, gánh vai trò sứ giả liên lạc giữa cõi âm với dương thế, ngồi để cả hai chân trên một chiếc ghế đơn, dáng gầy gò, nét mặt đanh khô. Đối diện, trên chiếc ghế dài, là một đôi nam nữ. Cả hai đều có ánh mắt rất thành tâm, đang trò chuyện với “người cõi âm”. Tôi ngồi bệt xuống nền hè, nghe lỏm được, đâu như họ nhờ “cô” gọi đến gần chục “vong”. Từ đời kỵ, cụ, ông, bà, bố, mẹ và có cả cậu em trai chết trẻ. Mỗi “vong”, phải đặt một lễ. Họ còn đem theo cả máy ghi âm, lưu cuộc trò chuyện; có lẽ để đem về cho những người không có điều kiện tham dự, nghe lại. Thế là, “cô” hết là cụ, rồi, ông, bà, cha, mẹ… của đôi nam nữ nọ.

Mặt trời ngả hẳn phía tây. Đã qua gần năm tiếng đồng hồ từ lúc chúng tôi đặt chân đến nơi. Cuộc trò chuyện âm dương giữa đôi nam nữ với “vong” của những người thân, thông qua “cô”, nghe chừng vẫn quấn bện. Đoàn chúng tôi hết đứng lại ngồi. Quanh quẩn vào sân, ra vườn. Nhấp nha, nhấp nhổm. Cái nóng trở nên vô cùng khó chịu. Khắp người tôi, cả trên khuôn mặt, tự nhiên ngứa ran. Xuất hiện những vết mẩn đỏ, dấm dứt. Mọi người bảo, có lẽ tôi bị dị ứng bởi đám rơm rạ còn ẩm đang lót để ngồi. Hay tại phấn của một trong những loại cây có ở trong vườn. Cũng chẳng biết nữa. Chỉ thấy ngứa và ngứa…

Cuối cùng, cũng đến lượt vợ chồng tôi được “đoàn tụ” với “mẹ cha”... Trời đã sâm sẩm tối. Liếc qua nét mặt chồng tôi, ngay lập tức “cô” tuyên ngôn: Bác nặng “căn” lắm… Tôi chẳng hiểu “căn” là cái khỉ gì, nhưng qua ánh mắt, lời nói của “cô”, tôi mang máng hiểu, sẽ thật khó để gọi được “vong” của cha mẹ anh. Như để chứng minh cho lời nói của mình, “cô” gieo quẻ đến lần thứ năm, mới phán rằng, “ông” đang nhập, làm “cô” đau buốt cả một bên chân tay. “Cô” cứ suýt xoa, đau nhức lắm, rồi vặn vẹo người. Tay phải nắn bóp tay trái đang cố vươn thẳng ra phía trước. Chúng tôi im lặng. Chợt “cô” bảo, “ông” chẳng chịu nói gì. Mà “bà” cũng đang lên đấy. Đúng là bác nặng “căn” lắm, nên “bà” lên cũng làm “cô” đau nhức khắp người. Chồng tôi và “mẹ” bắt đầu hỏi đáp. Nghe “mẹ” nói, lúc thì anh gật, khi anh lại lắc. Sau một hồi, “mẹ” bảo anh không nói thật với “mẹ”. Đột ngột, “mẹ” vẫy tôi sang ngồi cạnh. Ánh mắt “mẹ” nhìn tôi thật quan trọng, có vẻ như tra khảo, nhưng giọng lại tỏ ra thông cảm và thương dâu. Lần đầu tiên tôi được đối thoại với “mẹ”. Bởi, khi tôi bắt đầu ở với anh thì mẹ chồng tôi đã mất từ khoảng hơn hai mươi năm trước. Vậy mà, chẳng hiểu sao “mẹ” lại tỏ ra thông hiểu đến vậy. “Mẹ” tố anh một thôi một hồi về chuyện “trăng hoa”. “Mẹ” bảo, không có tôi chăm sóc, bênh vực, thì anh không tồn tại đến bây giờ. “Mẹ” xoa xuýt cánh tay tôi, thương xót nói, vì ở với anh vất vả mà tôi gày tong gày teo. Tôi cãi “mẹ” phăng phăng. Rằng, ở với anh tôi hạnh phúc lắm. Anh chăm tôi lắm. Lo cho tôi từ cốc nước ngọt khi đi làm về đến nhà, rồi đỡ đần công việc lúc tôi mệt mỏi. Anh cùng tôi lo bảo ban, dạy dỗ con cái. Rằng, chúng tôi rất vui vẻ mỗi khi ở bên nhau. Rằng, tôi rất tin tưởng ở tình cảm của anh dành cho mình. “Mẹ” cau mày, bảo tôi nói dối. “Mẹ” còn bảo, con trai “mẹ”, “mẹ” biết. Không cần phải nói tốt cho nó đâu. Con giống y như “mẹ” ngày xưa. Lúc nào cũng bao che, bảo vệ cho “bố”. Tôi hiểu, như thế có nghĩa là, “bố” tôi xưa cũng có tính trăng hoa. Và, “mẹ” tôi là người vị tha, bao dung “bố”. Nghe “mẹ” nói vậy, tôi vẫn khăng khăng bảo vệ ý kiến của mình. “Mẹ” nhăn mặt, tỏ ra không bằng lòng… Rồi, “mẹ” chuyển sang đề tài khác. Bảo sao không mang trầu cau cho bà. Sao không mua cho bà loại bánh ướt. Bảo tới nay mua cho bà cái áo ấm, chiếc khăn đội đầu… Tôi hứa sẽ làm hết theo ý bà.

Ngay lúc đó, trời bất chợt nổi sấm chớp. Những hạt mưa rào bắt đầu ào ạt đổ xuống. “Mẹ” tôi thấy thế, bảo “mẹ về” thôi, còn để cho “bố” lên nói chuyện.

“Bố” tôi tỏ ra điềm đạm hơn. Chỉ hỏi những đồ vật mà ngày xưa ở nông thôn hay dùng, có còn không? Rồi “bố” bảo, ở dưới kia, “bố” đầy đủ lắm. Không phải lo cho “bố” cái gì. À, mà “bố” cần cái kính. Năm quyển vở để ghi chép cùng cái bút. Tưởng “bố” thích gì, chứ mấy thứ đó, chúng tôi gửi cho “bố” dễ ợt. Nhà chúng tôi có đầy. Về “mẹ”, “bố” tuyệt nhiên không nói một lời nào. Rồi, cũng như “mẹ”, “bố” bảo phải về để chúng tôi còn ra ô tô, kẻo mưa quá.

Cuộc “tái hồi” cùng “cha mẹ” diễn ra quá nhanh, chỉ trong chưa đầy nửa giờ đồng hồ. Và, dường như “cha mẹ” không tỏ sự vui mừng khi gặp lại anh, đứa con mà mấy chục năm trước khi còn sống, cha mẹ cưng anh nhất. (Là tôi nghe họ hàng anh kể thế). Vậy là, chúng tôi đã lọ mọ vượt quãng đường hơn hai trăm cây số, trong nắng cháy mưa giông, chỉ để nghe được “dăm câu ba điều” từ “cha mẹ”, hư không ra hư thực không ra thực, vậy thôi ư?

Lúc này mưa càng to hơn. Tiếng mưa rơi sầm sập. Gió quật quã, làm nghiêng ngả đám cây ngoài vườn. Cả gian nhà, chỉ nhõn bóng đèn tròn hai lăm oát vàng vọt chợt phụt tắt. Tất cả bao trùm một màn đen. Trên ban thờ, gần chục bát hương với ngần ấy nén hương càng đỏ rực hơn…

Mò mẫm một hồi, tìm mọi cách để che gió, ba lần đánh diêm, đứa con gái nhỏ của “cô” mới châm được ngọn nến. Ánh sáng leo lét của nó không đủ soi tỏ mặt người. Chuyện về hay ở lại được đưa ra bàn cãi. Cuối cùng, tất cả đều quyết tâm ra về. Nhưng quả thật, nếu phương án ngủ lại qua đêm được đoàn thống nhất, tôi cũng không tưởng tượng sẽ trú chân theo kiểu gì trong ngôi nhà bé tẹo, mà riêng số chủ nhân của nó đã ngót mươi người.


* * *

Ngồi lên con “Min - khờ”, đi được một đoạn, mưa đổ nặng hạt hơn. Gió cũng vậy, ào ạt. Gió tạt mưa rát mặt. Cả ba đều không áo mưa. Chỉ có tôi choen hoẻn chiếc mũ vải nhỏ đỉnh đầu. Anh xe ôm, cúi đầu tránh mưa quất vào mắt; gồng người trị con “Min - khờ” luôn tìm cách giở quẻ. Chồng tôi, tay ôm túi đồ, tay ôm eo anh xe ôm. Tôi, tay ôm hông chồng. Tay cố xoè ra, ấp lên đúng đỉnh đầu của anh. Cứ vậy, dưới mưa tầm tã, “Min - khờ” vượt quãng đường dài tối tăm la liệt ổ trâu ổ bò đầy nước, ngổn ngang gạch đá như những chiếc bẫy, hạ cánh an toàn, đưa chúng tôi vào trú chân nơi quán nhỏ bên quốc lộ 1. Anh xe ôm đất cằn tỉnh Thanh tận tình bắt xe, hỏi rõ giá cả, đưa chúng tôi lên chiếc xe chở khách an toàn để về Hà Nội.

Trời vẫn mưa. Chiếc ô tô chở chúng tôi lao như xé gió. Tôi ngồi tựa đầu vào vai chồng. Hơi ấm từ anh toả ra tạo cho tôi cảm giác tin cậy. Từ khi ở với anh, trải nhiều sóng gió bấp bênh, nhưng bất cứ lúc nào, cảm giác này trong tôi luôn là vậy. Thế mà “mẹ” lại bảo, anh có tính “trăng hoa”?!

Nhưng không sao. Một lần nữa, kho tàng tình yêu của chúng tôi có thêm kỷ niệm không dễ quên. Đời thế mà vui!

Tất cả những người trên xe đã chìm vào giấc ngủ. Chỉ còn lái xe và mưa là thức. Xe vẫn xé gió lao nhanh. Lúc này đã quá nửa đêm.