Việt Văn Mới
Việt Văn Mới





DÒNG ĐỜI








Đôi lời tâm sự Nay đã qua ngưỡng ngũ tuần, sau mấy mươi năm miệt mài làm thơ, trên bước đường phiêu lãng, gửi nỗi niềm trong gió bụi muôn phương. Chợt một chiều tôi muốn nhờ giấy bút kia, ghi lại chuyện đời mình, với những buồn vui, thăng trầm trong cuộc sống. Vốn là kẻ tự tuổi thơ, đã thích sống đời phiêu lãng. Nên khi bước vào đời, chán chường cho sự nghiệp công danh,tôi đã dứt áo ra đi,thả chân vào gió bụi, sống rầy đây mai đó,phiêu bạt bốn phương trời. Tôi muốn gửi lại nơi đây, những điều mà thơ tôi chưa nói hết,những biến cố nổi chìm, đôi lúc không theo trình tự thời gian, khi viết liền một mạch, về những người thân thuộc sống quanh tôi.

Nghĩ thế mà mấy tháng nay, chưa viết được chữ nào. Bỗng một đêm, hay tin đứa em bạn xe ôm ra đi đột ngột. Tôi đã viết về em, với tất cả những gì tôi biết,cùng tình cảm của mình, dành cho em suốt mấy năm qua. Câu chuyện có thật về em viết xong, tôi lại viết tiếp chuyện đời mình. Để lỡ đâu mai kia, vì một lý do nào đó, khiến cho ta không kịp viết, những điều ta muốn viết. Và những ý tưởng kia, sẽ mãi mãi là ý tưởng, đến muôn đời cũng chẳng thành văn. Bởi thế đêm qua, khi bài viết đầu tay “Tập thơ tặng muộn” vừa khép lại, khui một lon bia giải khát, phì phèo đôi khói thuốc xong, ngồi vào bàn viết liền một mạch, chẳng hay bình minh đã bừng lên, ấm áp tự khi nào.

Sài Gòn mùa đông 2013


II: VÀO ĐỜI


S o với bạn cùng trang lứa, tôi là một cậu bé, có tâm hồn già trước tuổi, làm thơ chơi đàn từ thuở mới mười ba. Đến năm vừa tròn mười bảy, tôi đã biết yêu, như một thanh niên thực thụ. Thuở ấy dân làng tôi nghèo lắm, chẳng mấy nhà dám mua sắm, đồ chơi giải trí cho con. Cả thôn chỉ có ba cây đàn, như bửu bối là của tôi, của anh Khâm con bác ruột, cùng cây nữa là, của anh em nhà thơ Viên Chính, bạn của tôi cho mãi đến giờ. Vào những đêm trăng sáng, trai gái từng nhóm một, đi bên nhau dưới ánh trăng vàng, làm dáng làm duyên nói cười thân mật, rồi kéo nhau về, đàn hát đến tận khuya. Vào mùa thu hoạch, chúng tôi quây quần trên sân lảy bắp, cùng thưởng thức món bắp rang, ngào đường hoặc mắm cái, giòn tan thơm phức, đến ngây ngất cả người (nhất là khi ở xa, nghe mùi mà chưa được nếm, gợi thèm rỏ dãi). Nay nhà này mai nhà khác, chúng tôi cứ thế vòng công nhau. Và mỗi đêm như thế, là không khí văn nghệ vô cùng sôi nổi, qua trò chơi xì điện. Nếu tôi gọi tên anh, mà anh không xì được tên người khác, thì anh sẽ bị hát một bài. Dở hay không cần thiết, vui là chính, không thuộc cả bài thì hát một đoạn, rồi bất thình lình, chỉ cho người khác cũng được. Nhiều cô ca hay, nhưng miệng mồm nhanh nhảu, suốt đêm chẳng bị hát bài nào. Lắm anh ca chẳng ra ca, khổ nỗi lù đù chậm chạp quá, đành phải liên tục khọt khẹt, giọng ca vàng truyền nhiễm đến anh em. Riêng tôi tính khí thất thường, thật dễ làm người ta khó chịu. Đôi khi anh em đang hát ca cao hứng, tôi bỗng xách đàn về, hoặc có lúc cầm dùi dùi mãi, anh em năn nỉ chơi đàn, cũng chẳng thèm chơi. Có những đêm trời đẹp quá, bạn bè đến rủ đi chơi, tôi vẫn cứ lầm lì, ngồi bên bức họa còn dang dở. Từ nhỏ đến lúc đó, tôi đã họa trên hàng trăm bức tranh quê, chẳng đẹp đẽ gì, cùng chân dung những người tôi yêu thích.

Với hội họa, tôi vừa có năng khiếu bẩm sinh, vừa có động lực vô cùng mạnh mẽ, từ sự ngưỡng mộ, người thầy hiệu trưởng Nguyễn Kỳ, đầy phong cách của tôi. Đó là vào những năm sắp giải phóng, thầy mới ra trường, đã được phân bổ về trường, làm hiệu trưởng thay cho, Bác của tôi đã già, và dạy chúng tôi đang học lớp năm. Bởi thuộc một trong những, học trò cưng của thầy lúc đó, nên tôi thường có việc lên văn phòng, và được dịp chiêm ngưỡng, nhiều tuyệt phẩm thầy mới họa xong, hoặc dở dang còn để nguyên nơi ấy. Đôi khi tan lớp, tôi theo lên văn phòng, ngắm nhìn thầy họa, những bức chân dung, phong cảnh, một cách say mê đắm đuối. Quá trưa, thầy bảo tôi về với gia đình đi, rồi chiều hãy đến. Tôi vâng lời ra về, chiều đến cùng Nguyễn Đạt Phu (em của Bảy Nguyên bạn tôi, giờ nó chết rồi) ngồi nghe thầy đàn hát, hoặc vẽ vời viết lách. Thầy nói tôi có năng khiếu, thầy muốn dạy vẽ cho tôi, nhưng không có thời gian. Tôi nghe mà sướng cả người, vì dù thầy không dạy, nhưng cũng đã nghĩ đến tôi. Thế là về nhà nũng nịu với má, bắt các chị mua cho được giấy tốt, cùng bút màu các loại, thích cái gì là vẽ cái đó, treo đầy nhà như thể, đó là những họa phẩm tuyệt vời, của một họa sĩ tài hoa. Đến ngày thi đệ thất, thầy tập hợp cả lớp, khi trời chưa sáng. Rồi chở những đứa, không có mẹ cha đưa đón, mấy chuyến liền. Và khi trời sáng, chúng tôi đã tập hợp đầy đủ, bước vào thi. Kì thi đệ thất đó, tôi đậu nhì trường. Đậu nhứt là thằng Phạm Văn Cổ mồ côi cha, sau này nó phải bỏ học, vì hoàn cảnh gia đình. Cánh cửa tương lai phũ phàng khép lối, trước chàng thư sinh yếu đuối nhu hòa. Để giờ đây Cổ trở thành, một chú nông dân bần hàn cơ cực, bên chén rượu muôn chiều bạc nhược, hổ thẹn kiếp nhân sinh…

Thời gian âm thầm trôi đi, càng lớn tôi càng lầm lì ít nói. Chỉ mới lớp chín thôi, tôi đã như một ông cụ non rồi. Cứ chiều chiều, trước lúc hoàng hôn phủ xuống, tôi lấy xe đạp, chở nhà thơ Nguyễn Hoàng Dương, đi dạo vu vơ. Thuở ấy cu cậu bé lắm, trông òi ọp yểu tướng làm sao. Chẳng giống tí nào với hai ông anh, to lớn như hộ pháp, là nhà thơ Viên Chính, và bác sĩ Văn Chất bây giờ. Có khi hai đứa, ngồi một chỗ hàng giờ liền, để ngắm nhìn sông nước, đất trời xứ sở buổi hoàng hôn, rồi thơ thẩn ra về, với trong đầu ấp ôm bao ý tưởng, chờ chực rót vào thơ, vào nhạc, hoặc vào những bức họa, bấy lâu nay chưa được hài lòng.

Nguyễn Hoàng Dương từ thuở bé, đã rất tài hoa, là một tài năng âm nhạc. Rất tiếc chú ấy chỉ tự học, không trường trại không bằng cấp, nên giờ đây chỉ là, một nhạc công nổi tiếng ở địa phương thôi. Thỉnh thoảng chú có soạn, đôi bài nhạc cho chính mình, cho nhà thơ Lâm Anh, và cho thằng bạn Trần Vũ của chú. Mới mười hai tuổi đầu, Hoàng Dương đã chơi đàn guitar sành sỏi thánh thót, bay bổng hơn các bậc đàn anh nhiều. Nhà hai đứa gần nhau, chỉ cách hai cái nhà hàng xóm, nên chúng tôi thường qua lại với nhau. Những khi ngồi nhìn chú đàn, với đôi bàn tay bé xíu dễ thương, mà cây đàn thì quá lớn so với chú, nên tư thế chú ôm đàn, trông ngộ nghĩnh làm sao. Bởi thế chú thường hay nằm trên võng, đàn cho tôi nghe những bản nhạc của Moza, Beethoven và gì gì ấy, tôi không còn nhớ nữa, chỉ biết mình nghe, và thán phục vô cùng, tài năng thiên phú, của một chú oắt con. Hoàng Dương tuy nhỏ, nhưng là người bạn thân nhất của tôi, từ dạo ấy cho đến tận bây giờ. Thuở ấy Hoàng Dương chỉ chơi đàn, chứ không vẽ viết, thơ thẩn như tôi. Chữ viết của chú ấy thì xấu tệ, thật đúng nghĩa cua bò sáng trăng, thỉnh thoảng tôi nhìn xem, mà chẳng biết chú viết gì. Mãi đến khi đậu đại học mà không được đi học, vì địa phương không cắt khẩu, bởi lý lịch xấu, Hoàng Dương mới đi vào Cát Tiên. Được ông anh Văn Chất, cùng anh em đồng hương Quảng Ngãi, dựng cho một cái nhà, nho nhỏ bằng tre nứa, lồ ô ở cạnh nhà của thi sĩ Lâm Anh. Sống gần bên nhau, tâm đầu ý hợp, Lâm Anh thương Hoàng Dương, còn hơn máu mủ ruột rà. Đàm thơ đối ẩm thân thiết như đôi bạn vong niên, dù Lâm anh lớn hơn Hoàng Dương đến hai con giáp. Và tài năng thi ca của Hoàng Dương, cũng được dịp sinh sôi nở rộ từ dạo ấy, nơi căn nhà cô tịch ở Cát Tiên. Tôi là người xuôi Nam ngược Bắc, phiêu bạt hải hồ nhiều nhất trong anh em. Vậy mà thánh địa Cát Tiên, tôi chưa hề đặt chân đến bao giờ. Nên chẳng biết nơi khu rừng nguyên sinh, với con sông Đồng Nai ấy, có mãnh lực cuốn hút, gợi cảm và vun bón, cho tâm hồn như thế nào. Mà từ một người tập tễnh làm thơ, chẳng bao lâu sau, Hoàng Dương trở thành, một ngôi sao sáng chói trên bầu trời thi ca, trong trường phái im lặng, của anh em chúng tôi, dưới tàn cây cổ thụ Lâm Anh, khi tuổi đời mới được đôi mươi.

Dòng đời lặng lẽ trôi đi! Người ta nói: “Lỗ ở cuộc đời, lãi ở nghệ thuật”, một câu nói vô cùng chính xác, với số phận của Hoàng Dương. Bởi không có công ăn việc làm ổn định, ba mươi mốt tuổi, Dương mới lấy vợ, là cô bé Đông, vừa tròn hai mươi tuổi, em ruột của Đại Long, con ông chú bà con của tôi. Hai vợ chồng sống bên nhau, trong ngôi nhà của bà nội để lại, mà tôi thường gọi là trụ sở bà nội. Là nơi quy tụ anh em, rượu trà thân ái, đàn địch ngâm nga, suốt mấy chục năm qua.

Ngày sanh đứa con đầu lòng, phần thì không có tiền, hoàn cảnh neo đơn, phần vì chủ quan đưa lên trạm xá, ở gần nhà sanh cho tiện. Nào ngờ đâu bị vở ối, suốt cả ngày sanh không được, mới đưa lên bệnh viện. Con bé sanh ra, tuy được cứu sống, nhưng uống nước ối nhiều quá, bị thiểu năng. Không biết nói, chẳng biết đi, còn bị động kinh co giật nữa, suốt ngày nằm trên xe, mẹ, cha, bà nội, thay nhau chăm sóc, chẳng làm được việc gì theo ý muốn. Đã túng càng thêm túng, dù hai bên gia đình, cùng hỗ trợ vật chất, nhưng làm sao nuôi nổi, cả hai vợ chồng lâu dài được. Đồng lương của một nhạc công, đáng là bao. Mỗi tháng đi chơi nhạc, không quá bảy lần, mà vợ lại mang bầu, tiếp tục đứa thứ hai. Tương lai sao mà mờ mịt quá, với một người tài hoa, như ông bạn của tôi. Khi bé Uyển (đứa thứ hai) được nửa tuổi, Hoàng Dương phải ở nhà giữ con, để cô Đông chạy chợ, theo anh chị Viên Chính, kiếm ít đồng cải thiện bữa cà dưa. Hằng năm vào dịp Tết, tôi về thăm nhà. Gặp nhau, anh em ngồi tâm sự đôi chiều, cho vơi bớt cô hiu. Chứ thực sự trong lòng hai đứa, đâu còn nhuệ khí, của một thời oanh liệt nữa. Mỗi người một cảnh, tôi phiêu bạt bốn phương trời, chú nửa đời quanh quẩn vuông sân. Thế rồi tiếp tục đứa bé thứ ba, tên gì tôi quên mất, bi bô suốt ngày. Nhà cửa lúc nào, cũng giòn khụm tiếng cười, tiếng nói trẻ thơ, khiến ba mẹ nó đôi khi, cũng quên đi nỗi nhọc nhằn cơm áo. Mùa xuân 2011, sau năm năm cách biệt quê nhà, tôi trở về thăm lại quê hương, gia đình bằng hữu. Năm năm! Một dấu ấn thời gian hằn lên hình thể, đủ làm cho con người ta, thay đổi khá nhiều. Duy chỉ có đại ca Viên Chính, vẫn oai phong đường bệ như ngày nào. Sau những cuộc rượu tưng bừng, anh em tôi ngồi ôn lại chuyện xa xưa. Nhưng tôi không thể ngủ chung, với Hoàng Dương như ngày trước nữa. Giờ chú ấy lắm suy tư, vợ con đùm đề, đôi khi cuộc rượu chưa tàn, đã xin nghỉ trước, để sáng sớm phải trông con, cho vợ kiếm đôi đồng.

Về cuộc đời của Hoàng Dương là vậy. Nhưng về lĩnh vực văn học nghệ thuật, thì cả đất trời Quảng Ngãi, hay nói hơn thế nữa, kiếm đâu ra, một người nghệ sĩ tài hoa như Nguyễn Hoàng Dương. Dù trước công chúng, người ta chỉ thấy, tên Nguyễn Hoàng Dương, thỉnh thoảng có thơ văn, đăng trên các báo và tạp chí. Chưa có một bài viết nào ngợi ca, hay một người nào cảm nhận được, những áng văn chương tuyệt vời, xuất chúng, của một chàng trai tỉnh lẻ. Công chúng nào biết, tôi đã từng háo hức, chầu chực đêm đêm để được nghe, được chép tặng, những dịp có bài thơ mới ra lò.

Giờ thơ của Hoàng Dương, không còn phong độ đỉnh cao như trước nữa. Nhưng văn thì mỗi tuổi một thâm trầm, gãy gọn tinh tế hơn, thật đáng mừng cho chú ấy. Dù kinh tế vẫn lắm khó khăn, so với anh em, nhưng sự nghiệp văn chương, Hoàng Dương, là người thành công nhất, một cách xứng đáng, qua một số tác phẩm để đời. Theo tôi nghĩ, sẽ chẳng ngại gì, sự thẩm định của thời gian, dù bao năm cầm bút, ông bạn chí cốt của tôi, chưa nắm một giải nào trong tay cả. Với tôi! Một tác phẩm hay, chưa chắc đã đoạt giải này giải nọ. Những tác phẩm đoạt giải này giải nọ, chưa chắc đã hay, vì nhiều lẽ. Trước sau tôi chỉ biết rằng, mấy chục năm qua, thơ văn Hoàng Dương, vẫn là số một ở trong tôi, nhất là tập Võng Thi, dù vẫn còn nằm im trong bản thảo. Tôi tin rằng đến một ngày nào đó, rất nhiều người sẽ có cảm nhận như tôi, dẫu cho đến lúc ấy, chúng tôi không còn trên cõi đời này nữa, thì tôi vẫn thấy vui lòng, hả dạ nơi chín suối…

Ồ! Mãi nói về Hoàng Dương, đi quá xa rồi. Giờ tôi xin đưa đọc giả trở lại tuổi mới lớn.

Mùa đông năm ấy, bước vào tuổi mười sáu, hay mười bảy gì đó, không nhớ rõ lắm. Anh ba Dương, anh chồng của chị Hai tôi, đem tặng cho ba tôi, hai cội hoa giấy màu hồng pha tím. Tôi xin ba, thay vì trồng trong ản kiểng, đem trồng ra đất ngoài vườn, cho mau lớn. Theo ngày tháng, tôi uốn những cành lá, từ hai gốc cột lại với nhau. Ở trên cao, vòng thành một mái vòm, ngày càng rộng lớn, có thể che nắng, và che mưa nho nhỏ. Những chiều không đi đá bóng, tôi ra ngồi, dưới tàn cây hoa giấy, lúc bấy giờ, tôi gọi là lầu đài hoa. Bởi nó lớn nhanh, thừa sức cho tôi tạo được hai tầng, giăng đầy hoa nở thắm. Vừa ngắm nhìn tác phẩm của mình, vừa đàn hát, những bài ca trữ tình lãng mạn, mà lúc bấy giờ, người ta gọi là nhạc vàng, và cấm lưu hành, chứ không thoải mái như bây giờ, thật thú vị vô cùng. Mỗi chiều như vậy, là cô bé láng giềng, chạy đến ngồi bên tôi, nghe đàn hát say sưa.

Một hôm vừa hát xong, thấy cảm giác gì đó, lạ lẫm bay bổng quá, một cái gì đó muốn tuôn trào ra, ào ạt tự đáy tâm hồn. Một cái gì đó lâng lâng, dâng mãi lên trong vô thức vô hình, khiến tôi nở nụ cười khả ái, đưa tay hái một cành hoa giấy nhỏ, cài lên đầu cô bé, và bảo rằng: “Anh xin tặng em làm kỷ niệm nghen! Lỡ mai kia lớn lên, dòng đời cuốn ta đi, hai người hai ngã, em cũng còn chút gì đó, để nhớ đến anh Toàn, với cành hoa giấy hôm nay”. Thật bất ngờ và xúc động quá, cô láng giềng ửng hồng đôi má, môi ấp úng run run, nói chẳng trọn lời: “Em cám ơn!...” Rồi đôi mắt nhìn tôi như muốn khóc. Tôi hốt hoảng nghĩ: Ô hay! Mình đã làm cho cô bé phật lòng sao? Nên định nói: “Nếu có gì bé không hài lòng, thì cho anh xin lỗi vậy”. Nhưng cô bé đã chạy về, trên tóc vẫn cài, nguyên vẹn một cành hoa. Sau đó chiều nào em cũng đến. Nhưng tôi không tặng hoa nữa, chỉ hát cho em nghe, những bài ca thay lời muốn nói. Và cảm thấy trong nhau, đang phôi thai, nảy nở một chuyện tình. Sau mấy con trăng về, hai đứa đã yêu nhau. Ngày sinh thật của tôi, là mùng hai tháng hai, nên mùa xuân năm ấy, tôi vừa tròn mười bảy tuổi, ria mép đã dần đen, trên cặp môi son, thắm màu như con gái. Em mười sáu căng tràn nhựa sống. Bộ ngực thanh tân phập phồng lên xuống, khi nghe tôi hát những lời ca, yêu thương chan chứa dạt dào. Từ lúc có em rồi, tôi làm thơ và vẽ viết, nhiều hơn xưa gấp bội. Những đêm trăng sáng, bè bạn rủ đi chơi, tôi thường từ chối khéo, nói bài vở hơi nhiều phải lo học. Thực ra, chỉ ngồi ở lầu đài hoa hát đàn, và chờ đợi em sang. Thuở ấy! Tôi rất ghét những ai, cho mình là con nít, dễ giận hờn buồn bực vu vơ. Chỉ có em, mới làm cho tôi bình yên trở lại, và chỉ có em mới làm cho tôi, thấy cuộc đời có ý vị hơn thôi. Vào một đêm trăng trong veo vẻo, trên bầu trời đầu hạ, sau cách trở những đêm mưa đầu tháng, và lo học thi học kỳ, giờ hai đứa mới được bên nhau. Vừa mới đến, em đã nép vào lòng tôi, ép cây đàn guitar nghẹt thở, mắt em long lanh, hơn vô vàng tinh tú ở trên trời. Môi em chín mọng, căng tràn nhựa sống, như gọi mời cháy bỏng dưới trăng sao. Khi cặp mắt nhìn tôi, đang từ từ khép lại, với vành môi hé mở. Lần đầu tiên trong đời, tôi đưa hai tay áp vào má em, lùa vào tóc em, luồn ra sau gáy, ép mặt em vào, hôn cuồng nhiệt say sưa. Chiếc ngân trâm bị sổ tung ra, cây đàn tôi cũng không ôm nữa, ngã vào cội giấy. Em ngả người ra sau, ngại ngần buông xiêm y, còn che hờ lồ lộ. Và trên cao trăng sáng vô cùng.

Tình yêu đầu đời, hai đứa đã vụng dại trao nhau! Khi những tiếng ve của mùa giã biệt, đã về ngân nga khắp xóm, khi những đêm trăng tát nước, cùng chung một lối về… Sau đó vì sợ ảnh hưởng việc học hành, và mẹ cha đôi bên sẽ biết chuyện, tôi giao hẹn một tuần, chỉ được gặp nhau vào một đêm thứ bảy. Hai đứa yêu nhau tha thiết nồng nàn, say đắm qua mấy mùa mưa nắng. (Em là một cô gái có nhan sắc, mặn mà quyến rũ ở thôn tôi, nhưng cuộc đời đầy bất hạnh, như người ta nói hồng nhan đa truân). Và em ước mơ mai kia, sẽ là một cô sinh viên duyên dáng, cùng tôi sánh bước, giữa cuộc đời thơ mộng. Vì thế tôi hay gọi đùa em là: “Cô sinh viên bé nhỏ của tôi ơi!”

Đời không như là mơ! Cuối mùa thu năm sau, chú của em về, dẫn em vào Nam sinh sống. Hai đứa chia tay trong nước mắt nghẹn ngào, và hẹn ngày trở lại, tưới thắm lầu đài hoa. Bởi thế! Cô sinh viên trong thơ tôi không có thật, chỉ là mơ ước, của người yêu bé nhỏ mà thôi. Thế rồi người đi không trở lại. Vài năm sau, được tin em theo chồng về xứ lạ. Tôi ra đứng ngắm lầu đài hoa xơ xác, mà uất nghẹn dâng trào. Vốn tính nóng nảy không kiềm chế được, tôi lấy dao ra, băm vằm hàng trăm nhát. Lầu đài hoa tan tành, chỉ còn trơ trụi, hai cái cội đáng thương. Tôi bứng hai cội hoa, đem trồng vào hai chậu kiểng, trước cái nhìn ngơ ngác của ba tôi. Chỉ có má tôi, là người hiểu hết mọi chuyện. Từ nhỏ đến lớn, bao buồn vui không giấu được với người.

Má tôi là một người phụ nữ chịu khó chịu thương, tần tảo sớm hôm đồng sâu ruộng cạn, vườn cận bãi xa, chợ quán bốn mùa, nuôi nấng chị em tôi. Dẫu xuất thân là một cô gái biển. Mười tám tuổi, má về làm dâu Nội. Chỉ nội trợ thôi, việc nông gia má chẳng biết cấy trồng, gặt hái cái chi chi. Thế mà mới được một mặt con, không để chị em hàng xóm chê cười, má xin Nội tham gia đồng áng, tập cuốc xới tưới tiêu, trồng tỉa rất chuyên cần. Chỉ vài năm sau, má làm giỏi còn hơn, các cô gái con nhà nông chánh hiệu. Và từ đó, kinh tế gia đình cũng khấm khá dần lên. Cũng tiếng con cháu nhà quan nho nhỏ, nhưng đời cố đời nội, đời ba tôi sống rất thanh bần, của cải chẳng là bao. Mỗi ngày một lớn, nhìn thấy má dãi nắng dầm mưa, tôi thương má vô cùng, nhưng giúp Người, thì chẳng được bao nhiêu. Những trưa tan học, đạp xe cọc cạch từ thị xã về, thấy má chưa về là tôi chạy ù ra bãi, gồng gánh phụ cho Người, qua cồn cát nắng chan chan. Lúc còn nhỏ chưa gánh nổi, thì tôi ôm vác bớt, miễn sao nhẹ cho Người, đỡ vất vả đôi khi, rồi mới đi quậy phá. Có một lần học cấp ba, trưa hôm ấy thầy dạy thêm, nên về hơi trễ. Tôi về nhà bỏ xe, không kịp thay đồ, chạy vù ra bãi. Nhưng mới vừa chạy ra đầu ngõ, đã thấy hình bóng má, cà xiểng cà liểng, với gánh khoai cà nặng trĩu trên vai. Tôi chạy tới giành lấy gánh, má không cho, tôi đứng khóc ngon lành. Má phải thả gánh xuống vỗ về tôi, đã sắp đến nhà nên để má gánh luôn, chứ chẳng có ý gì. Tôi phụng phịu đặt đòn gánh lên vai, đứng thẳng lên, đầy ngạc nhiên và ân hận. Ôi ! Sao hôm nay nặng thế này, phải chi mình đừng học thêm nửa tiết, bỏ chạy về có đỡ má hơn không. Bởi ba thường la rầy, vì tính tôi hay phá phách, nên tôi chỉ thích theo má đi làm, và gánh phụ cho má thôi. Mọi việc tôi hoàn toàn tự nguyện thành quen, chẳng ai sai bảo gì tôi cả. Về chuyện cái chân cà queo của má, là do trái mìn playmore, má vướng phải lâu rồi.

Năm ấy, tôi mới tròn một tuổi. Má đi chợ sớm, khoảng ba bốn giờ sáng gì đó, vướng phải mìn các anh lính trong đồn, chưa kịp gỡ ra. Bị gãy một chân, ruột đứt lìa mấy khúc, lòi ra ngoài một đống. Được bác sĩ Mỹ tận tình cứu chữa. Hơn nửa năm trời, bỏ tôi ở nhà, các cô cho bú mày, ba cho uống sữa bò. Nên những khi buồn vắng hơi mẹ, tôi khóc mãi không thôi. Ba và các chị dỗ hoài không nín. Nghe nói có khi ba bực mình, đạp vào cái nôi quay tít một hồi. Thế mà tôi hết khóc, rồi ngủ thiếp đi, với trên mặt đầy nước mắt nước mũi, lem nhem nhếch nhác, như chú mèo con thật dễ thương. Thế rồi má ra viện, tôi còn đeo bú thêm vài tháng nữa, hả hê rồi mới chịu bỏ bú, khi đã ngoài hai mươi tháng tuổi. Rồi có em, tôi vẫn nằm với má, không chịu ngủ riêng. Theo ngày tháng bên vòng tay của mẹ, tôi lớn dần trong máu lửa chiến tranh. Qua hàng trăm lần chạy giặc, có lúc cái chết tưởng gần kề, vẫn được ông bà che chở, trời phật độ trì mạnh giỏi, cho đến khi non nước thái bình.

Nhớ lại một lần chạy giặc, ngồi trong đám mía thèm ăn quá, tôi với bà chị con bác ruột bẻ mía ăn. Bỗng nghe một loạt R15, bắn xối xả do lá mía rung. Hai đầu đạn cắm phập vào khúc mía tôi đang ăn. Thật là hi hữu, một đầu đạn xuyên qua luôn rồi rơi xuống đất. Tôi sợ chết khiếp mặt mày tái mét, ngồi khóc hu hu. Khi nghe ba nói không được cục cựa, tôi mới nín và nhớ lại rằng. Hôm nay chạy giặc bị trễ, vì hai bên đụng độ, lúc ba tôi còn ở ngoài đồng. Má tôi chờ ba về, rồi mới dắt con đi. Hồi đó ba tôi khắc khe, với chị em tôi lắm. Đi đâu cũng phải báo, không được chạy nhảy lung tung, rủi ro gặp phải viên đạn lạc, như những người xấu xố ở quê tôi.

Nên khi hòa bình trở lại, tôi tha hồ thoả sức, vui chơi phá phách, chẳng bị ai cấm cản, từng phút từng giờ như trước nữa. Những chủ nhật không chơi bời quậy phá, tôi thường theo má đi làm. Nhìn những con bói cá, nham hiểm cắm đầu xuống nước, những cánh cò đang chở nắng sang sông, những làn mây lang thang, bốn phương trời vô định. Má chỉ cười thôi, vì biết con trai mình, lắm mơ nhiều mộng, làm được ít nhiều gì, cũng chẳng hối thúc kêu ca. Rồi những hôm làm cả ngày, được ăn cơm trưa ngoài đồng ngoài bãi, mới thích thú làm sao. Có khi đang ăn, phát hiện bóng mây trời, lướt qua tô cơm mát rượi. Tôi khoan khoái nhìn sông bãi, in hình bóng mây từng mảng, lướt dài nối tiếp trôi qua. Tạo thành những đường tối sáng, trông đẹp mắt và thích thú vô cùng, với tâm hồn thơ trẻ của tôi. Và những khi, có cảm giác gì mới lạ, hay nghe lòng thổn thức, do ngoại cảnh tác động, hoặc do một ý nghĩ vu vơ nào đó, tôi thường tâm sự với má, chứ không phải với ba. Nên khi cuộc tình tôi tan vỡ, má không hề bị bất ngờ, khi thấy tôi điên lên, phá nát lầu đài hoa, mà tôi yêu quý vô vàn.

Cả một thời gian dài, tôi bỏ đàn, biếng ăn, lười học, chỉ làm thơ, hành hạ biết bao nhiêu con chữ. Viết đã đời rồi xé bỏ, vò nát hoặc băm vằm, rồi ném vào sọt rác không thương tiếc, còn lại chẳng bao nhiêu bài tàm tạm, tôi còn giữ lại đến nay. Mấy năm trước khi lâm bịnh phải ở nhà, có dịp lục lọi tìm đọc lại, những bài thơ viết từ thời niên thiếu, tôi thấy phần lớn, nó non nớt ủy mị đầy kích động. Hơn cả trăm bài tôi bỏ hết, chỉ chọn giữ lại một ít, rồi trau chuốt, gọt tỉa cho sáng ý, có hồn dễ đọc dễ nghe, mới gửi đăng đây đó.

Tôi là người, khi yêu thì vô cùng mãnh liệt như sóng trào, hết yêu rồi, gặp người mới vừa ý, thì nỗi đau tình cũ cũng mau phai. Nên chỉ mấy tháng sau, tôi đã phải lòng người con gái khác, là bạn cùng khối. Cô bé nói yêu tôi, vì dáng vẻ hào hoa phong nhã, của chàng trai quê, đã cuốn hút cô gái thị thành, từ tia mắt đầu tiên, của những ngày mới bước chân vào niên học. Nên tôi chẳng tỏ tình, mà tự nhiên dần dà theo ngày tháng, hai đứa đã yêu nhau. Cô bé thuộc mẫu người phụ nữ kín đáo, luôn che giấu được cảm xúc, và vô cùng bí mật, khi tâm sự hay liên lạc với tôi. Dù bấy giờ đã lớn khôn hơn, nhưng tình yêu của tuổi học trò, lại thơ ngây trong sáng vụng về, chứ không như mối tình đầu, với cô hàng xóm. Đến trường được nhìn nhau, chuyện vãn đôi câu, ra về được đi chung một đoạn, là sung sướng lắm rồi. Mãi đến mùa hè mười một lên mười hai, nơi bãi biển Mỹ Khê, hai đứa mới thật sự có dịp cùng nhau, tắm táp vui đùa, thơ mộng trên biển chiều, rồi ngồi dưới bóng hàng dương rợp mát, lén lút trao nhau nụ hôn đầu.

Thế rồi đến một ngày, trước lễ bế giảng vài hôm thì phải, em từ trên phố xuống tìm tôi, và đòi chở đi chơi. Hai đứa đã lặn lội lên đồi Thiên Ấn. Ở nơi đây, dưới bóng ngàn dương xanh ngát, và bạch đàn mát rượi, giữa thanh thiên bạch nhật, của một miền non nước hữu tình, hai đứa đã cùng nhau, làm chuyện người lớn. Lần đầu cũng là lần cuối, vì tôi đâu có ngờ ngày bế giảng, sân trường đã vắng bóng em. Tìm gặp thầy chủ nhiệm của em, mới hay em đã, cùng gia đình sang Mỹ hôm qua. Và sẽ định cư lâu dài ở Mỹ, chỉ gửi lại cho tôi, một mẫu giấy niêm kín, nhờ thầy chuyển hộ. Mở ra xem, chỉ gọn lỏn ba chữ «  NHỚ ANH NHIỀU ». Tôi đứng đọc mà nghe như đất trời sụp đổ. Trong cơn địa chấn hãi hùng, cõi lòng tôi tan nát. Ra trước cổng trường, tôi ngồi thừ xuống, chỗ bán bánh mì chiên bơ, mà ngày nào em thường, lén bạn dẫn tôi lui tới. Đang buồn thiu, chẳng thiết gì cái cõi đời này nữa, cô bán bánh lại vô tình hỏi, sao hôm nay đến có một mình. Tôi trả lời cô cộc lốc « Đi Mỹ rồi ». Xong đứng dậy chẳng thèm ăn, lên xe đạp một mạch thẳng về nhà, mặc bạn bè hú gọi ê a.

Nếu nói tôi kém thông minh, càng lớn càng học dở thì không đúng. Nhưng có những điểm yếu kém, và kết quả học tập trung bình, cứ sờ sờ ra đó, thì bảo tôi từng là, học sinh giỏi mấy ai tin. Và từ đó, tôi sớm biết mình, thi đại học trượt là cái chắc.

Mấy mươi năm sau, nghe nói em, có về Việt Nam một lần, khi tôi đang phiêu bạt ngoài đất Bắc. Thời gian nguôi ngoai, thỉnh thoảng những lúc buồn, lê bước đời du lãng, tôi mới nằm gặm nhấm nỗi đau xưa. Và nghe nói em đã có hai con, nay đã là bà ngoại, ở nhà giữ cháu cho con cái đi làm. Nhưng vẫn còn khá trẻ, so với chàng thư sinh lãng tử, giờ bước đi chậm chạp, với mái đầu bạc trắng như tôi. Ngày nào đó em về nước, vô tình đọc những dòng này từ ai đó, hãy thông cảm cho tôi, đã gửi lại nơi đây, chuyện thầm kín của đời mình.

Sài Gòn đầu thu 2014