Việt Văn Mới
Việt Văn Mới








  MÙA VU LAN NĂM ẤY





     M ùa hè năm ấy, tôi vừa học hết năm thứ ba ở trường Đại học Sư phạm - khoa Văn, thì lớp học tình thương ở chùa Từ Nhẫn của Sư cô Diệu Sơn cũng bắt đầu khai giảng. Buổi tối Rằm tháng Tư - Lễ Phật Đản, tôi theo mẹ đi chùa lễ Phật, rồi đến vấn an sức khỏe Sư cô. Sư cô Diệu Sơn bao giờ cũng niềm nở, thân tình trò chuyện với mẹ tôi, với mọi người - như người thân ruột thịt trong nhà. Vẻ điềm đạm, khoan hòa của Sư cô như tỏa ra niềm an lạc cho người được gần gũi. Tôi cảm thấy như có một sức lôi cuốn vô hình mỗi khi được đến thăm cô với mẹ. Có lẽ tình thương yêu chân tình của Sư cô dành cho tất cả là mãnh lực mầu nhiệm chăng?

Dịp này, Sư cô cũng cho biết, lớp học tình thương của chùa Từ Nhẫn, dự định sẽ khai giảng vào dịp hè. Nghe vậy, tôi liền ngỏ ý xin cô cho tôi được tham gia dạy môn Văn. Sư cô vui vẻ nhận lời ngay: “Nếu con có lòng phụ giúp thì tốt lắm chứ - Cô cám ơn con!”.

Tối ấy về nhà, tôi đem việc xin làm cô giáo của lớp học tình thương chùa Từ Nhẫn kể lại với ba tôi. Ông cười: “Con là Phật tử, đã quy y Tam Bảo, mà lâu nay cứ đi chùa lễ Phật không thôi, thì chỉ đứng ngoài cổng mà chưa gần được Đạo”.

- Thế làm sao để gần được Đạo, hở ba ? - Tôi tò mò hỏi.

- Có khó gì đâu ? - Ba tôi lại cười, nên siêng đọc Kinh sách, thâm hiểu ý Phật, làm theo lời Phật dạy.

Dường như nhìn thấy nét mặt tôi còn ngơ ngác - ông vui vẻ tiếp: “Ví dụ như lời dạy của Chư Phật: “Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành, tự tịnh kỳ ý”. (chớ làm các điều ác / siêng làm các việc lành / giữ tâm ý trong sáng, thanh tịnh).

Tôi reo lên : “Phật chỉ dạy có bấy nhiêu thôi sao, ba ? Thế thì dễ quá!”.

Ba tôi lại cười - nụ cười ẩn chứa chút gì như châm biếm, như thương hại, trách móc. Ông không trả lời ngay cho tôi mà kể lại câu chuyện thi hào Bạch Cư Dị đến tham vấn thiền sư Sào Đạo Lâm: Để đáp lại câu hỏi của Bạch Cư Dị “Thế nào là đại ý của Phật Pháp?” - Thiền sư Ô Khoa - tên thường gọi của thiền sư Sào Đạo Lâm, vì Ngài có chiếc “tổ” nhỏ trên cành cây cổ thụ cao để thiền định. Ngài đã đọc bài kệ ấy. Bạch Cư Dị cười ngạo mạn: “Tôi tưởng điều gì lạ, chứ việc ấy, trẻ con 7, 8 tuổi cũng đều biết cả!”. Thiền sư Ô Khoa đã ôn tồn dạy: “Đúng vậy, trẻ con 7, 8 tuổi đều biết, nhưng ông già 80 vẫn chưa làm xong!”.

Ba tôi mỉm cười: “Nhiều người đã thường lầm tưởng như thế. Lời Phật không cao siêu, khó hiểu hay thần bí - mà lại rất gần gũi, đơn giản; nhưng có bao nhiêu người đã thực hành được?”.

Ba tôi gọi những người học Phật suông chỉ chuộng hình thức, là những “Kẻ chăn bò thuê!” - như tôi chẳng hạn. Là kẻ đi chăn bò thuê, thì suốt đời đâu có được lợi ích gì lớn lao cho mình?

Đang dịp nghỉ hè, được thực tập làm cô giáo, lại có cả cha mẹ, các em hỗ trợ tinh thần; tôi đã đến lớp giảng dạy cho các em rất chuyên cần. Biết được hoàn cảnh khó khăn của các em, tôi tự nhủ càng phải nỗ lực dạy tốt hơn nữa. Nghe Sư cô đang cần giáo viên dạy tiếng Anh, tôi chủ động đến gặp, xin Sư cô “kiêm nhiệm” luôn môn này. Bởi vậy, cả tuần, ngày nào tôi cũng có giờ lên lớp. Tôi nguyện sẽ hết lòng làm việc để khỏi phụ lòng mọi người. Nhất là của Sư cô và các em.

 Chỉ dạy hơn một tháng mà tôi đã “nhận được” nhiều thứ: Được làm cô giáo, được quý Sư cô thương mến, được đám học trò yêu quý, quấn quít không rời. Tôi cảm thấy thật hạnh phúc vì chưa có mùa hè nào tôi làm được việc đem lại niềm vui cho nhiều người như thế. Làm điều thiện, việc nghĩa là để “cho đi”, mà tôi lại “nhận về” nhiều quá!

Phần thưởng lớn nhất đến với tôi thật bất ngờ: Vào buổi sáng ngày Rằm tháng Bảy năm ấy, vừa bước chân vào cửa lớp - tôi đã thấy toàn là hoa Hồng ở mấy dãy bàn. Mỗi em cầm một đóa Hồng thật tươi, thật rực rỡ - vừa đứng dậy chào tôi, vừa đồng thanh nói lớn: “Chúng em xin chúc mừng cô!”.

Một thoáng bàng hoàng - tôi đang choáng ngợp bởi hơn ba mươi đóa Hồng tới tấp chạy ùa lên bàn tôi; đặt vào tay tôi - cùng với tiếng cười rộn rã hồn nhiên. Tôi cảm nhận ngay được niềm vui của người có diễm phúc được tặng hoa Hồng ngày Vu Lan thật to lớn biết bao! Kẻ cho, người nhận - đều có được niềm hạnh phúc mênh mang, khó tả.

- Cô cám ơn các em! Cám ơn tất cả các em! Tôi nói lớn giọng - gần như thét lên.

Tôi phải lập đi lập lại đến mấy lần, chúng mới yên lòng trở về chỗ ngồi. Tôi lấy một đóa Hồng gắn vào ngực áo mình, thầm cám ơn đám học trò đã nhắc cho tôi nhớ niềm vinh hạnh lớn lao trong cuộc đời mình: Tôi còn có Mẹ! Đồng thời, tôi cũng ngậm ngùi nghĩ rằng, trong đám học trò nghèo khó, thơ dại trước mắt tôi - đã có nhiều em không còn mẹ bên cạnh đời mình nữa.

Sau buổi dạy, tôi gom hết mấy chục đóa Hồng, mang về nhà. Người đầu tiên tôi tặng lại hoa là mẹ tôi. Bà cầm đóa hoa, ánh mắt bỗng sáng lên - rồi long lanh giọt lệ! Tôi thoáng ngỡ ngàng, im lặng trước những giọt nước mắt của mẹ. Mẹ tôi khóc vì bà đã nhớ mẹ xưa? Mẹ khóc vì nghĩ đến ngày không còn bên tôi? Tôi hân hoan tặng hoa cho ba tôi. Tặng cho các em tôi. Hoa Hồng rực rỡ trong phòng khách, bàn học, còn được cắm trên mấy khung ảnh dọc vách tường nữa. Tôi nhìn hoa, thoáng nghĩ: “Chưa bao giờ mình được tặng hoa nhiều như thế này, có nhiều tiền dễ gì mua được niềm vinh hạnh này nhỉ?”.

Mùa hè năm sau tôi ra trường, xin dạy tại trường PTTH Krong But - tỉnh Đăk Lăk. Ý nguyện của tôi là được dạy gần nhà, có thời gian chăm sóc cho ba mẹ, các em và nhất là được tiếp tục dạy thêm ở lớp học tình thương Từ Nhẫn. Tuy vậy, mọi việc trong đời dường như ít khi đến với ta như sở nguyện: Tôi không chen nổi ở một ngôi trường nào trong thị trấn, trong huyện, dầu tôi đã phấn đấu tốt nghiệp với loại giỏi!

Từ thưở nhỏ, được sống quanh quẩn ở thị xã miền duyên hải; lên đến Cao nguyên tôi cảm thấy như có một sức hấp dẫn thầm kín, mới lạ. Ở Krong But, cỏ cây, núi rừng, bầu trời, đều như xanh hơn, trong sáng hơn, và cũng “có hồn” hơn. Tôi như một cánh chim biển bay lạc lên Cao nguyên - luôn cảm thấy ngơ ngác trước bao điều mới lạ. Tôi thầm nghĩ: Mai kia, có khi nào tôi sẽ là cư dân thường trú ở cái thị trấn cheo leo giữa núi đồi bát ngát này không nhỉ ?

Mấy tháng đầu tôi nhớ nhà quá chừng. Nói rõ là nhớ ba mẹ tôi, các em tôi - nhớ cuộc sống được chở che, được chia sẻ trong một mái gia đình. Đi xa, tôi thiếu nhiều thứ, và cũng nhớ nhiều thứ. Tôi là một cánh chim đang chuyền cành, rời tổ. Tôi đang bước từng bước rụt rè đi vào cuộc đời tôi với nỗi tiếc nhớ mênh mang.

Tôi dành thời gian để viết thư về nhà cho ba mẹ tôi, nói đến sự cô độc, nỗi buồn, mỗi chiều đứng ở hiên trường hay từ cửa sổ phòng trọ nhìn ánh mặt trời khuất dần bên dãy núi đen sẫm. Đôi lúc, tôi cũng đã bày tỏ sự mong muốn trở về bên gia đình như chấp nhận sự thất bại. Nói tóm lại, tôi viết miên man, viết đủ thứ chuyện, để hy vọng vơi đi nỗi buồn trống vắng.

Cuối cùng, những lời khuyên nhủ và động viên của ba tôi, đã kéo dần tôi trở lại cuộc sống bình thường. Trong một thư, ba tôi dặn: “… Con đừng để sự buồn phiền nhàn rỗi làm hư hỏng mình. Con hãy tìm niềm vui trong công việc bên cuộc sống quanh con đang chờ đợi…”. Một buổi chiều, tôi ngồi nắn nót viết lại lời Đức Phật dạy mà ba tôi đã từng đọc cho tôi nghe: “Tự thắng mình còn vẻ vang hơn thắng kẻ khác”. Hôm sau, lại viết thêm lời này trên tấm bìa cứng, dựng ngay trước bàn làm việc : “Une vie oisive est une mort anticipée” (Một đời sống nhàn rỗi là một cái chết trước kỳ hạn) của Woefgang - Goethe.

Bốn năm trôi qua - thời gian hơn một ngàn bốn trăm ngày tuy không dài, nhưng đời tôi đã phải trải qua những biến động, đổi thay, không thể tưởng tượng nổi: Mẹ tôi mất. Rồi sau đó không lâu, cha tôi bị tai biến mạch máu não - phải tập đi bằng dụng cụ chuyên dùng. Tôi bị chao đảo, bồng bềnh, như con thuyền trước bão. Ý nghĩ xin nghĩ dạy lại trở về, bởi vì, ba tôi đang cần có tôi bên cạnh. Nghĩ đến những bước chân xiêu vẹo, run rẩy, mỗi sáng ba tôi tập đi lại trước sân nhà bên cạnh đứa em; lòng tôi càng se thắt, đớn đau. Biết được dự định cuả tôi, ba tôi đã nghiêm khắc dạy: “Con đừng quá yếu đuối như vậy! Con hãy tiếp tục những bước đi của con. Việc nhà đã có các dì phụ giúp, đã có cô bác, bà con xóm giềng; đời sống, hạnh phúc của con là của ba!”.

Tôi đã tiếp tục bước đi của tôi, nhưng làm sao có thể xóa tan nỗi buồn đau khi tôi hãy còn quá trẻ? Tôi mãi mê bên công việc như một cách để tự rèn luyện, và an ủi mình. Ngoài những giờ lên lớp, tôi tham gia sinh hoạt trong gia đình Phật tử  Liên Hoa của khuôn hội thị trấn; luôn có mặt trong các chuyến công tác từ thiện xã hội; xin dạy Văn (và Anh Văn) cho lớp Sơ cấp Phật học của huyện. Khi có dịp, tôi cũng đã tham dự các khóa Bát quan trai một hai ngày; công việc đã đem lại cho tôi nhiều niềm vui thật bất ngờ.

Một trong những niềm vui ấy là tôi đã gặp Viên - người bạn đồng nghiệp, nhưng dạy khác trường với tôi trong một chuyến cứu trợ ở một bản xa. Buổi trưa giữa rừng, chúng tôi đã ngồi bên nhau ở triền suối; Viên đã chân thành kể về đời anh cho tôi như với một người thân yêu: Nhìn ánh mắt, nghe giọng nói trầm ấm của anh; tôi nghĩ, anh thèm muốn nói chuyện, tâm sự, như chưa bao giờ được bộc bạch cùng ai. Tôi biết được anh hiện đang sống với gia đình một người chị, anh mồ côi cả cha mẹ từ thuở còn rất nhỏ, anh đã theo chị lưu lạc lên Đăk Lăk rồi đến Krông Bút nhiều chục năm. Anh kể lại đời mình một cách tự nhiên, không giấu diếm, cũng không chút mặc cảm. Ngồi nghe anh, mà tôi như nghe rõ nỗi xao xuyến thăng trầm của chính cuộc đời mình! Anh đã chiếm trọn trái tim đang trống trải, ưu phiền của tôi mất rồi! Tôi có cảm giác như hơi thở anh, giọng nói anh, đã truyền vào tôi hơi ấm nồng nàn, tươi mát, khó quên!

Từ ngày được gần anh, có anh - tôi càng yêu mến cuộc đất tràn ngập nắng gió nghèo khó này hơn bao giờ hết. Tôi thầm phục nhà thơ Chế Lan Viên, khi ông viết : “Tình yêu làm đất lạ hóa Quê hương”. Quả thật vậy, tình yêu thương của Viên đã bắt đầu làm thay đổi cuộc đời tôi. Tôi đã không còn chút phân vân, e ngại trên mỗi bước chân đi trên cuộc đất hiu quạnh, xa lạ nầy như xưa nữa. Nổi quyến rũ nhẹ nhàng của núi rừng, trời mây quanh tôi, như càng siết chặt lấy tôi, từng ngày qua.

 Vào một buổi sáng sớm ngày chủ nhật núi rừng còn ấp ủ một màn sương mờ đục; Viên đã đến gõ cửa phòng trọ của tôi, trên tay cầm hai đóa hoa hồng trắng. Gặp anh, tôi rất đỗi ngạc nhiên - đang phân vân ngơ ngác, thì anh đã cười:

- Còn hai hôm nữa mới đến Vu Lan, nhưng chiều qua đi dạy về, trông thấy có hoa hồng trắng đẹp, anh chọn hai đóa tặng em.

Tôi cố che giấu niềm xúc động - giọng có vẻ như thờ ơ, lạnh lùng:

- Thứ ba mới đến Rằm cơ mà!

Nói xong, tôi chợt nhận ra, nỗi buồn thầm lặng se thắt bấy lâu, đang bắt đầu trỗi dậy. Ánh mắt ngời sáng, chợt long lanh đôi hạt lệ của mẹ khi tôi mang hoa hồng ở lớp học tình thương chùa Từ Nhẫn về tặng cho bà, bỗng hiện về như hai mũi kim sâu thấu tim tôi. Viên nhìn tôi lặng đi trong giây phút, có lẽ anh cũng đã nhận ra trên gương mặt, đôi mắt tôi, một nỗi nhớ thương sâu khuất? Một nỗi cô độc lặng thầm của kiếp nhân sinh?

Viên cầm lấy tay tôi. Đặt hai đóa hoa hồng trắng vào giữa lòng bàn tay tôi - giọng anh vừa chân thành, vừa cố ý vỗ về tôi: “Anh phải tặng hoa cho em trước, nếu không, lỡ có người tặng hoa cho em trước mất thì sao?”.

Cầm hai đóa hồng trắng, mà tâm trí tôi lại choáng ngợp bỡi một màu hồng rực rỡ tươi thắm của mùa Vu Lan năm nào ở lớp học Từ Nhẫn. Những đóa hồng nồng nàn kia sẽ mãi mãi không còn được ở trên ngực áo tôi nữa, mà sẽ được thay vào - ngay giữa tim tôi, những đóa hồng trắng lạnh lẽo và u buồn!

Tôi gắn một đóa hồng trắng lên túi áo Viên - giọng rưng rưng chực khóc: “Em xin tặng anh, chúng ta sẽ cùng chia sẻ niềm bất hạnh cho đến hết cuộc đời”.

      
 Lập Tâm tịnh thất
Mùa Vu lan PL2550