Việt Văn Mới
Việt Văn Mới








BẢN HỢP ĐỒNG NƯỚC MẮT







C uối cùng hợp đồng cho thuê đất cũng được ký kết. Ba tôi đã đích thân đến Uỷ Ban nhân dân huyện Cầu Kè cùng với bác Thanh để xin chính quyền xác nhận, công chứng rằng ba đã cho bác Thanh thuê một héc-ta đất ruộng với giá năm mươi triệu một năm. Ba đã nhận đủ hai trăm năm mươi triệu và từ lúc đó bác Thanh có quyền trồng cam sành năm năm, hoặc bất kỳ loại cây ăn trái nào khác. Ba ôm tiền về nhà, cất kỷ vào cái tủ sắt trong buồng ngủ sau khi đã rút ra 5 triệu để đi ...rửa hợp đồng với bạn nhậu của ba. Tôi biết mẹ sẽ khóc hoài, khóc mãi vì số tiền ấy tiêu tán dần bởi tự ái đàn ông của ba. Nó được thể hiện trong các cuộc nhậu mà ba luôn là chủ xị từ trước tới nay.

Ba vốn đã quen vun tay quá trán. Ba sinh ra là để hưởng thụ thành quả lao động của ông bà nội. Ba tôi thường cười sặc sụa khi nhắc lại rằng ông là quý tử. Ông bà nội đã phải đi năm non, bảy núi cầu tự mới sinh được có mỗi mình ba. Vì vậy, gia sản của ông bà nội nếu ba không xài thì ai vô đây xài. Chính bà nội đã đưa cái tư tưởng chết tiệt ấy vào đầu ba. Ba được cưng như trứng hứng như hoa. Ba muốn gì được nấy. Nhà tuy ở vùng nông thôn nhưng bà nội đã thuê hẳn một bà vú để chăm sóc, bồng bế ba. Ít khi nào để chân ba chạm đất. Lớn chút nữa, đi học cũng được đưa đến tận lớp. Vì vậy bà con láng giềng gọi ba là Công tử Châu Báu. Vì tên trong khai sinh của ba là Trần Châu Báu. Còn cơ ngơi của ông bà nội lúc đó đâu thua gì một địa chủ. Chỉ khác là ông bà nội nhân hậu, hiền lương. Ông bà giàu lên nhờ vào sự cần cù lao động lại tằn tiện chi tiêu. Ruộng đất của ông bà tạo dựng bằng mồ hôi nước mắt lao động chân chính. Ông bà cư xử với những người cấy gặt thuê cho mình đúng mực nên ai cũng thương, cũng quý. Vì thế, khi ông bà nội sinh ra ba, mọi người đều vui mừng và cũng vì thế mà người ta bỏ qua hết cho ba những khuyết điểm.

Ba càng lớn càng được cưng chiều. Đứng cạnh trai trẻ trong xóm ba luôn nổi bật bởi làn da trắng trẻo, mịn màng như con gái. Dáng dấp cân đối, khoẻ mạnh. Khuôn mặt ba đẹp nhất có lẽ là đôi mắt. Đôi mắt sâu nâu thẫm. Đôi mắt quyền lực! Chính mẹ đã thú nhận và kể cho tôi nghe khi tôi hỏi vì sao mẹ yêu ba dù hai người có tính cách khác biệt. Mẹ đẹp người đẹp nết, học giỏi lại đảm đang. Còn ba tuy thông minh nhưng lười học. Mỗi năm lên một lớp đã là phúc đức. Đã vậy lười lao động, ham rong chơi, tụ tập bè bạn. Mẹ đã bảo ánh mắt ấy khiến mẹ rung động. Cái nhìn tha thiết, đắm đuối đã khiến mẹ lạc vào thế giới lạ lẫm của cảm xúc yêu thương. Cách ba theo đuổi cũng làm mẹ liêu xiêu, điêu đứng. Ngày nào ba cũng tìm cách gặp mặt mẹ ít nhất một lần chỉ để nhìn mẹ đăm đăm rồi thều thào “Anh yêu em phát điên lên được em à”. Có khi nửa đêm, mưa lâm râm, gió giật từng cơn lạnh buốt. Ai ai cũng muốn cuộn chặt người trong cái mền cho ấm áp thì ba lại đứng lặng bên ngoài cửa sổ phòng mẹ. Ba gõ nhè nhẹ rồi gọi khẽ “ em ơi, mở cửa cho anh nhìn mặt em một cái thôi rồi anh về ngay! Nếu không, anh không sống nổi đâu”. Mẹ hoảng hốt nói vọng ra “ Trời đất ơi, anh về mau đi. Mẹ mà biết mẹ la em đó. Về đi anh, lạnh lắm!” .“ Anh không về! Anh nhất định phải nhìn thấy em một lần. Em mở cửa sổ he hé cũng được mà. Cửa có chấn song sắt anh có nhảy vào ăn thịt em được đâu mà sợ !” Thế là mẹ mở cửa, thấy ba ướt sủng, run lập cập bên ngoài. Mẹ oà khóc. Mẹ sa lưới tình ba giăng ra.

Khi mẹ xin phép ông bà ngoại cho gia đình bên ba bước tới tính chuyện hôn nhân thì ông bà ngoại cãi nhau một trận tưng bừng. Bà ngoại nhất quyết không chịu gả vì chê ba là một thằng không nghề nghiệp, học dở lại ham chơi, phá của. Làm vợ một người như vậy sẽ khổ cả đời mình, sang đời con cháu. Còn ông ngoại nghĩ khác. Ông đồng ý gả mẹ cho ba vì gia đình ba giàu có nhất vùng. Ba có phá của cũng là phá của cha mẹ, đâu có động đến cục đất nào của ông đâu mà ông lo. Vả lại, ông bà nội là người hiền đức. Làm dâu một nơi như vậy còn gì bằng. Thêm nữa, ba yêu mẹ đến vậy, mẹ cũng yêu ba. Không gả lỡ hai người làm bậy thì xấu hỗ đôi bên, biết đâu khi có vợ rồi ba đổi tính, chí thú làm ăn. Chuyện cấy gặt hay quản lý ruộng nương có gì khó. Học sơ qua cũng biết. Lo chi cho mệt.

Mẹ tôi kể lại rằng đám cưới của ba mẹ rình rang nhất làng. Kéo dài đến hai ngày đêm. Con gái trong làng đều trầm trồ, ao ước. Đó là ngày hạnh phúc nhất đời mẹ. Chỉ có bà ngoại cứ len lén lau nước mắt. Ông bà nội cũng từng hy vọng khi có vợ rồi ba không còn mê chơi bời, bè bạn nữa. Nhất là khi mẹ sinh ra tôi. Ai cũng chờ đợi ở ba một sự thay đổi cần thiết. Nhưng điều đó trở nên vô vọng khi mẹ khóc lóc, năn nỉ ba hãy có trách nhiệm với gia đình thì ba bảo rằng ba có là gì sai đâu. Ba có phản bội mẹ, có hất hủi con gái ba đâu và cũng không hỗn hào với cha mẹ đôi bên. Chỉ là ba còn trẻ, nếu không chơi, không bè bạn chẳng lẽ đợi đến già. Vả lại ba không làm cũng có ăn. Khi nào cần, ba làm cho xem! Lúa gạo của ông bà nội, có ở không mà ăn đến đời cháu của ba cũng chưa hết.

Nhưng, điều đó không như ba nghĩ. Ông nội bị đột quỵ bất ngờ và qua đời. Cái chết của ông nội cũng chưa khiến ba thức tỉnh, ba không hiểu được là một người đã cao tuổi như ông nội mà lo lắng quá nhiều, thêm những năm thất mùa liên tục, lỗ lã khiến ông suy sụp hẳn. Ông không đột quỵ mới lạ. Ba tuy có đau buồn một thời gian rồi đâu cũng vào đó khi bà nội giao quyền cai quản ruộng đất lại cho ba. Ba trở thành chủ đất. Ba thuê người cày cấy...việc gì cũng thuê. Làm ông chủ sao phải động tay động chân. Và, ông chủ khi giao lưu phải ra dáng ông chủ. Vậy là tiếng tăm hào phóng vang cùng làng cùng xóm. Ba được tâng bốc lên tận mây xanh. Lúa thu hoạch được lại chảy rào rào vào các cuộc nhậu thâu đêm suốt sáng. Hết tiền, ba phải bán bớt đất ruộng để hoang phí. Cứ thế. Đến khi bà nội bệnh nặng. Bà cầm tay ba trối trăn rằng héc- ta đất ruộng cuối cùng là đất hương hoả. Bà nội đã làm di chúc không được bán. Ba có quyền quản lý, canh tác hoặc cho thuê chứ không được bán. Nhờ vậy, nó an toàn. Bà nội mất, mẹ bắt đầu chen vào chuyện mưu sinh. Vì mẹ không thể để tôi do thiếu thốn mà phải nghỉ học. Tôi lại vừa đỗ đại học. Tương lai của tôi giống như một động lực khiến một phụ nữ chỉ biết khóc và an phận trở nên mạnh mẽ. Mẹ trực tiếp trông coi việc đồng áng. Điều này khiến ba chới với, không đồng ý nhưng mẹ không còn vâng lời ba. Mẹ nói thẳng với ba. Nếu muốn chơi bời thì hãy tiếp tục đi hãy chơi bằng tiền ba làm ra, còn lúa gạo nầy phải để nuôi sống gia đình và trang trải việc học cho con. Ban đầu ba nổi trận lôi đình cãi nhau với mẹ một trận tơi bời. Nhưng một sự kiện bất ngờ xảy ra trong huyện khiến ba kinh ngạc, hụt hẫng và tủi nhục. Đó là sự thành công của bác tư Thanh. Người bạn học ngày xưa tuy học giỏi nhưng nhà nghèo rớt mồng tơi, bác cũng đã từng yêu mẹ đơn phương. Bác ấy biết thân biết phận không thể thắng ba mà cũng do mẹ chỉ xem bác như một người bạn học thân thiết. Chính người đàn ông ấy đã tạo ra một kỳ tích khiến cả huyện phải ngỡ ngàng, ngưỡng mộ và khâm phục. Bác Thanh đã thay đổi số phận của mình, của gia đình và của những người láng giềng qua việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Bác đã tiên phong biến đất chuyên trồng lúa nước thành vườn cây cam sành bổ dưỡng mà ai ai cũng ưa thích.

Ban đầu, khi bác nói ra ý tưởng này trong cuộc họp, ban nông dân của xã và bà con hết hồn hết vía. Kể cả ông trưởng ban. Bởi nó quá mới mẻ, táo bạo và....nguy hiểm. Dù họ biết đất ruộng họ thu hoạch lúa rất thấp, có năm làm xong một mùa, thanh toán xong chi phí lại ....trắng tay. Tuy nhiên, đất vẫn nằm nguyên chỗ cũ. Lúa thì năm mất mùa nhưng có năm trúng. Khi trúng lại bị thương lái mua lúa ép giá, lời bèo bọt, cái nghèo đeo bám dai như đĩa. Mồ hôi, nước mắt cứ thế tuôn xuống ruộng đồng. Nhưng trước viễn cảnh bác Thanh đưa ra rằng trồng cam sành lời chắc như bắp. Mỗi năm chắc chắc sẽ lời hơn trồng lúa ít nhất ba bốn chục triệu đồng. Nghe thì bắt ham và hấp dẫn nhưng họ vẫn sợ. Lúa tuy thu hoạch kém hơn nơi khác nhưng dù gì cũng là nghề truyền thống của xã từ thời tiên tổ. Khi khổng, khi không lấy đất thế chấp vay vốn ngân hàng để mua giống cam sành, xẽ rảnh, lên liếp, mua phân, thuê người tỉa trái, uốn cành...rồi còn phải trồng cây chắn gió để trái đậu! Nghe bắt ớn lạnh! Cực thì không ai ngán nhưng nếu thất bại thì lấy đâu ra tiền trả nợ ngân hàng. Rồi đất bị ngân hàng xiết trừ nợ...Nông dân mà không còn đất thì sống sao đây trời! Thế là ý tưởng bị ...dập ngay từ khi cuộc họp chưa tan.

Bác Thanh thất vọng não nề. Nhưng may sao người bạn đời và các con của bác luôn một mực tin vào điều bác nghĩ. Họ động viên và nhất quyết đồng lòng cùng bác biến mơ ước thành hiện thực. Bác gái và anh Tuấn, con trai trưởng của bác đã theo bác đi Tham quan vườn cam sành ở Sóc Trăng, Đồng Nai...họ rước cả kỷ sư ở đó về xem đất và tư vấn cho việc chuyển đổi cây trồng. Gia đình bác tiến hành lập vườn cam trên đất ruộng của mình. Thế mới biết sức mạnh của đoàn kết gia đình. Bác gái bán hết tư trang để góp vốn cho chồng, đích thân ra vườn cam phụ chồng việc quản lý sự phát triển của cây giống từng ngày. Bác bắt từng con sâu, tỉa từng trái cam èo uốt để cho trái khác to hơn. Bái còn tỉa cả nhánh để cho nhánh nào của cây cũng được hứng nắng ấm rồi bác đôn đốc mọi người trồng cây chắn gió để trái non không rụng . Bác nấu nhiều món ngon để thợ bồi dưỡng, lấy sức trông nom vườn cây... Anh Tuấn thì khi trở lại trường Đại học, anh không còn đi ăn quán, ngồi vắt vẻo uống cà phê lướt web, anh đi làm thêm để tự trang trải chi phí sính hoạt cho ba mẹ bớt lo. Em gái anh tan học vội về nhà lo việc nội trợ để mẹ an tâm lo vườn tược. Và sự cố gắng của họ đã được đền đáp. Trong lần thu hoạch đầu bác Thanh đã làm cho mọi người thay đổi suy nghĩ. Bác bán được hai mươi lăm triệu với một tấn cam. Tổng thu của bác hơn năm trăm triệu. Sau khi trả nợ ngân hàng, bác ấy thay vì đi nhậu mừng công thì lại lo đi thuê đất quanh vùng để phát triển. Chẳng bao lâu, bác ấy trở thành tỷ phú và dân trong xã gọi bác là Vua Cam Sành.

Ai cũng nể phục bác trừ ba tôi. Ông ấy cứ lè nhè rằng chẳng qua là may mắn, là vận may phúc đức ông bà để lại thôi. Ông cũng sẽ trở thành tỷ phú cho xem. Nhưng ông cóc thèm trồng cam. Cứ trồng lúa. Thử xem rồi ai sẽ hơn ai. Ba nói với mẹ rằng để bà xem, bà lấy tôi là phúc hay hoạ nghen! Mẹ không trả lời nhưng lủi ra sau bếp lau nước mắt. Tôi hiểu ba tôi nói vậy chẳng qua vì tự ái, vì tự đáy lương tâm ba hỗ thẹn. Ba tự biết mình không thể hơn bác Thanh. Bác ấy tay trắng làm nên. Còn ba, một tay ba làm cơ nghiệp tan theo mây khói. Mẹ lấy ba thì từ một hoa khôi trong vùng nay xơ xác, tiều tuỵ như một người bị ốm lâu năm. Còn vợ bác Thanh, từ một cô gái cục mịch, đen đúa, ốm nhom thì nay phổng phao, đầy đặn. Bác ấy trở nên thanh lịch hơn nhờ lụa là và trang sức mà chồng bác mua cho. Nhưng nét tươi trên khuôn mặt của người phụ nữ ấy chính là biểu hiện của hạnh phúc gia đình viên mãn. Đồng vợ đồng chồng, biết trân trọng nhau. Gia đình họ giờ là một tấm gương về gia đình văn hoá. Giờ đấu với nhau thì ai hơn ai đã rõ. Mà đấu để làm chi chứ. Khi mà ba biết anh Tuấn và tôi yêu nhau. Chúng tôi cùng đậu Đại học. Bác gái quí tôi như con đẻ. Và bác ấy cũng thân thiết với mẹ. Họ xưa vốn là bạn học kia mà. Chuyện tình thời đi học đã trở thành kỷ niệm lâu lắm rồi. Bây giờ ai cũng có gia đình riêng. Chỉ ngẩu nhiên là tình yêu giữa tôi và anh Tuấn giúp hai bà mẹ ngầm nghĩ rằng hãy để cho chuyện yêu đương ngày xưa tan theo mây khói. Bác gái biết ba tôi hãy còn ấm ức vì sự phất lên của tình địch cũ. Nếu không xua tan ý nghĩ ấy thì chắc cuộc hôn nhân của hai trẻ sẽ khó bề thành được. Bác gái tìm cách gặp riêng ba trò chuyện chi đó. Khi về, ba nằm toong teng trên võng, tay gát lên trán lâu thật lâu rồi bỗng ba ngồi phắt dậy nói với mẹ:

- Tôi quyết định rồi. Tôi cho thằng Thanh thuê đất.

Mẹ trố mắt nhìn ba như nhìn người ngoài hành tinh:

- Thiệt không đó?

- Thiệt mà. Mẹ con bây thấy lạ lắm sao?

- Ừ, thì cũng lạ thiệt. Người ta hỏi thuê lâu rồi, ông đâu chịu. Khi không ...

- Chứ bà xem. Đất mình nằm giữa. Chung quanh lớp nào bà con tự là vườn, lớp nào cho thằng Thanh thuê để lên liếp trồng cam. Mình tưới hay thoát nước ở ruộng mình cũng khó. Chừng thu hoạch nội chuyện xe tuốt lúa vào cũng khó rồi chở lúa ra cũng phải đi nhờ đất người. Thuê cấy gặt lại hiếm thợ vì họ đi làm vườn hết rồi. Vậy cho thuê đất phức đi lấy năm mươi triệu một năm, tính ra còn lời hơn chục triệu khi trồng lúa một năm ba mùa.

Mẹ tròn mắt nhìn ba. Cuối cùng thì ba cũng nhận ra điều đó. Chỉ có điều mẹ lo lắng là khi có tiền rồi ba lại đi nhậu. Chẳng bao lâu hết thì gia đình sống sao đây? Mẹ nói ra ý nghĩ ấy. Ba giận dữ đứng phắt dậy, tôi hết hồn chạy đến bên mẹ để ngăn cản nếu ba động tay động chân. Nhưng rồi không hiểu sao, ba đi ra ngõ mất dạng.

Thì ra ba qua nhà bác Thanh thông báo chuyện sẽ cho thuê đất. Hai người nói gì không biết nhưng ngay hôm sau ba đã cùng bác Thanh ra Trụ sở Huyện ký hợp đồng. Sau đó, ba đi nhậu. Nhưng lần này rất lạ, ba nhậu với bác Thanh. Ba xỉn đến độ anh Tuấn phải kè ba về nhà giúp. Mẹ trông thấy, hết hồn hết vía, than thở:

- Ba con hết chuyện rồi lại rủ rê người làm ăn đi say xỉn. Mẹ không còn non nước nào để nói nữa. Sao mà mẹ khổ quá vầy trời!

Nhưng anh Tuấn đã vội thưa:

- Bác đừng lo. Bác trai biết tính chuyện làm ăn lắm ạ. Bác ấy vừa mới bàn với ba con là sẽ dùng tiền thuê đất đi mua ruộng bên xã khác rồi cho thuê. Còn bác ấy đi làm cho ba mẹ con để nhân tiện học cách trồng cam, khi nào hết hạn hợp đồng, bác ấy tự trồng. Chẳng bao lâu gia đình sẽ khá lên bác ạ.

Mẹ như người nằm mơ chợt tỉnh. Mẹ khóc. Mẹ vốn vậy. Buồn khóc, vui cũng khóc. Riêng tôi, tôi đang khóc vì tôi biết chính bác Thanh đã khéo léo dẫn dắt ba tôi về con đường chính. Con đường ngập tràn ánh sáng của yêu thương, chia sẻ và hạnh phúc. Bắt đầu từ cái hợp đồng nước mắt ấy/-