Việt Văn Mới
Việt Văn Mới








TRÒ CHUYỆN VỚI CHIM SÂM CẦM








H  ôm ấy là một chiều đông giá buốt – cái lạnh run người bỗng nhiên ập xuống kinh thành Thăng Long. Trong giá rét, Nguyễn Thị Lộ càng cảm thấy cô đơn. Toàn thân nàng là một khối băng, chỉ cần một ngọn lửa nhỏ nó sẽ tan thành hơi nước. Nàng buồn nhớ Nguyễn Trãi ở Côn Sơn. Giờ này Nguyễn đang làm gì? Nàng có thói quen đọc được từng ý nghĩ của Nguyễn. Vậy mà trong khoảnh khắc giá lạnh này, nàng không thể bắt được một tín hiệu nhỏ nào nơi Nguyễn. Trái tim nàng đau nhói. Nàng cảm thấy mặt đất tối sầm, có một cái gì đau thương như nhật thực.

Nàng lặng lẽ rời khỏi cung cấm, nơi mà ngày ngày nàng dạy các cung nữ hát ca. Nàng một mình đi ra phía Hồ Tây, dừng lại nơi nàng ngồi bán chiếu gon. Nơi nàng đã gặp Nguyễn Trãi như một định mệnh.

Hồ Tây mênh mông, sương mù, giá buốt. Từng đôi chim sâm cầm vỗ cánh bay đi như chở theo nỗi buồn của Nguyễn Thị Lộ. Chim ơi hãy bay đi, bay về phương có Nguyễn, nói với chàng rằng ta nhớ chàng da diết. Ta cô đơn trong nỗi nhớ - ta và Nguyễn giờ đây ở hai đầu vực thẳm. Hai người là hai nỗi cô đơn đang bốc cháy, nếu gần nhau, nó sẽ nổ tung. Ta được nhà vua sủng ái nơi cung cấm. Nguyễn phải lưu đày ở Côn Sơn. Nhưng ta với Nguyễn chỉ là một mà thôi. Khát vọng của Nguyễn chính là khát vọng của ta. Nguyễn yêu ghét thế nào ta cũng vậy thôi. Nhưng thời gian và không gian cách biệt đã tạo ra một bi kịch trong tâm hồn Nguyễn.

Ở Côn Sơn xa xôi, Nguyễn ngỡ ta được nhà vua sủng ái mà thay lòng đổi dạ. Cảm thấu được nỗi lòng chàng, trái tim ta quặn đau. Chim sâm cầm ơi! Hãy thay ta nói với chàng: Dù vật đổi sao dời, dù nhật thực hay nguyệt thực, dù đêm tối mênh mông, dù giá lạnh sương sa, dù bão táp, gió mưa, ta vẫn chỉ là Nguyễn Thị Lộ. Không bao giờ ta để mất mình. Giữa cung vàng điện ngọc, ta vẫn tỉnh táo để nhận ra rằng vua Lê Thái Tông yêu ta, nhưng đó không phải là tình yêu. Đó chỉ là sự mê đắm tửu sắc thường tình của các ông vua. Cố nhiên ta là kẻ sĩ, có sang trọng hơn đám cung tần mĩ nữ, vua cố vời đến để thoả mãn lòng kiêu ngạo vì đã chinh phục được một người đàn bà đẹp và tài trí. Ta hiểu ta cũng chỉ là đồ trang sức của nhà vua và triều đình mà thôi. Nhưng khốn khổ cho ta, người đời có ai nhận ra sự thật đó. Họ khao khát địa vị của ta. Và bao nhiêu mưu ma chước quỷ, bao nhiêu bất trắc rình rập ta mọi phía, mọi thời khắc. Ta phải chống chọi với những trắc ẩn của đời sống quanh ta từng giờ, từng ngày. Có lúc ta phải lặng câm. Nhưng lặng lẽ mà nhìn thấu lẽ đời. Im lặng để mà hiểu đời, hiểu người, hiểu mình. Im lặng để tìm ra khoảnh khắc bình yên của tâm hồn. Tự ta, ta phải vươn dậy như cây thông trong bão xoáy. Mặc dù ta yêu Nguyễn là thế. Nhưng ta không thể lấy tình yêu làm cứu cánh. Tình yêu của Nguyễn đối với ta, dù nồng ấm bao nhiêu cũng không thể làm tan khối cô đơn khổng lồ trong ta.

Ta cô đơn, nỗi cô đơn của con người. Con người bất lực trước cái chết. Nhưng con người lại luôn khát vọng sống cao cả. Vậy thì con người cô đơn là phải. Một nỗi cô đơn cao cả. Và một mình ta cứ lặn ngụp trong nỗi cô đơn đó. Ta đau đớn. Ta quằn quại. Tựa như ta đã tự làm khổ mình. Nhiều khi ta muốn cháy bùng, muốn nổ tung. Nhưng ta chỉ là một người đàn bà yếu đuối. Ta sợ cái chết. Ta sợ sự bất ổn quanh mình. Ta cầu nguyện sự bình an. Ta được giải thoát khi viết thư cho Nguyễn:

“Kinh thành đang mưa. Trong màn mưa dày đặc thiếp nhìn thấy màu đỏ. Cái màu ấm nóng của trái tim, tình yêu tan nhoà trong mưa. Nó xoá đi dòng thời gian hiện tại của thiếp. Chỉ có Hồ Tây vẫn xanh một màu xanh của ngày thiếp gặp chàng. Chàng bảo thiếp vui với hiện tại mà sống. Nhưng hiện tại của thiếp có gì đâu, những mặt người nhộm nhoạm, nháo nhào. Kinh thành vẫn mưa. Mưa giăng trên mặt hồ nhẹ như hơi thở mà sao thiếp nghe như tiếng thét gào. Thiếp nhớ lại có lần chàng bảo sẽ đưa thiếp vào lạc lõng trong một thời gian vô định, một không gian vô biên để mà sống. Vì chỉ có những phút giây chơi vơi trong tình cảm va lý trí mới là sống thật mà thôi. Đó là những giây phút ta đi tìm chân lý. Nhưng chân lý là gì? Ngàn vạn năm rồi con người vẫn hỏi câu hỏi đó. Và loài người cứ đi tìm chân lý, chới với, chơi vơi… Rồi thời gian cứ trôi. Ôi! Thời gian, sao con người cứ bị ám ảnh bởi thời gian. Thời gian đã sinh ra bao chuyện cuộc đời, rối tung, rối mù để con người không nhận ra đâu là chân lý. Thời gian kéo dài thêm nỗi cô đơn. Thiếp phải chống chọi với nỗi cô đơn ấy bằng cách xé tan hồn mình, chấp nhận nỗi cô đơn để sống làm người. Nhưng thật phi lý, con người càng vươn tới cõi Người bao nhiêu thì càng mau chóng đi đến cái chết bấy nhiêu. Thiếp nghĩ đến lúc thiếp nằm sâu trong nấm mộ im lìm mà trái tim vẫn cuộn lên bao yêu thương, trong sạch, khổ đau, bao ý nghĩ tốt lành, bao nhiêu thao thức nhớ thương… Lúc ấy lấy ai mà giãi bày, lấy ai mà an ủi thiếp. Trên cuộc đời này dù có cô đơn, thiếp vẫn nghe được những tiếng gió mưa thổn thức, tiếng thì thầm của côn trùng, tiếng cỏ cây, hoa lá… vọng trong đêm. Trên mặt đất này dù có cô đơn, giá lạnh thì vẫn có ánh mặt trời sưởi ấm. Nhìn thấy bình minh toả bảy sắc cầu vồng, thiếp lại thấy tría tim rộn ràng, náo nức… Và tiếng chàng lại thổn thức từ xa vọng về, thương yêu nồng ấm… Thiếp lại thấy đời đáng sống biết bao. Thiếp phải sống để làm người, phải sống trong cả buồn đau, thao thức cả đời, cả lệ, cả tình yêu”.

Chim sâm cầm ơi! Tình của ta với Nguyễn là như vậy đó - Hư ảo – Mong manh - Ẩn hiện – Bất ngờ. Nhưng nó lại có sức sống vượt ngoài mong muốn của ta, vượt không gian, thời gian. Tình yêu của Nguyễn giúp ta cảm nhận được thời gian, không gian và cả nhân loại. Không gian đó, thời gian đó, nhân loại đó nằm trong cõi suy tư huyền ảo của Nguyễn. Nguyễn bảo: “Sự cách biệt thế hệ: trang trọng – tình cảm đất trời – thiêng liêng”. Nguyễn và ta đã đạt tới sự trang trọng, thiêng liêng đó.

Và chính Nguyễn đã dạy ta biết sống, biết yêu và biết chết. Cái chết là một bí ẩn mà con người không thể chống cự nổi. Nhưng ta không sợ chết nếu ta được nằm xuống đất đai, cây cỏ cùng với Nguyễn. Hai nấm mồ đó sẽ là hai khối cô đơn cháy lửa mà nước mắt ngàn đời không dập tắt nổi. Nhưng hồn ta và hồn Nguyễn sẽ hoà trong nhau, tan vào đất đai, cây cỏ, toả hương đồng gió nội và bay lên lang thang trong trời đất. Ta hết cô đơn. Ta muốn nói với đời lời cảm tạ rằng ta đã sống trọn kiếp người và cái chết lại bừng lên sự sống.


Hà Nội năm 1996

(In trong tập Truyện ngắn Chuyển Kiếp- NXB Hội Nhà văn- 2000)