Uyển đặt thùng tưới xuống đất, đến ngồi lên chiếc đôn sành có hình con voi huơ vòi làm dáng. Uyển ngắm vườn hoa kiểng vào xuân. Đẹp tuyệt! Uyển cảm thấy lòng rộn lên một nỗi gì rất lạ. Vui vui, buồn buồn. Chẳng hiểu vì sao? Uyển cất tiếng hát một bài ngợi ca mùa xuân. Giọng Uyển trong và cao như tiếng chim véo von trên nhánh lá. Khu vườn bừng tỉnh, lắng nghe. Quanh vùng, ai cũng biết Uyển hát hay. Trong những lần bạn bè của nội Uyển tụ hội về đây tổ chức đờn ca thì Uyển cũng góp giọng. Và cô nổi lên như một ngôi sao… tài tử. Có lẽ Uyển thừa hưởng ở người ông về sự say mê âm nhạc. Từ lúc còn để chỏm, Uyển đã từng ngồi hàng giờ, há hốc mồm để uống từng lời ca trầm ấm của nội. Dù bấy giờ, nội không còn trẻ nữa, chỉ được chọn diễn những vai phụ. Nhờ khuôn mặt đẹp phúc hậu nên bao giờ nội cũng được đóng vai chính diện như vua chúa. Hay những vị quan thanh liêm, những người tốt bụng… Lúc đó, trông nội cao sang, quí phái làm sao! Sau một lần sốt nặng, nội bị “bể tiếng”. Đó là cú sốc lớn nhất đời nội. Ông bầu đoàn hát cải lương phải để nội thủ những vai lặng lẽ như quân hầu, hoặc đóng giả những tượng Phật đứng, ngồi hay nằm trên sân khấu. Rồi nội chuyển sang đệm đàn guitar trong ban nhạc. Khi đoàn hát tan rã, nội trở về quê nhà, gom góp tiền dành dụm, tu sửa lại ngôi nhà tổ tiên rồi chuyên tâm trồng hoa kiểng. Lâu lâu, nhớ sân khấu, nội mời bạn già đến nhà vừa ngắm hoa nở vừa đàn hát. Dần dần nhóm đờn ca tài tử thu hút cả những chàng trai trẻ, những cô gái đôi mươi xin gia nhập. Họ làm cho cuộc sống trở nên thi vị, phong phú và đáng yêu.
- Cô ơi! Có phải đây là nhà của ông Năm Bon Sai không cô?
Uyển giật nẩy mình, im bặt. Một gã cao nhòng, tóc dài như con gái đang ngóng cổ qua cổng rào nhà Uyển. Hắn cười nhe hàm răng trắng ưỡn:
- Cô hát hay quá hà!
Uyển liếc ngang:
- Kệ tui! Mà ở đâu tới đây phê bình người ta vậy hả?
Hắn bật cười:
- Ừ, nghề của tôi mà. Có phải đây là nhà của Ông Năm Bon Sai không cô? Cô là gì của ông Năm vậy cô? Cô có tham gia nhóm đờn ca tài tử không?...
Uyển le lưỡi:
- Oa! Y chang công an! Hỏi tới tấp, dồn dập như… lấy khẩu cung. Thở còn không kịp làm sao trả lời.
Hắn nhận ra sự nóng vội của mình, nhoẽn cười:
- Cô có thể cho tôi vào nhà được không?
- Nhưng tôi đâu có quen ông, vào nhà tôi làm gì?
- Có lẽ ông Năm quen tôi. Tôi là Nhà phê bình Hải Sơn. Có ông Năm ở nhà không cô? Tôi xin phép gặp ông để nắm vài thông tin.
Uyển nhíu mày, mím môi. Nhà phê bình! Hèn chi hắn “nhiều chuyện” quá trời! hỏi không kịp trả lời. Mình mà lớ quớ, hắn “phê” cho một nhát là ê ẩm. Uyển lật đật ra mở cổng:
- Mời Nhà Phê bình vào. Nếu có chi sơ sót, xin Nhà phê bình đừng… phê bình.
Hải Sơn bật cười:
- Cảm ơn cô. Ngoài vòng phủ sóng rồi. Tác nghiệp làm chi cho uổng một ngày vui.
Có tiếng húng hắng ho của nội Uyển:
- Ai tìm nội đó Uyển?
- Dạ, ông... Nhà phê bình Hải Sơn tìm nội nè.
Uyển chạy tới cửa buồng, dìu nội ra ghế sa - lông, ngồi đối diện với Hải Sơn. Uyển xuống nhà sau châm trà mang ra mời khách. Xong, cô lỉnh ra ngoài vườn. Khu vườn rộng đến mấy ngàn mét vuông nầy nếu không có Uyển, nội không thể nào chăm sóc cho xuể. Ban đầu, nội gặp rất nhiều khó khăn trong việc gây dựng cây giống và thiếu hiểu biết về kỹ thuật trồng trọt, chăm bón. May sao, ngày đó, Uyển về thăm nội luôn tiện báo tin đỗ tốt nghiệp Đại học. Uyển mừng quýnh vì thấy đây là môi trường thuận lợi để Uyển áp dụng lý thuyết đã học về nông nghiệp vào thực tiễn đời sống. Uyển từ chối lời mời gọi của một công ty hợp tác với nước ngoài mà trước đây Uyển đã mơ ước và nộp đơn xin việc. Uyển dọn về ở với ông, mặc cho bạn bè ngăn cản. Và Uyển đã thành công. Uyển thuê thêm vài nhân công phụ giúp tưới bón, chở hoa, kiểng đem giao cho người mua… Uyển giúp ông quản lý và hướng dẫn kỹ thuật. Bây giờ, trong vườn, trăm hoa đua nở. Bon Sai được hai ông cháu tạo dáng trở nên thanh thoát, tuyệt vời. Nhất là loại “Mame Bonsai”. Những cây Mame Bonsai tí hon được Nội và Uyển trồng trong những cái chậu nhỏ xíu nhưng đường nét của chúng là một tác phẩm nghệ thuật tuyệt tác.
Trong một lần đi dự hội thảo do câu lạc bộ Hoa kiểng tổ chức. Uyển học được cách tạo ra MameBonsai rất đơn giản là cắt nhánh cây rồi trồng xuống đất khi ra rễ, Uyển đem trồng vào trong chậu phù hợp với kiểu dáng của chúng. Và đặc biệt là phải dùng loại đất đỏ có hạt nhỏ. Nhiều người rất thích loại Bonsai này. Những người săn kiểng quí bắt đầu tìm đến và nội bắt đầu… giàu. Uyển rất vui không chỉ vì đem lại lợi nhuận cho ông mà vì hàng ngày được tiếp xúc với thiên nhiên, Uyển thấy thanh thản làm sao! Lâu lâu, Uyển cũng hòa cùng thanh niên trong làng hát hò cho vui nhà vui cửa. Cái vòng danh lợi “cong cong” đã bị Uyển cho ra rìa từ lâu. Hôm nay, Bỗng dưng xuất hiện một nhà phê bình giữa chốn bình yên nầy. Uyển phát bực, cô bỏ ra vườn bắt sâu còn hơn nghe nhà phê bình khen chê đủ thứ. Chẳng hiểu sao Uyển không có cảm tình với những người hay phê bình. Có lẽ do họ nhìn thấu đáo, rạch ròi từ chân tơ kẻ tóc của những người “nằm trong tầm ngắm”. Họ làm cho cuộc sống trần trụi, tách bạch giữa thanh thiên bạch nhật, khiến “người bị phê” hoặc có cảm giác lên tậng chín tầng mây hoặc rơi xuống đáy vực. Dẫu biết rằng cũng nhờ “bị phê bình” mà con người dễ dàng nhận ra thiếu sót, khuyết điểm để sửa chữa và hoàn thiện bản thân. Nhưng Uyển cứ ghét...
- Cô có vẻ không ưa những người làm công tác phê bình như tôi?
Uyển giật mình ngước lên. Hắn và nội đang đứng gần bên Uyển tự lúc nào. Cô lầm bầm:
- Chuyên môn làm người ta giật mình!
Hai người đàn ông bật cười. Uyển cũng cười theo:
- Ông hay thiệt! Hiểu tôi quá trời.
Ông nội nhìn Sơn cười tủm tỉm rồi quay sang Uyển:
- Con đừng nói vậy, cháu Sơn buồn. Thật ra, công việc của cháu Sơn cũng gần giống như con đang làm đó thôi. Con đang dùng cây kéo gắp mấy con sâu bỏ vào bọc ny – lông, lát nữa con đem vỗ béo mấy con gà sau vườn. Trả lại sự bình yên cho cây lá, giữ gìn vẻ đẹp của hoa. Con còn dùng sợi dây chì kia, kéo ghì nhánh cây cần thăng hay bất kỳ loại cây nào khác để uốn dáng cây theo ý của mình. Tạo cho nó một vẻ đẹp hoàn mỹ trên mặt chậu. Còn cháu Sơn, cháu ấy đã dùng ngòi bút để uốn nắn, giữ gìn vẻ đẹp vĩnh cửu của nghệ thuật. Nhưng việc làm của cháu Sơn “nguy hiểm“ hơn. Vì rất dễ đụng chạm, dễ bị thù ghét. “Uốn người” đâu phải dễ! Đòi hỏi người viết sự kiên trì, bền bĩ và lòng chân thành yêu văn hóa truyền thống nước nhà. Đối tượng của con là hoa và kiểng. Chúng không biết ghét. Cùng lắm, chúng phản đối con bằng cách héo rũ mà thôi. À, cháu Sơn muốn ngắm hoa thì bảo Uyển dẫn đi một vòng. Nếu cháu thích cây nào cứ bảo, em Uyển sẽ tặng cháu ngay. Bây giờ tôi đi chợ, mua ít thức nhắm luôn tiện mời anh em trong nhóm đờn ca tài tử tối nay đến vui với cháu. Luôn tiện, cháu muốn phỏng vấn hay góp ý gì thì cứ việc.
Uyển mỉm cười, nhìn theo những cánh bướm chập chờn bên khóm hoa. Sơn ngồi xuống cạnh Uyển. Anh nhặt một chiếc que tre gần đó, vít con sâu xuống đất. Con sâu cuộn mình, lăn mấy vòng mới chịu nằm yên. Uyển dùng kéo kẹp ngang người nó bỏ vào bao.
Sơn mỉm cười:
- Vậy là hết ghét tôi rồi phải không?
- Sao anh dám chắc như vậy?
- Cô đang chia sẻ và cảm thông đó thôi. Cô đúng là một cô gái bao dung, dễ mến và… đáng yêu!
Uyển lừ mắt nhìn Sơn. Có lẽ hắn đang đưa cô lên chín tầng mây. Ở đó, Uyển bắt gặp một chiếc cầu vồng bảy sắc vắt ngang đỉnh trời. Ánh hào quang tỏa sáng như nắng xuân quyến rũ. /.