Mùi hoa ngọc lan thoang thoảng trong gió. Cây mai trước hiên nhà lá ngả vàng đang chờ người lặt.. Trên đường từ trường về, chị đã thấy những bó nhang, thúng cát trắng, hoa giấy Thanh Tiên đang được. bày bán hai bên đường. Ừ, Xuân đã về, Tết sắp đến nhưng chị thì làm gì còn có mùa Xuân.
Chị nhớ lại những cái Tết trong quá khứ. Những cái Tết đơn giản một mạ một con nhưng vẫn là Tết. Mạ chị bán đến tận chiều ba mươi. Đêm trừ tịch, sau khi cúng, mạ cắm nhang trên bàn thờ, ngoài cỗng ngõ với những lời khấn thầm thì trong cổ họng. Khách khứa không có ai. Mệ nội ở dưới làng đã yếu. Đường sá hay bị đắp mô. Mạ gửi chữ hiếu qua những gói hàng khi gặp người làng đi chợ nhờ mang về.
Trong giấy khai sinh của chị, dưới tên họ người cha, có ghi một chữ “ chết”. Bao nhiêu năm chị không nghĩ ngợi gì cho dù Mạ chưa bao giờ kể cho chị về cái chết của người cha. Có lần chị thắc mắc, mạ trả lời đơn giản: Cha chết rồi, có chi mà kể!
Năm lên mười hai tuổi, một bữa nọ, mạ tất tưởi kéo chị về làng sau buổi chợ trưa. Làng nội nằm dọc theo sông Bồ, những năm ấy được coi là “ vùng xôi đậu”. Xuống xe đò xong, hai mạ con phải lội bộ trên những trảng cát, bờ ruộng vì con đường chính rải đá từ thời Pháp thuôc hay bị đắp mô. Chẳng ai đoán được những gì có thể xảy ra dưới cái ụ đất ấy. Dân trong làng hầu hết đã tản cư lên vùng ven thành phố, buôn bán lặt vặt qua ngày, chỉ còn những người già cả bám víu làng như một điểm tựa cuối đời. Mệ nội già lắm rồi. Da nhăn nheo như một quả táo khô. Mệ sống với bà bác dâu trong một túp lều gần bến sông. Căn nhà bề thế cũ, cột kèo đã được tháo dỡ từ lâu tránh bom đạn tàn phá. Trong lều, căn hầm chiếm hơn nửa. Chị không hiểu tại sao bà bác và mệ không chịu lên Huế. Mệ nội cầm tay chị “Con thằng Hiếu lớn ri răng?”
Đêm nhà quê yên ắng. Lâu lâu, những đốm hỏa châu lóe lên trên nền trời rồi tắt lịm. Một thứ yên ắng đáng ngờ. Không có cả tiếng chó sủa, mèo kêu. Chị nằm ngủ trên nắp hầm sau chuyến đi mệt nhọc. Ba người đàn bà thì thầm cạnh ngọn đèn hiu hắt được vặn nhỏ.
Khi chị thức giấc, chắc cũng quá nửa đêm. Chị nhìn xuống dưới. Ngọn đèn dầu vẫn sáng màu vàng đục. Nhưng bên cạnh mệ có thêm một người đàn ông gầy gò, tay của ông quàng qua vai mệ. Mạ sụt sùi, tiếng được tiếng mất: “ Nhà em ra răng hở bác? Răng anh không được về Nam? Em nhớ lời anh ấy, nếu có con dù trai hay gái cũng đặt tên là Thảo. Cha Hiếu con Thảo. Nó không biết biết cha nó đi tập kết. Em sợ...”
“ Thím yên tâm. Chú ấy vẫn khỏe. Công tác tốt. Tui có đem về cho thím tấm hình của chú khi đi Liên Xô.”
Có tiếng huýt sáo nhẹ ngoài vườn. “Thôi, tui phải đi. Ngày thống nhất sẽ không xa. Nhớ lời tui dặn.”
Mệ, bác dâu, mạ đều bịn rịn nhưng người đàn ông đã biến mất vào bóng đêm.
Từ đó, chị biết cha mình chưa chết. Ông ở một tỉnh nào đó ngoài miền Bắc. Nhà mệ nội có đến ba người đi tập kết và bác Trưởng đã được trở về hoạt động trên quê hương.
Mạ lên Huế, giấu kỹ trong người tấm ảnh của người chồng gần mười ba năm không gặp. Chị cũng chỉ được phép ngó hình cha vào đêm cuối năm, khi mạ đã thắp nhang trên bàn thờ, ngoài ngõ và những cánh cửa được đóng kín. Một tấm ành có răng cưa nhỏ xíu bao quanh bỏ gọn trong lòng bàn tay. Một người cha nhìn không rõ mặt.Và từ đó chị tưởng tượng ra một người cha cho riêng mình, tổng hợp tất cả vẻ đẹp của những người cha của bạn bè .
Cũng từ đó, hình như mạ vui hơn. Những đêm cuối năm, mạ kể cho chị nghe những câu chuyện xưa cũ. Và trong những câu chuyện ấy, hình ảnh người cha hiện lên chi tiết, sống động, huy hoàng. Cha, người đỗ bằng Thành chung duy nhất của làng dưới thời Pháp thuộc, người hăng hái treo cờ Việt Minh trên cây đa đầu làng, người đã cùng hai anh trai tình nguyện ra Bắc khi hiệp dịnh Geneve được ký kết, để lại một bà mẹ già và ba người phụ nữ trong căn nhà rường ba gian hai chái bên con sông Bồ bốn mùa xanh ngắt.
Bác dâu cả không con hay chưa kịp có con, sống cùng mệ nội, chăm nom bà đúng bổn phận của dâu trưởng. Vợ bác thứ hai có một con gái nhưng sau sáu năm mù mịt tin chồng, bác đã đem con vào Nam và một đi không trở lại. Nghe người làng có lần gặp bác ở Sài gòn và bác đã quên hết chuyện xưa. Còn mạ Thảo, người đàn bà có hai tháng để quen biết, mối lái, dạm ngõ, cưới xin và chỉ biết mình có con sau khi chồng lên đường.
Hai năm như lời hứa đã trôi qua nhưng những người ra đi vẫn biền biệt. Lưng mê nội còng hơn. Chiều chiều mệ ngồi trên bến sông như hoài vọng ngày ba con trai bước xuống đò. Mắt mạ buồn thăm thẳm.
Chiến tranh ngày càng lan rộng. Cả làng đươc lệnh tàn cư. Những ẤpTân Sinh được thành lập dọc theo quốc lộ. Nhưng dân vẫn bám đất bám làng. Họ về làng lúc sáng sớm, tiếp tục trồng trọt, gieo mạ, gặt lúa...rồi xế chiều lại trở về trong những mái tôn tạm cư chật hẹp. Làng chỉ còn những người đàn bà lưng còng, tóc bạc bám trụ. Bên ni bên tê không có căn cứ chi để bắt bớ.
Để tránh bom đạn và những lời chọc ghẹo của bọn lính đồn, mạ xin mệ lên Huế, buôn bán nuôi con và chờ chồng.Trong khai sinh, Thảo có một người cha đã chết.
Từ lần về làng đó, mạ vui hẳn. Tin tức về người chồng dù mơ hồ nhưng đã thắp sáng niềm hy vọng trong tim người thiếu phụ. Gánh hàng trên vai mạ nặng hơn, Mạ ra đi từ sáng tinh sương và trở về trong bóng tối chạng vạng. Đêm nào sau khi học xong , Thảo cũng phải bóp dầu tràm trên bắp chân đầy nhửng vệt xanh như giun bò của mạ. Trong những gói hàng gởi về quê, mạ cũng kèm theo những món đồ bác Trưởng dặn. Những viên thuốc Tây, vài viên pin, ít mét vải...Mạ dành dụm tiền gắng mua cho bác một cái Radio hai băng của Nhật. Đi bán về, mạ còn qua hàng xóm coi T.V, lắng nghe tin chiến sự, cầu Cách Mạng thành công.
Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong niềm vui chung còn có những niềm vui riêng. Hàng chục ngàn bà mẹ, người vợ miền nam hân hoan đón chờ người con, người chồng, người cha trở về. Mắt mạ sáng Thảo lấp lánh. Hai năm đã trở thành hai mươi năm. Nhưng có hề chi. Chồng bà trở về. Con bà sẽ có cha bù cho những thiệt thòi trong quá khứ. Bà tưởng tượng ra dáng dấp của người chồng để may cho ông những bộ áo quần. Bà hình dung ra cái rét của miền Bắc để đan cho ông cái áo len màu cà phê sữa...Ôi, người đàn ông mà bà còn chưa quẹn hơi đã vội chia biệt. Cha vẫn chưa gởi thư vô. Cha còn bận trăm công ngàn việc sau tiếp thu như lời bác Trưởng.
Ngày có tin bác dâu nhắn về làng, hai mạ con vui như trẫy hội. Đã năm tháng sau ngày 30 tháng 4.
Đường về quê như đổi mới. Dân chúng tấp nập hồi cư. Hai bên đường thơm ngát mùi lúa đòng đòng. Không còn sợ những mô đất đắp trên đường. Không còn lo những mủi súng lấp ló đâu đó sau những hàng cây. Trên những trãng cát khô khan cháy nắng ngày xưa đã vươn lên những chồi non của khoai sắn. Hai mươi năm, Thảo sẽ được gọi tiếng “Cha” đầu tiên! Lòng cô xôn xao...
Nhà bà nội đã được phục dựng trên nền cũ. Những cột kèo xuyên trếnh, đòn tay, rui mè... môt thời bỏ lăn lóc bây chừ đã trở về vị trí của nó. Tay mạ run run khi cầm tay Thảo bước vào căn nhà bề thế ấy.
Đón tiếp mạ con Thảo không phải là những tiếng reo vui, không phải là những nụ cười rạng rỡ hay những giọt nước mắt mừng tủi cho ngày hội ngộ! Mệ nội ừ một tiếng khi mạ chào. Bác gái nói “Hai mạ con về đó tề, chú Út”. Và một người đàn ông mặc áo đại cán vẻ mặt trang nghiêm, đôi kính trắng quan cách từ nhà ngang bước lên, cất tiếng “ Cô đấy ư? Con gái tôi đây ư? ”. Hai cành tay của mạ buông thỏng. Cái nón rơi xuống đất. Không phải là cảnh đoàn viên như Thảo đã tưởng tượng!
Trên bộ tràng kỷ đặt giữa nhà, bác Trưởng, bác Hai và người đàn ông mà Thào gọi là cha ngồi một bên. Bên ni là mệ nội. Mạ và Thảo ngồi khép nép như khách. Bác Trưởng gái đứng dựa cột nhà, tay cầm ấm nước bốc khói.
Bác Trưởng trai đằng hắng mấy lần trước khi cất tiếng: “Hôm ni có đầy đủ mọi người trong nhà. Mệ đã già, tui quyền huynh thế phụ trình bày mọi việc cho tỏ tường, rồi từ đó cho thím quyết định”.
Chắp nhặt những câu đối thoại, cô gái hai mươi tuổi hiểu ra cha mình đã có một gia đình khác. Chiến tranh không biết khi nào chấm dứt, tin tức thì cách trở. Cha không nghĩ người vợ phương Nam chỉ với hai tháng ngắn ngủi lại có thể chờ mình trong suốt hai mươi năm. Cần phải có một người vợ trong tháng ngày dài dằng dặc trên đất Bắc. Hai người anh đã làm chứng, cuộc hôn nhân mới được pháp luật công nhận và những đứa con ra đời, đủ trai gái. Dòng họ phải có kẻ nối dõi tông đường .Cha đã có một gia đình đúng nghĩa...
Chị nắm chặt tay mạ. Bàn tay đầy mồ hôi và lạnh ngắt. Mạ không nói câu gì hay mạ không cất tiếng nổi. Bác Hai cất tiếng :”Tất cả là do chiến tranh. Mỗi người, mỗi gia đình đều có một bi kịch. Như tôi đây...Thôi thì chín bỏ làm mười... Thím thông cảm!”
Chị đã từng muốn hét lên. Chị nhớ mạ đã gánh hàng đi tắt trong hẽm để tránh những lời chọc ghẹo. Chị nhớ cây dao mạ bỏ trên đầu giường. Chị nhớ hai mạ con đã lạnh người khi nghe tiếng kẹt cửa ngoài kia. Chị nhớ tiếng tre kẽo kẹt trong đêm như tiếng nghiến răng của mạ. Nhưng chị biết làm gì đây trong một gia đình, một vùng đất mà nam quyền luôn được mặc nhiên công nhận!
Đường trở về sao xa ngái. Mạ để lại tất cả những gì đã mua sắm và bỏ lại niềm tin yêu của một thời con gái bên dòng sông Bồ lộng gió.
Về trên Huế mạ đau một trận thừa chết thiếu sống. Chị nức nở “Mạ đừng bỏ con”. Và vì không thể bỏ chị nên mạ đã cố gượng để sống. Người đàn bà đang tuổi hồi xuân bỗng nhiên gầy guộc, teo tóp. Mái tóc bạc trắng đỉnh đầu và nụ cười hầu như biến mất. Căn nhà buồn hơn.
Chị ra trường Sư phạm. Xin dạy gần nhà để chăm mạ. Mạ cũng không còn sức để chạy chợ, chỉ quanh quẩn trồng trọt trong khu vườn nhỏ. Cánh cỗng khép kín quanh năm.
Mạ có hận cha không? Chị không dám hỏi và mạ cũng không nói. Ừ, do hoàn cảnh, do chiến tranh nhưng tội nghiệp cho những người đàn bà sắt son như mạ.
Mạ đã một lòng vì cha thì giờ đây chị cũng một lòng vì mạ. Chị không dám yêu, không dám đi tìm hạnh phúc cho riêng mình. Hai mạ con sống khép kín như những nữ tu khổ hạnh trong căn nhà nhỏ chỉ có tiếng rít lên của cái bản lề rỉ sét khi có người đẩy cỗng. Nhưng có ai ngoài mấy người hàng xóm và dăm người bạn hàng.
Mệ nội mất trong niềm thỏa mãn vì ba đứa con trai đã trở về nguyên vẹn. Bác Trưởng gái an phận trong tiếng thơm của dòng tộc. Bác Hai đã tìm được hạnh phúc mới. Chỉ còn mạ chị chỉ dám đứng từ xa ngó tới người chồng của mình trong hai tháng, một người chồng nhìn còn chưa rõ mặt đã vội chia xa...
Hai mạ con vẩn ngủ chung giưởng nhưng chị không còn rúc đầu vào cổ mạ, hít hà mùi dầu tràm quen thuộc và đòi kể chuyện về cha, những câu chuyện được mạ kể hàng đêm ,lập đi lập lại như một niềm xác tín. Cho đến một chiều, mạ đề nghị được ngủ riêng và cũng từ đó, chị trằn trọc theo tiếng trở mình của mạ trong đêm.
Ngày Lương, anh bạn cùng trường bày tỏ tình cảm, Thảo gạt phắt ngay. Một phần, chị không thể bỏ mạ, nhưng mặt khác - phần này nhiều hơn- trong thâm tâm, chị không còn tin đàn ông. Qua lời kể của mạ, cha như một vầng hào quang rực rỡ nhưng ánh sáng ấy đã tắt rụi một cách phũ phàng.
Bạn bè khuyên chị Lương là một người tốt, hảy xóa bỏ định kiến ấy đi. Có người chính chắn hơn thì cho rằng do chiến tranh, do hoàn cành, cha chị không thể làm gì khác hơn.
Chị nhớ, buổi nói chuyện cuối cùng. Cũng vào mùa xuân, cũng ở bên cánh cỗng gỗ cũ kỷ, Lương đã hỏi chị có đồng ý cho anh bước vào bên trong căn nhà vắng vẻ ấy không, có cho anh xóa tan không khí lạnh lùng ẩm mốc ấy không, có cho anh đem lại nụ cười trên môi chị không?
Tiếng ho như xé ruột của mẹ chị vẵng ra và chị đã ràn rụa nước mắt, lắc đầu “ Anh tha lỗi cho em!”. Lương thở dài “Cho anh cầm lấy tay em”.Lần đầu tiên tay chị trong tay một người đàn ông và cũng là lần cuối...
Sau Tết, chị không còn gặp Lương. Anh đã xin đổi vào miền Nam xa xôi.
Mạ chị mỗi ngày một yếu. Sức lực bị bào mòn qua tháng năm vất vã cộng thêm tâm bệnh làm bà tàn rụi dần. Những ngày cuối đời, nằm trên giường bệnh, chị lấy hết can đảm hỏi mạ “Mạ có oán trách gì Cha?”. Mạ chị lắc đầu “Chỉ thương con ở lại. Hãy tìm người thương mình ...”
Hai tháng trời chung sống có tạo nên linh cảm cho cha? Hay lòng bao dung của mạ làm ông Trời xúc đông? Chỉ biết ngày cuối cùng của mạ có cha ngồi bên. Cha cầm lấy tay mạ “.Tôi có lỗi với bà”. Hai giọt nước ứa ra từ khóe mắt mạ nhưng miệng bà thấp thoáng nụ cười. Bác Trưởng nói “Thím tha thứ cho chú rồi đó”. Cha bật khóc “Mình ơi!”
Cha hỏi chị “Con muốn gì từ cha?”. Chị lắc đầu “Con sống ổn”. Cha thở dài.
Những mùa Xuân qua đi rồi lại về. Chị thấm thía trong ngôi nhà không có đàn ông.Tiếng thạch sùng chắc lưỡi trong đêm. Chị nhớ tiếng thở dài của mạ và chị nghĩ đến mình trong tương lai. Chị không còn tuổi thanh xuân để lên mái nhà quét lá. Cũng không thể bắc ghế lặt lá mai. Đành nhờ thằng bé hàng xóm “Hãy tìm người thương mình!”. Còn ai đâu mạ ơi!
Tiêng cánh cỗng rít lên. Thằng bé hàng xóm đã sang giúp chị. Đã là ngày cuối năm. Chị nói vọng “Cái thang bên vách đó cháu ơi!”.
Không có tiếng trả lời . Chị bước ra. Môt người trung niên đứng trước hiên nhà, trên những viên gạch màu xám mốc. Ôi! Dáng người quen thuộc ngày nào!
Anh mỉm cười “Anh đã về. Cho anh vào nhà thắp hương trên bàn thờ mạ!”
Những bông mai sẽ nở muộn. Nhưng với chị, mùa xuân đã trở về. /.