Nó ngả lưng trên chiếc giường gỗ cũ được phủ bằng chiếu đã phai màu, mắt nhìn qua ô cửa sổ duy nhất của gian nhà trọ nhớ về quê hương, gia đình và nghĩ về thân phận của nó. Đã hơn chục tuổi, nó không biết bố nó là ai, làm gì. Đã có lần nó hỏi mẹ nó về bố nó. Mẹ nó trả lời khẽ như tiếng thở, chỉ đủ cho hai mẹ con nghe: “Bố con đi làm ở xa vài ba năm nữa sẽ về”. Rồi mẹ nó đi buôn bán ở chợ biên giới rồi mất tích. Nó nghe dân làng bàn tán: Mẹ nó bị lừa bán ra nước ngoài, không thể trở về. Nó ở với bà ngoại đã già yếu làm ruộng. Cuộc sống hai bà cháu khó khăn. Nó bỏ học dở lớp 5, ra thành phố kiếm sống bằng nghề đánh giày. Nó đánh giày một thời gian, dành được chút tiền mang về biếu bà ngoại thì bà đã không còn. Ngày bà nó qua đời, dân làng không biết nó ở đâu mà tìm. Trở về ngôi nhà cũ, nơi mẹ nó đã sinh ra nó, nơi bà ngoại nó luôn yêu thương, đùm bọc nó, thế mà tất cả đã bỏ nó ra đi. Đứng ở giữa nhà khẽ gọi bà, gọi mẹ, nó nghẹn nấc lên cùng tiếng khóc, nước mắt chảy qua hai gò má xuống cổ và ngực nó. Nó khuỵ ngã xuống nền nhà bụi bẩn. Nó được người hàng xóm cho ăn cơm và dẫn ra viếng mộ bà ngoại nó. Cắm ba nén hương trên ngôi mộ chưa xanh cỏ, khói hương mỏng mảnh loãng tan theo gió nơi nghĩa địa, nó chắp hai bàn tay nhỏ bé gầy yếu đen sạm lại vái bà. Nó thầm gọi bà trong tiếng nấc rồi ngã gục đầu trên nấm mộ, từng giọt nước mắt rơi thấm vào đất mộ, nơi có trái tim nhân hậu yêu thương nó đêm ngày, dõi theo nó, cầu mong cho nó những điều may mắn, tốt đẹp nhất. Đó là hình ảnh quê hương đang đi cùng nó khắp mọi nơi.
Nó ngồi dậy, lấy vạt áo lau khô hai mắt, soạn lại những đồng tiền khách trả công nó đánh giày. Những đồng tiền còn mới nó để riêng một chỗ phòng khi trời mưa to, bão lớn nó không đi đánh giày được, nó để mua bánh mỳ, cơm hộp khi nó đói, rồi tiền mua thuốc cảm, thuốc đau bụng đi ngoài, hai thứ bệnh này hay đến hành hạ nó khiến nó cứ đen gầy không thể lớn nhanh được. Giống như thằng bạn cùng nhà trọ, nó mệt và ngủ thiếp đi từ lúc nào không biết.
Ngày hôm sau, mặt trời đã lên cao tỏa ánh nắng khắp nơi, thành phố nhộn nhịp người người qua lại, xe cộ ngược xuôi, các quán ăn sáng lác đác có người ra vào, thằng bé đánh giày vào quán phở. Nó đến một bàn có hai khách ngồi chờ. Một người đàn ông cao lớn có khuôn mặt nghiêm nghị và bộ râu quai nón đen rậm. Cạnh ông là cô bé khoảng 9 đến 10 tuổi, mái tóc nhuộm màu vàng, làn da trắng mịn, cặp mắt mở to, trông như một búp bê.
Nó lễ phép hỏi: - Thưa bác! Bác có cần đánh giày không ạ?
Người đàn ông gật đầu, tháo giày đẩy về phía nó. Nó để sẵn đôi dép màu xanh còn mới cho ông đi tạm. Đôi giày đánh bóng xong, nó mang trả khách, nhận 10.000 đồng tiền công cũng là lúc người đàn ông ăn hết bát phở. Bát phở ăn dở của cô bé búp bê còn thừa trên nửa bát, mùi phở thơm ngon khiến nó ứa nước miếng. Nó ngồi xuống định ăn thì người phục vụ bàn của nhà hàng đi tới. Nó sợ hãi đứng dậy bước đi.
Người phụ nữ dọn bàn ngăn nó lại, âu yếm:
- Cháu đói hả? Cứ ăn đi!
Nó bớt sợ, ngồi lại ăn nhanh bát phở dở. Chỉ một lát sau, người phụ nữ dọn bàn lại mang cho nó gần đầy bát nữa. Bà đã dồn lại từ các bàn khác khách bỏ thừa. Bà nói với thằng bé đánh giày: “Sáng vào tầm này, cháu đói cứ ra đây, cô góp phở lại phần cho cháu nhưng cháu đừng để bà chủ nhìn thấy đấy. Ảnh bà chủ kia, cháu nhìn cho kỹ nhé!”. Bà chỉ tay về phía tấm ảnh to như một chiếc ti vi trong khung kính đối diện với nó, gần chỗ nó đang ngồi ăn phở thừa. Khuôn mặt người đàn bà trong ảnh xinh đẹp, tươi cười, có đôi mắt sáng như nhìn theo nó. Ăn xong bát phở, nó đi ngay khỏi nhà hàng. Hình ảnh người phụ nữ dọn bàn mang phở thừa cho nó, căn dặn nó cũng đi cùng nó, làm nó nhớ mẹ, nhớ bà ngoại của nó. Nó vừa đi vừa khóc. Những giọt nước mắt cô đơn hèn yếu đã khiến chân tay nó bủn rủn không muốn bước. Nó ngồi bệt xuống dưới bóng cây bên đường. Hòm đồ đánh giày treo trên vai rơi theo xuống mặt đất ngay cạnh nó. Vừa lúc ấy, một chiếc xe con màu đen sang trọng chạy tới bóng cây đỗ sựng lại. Trong xe chỉ có một người đàn ông lái xe. Bước xuống xe, người lái xe đến bên thằng bé đánh giày hỏi:
- Cháu có đánh giúp được đôi giày bây giờ không?
- Chú tháo giày ra để cháu làm!
Vừa nói, nó vừa đưa đôi dép nhựa màu xanh cho người lái xe.
Người lái xe ngả lưng vào ghế trong ca bin xe dưới bóng cây râm mát, chờ sếp của anh đi nghỉ ngơi thư giãn ở một khách sạn gần bên có tiếng là chiều khách cùng đối tác làm ăn. Vào trường hợp như vậy, anh cứ chờ thoải mái, khi cần, sếp gọi điện thoại. Không may tắc đường hoặc vì lý do khách quan nào khác đến chậm ít phút, sếp anh thường vui vẻ bỏ qua.
Anh chăm chú nhìn thằng bé đang đánh giày cho mình, đôi tay bé nhỏ đen gầy với mảnh giẻ cũ kéo đi, kéo lại, lau chùi cẩn thận, thật dễ thương. Nó trạc tuổi thằng Tuấn con trai anh đang học lớp 7. Vợ chồng anh chưa muốn con phải làm việc nhiều, cốt sao con chăm học thành người có kiến thức, có đạo đức biết ứng xử với mọi người. Thằng bé đánh giày chắc có hoàn cảnh khó khăn, không biết có được đi học không?
Khi đôi giày đã đánh bóng xong, nó trao trả người lái xe, nhận tiền công rồi trở lại bóng cây ngồi im lặng, vẻ mặt đăm chiêu. Người lái xe nhìn thằng bé đánh giày từ đầu đến chân. Bỗng anh nhận ra nét mặt quen quen. Lúc nó cầm đôi giày đi về phía anh, dáng đi thấy như anh từng gặp. Anh nhắm mắt lại, vừa để suy nghĩ vừa tưởng tượng. Đúng rồi, thằng bé đánh giày khốn khổ này trông rất giống sếp anh. Không thể! Chẳng lẽ đây là giọt máu của sếp anh, người đàn ông đáng kính đạo mạo, thông minh, thành đạt và giàu sang? Phải chăng đây là sản phẩm từ cuộc vui chơi thư giãn nào đó của những đại gia như sếp anh, tương tự như cuộc thư giãn hôm nay mà anh đang chờ sếp gọi anh đón, khi tan những cuộc vui chơi trong nỗi đau khổ của đồng loại, những tiếng cười hô hố mãn nguyện, lẫn với những tiếng nấc nghẹn nơi trái tim giá lạnh của những kiếp người nhỏ bé, nghèo hèn? Thằng bé đánh giày có là con của sếp không? Cũng có thể không phải vì thiên hạ đã có những người không cùng huyết thống mà hao hao giống nhau.
Chắc sếp anh không phải là người vô tình vì đã nhiều lần sếp đứng trước hàng trăm, hàng ngàn người giảng dạy về đạo đức, nhân cách làm người. Gia đình, vợ cùng hai con một gái, một trai của sếp có cuộc sống thoả mãn, yên ổn. Con gái đầu học lớp 11, con thứ hai là con trai học lớp 6. Vợ sếp là cán bộ ngân hàng xin thôi việc từ khi sếp được đề bạt làm Giám đốc Công ty với lý do sếp bận việc nhiều và hay đi công tác vắng nhà, bà phải ở nhà lo việc gia đình, chăm sóc hai con.
Người lái xe nhìn thằng bé đánh giày. Chạnh lòng thương, anh lại gần nó âu yếm hỏi:
- Cháu bé…, nhà cháu ở đâu?
- Nhà cháu ở Thuỷ Nguyên Hải Phòng.
- Bố mẹ cháu làm gì?
- Cháu không biết bố cháu làm gì? Cháu chưa gặp bố cháu lần nào, mẹ cháu bảo: Bố đi làm việc ở nơi xa, khi nào góp được nhiều tiền mang về ở cùng mẹ con cháu.
- Còn mẹ cháu?
- Mẹ cháu bị lừa bán sang nước ngoài, vì mẹ cháu hay đi buôn ở chợ biên giới. Dân làng và bà ngoại cháu bảo vậy.
- Bây giờ cháu ở cùng bà ngoại à?
- Bà ngoại cháu ốm chết rồi.
- Thế cháu ở với ai?
- Với bạn cháu ở nhà trọ. Bạn cháu đi đánh giày như cháu, mỗi đứa đi một hướng mới có nhiều khách đánh giày bác ạ!
- Nhà cháu ở quê giờ ai ở?
- Bão đổ rồi, khi nào bố cháu mang tiền về làm lại nhà sẽ tìm cháu về ở và cho cháu đi học.
- Cháu bỏ học từ bao giờ?
- Từ khi mẹ cháu bị lừa bán sang nước ngoài, cháu đang học lớp 5. Bà cháu nghèo không nuôi được cháu đi học. Cháu ra thành phố bắt chước trẻ con đánh giày thuê, khi góp được tiền về biếu bà, thì không còn bà ngoại cháu.
Người lái xe nghe thằng bé đánh giày kể về những người thân với cuộc sống tự lập, anh thấy thương nó. Anh mở ví lấy đồng tiền 100.000 đồng đặt vào tay nó: “Chú cho cháu”. Nó rụt tay từ chối.
- Này cháu, đồng tiền này là chú đãi cháu chiếc bánh khi cháu đói lòng, rồi chú sẽ đi tìm bố mẹ cho cháu. Chú hay chở sếp đi công tác nơi này, nơi khác, thấy ai trông giống cháu, chú sẽ hỏi, biết đâu một ngày nào đó cháu sẽ được gặp bố mẹ cháu.
Thằng bé đánh giày nhận đồng tiền, ngước mắt nhìn người lái xe hy vọng. Người lái xe dùng điện thoại di động chụp vài kiểu ảnh thằng bé đánh giày với ý định giúp nó tìm bố mẹ. Ở bên quán nước dưới cây bàng phía cuối đường có người đàn ông cần đánh giày vẫy tay gọi. Thằng bé đánh giày chào người lái xe, vội đi về phía đó. Người lái xe nhìn thằng bé đánh giày đeo hộp đồ đóng bằng gỗ trên bờ vai gầy yếu, đôi chân bẩn bụi, bước nhanh dưới nắng gió đất trời rộng lớn mênh mông thấy lòng mình se lại. Anh tự nhủ lòng: Nếu có thể, anh sẽ tìm bằng được ai đã sinh ra rồi bỏ rơi đứa trẻ tội nghiệp đáng thương này.
Thằng bé đánh giày đang đánh bóng giày cho khách dưới gốc bàng, nhưng trong trí nhớ nó còn rõ nguyên khuôn mặt nhân hậu, giọng nói ấm áp từ người lái xe mà nó đã được gặp cũng như nét mặt và giọng nói nhân từ của người phụ nữ cho nó ăn phở thừa. Nó tin tưởng và hy vọng rằng một ngày nào đó nó sẽ được gặp bố mẹ nó. -/.