Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


tranh Phạm Mùi

MỐI TÌNH XA XƯA


            
C huyến bay AUS-545 đưa ông Vân đi Úc khởi hành từ phi trường San Francisco muộn hơn giờ ghi trên bảng chỉ dẫn tại phòng đợi nơi phi trường.   

Đây là chuyến đi Úc đầu tiên của ông Vân. Từ ngày qua định cư tại Hoa Kỳ theo diện H.O cựu tù nhân chính trị, ông đã đi du lịch nhiều nơi: châu Âu, Canada, Mexico, Nhật Bản…nhưng ông chưa bao giờ nghĩ đến phần đất mà ông và bạn bè của ông cho là miệt dưới của địa cầu này.   

Ngồi một mình trên máy bay, ông cảm thấy buồn và cô đơn. Bà Vân lấy cớ ngại đi xa bằng máy bay nên không đi cùng chồng chuyến này.   

Bà nói:   

“Lần này chỉ mới đi dạm vợ cho con trai thì một mình ông đi là đủ rồi. Sau này còn đám cưới cho con nữa, tôi sẽ cùng đi với ông. Ngày hôm qua, thằng Thanh đã gọi điện thoại tin ông yên tâm, nó và con Thủy-Tiên sẽ đón ông ở phi trường.”   

Tuy biết có người đón , nhưng ông Vân vẫn lo âu…vì lần đầu đi một mình đến một xứ lạ.   

***   

Máy bay giảm cao độ và tiếng loa phát ra:   

“Xin quý vị hành khách cài dây an toản, chỉnh lại ghế ngồi ngay ngắn, chừng vài phút nữa máy bay sẽ đáp xuống phi trường.”   

Chiếc phản lực cơ của hảng hàng không Qantas Airways chạm phi đạo nhẹ nhàng. Tiếng cô tiếp viên nói với ông Vân:   

“Chúc ông những ngày du lịch tại Úc vui vẻ!”.   

Từ trong lòng hành lang nối dài từ cửa máy bay bước ra, ông Vân nhìn ra xa thấy ngay Thanh đang đứng bên cạnh một thiếu nữ mặc áo dài màu thiên thanh.   

Khi đến gần hai người, ông trông rõ cô gái và ông thấy quen quen, hình như trước đây ông đã từng gặp nhiều lần ở một nơi nào đó mà ông không nhớ rõ.   

Thanh vội tiến tới trước mặt ông Vân:   

“Thưa Ba, con và Thủy-Tiên đến đón Ba. Đi máy bay đường xa ba có mệt không?”   

Thủy-Tiên e lệ cuối đầu chào:   

“Cháu kính chào Bác và mong những ngày Bác ở Úc được vui vẻ.”   

Giọng nói của Thủy-Tiên sao ông Vân cũng nghe quen quá làm ông suy nghĩ mãi.   

Ba người lên xe đi về khách sạn nơi Thanh mới thuê để bố con tạm trú.   

Ngồi trong xe, bắt trí nhớ của ông phải làm việc ngay vì ông thấy cô gái bạn của con trai mình có giọng nói và dáng người quen quen.   

Ồ! Ông Vân tìm ra rồi : Thủy-Tiên giống hệt Thúy-Lan, người bạn gái di cư từ bắc vào mà ông đã yêu hơn ba mươi năm trước đây.   

Một chuỗi kỷ niệm chợt hiện ra…   

Ngày ấy… ông và Thúy-Lan yêu nhau.   

Gia tộc của Vân nhiều đời từ thời xa xưa đến nay rất hiếm con trai. Nên mỗi khi đi hỏi vợ cho con cháu, các người trong dòng họ thường chọn những gia đình sinh đông con trai để làm thông gia. Nên khi biết Vân muốn hỏi Thúy-Lan làm vợ, cô Hai, chị cả ba của Vân liền cho ý kiến ngay :   

“Cô biết cháu Vân đã thương yêu Thúy-Lan từ nhiều năn nay. Thúy-Lan đẹp người, đẹp nết lại sinh ra trong một gia đình bề thế… nghĩa là,theo cô, không có điểm gì…,nhưng cháu cũng biết trong gia đình ta rất cần con trai để nối dõi. Mà… bố mẹ Thúy-Lan sinh “ngũ long công chúa” mà không có một con trai nào. Cô ngại sau này khi thành hôn với cháu, cháu là con trai độc nhất của nhà này, rồi cứ sinh con gái…thì…”, nói đến đây cô Hai ngừng lại nhìn ba mẹ Vân như dò hỏi ý kiến.   

Thờì gian ngắn sau đó, Vân nhập ngũ. Đòi quân nhân nay đây mai đó, Vân buồn về chuyện gia đình nên ít liên lạc với Thúy-Lan. Thúy-Lan chờ mãi rồi đến lúc cũng phải đi lấy chồng. Trong lòng nàng vẫn mang theo hình bóng của mối tình đầu dở dang.   

***   

Ông bà Vân có bốn cậu con trai. Thanh là cậu con trai út giống ông Vân nhất. Vì là con trai út và giống bố nên cả nhà đều thương yêu cậu nhất. Cậu muốn gì, nhà cũng chiều chuộng. Thanh học giỏi và chơi vĩ cầm điêu luyện. Cậu tốt nghiệp cao học điện tử từ nhiều năm rồi. Cậu đang làm việc cho một hãng điện tử lớn ở Thung lũng diện tử San José..   

Mùa hè vừa qua, công ty cần hai đại diện hãng điện tử đi chào các sản phẩm mới sáng chế, một ở Nhật Bản, một ở Úc.   

Lần trước, Thanh đã đi Nhật một tháng nên quá chán xứ này. Xứ gì mà sinh hoạt rất đắt đỏ lại thêm thức ăn không hợp với khẩu vị và túi tiền của du khách. Thanh nhớ lại lúc bạn bè mời vào một tiệm ăn Nhật, Thanh rất e dè khi phải ăn các món cá sống , các món ăn chế biến từ rong biển và uống rượu sa-kê bằng chén.   

Thanh cảm thấy nhợn nhợn khi đưa vào miệng, ăn món cá sống ướp lạnh. Thanh nhớ lại những miếng cá thu rán thơm ngát thường ăn ở nhà. Còn khi đến chào hàng ở những công ty Nhật chàng cảm thấy như đến một nơi mà mỗi giây đồng hồ trôi qua đã làm cho người bản xứ xót dạ, nên cái gì cũng phải ngắn gọn chạy theo thời gian nhanh chóng cả. Vì thế lần này, Thanh chọn chuyến đi Úc để cho biết xứ sở của những chú Kan-gu-ru có gì đặc biệt không và nhất là ít tốn kém hơn.   

Thời gian ở Úc nằm vào những tháng gần cuối năm. Khác với thời tiết ở Bắc bán cầu chàng ở, Nam bán cầu Nô-en không thấy tuyết, chẳng thấy rét lạnh vì ở đây đang có khí hậu mùa hè nóng nực.   

Trong một buổi tiếp tân nhân ngày lễ Giáng Sinh, Thanh gặp lại Bích-Thủy, cô bạn cũ cùng học trung học ở Saigon. Gặp bạn bè thân quen nơi đất khách, Bích-Thủy mời Thanh ghé lại nhà bố mẹ nàng chơi.   

Bích-Thủy đưa Thanh vào nhà. Bà mẹ Bích-Thủy nhìn Thanh rất lâu và gợi nhớ một điều gì.

“Cháu kính chào Bác.” Thanh thưa.   

“Chào cháu. Cháu bây giờ đang ở đâu và làm gì?” Bác trông cháu quen quá, hình như bác đã gặp cháu ở đâu rồi?”   

“Thưa bác, sau 1990, cháu sang định cư ở Mỹ với ba mẹ cháu. Đây là lần đầu tiên cháu sang Úc vì công việc của hãng cháu đang làm.”   

“Hồi còn ở Việt-Nam, gia đình cháu ở tỉnh nào? Bà mẹ Bích-Thủy hỏi.   

“Thưa Bác, gia đình cháu trước kia ở khu hàng Me, gần Đập Đá ở Huế, sau thì vào ở thành phố Saigon.”   

Bà mẹ của Bích-Thủy nói:   

“Trước kia, năm 1954 bác di cư từ Hà-Nội vào trú tại Huế một thời gian nhiều năm. Sau Tết Mậu Thân gia đình mới vào sống ở Saigon. Như vậy gia đình cháu cũng đã ở Huế. Gặp lại đồng hương, bác rất mừng. Nếu cháu không ngại, thì cứ ở đây với gia đình bác trong thời gian cháu đi lo công việc của công ty giao phó.”   

***   

Tấm bảng “LỄ TUYÊN HÔN”trình bày rất mỹ thuật gắn trên cao trước cửa nhà Thủy-Tiên.

Một hàng người đang chờ đón họ “nhà trai” gồm có ông thân sinh cô dâu, các chị cô dâu và một số bạn gái của Thủy-Tiên mặc áo dài đủ màu trông rất đẹp.   

Ông Vân đi sau mấy người bạn mới của Thanh đang bưng những mâm quả đi vào cổng “nhà gái”   

Hôm nay là ngày lễ đính hôn của Thanh với Thủy-Tiên.   

Thanh diện bộ “com-lê” kẻng nhất. Chiếc “cà-vạt” đỏ làm cho mặt Thanh trông hồng hào hơn ngày thường.   

Thanh đã ra vào ngõ này gần mòn gót giày năm rồi khi chàng ở đây và vun trồng “cây si” nhà cô Thủy-Tiên thế mà chàng vẫn cảm thấy rất hồi hộp. Quả tim trong lồng ngực của chàng trai đập mạnh liên hồi, mồ hôi vả ra trán, mặt tai ửng đỏ lên như người say rượu. Bố mẹ của Bích-Thủy có “bốn cô gái rượu” mà đã gả chồng cho ba cô, còn “cô Út Thủy-Tiên” xinh nhất , trẻ nhất, học giỏi nhất lại giống mẹ nhất còn độc thân.   

Thủy-Tiên mỗi khi từ trường trở về nhà đều có một “đuôi dài” các cậu sinh viên trồng cây si đuổi theo sau. Nhưng có lẽ chưa có duyên nợ nên khi cô Út gặp cậu kỹ sư từ Mỹ sang do người chị Bích-Thủy giới thiệu đến trọ tại nhà bố mẹ nàng trong vài tuần lễ bỗng nhiên Thủy-Tiên nghĩ đến “mộng đi Mỹ”. Và mộng đẹp ấy nay sắp thành sự thật.   

Bố của Thủy-Tiên bắt tay chào mừng ông Vân.   

Khi các mâm quả lễ vật và ông Vân bước vào nhà gái, Thanh đi cuối cùng.   

Buổi lễ đinh hôn tổ chức theo lễ nghi cổ truyền Việt Nam. Bà con bên nhà gái và bạn bè tham dự rất đông.   

Đến lúc người chủ lễ giới thiệu bà con hai họ là mẹ cô dâu sẽ dẫn cô dâu tương lai ra trình diện nhà trai.   

Ông Vân nhìn “bà sui” bỗng giật mình vì bà chính là”Thúy-Lan” của ngày xửa ngày xưa khi hai người còn ở Huế. Bà Thúy-Lan nhìn thấy ông Vân ngạc nhiên thì mỉm cười. Thủy-Tiên mặc chiếc áo dài màu hồng, chiếc áo voang trắng mỏng khoác choàng bên ngoài. Thường ngày nàng đã xinh, hôm nay Thanh trông thấy “giai nhân” xinh đẹp hơn bội phần.   

***   

Khi ông chồng bà Thúy-Lan đi làm rồi, có dịp bà Thúy-Lan ngồi nói chuyện với ông Vân.   

Bà trách ông ngày xưa sao đi đâu mất tiêu, ông không biết bà đã yêu ông rất nhiều. Đến khi bà gặp lại cháu Thanh , hình ảnh ngày xưa của ông lại trở lại trong trí nhớ của bà. Bà hỏi kỹ Thanh nên bà biết Thanh là con của ông Vân. Bà giữ kín trong lòng không thổ lộ cùng ai. Rồi bà tạo điều kiện thuận lợi cho Thanh sẽ là con rể của bà. Bà nghĩ sau này mà gặp lại “anh sui” thì vui biết mấy như thể “Châu Về Hiệp Phố” trong mấy cuốn video mà bà đã xem.   

Bà nói:   

“Trời có mắt thật, con Thủy-Tiên giống tôi nhất lại kết duyên với cậu Thanh giống ông nhất. Sau này đứa cháu ngoại của tôi và là đứa cháu nội của ông sẽ mang hai dòng máu của hai ta luân lưu trong huyết quản. Tình yêu ngày xưa của chúng ta sẽ vĩnh viễn sống còn!” Như cộng hưởng với lời nói say sưa từ trong tâm khảm bà Thúy-Lan sau bao nhiêu năm nghẹn ngào câm nín. Những âm thanh vang ra từ chiéc máy radio bài hát rất quen thuộc của xứ Huế: “Hen Một Ngày Về” của nhạc sĩ Lê Hữu Mục vang to trong phòng khách vắng qua giọng ca tuyệt vời của ca sĩ Hà-Thanh:”   

Tình xưa không vỡ bao giờ, Mùa xưa còn thơm ngàn gió!”   

Ông Vân và bà Thúy-Lan nhìn nhau nhớ lại cuộc tình dang dở năm xưa:   

“Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy,
Nghìn năm chưa dễ mấy ai quên!”
  

Cả hai thở dài!   -/. 




VVM.10.01.2025.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .