Ông tiến sĩ chồng nàng có cái thú xem hoa quỳnh nở. Chậu hoa quỳnh đặt trên sân thượng luôn là nỗi lo lắng, vướng bận mỗi lần ông phải đi công tác dài ngày. Ông chỉ lo không có người tưới tắm mà quỳnh chết thì…chắc ông chẳng còn niềm vui nào khác. Những đêm thức chờ xem hoa quỳnh nở, cặp kính dày cộp của ông không rời khỏi những đài hoa. Trong đêm, quỳnh như một người đàn bà đẹp chầm chậm, khẽ khàng lần cởi chiếc xiêm màu trắng. Khi cái vòi nhuỵ khẽ cong lên, nhoang nhoáng nước như vừa thoa mỡ và ri rỉ tiết hương thì cả căn phòng bỗng ngập tràn mùi hương nồng say, đặc quánh. Ông cho rằng chính cái mùi hương ấy mới tạo ra sự thanh tao, cao khiết trong thú chơi tao nhã khi xem hoa quỳnh nở. Áp lực của những công trình khoa học khiến ông không có thời gian để đọc một số loại sách khác trong đó có sách văn học. Một lần, có người bạn mời ông đến quán cà phê LÀNG VĂN. Ông nhận ra ngay sự khác biệt của quán cà phê này so với vô số những quán cà phê của Hà Nội, không phải là sự rộng rãi hay chật chội mà là chủ quán đã có ý thiết kế cho người đến uống cà phê một không gian mở. Ông cũng tự thừa nhận mình ít giao du, ít tiếp xúc và “va đập” bởi phần lớn thời gian chỉ sống trong không khí của hội nghị, hội thảo và làm bạn với những cuốn sách kinh điển dày cộp, khi thấy trên mỗi bàn ở quán cà phê này, người ta đặt ngay ngắn dăm ba cuốn sách như là một sự khác lạ. Thời gian của ông ở quán cà phê không nhiều, ông cầm một cuốn sách lên. Bàn tay ông như lưỡi dao ngà bổ đôi cuốn sách(*). Ông đọc. Đọc như một phản xạ rất tự nhiên như khi người ta có ngứa ngáy gì đâu mà tay vẫn cứ vân vê chiếc cằm đã chảy xệ vì mỡ. Ông đọc lướt đoạn viết:
Hà Nội không chỉ có mùa thu khi đêm đêm trên một số tuyến phố ngập chìm trong hương hoa sữa. Đó đây, trên những ban công nhỏ, trên những sân thượng, cả thành Thăng Long cũng ngây ngất hương hoa quỳnh vừa nở trong đêm. Cái mùi hương ngất ngây, quyến rũ và mê dụ ấy vừa thanh cao lại vừa phồn thực. Đó là mùi hương cho một Hà Nội sinh sôi…
Ông đặt vội cuốn sách xuống bàn như một nhà sư vừa vô tình chạm tay vào bộ ngực căng mềm của một thôn nữ đến lễ chùa. Ông phẫn nộ. Phẫn nộ bởi lời lẽ trong đoạn văn kia đã xúc phạm tới hương hoa quỳnh, tới thú chơi tao nhã hay xúc phạm tới chính ông.
xxx
Sau gần một tuần đi công tác xa, xe đưa ông về đầu ngõ đã hơn mười một giờ đêm. Hà Nội giờ này vẫn như một cái chảo rang. Phố ngủ. Nhọc nhằn, vật vã và mê mệt. Đi dọc con ngõ chỉ thấy tiếng o o, vè vè của hàng loạt máy điều hoà không khí cùng những hơi nóng mà nó phả ra.
Không muốn làm mất giấc ngủ của nàng, sẵn có chìa khoá riêng, ông lặng lẽ vào nhà. Ý nghĩ đầu tiên của ông trước khi tắm và đi nghỉ là phải lên xem và tưới cho chậu hoa quỳnh. Không giám bật đèn cầu thang, ông rón rén lên sân thượng như một tên ăn trộm. Ông vốn tôn trọng giấc ngủ của nàng và tất nhiên, nàng cũng biết tôn trọng sự yên lặng mỗi khi thấy ông lút mình vào những cuốn sách. Cửa tum không khoá. Nàng đoảng quá. Hà Nội bây giờ đâu còn có sự bình yên. Để có thể an toàn cho mình và cho tài sản mà mình gom nhặt được, cư dân thành phố đều chấp nhận phải giam mình trong những chiếc lồng sắt kiên cố. Với ông, không có gì phản cảm bằng những chiếc lồng như vậy. Mấy chục năm ở Hà Nội, từ khi còn là một cậu sinh viên rồi trở thành cán bộ giảng dạy đến khi có học hàm tiến sĩ, đây là lần đầu tiên ông mới để ý tới ánh trăng khuya Hà Nội. Cặp kính năm đi ốp của ông có lẽ chỉ có tác dụng với ánh sáng ban ngày? Còn dưới ánh trăng như trăng Hà Nội đêm nay, cũng miên man, dãi dề, nhễ nhại như trăng ở mọi miền quê đã tỏ ra không hiệu dụng. Ông gỡ kính. Thường thì hàng ngày ông chỉ gỡ kính trước khi đi ngủ. Đây là lần đầu tiên ông gỡ kính và nhìn các vật thể bằng chính hai tròng mắt của mình. Dưới ánh trăng khuya và không mang kính, ông có cảm giác vừa thiếu tự tin vừa thấy là lạ về những hình ảnh đã thu nhận được vào võng mạc. Có một khoảng sáng trắng đang động cựa, lúc thì dài ra, lúc bỗng dưng ngắn lại rồi từ từ dang rộng.
Con người ta vốn có những thói quen như kiểu thói quen đi mãi rồi cũng thành đường, và ông cũng không phải là một ngoại lệ. Cái thói quen đưa ông liên tưởng khi tiếp nhận khoảng sáng trắng đang động cựa rồi từ từ nở rộng như một đoá quỳnh đang nở trong đêm. Ông bỗng giật mình và làm rơi chiếc kính trên tay khi cái khoảng sáng kia phát ra tiếng nói:
-Anh về rồi à! Sao không bấm chuông để em xuống mở cửa?
Sau thoáng giật mình, tay ông vẫn còn run nhẹ và giọng ông có phần lắp bắp:
-Em… em đang làm gì trên này?
-Em đang tắm!
-Đang tắm?
-Vâng! Em tắm trăng.
Ông lờ mờ nhìn cái bóng trắng với những vùng sáng tối đan xen, nguệch ngoạc như một bức phác thảo trên lụa bạch. Trong căn nhà này, tiếng cười của ông vốn rất hiếm hoi, vậy mà giờ đây ông cười lả lướt, cười rung cả chiếc cà vạt mà ông chưa kịp cởi. Đôi mắt ông nhoà đi vì nước mắt dàn dụa. Ông không nhìn thấy nàng choàng vội lên người chiếc áo ngủ và đi lướt qua mình. Mùi hương hoa quỳnh nồng say, đặc quánh như quây bọc lấy ông. Ông tự nhủ: Vừa may, mấy ngày đi công tác xa ông đã về kịp. Cái thú xem hoa quỳnh nở trỗi dậy khiến ông quên đi nỗi nhọc mệt sau một chặng đường dài. Ngồi xuống quơ tay sờ xuống mặt sân, ông nhanh chóng tìm ngay được chiếc kính rơi. Ông bật hết tất cả các đèn trên sân thượng và tiến đến chậu hoa quỳnh. Trên các kẽ lá mướt xanh, vươn dài như những lưỡi mác mới chỉ trồi ra những nụ hoa, cái to nhất cũng mới chỉ nhu nhú vừa bằng hạt lạc. Chưa có một bông quỳnh nào đang nở cả. Không lẽ ông lại lạc vào trạng thái ảo giác? Làm sao ông có thể nhầm lẫn mùi hương hoa quỳnh với các mùi hương khác được khi phố phường Hà Nội cũng như nơi công sở, đâu đâu cũng nặng mùi mỹ phẩm? Những mùi hương mà theo ông luôn nghiêng lệch về giả tưởng. Đầu óc thông tuệ của ông lúc này cũng không giúp gì cho ông để có thể lý giải điều này. Dưới ánh sáng của những ngọn đèn trên sân thượng, chỉ còn có tấm thảm mà nàng trải nằm tắm trăng ban nãy thì như vẫn đang quằn quại, hằn rõ những đường cong và các vết lõm.
xxx
Nàng chuẩn bị bữa sáng. Bữa sáng thật đơn giản. Hai ly cà phê đen với một đĩa bánh bích quy không đường. Đó là khẩu phần thích hợp cho cả hai người, nàng không muốn ông sẽ phải mang chiếc quần âu đeo dải. Còn nàng, nàng yêu quý những đường cong mà tạo hoá đã ban cho còn hơn cả của cải. Nàng biết ông dậy muộn nên vẫn chờ và ngồi tỉ mẩn tô son lại những móng tay. Khi nghe tiếng dép cói vọng xuống từ cầu thang lát đá, cà phê mới được rót ra. Phòng ăn hơn mười mét vuông này chưa bao giờ đón một người thứ ba, kể cả khách ở quê ra cũng như bạn bè, người thân. Hà Nội hiện đại. Không. Cái nếp sống hiện đại này là do nàng sắp đặt. Nàng nghĩ sự giao đãi với Hà Nội không thiếu gì nơi chốn. Còn ở trong phòng ăn này, trong nhà này, sự tự do tuyết đối là quan trọng hơn cả. Sau những bữa cơm tối, ông lên phòng đọc sách và ngồi lỳ cho đến tận khuya, còn nàng thì trút hết sống áo ngâm mình trong bồn tắm. Nàng lên giường với bộ đầm ngủ ren mềm, hai dây xẻ tà, cách điệu đến táo bạo và thơm phức. Như một bông quỳnh đêm đêm vẫn nở cùng cái vòi nhuỵ khẽ cong lên, nhoang nhoáng nước như vừa thoa mỡ và ri rỉ tiết hương.
Nhưng dường như đã từ lâu lắm, trên chiếc giường của vợ chồng nàng, những tư tưởng, triết lý, những lộ trình… vẫn được sản sinh và thoát ra từ cái đầu thông minh của ông tiến sĩ, còn thân thể nàng thì cứ lặng lẽ toả hương.
Chiếc quạt cây Asia loại đắt tiền quay qua quay lại. Gió làm cho những sợi tóc đã vào độ muối tiêu ve vãn trên vầng trán thông minh của ông. Gió tinh quái tốc gấu váy nàng trong tư thế ngồi kín đáo và ý tứ. Nàng nhấm nháp từng ngụm nhỏ cà phê đắng ngậy trong khi chồng nàng đã uống cạn và ăn bánh. Chồng nàng vừa xỉa răng vừa bảo:
-Tôi thấy mình dạo này có nhiều điều khác lạ!
Cái từ “mình” chẳng biết vô tình hay thật tâm đã kìm giữ nàng khỏi chồm lên. Chồm lên như một con sư tử cái.
-Vâng!
Nàng “vâng” như một sự thừa nhận hay đang chờ đợi để phản thùng?
Giá như chồng nàng đừng triết lý: Người đàn bà có thể mặc bikêni trên bãi biển đông người. Cũng con người ấy, cũng trang phục ấy nhưng mặc bikêni ở giữa chợ Bắc Qua nơi em vẫn bán hàng thì em nghĩ sao?
-Anh định nói gì? Em chưa hiểu?
- Thì đêm qua, em tắm trăng trên sân thượng.
Đêm qua ông đã cười lả lướt. Bây giờ thì đến lượt nàng cười rung cả vòng một, hai, ba.
Nàng nhoẻn cười với đôi má lúm đồng tiền rồi bảo: - May là anh mới làm vụ trưởng của một Ban. Chứ nếu anh mà làm cái chức gì ngang quốc trưởng thì không biết sẽ quan liêu biết chừng nào. Nhưng anh yên tâm đi, trên sân thượng chỉ có trăng nhìn thấy thôi! Mà anh đừng nghĩ tôi cởi hết quần áo là loã thể. Vẫn có áo lụa của trăng cho đấy!
Hai mắt ông lại tròn xoe như hai mắt kính dày cộp. Ông cứ nghĩ nàng cả ngày chỉ bận rộn với công việc kinh doanh, đêm đến bận rộn với việc đếm tiền lại có thể nói được câu “áo lụa của trăng cho”. Hay thật đấy! Đúng là mấy chục năm ở Hà Nội, đêm qua ông mới để ý tới trăng. Gần hai chục năm sống với nàng cũng là lần đầu tiên nghe nàng bảo tắm trăng. Ông không nhịn được cười vì cứ ngỡ nó là thứ ngôn từ thường thấy trong các loại tiểu thuyễn diễm tình, không phải giọng của người đàn bà chỉ biết suốt ngày thu vén như nàng.
Thấy ông ngạc nhiên, nàng bảo:
-Anh đã từng đi khắp Đông Âu, Tây Âu. Nhưng cái ngôi nhà này thì đúng là anh đi chưa khắp. Mang tiếng là sống ở Hà Nội đã mấy chục năm, nhưng nếu thả anh xuống một con phố bất kỳ, chắc anh cũng sẽ lơ ngơ như người nhà quê ra tỉnh?
Ông đã từng tham gia các hội đồng phản biện của những đề án khoa học cấp quốc gia, những luận văn tiến sĩ vậy mà ông phải chịu cứng trước câu nói của nàng.
Giọng nàng trầm hẳn, đôi vai nàng rung nhẹ như kìm nén để khỏi phải bật ra tiếng nấc:
-Anh đi công tác ngót một tuần, chỉ lo chậu hoa quỳnh chết héo. Vậy những năm anh đi nghiên cứu sinh, đi tu nghiệp ở nước ngoài thời CCCP và được người ta phong học hàm tiến sĩ, cứ ví tôi như một chậu hoa quỳnh thì bấy nhiêu năm ai tưới?
xxx
Sau bữa ăn tối hôm ấy, ông lại lên phòng đọc sách. Mới chỉ được vài trang đã cảm thấy đầu óc mình trống rỗng. Những con chữ cứ nhảy múa loạn xạ trước đôi mắt kính dày cộp và như có một lớp sương mỏng phủ mờ. Ông gỡ kính ra lau và ông chợt nhận ra sự bất lực của đôi tròng kính khi thị giác không thể cải thiện hơn. Lại gỡ kính và đặt ngay ngắn trên cuốn sách kinh điển, ông ngả người trên ghế tựa. Đôi mắt ông như dán lấy trần nhà, chỉ có một màu trắng trống hươ như trang giấy. Trang giấy chưa được thổi hồn, chưa được tô lên chất xám của trí tuệ. Chưa bao giờ ông lại thiếu tập trung như vậy.
Rời phòng đọc ra chiếu nghỉ cầu thang rồi lần vào tay vịn đi lên sân thượng. Ông ngỡ ngàng khi thấy mặt sân như có ai vừa trải lụa. Chậu quỳnh và những cây cảnh trên sân như được khoác lên chiếc áo lấp lánh dệt bằng kim tuyến bởi những hạt sương khuya kỳ ảo. Bộ óc lý trí luôn bị nén dồn bởi những thuật toán, bới những qui luật, những lộ trình… bỗng nhiên được căng nở tự do dưới một đêm Thăng Long trăng đổ. Có một ý nghĩ chợt loé trong ông: Mấy chục năm qua, ông không chỉ mang đôi mắt kính vật lý để có thể thoát ra khỏi sự mù loà của thị giác, dường như sau đôi mắt kính ấy còn có một đôi mắt kính ảo vọng đã khiến ông xa rời (chưa nói là mất đi) nhiều thứ. Ông cố thủ trong lô cốt trí tuệ của mình và đãng trí trong cái đãng trí của một nhà bác học, của một học giả tới mức bây giờ mới cảm nhận được sự huyền diệu của ánh trăng. Hà Nội vốn bon chen, ồn ào và cũng thượng vàng, hạ cám. Cũng như sau một ngày nắng thiêu nắng đốt và bụi bẩn, Hà Nội vẫn có những khoảng trăng thanh khiết như đêm nay để thanh lọc chính mình.
Mải mê cùng những ý nghĩ, ông không biết nàng đang quỳ trước mặt tự lúc nào. Gương mặt ông dưới trăng không mang kính viễn gợi cho nàng thuở mới yêu ông, khi còn là một sinh viên với bao nhiêu ước mơ, khát vọng nhưng vô cùng trong trẻo. Nàng ấp một bên tay lên má ông. Đấy cũng là lần đầu tiên sau bao nhiêu năm tháng miệt mài, ảo vọng ông mới lại cảm nhận được bàn tay nàng mềm như ánh trăng Hà Nội đêm nay. Và, ông lại lạc vào trạng thái ảo giác khi hương hoa quỳnh ngất ngây, đặc quánh đang vây bọc lấy mình. -/.