Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


tranh Đỗ Duy Tuấn

TÌNH CỦA HUẾ



                  

H ồng làm lễ tân ở khách sạn Nhật Hạ khá lâu. Ngày ngày vẫn cái dáng gầy gầy như có thể bay được và đọng chút buồn ở đôi mắt của Hồng dễ thu hút đàn ông trung niên! Hồng nghĩ mình ốm lắm nhưng không thích mập; mập đi đứng núng na núng nính, bất mệt đi! Khi làm việc, thi thoảng Hồng hát khẽ. Không biết đây là ưu hay khuyết? Hồng mặc kệ. Đang vẩn vơ suy nghĩ, tiếng một anh xích lô ở ngoài đường kéo Hồng về thực tại:

- Còn phòng không?

Như quán tính, Hồng trả lời vọng ra:

- Còn chứ.

Ngoài cửa một ông khách bước vào, hỏi:

- Phòng thế nào hả em?

Đợi ông khách đến giữa phòng tiếp tân. Hồng ấp úng:

- Anh lấy một phòng nhé… mà anh ở mấy người để em sắp xếp?

- Ba người.

- Dạ. Phòng em giá hai trăm ngàn một ngày. Anh lên xem phòng với em.

Người khách đồng ý cùng sánh vai Hồng đi lên cầu thang. Vừa đi Hồng vừa giới thiệu: "Khách sạn em gần trung tâm, đầy đủ tiện nghi…". Đến tầng ba, Hồng hỏi trổng:

- Thuỷ ơi? Phòng xong chưa? Có khách!

Hồng dẫn người đàn ông vào xem phòng. Ông lại bảo:

- Thế không có phòng ba người hả em?

Hồng nhanh nhẩu một cách nghề nghiệp:

- Em ghép cho anh. Có gì em chuyển ngay bây giờ.

Người đàn ông gật đầu:

- Thế cũng được, nhưng một trăm rưỡi thôi.

- Dạ cũng được. Anh đã đến khách sạn của em rồi, để anh đi cũng buồn, có gì em lấy một trăm sáu, mùa hè anh à.

Người đàn ông đồng ý đi xuống lầu và nói với hai người bạn:

- Em nó lấy một trăm sáu thôi.

Hồng sợ bà quản lý nghe liền biện hộ:

- Đâu… em thấy mấy anh vui tính. Hơn nữa không nên để các anh đi.

Một người trong ba người đàn ông bảo:

- Giỏi đấy! ăn nói khéo đấy!

Hồng mĩm cười và thanh minh với khách rằng, thành phố hôm nay bị cúp điện. Khoảng một giờ trưa mới có điện, các anh thông cảm. Các anh cho em giấy tờ làm thủ tục. Xong mọi việc, Hồng cầm túi bóng nhỏ vừa bước lên bậc cấp vừa nói chuyện:

- Mời các anh lên nhận phòng, có gì cần các anh gọi, em sẽ giúp ngay.

Một trong ba người đùa:

- Tôi lên không nổi!

- Anh lên không nổi em cõng anh lên, chịu không?

Cả ba người cùng cười ồ lên. Một người bước nhanh đến Hồng hỏi:

- Em ơi, cho anh hỏi tên em gì thế?

- Dạ! Em tên Hồng.

- Thế em họ gì?

- Em họ Nguyễn

- Ôi! Trời ơi! Bề trên đã cho anh gặp em, bởi anh cũng họ Nguyễn tên Khương.

Hồng cúi đầu mĩm cười và đi xuống quầy. Cái buổi trưa thành phố không điện, khách sạn hoá thành một lò mỳ khổng lồ, Hồng mệt lả. Ba người khách mới vào cũng không thể ở mãi trong nên rủ nhau xuống phòng tiếp tân ngồi chơi cùng Hồng trò chuyện, vui đùa để xua tan nóng nực.

Một người thấp đậm đã giới thiệu tên Khương lên tiếng đùa:

- Em Hồng à! Em có phòng nào giá cao hơn cho anh ở nhé. Ở như thế này thì anh lên "Chín hầm" sướng hơn.

Hồng cười:

- Các anh chịu khó một đêm thôi. Hôm nay, khách sạn đầy rồi, mai em chuyển phòng khác.

Khoảng ba giờ chiều, ba người lên phòng. Hồng vô ý không bật điều hoà. Hồng nghĩ họ đang ngủ. Bỗng điện thoại reo. Hồng cầm máy:

- A lô, lễ tân nghe đây!

- Sao định nướng bọn anh trong phòng à?

- Dạ! Em… quên!

Từ đó mỗi sáng, mỗi trưa, mỗi khi rỗi việc Hồng thường trò chuyện với anh chàng thấp đậm là Khương ấy. Hai người huyên thuyên đủ thứ. Hồng thường khoe Huế của Hồng. Hồng kể cho cả ba người nghe về Vỹ Dạ, nơi "…Lá trúc che ngang mặt chữ điền…" về một miền gái đẹp Kim Long "Kim Long có gái mỹ miều/ Trẫm thương, trẫm nhớ, trẫm liều, trẫm đi". Hồng mời ba người đi uống cà phê về đêm, trong một quán bên dòng sông nhỏ, để các anh có thêm cảm nhận chiều sâu của Huế. Hồng còn tả cái màn đêm sinh động hết sức lãng mạn của Huế. Và, không quên giới thiệu về ngôi nhà mình và hoàn cảnh đầy sóng gió của mình. Những lúc ấy, mắt Hồng ngời sáng niềm yêu Huế, như những khi đang dẫn Hồng trình cho một đoàn khách đi tham quan. Đến nổi ba ông khách như bị hớp hồn. Ai cũng khen Hồng ăn nói có duyên, có chiều sâu tâm hồn…

Khương thường ngồi ở phòng khách chăm chú nhìn Hồng chạy tới chạy lui, chạy lên, chạy xuống tất bật công việc đón tiễn khách. Khương ngồi đăm chiêu ngẫm ngợi nhìn Hồng. Khi thấy công việc bề bộn của khách sạn đầy lên đôi vai bé nhỏ của Hồng thì ánh mắt ấy chùng xuống lặng thầm và thiết tha…

Hôm sau, ba người khách muốn Hồng hướng dẫn họ về thăm làng Chuồng. Đây cũng chính là làng nội của Hồng làm Hồng vui mừng khôn xiết! Hường vui là vì có dịp giới thiệu cho khách biết nét quê mùa mộc mạc mà vô cùng nên thơ của một dãy làng quê Việt ven đầm phá to rộng nhất Châu á. Hồng bàn với ba người khách hai giờ xuất phát và nói dối với bà quản lý đã làm Khương xúc động: "Chị ơi! Chiều ni cho Hồng về làng thăm bà nội Hồng nhé". Nói xong, Hồng đi bộ đến ngã tư đầu đoạn đường rẻ về quê chờ Khương và hai người bạn của Khương. Hồng gọi taxi. Bốn người lên xe chạy ra ngoại ô, chạy qua những đoạn đường thôn chưa bị đô thị hoá nuốt chửng là ba người khách trầm trồ ca ngợi Huế. Hồng vui quá! Khi xe bắt đầu vào làng, đã gợi lại cho Hồng bao kỷ niệm của một thời thơ ấu. Hai bên đường lúa sắp trỗ bông, vấn vương mùi thơm rơm rạ mà ở thị thành không hề được thở. Hồng chìm trong mùi đồng nội và tai văng vẳng những khúc nhạc buồn của những cô gái làng ngồi bên khung chằm nón: "…Chiều nay mưa trên phố Huế…". Khương rất vui, vui chân thành! Trên đường, anh dí dỏm, sinh động hẳn lên. Hồng nhìn trộm anh, thầm nghĩ, anh trẻ hơn số tuổi của anh đang có…

Bất chợt anh Phúc một trong hai anh bạn của Khương hỏi Hồng:

- Hồng à thế rượu làng em đàn ông hay đàn bà nấu?

- Dạ, đàn bà nấu anh à.

- Thế đàn bà họ ở… nấu hả?

Hồng không hiểu, vẫn nói:

- Em cũng đã nấu nhiều lần rồi.

Cả ba người cùng cười làm Hồng ngơ ngác không hiểu nhưng vẫn cười theo. Khi đến nhà nội Hồng cả ba tranh cãi gì đó rất sôi nổi. Ông nội của Hồng thuật lại kỹ thụât nấu rượu. Cả ba chợt nhận ra. Anh Lý nói:

- À, ra thế!

Hoá ra khi họ nghe nói đến làng Chuồng, do âm giọng Huế họ nghe chưa quen, họ nghĩ là làng Truồng. Và suy diễn phụ nữ nấu rượu phải ở truồng mới có tên rượu làng Truồng. Trở lại thành phố Hồng đưa anh Lý, anh Phúc và Khương đến uống cà phê "Sông Thanh" nằm ven bờ sông Như Ý. Cả ba người lại trở lại chuyện nấu rượu ở làng Chuồng và nhìn Hồng cười. Lúc này thì Hồng đã hiểu ý của những nụ cười ấy nên cảm thấy hai má nóng bừng!. Hồng nói:

- Sao các anh cứ chọc em hoài, ghét lắm đó!

Cả ba lại cười ồ lên…

Buổi tối hôm sau Hồng đưa Khương đến quán kem " Nguyên Đào". Hồng muốn cho Khương được ngắm cảnh sông và Huế về đêm. Khương bảo:

- Ồ! Đẹp thật. Huế đẹp một cách trầm tĩnh.

Nghe Khương khen Huế, lòng Hồng dấy lên niềm tự hào. Nghĩ đến ngày chia tay, Hồng ghét thời gian trôi nhanh…


Hồng một mình quay lại ngôi nhà nhỏ của mình. Đặt lưng nằm xuống chiếc giường quen thuộc sao Hồng không thể tự dỗ giấc ngủ của mình như mọi đêm. Hồng cứ nghĩ, vài giờ nữa, Hồng phải chia tay Khương. Mắc chi mình trằn trọc mãi! Tại sao nhỉ? Hồng thầm trách mình dành nhiều cảm tình cho Khương, để bây giờ thở ngắn than dài!

Mặt trời đã lên! Một ngày mới đang đến. Ba người khách ra đi để lại cho Hồng nỗi buồn mênh mông. Hồng đứng nhìn cơn mưa đầu mùa với lòng muốn khóc thật to nhưng Hồng cố đè nén. Hà Nội đã đưa vào Huế một hình bóng, hình bóng ấy ở lại trong con tim cô đơn của Hồng mãi mãi. Bỗng tiếng chuông điện thoại reo làm Hồng giật mình:

- Dạ Hồng nghe…

Phía đầu dây bên kia một giọng trầm ấm:

- Em khoẻ không? Hôm nay có đi làm không? Bọn anh rất nhớ Huế và nhớ em. Hẹn em dịp khác nhé…

- Cám ơn, em khoẻ. Hồng cũng nhớ các anh lắm. Hy vọng chúng mình sẽ gặp lại nhau.

Hồng trở vào với công việc thường nhật của mình với một niềm hy vọng…




VVM.27.12.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .