Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      



NHỮNG NGƯỜI MUÔN NĂM CŨ




D òng đời vẫn tiếp diễn trong từng phút giây, dù rằng đời lúc thịnh lúc suy, những cuộc thịnh suy hưng phế cứ lập đi lập lại từ thuở xa xưa đến giờ và sẽ mãi mãi như thế.

Mỗi thời đại có những vấn đề riêng, những vấn nạn khác nhau. Ngày nay con người đang đứng trước một bước ngoặc lớn mà chưa có ai có thể hình dung ngày mai sẽ ra sao. Công nghệ điện toán, máy học (machine learning), trí tuệ nhân tạo (AI) đang làm thay đổi sâu sắc mọi mặt của đời sống con người và xã hội, làm thay đổi những tương tác, thói quen, hành động của loài người. Trí tuệ nhân tạo, Robot đang từng bước làm thay nhiều côgn việc của con người. Trí tuệ nhân tạo có thể viết sách, làm thơ, soạn nhạc, viết lậun văn, bài phát biểu, vẽ tranh… và chúng làm với tốc độ nhanh không sao tưởng nổi. Công nghệ điện toán, Internet và những sản phẩm của công nghệ đang làm cho con người đam mê đến độ lệ thuộc một cách nặng nề. Ngày nay chẳng còn mấy ai đọc sách, đọc báo. Mọi người chúi mắt chúi mũi vào màn hình Iphone, Ipad, Laptop mà quẹt quẹt. Mọi người dính chặt vào vô số chuyện thị phi, nhảm nhí của các trang mạng xã hội. Mọi người chạy theo trào lưu (trend) bất tận của mạng xã hội: You tube, Face Book, Tweeter, Instagram, X, Weibo, Tik tok...Mọi người chỉ đọc những dòng chữ ngắn ngủi, xem hình và xem clip là chính. Mọi người thích nghe âm thanh, nhìn hình ảnh chứ chẳng còn ai đọc sách, báo, tiểu thuyết, thơ, văn. Chữ nghĩa...Tất cả những sản phẩm có dính dáng đến chữ nghĩa như đã thuộc về dĩ vãng.

Ấy vậy mà thiên hạ vẫn còn một thiểu số ngày đêm miệt mài với chữ nghĩa. Một thiểu số vẫn đam mê viết lách, mày mò hí hoáy với văn chương, thơ, nhạc… Với bọn người thiểu số này thì chữ nghĩa như là thuốc phiện, bỏ không được. Có không ít kẻ đã từng bẻ bút, xé giấy, đổ mực nhưng rồi gom góp lại, vuốt giấy cho thẳng, nắn bút cho ngay để tiếp tục cái việc không giống ai trong thời đại công nghệ cao, ấy là viết lách. Cơn ghiền viết, ghiền chữ nghĩa không khác gì thuốc phiện, thật khó bỏ mặc dù biết rằng chẳng biết viết để làm gì!

Viết lách như trò thủ dâm, người viết như kẻ khổ dâm, càng khổ lại càng sướng. Viết được chút gì vừa ý thì đạt thống khoái khó mà tả bằng lời. Cuộc chơi chữ nghĩa trong thời đại hôm nay là một cuộc chơi kỳ quái không thể hiểu, vừa nhọc công tốn sức và tốn cả tiền bạc nhưng vẫn đam mê. Không viết, chữ nghĩa cứ ngọa nguậy trong tâm. Những kẻ viết lách cứ như thể bị trời đày. Bọn họ là những người của thời đại xa xưa nào đó. Trong tâm thức bọn viết lách đầy ắp những ký ức dĩ vãng, lại chứa quá nhiều những viễn tượng tương lai, và còn là tấm gương phản chiếu sự vật, sự việc của xã hội hiện tại. Bọn viết lách là những kẻ đa đoan trong loài người.

Văn học nghệ thuật, cuộc chơi chữ nghĩa đã qua rồi cái thời vàng son. Ngày nay máy móc, công nghệ điện toán, trí tuệ nhân tạo làm thay con người mọi việc từ sản xuất, mua bán, phục vụ, mang bom đến chỗ cần bỏ… và dĩ nhiên là cả sáng tác văn chương nghệ thuật. Tuy nhiên có một điều là trí tuệ nhân tạo (AI) cũng do con người chế ra, (AI) và robot chỉ thuần túy máy móc kỹ thuật chứ không tâm hồn. Sự thật là (AI) không sáng tác, nó chỉ trích lục, lọc lược, lựa chọn… nguồn tư liệu khổng lồ trên các trang mạng và sau đó cắt, dán, ghép, nối… lại thành một tác phẩm theo chủ đề mà con người đặt ra.

(AI) và máy móc không có sáng tác, không có tâm hồn, không có cảm xúc hay rung động. Nói cách khác tác phẩm do (AI) viết ra là đổ giả, đồ nhái...(AI) có thể viết sách, làm thơ, luận văn… nhưng hòan toàn không có cảm xúc, không có tâm hồn. Nó không thể chế ra cảm xúc hay tâm hồn được và dĩ nhiên nó không thể thay thể cảm xúc và tâm hồn của con người. (AI) là thành tựu khoa học quan trọng của loài người nhưng hậu quả tương lai như thế nào thì chưa ai đủ khả năng đoán được. Đã có những cảnh báo hậu quả tai hại do (AI) gây ra nhưng tất cả vẫn còn chưa rõ ràng và chưa đủ sức thuyết phục.

Cho dù tương lai có thế nào đi nữa thì những kẻ mê chữ nghĩa, yêu văn chương vẫn cứ miệt sáng tác, vẫn ngày đêm chìm đắm trong cuộc chơi chữ nghĩa. (AI) mai này tiến bộ đến cỡ nào cũng không thể giết chết được đam mê văn chương nghệ thuật vì con người vẫn còn tâm hồn, còn cảm xúc, còn thụ hưởng thẩm mỹ, còn yêu những giá trị nhân văn và giá trị tinh thần. Cuộc chơi chữ nghĩa vẫn tiếp diễn dù có âm thầm lặng lẽ, dù có bỏ quên, dù thiên hạ chẳng còn nhiều người đọc.

Tập truyện này cũng chỉ là những câu chuyện lưu xuất từ tâm, cũng là sự phản ảnh các khía cạnh của bộ mặt xã hội, bộ mặt cuộc đời và cả những điều ẩn khuất trong nội tâm. Tập truyện này chẳng có gì đáng gọi là văn chương vì nó vốn đơn sơ, mộc mạc như câu chuyện đời thường. Nó được viết ra để thõa mãn cơn ghiền, giải tỏa những dồn nén và trên hết là để lấp đi cái thời gian rảnh rỗi. Tập truyện viết ra để tặng một thiểu số người còn yêu thích đọc sách, còn cảm nhận ý nghĩa của chữ nghĩa.

Ngày nay, thời đại công nghệ điện toán, trí thông minh nhân tạo; thời đại của những sản phẩm công nghệ 3D… Những người viết và người đọc sách như thể “Những người muôn năm cũ”- thơ Vũ Đình Liên -./.

Ất Lăng thành, 1124




VVM.13.12.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .