Nhà có 2 mẹ con nên cũng khá trống vắng. Nó chẳng biết cha nó là ai. Nhưng dù mẹ nó có lần thổ lộ rằng ông đã bỏ mẹ con nó mà đi với người phụ nữ khác, thì nó vẫn nghĩ rằng, có lẽ tại mẹ nó mà cha nó đã biến khỏi cuộc đời cô độc của mình!
Nghĩ tới “cô độc”, Hoài bỗng mỉm cười rồi liếc vào tấm gương. Nó hài lòng vì thấy mình khá đẹp trai, có lẽ là giống bố, vì có như thế mới có chuyện ai đó yêu chiều mà bố đã dứt áo ra đi! Chuyện đẹp trai của nó chẳng có gì phải bàn cãi vì rõ ràng nhờ vậy mà Hương mới cặp kè với nó bấy lâu nay. Mẹ nó, dĩ nhiên là biết chuyện này vì bà cứ nhắc nhở đến sốt ruột:
- Con lo mà học hành, chứ yêu sớm thì chỉ có... khổ thôi!
- Sao lại khổ hở mẹ?
Câu hỏi của con trai làm bà bỗng nhói lòng! Chính vì cái mã công tử mà bà đã vội vàng lấy gã đàn ông bội bạc ấy. Thật ra, gã lấy bà chỉ vì muốn dòm ngó căn nhà đồ sộ của cha mẹ bà mà thôi. Cơn bạo bệnh của bố không những đã khiến căn nhà ấy phải sang tay cho người khác, mà chính ông cũng từ giã cõi trần đầy gian dối. Rồi gã ra đi chẳng một lời từ biệt! Bà đắng cay nhận ra mình chỉ là nhịp cầu cho người khác bước lên.
- Ừ! Yêu thì bỏ bê việc học, sau này chẳng làm được tích sự gì con ạ...
Nói thế, nhưng bà cũng khá yên lòng về con trai, vì nó khá hiền lành lại chăm học. Thỉnh thoảng bà phân vân về tương lai của Hoài, liệu tính nết nó có giống “thằng cha” của nó hay không. Giá mà khuôn mặt của nó không giống kẻ vô tâm kia như đúc thì thật là... mừng cho bà quá.
Ngày nào bà chẳng phải đạp chiếc xe lọc cọc ra khỏi nhà cả dăm cây số từ sáng sớm, rồi đẩy chiếc xe bán bánh mì ra khỏi cổng trường, nơi bà gửi “đồ nghề” của mình. Dĩ nhiên, bà phải lo thái thịt, dưa, hành... để chuẩn bị cho buổi bán hàng vất vả. Những ngày mưa mới là thê lương cho cuộc đời còn đầy sương gió của bà. Ngồi thu lu trên chiếc ghế nhựa, bà thấy đời mình như rơm rác trôi trong giòng nước mưa lũ lượt trên đường. Thỉnh thoảng cọng rác vớ vẩn vướng vào chỗ mấp mô nào đó, loay hoay mãi nó mới thoát ra chỗ vướng bận ấy. Bà nhận ra, nó thoát ra được lại nhờ vào giòng nước lập lờ chứ không hề nhờ vào chính bản thân. Giá mà chiếc lá trôi ấy có... máy thì ắt nó sẽ tự mình bước đi trên đường đời khúc khuỷu...
Nhưng rồi bà lại “ngộ” ra một ý khác là, phải chăng chính cái nhẹ tênh của chiếc lá khiến nó còn có thể cục cựa trước cuộc đời? Bằng cớ là viên đá xanh nặng bụng kia cứ riu ríu dưới lòng nước mà không hề dịch chuyển được! Lẩn thẩn, bà lại tự cắc cớ, hay tại viên đá... thích ở đó chăng?
Trước kia, bà bán ở gần nhà nên cũng khỏe. Còn bây giờ, việc đi lại đã chiếm biết bao thời gian. Ngày nào, bà cũng phải ba chân bốn cẳng mà hộc tốc chạy về nhà để kịp làm cơm tối cho hai mẹ con. Những hôm Hoài đi học thêm, bà thiếu điều thở không ra hơi khi về đến nhà. Tội nghiệp thằng nhỏ khi nó cứ thở dài cau có chờ cơm. Có hôm, bà chưa kịp đem xe vào nhà là nó đã dậm chân thình thịch, rồi chẳng nói chẳng rằng, phóc lên yên xe chạy mất, kệ cho bà đau đớn nhìn theo, la không thành tiếng:
- Hoài, Hoài...
Chẳng hiểu nó có biết lý do mẹ nó thay đổi chỗ kiếm cơm hay không, chứ việc ấy đã khiến bà buồn cả một thời gian dài, và nước mắt trào dâng không kém gì lúc bố Hoài dứt áo ra đi:
Hôm ấy, đang loay hoay bán hàng, bà khách quen nhắc bà:
- Kìa, có ai mua bánh mì kìa...
Bà ngẩng lên. Một cô gái xinh xinh đang nói với ai đó:
- Để Hương mua 2 ổ bánh mì đã...
Kẻ cô nói với, hóa ra là Hoài. Nó nhăn nhăn cái mặt và tay thì níu lấy tay cô gái, kéo cô ra khỏi chiếc xe bánh mì cũ kỹ của mẹ nó. Tim bà như thảng thốt! Mắt bà như hoa lên! Rõ ràng là Hoài chẳng hề muốn cho cô bé ghé vào. Và chắc cũng không hề nói với cô gái rằng, bà bán bánh mì ấy là mẹ mình...
Bà hiểu quá mà! Bố nó bỏ bà cũng chỉ vì bà thiếu cái hào nhoáng bề ngoài! Con bà hôm nay cũng “chối từ” bà vì bà không có thứ gì đáng để cho nó ngẩng mặt với đời, nhất là với người yêu của nó!
Hôm ấy, hai mẹ con không nói với nhau nửa lời. Rồi bà nghỉ bán cả tuần lễ. Chẳng biết bà đi đâu, nhưng chiều chiều, bà về rất đúng giờ để lo cơm cho Hoài. Nó không dám hó hé dù chỉ một lời. Mẹ nó ngồi đó, cũng lặng yên như làn hương mỏng đang tan đi trên bàn thờ đặt di ảnh của ông bà ngoại nó. Mãi nó mới hỏi:
- Sao mẹ không ăn cơm...
- Ừ! Mẹ ăn rồi...
Bà vừa buồn lại vừa có chút vui vì ít ra nó còn hỏi bà được một câu như vậy. Bà chẳng hề có ý định nhắc đến cái biến cố không đáng có ấy, chỉ vì bà đã nuốt nỗi buồn ấy vào đáy lòng ngay từ lúc Hoài kéo tay bạn gái nó ra khỏi nơi kiếm ăn của bà, và cả của nó nữa...
Rồi bà kiếm được chỗ bán hàng khác xa nhà, để Hoài khỏi phải xấu hổ vì mẹ mình. Chỉ tội cho bà vì phải hết sức cố gắng mới có thể khớp với giờ giấc ngày càng khe khắt! Cũng tội cho Hoài, vì trước kia có bao giờ nó phải lo lắng vì sợ bị trễ học đâu...
Hôm nay, cũng như mọi hôm rầy rà khác, mẹ lại chưa về! Cũng lỗi tại nó vì thật ra hôm nay không phải là tối đi học thêm, mà là tối hẹn Hương đi xem phim lần đầu tiên trong đời... Biết vậy, nhưng nó vẫn thấy mẹ mình thật kỳ cục, thật dở hơi khi bán hàng... rõ xa! Với lại, có ngày nào mẹ không về trễ đâu cơ chứ? Và chẳng hôm nào mà mẹ lại không có lý do này nọ: nào kẹt xe, nào bận bán hàng, nào để quên đồ ngoài chợ...!
Cây kim đã nhích đến số 7 linh thiêng rồi bà già ơi! Sao bà không về đi cho con... nhờ! Điên tiết, nó đá mạnh vào cánh cửa. Cú đá đầy giận hờn ấy khiến không những làm cánh cửa bật tung ra, va vào tường như bị cơn lốc phũ phàng ập tới, mà còn khiến Hoài phải la lên đau đớn, vì ô kìa, chân nó túa máu vì cạnh cửa đâm vào.
Một mình nó vật lộn với cái chân vô duyên. Lòng nó cuồng nộ vì thủ phạm cũng chính là mẹ mình. Nhìn vào gương, nó thấy mặt đứa nào đỏ au cùng đôi mắt tóe lửa. Nó bình tâm lại, rồi ngẫm nghĩ:
- “Bả” chưa về thì đóng cửa đi chứ có sao đâu nhỉ! Khỏi phải chờ!
Nghĩ là làm. Nó cà nhếch ra đầu hẻm gọi xe ôm, rồi mất hút cùng cái chân đã tạm băng cho cuộc gặp tối nay thêm... thú vị!
Dĩ nhiên là nó vui lắm khi đi chơi với nàng. Rõ ràng là nó phải bịa ra cái lý do dễ thương gì đó để giải thích với Hương về cái tai nạn mà nó tự gây ra. Phim chắc là phải hay lắm, vì về đến đầu ngõ mà mặt nó còn tươi rói! Nhưng bực thì nó vẫn bực... cành hông, vì mẹ đã làm nó phải bồn chồn. Và chính bà là nguyên cớ khiến nó còn phải cà nhắc ít là mươi bữa chứ chẳng chơi! Nghĩ thế, mà mặt nó bỗng trở nên “hình sự”. Nó quyết định sẽ... lì lì, dù bà già nó có hỏi đến cả trăm câu...
Ồ! Nhà mình sao... lạ thế! Mấy người hàng xóm đang bịn rịn gì đó ở trong!
- Thằng Hoài về kìa...
Hoài quên béng cái chân đau, nhảy bổ vào nhà. Mẹ nó đang nằm trên chiếc ghế dài, đầu băng trắng toát. Gương mặt xanh xao của bà bỗng ngạc nhiên:
- Chân con... sao vậy?
Hoài ú ớ hẳn. Nó cắn chặt môi để không phải khóc. Hít một hơi dài, Hoài run run hỏi lại bà:
- Mẹ... làm sao vậy?
- Mẹ không sao đâu con à... Còn con?
- Dạ, tại con... đá vào cái cửa mẹ ơi!
- Ừ! Tại mẹ về trễ... phải không...
Nó thấy lòng đắng ngắt! Giá mà mấy người hàng xóm chửi, hay xỉ vả nó để nó được nhẹ lòng hơn. Nó nắm lấy tay mẹ. Lần đầu tiên nó thấy da tay bà đã có đồi mồi. Nó run lẩy bẩy khi bàn tay ấy xoa lên đầu nó. Bà âu yếm hơn bao giờ hết:
- Gió mạnh quá con à! Thế là cái cánh xe bánh mì sập xuống vào đầu mẹ. Chỉ khâu ít mũi thôi mà...
Bây giờ thì Hoài khóc, khóc thật sự... -/.