Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
         



LẠC DÒNG


1

    _Bao nhiêu?
     _Thưa thầy, mỗi người ba trăm.
     _Chả bõ.
     _Dạ, vậy để em về bàn lại với tụi nó – Nhưng rồi Thắng dừng lại suy nghĩ và tự quyết định – Năm trăm được không thầy?
     _Được.

2.

     _Bao nhiêu?
     _Thưa thầy, mỗi người ba trăm.
     _Ông Hiên lấy bao nhiêu?
     _Dạ, năm trăm.
     _Thế thì năm trăm.

3.

    Thắng tạt xe vào quán café. Gọi nước. Bên ngoài đang giữa trưa. Nắng và nóng gay gắt. Gay gắt cả trong lòng.
     Tôi lên tiếng trước, cười cợt:
     _Ăn bẩn thật.
     _Ha ha! – Thắng cười to – Xăng lên giá thì phong bì cũng phải lên giá chứ. Thầy cũng là người. Mà người thì cần phải ăn mới sống được, đúng không? Rồi lại còn vợ con nheo nhóc nữa, ha ha. Mày cứ coi đó là chuyện bình thường đi; Các năm trước tụi tao mỗi đứa đi ba trăm thôi là qua hết. Hai môn này nổi tiếng tử thần, năm nào chả rụng rơi như sung thối. Khối đứa học lại, thi lại bốn năm lần cũng không qua nổi. Trong khi nếu biết điều, cứ như vầy – Thắng vung tay – vứt tí tiền, khỏe re.
     Tôi gật gù. Thắng châm điếu thuốc, rít một hơi, tiếp:
     _Hai ông ấy cự nhau nhiều năm nay rồi. Trước đây, ông Phương làm trưởng khoa. Nhưng vì ăn tham quá nên bị ông Hiên chiếm chỗ ngồi. Ông Hiên ăn bao nhiêu, ông Phương ăn bấy nhiêu, không chịu thua miếng, nhưng cũng không dám hơn miếng. Ha ha, tếu thật.
     _À, ra thế. Vậy là đi đứt thêm hai trăm cho mỗi môn. Năm trăm ngàn, sơ sơ mười đứa là năm triệu. Ngon ăn thật.
     _Tất nhiên. Mùa thi là miếng ăn béo bở. Đưa tận miệng, ngu gì mà không nuốt. Tiền chứ giấy lộn đâu. Năm triệu chứ ít à. Ha ha, mà không hiểu sao lão Hiên càng ăn càng mập. Còn lão Phương càng ăn càng ốm tong ốm teo. Có lẽ lão Phương vẫn còn cay cú vụ bị lão Hiên “đảo chính”, ha ha.
     Búng mẩu thuốc lá bay ra ngoài, nhấp một ngụm café, Thắng tiếp:
     _Trước đây tao cũng như tụi mày, rớt liểng xiểng. Tao sợ mất ăn mất ngủ. May mà có một thằng năm tư chỉ dẫn cho tao cách “gõ” các cửa; Hồi đó rất bát nháo. Các bố đua nhau ăn. Bây giờ thì tụi mày sướng hơn nhiều rồi. Các bố đã biết cách ăn kín đáo hơn. Nghệ thuật hơn. An toàn hơn. Tao cũng sắp ra trường, lần này coi như truyền nghề cho mày. Thằng trước chỉ bảo thằng sau, truyền thống tốt đẹp của trường ta mà, ha ha.
     Tôi cười theo, thắc mắc:
     _Không có ai tố cáo à?
     Thắng châm thêm điếu thuốc khác, mỉa mai:
     _Tố cáo mẹ gì. Bà cô Thúy dạy Hóa, trước đây ăn dữ quá. “Die” một lần. Cũng tại bả tham. Thi lại bốn thằng. Hai thằng làm được bài, rớt. Hai thằng nộp giấy trắng lại được tám điểm, qua. Một trong hai thằng rớt cay cú, làm đơn phúc khảo và khiếu nại. Kết quả phúc khảo, hai thằng rớt lại được tám điểm. Ha ha, vui thật. Nếu là tao, tao sẽ cho hết bốn thằng qua là yên chuyện. Ăn cướp thì cũng phải biết chừa đường tẩu chứ đúng không? Lần đó trường buộc phải kỷ luật bà Thúy. Tưởng kỷ luật gì to tát lắm, hóa ra chuyển bà ấy xuống trông coi phòng thí nghiệm. Được một năm, lấy lí do thiếu giáo viên, bà Thúy được dạy trở lại. Tất nhiên thằng tố cáo phải trả giá. Ăn miếng trả miếng. Ha ha, huề cả làng. Mày nghĩ xem, thầy cô bênh sinh viên hay bênh nhau nào? Rốt cuộc ai thiệt nào? Tỉnh táo mà suy nghĩ để thấy rằng tốn một chút nhưng đôi bên cùng có lợi. Chả tội gì – Thắng lên giọng, nhấn mạnh – Thằng nào tố cáo là thằng ngu!
     Tôi đăm chiêu. Tiếng điện thoại reo. Thắng bắt máy nghe. Xong, vỗ vai tôi:
     _Thôi, coi như đã cầm chắc vé qua cầu. Bảo với tụi còn lại đang chờ ở nhà đừng lo gì cả. Khỏi học hành gì luôn. Cứ chơi bời, nhậu nhẹt cho đã. Hôm nào thi thì vác xác vào, ký tên rồi về. Xong vụ này, tụi mày đừng quên đãi tao một chầu đấy. Tao về trước có chút chuyện.
     Tôi gật đầu, cười nhạt.
     Tôi gọi thêm một ly café đá, châm điếu thuốc. Bực tức nhớ lại thái độ của thằng Hiếu chiều mấy hôm trước.
     Thằng Hiếu là bạn thân của tôi. Hai thằng học chung lớp từ cấp ba cho đến tận bây giờ. Lên thành phố, tôi với nó thuê phòng ở chung; Kết quả thi học kỳ vừa rồi, tôi may mắn rớt một môn Cơ chất lỏng. Thằng Hiếu rớt hai môn, Cơ chất lỏng và Sức bền vật liệu.
     Đúng ra, thằng Hiếu sẽ không đến nỗi thê thảm nếu nó khôn lanh một chút như những đứa khác. Tiếc rằng nó quá thật thà. Đúng hơn là khù khờ. Không, phải nói là nó ngu!
     Nó ngu nổi tiếng từ thời cấp ba. Mỗi lần làm bài kiểm tra, nó mà không thuộc bài, y như rằng sẽ nộp giấy trắng chứ nhất quyết không chịu quay cóp như tất cả những đứa khác trong lớp. Và tất nhiên, luôn luôn có một kết cục không đổi với kẻ ngu dốt ngang ngạnh, nó được cô giáo ném tặng cho mấy quả trứng ngỗng to đùng.
     Vào đại học, thằng Hiếu vẫn không chừa. Nó không chịu bỏ cái tính khác người đó. Bài thiết kế yêu cầu hoàn thành mười chương. Nó làm được hơn tám chương. Gần hai chương còn lại khó, nó làm đi làm lại vẫn sai. Trong lớp tôi cũng có rất nhiều đứa không hoàn thành được. Tụi tôi ứng phó bằng cách chép linh ta linh tinh của những đứa khác, theo kiểu “râu ông nọ cắm cằm bà kia”, miễn sao bài thiết kế in ra dầy một chút, trang trí đẹp một chút, đóng bìa thơm một chút là qua. Bởi bọn tôi biết thừa ông Hiên cũng chả thèm nghía mắt tính toán lại làm chi cho mất thời gian; Vậy mà thằng Hiếu lại ương bướng không chịu chép, nó để nguyên tám chương đó mà nộp. Kết quả nó bị cấm thi. Mà đã bị cấm thi cả hai đợt thì coi như nó không hoàn thành môn học. Ở lại lớp là điều chắc chắn.
     Chỉ riêng điều đó đã đủ làm tôi điên tiết với nó. Đến khi lòi thêm vụ nó rớt môn Cơ chất lỏng, tôi phát khùng. Nếu nó không làm được bài, bị rớt thì không nói làm gì. Đằng này chỉ vì cái tính trời đánh thánh vật của nó mà rớt mới lãng nhách. Bữa thi môn này, nó ngồi sau con Nga. Mà con nhỏ này lại là học sinh giỏi của lớp, chưa hề rớt môn nào ở những kỳ thi trước. Thằng Hiếu nhìn thấy con Nga đang lật tập trong hộc bàn, quay cóp. Nó tự nhiên buồn, thất vọng. Thần tượng phút chốc đổ ập xuống, vỡ tan. Nó thẫn thờ buông bút, đứng dậy nộp bài còn đang làm dở, bỏ về. Thế là rớt. Tôi nóng máu, chửi um:
     _Mày là thằng điên. Điên một ngàn độ. Trời ơi! Lạy “bố”, làm ơn điên vừa vừa thôi để cho người khác điên với. Nếu không nghĩ cho mày thì cũng phải nghĩ cho bố mẹ mày chứ. Bố mẹ mày vất vả tích góp gửi từng đồng lên cho mày mà mày đối xử thế à? – Tôi nghiến răng – Mẹ kiếp! Tao chỉ muốn đập cho mày một trận. Hừ!
     Thằng Hiếu ngồi im re để mặc tôi chửi. Thấy tôi dừng lại, nó nhún vai. Kiểu đó khác nào chọc điên tôi. Tức quá, tôi lao vào phòng vệ sinh, vùi đầu vào thùng nước. Lát sau trở ra, tôi xuống giọng:
     _Thôi, lỡ rồi, giờ mày tính sao?
     _Thì học lại chứ sao.
     _Học lại cái con khỉ – Tôi lại cáu – Một năm trời bao nhiêu tiền bạc vứt vào đó. Mày nghĩ đó là rác à? Tao nộp tiền cho mày rồi. Hai môn là một triệu. Một bài học đắt giá cho mày. “Gió chiều nào theo chiều đó”, nhớ đó.
     Ngay khi “đánh hơi” được tụi lớp tôi “đi thầy”. Tôi gọi điện về quê nói chuyện với bố mẹ tôi. Các cụ liền gửi tiền lên ngay, bảo chả tiếc gì tiền bạc, đút vài đồng cho xong việc. Và khuyên tôi ráng mau mau kiếm lấy cái bằng; Bố mẹ tôi gửi dư kha khá. Tôi lấy chỗ đó, thêm vào một ít nữa đóng cho thằng Hiếu. Tôi biết tính nó nên định giấu. Nhưng do nóng quá tôi mới huỵch toẹt ra.
     Đúng như tôi lo lắng, thằng Hiếu bắt đầu bài ca muôn thuở:
     _Tại sao mày làm thế? Tao không thích. Mày biết tao luôn thẳng lưng mà bước mà.
     Tôi cười gằn:
     _Thích hay không bây giờ đã không còn thuộc quyền quyết định của mày nữa rồi. Tao nhắc lại, mày nên nghĩ cho bố mẹ mày trước. Bởi thế, hãy tự khom lưng xuống mà đi, nếu không sẽ bị đánh cho còng. Tao nói thật, cả lớp thế, mày có làm thế cũng chả xấu mặt nào đâu. Mày có biết tụi trong lớp đợi mày lâu quá, muốn gạt mày ra không? Gạt ra là mày chết chắc.
     Thằng Hiếu hét lên:
     _Tao không muốn bị dòng chảy khốn kiếp đó cuốn đi. Tao muốn dừng lại.
     _Mày muốn dừng lại? Ha ha, vậy thì đợi chết đuối đi mày. Đồ “hữu dũng vô mưu”. Đồ con lừa.
     Thằng Hiếu cãi bướng:
     _Tao leo lên bờ.
     _Leo? – Tôi cười vang – Mày leo được chưa hay sắp chết vì sặc đầy một bụng nước rồi? Mày thuộc dạng điên hết thuốc chữa. Mẹ kiếp! Nếu tao không chơi thân với mày thì tao cũng mặc xác. Nói sùi bọt mép với thằng đầu bò bảo thủ như mày nãy giờ vẫn chẳng suy chuyển được tí nào. Bực mình! Cuộc sống nó thế, mày không thể chống lại được. Bởi thế, hãy biết chấp nhận mà sống.
     Tôi thở dài, dịu giọng, nói nhỏ:
     _Mày chắc không quên vụ tụi thằng Bân khôn ranh khi sửa lại dữ liệu trong danh sách của thầy hướng dẫn đợt thực tập vừa rồi chứ? Cuối cùng tụi nó chỉ mất năm phút cho việc mài bóng mặt phẳng, còn tao với mày mài phồng rộp cả tay suốt một ngày mà điểm vẫn thấp tè. Đó, thật thà cho lắm vào. Thật thà là thua thiệt. Rồi cũng vẫn tụi thằng Bân, nhờ quen biết mà thi lại lần nào cũng qua. Có đứa thì nhờ bạn bè bên ngoài quăng bài. Có đứa thì quay cóp. Thử hỏi có đứa nào gò lưng ra mà học không? Học cho lắm vào cuối cùng vẫn rớt như thường.
     Thằng Hiếu cố chống chế:
     _Nhưng sau này ra trường, tụi nó không có kiến thức sẽ không làm được gì.
     _Không làm được gì? Ha ha, “lo bò trắng răng”. Quên đi mày – Tôi xẵng giọng – Trong khi mày còn đang hì hục trả nợ thì tụi nó đã làm sếp rồi. Cái mớ kiến thức học được trong trường chả đem áp dụng vào đâu được. Chỉ toàn thứ vứt đi. Đợt thực tập vừa rồi mày cũng đã thấy rồi đấy, có cái gì như sách vở không? Không, không hề. Thậm chí tệ hại hơn là đi ngược lại kìa. Đơn giản như an toàn lao động. Mày học thế nào? Thực tế thế nào? Haha, an toàn mốc xì. Hãy mở mắt ra mà nhìn đi. Cốt là cái bằng, cái bằng đấy mày hiểu không? Và còn cái quan trọng nữa là phải biết luồn lách như chạch giống tụi thằng Bân kìa. Khù khờ như mày chỉ tổ làm lính xách dép để tụi nó sai vặt chơi thôi; Bây giờ mày tính thử coi, học lại một môn, đóng hơn ba trăm ngàn tiền ngu, lại còn phải vất vả đi học nữa, mệt xác mà chưa chắc đã thi qua. Trong khi thêm tí tiền, qua nhẹ nhàng. Khỏe. Tao khuyên hết lời rồi đấy. Mày chọn đường sướng mà đi.
     _Tao sẽ thi qua.
     _Thi qua? Ha ha… Mày ngây thơ thật. Mày nghĩ mày sẽ qua sao? Chỉ những đứa đóng tiền mới qua thôi – Tôi đưa tay làm động tác cứa cổ, cười gằn – Mày sẽ là vật hy sinh, “con” ạ! Mà thôi, nói với mày chỉ tổ tốn nước miếng, ôm bực vào người. Tao đóng tiền cho mày rồi đấy, còn muốn hay không tùy mày. Nhưng tao nhắc lại, mày hãy nghĩ đến hoàn cảnh cơ cực của bố mẹ mày…
     Thằng Hiếu bỏ đi đâu mấy ngày. Đến khi mò về, trông nó tàn tạ đến tội nghiệp.

4.

     Buổi sáng đi thi lại, thằng Hiếu vẫn ngủ vùi. Tôi la hét, năn nỉ, lôi kéo mãi nó mới chịu lết tới trường. Từ bữa về, nó tịnh chẳng hé răng nói tiếng nào, cứ ngồi lì một chỗ. Tôi cũng kệ, chẳng đả động, để yên cho nó suy ngẫm.
     Vào phòng thi, sau khi xếp chỗ, phát đề thi. Ông thầy Phương đi vòng một lượt, lật giấy thi xem tên từng đứa. Những đứa nào trong danh sách “đi thầy” sẽ được thầy hướng dẫn làm bài. Đúng hơn là chỉ làm bộ hướng dẫn nhằm che mắt thiên hạ, trong khi sự thật, miệng nói tay viết, thầy giải sẵn đề thi của từng đứa ra giấy nháp (mỗi đứa làm một đề). Việc còn lại của tụi tôi đơn giản chỉ là chép nắn nót vào giấy thi như bọn con nít chép chính tả sao cho sạch đẹp.
     Trong số những đứa thi lại, thằng Bân quả thực làm tôi khâm phục vô cùng. Nó luôn luôn tỏ ra là một đứa ma lanh có hạng chứ không khù khờ như tụi tôi. Thầy giải cho bài toán nào, tụi tôi ngoan ngoãn chép bài toán đó mà không đòi hỏi. Thằng Bân khác. Nó trả giá “Thầy hướng dẫn em lý thuyết”. Thế là thầy chép hết lý thuyết cho nó. Về sau này, khi có điểm, thằng Bân được tám trong khi nhất loạt đám "đi thầy" còn lại được năm. “Dù sao cũng qua, chả hề gì” – Tôi chép miệng tự an ủi.
     Ông thầy Phương bước tới chỗ thằng Hiếu, giải bài cho nó. Nó khinh khỉnh. Tôi lừ mắt nhìn nó. Vừa đe dọa, vừa van nài…
     Thằng Hiếu không hề chép một chữ nào. Nó nộp giấy trắng.

     Kết quả thi lại, thằng Hiếu được năm điểm. Qua.
     Nhìn bảng điểm, thằng Hiếu nhếch tí mép, cười. -/

30 Tháng 10 - 2006.



VVM.06.12.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .