Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      



      

M Như con nước bể bờ, bà Tư Xéo ào vô quán bún Út Sang kéo ghế nhựa cái rột, chưa kịp đặt đít ngồi, họng đã oang oang phát loa:

- Phen này cái điện thoại giết thằng Ba Nghé!

Ai nấy chưng hửng. Quán sáng sớm khách ngồi lủ khủ mà nhứt tề mấy chục cặp mắt đổ dồn về bà Tư Xéo, có tay cầm đũa thì đặt hờ trên miệng tô, có tay bưng ly cà phê thì dừng lại giữa thinh không chẳng kịp hớp, y như đoạn phim đang chiếu bị đứng hình. Con Lùn nhỏ, cây tám số một của ấp Phú Hòa đâu chịu nổi câu nói lấp lửng, nhóc mỏ hớt liền:

- Sao? Điện thoại giết thằng Ba Nghé là sao? Nó bị người ta chọi cái điện thoại bể nắp nhạo văng chao chầu ông bà ông vải hay sao?

Bà Tư Xéo quay vô phía bà Út Sang sau nồi nước lèo bốc khói:

- Phê đá uống trước, tô bún giò thủng thẳng đem sau!

Rồi bà trễ môi sang con Lùn nhỏ:

- Mấy người chậm hiểu quá! Điện thoại nhẹ hều có mấy trăm gờ-ram mà thành hung khí giết người là chuyện chưa từng vô ghi-nét. Giết là người ta nói bóng bẩy, văn huê. Chuyện là như vầy: Thằng Ba Nghé tươm hơ tươm hất xách đít đi gặp bà cố nội nó hay ai đó ai mà biết. Thiên bất dung gian, bỏ quên cái điện thoại ở nhà. Điện thoại tít tít, con Rơm vợ nó mở ra thì tin nhắn con kia hẹn hò, tò tí. Tối hôm qua, vợ chồng nó cự nự rân cả xóm!

Bà Sáu Xít gạt ngang:

- Ối! Có gì! Chén trong chạn còn khua. Vợ chồng đánh nhau ì xèo u đầu mẻ trán, tối chui vô mùng là xong. Huề trớt!

Bà Tư Xéo trầm giọng, ra vẻ thông tin trang trọng, chính xác.

- Thôi. Kỳ này chia tay thiệt rồi. Thằng kia xách con c. không. Xe cộ, nhà cửa, vườn tược gì giao hết ba mẹ con nó. Ba Nghé mở miệng một lời như đinh đóng cột, xà beng nào nhổ cho nổi!

Chị Bảy Cò góp chuyện:

- Hèn chi hồi sớm thấy thằng Sơn chở mẹ nó đi lấy hàng, chớ không phải Ba Nghé chở con Rơm. Mà cái mặt con Rơm một đống!

Út Ớt đả đớt tấu hài:

- Thôi rồi Rơm Nghé chia tay

- Ai đem Ba Nghé đẹp trai về nhà?

Rồi Út Ớt tự trả lời luôn:

- Ai không đăng ký là tui xí phần trước à nghen!

Út Ớt là con hạm. Một tay nó làm tan cửa nát nhà bao cặp uyên ương một khi nó đã bẹo hình bẹo dạng trước thằng đàn ông nào lọt vô mắt xanh của nó.

Bà Sáu Xít cảnh báo:

- Mày mà xáp vô thằng Ba Nghé là coi chừng ăn mác vót! Tao nói không phải con Rơm mà là con Út Rạ đó nghen. Cây mác của nó lúc này không có đốn lá chằm, rảnh lắm đó!


Ba Nghé lủi ghe vào một gốc bần bự ven sông. Những sợi bông bần lả tả rụng đầy mũi ghe. Tự dưng Ba Nghé nhớ mẹ. “Màu trắng của hoa bần như tóc sương của Mẹ. Rung rinh trước gió.” Một nhà thơ chuyên đi chân đất xứ y đã đưa bông bần vào thơ ca rất ấn tượng. Rồi tự dưng y nhớ khan tên chữ của loài cây sông nước dân dã này: thủy liễu. Nghe nói hồi xưa chúa Nguyễn từng núp bóng cây bần trên đường bôn tẩu ở đất phương nam và đặt tên cho nó là thủy liễu. Y chợt nhận ra số phận đã định đặt cho cuộc đời của y không thể nào vùng vẫy thoát ra được. Kỳ lạ thiệt! Tên khai sinh của con Rơm vợ y là Thanh Thủy. Còn Thủy Liễu là tên của Út Rạ, em vợ kiêm người tình dậy sóng của y. Chuyện lẹo tẹo của y với em vợ chỉ bùng ra khi vợ y có bằng chứng chớ cả xứ này xầm xì từ lâu. Thiên hạ đồn tới tai Mẹ y mà bà vẫn chưa nỡ nặng lời với y, dù Bà rất nghiêm khắc, đạo dòng xưa nay. Với Bà, chuyện đó như trời sập mà Bà chỉ nói như van xin: “Con à! Con làm sao coi cho được nha con! Đừng để mẹ đội quần ra đường!” Y nghe nát lòng, nhưng khi ở bên Út Rạ thì y quên hết mọi sự. Thật ra hình như không phải lỗi ở y mà lỗi ở ông Trời cao lắt léo nào đó, lỗi ở ông Tơ bà Nguyệt nhập nhằng buộc sợi chỉ hồng gì đó. Hồi còn con trai quả là y có ngắm nghé cả hai chị em. Khi đã ghi sổ được con chị thì y cũng thôi ngắm con em. Y đã xơi Rơm hơn hai chục năm rồi. Lẽ nào trâu nghé đã thành trâu già một đời no rơm mà còn thèm gốc rạ ngoài đồng? Tính y vốn mềm mỏng, nói năng ngọt xớt, nhất là đối với bên vợ cung kính một phép. Dì Út nó dang dở một lần đò nên anh rể chăm sóc hơi đặc biệt. Nào ngờ dì Út Rạ cảm nhận là tín hiệu yêu đương và quyết tâm giành lại những gì vuột mất từ thuở thanh xuân. Ba Nghé đành nhắm mắt đưa chân, tới đâu thì tới. Ranh giới trật trúng đúng sai bị xóa nhòa. Cô em hồi xuân hơ hớ còn chị thì đã xuống cấp không cách gì mông má đại tu. Y cảm thấy đối với vợ bấy nhiêu đó là đủ rồi. Nhà y đâu thua kém gì ai. Hai thằng con trai y cũng lo cho ăn học đàng hoàng. Ở xứ này có đứa nào học tới Đại học như thằng nhỏ của y. Mà Đại học ở Sài Gòn chớ chẳng thèm vô trường cộng đồng ở tỉnh. Con nhà người ta hết cấp hai là đã bỏ ngang đi làm cu-li hồ kiếm tiền phụ giúp cha mẹ. Nhắc tới con, y nghe cục giận tràn lên cổ họng. Thằng lớn quá hỗn, quá láo. Lo cho nó có nghề có nghiệp tốn bao nhiêu tiền bạc, gởi gắm chỗ làm ngon lành, đòi vợ thì cưới vợ cho, cái chức Bếp trưởng nhà hàng số một tỉnh này của nó chẳng phải là một tay y dàn dựng hay sao. Vậy mà hôm vợ y làm um xùm nó còn bênh mẹ. Nó xỏ y một câu đau hơn bò đá: “ Dì Út cũng gần hết đát rồi Ba. Còn con vợ con nữa nè Ba!” Chỉ một câu đó mà y bỏ nhà ra đi, sắm sửa ghe cộ làm nghề đâm Hà Bá, giang hồ thứ thiệt ruổi rong khắp miền sông nước nửa năm nay. Nghĩ lời con là y thấy bức bối như chui trong lò lửa. Y quay vô mui ghe nói với thằng tà lọt:

-Coi ghe nghe! Tao thả lên bờ coi có chợ búa gì mua rau rác về ăn. Ăn ba con cá con tép riết rồi ngán quá! Một hồi về tao mua cho bịch cà phê nghen!


Tin Ba Nghé làm ăn thất bại, lùi ghe về xứ lan truyền nhanh như điện chớp. Tin này chính xác đến “từng xen-ti-mét” bởi nguồn xuất phát từ thằng Lượm, đệ tử của Ba Nghé từ đầu tới cuối trong chuyến giang hồ sông nước. Công việc “đâm Hà Bá” bắt cá bắt tôm của Ba Nghé cần phải có một người phụ. Dụng cụ để đánh bắt tôm cá này gọi là rập “mười hai cửa ngục”. Lưới được kết thành ô vuông năm tấc dài khoảng một thước nối thông với nhau thành tay dài mười hai thước. Cửa ngục ở mỗi ô hoặc bên này hoặc bên kia cá tôm đâm qua đâm lại đều lọt “cửa ngục”. Tùy theo địa thế con sông mà y thả rập dài dọc theo bờ hoặc giăng chéo qua chéo lại ngang sông. Đầu rập được buộc vào cây cọc cắm chìm dưới mặt nước chỉ làm dấu ở bụi cây bụi lá ven bờ. Cả trăm cái rập có khi chiếm một đoạn sông dài. Hễ thả rập lúc nước giựt ròng thì canh đến nước ròng kế tiếp mà giở rập bắt tôm cá. Lúc thả rập cần người bơi, giữ ghe. Lúc kéo rập thì cần người giũ rác, gom cá còn người kia xếp lại rập cho khỏi rối. Công việc không nặng nhưng lúc nào cũng ướt át và cúm chân cúm cẳng loanh quanh trên ghe. Xong việc thì thằng Lượm nằm khoèo ngủ vùi. Ba Nghé phải đem tôm cá bán cho lái. Có tháng trúng Ba Nghé trả nó ba triệu một tháng, ít thì cũng hai triệu. Nó chỉ than có lúc Ba Nghé buồn lên bờ uống rượu suốt đêm, bỏ nó một mình giữa khúc sông vắng người ớn xương sống. Còn có khúc sông bù mắt cả bầy bu cắn nó sần mình! Thực ra Ba Nghé có thể rộng rãi với nó hơn vì có nó Ba Nghé mới có thu nhập, trúng thì một triệu, triệu rưỡi thất thì cũng vài ba trăm một ngày. Nó biết Ba Nghé phải bỏ ra số vốn không nhỏ. Ghe, máy cả chục chai. Một trăm tay rập cũng gần ba chục chai. Bỏ cái nghề nhàn hạ kiếm tiền bằng cây viết là cò dịch vụ đơn từ, khai sinh, kết hôn, giấy tờ nhà đất…Ba Nghé xác định làm cực khổ thì phải có nhiều tiền. Một người tính bằng chín người làm, y luôn tâm niệm. Nhưng có một điều Ba Nghé không lường trước được là việc mất rập. Rừng nào cọp nấy. Những tay nhám nhúa chỉ cần để ý khúc sông nào Ba Nghé thả rập mà đến sớm hơn phổng tay trên vừa đổ tôm cá vừa lấy cả rập. Lúc xuất binh chưa đầy một tháng y đã bị mất gần hai chục rập. Dành dụm mua lại cho đủ số lượng rồi lại bị mất lẻ tẻ, khi bảy tám cái, khi mười mấy cái. Lần cuối cùng khiến y quay về vì chỉ còn phân nửa số rập. Phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí. Hồi làm dịch vụ vay tiền ngân hàng, y có vòi vĩnh vay ké nhiều chỗ, nay đến hạn trả. Cái này hồi đó ngoài luồng, vợ y đâu biết, xài phung phí vu vơ, giờ mới thấy ứ hự. Dịch vụ này hồi đó y ăn ngon nhất. Ở cái xứ nghèo này, cần tiền thì sẽ vay nóng cắt cổ của Năm máy chà, bà Tám vật liệu. Vay được tiền ngân hàng dù phải thế sổ đỏ họ vẫn chi cho Ba Nghé và tay tín dụng món tiền hậu hĩ thêm một bữa ăn nhậu thả giàn. Rốt cuộc sau chuyến giang hồ tứ xứ, thằng Lượm còn nguyên số tiền lớn đem về cho cha mẹ còn Ba Nghé mèo vẫn hoàn mèo, nợ lút đầu. Thằng Lượm hí hứng xách gói về nhà, còn Ba Nghé neo ghe nằm vùi ở xẻo lá.

Sẫm tối, có một bóng người băng băng ôm từng gốc lá, nhảy nhót trên mấy đầu bập dừa nước, nhẹ nhàng chui vào ghe Ba Nghé như một con mèo.

Chiếc ghe chòng chành vỗ sóng róc rách, róc rách.


Sáng hôm sau, mặt trời lên khỏi ngọn lá dừa nước. Ba Nghé mới lững thững trở về mái nhà xưa. Y canh me trúng phóc, quán cóc con Rơm chỉ đông khách sáng sớm. Vợ chồng thằng Sơn con y đã đi làm. Con của thằng Sơn ngọng nghịu chạy ra ôm chân y:

- Ông ội ề! Ông ội ề!

Ba Nghé bế cháu nội, lỉnh vào nhà. Một lúc sau con Rơm nước mắt ròng ròng chạy ra tru tréo:

- Làng xóm ơi tới coi thằng chồng tui nè. Ông bán chỗ này thì giết chết mẹ con tui, bà cháu tui trước đi rồi bán. Trời ơi là trời… -./.




VVM.08.11.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .