Tiếng gào báo tin dữ chợt vang lên lồng lộng, liên tục, lan xa, khuấy động tĩnh lặng núi rừng, đánh thức nỗi sợ hãi trong long mọi người. Phút chốc, cảnh hỗn loạn diễn ra kinh khủng chưa từng thấy.
Trong làng, mọi người bàng hoàng chết lặng giây lâu. Họ ngừng tay làm việc , lắng nghe! Khi biết mình không mơ ngủ và nhận ra đó là giọng quen thuộc của Bác Tự, một tiều phu cao tuổi, dầy dặn kinh nghiệm sống. Người ta bật tiếng rên: “Ối, trời ơi chết đến nơi rồi! Chạy mau!”. Lập tức, những bà mẹ bất kể gai gốc, phóng mình ra đường, hớt hải réo gọi con í ới, gấp rút, hụt hơi.
Ngoài ruộng, những người đang lo việc đồng áng ném liềm hái, chạy bay về nhà. Miệng réo gọi tên vợ, con liên hồi. Tiếng hú tìm nhau chen lẫn tiếng chân nện huỳnh huỵch, cuống cuồng.
Người già còn đôi chút bình tĩnh. Họ chạy vội vào nhà. Không chú ý bàn ghế, đồ đạc cồng kềnh, dù quí giá. Họ vớ lấy tay nải nhét vội vài ba bộ quần áo mà tay chụp nhầm. Chân phải đá hất vật cản. Đầu va vào cột cũng chẳng thấy đau. Họ moi tìm tiền của giấu đút bấy lâu, cho vào ruột ngựa, thắt vòng quanh bụng rồi chạy biến đi.
Trẻ con lúc nhúc, táo tác chạy tìm ba mẹ. Chúng va phải nhau, vấp té lăn cù, quần áo cáu bẩn, nước mắt, nước mũi tèm ngoèm chúng cũng chẳng chú ý gây sự, đánh nhau mà lại bật ngay dậy, vừa chạy vừa gào khóc, dù chẳng hiểu mô tê gì.
Sự kinh hãi lên đến mức tột cùng khi dân làng trông thấy muôn thú cũng chạy nạn. Từ các chuồng chim xinh đẹp, chim bồ câu tua tủa bay lên, đen nghịt một khoảng trời. Chúng hối hả vỗ cánh. Loáng cái, chỉ còn lại những chấm đen li ti trên nền trời rờn rợn. Trên các nhành cây, những chú sóc nhảy vội xuống gốc. Chúng tụ lại thành nhóm, chụm đầu vào nhau thầm thì điều gì đó rồi chợt hớt hải chạy nối đuôi nhau thành một hàng dài, xuyên qua cánh rừng thưa, mất dạng. Trong các hang ổ, lũ chuột túi địu con chạy ra, xếp thành hàng dài, phóng đi…
Tất cả bỗng gặp nhau ở bờ sông. Họ nhìn tuyệt vọng sang bờ bên kia. Trong thời điểm này, chiếc thuyền đưa đò bé nhỏ tựa như một thách đố của số mệnh. Nó nhởn nhơ trước sự hãi hùng của con người.
Cậu Tam buộc túi quần áo vào vai tôi, dặn dò:
- Cháu phải bấu chặt cổ cậu, nghe chưa!
Nhảy tòm xuống nước, cậu bơi sang bờ bên kia. Dòng sông rộng mênh mông, nước lạnh buốt. Nhưng chẳng hiểu nhờ vào sức mạnh nào mà cậu bơi qua dễ dàng. Khi đã yên chí thoát cơn nguy khốn, cậu thay quần áo cho tôi, gom ít lá khô, nhóm lửa, sưởi ấm.
Nắng tắt. Đên sắp rơi xuống mặt đất. Cảnh chạy chết vẫn còn sôi động, náo loạn. Những chiếc bè kết vội được thả xuống dòng nước, mang theo năm ba người. Một mảnh ván lập lờ, đỡ lấy một thân người trên đó … Sự khát sống thật mãnh liệt!
Nhớ đến ba mẹ, tôi bật khóc:
- Ba mẹ con đâu rồi … hu hu …?
Cậu Tam ôm tôi vào lòng, nghẹn ngào:
- Nín đi cháu! Chốc nữa sẽ gặp thôi! Chắc ba cháu đã về đến nhà và cõng mẹ cháu chạy nạn.
Tôi nhìn chằm chằm về phía ngôi nhà thân yêu. Thấp thoáng sau lũy tre già, dáng núi Thiêng uy nghi, trầm mặc. Tôi giật tay cậu Tam:
- Cậu à! Cháu có thấy gì khác lạ đâu? Núi Thiêng vẫn đứng yên, hiền hậu …
Trỏ tay về hướng ấy, cậu lắc đầu:
- Đó, màu trắng … màu trắng của hoa Bất Hạnh. Cháu không ngửi thấy mùi hương khác lạ sao?
Đúng là ngọn núi đã chuyển màu bàng bạc, nổi bật giữa không gian xám ngắt. Màu nâu chen lẫn xanh thẫm bấy lâu đã biến mất. Thay vào sắc trắng tang tóc của hoa rừng. Tôi vểnh tai, chum mũi, hít hít mấy cái. Thảng thốt kêu lên:
- Đúng rồi! Mùi hương lạ! Hương hoa …
- Hương hoa Bất Hạnh đó cháu.
- Vậy thì đã sao? Có gì phải sợ đến vậy, hả cậu?
- Cháu còn bé, làm sao biết được. Núi Thiêng sắp khạt ra lửa. Cách nay mấy thế kỷ, ngọn núi nầy đã một lần như thế. Nó tàn sát sinh vật chung quanh. Cậu nghe ông bà kể lại rằng. Nó phát ra tiếng nổ long trời, lỡ đất. Núi há miệng. Bắn tung tóe những tảng đá rực lửa ra tứ phía. Cây cỏ bị thiêu rụi. Nhà cửa bị đốt cháy. Con người bị vùi dập, thiêu sống. Chẳng còn ai sống sót.
- Tại sao ba mẹ cháu không đi chỗ khác cất nhà mà lại ở đây?
Cậu Tam chặt lưỡi:
- Cháu ơi, khổ nỗi, sau đó một thời gian dài, ngọn lửa tàn lụn. Cây cỏ lại hồi sinh. Sự sống tràn trề, quyến rũ người làng bên vượt sông, sang đây lập nghiệp. Phần đông là hạng bần cùng hoặc có hoàn cảnh đặc biệt mới liều mạng như vậy.
- Gia đình mình nghèo lắm hả cậu?
- Không. Ba mẹ cháu cần một chỗ ẩn thân.
- Tại sao thế?
- Ba cháu muốn cưới mẹ cháu nhưng ông bà nội không đồng ý. Vì mẹ cháu là …
Cậu Tam chợt nín lặng, đưa tay che miệng. Tôi giật lấy bàn tay cậu, hỏi dồn:
- Cậu, mẹ cháu là gì vậy cậu?
Ngần ngừ mãi, cậu mới buông thỏng:
- Kỹ nữ!
Tôi bàng hoàng:
- Kỹ nữ?
- Đúng! Mẹ cháu là một kỹ nữ nổi tiếng ca hay, múa đẹp, lại có nhan sắc hơn người.
Tôi vỗ tay, reo lên:
- Mẹ cháu tài quá, hả cậu?
Ừ, nhưng dẫu sao cũng là một kỹ nữ. Ông bà nội cháu không đồng ý cho ba cháu thành thân với mẹ cháu. Không thể sống thiếu nhau được. Ba cháu đã trốn sang đây. Nào ngờ, định mệnh trớ trêu. Hạnh phúc lại sắp tan thành tro bụi!
Cậu Tam ôm lấy mặt. Tôi òa khóc. Chợt nhớ ánh mắt buồn thảm thiết của mẹ khi trùm thêm áo cho tôi, đặt cái túi gấm vào tay cậu Tam, mẹ van nài, hối thúc:
- Cậu Tam, cậu thương chị, cậu ráng lo cho cháu! Đi đi! Đừng chần chờ nữa mà không còn kịp.
Cậu Tam lắp bắp:
- Nhưng còn chị …?
Xô mạnh vai cậu, mẹ gạt ngang:
- Không sao đâu! Anh Bảo sẽ đón chị đi sau.
Nhìn xuống đôi chân bé tí của mẹ, cậu bảo:
- Để em cõng chị, dìu cháu chạy trước. Chốc nữa ảnh sẽ đuổi theo mình.
- Không được. Chị biết chắc chắn chồng chị sẽ quay về rước chị, trước khi trận động đất xảy ra. Chị hiểu. Chị tin. Thôi, cậu đi nhanh lên. Nhớ chăm sóc cháu!
Đôi bàn chân của mẹ tôi rất lạ. Nó bé tí, như hai đóa sen hồng. Những ngón chân co quắp gần như gãy gập. Mẹ đi rất nhanh, như lướt trên mặt đất. Nhưng không vững. Bà có thể té bất cứ lúc nào, khi có va chạm nhẹ. Có lẽ vì vậy mà mẹ không hề ra khỏi nhà. Suốt ngày quanh quẩn xó bếp, chăm sóc tôi, thêu thùa, may vá. Mọi việc nặng nhọc, đồng áng, bếp núc, đều do cậu Tam và ba lo liệu. Nhà tôi thiếu trước hụt sau nhưng ai cũng trầm trồ vì tình yêu thương nồng thắm, hạnh phúc của ba mẹ. Dù là con gái, “Nữ sinh ngoại tộc” nhưng vẫn được quí yêu. Ba định bắt tôi bó chân để có dáng dấp quí phái như mẹ. Nhưng mẹ đã gạt ngang, bảo là “hão huyền”. Bà nói rằng chính mình đã khổ sở vì đôi chân ấy, bà thù ghét tục lệ bó chân. Làm một phụ nữ bình thưởng, hết lòng chăm sóc chồng con hạnh phúc hơn là có đôi chân “hoa sen”. Chúng biến bà thành một người ích kỷ, một loại tầm gửi bám vào kẻ khác, hưởng thụ công sức của người thân. Ba thường phản đối:
- Chỉ nói bậy! Nếu không vì yêu anh, em cũng đâu ra nông nổi. Em cũng sống trên lụa là, gấm vóc. Em đã rời xa kỷ niệm. Nơi mà tiếng hát của em mê hoặc lòng người. Điệu múa của em làm cho bao kẻ đắm say, ngưỡng mộ. Còn anh chỉ là …
- Anh là một công tử con nhà giàu có. Mẹ ngắt lời. Anh đã từ bỏ tất cả, vì em.
Tôi chưa hiểu hết ý ba mẹ. Nhưng tôi biết ba mẹ mình rất yêu nhau. Và, bây giờ, họ thể hiện điều đó. Mẹ cương quyết không rời nhà vì sợ ba chạy về tìm mà không gặp. Còn ba, dù đang làm ngoài ruộng ở đồng xa, ngoài tầm nguy hiểm, ba vẫn quay về tìm vợ. Tôi quì xuống, chắp tay, ngửa mặt nhìn trời, cầu khẩn:
- Lạy trời, đừng giận dữ, cho ba con về kịp để cõng mẹ chạy thoát.
Nhưng, Thượng đế vô tình. Thiên nhiên tàn nhẫn, lạnh lùng. Núi Thiêng nổ tung. Lửa như dòng thác tràn ngập, thiêu rụi tất cả. Ba mẹ tôi bị chôn vùi trong ngọn lửa hung tợn …
… Bà cụ ngừng kể, đưa khăn tay chậm mắt. Giây lâu, bà tiếp:
- Vì vậv, tôi không muốn cháu tôi trở thành một nghệ sĩ. Nó sẽ khổ như mẹ tôi, ngày xưa. Và, biết đâu …
Tôi bật cười, nắm lấy bàn tay của bà ngoại Linh Lan, phân trần:
- Bà thấy đó, ở Việt Nam chưa hề có hiện tượng đó. Tất cả những ngọn núi không có chứa lửa. Núi ở đây hiền hòa. Đôi khi còn là chỗ trú cho con người khi có những trận lũ lụt ập đến.
Chỉ vào đôi chân xinh xắn trong đôi giày cao gót của Linh Lan, tôi tiếp:
- Đôi bàn chân của cháu Linh Lan thừa sức trèo đèo, vượt đường xa. Vả lại, khoa học tiến bộ. Người ta thừa khả năng dự đoán trước thiên tai để bảo toàn tánh mạng, đâu như ngày xưa …
Nhìn chằm chằm vào mặt cháu gái, bà cụ cầm lấy tay Linh Lan vuốt nhẹ lên từng ngón nhỏ thon:
- Nhưng, tôi không muốn cháu tôi khổ. Tôi không muốn nó bị xếp ngang hàng với kẻ “Xướng ca, vô loại”.
Linh Lan đỏ mặt, nhắc khẽ:
- Nội à, bác đây cũng là nghệ sĩ đó!
Thoáng bối rối. Nhưng sau đó, bà trấn tĩnh được ngay, lấy lại vẻ cương nghị buổi đầu. Tôi hỏi:
- Theo quan niệm của bác thì sao? Nghệ sĩ tụi cháu có đáng bị ghép tội như thế không?
- Tôi không nghĩ như vậy vì mẹ tôi xưa kia cũng là ca sĩ và bà là người tốt. Nhưng tiếc là nhiều người không nghĩ như tôi. Họ khinh rẻ nghề ca hát. Khi tôi và người cậu vượt biên giới sang đây sống, chúng tôi người Việt cũng giống như người Hoa đều không trọng nghề này, bảo sao nghệ sĩ chẳng nghèo.
Tôi thầm phục sự tin tường của một người Hoa cao tuổi. Nghịch cảnh đã giúp cho bà bản lĩnh sống. Bà không muốn cô cháu gái duy nhất thi đỗ vào ngành Sân Khấu. Linh Lan chọn ngành Y thì bà mới an tâm. Nhưng, cô bé đã lén thi vào trường Sân Khấu mà lại đỗ đầu bảng. Tuy biết Linh Lan có khiếu ca diễn nhưng lòng bà không an. Nỗi ám ảnh quá khứ như lời đe dọa chực sẵn bên trái tim yêu thương của bà. Tôi thấy cần phải giúp bà thoát ra vùng đau khổ ấy:
- Bác nói rất đúng! Nhiều người đã quan niệm như thế. Nhưng không phải tất cả mọi người đều nghĩ xấu cho nghệ sĩ. Sân khấu cải lương là một thể hình văn hóa truyền thống độc đáo của người Nam Bộ. Người ta đang ra sức củng cố bản sắc dân tộc. Giữ gìn, tôn vinh những gì đẹp đẽ của dân gian xưa. Cháu đồng ý là nghệ sĩ có nghèo nhưng không phải vì nghèo mà cho phép ta đánh giá lãnh vực nghệ thuật này đã suy đồi. Đúng là một số nghệ sĩ chưa được hưởng quyền lợi cân xứng với tài năng. Họ chịu nhiều khó khăn, vất vả khi về chiều, cao tuổi … Phải công bằng mà nói xã hội ta còn nhiều điều phải vươn tới, chiếm lĩnh. Sân khấu cải lương cũng là một trong những vấn đề được quan tâm. Cháu tin rồi đây, mọi sự sẽ tốt lành. Có những vấn đề được khó khăn hơn như chống ngoại xâm, diệt giặc dốt, xóa đói giảm nghèo … mà ta còn làm được. Huống chi chuyện giữ gìn bản sắc dân tộc … Điều đáng nói, đáng mừng ở đây là dù nhận thấy sẽ khó khăn khi vào nghề ca hát mà thanh niên ta vẫn hăng hái lao tới họ thừa hiểu xã hội tiến bộ. Trình độ giải trí cũng phải được nâng cao. Cải lương đang gặp khó. Nhưng không ai lùi bước. Chắc bác cũng từng xem báo và biết rằng nước ta “Đem chuông đi đánh xứ người” và tiếng chuông ấy lại ngân vang, lắng đọng trong lòng khán giả Châu Âu. Gợi được sự chú ý, yêu thích và mong muốn tìm hiểu văn hóa Việt Nam. Thưa bác, cháu Linh Lan là một cô gái tài năng, thinh sắc vẹn toàn. Rất cần cho sự phục hưng Cải Lương hiện nay. Cháu mong bác nghĩ lại mà cho Linh Lan đến trường rèn luyện.
- Nhưng, liệu sau này, cháu có bị người ta khi, chẳng ai thèm cưới không?
Linh Lan đỏ mặt, nũng nịu:
- Nội kỳ quá hà. Cứ sợ cháu ế chồng. Bác ấy cười cho xem!
Tôi bật cười trước vẻ đáng yêu của cô gái:
- Bác quí cháu Linh Lan dữ quá! Lẽ ra cháu chưa dám thưa chuyện với bác. Nhưng trước những điều trăn trở của một người bà, cháu đành xin phép thưa qua một việc. Lẽ ra, việc này phải được nói trong một hoàn cảnh khác, có trầu rượu hẳn hoi. Cháu chỉ sợ bác không chịu gả cháu Linh Lan thôi, chứ có người muốn xin rước cháu ấy làm dâu con trong nhà.
Bà cụ ngỡ ngàng:
- Bà có thể nói rõ hơn không?
- Dạ, chính cháu đây. Cháu biết thằng Phúc nhà cháu và cháu Linh Lan thương nhau từ lâu. Chúng có hẹn ra trường thì xây dựng gia đình. Nhưng sẵn đây, cháu xin đánh tiếng trước. Xin bác cho chúng được nên duyên!
- Có phải vậy không, Linh Lan?
Linh Lan cúi gầm mặt không dám nói nhưng nhìn đôi gò má đỏ như quả hồng tươi, bà cụ hiểu ngay, mắng yêu:
- Tổ cha bây! Mới nứt mắt ra đã yêu đương.
Linh Lan bỏ chạy vào trong. Bà cụ bật cười. Tôi hỏi:
- Dạ, ý bác thế nào?
- Tôi thì dễ, nếu cháu nó ưng đâu, tôi gả đó. Miễn sao nó được hạnh phúc, tôi có chết cũng vui lòng.
Nắm lấy tay bà cụ, tôi thân mật:
- Linh Lan hạnh phúc là nhờ ở bác. Bác còn lo nghĩ gì nữa. Người hiền đức như bác sống thọ lắm.
- Không đâu, đời tôi sắp tàn rồi! Tết này đã hơn bảy mươi.
Linh Lan trở ra tự bao giờ, cô ôm chầm lấy bà:
- Bà ơi! Bà là mùa xuân của đời cháu. Bà đừng bao giờ chết, nha bà!
Bà móm mém cười, mắt ngân ngấn nước:
- Ừ, bà sẽ sống mãi với cháu. Cháu là hạnh phúc của đời bà!