L
oại người như
Hán khổ vô cùng, chẳng hiểu sao một trận mơ ập đến
bỗng anh khóc. Người vợ chỉ biết lo toan cơm áo, chắt
lót từng ngày mong hết nghèo, nên chẳng mấy khi hiểu
hết lòng chồng. “Nguyệt ơi - Hán kêu trong mơ- cho tôi
được nắm cánh tay em! Sao em nỡ chạy đi? Trở lại đã
nào…” Vợ Hán giật mình quay sang: “Mơ tưởng chi, đồ
dê già!” Khổ quá, từ xưa tới nay chưa lần nào Hán
khốn nạn như vợ tưởng. Đã bao lần đi giám sát các
công trình, vài giám đốc, đội trưởng “động viên”
hết cỡ: lúc đưa vào khách sạn này, mai nhà nghỉ kia có
gái đẹp chiêu đãi những đêm hàng mấy trăm ngàn nhưng
Hán không ưng, nói thẳng “Tôi chỉ cần phòng có máy
điều hòa, một phích nước với ít chè là thoải mái
lắm rồi!” Mấy cán bộ bên B cười, đánh giá anh chẳng
biết gì, không xứng tầm quan giám sát…
Thành ra Hán mơ về
Nguyệt có vấn đề: thương cô tài cao học rộng, văn
hay chữ tốt còn hơn nhiều vị anh đã gặp, nhưng lấy
phải người chồng thuộc dòng máu khật khùng. Bố có
tiền sử bị điên, con trai (tức chồng cô), cưới nhau
được hai năm anh này bị một trận xuất huyết não suýt
chết, để lại di chứng liệt giường. Hán thương cô
nhưng phải để bụng, suy nghĩ nhiều nên lắm lần thốt
trong mơ, nhất những hôm lao động nặng nhọc, cuốc đất
trồng rau hoặc trồng mấy cây na gốc chuối… Có ai như
Hán, người ta đến cái tuổi này thường đi đây đi đó,
bách bộ tập thể dục cho tiêu cơm hạ đờm rồi sáng,
trưa, chiều ăn cơm, tối xem ti vi cho hai con mắt thật mỏi
mới đi nằm, nhưng Hán, lấy lao động cật lực thay thể
dục, buổi tối nghe xong chương trình thời sự là đi
ngủ, nửa đêm bật dậy viết lách hoặc đọc… Vợ
chẳng hiểu gì, trách: “Hình như anh bị ma ám, đêm nào
cũng kì cạch, đèn sáng quắc làm người ta mất ngủ!
Mấy đứa đi làm ăn đêm cứ tra khảo: “Ông hay bà làm
chi mà lạ thế, buôn bán, khế ước chẳng phải…cứ
lần mò đèn sách cả đêm?...” Hán giải thích: “Bà
không hiểu à, già mất ngủ cũng là do cái số, chẳng ai
muốn thế… Không ngủ mà cứ nằm đuồn đuỗn đau lưng
ghê, thôi thì bật đèn làm gì đó cho khuây.”. “Nhưng
ông làm những chi?”. “Chẳng đọc sách thì viết lách,
không viết thì đọc…”. “Viết cái chi?”. “Trên đời
thiếu chi cái viết! Cũng như ai đó thích đi lang thang cho
tiêu cơm hạ đờm, hoặc có kẻ bỏ ra một lúc hàng tỷ
đồng làm cái sân gôn, mặc xác những kẻ giàu người
nghèo…cũng là cái thú của người ta!” Mãi đến lúc
này bà mới hiểu chồng phần nào. Tình cờ một buổi
chiều Hán đi mua ruột bút bi, bà vào phòng thấy tập
giấy nháp liền giở xem, bỗng mỉm cười: Hán đang viết
tiểu thuyết… “Mình thử đọc ông ta viết chi!”- nghĩ
thế rồi bà ngồi dạng háng ra đọc cả gần trăm trang.
Bỗng bà sa sầm mặt, thường nỗi ghen của phụ nữ hay
biểu hiện thế. Bà đã nhầm…Đêm ấy bà quyết “cho
con dê già này hết loăng quăng”! Thật khổ thân Hán, đã
sắp tới thời gần đất xa trời mà phải “làm việc”
quá nhiều. Cứ như người điên, xong “hiệp” thứ nhất
bà bắt Hán làm “hiệp” thứ hai, rồi đến “hiệp”
thứ ba, Hán không còn thở được nữa. Bà thỏa mản sau
cơn tức, ngẫm: “Từ giờ xem còn đi những đâu, còn tơ
tưởng những chi! Chừa chưa!”.
Trên đời chẳng
việc gì không có tác dụng, nếu làm việc này thôi việc
kia vẫn tốt, chẳng nên tham cả hai... Đêm ấy Hán được
ngủ yên, chẳng còn vương vấn nàng Nguyệt, tám giờ
sáng vẫn chưa hết ngủ đã bị đánh thức. “Anh dậy
ăn sáng này!”- bà vợ không còn gọi ông nữa mà gọi
anh. Má bà hồng lên, môi cũng thắm, những lằn dọc trên
hai môi rõ rành rành, gây cảm đến mức nếu ai đó bắt
gặp cũng khó khỏi động lòng. Nhìn mắt vợ vui đáo để
nhưng Hán vẫn tức: nhớ cái đêm qua… “Mình ra nông
nỗi ủ rủ thế này đây!- Hán thầm thì- Nhưng chẳng
biết nàng làm gì lại có cả thịt gà xé nhỏ, lại thêm
nhiều hành hoa rắc lên cháo nóng? Gớm, nay mới biết cái
tài nấu ăn của nàng!” Nghĩ vì mình mà nàng phải dậy
sớm làm gà nấu cháo nên Hán hết giận vợ, giờ lại
thương: “Có lẽ mấy tháng qua mình để nàng phải ôm
chăn đơn gối chiếc nên mới “đòi nợ”? Đúng, một
thằng nhà văn thiếu quan tâm vợ là thế!...Phái yếu họ
không cần gì nhiều lắm đâu: tiền của, địa vị họ
coi chẳng bằng thằng chồng biết quan tâm, dù anh ta là
tiểu tốt, thậm chí bị thương tật nhưng hiểu được
vợ…” Vì thế Hán gắng ăn vài thìa cho nàng khỏi tủi
cực cái công dậy sớm, dù cháo rất ngon nhưng lúc này
vào miệng Hán vẫn thấy đắng đắng… Không ngờ đến
thìa thứ ba, máu nóng bắt đầu rần rật truyền từ tim
lên não tăng dần, miệng Hán hết đắng, bắt đầu thấy
ngon, ăn rất nhanh, khỏe chẳng khác thời tráng niên. Đến
bát thứ hai Hán giục: “Cho thêm hành vào! Nữa, nữa
vào!” Nếu có Ca me ra lúc ấy, người ta sẽ thấy Hán
đẹp, trượng phu đến mức nào: má đỏ, môi hồng, phấn
khởi như dũng sỹ vừa thắng trận trở về, dù trên đầu
nhiều sợi đã bạc trắng…
Đêm sau, chờ lúc
“thê tử” đã ngủ say Hán viết tiếp đoạn cuối.
Thường đứa bé đã vắt kiệt bầu sữa mẹ bao giờ
cũng ngủ rất say, vợ Hán chẳng kém: ngủ đến mức bà
con ra đồng hết bà vẫn chưa dậy. “Thế mới phải!-
Hán ngẫm- Cô nàng đã vất vả với cuộc đời quá, phải
nuôi ba con, mình cứ biền biệt nơi chiến trường chẳng
biết ở nhà nàng nuôi nấng thế nào mà ba đứa nên
người! Ngủ đi, cứ ngủ, ngủ thật nhiều!...” Cũng là
cái đêm Hán hoàn thành tiểu thuyết, lòng sảng khoái còn
hơn cái lần dẫn quân phá tan đồn Tà Bảo. Mờ sáng Hán
nhảy lên xe đạp phóng ra chợ mua hai cái chân dò về hầm
cháo, chẳng khác những lần chăm vợ đẻ thằng Tý, con
Dần bốn mười năm trước...
Khi những đốt
xương lợn đã tơi nhuyễn cháo Hán thả mấy lát hành
rồi gọi vợ: “Mình ơi, dậy, ăn sáng kẻo muộn!” Vợ
thấy mất giấc ngủ hơi tiếc, ngồi dậy dụi mắt độ
vài giây, ngửi thấy mùi cháo thơm phức, miệng lẩm bẩm
trong lúc hai tay đang sửa lại món tóc rối bời sau lưng.
Thấy chồng hôm nay có vẻ lạ lạ, hỏi: “Chi mà phởn
rứa, lâu nay ta có ăn sáng bao giờ? Qua ăn rồi nay thôi
cũng được, vẽ vời mất thời gian.”. “Biết bà ngủ
say, chắc mệt, tôi tranh thủ nấu ít cháo bổ. Ăn đi,
chiều nay còn mảnh Chùa Dâu ta làm nốt để sáng mai
xuống cấy…”
Ba tháng sau, tiểu
thuyết của Hán được ra đời. Thấy ông bưu chính gửi
phong bao dầy cộm, bà giở xem. Lần đầu tiên bà sướng
đến trào nước mắt, vái lạy tổ tiên: “Ôi, không ngờ
chồng nhà con là nhà văn! Mong cầu ông bà cha mẹ phù hộ
cho anh ấy viết thật nhiều!...” Trong truyện, bà nhớ
nhất hình tượng nữ văn sỹ Kim Nguyệt tài giỏi, biên
tập cả quyển sách dầy cộm của chồng mình. Thảo nào
trước đây đã có lần mình đổ oan cho anh ấy, nghĩ thế
nên giờ này bà thương Nguyệt quá! Một người như thế
lại lấy phải ông chồng thuộc dòng giống di truyền
bệnh thần kinh: bố mang chứng khật khùng, người con lấy
vợ mới được ba năm bị xuất huyết não may được cứu
thoát, nay liệt giường, buộc người thân ngày ngày phải
bón cơm hai lần. Áp lực việc biên tập ngày càng nhiều,
lắm hôm người ta về hết Nguyệt vẫn cặm cụi với
chồng bản thảo, khi phát hiện chẳng còn tiếng động
xung quanh nữa cô mới biết đã hết giờ làm việc từ
lâu, vội đóng cửa…Về nhà, Nguyệt chui ngay vào bếp
nấu cơm cho chồng con. Thấy thế, bố chồng xông vào
chửi như tát nước: “Đồ đĩ thỏa, chồng chưa chết
mà dám bồ bịch lung tung, từ mai tao cấm, không được
đi mô hết! Nghe chưa!” Có hôm, chẳng kìm được nữa
Nguyệt cải lại liền bị mấy cái tát sưng vù cả mặt.
Nhưng xóm giềng chẳng ai quan tâm, tình cảnh phố phường
là thế, phải ai tai nấy, hoặc cũng có thể nhà nào cũng
kín cổng cao tường nên ít khi phát hiện động tỉnh nhà
bên… Ông Dũng, người đồng ngành khuyên Nguyệt: Bỏ
quách nó đi, một mình nuôi con là được! Ở nhà ấy, cô
không thể chịu được nữa đâu, chẳng may lão quá tay
trúng huyệt…mình mang tật là cái chắc!” Nguyệt khóc:
“Em biết, nhưng không thể… tội lắm! Số em là vậy,
anh ấy vẫn nằm liệt giường, ai chăm đây, nỡ nào bỏ
mặc!…Ngay cả thời mới lấy nhau được mấy tháng em
đã biết anh ta yêu nhiều người, thậm chí có bà, chồng
con đang sống sờ sờ ra đó…Suýt nữa em quyết định
bỏ quách cho xong, nhưng lại thôi, bởi tuổi trẻ đàn
ông không ít người có lối sống xa hoa như thế nên em
cố chịu đựng, tìm mọi cách khuyên nhủ dần…sẽ đến
lúc nào đó chứng tơ hào trăng gió bay đi!... Không phải
riêng anh, mấy người cũng tỏ ra thương hại động viên:
Thời này khác xưa nhiều lắm Nguyệt ơi, chuyện thay áo
đổi quần dễ lắm… Nhưng em nghĩ: ác quá, tội khó
tránh, nhất con Thái mới hai tuổi đầu ngày nào cũng kéo
tay mẹ đến nắn bóp cho cha!...”
Đọc xong cuốn
tiểu thuyết bà khóc, trách mình cái đêm hôm ấy, cách
đây mấy tháng đổ oan cho chồng … đã “hành” ông ta
đến gần chết.-./.