Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
         


TUYỂT XUỐNG



Để rồi sắp gặp nhau, mới biết em không đợi nữa,
                Trời lại thêm mùa đông, cho tuyết than trên đầu non…


                 (Bản tình ca mùa đông – trầm tử thiêng)

H ồi còn trẻ, xem phim “Journal D’Anne Frank” thấy “con nhỏ”, – “con nhỏ” đi trốn bọn Đức Quốc Xã, vừa ốm yếu vừa xanh xao, – khi thấy tuyết rơi mà mừng, bèn thương cho nó. Tuổi trẻ là tuổi vui chơi. Dù sinh đẻ ở xứ nầy, thấy tuyết đã quen, nhưng những ngày đầu mùa, khi thấy những bông tuyết rơi xuống đầy trời, bọn trẻ vui mừng.

Chúng nói có rất nhiều trò vui chơi với tuyết, nói không hết, không rõ được.

Mà chắc gì chỉ có bọn con trẻ mới vui với tuyết mà thôi; hồi tháng Hai năm kia, trước khi nhà tôi qua đời, các con tôi bèn đưa mẹ đi Jimmy Peak giải buồn, để cho mẹ khuây khỏa về sự chia ly sắp tới mà cô ấy biết không thể nào qua khỏi được.

Buổi sáng trời nắng, các con tôi đưa mẹ ra sân trước, để mẹ có thể nhìn lên ngọn núi cao, nằm ở ranh giới giữa hai tiểu bang Massachusetts và New York. Sườn núi cao và dốc; vậy mà người ta lên tuốt trên đỉnh cao ấy, rồi trượt xuống theo sườn núi. Hình người nhỏ ly ty như những con chuột nhắt, theo sườn núi mà xuống dần, hình càng lúc càng to hơn, nhưng cũng không làm sao biết được trong đám “nhân quần” ấy, ai là con hay cháu của chúng tôi. Sườn núi đã xa, mà chúng thì mặc đồ chống lạnh, áo mũ kín mít, không nhìn ra được.

Hôm ấy trời nắng vàng rất đẹp, nên quang cảnh sáng rỡ, giữa trời đất và núi đồi mênh mông, lung linh như một bức tranh vẽ. Vậy mà nhà tôi sắp “đi”, tuy ngoài mặt vẫn còn tỉnh táo.

Nhìn cảnh ấy, và nhìn người thân yêu ấy, tôi bỗng thấy đau đớn trong lòng, một nỗi đau đớn tưởng như nhẹ nhàng mà quặn thắt. “Đời còn đẹp mà em; em đành bỏ anh mà đi sao?” Câu than thở ấy chợt đến trong trí tôi, nhưng tôi bỗng ngừng suy nghĩ tiếp. Nói thế là không hiểu cô ấy. Không ai muốn bỏ cõi đời nầy mà đi. Sinh tồn là cái bản năng tự nhiên tạo hóa ban cho con người. Chết là cái chẳng đặng đừng, không ai tránh được. Dù muốn tránh cũng không tránh được. Có lần Hùng nói: “Người lính xông vào súng giặc, không sợ chết, cũng là cách đi tìm cái sống.” Nghịch lý của đời người là ở chỗ đó. Nay cô ấy, biết mình sắp chết, cố gắng bình tĩnh, an nhiên tự tại là để cho chồng con được sống an bình. Đó chính là sự hy sinh cao cả và lòng vị tha của người sắp chết, bởi vì bình thản trước cái chết không phải là điều dễ làm.

Hôm ấy trời nắng đẹp. Cô ấy rán ngồi thêm một lúc mới biểu các con “đưa má về phòng”. Tôi đi theo, cảm thấy lạnh lắm, ngoài trời cũng như trong lòng tôi.

Cô ấy đắp mền nằm nghỉ, tôi ngồi bên cạnh, im lặng nhìn qua cửa sồ. Bây giờ những cây sồi ngoài sân xe chỉ còn trơ lại những cành không khô nhưng lá đã rụng hết. “Lá lìa cành từ cuối thu”. Mấy ngọn thông còn xanh, nhưng sắc xanh không tươi như khi mùa hè đã già quá nửa.

Tôi kéo chăn lên đắp kín cổ cho vợ. Bởi vì về mùa đông, trời càng nắng đẹp thì càng lạnh. Cảm giác ấy không phải khi tôi định cư ở vùng đông-bắc nước Mỹ nầy mới nhận thấy đâu. Đó là một nhận biết rất quen, khi tôi còn thơ ấu, khi tôi còn làm cậu học trò nhỏ sống bên bờ sông Thạch Hãn, vào những ngày gió Bấc lạnh lẽo, từ hướng đông bắc thổi tới. Tôi co ro trong cái áo tơi lá thuở hàn vi. Trời nắng, không mưa, nhưng cũng mang cái tơi lá, để che hướng gió thổi tới, như một cái khiên của người lính, che ngọn giáo của kẻ thù. Cái rét của gió Bấc cũng vây! Nó như mũi kim nhọn chích nhẹ vào da thịt, làm tê buốt làn da, có khi da tím ngắt vì cái rét của “Gió mùa Đông Bắc thổi mạnh tên biển Nam Hải”, câu “tiên đoán thời tiết” của Đài Phát thanh Saigon hồi xưa.

Đây là mùa đông đau buồn nhứt trong gần ba mươi mùa đông tôi sống ở đây, không phải vì trời đông buồn bã hay vì lạnh, nhưng chính là vì mùa đông cuối cùng của cô ấy ở đây, cũng là mùa đông cuối cùng của cuộc đời lưu vong của cô, mặc dù, cô ấy không mấy khi mong muốn trở về quê cũ. Với lòng yêu chồng và thương con, quê hương của người đàn bà là nơi mà chồng và con có đời sống an lành, hạnh phúc; và không cần thiết lắm, khi nơi ấy có là quê nhà hay không. Người ta sợ hãi nơi đày đọa và xua đuổi mình, và yêu mến nơi người đời mở rộng vòng tay đón đợi mình và con cái. Người đàn bà thực tế hơn người đàn ông chính là ở chỗ đó vậy.

Cuối mùa đông ấy, cô ấy ra đi, như một sự tình cờ hay chọn lựa, tôi không biết! Đúng lúc khi mùa đông mới qua xong, cô ấy rời xa tôi sau ngày “lập xuân” mới đến vừa quá 24 giờ đồng hồ.
Nhìn cô ấy, biết cô ấy vừa mới đi, tôi tưởng như tôi chết một nửa cõi lòng, đúng như câu thơ của Hàn Mặc Tử tôi đã đọc khi còn trẻ: “Người đi một nửa hồn tôi mất.” Tôi chờ hơn sáu mươi năm, mới thấy câu thơ đọc chơi ngày ấy đi thẳng vào lòng tôi một cách rõ ràng và thật sự, không đầy dẫy mơ màng và mộng mị của tuổi thanh xuân.

Vậy là cô ấy đi không về mà năm tháng lại về theo thời gian chuyển vận. Sự mất mát to lớn ấy ai mà không than. Thi sĩ Đông Hồ từng khóc vợ cũng như bà Tương Phố khóc chồng: “Anh đi ngày ấy, năm tháng thường về, người không dấu vết…”

Mùa thu vừa rồi, tôi lái xe đi quanh khu rừng nơi tôi ở để nhìn lá thay màu, – cũng chỉ có một mình -, không có cô ấy ngồi bên cạnh để cùng cất tiếng trầm trồ khen ngợi. Con đường 122 North đi về nhà con gái, nay tôi cũng đi một mình, qua huốt nhà con gái hồi nào mà tôi cũng không hay. Bây giờ thì tuyết đã xuống rồi, phủ trắng những con đường nhỏ, đường lớn, cũng như những bãi bắp khô tàn nay rạp mình nằm im dưới tuyết, chỉ còn những ngọn thông vươn mình lên, chỉ chỏ vu vơ theo cơn gió “Wind Chill” tê tái từ phía Bắc Cực thổi về bất kể đêm ngày. Xứ lạnh nầy, sao mà buồn quá vậy!

Thật ra, tôi cũng không nhớ hết những mùa đông đã đến nơi nầy trong mấy chục năm qua.

Thường thì nó đến rất tình cờ.
Mới chiều hôm qua, trước khi đi ngủ, trời còn ấm và êm dịu. Vậy mà sáng hôm sau, mở cửa đi ra sân trước hay sân sau, không khí vẫn chưa lạnh lắm, mặc dù nhiệt độ đủ làm nước thành đá, nhưng người ta bỗng chợt thấy, những loài cây thảo, như cây cà chua, cây bông vạn thọ, cây bông cúc rủ xuống èo oặt, thân cây màu xanh sẫm, như cọng rau muống bị luộc trong nồi. Cái lạnh đến bất chợ tối hôm qua đã “luộc chín” những thân cây thảo.

Trái với bọn trẻ, người già không thấy vui mà thấy buồn, vì tuổi già, vì thấy rõ hơn cái “hữu hạn của cuộc đời”, vì thấy con đường phía trước ngắn lại, hay một nỗi buồn nào khác vì thân thế, vì đất nước loạn lạc, vì đồng bào và thân nhân còn đói khổ ở quê nhà, vì thấy mình bất lực trước cuộc đời của mình hay trước những mơ ước khi mình con trẻ mà nay không thành, đành nhắm mắt với tiếng thở dài trong đêm.

Cũng có năm mùa đông đến rất trễ, khiến không ít người chờ mong. Đêm Giáng Sinh không có tuyết là một đêm Giáng Sinh thiếu vắng một cái gì đó, tưởng như có ai hẹn về mà không về được, không về kịp vì trễ một chuyến tàu, một chuyến bay hay còn bận nơi chinh chiến.

Cái vắng lặng vì người không về kịp, hay không về được, rồi cũng qua đi môt cách nhẹ nhàng, nó không đến nỗi buồn môt cách da diết như ngày tết âm lịch ở quê nhà, như thơ Nguyễn Bính:

Tết nầy chưa chắc em về được
Em gởi về đây một tấm lòng.

Cũng may, dù nhớ, dù thương, “bếp lửa đêm giao thừa” cũng đã xa mất hút rồi, có con chăng cũng chỉ là trong tâm tưởng mà thôi!

Dù mùa đông đến sớm hay đến muộn, cái thú ngồi bên lò sưởi của người Tây phương bây giờ cũng không còn. Tiếng củi cháy kêu lắc rắc khi lửa cháy bùng, với những tia lửa tóe ra bay vòng quanh như những tinh cầu của một vũ trụ nhỏ, hay mùi khói thông thoang thoảng tản ra một chút bay lên trần nhà, nay cũng không còn. Câu văn của Anatole France “trong khi tôi ngồi bên lò sưởi để sưởi cho khô những vệt bùn lành của con đường, tiếng mưa buồn buồn đã giữ tư tưởng tôi trong một giấc mơ buồn và tôi suy nghĩ “Thế nào cũng phải lên đường” nay đã đi xa cùng với tuổi trẻ.

Bây giờ người ta làm giả hết: Những thanh củi giả giống như thật; những ngọn lửa màu đỏ hồng cháy bập bùng cũng y như thật, nhưng sự giả dối ấy không làm cho người ta vui như khi người ta đốt củi thật, lửa thật, và ngửi được cái mùi nhựa thông thật. Người ta nhớ một cái gì đó, một cái thật, rất thật, như môi hồng của một cô gái ngây thơ chưa biết trang điểm mà mình đã yêu, chớ không phải cái môi hồng của phấn son dẫy đầy trên các trang quảng cáo!

Thế rồi một hôm nào đó, mùa đông qua hơn một nửa rồi thì tuyết mới xuống. Dĩ nhiên là có tiếng trẻ con reo mừng. Nhưng những người “không trẻ” cũng thấy vui chung. Dù muộn thì tuyết cũng đã về; và như câu nói thông thường của người đời vậy: “Muộn còn hơn không!”

Thời còn trẻ, tôi cũng đã đi xa nhiều: Quảng Trị, Huế. Saigon, Pleiku, Cần Thơ, Rạch Giá, Hà Tiên… và trại tù Cộng Sản, nhưng con ngưa già sau nhiều năm chinh chiến, nay lưu lạc quê người và cũng mỏi gối chân chồn ở xứ lạnh xa xôi góc đông bắc nầy của nước Mỹ, không phải cái “Nước Mỹ lạnh lùng” như có người từng trách oán, dù trong cảnh cô đơn của tuổi già. Mà cô ấy, người bạn đời trong những cuộc hành trình ngắn dài trên rừng xanh, ngoài biển rộng, đau đớn mà rời xa tôi, để lại tôi một mình nơi đây, đêm đêm nằm nghe tiếng thở dài của mình, mà tưởng như nghe được tiếng tuyết tan, nước chảy trên những đỉnh đồi cao trắng xóa của vùng Seven Hills nầy, sau khi mùa tuyết đã đến rồi.

Cái nghe ấy, – nghe tiếng tuyết than trên đầu non như trầm tử thiêng -, hay tiếng tuyết rơi ngoài hiên vắng, có tiếng chân ai đi hay bóng ai đứng chờ trong tuyết mềm và lạnh, dù thực tế hay chỉ là trí tưởng, chính là tiếng thở dài của của những tâm hồn cô quạnh./

dầu mùa tuyết năm 2018 - 3 năm cô ấy qua đời!




VVM.26.10.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com