Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      



THUỒNG LUỒNG MẮT BIẾC


             

1.

Trong chiều dài 665 km của dòng sông, Potomac khởi nguồn từ tiểu bang West Virginia và lần lượt chảy qua các tiểu bang Maryland, Virginia và Washington DC. Đoạn sông chảy qua Virginia là dài nhất, dài nhất bởi khi vào tới tiểu bang Virginia dòng sông uốn khúc nhiều lần khi nối với các phụ lưu nhỏ và mỗi lần tiếp nhận thêm một phụ lưu, dòng sông lớn hơn cho tới khi chạm mặt với thủ đô Washington DC thì dòng Potomac đã trở thành mênh mông khi xuôi về phía nam để đi ra biển. Từ đoạn sông này, Potomac làm ranh giới giữa hai tiểu bang, phía đông bắc là Maryland và phía tây nam là Virginia.

Gia đình bà Trang cư trú tại thành phố Chilton này được hai năm, kể từ khi bà Trang bị tai biến mạch máu não mà may mắn chữa trị kịp thời nên tạm hồi phục. Bà Trang định cư tại Mỹ từ 1995, hai mươi năm đi làm đủ thứ nghề từ bồi bàn, rửa chén cho tới làm vệ sinh công sở trường học để tự sống và nuôi một mẹ già cùng một đứa con trai thơ dại. Bây giờ, cụ bà Thái Lao đã vào tuổi chín mươi và đứa cháu ngoại con trai ngày xưa dắt tay khi đến nước Mỹ đã là một bác sĩ chuyên khoa nổi tiếng. Căn nhà chỉ có ba người, cụ bà Thái Lao hàng ngày chuyên chú tụng kinh, bà Trang đi đứng khó khăn vì những di chứng từ thời bị bệnh và cậu con trai tên Lân chưa lập gia đình.

Lân rất thương bà ngoại và mẹ, việc anh học chuyên khoa về thần kinh cũng là vì Lân chuyên tâm suy nghĩ để tìm cách chữa bệnh cho mẹ. Cái bệnh nặng nhất của bà Trang theo Lân nghĩ, không phải là những cơn đau tim co thắt kéo dài mà là tâm bệnh. Ngay từ hồi mới đến Mỹ, mỗi năm một vài lần, bà Trang sống trong ảo giác, không tự chủ được mình, bà lái xe đi ra ngoài và tới khu công viên gần bờ sông Potomac ở đoạn ngang qua thủ đô Hoa Thịnh Đốn, ngồi nhìn hàng mấy giờ liền xuống dòng sông, miệng lẩm bẩm những câu vô nghĩa cho tới khi Lân đi học về chạy lùng kiếm mẹ để đưa mẹ về nhà. Qua ngày hôm sau, bà Trang không nhớ gì về chuyện vừa xảy ra hôm qua, bà lại đi làm bình thường, và sống u uẩn với những suy nghĩ riêng trong lòng.

Đưa mẹ đi khám nhiều nơi vẫn không tìm ra tại sao có những khoảng thời gian như vậy của bà Trang. Khi sống trong ảo giác đó, bà không quậy phá ai, không làm phiền ai và ngay cả vị trí bà tìm đến, bao giờ cũng là bên cạnh dòng nước mênh mông của sông Potomac. Cái khao khát được sống bên cạnh dòng sông đó của bà Trang đã được Lân thực hiện khi điều kiện cho phép, Lân mua một căn nhà ở xa thành phố, dựa vào mé sông để mẹ có thể mỗi ngày ngồi ngay tại sân nhà mình nhìn dòng nước mênh mông của dòng Potomac trên đường ra biển.

Đã có lần, khi Lân tìm đến và nhìn thấy bà ngồi bất động nhìn ra dòng nước trôi xuôi. Lân im lặng, nhè nhẹ đi tới gần, ngồi phía sau bà lắng tai nghe tiếng nói của bà lẩm bẩm trong sương chiều, Lân nghe bà như đang trò chuyện với ai đó và thật bất ngờ khi nghe bà nói hai chữ “Ông ơi...”

2.

Năm năm sau 1975, khi ông Thái Lao học tập cải tạo về thì gia đình và cơ ngơi tan nát hết rồi. Căn nhà bị tịch thu, chỗ ở của hai mẹ con bà Thái Lao là cái nhà kho mái tôn ngày xưa ông dựng thêm phía sau để làm nơi chứa vật dụng phế thải. Hai mắt bà Thái Lao lõm sâu như hai cái hố, bà nghẹn ngào nhìn ông và khóc. Cuộc đoàn tụ mà bà khao khát mong chờ và đã tưởng đi vào tuyệt vọng, tưởng rằng không thể xảy ra nay thành hiện thực, và cái tài sản lớn nhất hai người có được là cô con gái gầy như bộ xương, quần áo tả tơi vừa ôm cái khay đựng chuối chiên đi bán về.

Ông bà Thái Lao quyết định về quê, dù dưới đó chỉ còn vài gia đình họ hàng xa, nhưng ông Thái Lao nói ở đây chúng ta không có cách nào sống được, chi bằng về đó, còn có chim trời cá nước, trồng rau trồng lúa mà chắt chiu nuôi nhau. Hai vợ chồng và đứa con gái tìm về Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp là nơi họ nội lâu đời.

Họ may mắn gặp được người chú chia sẻ một khoảng vườn nhỏ ven sông. Họ dựng mái nhà tranh, họ trồng giàn mướp giàn bầu, và chăng lưới bắt cá sống đời nông dân mới lạ. Vậy mà sống được đó đã sáu bảy năm, bà Thái Lao hồi phục lại, những bữa cơm rau đậu bên chồng làm cho khuôn mặt đã phục hồi huyết sắc, và cô bé Trang cũng dần thành một thiếu nữ mơn mởn dậy thì. Hàng ngày, cô có thể làm vườn, có thể chăng lưới, có thể chèo ghe đem hàng ra chợ bán và luôn là niềm vui cho ông bà Thái Lao bằng những bữa cơm chiều có con cá nướng trui hay dĩa rau xào ngát thơm mùi tỏi.

Nhưng đời không nhẹ nhàng và đơn giản như vậy. Một buổi chiều về trễ, Trang bước từ ghe lên cầu ván bỗng ngã trượt chân, ngay lúc đó, mặt sông sủi bọt và một vật dài màu tím như một dải lụa lượn quanh người Trang và cuốn lấy chân cô, kéo cô sâu xuống dòng nước. Trang muốn la lên nhưng cổ họng tê cứng không phát ra tiếng. Trang cảm nhận rõ ràng một sức mạnh cuốn chặt lấy người cô, mới đầu là chân, lên cao dần tới bụng, tới ngực. Nó trơn và tỏa ra một mùi hương thoang thoảng như mùi rau kinh giới, sức mạnh đó uốn éo di chuyển từ dưới lên trên từ trên xuống dưới làm Trang rùng mình. Bất chợt sóng nước rẽ ra và từ dòng sông màu tím sẫm màu hơn, hiện ra một khuôn mặt như khuôn mặt rồng. Trang vùng vẫy, la lớn và ngất đi.

Khi Trang tỉnh dậy thì đã nằm trong nhà, có cha mẹ hai bên. Ông Thái Lao nói chiều tối rồi mà sao chưa thấy con về. Ba ra bờ đứng đón thì thấy con nằm vắt nửa người trên bờ nửa người dưới nước nên vác con về đây, đoán chắc con bước lên bờ hụt chân sao đó... Bây giờ con thấy trong người ra sao? Trang im lặng kiểm tra lại toàn thân, cô thấy mình không bị gì, không đau đớn, không xây xát, mọi chuyện xảy ra tưởng chỉ như một cơn mộng dữ.

Ngày hôm sau, Trang khỏe hoàn toàn, đứng dậy đi đứng bình thường và tưởng đã quên chuyện xui rủi vừa qua. Trải qua vài tháng, con người Trang đổi khác, cô xanh xao vàng vọt, chán cơm tanh cá và ụa mửa liên tục. Bà Thái Lao âu lo dò hỏi nghi ngờ cô có gì đó với chàng trai nào trong vùng, nhưng Trang quả quyết là không, cô chưa từng có quen biết tình ý với ai. Sau cùng thì chỉ đoán già đoán non là cô bị một thứ bệnh mà dân miền Nam gọi tránh né là Mắc Đàng Dưới. Trang chỉ còn biết khóc cho thân phận mình, tủi thân và tuyệt vọng.

Ông bà Thái Lao tin tưởng nơi con mình trong trắng nên ra sức dỗ dành. Ông Thái Lao thì khẳng định con cứ tĩnh dưỡng, nếu quả có thai thì ba má có thêm cháu ngoại vui vầy tuổi già chẳng có gì ghê gớm. Bà Thái Lao thì suốt ngày đi thắp hương cầu cúng nơi này nơi khác, nửa đêm thắp nén nhang thơm giữa trời cầu xin mọi chuyện bình an và mong sự trợ lực của các thế lực siêu nhiên.

Một đêm, sau khi thắp hương lễ Trời Phật bốn phương, bà Thái Lao vào đi ngủ. Hôm đó là giữa rằm, trăng sáng vằng vặc, bà thao thức nhìn ra cửa sổ, gió nhè nhẹ thổi phất phơ tàu lá dừa ven nhà, và bà thiếp đi không biết bao lâu bỗng giật mình khi thấy thấp thoáng như có bóng người đứng bên giường. Bà nhìn kỹ qua ánh trăng sáng và qua cái sự ửng sáng chung quanh bóng người, đó là một chàng trai phương phi mặt mũi khôi ngô, chàng trai nhìn bà và chắp hai tay lại nghiêng mình cúi chào.

Bà Thái Lao sửng sốt: Anh là ai?

- Con là Tử Kim Long, con có túc duyên từ tiền kiếp với em Trang. Em Trang đã biết tất cả mọi chuyện rồi, nay con đến chào mẹ và đưa ra lời cam kết sẽ bảo trợ em Trang và con trai của con cho đến suốt đời, xin mẹ đừng sợ. Bây giờ, xin mẹ gọi cha dậy và ra bờ sông đón em Trang về.

Bà Thái Lao hoảng hồn hỏi lớn, Trang bị sao rồi... và bừng mắt dậy, Ông Thái Lao vẫn nằm ngủ bên cạnh bà, bà chạy vội ra phòng ngoài thì không thấy Trang nằm trên giường nữa. Bà chạy vội lại kêu chồng, ngắn gọn kể sơ cho chồng nghe giấc mơ và hai ông bà líu ríu chạy vội ra bờ sông.

Lúc đó, ông bà thấy Trang từ bờ nước bước lên. Vẻ mỏi mệt nhưng hoàn toàn khô ráo, cả hai chạy đến ôm con, dìu con về nhà.

Vào nhà, Trang kể cho cha mẹ nghe nỗi buồn bã và tuyệt vọng vì bản thân mình lại thêm những lời đàm tiếu nhỏ to từ lối xóm đã đưa Trang tới chán sống và đêm nay cô ta đã nhảy xuống sông mong tìm cái chết cho nhẹ người.

Trang kể lại khi nước lớn mênh mang là khi Trang quỳ xuống lễ bốn phương trời rồi nhào mình xuống, bỗng dưng cô có cảm giác như dòng sông cô đặc lại như một lớp sương sa và thân hình cô như trôi tuột đi cho tới lúc dừng lại thì thấy mình đang đứng giữa một tòa nhà lớn rộng như cái đình. Trước mặt cô là một ông lão râu tóc bạc trắng, khuôn mặt hồng hào phúc hậu, ông lão khoát tay nhè nhẹ và nói:

- Con không chết được đâu, nghiệp duyên con còn nặng lắm từ nay phải tu thân dưỡng phước cho đời sau, con ngồi đó đi.

Trang thấy mình lảo đảo, thì ra nãy giờ cô đang được một người bồng trên tay, bây giờ mới được bỏ xuống, người bồng cô là một chàng trai khôi khô tuấn tú, thân thể cường tráng, mặt ửng sắc màu tím hồng. Chàng trai quỳ xuống hướng về ông lão xin cha tha tội cho con và cứu giúp cô Trang này.

Ông lão gật đầu, con với cô này có túc duyên với nhau từ nhiều kiếp. Không ai khuyến khích mà cũng chẳng ai ngăn cản được. Nhưng đã khởi nghiệp thì phải dưỡng nghiệp thôi.

Quay về phía Trang, ông lão nói nhỏ nhẹ, con đừng sợ, người thanh niên này là Tử Kim Long, anh ta là một trong các thần tướng của dòng sông này, mấy trăm năm trước khi anh ta còn là một con Giao Long nhỏ, thì con là một cô gái con nhà hào phú ở đầu dòng sông đã bất ngờ cứu anh ta từ một người dân chài, đem về nuôi và thả trong ao nhà tạo nên một mối ân sâu mà anh ta hứa đền đáp. Con thì đầu thai kiếp này kiếp khác, nhưng anh ta thì tu dưỡng và nay thành một thần tướng bảo hộ sông. Anh ta vẫn thường theo dõi con mà con không biết đó thôi. Tới khi bất ngờ thấy con gặp nạn thì ra tay cứu vớt, nhưng tại do số trời nên khi anh ta quấn quanh người con nhằm mục đích nâng người con lên khỏi dòng nước để cứu lại chính là mùa giao phối của giống rồng, cho nên chất nhớt dính quanh người anh ta đã vô tình thâm nhập vào con để tạo nên bào thai trong bụng con. Đó là duyên phần của con và của Tử Kim Long, nay ta làm chứng đây để cho con an tâm mà sống, Tử Kim Long và anh em chúng sẽ bảo trợ cho con và đứa bé nên người.

Trang đưa mắt nhìn chung quanh, cả chục chàng trai khác với trang phục như những dũng tướng, mỗi người là một màu trang phục khác nhau, xanh dương, xanh lá, đỏ thắm, vàng chanh, vàng cam, riêng chàng trai đang quỳ trước mặt mình thì cái áo khoác ngoài màu tím hồng, tất cả mọi người đều rực rỡ óng ánh hào quang.

Tử Kim Long vẫn quỳ nhưng hướng về phía Trang: Ta và em ngàn năm mới gặp, là duyên trời đưa lối. Nay đã chẳng đồng loại thì không thể gần gũi lâu dài, nhưng đã là nghiệp dĩ thì phải cùng nhau tài bồi. Gặp nhau lần này có lẽ cũng không còn lần nữa, em một mình sinh nở và nuôi dưỡng con, nhưng em không cô đơn đâu, ta luôn quanh quẩn bên em và con. Bất cứ lúc nào khi em cần thiết hãy đến bất kỳ bờ nước nào thầm gọi tên ta thì ta sẽ về bảo dưỡng cho em. Ta là Tử Kim Long nghĩa là con rồng màu tím.

Tử Kim Long ngước mặt lên nhìn thẳng vào mắt Trang: hãy nhớ lời ta, mênh mông nước biển nước sông nơi nào cũng kết nối với nhau, em nhìn được dòng nước là em còn nhận thấy được ta.

Tử Kim Long kéo tay Trang, cùng quay lại tạ từ ông lão và đưa Trang ra ngoài, Tử Kim Long dặn dò, em về ngay đi, cha mẹ đang chờ đón em đó.

Vẫn là một chất trơn mềm cuốn tròn Trang và nhẹ nhàng đưa nàng lên bờ, nhưng lần này, Trang cảm thấy ấm áp và tràn đầy xúc động, dường như những khiếp sợ của lần bị ngã xuống sông không còn nữa, mà là sự mơn trớn yêu thương, Tử Kim Long nâng người Trang lên, đằm thắm ghé môi hôn nhẹ vào bụng nàng, nơi cái bào thai đang từng lúc lớn dần.

Trang thấy người mình như lại trôi vào lớp sương sa cho tới lúc bước lên cái cầu ván bước lên bờ.

Mỗi tháng, vào dịp trăng tròn và con nước lớn dâng cao, là Trang chờ đợi, không về với nhau bằng sự thật, nhưng trong giấc mơ Trang thấy rõ bờ vai rộng của Tử Kim Long sừng sững đứng bên giường.

Cho tới khi Trang sinh nở, Trang mong đợi trong âu lo, không hiểu mình sẽ sinh ra cái gì và sẽ ra sao. Nhưng Trang sinh nở rất nhẹ nhàng, một bé trai bụ bẫm cất tiếng chào đời trong niềm vui của cả nhà. Bà Thái Lao, ông Thái Lao và cả Trang nữa đã nhiều lần bồng đứa bé lên, nhìn từ trên xuống dưới, từ trái qua phải, sờ nắn từng thớ tay bắp thịt cố tìm sự khác biệt của đứa bé giống rồng này với những đứa bé khác. Họ không tìm ra, cậu bé Lân bình thường, hoàn toàn bình thường như muôn ngàn bé thơ khác, chỉ có điều cậu hay ăn chóng lớn, khóc to và đẹp đẽ rạng ngời.

Có hai dấu hiệu đặc biệt là trên người cậu bé luôn luôn thoang thoảng mùi hương khác biệt, có lúc như mùi rau kinh giới, có lúc như mùi bạc hà. Dù tắm rửa, thoa phấn thơm gì cũng vậy, chỉ ít phút sau lại trở lại cái mùi cố hữu. Và điều thứ hai khác biệt là khi cậu ta khóc thì toàn cơ thể bỗng nổi lên những vết màu tím từng vòng từng vòng như lớp vảy suốt toàn thân, đặc biệt phía sau lưng là nổi dày đặc và u lên cao hơn.

Nhưng khi cậu ta nín khóc thì các vết đó lập tức mờ dần vào da và chút xíu sau là mất hẳn.

Chuyện Trang không có chồng mà sinh con mới đầu cũng làm xôn xao lối xóm, không thiếu gì những lời dè bỉu, nói xấu nhưng khi bé lớn lên vài ba tuổi, mọi người cũng quên dần không ai hỏi nữa. Bất ngờ một đêm Tử Kim Long nói với Trang là hãy kêu ba lên thành phố gặp bạn bè đi, có điều mới lạ và tốt đẹp đó. Và dặn Trang đừng lo lắng, hãy thuận theo vận nước, đừng sợ xa xôi, vì bất cứ nơi nào vẫn kề cận bên nhau.

Trang không hiểu hết ý của Tử Kim Long, nhưng vẫn báo với ba. Ông Thái Lao lên thành phố tìm gặp bạn bè mới hay nhiều người đã rời khỏi nước đi định cư tại Hoa Kỳ. Ông hỏi han, và vội vã tìm lại giấy tờ ngày xưa nạp đơn. Chuyện xảy ra rất nhanh. Gia đình ông đủ điều kiện di cư qua Hoa Kỳ. Khi đó cậu bé Lân vừa lên 6 tuổi.

Tới Mỹ chưa tới hai năm thì ông Thái Lao từ trần. Bà Thái Lao già yếu, dành trọn thời gian cho câu kinh tiếng kệ nhưng Trang thì khỏe mạnh và xông xáo, nàng nhanh chóng thích hợp với đời sống mới, đầu tiên là đi học thêm ban ngày, ban đêm làm vệ sinh công sở, rồi bồi bàn, rửa chén cho nhà hàng dần dần rồi tìm được công việc văn phòng có thu nhập khá hơn. Đặc biệt là Lân lớn lên trưởng thành nhanh chóng thành chàng thanh niên đĩnh đạc, hiền lành, học rất giỏi, phụ giúp việc nhà, kể cả đi làm thêm phụ với mẹ tiền chợ.

Lân thương bà ngoại, thương mẹ và luôn luôn chứng tỏ là một người đàn ông duy nhất trong gia đình, là chỗ dựa cho cả nhà. Sáng sớm dậy là vào tụng một thời kinh với bà ngoại, rồi đi học, chiều về đi làm thêm ở tiệm thức ăn nhanh, khuya nào cũng ghé vào phòng thăm hỏi mẹ trước khi đi ngủ. Học xong trung học, Lân nói với mẹ là muốn theo ngành y khoa, và cho biết chàng ta đã xin được một học bổng bán phần. Trang ôm lấy con, xúc động, con cứ học, mẹ rất vui khi biết con ham học, mẹ còn đi làm được thì sẽ tìm đủ mọi cách giúp con có đủ điều kiện học tới nơi tới chốn.

Khi Lân bước ra khỏi phòng là Trang nhắm mắt cầu nguyện và thầm gọi tên Tử Kim Long về giúp cho con. Dù ở xa cái bờ sông Tiền ở quận Hồng Ngự tỉnh Đồng Tháp đã nửa vòng trái đất, nhưng rất nhiều đêm theo lời cầu khẩn của Trang, Tử Kim Long vẫn về bên cạnh nàng, nói những lời an ủi, yêu thương. Nhưng có lẽ Trang chỉ cảm thấy gần gũi thân tình khi được ngồi bên bờ sông Potomac vào những ngày nước lớn, để tự thầm thì với lòng mình, thầm thì với dòng sông mà thiết tha như ruột thịt.

Cũng nhiều lần, Lân hỏi mẹ và bà ngoại về người cha của mình, người cha mà trên giấy khai sinh ghi là vô danh đó. Cả hai đều trả lời thoáng qua là cha con là một người lính miền Nam, đến với mẹ con bằng một tình yêu nồng thắm, tiếc thay chiến tranh đã làm cha con hy sinh quá sớm khi hai gia đình còn chưa kịp nghĩ tới chuyện cho hai người kết hôn, mà cha con lại chết từ phương xa, khi con vừa được hoài thai thì đã nhận được tin cha con chết không lấy được xác. Thời bấy giờ khó khăn với những đứa con của người lính miền Nam nên khi con sinh ra, ông bà ngoại khai cha vô danh để dễ sống.

- Nhưng cha con phải có tên chứ?

- Cha con tên là Long.

- Còn họ?

- Cha con cùng họ với mẹ, nên tên con là Thái Kim Lân, họ Thái là họ của cả cha và mẹ của con.

Lân tạm bằng lòng với lý lịch của mình và yên vui sống trong yêu thương của bà ngoại và mẹ. Sau khi học xong, Lân được làm việc ngay tại bệnh viện mà chàng thực tập và nổi tiếng vì sự siêng năng và tận tâm của mình.

Chỉ có một điều mà hai người đàn bà thầm lo lắng và mong mỏi mà mãi chưa xảy ra, đó là với vóc dáng cao to, khuôn mặt khôi ngô tuấn tú và một công việc chuyên môn giỏi, thế mà cho tới tuổi ba mươi, Lân vẫn phòng không chiếc bóng. Một vài người tình có lần Lân đưa về nhà chơi, cũng chỉ thoáng qua vài tháng rồi mất hút không còn nghe Lân nhắc lại...

3.

Lân giật mình thức giấc khi ánh nắng đã tràn qua cửa sổ, tia nắng chiếu vào giường nằm, xuyên qua lớp rèm bằng voan trắng mỏng làm Lân hoa mắt. Chỗ này không phải phòng riêng thường ngày của Lân mà là một căn phòng của khách sạn. Lân đưa mắt nhìn chung quanh lần nữa để biết chắc mình đang nằm đây một mình. Cơn say đã đưa Lân chìm vào giấc ngủ của buồn bã, chán chường và thất vọng về chính mình, sau khi anh và Jennifer cùng đồng ý đưa nhau vào đây, để lần đầu tiên khám phá về nhau chuẩn bị cho hôn nhân tương lai. Lân nồng nhiệt quấn quýt bên Jennifer, cả hai đi từ dịu dàng yêu thương, ve vuốt trìu mến, qua tới rạo rực toàn thân, rồi hung bạo cuốn chặt vào nhau và trút bỏ y phục ra ngoài để hai cơ thể trọn vẹn hòa nhập vào nhau, ngay chính lúc tràn đầy hưng phấn đó thì Jennifer thét lên sợ hãi và xô đẩy Lân ra xa...

Cơ thể Lân không còn là lớp da trắng hồng thường ngày nữa, mà thay vào đó là từng lớp nổi lên vằn vện như da cá, màu tím đỏ xếp lớp từ trên xuống, nổi u lên từng cục như những vết giác hơi. Khi đang ôm Lân trong vòng tay, Jennifer bỗng phát giác lớp da trên lưng Lân không còn láng mịn mà nổi lên từng mảng bất thường. Jennifer đẩy nhẹ Lân ra để nhìn rõ hơn, trong ánh đèn ngủ mờ nhạt trong phòng, Jennifer thấy người con trai khôi ngô tuấn tú cô yêu thương không còn nữa, mà là một thân hình kỳ dị, màu sắc ghê gớm như một quái vật. Jennifer hét lên sợ hãi và vùng nhảy ra khỏi giường, tay vơ vội mớ quần áo vào ngực chạy nép vào góc phòng.

Lân cũng vừa kịp khám phá cơ thể của mình. Sự chuyển biến của cơ thể của Lân là bình thường. Ngay từ thơ ấu chàng đã biết, lúc nào bị kích động vì vui, vì buồn, vì tức giận hay vì ham muốn cơ thể đều thay đổi như vậy. Lân lập tức hiểu ngay tại sao Jennifer phản ứng. Lân bước tới gần Jennifer để giải thích, nhưng khi Lân vừa cử động thì Jennifer đã hét lên quái vật... quái vật, không được tới gần. Lân đành im lặng ngồi lại nhìn Jennifer mặc vội quần áo và mở cửa chạy ra ngoài.

Mười phút sau, nhân viên khách sạn gõ cửa phòng, Lân đã trở lại trạng thái bình thường. Họ báo cho Lân biết cô gái đã gọi xe bỏ về rồi. Họ quan sát Lân và thấy Lân bình thường nên cho rằng có cái gì đó bất đồng của một đôi tình nhân, và chuyện đó không có gì lạ. Lân gọi khách sạn đem cho mình một chai rượu mạnh, vừa khóc thầm vừa uống một mình cho tới lúc gục xuống ngủ mê.

Jennifer đã đi rồi. Jennifer người tình của Lân từ hai năm nay, đã từng nói với nhau những lời ân ái thiết tha, đã từng đắm đuối trao nhau những nụ hôn nồng cháy đã rời bỏ Lân trong hoảng loạn đêm hôm qua. Jennifer không phải là người tình đầu đời của Lân.

Ngay năm thứ hai đại học, Lân đã gặp và yêu thương một cô gái Việt Nam khác. Đó là Thúy, chỉ có điều cuộc tình với Thúy không lâu như với Jennifer. Thúy gặp Lân và có cảm tình với nhau khi cả hai cùng đi thực tập tại một bệnh viện xa nhà. Hai người chuyện trò và chia sẻ được một số ham thích về âm nhạc, Lân có đưa Thúy về nhà chơi một vài lần, nhưng khi trao cho nhau nụ hôn đầu đời, Lân bàng hoàng và đau xót nhìn thấy Thúy mặt tái xanh, và nôn ọe liên tục. Thúy không xô đẩy Lân, nhưng Thúy tránh xa dần Lân mỗi khi đến gần.

Sau đó, Thúy thú thật với Lân là Thúy không chịu đựng nổi mùi từ cơ thể Lân. Thúy nói: em thực sự xúc động trong tình cảm anh dành cho em, nhưng khi tiếp nhận nụ hôn đầu tiên của anh, cơ thể em phản ứng khốc liệt với nụ hôn đó. Em không thể mô tả nó là hương vị gì nhưng xin lỗi anh, mùi đó làm em khiếp sợ và cơ thể em phản ứng không thích hợp. Mình chia tay nhau đi.

Thúy ra khỏi mối tình đầu của Lân như làn khói. Lân ôm nỗi buồn cho tới lúc ra trường, đi làm được vài ba năm mới nguôi ngoai và bắt đầu mối tình mới với cô y tá người Spanish, và hôm nay cô y tá Jennifer đó cũng bỏ đi rồi.

Lân nghĩ rằng mình bị dị ứng. Mà dị ứng thì nhiều thứ dị ứng lắm. Có người dị ứng với y dược, có người dị ứng với thực phẩm, có người dị ứng với thời tiết và có người như Lân, bị dị ứng với cảm xúc.

Dị ứng với y dược thì tìm y dược khác, dị ứng với thực phẩm thì không ăn thực phẩm kiêng kỵ, dị ứng với thời tiết thì tránh đi nơi khác vào mùa khó chịu, nhưng dị ứng với cảm xúc thì tránh né hay chữa trị cách nào?

Với Lân, chỉ có hai cách chữa trị cho mình, hoặc là ngồi thiền định, chú mục vào câu kinh để thanh tịnh nội tâm từ từ và cách thứ hai nhanh chóng nhất là nhảy xuống một dòng nước thí dụ sông, suối, biển, hồ như từ thời gian còn bé, mỗi lần Lân bị dị ứng là đem ra dòng sông sau hè khỏa nước lên vuốt ve một chút là các dấu đỏ lặn xuống và Lân nhẹ nhàng ngủ ngoan.

Lần này cũng vậy, cảm xúc của Lân chuyển từ nóng qua lạnh, chuyển từ nồng nhiệt qua xót xa, bên nào cũng có vẻ như quá mực, nên Lân muốn ngâm mình vào nước. Khách sạn nằm ở khu du lịch sát ngay bờ biển nên Lân thay đồ và bước ra ngoài.

Ngâm mình xuống nước biển chút xíu là Lân cảm thấy dễ chịu hoàn toàn. Chàng đi lên bờ, tìm một cái ghế bố nằm phơi nắng nghỉ ngơi. Khi bước lại cái ghế trống Lân bất chợt nhìn thấy một người nữ nằm gần đó, khuôn mặt được che bằng một tờ báo, người nữ có thân hình cân đối tuyệt đẹp, làn da nâu nhạt và vóc dáng thon nhỏ như người châu Á. Bộ quần áo tắm bằng vải in hình hoa hướng dương cỡ lớn, màu vàng tươi và đỏ cam phản chiếu ánh sáng mặt trời, rực rỡ như một đóa hoa trong nắng hè.

Lân liếc qua rồi nằm xuống lim dim mắt nhìn ra biển, nhưng dường như một hấp lực nào đó, chàng quay đầu nhìn lại lần nữa, nhìn thật nhanh rồi vội quay đi như sợ bất ngờ cô ta bắt gặp. Nhắm mắt một lúc, Lân lại ngoái nhìn qua, sau đó vì mệt mỏi chàng ngủ thiếp đi. Chừng mở mắt quay lại thì không còn thấy cô nàng đâu nữa. Lân nhìn quanh quất nhưng không thấy nên quyết định lại xuống biển tắm một đợt nữa rồi đi về.

Nước biển mùa này không quá lạnh, vì đã vào tháng 8. Đại Tây Dương là biển nối với miền băng giá Bắc Cực nên nước biển lạnh khá lâu, phải tới giữa mùa hạ nước biển mới hơi ấm lại. Lớp sóng lô xô và nước trong vắt làm Lân hừng chí, chàng xoải tay bơi ra xa tới lúc nhìn quanh vắng vẻ bóng người mới dừng lại, đạp nước và thong thả bơi ngang qua về phía nam. Sau một hồi trồi lên hụp xuống đùa nghịch với sóng biển, Lân ngạc nhiên thấy một người nữa cũng đang bơi một mình phía xa. Lân bơi lại gần và người đó cũng quay lại nhìn Lân.

Đôi mắt cô gái, vâng đó là một cô gái có làn da bánh mật, có đôi mắt tròn to như mắt nai rừng và xanh biếc như màu nước biển. Khi cô ta xoải tay bơi Lân mới ồ lên vui vẻ khi thấy áo tắm của cô ta là màu vải hoa hướng dương hồi nãy nằm cạnh chàng. Khi Lân lại gần và nói lời chào theo lối Mỹ thì cô ta cười, hàm răng trắng như ngọc trai và đều tăm tắp như bắp trả lời Lân bằng một câu tiếng Việt, chào anh.

Lân mở to mắt, cô là người Việt? Nhưng sao cô biết tôi là người Việt?

Cô gái cười to lên thành tiếng, biết chứ, vì mẹ tôi là bệnh nhân của bác sĩ và tôi còn biết nhiều điều nữa mà bác sĩ không ngờ đâu.

- Là điều gì? Nhưng đừng gọi tôi là bác sĩ như thế, hãy gọi tôi là...

- Muốn tôi gọi bằng anh phải không? Cũng được, anh Lân nhé.

- Cô biết gì về tôi mà nói là tôi không ngờ?

- Nhiều chứ, thí dụ khi nãy tôi nằm ngủ, anh đã lén lút nhìn tôi rất nhiều lần đúng không?

Lân đỏ mặt và dưới da đã chớm có dấu hiệu dị ứng. Lân vội vàng nhào người xuống, lặn sâu một chút rồi ngoi đầu lên.

- Khi đó cô che tờ báo trên mặt thì làm sao cô biết được? Hơn nữa cô cũng phải lén lút nhìn tôi nên mới biết là tôi đang nhìn cô chứ....

Cô gái cười:

- Anh ngây thơ lắm Lân ơi. Tờ báo che mặt nên tôi không thấy mặt anh, nhưng tôi nhìn thấy phía dưới chân anh, và tôi biết được anh xoay mình nhìn về phía tôi. Tôi nói có đúng không?

Lân cũng bật cười, cô thông minh lắm, và cô nói cũng đúng. Cô đẹp lắm. Sao tôi chưa bao giờ được gặp cô mà cô lại biết tôi?

- Tôi đưa mẹ tới khám bệnh, tôi nhìn thấy anh nhưng anh chỉ nhìn thấy mẹ tôi.

Câu chuyện đã thân mật, cô gái tự giới thiệu tên Kim, người Việt nhưng sinh ra ở Kampuchea. Kim hăm mốt tuổi, đang đi học. Kim đi biển lần này với nhóm bạn cùng trường.

Hai người lên bờ và mỗi lúc một thân tình.

Lân hiểu căn bệnh của mình nên giữ một khoảng cách vừa phải. Sau hai lần thất vọng trong tình cảm, Lân trở nên nhút nhát và mặc cảm. Chiều xuống dần và bắt đầu thẫm tối mà câu chuyện lan man về đủ loại đề tài vẫn chưa dứt được. Lân thấy rõ mình lọt vào một khoảng trời đầy mê hoặc của thú vị. Nhưng càng si mê Lân càng lo sợ về bệnh dị ứng của mình. Khi đứng dậy tạm chia tay ai về phòng nấy, Lân vẫn chưa từng nắm tới bàn tay của Kim. Nhưng Kim thì khác, Kim nhẹ nhàng và thoải mái bước tới gần Lân và vòng tay ôm Lân cùng lúc đưa mặt sát vào Lân, đôi môi chu lên chờ đợi.

Ngay lúc đó, Lân bàng hoàng và hân hoan cực độ khi ngửi thấy từ thân thể Kim tỏa ra một mùi hương quen thuộc, như mùi rau kinh giới, như mùi hương bạc hà ngây ngất. Và khi môi trong môi, cả hai như tan chảy vào nhau.

Lân lái xe về nhà trong cảm giác lâng lâng của một tình yêu mới chớm.

Những ngày kế tiếp và những tuần kế tiếp, mặc kệ ngày tháng trôi qua lững lờ, hàng cây ven đường từ lá xanh tươi trong tia nắng hạ hồng đã chuyển qua màu vàng màu đỏ của cái lạnh thu qua, rồi rơi rụng đầy đường.

Mùa đông đã về đem theo cơn gió lạnh buốt xương da. Lân và Kim vẫn quấn quýt bên nhau như đôi chim uyên. Chỉ có điều Lân chưa dám đưa Kim về nhà giới thiệu với mẹ và bà ngoại, cũng như Lân chưa dám đi tới khám phá về nhau để tìm được sự chan hòa trong thể xác. Lân sợ.

Những chuyến đi chơi thăm đây đó càng ngày Kim càng chủ động nhiều hơn. Đã nhiều lúc, Lân thiếu tự chủ, ôm ghì lấy Kim và muốn đi xa hơn. Kim không ngăn cản mà còn như khuyến khích, nhưng Lân nhớ tới Thúy, nhớ tới Jennifer và kiềm lòng mình lại.

Có lần, Kim và Lân đưa nhau tới đầu nguồn của sông Potomac. Sông Potomac được tạo thành từ hai chi lưu là North Branch và South Branch bắt nguồn từ đông bắc của West Virginia và hợp lưu ở dưới Cumberland, Maryland. Giữa mênh mông của đất trời sông nước, Kim nhắc tới sông Mekong:

- Em sinh ra ở bên dòng Cửu Long đoạn sát Biển Hồ, anh sinh ra ở bên dòng Cửu Long đoạn ngang Đồng Tháp, cả hai là một dòng nước nay em và anh lại cùng cư trú ở bên dòng Potomac. Có bao giờ anh nghĩ cuộc đời chúng ta như sinh ra rồi để sống với dòng nước hay không?

- Đúng vậy, Kim à, chẳng những sinh ra rồi lớn lên với dòng nước, mà căn bệnh bí ẩn của anh cũng chỉ dòng nước mới làm nguôi ngoai được.

Kim mở mắt to hơn nhìn thẳng vào mặt Lân, nói một cách trang trọng:

- Không phải căn bệnh bí ẩn nào đâu, mà là mật hiệu ký thác của thần linh. Anh chưa nói cho nên em chưa nói, bây giờ anh đã nói thì em nói để anh biết, em tự ý tìm đến anh chứ không phải ngẫu nhiên gặp nhau giữa biển đâu.

- Nghĩa là sao? Lân ngạc nhiên hỏi lại.

Kim âu yếm ghé vào lồng ngực Lân, nói nhỏ:

- Đi tới nơi đầu nguồn sông Potomac này là ý của em đề nghị đúng không?

- Đúng, em nói tới ngôi chùa nào gần đây để cầu nguyện mà?

- Thì là vậy đó, vị tăng trong chùa đó là người đã khai thiên nhãn để chỉ dẫn cho em cách đi tìm gặp anh.

- Wow... Thiên nhãn? Em đi tìm anh? Kim làm anh khó hiểu quá...

Kim dẫn đường cho Lân đi vào phía núi, vượt qua một vài ghềnh thác và con đường nhỏ giữa rừng, thấp thoáng phía xa là một mái nhà nhỏ. Khung cảnh u tịch và tĩnh lặng, phía trước, pho tượng đức Quán Thế Âm như một giới thiệu đây là nơi tu hành, ngoài ra không một biểu tượng gì khác. Khi Lân bước vào nhà, một không gian thanh vắng trang nghiêm, bàn thờ Phật giữa nhà thoang thoảng mùi hương trầm nhè nhẹ, không một bóng người.

4.

Lân trang nghiêm quỳ xuống, hướng về bàn thờ Phật đảnh lễ, khi đang phủ phục, Lân nghe tiếng bước chân nhè nhẹ từ phía sau bàn thờ, và một vạt áo nâu thấp thoáng trước mặt.

Vị hòa thượng khuôn mặt khắc khổ nhìn về phía Lân dịu dàng:

- Hay lắm, hay lắm, hôm nay ta đã gặp con rồi, con có biết con là truyền nhân của Tử Kim Long không?

Lân ngơ ngác: Tử Kim Long? Con chưa hề nghe đến tên này.

Hòa Thượng gật đầu

- Con là huyết thống của Tử Kim Long, con là truyền nhân của giống rồng và là sự hiện hữu của thần linh.

Lân bàng hoàng: Con không phải là người sao?

- Con là người chứ, nhưng con mang huyết thống pha trộn của con người và thần linh. Con không tự hào là một hiện hữu của thần thoại và thực tế hay sao?

Lân lắc đầu, Không, con chỉ muốn làm một người bình thường được sống và yêu thương như một người bình thường.

Tiếng nói của vị Hòa Thượng trầm lắng hơn:

- Ta hiểu, bởi vì từ nhỏ con đã bị dằn vặt bởi những điều khác thường nên con chỉ muốn được bình thường. Nhưng hãy nghe ta nói đây, có những điều chúng ta làm mà chúng ta không muốn làm nhưng vẫn phải làm thì đó là nghiệp. Sao con lại không được sống? Và sao con không được yêu? Đó là vì duyên của con chưa đúng thời, và chưa đúng người thôi. Con có muốn biết về nguồn gốc huyết thống mà con mang trong người không?

Lân không biết từ lúc nào đã quỳ sát vào người vị Hòa Thượng mà từ trong lòng bất giác nổi lên tâm trạng yêu thương, kính trọng và tin tưởng. Lân gật đầu nhẹ nhẹ: Con chỉ muốn làm người, chỉ muốn làm người bình thường.

Hòa Thượng đưa tay xoa đầu Lân:

- Tổ tiên ta lập nghiệp ở phương nam, mà trong huyền sử đã từng ghi lại là sự phối hợp giữa giống Rồng và giống Tiên, mà thời vừa lập quốc, dân chúng phải sống giữa núi rừng và sông biển, con người cũng là một loại sinh vật nên chuyện giao thoa phối giống dù là hãn hữu nhưng chẳng phải là chuyện không thể xảy ra. Phương nam đặc sắc là có những linh vật mà phương bắc không có thí dụ như rừng sâu thì có Sư Tử, núi cao thì có Phượng Hoàng, vực thẳm thì có Thuồng Luồng. Người phương bắc gọi Thuồng Luồng là Giao Long, nghĩa là con rồng Giao Chỉ. Cổ sử còn ghi lại truyền thuyết dân cư làm nghề biển thường bị loài Thuồng Luồng phá phách và bắt ăn thịt nên Vua dạy dân lấy mực đen xâm hình vằn vện quanh người để Thuồng Luồng tưởng là đồng loại không hại nữa. Đã có những loài thủy quái hại người thì cũng có những loài thủy quái giúp người, hơn thế, nhờ khí thiêng trời đất và nhờ nghiệp duyên nhiều đời tích tụ nên đã có biết bao nhiêu những phối hợp dị thường.

Vị Hòa Thượng im lặng vuốt tay trên đầu Lân nhẹ nhàng an ủi:

- Con là sự phối hợp này. Mỗi dòng sông đều có thần linh trú ngụ, họ điều hòa thiên nhiên. Dòng Tiền Giang nơi con sinh ra cũng vậy, Thủy Thần nơi đó có duyên với Mẹ của con từ nhiều đời trước nên vay trả nghiệp là chuyện tất yếu. Con chính là huyết thống của một trong 18 thần tướng của Thủy Thần phương nam. Những biểu hiện trên thân thể con từ mùi vị tới khí sắc là những ký hiệu của thần linh chứ không phải bệnh tật đời thường. Những người như con không phải là ít, nhiều lắm, họ hiện diện khắp nơi như những con người có thiên phú đặc biệt về lĩnh vực nào đó bởi từ ngay trong người đó đã được ký thác một khả năng dị thường. Ta biết rất rõ về con, vì ta được Tử Kim Long ủy thác khai mở suy nghĩ của con và cùng lúc chủ trương giải kết nghiệp duyên nhiều đời cho Tử Kim Long và mẹ của con.

Vị Hòa Thượng bỗng mỉm cười an lạc:

- Người con gái đưa con tới đây cũng là một huyết thống thần linh như con, cô ta là dòng máu của Thủy Thần Áo Trắng, còn con là con của Thủy Thần Vảy Tím. Cha cô ta là Bạch Y Long, còn cha của con là Tử Kim Long. Các con tìm đến nhau và sẽ trộn lẫn vào nhau bởi vì đó là luật sinh tồn của tạo hóa.

5.

Vào tới nhà, Lân ôm mẹ và nói rằng cuối tuần sau, con sẽ đưa về nhà một người bạn gái mới để giới thiệu với mẹ.

Bà Trang ngần ngừ: Là Jennifer hả con?

- Không một người khác.

Lân kín đáo giấu nụ cười trên môi và tung tăng chạy vào phòng bà ngoại nói vài lời thăm hỏi trước khi về lại phòng mình.

Bà Trang nhìn theo Lân lòng nhiều âu lo hơn là mừng rỡ. Bà yêu thương con và háo hức mong chờ tin vui nhưng dường như bà thâm hiểu sự khó khăn của dòng máu trong Lân nên sợ con thất vọng.

Buổi tối tháng 9 ở vùng đông bắc Hoa Kỳ trời nóng nực không khác Saigon. Bà Trang mặc áo nhẹ, và đi bộ ra phía sau nhà, bà bước dần về phía bờ sông Potomac.

Vừa đi bà vừa thầm gọi tên Tử Kim Long hãy về phù hộ cho con mọi chuyện êm đẹp. Bà Trang ngồi dựa vào chiếc ghế gỗ bên bờ nước, và thầm gọi nhiều lần: “Tử Kim Long, Tử Kim Long!”. Mặt nước xao động nhẹ nhàng theo từng đợt gió thổi qua, nhưng bất chợt gợn mạnh hơn và tạo ra một cơn xoáy từ giữa dòng dần dần di chuyển vào bờ, và bà Trang thấy mờ mờ một bóng người bước tới bên cạnh. Trong gió thoang thoảng như có tiếng nói của Tử Kim Long: Duyên số của con đã tới rồi đó, hãy yên tâm và vui vẻ lên đi.

Ngày cuối tuần, Lân đề nghị đưa mẹ và bà ngoại đi chùa, nhưng không phải ngôi chùa Việt Nam mà gia đình thường tới. Lần này Lân muốn đưa bà ngoại và mẹ tới chùa lạ ở tận đầu nguồn dòng sông Potomac. Lân nói là hẹn Kim ở đó để tạo ra một lần gặp gỡ hai gia đình như một bất ngờ có dự tính.

Ba bà cháu lên xe, Lân hào hứng kể cho mẹ nghe về Kim, cô gái người Việt nhưng sinh ở Cao Miên ngoan và hiền với sự yêu thương trìu mến qua từng lời kể. Khi gặp Kim bước ra chào hỏi, bà Trang hết sức hài lòng vì khuôn dáng Á châu và lối nói chuyện lễ phép của Kim. Bà Trang thú vị nhìn đôi mắt tròn xoe trong vắt và xanh biếc như màu nước biển của Kim nhưng có lẽ cái làm bà hài lòng và vui vẻ nhất chính là mùi hương nhẹ toát ra từ người Kim, một mùi hương quen thuộc và thân tình.

Kim nói là gia đình con đạo Phật và là tín chủ của một ngôi chùa người Thái Lào Miên này. Tuần trước, con có đưa anh Lân lên chùa lễ Phật và Lục Cụ nói là hãy đưa gia đình anh Lân lên chùa gặp Lục Cụ, Lục Cụ có chuyện muốn nói.

Lục Cụ theo ngôn ngữ người Kampuchea thì có nghĩa là Sư Trưởng Trụ Trì một ngôi chùa, thường là một vị cao tăng đắc đạo được bá tánh tôn thờ như một thần linh sống.

Lục Cụ tuổi khoảng bát tuần, tướng người khang kiện, ngồi tọa thiền phía sau chánh điện. Khi bà Trang bước vào quỳ xuống hành lễ, Lục Cụ từ tốn mở mắt nhìn xuống gật đầu và hỏi bằng tiếng Việt hết sức rành rẽ:

- Bà có biết nghiệp chướng của bà từ nay được giải rồi không? Con trai của bà được hưởng phúc từ những thời kinh Dược Sư mà gia đình trì tụng từ suốt ba mươi năm qua.

Lục Cụ gật đầu nhè nhẹ nhiều lần... Báo ứng rồi đó, chàng trai sẽ kết duyên với người nữ cũng mang trên người nghiệp báo như chàng ta, và cả hai cùng giải hết lời nguyền nghiệp chướng ngày xưa. Khi họ hòa lẫn vào nhau thì mọi dấu hiệu mà thần linh ký thác vào họ để họ đi tìm nhau không còn cần thiết nữa cho nên sẽ tự biến mất đi. Bà Trang quay lại nhìn đôi trẻ đang chắp tay đứng sau lưng mình mà ứa nước mắt.

Bà đứng lên ôm cô gái vào lòng. Bà tin rằng con bà sẽ hạnh phúc bởi vì cô gái xinh đẹp kia chính thực là duyên số của con mình. Bà lẩm bẩm trong miệng: “Tử Kim Long ơi !”.

Đợi mẹ buông tay ra, Lân bước tới, trước mặt Lục Cụ và ngay trước chánh điện rực rỡ hương hoa, Lân ôm chặt Kim vào lòng và đặt lên môi Kim nụ hôn trìu mến. Lân tự tin và hết sức trân trọng nói với Kim:

- Anh muốn có em mãi mãi trong đời được không?

Kim nhắm mắt lại, gật đầu và ngả hẳn đầu mình vào vai Lân. Cặp mắt màu xanh biếc của nước biển khép nhẹ trên vai chàng trai mang dấu ấn ký thác của Thuồng Luồng. Lân gọi Kim là "Thuồng Luồng Mắt Biếc của riêng anh".




VVM.11.10.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .