1-
Lucia và Toàn nối đuôi hàng dài theo đoàn du khách viếng thăm tháp Space Needle.
Sau thế chiến lần thứ hai, năm 1962, thành phố lớn của vùng Tây Bắc Hoa Kỳ là Seattle nằm phía bờ tây Thái Bình Dương được đứng ra tổ chức Hội Chợ Quốc Tế. (International Fair 1962 USA)
Giống như Tour Eiffel (Tháp Eiffel) ở Paris, nước Pháp xây dựng cho Hội Chợ Quốc Tế Paris thì Space Needle xây cho Hội Chợ Quốc Tế Seattle, USA 1962. Nên du khách xem Hội Chợ tặng ngôi tháp tân tạo này danh hiệu “ Eiffel Tower of The Pacific”
Khởi công từ 1961 dùng 3 loại vật liệu chính là Thép, Xi măng và Kính để xây dựng. Tổn phí 4,500,000 USD do Edward E. Carlson vẽ kiểu.
Lúc bấy giờ, tháp Space Needle được xem như một kỳ quan mới của thế giới và là nơi du khách tham dự hội chợ chú ý nhất.
Đứng dưới chân tháp xây dựng bằng ba trụ thép khổng lồ nghiêng nghiêng chụm lại, nhìn lên cao thấy một vành tròn rất rộng (138 feet / 42 mét) bằng kính đó là đài quan sát phong cảnh 360 độ và một nhà hàng ăn sang trọng.
Bước vào thang máy, thang máy chuyển khách lên cao dần trong nháy mắt.
Đứng trên tháp cao 605 feet (184 mét) nhìn xuống thành phố Seattle đầy nhà chọc trời, Lucia thấy những chiếc xe hơi bé tí ti như đồ chơi của trẻ con đang nối đuôi di chuyển trong đường phố cùng những xa lộ phía dưới và xa xa ở hướng đông-nam, ngọn núi Rainier chỏm nhọn phủ tuyết trắng trông thật hùng vĩ.
Vào phòng triển lãm, đôi bạn nhìn thấy một đồ thị so sánh những kiến trúc có chiều cao như : tháp « Tour Eiffel », và các nhà chọc trời như « Empire State Building ». Trên quả đất chúng ta, Space Needle của Seattle cũng được xếp về loại kiến trúc với chiều cao có hạng trên thế giới.
Lucia và Toàn ngồi trong tháp cao, thưởng thức món ăn, nhất là nhâm nhi cốc cà phê nóng, thơm... thật tuyệt vời.
Seattle là nơi sản xuất những loại cà phê ngon nổi tiếng như Starbucks coffee, Tully’s coffee, Seattle’s Best coffee...
Uống một ngụm cà phê Starbucks, bỗng hình ảnh người bố thân yêu của Lucia hiện về trong trí nàng.
Lucia kể cho Toàn nghe về người bố:
“Bố em rất nghiện cà phê thơm ngon. Mà nước Ýcũng là cái “nôi” của cà phê ngon trên hành tinh của chúng ta.
Em không nhớ rõ hãng cà phê nào ở Seattle này đã“bắt chước” lối sản xuất và khai thác thương vụ của cà phê Ýđể áp dụng tại Hoa Kỳ.
Em chưa có dịp thưởng thức cà phê Việt Nam loại Ban-mê-thuột “ Chồn” và “café Martin ở Saigon” ngày xưa mà bố em thường khen ngợi, để biết cà phê này ngon đến mức nào.
Thời ông Chivarolli, bố của Lucia còn trẻ, sau khi ông tốt nghiệp đại học, bỗng đâu dòng máu giang hồ lãng mạn nổi lên. Ông gia nhập vào tổ chức thiện nguyện quốc tế để được đưa đi hoạt động trong vài nước ở Á đông vào giữa thập niên 1960.
Lúc đầu ông được đưa sang Đài-Loan để được huấn luyện và thực tập công tác. Vài tháng sau đó toán thiện nguyện quốc tế của ông chuyển đến Việt Nam, ban chỉ huy đóng ở thành phố Đà nẵng. Ông được phân công công tác tại tỉnh Quảng Nam và trú tại Hội An. Ngày ngày đi đến các làng quê để giúp dân chúng địa phương xây dựng trường học, đào mương lạch làm thủy lợi, đào giếng nước, phát thuốc men trị bệnh thông thường, cứu trợ thiên tai, bão lụt... có lúc cả toán về lại Hội An để dạy Anh văn miễn phí cho học sinh, sinh viên.
Thời gian sau đó, toán của ông được điều động ra thành phố Huế và hoạt động trong các làng xã ở tỉnh Thừa Thiên.
Nhiều lúc đi công tác thiện nguyện bằng xe hơi, đôi lúc dùng xe gắn máy hay bằng ghe thuyền do chính quyền địa phương cung cấp.
Một ngày kia vào tháng giêng dương lịch năm 1968, trong chuyến đi phát thuốc cho dân tại vùng Vĩ Dạ gần thành phố Huế, bố em được một cô gái chừng mười bốn, mười lăm tuổi tin cho biết hãy rời vùng này ngay, tìm đường khuất vắng, thay đổi áo quần khác, bỏ lại xe Honda và đồ đạc không cần thiết để trở về thành phố gấp vì cô ta phát hiện có nhiều người thanh niên lạ mặt xuất hiện mà cô nghi là Vi-Xi nguy hiểm cho người ngoại quốc như bố em. Nghe tin này, bố em cùng các người bạn nhờ cô gái hướng dẫn lối nào an toàn và gần nhất để đi. Họ lẩn trốn theo các lùm cây rậm và đến bờ sông cách Đập Đá gần hai cây số. Bơi qua khúc sông ngắn đó về đến Huế đúng vào nửa đêm khi lực lượng bộ đội Việt Cộng tấn công bất thần Tết Mậu Thân. Bố em thoát chết. Còn những người Việt đang tập trung tại nơi đó độ hai giờ sau bị Vi-Xi bắt và đem chôn sống trong những mồ tập thể.
Một năm sau, ông mãn khế ước nên về sống ở thủ đô Saigon như một khách du lịch.
Thời gian sống tại Việt Nam, ông rất thích các món ăn Việt Nam, nhất là uống cà-phê sữa đặc theo “gu Việt Nam”. Ông sưu tập được một số tapes nhạc Việt Nam do Jo Marcel, Shotguns và Phạm mạnh Cương sản xuất. Nhờ vậy mà mẹ em và em tuy sống ở Ý mà cũng nghe được nhạc Việt bằng máy magnétophone.
Ông luôn luôn nhớ ơn cô gái Việt vô danh đã cứu ông sống sót. Nếu không hay biết hoặc chậm trễ... bố Chivarolli của em cũng cùng chung số phận với những người dân địa phương trong vụ Việt cộng thảm sát thường dân và người ngoại quốc trong thời gian Tết Mậu Thân tại Huế rồi.
Khi về lại nước Ý, ông mở tiệm ăn “Chivarolli ristorante italiano”. Theo bố em kể lại, ông vẫn mong có dịp được thưởng thức lần nữa các món ăn đặc biệt của Việt Nam.
Một thời gian khá lâu sau đó, khi một cô gái Việt nói tiếng Bắc đến xin làm nhân viên tại tiệm ăn của ông. Ông đã chấp thuận.
Và người phụ nữ đó thời gian sau là Bà Chivarolli, sinh ra em. Bà biết nấu những món ăn Việt mà bố em luôn ước mơ. Bố em rất thương yêu và và quý mến mẹ con em. Em sống thời thơ ấu và thời cắp sách đến trường thật tuyệt vời bên người bố “xem Việt Nam như một nơi chốn thân quen của ông”.
2-
Từ ngày tiễn đưa cô bạn Lucia về lại New York, Toàn cảm thấy cuộc sống thường nhật hiện nay của chàng xáo trộn rõ rệt.
Trước kia Toàn cảm thấy đời sống của một người đàn ông độc thân rất thoải mái và ngày tháng cứ trôi qua chàng chẳng bao giờ để ý đến ngày mai.
Nay Lucia đi rồi. Nàng đã để lại cho Toàn một nỗi nhớ nhung man mác.
Những lúc thức dậy buổi sáng, những lúc đi ngủ ban đêm Toàn mới thấm thía nỗi cô đơn của người đàn ông thui thủi một mình. Toàn bắt đầu gặm nhấm “hương gây mùi nhớ”.
Toàn nghĩ lại lúc gặp Lucia tình cờ ở Las Vegas. Lucia nhờ Toàn giúp nàng rong chơi những ngày nàng sống ở vùng đất phía Tây Hoa Kỳ. Toàn nhận lời và chàng cũng nghĩ chỉ là vui qua đường, rồi thôi. Rồi sau đó ai về chốn nấy.
Chàng cùng Lucia đi du lịch Grand Canyon (Arizona), Nam California, San Jose, San Francisco, Sausalito, Reno, Seattle... Những ngày vui, thơ mộng, tay trong tay với Lucia trôi qua rất nhanh.
Trong lúc đó, Toàn không bao giờ nghĩ đến lúc phải chia tay với Lucia.
Bên cạnh đam mê và tình cảm đang diễn biến suông sẻ, Toàn không nghĩ ngợi đến ngày mai sẽ phải đưa nàng về lại với gia đình nàng. Lý trí của Toàn luôn luôn bắt chàng lý luận “trước đây bao nhiêu năm, không biết Lucia thì sao? Cuộc sống độc thân của chàng vẫn vui vẻ trôi qua dễ dàng.”
Nhưng ngày qua ngày, chàng nhận thấy Lucia như cục đá nam châm đã thu hút chàng lại với nàng. Tình cảm của chàng hòa hợp khắng khít với Lucia.
Lucia thường khuyến khích và mời gọi Toàn qua New York sống với nàng. Toàn chưa quyết định dứt khoát. Cứ nghĩ “tới đâu hay tới đó..hạ hồi phân giải...”
Rồi đến lúc phải chia tay khi ra phi trường tiễn Lucia về lại New York.
Toàn ôm hôn Lucia và nói:
“ Arrivederci, Lucia, buon viaggio!” (chào tạm biệt Lucia, chúc thượng lộ an bình!)
Lucia ngấn lệ đáp lí nhí:
“Molto grazie, Toàn, a più tardi.” (Cám ơn Toàn, hẹn gặp lại.)
3-
Một tháng trôi qua... Toàn cố gắng sống bình thường trở lại thời độc thân vô tư lự trước đây nên chàng không liên lạc với Lucia dù rằng chàng nhớ nhung nàng rất nhiều. Điện thoại bên cạnh, Email cũng sẵn sàng nhưng chàng bắt lý trí chàng phải chống chọi lại với đam mê và nhung nhớ.
nhớ lại hai câu thơ:
“Lòng ta chôn một khối tình,
Tình trong giây lát mà thành thiên thâu...”
như nhà văn Khái-Hưng và nhà thơ Thế-Lữ đã chuyển bài thơ Sonnet d’ Arvers của thi sĩ Félix Arvers:
“Mon âme a son secret, ma vie a son mystère
Un amour éternel en un moment concu.”
Rồi...
Sáng nay ra mở thùng thư trước nhà, chàng thấy có thư của Lucia. Toàn cố gắng kèm chế tình cảm nhưng đành chịu thua con tim.
“ Mea Culpa! “ Toàn nhủ thầm.
Quả tim chàng bỗng đập loạn xạ khi tin mừng vừa đến.
Toàn thấy vui vui áp phong bì thư vào ngực mình khi từ sân trước nhà bước vào phòng khách.
Toàn mở thư ra và những dòng chữ của Lucia nhảy vào đôi mắt của chàng:
New York ngày...... tháng.........năm 2010
Anh Toàn yêu mến,
Lucia về lại nhà đến nay đúng bốn tuần lễ. Tuy luôn nhớ anh nhưng em phải chờ...để tự kiểm tra sức khỏe khác lạ nơi em, để báo “tin mừng này của em” đến anh.
Cám ơn anh. Kết quả như ước muốn chân thật của em mà em đã đề nghị với anh khi chúng mình dạo chơi thắng cảnh ở Miền Tây nước Mỹ.
Riêng anh nghe tin này, anh thấy thế nào?
Nếu con trai, em sẽ đặt tên “Rainier” để kỷ niệm rặng núi hùng vĩ ở tiểu bang Washington, “Cao Nguyên Tình Xanh” mà đôi ta đã đặt chân đến đó.
Còn con gái , em sẽ gọi tên con là”Clara” để nhớ “Thung Lũng Hoa Vàng” thơ mộng ở quận hạt Santa Clara, miền Bắc California.
Anh Toàn,
Cô đầu bếp chuyên môn nấu món ăn I-ta-li-a cho anh ăn đã đi xa rồi. Anh đã tuyển được“ o” nào nấu Bún Bò Huế, “cô” nào nấu Mì Quảng, “nàng” nào nấu Bún Thang ... cho anh đổi khẩu vị chưa anh?
Riêng em rất thỏa mãn và bằng lòng với hiện tại. Em đã ba mươi hai tuổi, sau năm năm sống đời sống vợ chồng trước đây bên Ý, nay chỉ ước mong có một đứa con, dù trai hay gái... để mẹ con vui với nhau khi em qua tuổi năm mươi..
Như em đã từng nói với anh “ Đời sống rất ngắn ngủi, phải tận hưởng thú vui ở đời nhưng phải chung thủy và thánh thiện.”
Từ nay trong những thư kế tiếp, em cố gắng diễn tả cho anh theo dõi sự tiến triển hàng ngày “giọt máu của anh” mà em đang mang trong bụng cho đến khi em khai hoa nở nhụy. Anh có thích không?
Từ khi về lại nhà, hàng ngày em cảm thấy thiếu vắng anh. Em chỉ ước mong có một ngày nào đó thức giấc thấy anh ở bên cạnh.
“Ti amore molto!”(yêu anh rất nhiều!)
“Lucia Chivarolli”
Đọc thư Lucia xong, nỗi buồn của Toàn cũng giảm bớt vì biết Lucia đang vui vì “kết quả” như ý nàng muốn.”
Nhớ lại những lúc kề cận bên nhau, Lucia cứ đề nghị chàng qua New York sống với nàng. Toàn đứng coi sóc nhà hàng ăn “Ristorante Italiano” của gia đình nàng. Hoặc cho nàng một đứa con, để nàng vui khi tuổi già. Chàng đã bốn mươi tuổi cũng nên lập gia đình. Và nàng cũng ba mươi hai rồi... thời gian trôi qua nhanh lắm đừng bỏ lỡ cơ hội vàng son này.
4-
Toàn nhớ lại khung cảnh thơ mộng của thành phố Sausalito, vùng bên kia cầu Golden Gate, San Francisco mà Toàn đã đưa Lucia đến vui chơi.
Những quán ăn, tiệm cà-phê đã gợi Lucia nhớ đến những thành phố nho nhỏ thơ mộng ven biển bên nước I-ta-li-a của nàng.
Buổi sáng sớm đầy sương mù nhìn những chiếc thuyền rời bến cảng để ra biển hoặc những buổi chiều tàu trở về bến, quang cảnh sinh hoạt ở nơi đây sao có nhiều nét giống hệt nước Ý của quê nàng.
Từ âm nhạc ở một vài ristorantes vọng ra , hương cà phê espresso, capucino, mùi xào nấu thức ăn ... nàng Lucia tưởng tượng thử nhắm mắt lại, nếu nghe nhiều tiếng nói Italiano bên cạnh hơn nữa, thì nàng nghĩ là nàng vẫn đang sống ở quê nhà.
Lucia thủ thỉ với Toàn:
“Nếu em biết trước, tại nước Mỹ mà có một góc “little Italy” như thành phố Sausalito này, thì em đã đề nghị với mẹ em di cư qua đây làm ăn hơn là định cư tại thành phố New York mà các bà con của mẹ em nói là có nhiều dân gốc Ý sẽ dễ sống với ristorante italiano.
Đời sống ở thành phố nhỏ ven biển này thơ mộng, êm ả hợp với em hơn là thành phố New York quá lớn, quá hiện đại và “con người phải hối hả theo thời gian”. Chỉ có trường hợp anh qua đó cùng sống với em mới giúp em nỗi buồn xa xứ. Dù sao đi nữa đất nước Italia vẫn là quê cha của em. Em đã sinh ra và lớn lên tại nơi ấy hơn ba thập niên. Quen mọi thứ, quen mọi tập tục, quen ngôn ngữ Italia của cha, tuy em biết sử dụng ngôn ngữ của mẹ. Nhưng nếp sống âu tây lãng mạn phải có nếp sống khác cũng không kém lãng mạn như tình nghĩa vợ chồng hay tình mẫu tử may ra mới thay thế dần được. Em ước mong có anh bên cạnh hoặc có một đứa con để tiếp tục vui sống là vậy đó!.”
Những lời nói của Lucia như vẫn còn đâu đây.Toàn đang gặm nhấm hoài niệm của hai người.
Dù sao Toàn cũng đã đáp ứng được một phần ước muốn của người yêu. Biết đâu thời gian ngắn nữa chàng sẽ làm thỏa mãn được phần còn lại.
Khi đã yêu, con tim sẽ có những lý lẽ của nó, khó mà biết trước được!
VVM.25.9.2024.
Tình trong giây lát mà thành thiên thâu...”
Un amour éternel en un moment concu.”