Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      



TÌNH BẠN



     C uối cùng thì ông Bảo cũng làm xong thủ tục bán ngôi nhà và mảnh vườn. Trong khi chờ người chủ mới đến chồng nốt số tiền còn lại, ông Bảo rảo quanh nhà thăm thú lần chót. Từng gốc cây, từng bụi hoa, ông đều dừng lại, vuốt ve, lưu luyến, như để chia tay. Trước khi vào nhà tiếp khách, ông quay lại, ngồi xổm, nói chuyện với con Nô nãy giờ đang lẳng lặng đi theo ông: -Nô, tao không thể dẫn mày đi theo được. Tao lên thành phố ở vì phải bán miếng vườn này cho con trai tao trả nợ. Lên đó, tao sống chung với vợ chồng và ba đứa con của nó trong một căn hộ ở chung cư. Người ta cấm nuôi chó trên lầu. Vậy mày có thể ở đây với chủ mới. Hễ rảnh rỗi thì tao về thăm mày. Nhưng chắc là tao sẽ không có dịp nào về đâu. Tha lỗi cho tao.

Rồi ông quay vô, nhận tiền của người ta và giao nhà liền. Dường như ông sợ phải ở lại thêm vài giây trong ngôi nhà mà giờ đây không phải là của ông nữa. Ông bước ra đường cái để đón xe đò, trên tay chỉ có chiếc valy đựng quần áo và một giỏ trái cây làm quà cho ba đứa cháu. Tưởng ông Bảo đi chơi như mọi khi, con Nô chạy theo tới đầu cổng vườn rồi đứng lại. Nó nhìn cho tới khi ông hút bóng, mới chậm rãi quay vào và bất ngờ nhận ra trong nhà có người lạ mặt.

Con Nô lùi lại rồi chồm tới sủa liên hồi vào người chủ nhà mới. Người kia nạt to bằng giọng cộc cằn, Nô lui ra, vừa sửa vừa nhảy quanh với vẻ hung hăng dữ tợn. Người kia tức giận, cầm lấy thanh củi phang trúng chân sau nó, chửi thề mấy câu rồi bỏ vô trong. Nô đau quá, “ẳng ẳng” thêm mấy tiếng, quay đầu chạy ra cổng vườn, chờ ông Bảo về để méc.

Nô chờ tới tối mà ông Bảo vẫn không về. Thấy trong nhà đã lên đèn, nó mừng rỡ chạy vô, gặp thêm một phụ nữ lạ đang cùng với người kia dọn nhà dọn cửa. Tưởng kẻ trộm, Nô chồm tới sát bậu cửa sổ sủa to hơn. Người kia bực bội, cúi xuống lượm chiếc dép phang trúng mặt Nô. Tối mắt tối mũi, Nô đau đớn và hoảng sợ bỏ chạy ra xa. Đêm hôm đó, Nô không dám ngủ nơi hè nhà nữa, nó khoanh mình nằm sát hàng rào ngoài cổng vườn để chờ ông Bảo. Sương đêm, đất lạnh khiến Nô run rẩy, thỉnh thoảng lại rùng mình. Nô nằm thao thức suốt đêm, nó nhớ ông Bảo, nhớ tiếng ho khẽ, tiếng lê dép của chủ, nhớ điếu thuốc rê lập lòe đỏ trên môi chủ. Bỗng dưng nó cảm thấy bơ vơ và cô đơn…

Trời sáng hẳn. Nô chạy một mạch ra đường cái, tìm tới quán cà phê mà ông Bảo hay dùng điểm tâm sớm, lại chiếc bàn mà ông Bảo hay ngồi… Không thấy chủ, nó lại hối hả phóng về nhà. Nghe tiếng khạc nhổ lạ, Nô len lén lại gần. Vẫn là người đàn ông hôm qua đã hai lần ném trúng nó. Nô cụp tai, lủi thủi bỏ đi.

Nô đói lắm. Nó vòng ra phía sau nhà, có khoảnh đất trồng mít, tìm mít rụng ăn. Mít ướt chín rất dễ rụng. Nhiều lần Nô đã ăn no say vì mít chín để lâu sẽ ủ thành mật. Và ông Bảo, vốn ghét mít ướt, thường để mặc cho trái rụng tràn lan…

Nô ăn xong, nó nghĩ ngợi một lát đào đất, giấu hết mớ hột mít đi, phòng khi tìm không ra thức ăn thì gặm đỡ hột mít sống cũng no. Sau khi uống một bụng nước, Nô lon ton đi nước kiệu ra cổng vườn tiếp tục đợi chủ. Đợi liên tiếp cả tuần lễ như vậy, Nô bắt đầu tin là chủ đã bỏ mình, nhưng vì không muốn sống với chủ mới, Nô quyết định ra đi.

Nhưng đi đâu? Đó là điều Nô không hề nghĩ tới. Tìm chủ thì nó không biết chủ ở phương nào. Thôi thì nó cứ lang thang vô định, nếu may mắn gặp người chủ tốt, nó sẽ ở lại với người đó… Vùng trong quê này, nhà cửa có phần thưa thớt, nhưng nếu đi thẳng theo đường cái tới ngã tư chợ thì dân cư đông đúc hơn, chắc là sẽ kiếm được cái ăn. Nghĩ vậy, Nô bèn hướng chân nó ra chợ… Được một đoạn, Nô thấy một con chó gầy nhom và thiểu não đang lếch tha lếch thếch từ phía trước đi tới chỗ nó. Đụng mặt, cả hai con chó cùng nhe răng gầm gừ, mắt đỏ ngầu, lông trên sống lưng dựng đứng, chờ dịp là xông vô xâu xé nhau. Nhưng con chó kia nhắm không địch lại Nô nên nó cụp đuôi, xẹp lông và len lét bỏ đi ngay.

Nô đứng nhìn theo nó. Con chó kia ốm quá. Chắc là nó ăn uống thiếu thốn đã lâu rồi. Hai bên hông nó dính sát vào nhau, chừng như bao tử trong bụng nó mỏng chỉ bằng tờ giấy báo. Dáng nó chạy xiêu vẹo, một chân có phần khập khiễng và đuôi thì trụi từng đốm. Một tình cảm khó tả dâng lên trong lòng Nô, nó phóng người chạy theo, ôn tồn kêu con chó kia dừng lại để hỏi thăm đôi câu.

Qua lời kể của Ki (tên con chó kia), Nô biết ở ngoài ngã tư chợ đang có hai nhóm chó tranh giành nhau quyền cai quản các thùng rác và các thùng thức ăn thừa của những quán hàng ăn. Các cuộc đụng độ xảy ra hàng ngày. Để kiếm cho được chút đồ ăn thừa, Ki đã phải “chịu đấm ăn xôi”, vừa nuốt vội nuốt vàng vừa đỡ đòn liên tục. Ăn được một miếng, khắp người phải chịu trầy trụa thương tích. Gặp mụ chủ quán nào đanh đá, thấy cảnh chó cắn nhau ỏm tỏm, mụ giải tán chúng bằng cách tạt vào cả ca nước sôi. Nước sôi trúng chỗ nào, tuột hết lông chỗ đó… Ăn thì nhục mà không ăn thì đói…

Con Ki nuốt nước miếng như nuốt xuống nỗi cam chịu, chần chừ giây lát rồi mới bỏ đi. Nô sực tỉnh, tâm trí nó không còn muốn đi ra chợ nữa, bèn lon ton theo con Ki. Thoạt đầu nó cách con Ki một khoảng, sau nó dấn lên và dần dần cùng đi ngang hàng với con Ki. Con Ki liếc mắt qua nhìn nó mấy lần, không nói gì. Vậy là hai con chó thỏa thuận ngầm với nhau về một liên minh mới mẻ trong cuộc đấu tranh tìm cuộc sống…

Nô dẫn Ki tạt vào vườn của chủ cũ, đãi Ki một bữa mít ướt chín rụng no nê, rồi cả hai kéo nhau đi vào sâu trong Bàu Cỏ.

Bàu Cỏ là miền đất màu mỡ nằm giữa vườn cây và rừng chồi. Nhà cửa nơi đây thưa thớt nhưng thú hoang nhỏ không hiếm. Nếu gặp may, mỗi ngày Nô và Ki có thể bắt được vài con chuột đất là có thể nhịn đói vài bữa cũng chẳng sao. Khát thì suối to, suối nhỏ chẳng thiếu. Gặp mùa cá đẻ, chỉ cần nhanh chân, lẹ mắt một chút, Nô và Ki có thể tát cá lên bờ ăn thỏa thuê. Thế là hai con chó đồng ý chọn Bàu Cỏ làm nơi dung thân cho hai cuộc đời vô chủ…

Chúng phân chia nhau, Ki đi lang thang tìm các hốc cây kín đáo làm chỗ ngủ. Còn Nô kiếm thức ăn. Vốn là chó nhà, thoạt đầu Nô rất lúng túng khi phải săn mồi sống. Lũ chuột nhanh chân cứ rạp mình xuống đất mà lủi xuống hang. Nó chận ngược chận xuôi, mệt quá, đứng lè lưỡi thở. Nghỉ một lát, Nô bỏ lũ chuột đất, đi dọc theo bờ suối. Nước suối trong vắt, chảy xuôi theo dòng, mang theo những con cá nhỏ bơi lội tung tăng. Nó nhào xuống suối. Lũ cá lẩn mất. Nô đã phải ngâm chân trong nước lạnh hàng giờ, bì bõm tả xung hữu đột liên miên vẫn chẳng vớ được mống nào…

Vừa mệt, vừa tức, Nô lên bờ lắc mình rũ nước văng tung tóe. Nó đứng nhìn lũ cá bơi lên bơi xuống, quan sát một lúc lâu. Nó thấy một số con bơi xuôi dòng, một số con lại bơi ngược dòng. Trực giác dường như mách bảo cho nó biết điều gì, nó nhẹ nhàng lội trong nước, đứng im hồi lâu để lũ cá không cảnh giác, rồi bất ngờ tát mạnh vào một con đang bơi ngược dòng. Con cá bị hất tung lên trên mặt nước, rơi bịch xuống đất, phồng mang thở…

Thế là chỗ ăn chỗ ở của chúng đã ổn định. Hai con chó không ở chung trong một hốc cây như ý định ban đầu, vì Ki chỉ tìm ra vài hốc cây nhỏ, nhưng được cái chúng chẳng cách xa nhau lắm. Bấy giờ Ki đã lại sức sau những bữa tiệc cá nên cùng đi kiếm ăn với Nô. Hai con chó sau những ngày đói khát chợt hình thành một tính cách mới là tiết kiệm. Phải biết để dành cái ăn cho ngày mai, không phung phí. Chúng chỉ săn mồi vừa đủ trong ngày, nếu dư chút đỉnh thì dành cho bữa điểm tâm sáng hôm sau.

Cuộc sống êm đềm dễ chịu trôi qua. Một năm sau, Ki và Nô đã biến thành hai con chó hoang to lớn, mạnh khỏe và nhanh nhẹn. Chúng không hề rời nhau lấy một bước, và cũng rất nhường nhịn nhau. Cả hai cùng tâm niệm là phải tránh né con người, bởi chúng đã từng bị con người bạc đãi. Nhưng dù chúng e sợ gặp con người, mà con người vẫn tìm mọi cách để bắt chúng, thì liệu chúng có thoát được chăng? …

Bởi thế, trong một phút sơ hở, con Ki bị mắc bẫy của thợ rừng. Chiếc bẫy rất đơn giản, chỉ là một cái hố sơ sài và lớp cỏ khô trên mặt hố để ngụy trang. Vừa sụp chân xuống hố, Ki đã tru lên để báo động cho bạn. Nô hiểu ý, nó tránh xa những nơi có phủ lớp cỏ khô một cách đáng ngờ, chạy tới cứu bạn. Bên dưới, Ki đang nhảy chồm chồm lên một cách tuyệt vọng, lưỡi thè dài ra, đôi mắt ươn ướt buồn bã. Nô cuống quít chạy quanh bên trên hố, hết nhìn bạn, sủa khe khẽ động viên bạn, lại nhìn tứ phía xem có cách nào để giúp Ki leo lên. Mắt Nô dán vào mấy sợi rễ phụ lòng thòng của một cây si dại…

Đợi Ki cắn chặt đầu dây, Nô cũng cắn chặt sợi dây, kéo căng, bấu bốn chân xuống đất, tựa lưng, lùi quanh một gốc cây để kéo Ki lên. Sợi dây kêu ren rét. Ki nặng quá. Nhưng Ki không ỷ lại vào sức bạn mà tìm cách phát huy thêm sức mình. Nó cào bới thành hố điên cuống, cố ngoi đầu lên theo sức kéo của sợi dây. Nhờ có cây to làm vật cản, Nô cứ lùi dần, lùi dần quanh gốc cây. Cuối cùng thì Ki đã phóng lên được, nó nhả sợi dây đang căng ra để chạy tới chỗ bạn, làm Nô mất đà té bật ngửa…

Khi những người thợ rừng tới xem bẫy, chỉ thấy một cái hố trống hoác, cỏ khô và đất cát văng tung tóe, và một rễ dây dài… Họ lắc đầu, bỏ đi.

Nô và Ki cúi mặt xuống dòng suối mát rượi, tờm tợp uống nước. Chúng hả miệng để dòng xiết sát trùng và rửa sạch máu nơi môi, trên nướu răng. Chúng nhìn hai chiếc bóng đứng sát vai nhau lấp loáng trên mặt nước, cùng rít lên khe khẽ, cùng vẫy đuôi rối rít. Những biểu hiện đó đơn giản tới mức bất cứ ai cũng có thể hiểu được ý nghĩa: tình bạn giữa Ki và Nô sẽ mãi mãi bền vững và không gì chia rẽ được. -./.




VVM.26.9.2024.