Kể dông dài như vậy, để biết là địa danh Long Kiểng dùng để gọi một khu vực khá rộng, chiều dọc thì có thể tính từ chợ Long Kiểng bên kia sông qua tới cầu Long Kiểng còn chiều ngang, có thể coi như khu vực nối từ cầu Rạch Ông, tới cầu Tân Thuận bằng đường Trần Xuân Soạn. Trong lịch sử chống Pháp, ghi nhận nơi đây với các khu làng xã Tân Quy, Tân Thuận, Nhà Bè, Thủ Thiêm là cái nôi của một lực lượng quân sự là nghĩa quân Bình Xuyên, mà trong truyện Người Bình Xuyên của Nguyên Hùng viết mở đầu: “Con đường đất đỏ nối liền chợ Long Kiểng với bến đò (cũng mang tên Long Kiểng) phơi mình dưới nắng mai đẹp như một dải lụa dài màu gạch cua. Hai bên đường nhà cửa lưa thưa, các cánh đồng xen lẻ bưng rạch xanh um. Đâu đó một con cu đất đậu trên nhánh bần cất tiếng gáy dõng dạc như khuấy động bầu không khí êm ả của đồng quê. Thỉnh thoảng một chiếc thổ mộ chạy lốc cốc suốt quãng đường dài.”
Đó là lịch sử. Còn từ năm 1960, thì khu Long Kiểng coi như khu dân cư mới để giãn dân cho trung tâm thành phố. Đầu thập niên 1970, khu vực xã Tân Quy Đông được khai thác thành một khu dân cư rộng lớn với hàng ngàn căn nhà được xây đơn giản, mỗi căn nhà ngang 4 mét dài cỡ 10 mét, trong một lô đất rộng gấp ba để cư dân có thể trồng rau, trái. Từ bến đò Long Kiểng, đi trên con lộ đất đỏ vào khoảng gần vài cây số, bên phải là nghĩa trang, nơi này có mộ một người phụ nữ Công giáo mất cả trăm năm mà không phân hủy, nên người dân tôn kính gọi là đất bà thánh Anna Sĩ. Còn về bên trái, có đường dẫn vào khu dân cư, chúng ta gặp ngay chợ Tân Quy Đông, nằm trong một khu vực được quy hoạch chung với bưu điện, ngân hàng và sâu vào trong nữa là các trường tiểu học và một trường trung học đệ nhị cấp của huyện Nhà Bè là trường Lê Thánh Tôn.
Cho tới năm 1978, ở ngã ba Trần Xuân Soạn vẫn còn bến xe Thổ Mộ, hình ảnh người xà ích ngồi bên càng xe hút thuốc rê chờ khách và con ngựa bị che mắt lắc lư cái đuôi xua đuổi ruồi muỗi, lâu lâu đầu lắc lư và dậm các vó xuống nền đất in trong đầu tôi thật nhiều xúc cảm, gắn liền với kỷ niệm, bởi vì sau nhiều năm tháng ở giữa trung tâm thành phố, khi dọn nhà qua Long Kiểng, thấy giống như mình về quê... xa lắm.
Hơn 20 năm ở Mỹ, tôi nhiều lần về thăm lại Việt Nam và lần nào cũng ở Long Kiểng. Bởi vì thứ nhất đây là vùng đất tôi cư trú lâu dài trước khi rời Việt Nam, và lý do thứ hai quan trọng hơn, chính vì người chị ruột đang ở Long Kiểng, người đã luôn dành cho đứa em những tình cảm ruột thịt ấm áp. Tôi luôn tự hào về chị, tự hào về những hành động, cử chỉ, sự quan tâm của một người chị dành cho đứa em mà tôi biết chẳng phải ai cũng có được, tự hào hơn nữa về cuộc đời của chị, là một tấm gương về đạo đức và sự kiên trì trong học vấn.
Tôi mồ côi cha từ thơ ấu, sống với mẹ bằng sự nuôi nấng của các anh các chị. Khi vào Nam, mẹ tôi dắt theo 6 đứa con mồ côi, nhỏ nhất là tôi vừa lên 4 và anh lớn nhất 19 tuổi, lần lượt từng người vừa đến tuổi trưởng thành là bước ra đời, kiếm sống và gửi tiền về nuôi mẹ cùng các em. Những đồng tiền hẹp hòi được mẹ chi tiêu dè sẻn và rất khó khăn. Chị Bội Cẩn bước vào đời từ năm 16 tuổi khi thi xong bằng Trung học. Chị tham dự một cuộc tuyển nhân viên của Viện Pasteur, và được huấn luyện hai năm để trở thành Chuyên viên Phòng thí nghiệm, nhiệm sở đầu tiên là Bệnh viện Long An.
Mỗi ngày trong tuần, bất kể nắng mưa, sau khi tan sở, chị đón xe đò từ Long An về bến xe Chợ Lớn, sau đó đi bộ từ bến xe về trường Chu Văn An (khoảng cách gần 5 cây số) để học lớp đêm, tan lớp, đi bộ cũng khoảng 3 cây số về nhà lúc đó ở cầu chữ Y. Sáng hôm sau, đón xe buýt vào bến xe Chợ Lớn để xuống Long An làm việc tiếp. Hãy nghĩ cái lộ trình đi bộ và tinh thần hiếu học đó suốt hai năm để lấy cho được cái bằng Tú tài toàn phần để hiểu cái ý chí cầu tiến của chị. Giai đoạn đó, chị quen một giáo sư dạy tại Trung học Tân An, anh Chu Hoài Nhân là cháu nội cụ Nghè Chu Mạnh Trinh, hai người gặp nhau, tâm đầu ý hợp, gia đình hai bên nhiều nét tương đồng, cùng là con nhà nho phong và đặc biệt cùng nghèo như nhau. Sau khi lập gia đình, chị lại kiên trì cho việc học, chị ghi danh vào học Đại học Văn Khoa trong lúc vẫn tiếp tục làm việc tại bệnh viện. Câu chuyện chị kể lại với niềm vui là suốt 4 năm đó, năm nào cũng vào thi vấn đáp với cái bụng bầu. Mỗi năm lấy một chứng chỉ và mỗi năm sanh một cháu bé. Sanh xong cháu thứ tư là chị lấy xong Cử nhân Văn chương Việt Hán, và chị xin chuyển qua ngành Sư phạm, là một ước mơ từ thuở bé.
Bước lên bục giảng thành giáo sư Việt Văn đầu tiên ở trường Trung học Thủ Thừa từ năm 1973, sau đó ròng rã suốt 40 năm làm một việc duy nhất là dạy học, môn dạy duy nhất là Việt Văn. Dạy ở nhiều trường, nhưng lâu dài nhất, dài tới hơn 20 năm là tại trường cấp ba Lê Thánh Tôn huyện Nhà Bè cho tới lúc nghỉ hưu. Có thể nói, các lứa học sinh tốt nghiệp Trung học Phổ thông ở Nhà Bè suốt từ 1980 cho tới 2000 ít có cô cậu nào không phải là học trò của chị. Cuộc đời của chị là dạy học, cuộc sống của chị là mẫu mực và tâm tư suy nghĩ của chị là giáo dục. Hành trình để lấy cho được bằng Cử nhân để chuyển qua ngành Giáo dục của chị là một nỗ lực gần như phi thường bắt nguồn từ một khao khát nối chí tiền nhân của cả hai bên, bên cha ruột và bên ông nội của chồng, thêm vào đó là thiên khiếu riêng về văn chương chữ nghĩa.
Năm 1985, gia đình tôi cũng rời quận 5, dọn về khu Long Kiểng. Tôi ở ấp Tân Quy Tây nằm cạnh đường Trần Xuân Soạn, còn chị Bội Cẩn ở xã Tân Quy Đông sâu vào bên trong. Những tháng ngày thiếu thốn cơ cực đó, hình ảnh chị chạy chiếc xe đạp mini cũ mèm, vài ba bữa lại ghé qua nhà, hỏi thăm các em các cháu, rồi ấn vào tay tôi tờ giấy tiền nho nhỏ, rút ra từ đồng lương hẩm hiu nhà giáo để em mua thêm thức ăn cho các cháu, mỗi khi nhớ lại không cầm được cảm xúc.
Qua mắt nhìn của chị, tôi chẳng bao giờ lớn lên. Trong những chuyến về Việt Nam đầu tiên, ở tại nhà chị, chị lưu ý từ ly cà phê buổi sáng, tới thay đổi món ăn mỗi bữa, áo quần thay đổi và cả mỗi lần lấy xe ra khỏi nhà là hỏi em đi đâu? Bao giờ về, chị chờ cơm nhé... Có lần, đang giữa trưa tôi đang ngồi uống cà phê với bạn bè ở gần ngã tư Bảy Hiền, điện thoại reng, chị hỏi em đang ở đâu, sáng nay chị mua được con cá diêu hồng ngon lắm làm cá um cần ta mà em thích nè, chị chờ em về ăn cơm nhé... Tôi phải giải thích chị ơi, em đang ở cách nhà cả mấy tiếng đồng hồ, làm sao chị chờ được...
Sáng hôm sau, vừa dắt xe ra, chị đưa chân ra cửa và lại ân cần hỏi... Bao giờ về? Chu Thế Phong là con trai của chị, đưa tay ra cản mẹ và nói với chị rằng: Cậu về là cậu đi chơi chứ có phải về đây để ăn và ngủ đâu. Mẹ đã đưa chìa khóa nhà, chìa khóa phòng và xe cho cậu rồi, thì mẹ phải để cậu thoải mái đi đâu thì đi, chừng nào về thì về, có thế cậu mới về ở đây với mẹ, mẹ hỏi hoài... chắc cậu trốn luôn quá... Tuyệt vời quá Thế Phong, cháu của tôi hiểu cậu đến xương tủy luôn.
Long Kiểng theo chiều ngang là đường Trần Xuân Soạn thì nối từ cầu Rạch Ông tới cầu Tân Thuận, phía bên trái là rạch Bến Nghé, còn bên phải thì ngày xưa là những căn nhà bán thành thị bán thôn quê, nhưng nay đã là những tòa nhà bề thế, các khu chung cư cao tầng. Ngã ba Tân Quy nay thành ngã ba Trần Xuân Soạn và Lê Văn Lương sầm uất sang trọng. Đi tới nữa, tìm con hẻm nhỏ ngày xưa mà tôi từng ghé chơi nhiều lần là nhà của nhạc sĩ Châu Kỳ, người nhạc sĩ tài hoa người Huế, dáng người đậm thấp, nói chuyện vui vẻ khi khoe rằng ông đang ở căn nhà không số và con phố không tên. Nhạc sĩ Châu Kỳ là tác giả nhiều ca khúc nổi tiếng như Thương Về Miền Trung, Sao Chưa Thấy Hồi Âm, Con Đường Xưa Em Đi. Nhớ lắm người nhạc sĩ tài hoa đi trên chiếc xe đạp cũ cầm tay cây đàn ghi-ta lớp vẹc-ni trầy tróc, mái tóc bạc phơ mà đôi mắt lấp lánh tia cười khi ôm đàn và hát Giọt Lệ Đài Trang... rồi kể về một cô gái con nhà quyền quý mà có một kết thúc thật buồn. Còn nhớ có lần, trong bàn tròn uống rượu đế có Huỳnh Dạ Thảo, Đoàn văn Khánh, khi nghe Châu Kỳ hát vài bài, bài nào cũng buồn, tôi bạo dạn đề nghị xin cho nghe một bản nhạc tình vui được không? Nhạc sĩ Châu Kỳ nhìn tôi cười, tình vui làm sao thành ký ức để viết được, nói vậy nhưng ông cũng ôm đàn lên... “Chỉ có đôi ta không bao giờ ly biệt, chỉ có đôi ta tha thiết mộng ban đầu. Đừng khóc cho tương lai mai thuyền ngược về đâu. Với một tiếng tin yêu nhau, mối tình đẹp ngàn sau...” Tuyệt vời cho lời hứa hẹn lứa đôi trong ca khúc Đừng Nói Xa Nhau của Châu Kỳ. Đây có lẽ một ca khúc nhạc tình có hậu, tình vui rất hiếm hoi của ca nhạc Việt Nam.
Châu Kỳ là một tên tuổi lớn của tân nhạc, ông để lại cho đời trên 200 ca khúc, trong số đó, rất nhiều bài nổi tiếng ai cũng thuộc mà ít người biết tên tác giả như Đừng Nói Xa Nhau, Tôi Chưa Có Mùa Xuân, Sao Chưa Thấy Hồi Âm... Trong một bài viết trên trang web Yêu Nhạc Vàng (mà tôi không tìm thấy tên tác giả) cũng đã viết về nhạc sĩ Châu Kỳ như thế này:
- Từ một ngôi nhà khang trang trước 1975 phải bán đi để trả nợ cho sự sống còn để rồi còn một mái nhà dột nát ở xã Tân Quy, huyện Nhà Bè hiện nay, từ một chiếc “vespa” cũ kỹ trước 1975, nay lại còn một chiếc xe đạp và từ năm 1975 cho đến nay tính ra Châu Kỳ đã có đến chiếc xe đạp thứ 16, vì bị mất cắp, vì bị hư hỏng không còn xài được nữa và bạn bè - cũng rách nát như anh - thương tình giúp đỡ cùng với món tiền ít oi mà các trung tâm băng nhạc ở hải ngoại gửi về để cho anh mua chiếc xe đạp khác, mua rồi mất, mất rồi mua, nay đã là chiếc xe đạp thứ 16 của anh.
Người nhạc sĩ tuổi bát tuần, thân thể giờ đây tuy có ốm yếu, gầy mòn nhưng trong nét nhạc vẫn còn những nét tinh anh vì tuổi Quý Hợi tuy bề ngoài hiền hậu, thư sinh, ôn nhu nhưng bên trong chứa đầy nghị lực. Mới ngày nào đây, khi những ca khúc đầu tay như "Trở về", "Tiếng hát dân Chàm" ra đời thế mà nay đã ngót nửa thế kỷ, "bóng dâu đã xế ngang đầu".
Từ xã Tân Quy, huyện Nhà Bè, Châu Kỳ nhìn lại khoảng đời đã đi qua mà lòng không khỏi bùi ngùi xúc động, xót thương cho một số đông bè bạn thân mến đã vĩnh viễn ra đi, một số thì diệu vợi xa cách, chỉ còn chăng một số ít oi còn ở lại nhưng cũng lâm vào hoàn cảnh khốn khó, bần bách, đôi mắt nhòa nhạt vì tuổi đời chồng chất.
Khi tôi rời Việt Nam, thì nhạc sĩ Châu Kỳ cũng dọn về Thủ Đức và từ trần năm 2008, hưởng thọ 85 tuổi. Tác giả Cố Đô Yêu Dấu đã được gia đình đưa về an táng tại đồi Nam Giao, Huế, như lời ước nguyện.
Có lẽ phải nhắc đến một di tích khá lạ. Đó là chùa Ông. Chùa mà lại là chùa Ông, thờ Quan Đế. Hồi xưa, muốn vào chùa Ông thì từ Trần Xuân Soạn rẽ vào một con hẻm nhỏ, đi vào rất sâu quanh co qua khỏi khu dân cư, tới đồng ruộng, nghĩa trang rồi tới một bến đò, từ bến đò này lên đò qua một cù lao giữa bưng biền. Chùa Ông xây dựng trên đó dường như vào khoảng 1945, trong chùa thờ ông Quan Đế có lẽ chỉ là cái cớ tôn giáo hợp thức hóa cho những sinh hoạt ngầm. Chùa xây biệt lập như vậy giữa vùng kháng chiến này thực ra ngày xưa là một cứ điểm, nơi hội họp mật của các thủ lĩnh giang hồ. Ngoài con đường nhỏ nói trên, người ta chỉ còn có thể đến chùa Ông bằng cách khác đó là đi bằng thuyền, mà tôi cho rằng đi bằng thuyền mới là chính. Di chuyển trên chiếc thuyền nhỏ giữa các vòm lá dừa nước um tùm làm tưởng tượng như đi vào vùng các hảo hán Lương Sơn Bạc ngày xưa. Thời gian sống ở Long Kiểng, tôi nhiều lần được thanh niên trong xóm chèo ghe tới sau nhà, đón lên rồi lênh đênh trong lau lách để đến chùa trong những đêm trăng, rất tuyệt vời, lãng mạn và có chất thần bí nữa.
Bởi vị trí chùa gần như biệt lập có giá trị cho những sinh hoạt bí mật, để khi có động, mọi người tan hàng về các ngả khác nhau... Sau này, những người giang hồ và kháng chiến đó tàn lụi đi, nhưng con cháu vẫn thường xuyên vào đó tế lễ tạo thành một lễ hội hàng năm. Lễ hội này có những bài tế đồng nam, đồng nữ rất lạ mắt. Bây giờ, các ao hồ, bưng biền được lấp đi xây nhà cửa, đường sá và một con đường mở ra sau lưng chùa Ông. Người đi chùa Ông bây giờ thoải mái lái xe gắn máy, xe hơi vào thẳng trong chùa. Tôi đã về và đã ghé đến nhưng thực sự cảm giác hụt hẫng thật nhiều.
Đi tới nữa thì gặp Cư xá Ngân Hàng. Đây là một khu cư xá rất đẹp, các đường ngang dọc thẳng tắp với những căn nhà giống nhau, sạch sẽ và thanh tĩnh. Nơi này ngày xưa của Ngân hàng Việt Nam Thương Tín xây cất dành bán cho nhân viên thuộc quyền. Bây giờ vẫn gọi như vậy, và đặc biệt là vẫn giữ được cái thanh tĩnh, sạch đẹp như ngày xưa.
Đi thêm về phía Tân Thuận thì tới một cái cầu nhỏ bằng với mặt đường nên có khi đi qua mà không biết là đi qua cầu, nhưng cây cầu này lại rất nổi tiếng vào khoảng thập niên 1960, đó là cầu Hàng.
Các xã Tân Quy Tây, Tân Quy Đông, Tân Hưng... thuộc huyện Nhà Bè ngày xưa, đã được sáp nhập và thành quận 7 phát triển hết sức nhanh chóng từ đường sá, cầu cống, tới dân cư để trở thành một khu vực quan trọng về kinh tế, thương mại. Con đường Trần Xuân Soạn ngày xưa là đường xương sống của khu Long Kiểng nay cũng phát triển, sầm uất hơn xưa, nhưng không thể so sánh được với những con đường mới mở sau này.
Khi tôi chạy xe buổi tối từ Saigon, băng qua cầu Khánh Hội, rồi cầu Kênh Tẻ. Vừa qua cầu là gặp hàng loạt cao ốc cả ba bốn chục tầng, rồi trường Đại học Tôn Đức Thắng, siêu thị Lotte, tới con đường rẽ trái vào một đại lộ rực rỡ ánh đèn, nhà hàng, tiệm ăn, cửa hàng thời trang... Thật không thể tưởng tượng được khu này ba mươi năm trước vẫn còn là những cánh đồng ngập mặn, những con lạch quanh co với hàng dừa nước mịt mùng.
Dẫu là con lộ đất đỏ ngày xưa hay đại lộ Lê Văn Lương bây giờ, dẫu là khu ruộng ngập mặn hay là các con lộ Nguyễn Thị Thập, Lâm Văn Bền bây giờ, dẫu tên Long Kiểng, Tân Quy hay là Tân Kiểng bây giờ, nhưng từ xa nhớ về, tôi vẫn còn hoài cảm thời lênh đênh trên chiếc ghe nhỏ, chèo trong đêm trăng sáng để đi lễ năm nào, nó thanh bình, thơ mộng, mà còn có vẻ như huyền hoặc nữa.