Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


XIN THƯA CÙNG…



     M áy điện thoại là của riêng cụ, cụ giữ gìn cẩn thận lắm. Không ai có thể cầm giữ nổi nửa ngày. Trộm không thể lấy, kẻ gian không dám ho he. Cụ cũng mừng, bao nhiêu năm rình cơ hội, móc túi cụ bà mới đưa được nó về sang tên, thay quyền sử dụng. Vậy mà sáng hôm ấy, tự dưng nó báo gần hết dung lượng dự trữ. Mày báo thì kệ mày! Tao dùng mới có dăm năm (tính đại ra như thế cho nó oách) thì hết thế nào được. Cứ ì ra thôi. Cụ kệ mẹ chúng mày đến một buổi sáng, mở máy thấy nhoàng nhoàng rồi tắt lịm. Chết cha rồi! Vội vã huýt còi, huy động hàng chục đứa cháu choai choai tới, bắt chúng xem lại máy cho cụ. Chúng đứng xúm xít nhưng một đứa cầm, hai đứa chỉ trỏ, mấy đứa bàn tán. Cụ giao máy cho bọn chúng xong, giả đò chuyện vặt, tảng lờ chả có gì phải bàn bạc nhưng tai hình như mỏng và to dài hơn tai thỏ. Chúng ầm ĩ, rối tinh măng miến cả lên. Dăm phút sau, một đứa cầm vào nói, máy ông chẳng còn dung lượng dự trữ, phải xóa hết đi.

- Chúng mày xem xóa cho ông!

Bây giờ trên điện thoại nhiều thứ lạ kỳ lắm! Những chuyện đâu đâu trên giời dưới bể, có cả. Chuyện voi, cọp, sư tử… rừng già, cả đời cụ chỉ đôi lần bắt gặp trong Thảo cầm viên; Chuyện lợn nuôi hổ, hổ nuôi gà; chuột nuôi mèo, mèo nuôi chuột, cụ cũng từng gặp khi cô Hoàng Hòa đưa cả đoàn sang ngao du đất Thái. Chuyện máu đổ đầu rơi, người chém người như cắt cỏ, cụ cũng đã thấy trong chuyến đi thăm Trung Hoa nhưng trên điện thoại gớm ghê hơn. Máu phun phe phé từ cổ người; xác lớn bé to nhỏ chồng chất lên nhau, rồi chuyện bom đạn bời bời châu Âu, chấu Á... có tất. Cả đến những chuyện thầm kín, những chuyện loạn luân, những chuyện mua dâm, bán dâm, hãm hiếp nhau, chuyện nhảm nhí nhố nhăng…. không những có mà còn đầy rẫy trên điện thoại.

Cũng may. Riêng cụ, tử tế nghiêm túc từ ngày dái bằng hạt táo. Những chuyện lõa thể, lăng nhăng, lắng nhắng, lằng nhằng, cụ chẳng màng. Hình ảnh lưu lại chỉ là mấy bức ảnh liên hoan cùng người cao tuổi, họp đồng hương, đồng môn... nên chả ngại gì. Nếu cụ máu gái gần bằng Lã Bố, mang lưu trữ những bức ảnh đẹp như Điêu Thuyền, những cô gái không xấu, nghèo đến kiệt cùng vì không có quần áo... thì hổ thẹn mà chết với các cháu.

Cầm lại máy, cụ mở za lo, Masege, fecebok… A ha! Vẫn có…! Lòng cụ tưng bừng như mở hội, như địa chủ mùa màng bội thu, gạo dư thóc lắm. Được chục ngày thì ôi thôi! Máy cụ lại trục trặc. Lại gọi nhắc các cháu, lại đòi hỏi, lại yêu cầu… chúng nó… Thấp thoáng cũng vài ba lần như thế. Máy đang hấp hối lại tự dưng thôi dở chứng, dùng được.

Sáng sớm hôm qua, máy đang hoạt động không ngờ tối tịt, chuyển sang... từ trần. Gọi mấy đứa cháu. Chúng kéo nhau trốn như trốn giặc. Chắc chúng sợ phải sửa cho ông. Cụ tức mình, gầm lên một tiếng. Trong trạng thái phấn khích, cụ ném cái máy điện thoại mua triệu tám, đã dùng trên năm năm xuống nền nhà. Xoạch! May thật. Nếu không, ném vào mặt người đi đường thì rầy rà không biết bao nhiêu.

Thở vài hơi cho trạng thái ổn định, cụ nâng cái máy đã gắn bó với cụ năm năm lên xem. Thà đừng xem cho đỡ tủi. Thế là hết, chiều ni em đi mãi/ Còn mong chi ngày trở lại, máy ơi! Cái máy biến dạng thảm hại. Cặm cụi, tìm kiếm, lựa chọn… nửa giờ chỉ có thể sử dụng được cái sim. Cụ tức mình, toan gầm lên tiếng nữa nhưng kịp ngừng lại. Con mụ vợ mồm to kệch dệch, kềnh càng, lò dò về đến ngõ. Tiếng gầm đã cất lên, ngưng đột ngột, khiến mặt cụ đỏ bừng như trong chuyện cổ. Chàng ăn vụng gặp vợ về, vội nhét củ khoai vào cạp quần, nóng không chịu được, nhảy tưng tưng. Vợ cụ ngạc nhiên nhưng làm sao nhanh trí bằng cụ. Cụ hớn hở mà rằng: - Thấy bà về, tôi mừng lắm! Cụ bà nghe, ngạc nhiên tí tẹo, rồi cũng thôi.

Thế là tối ấy, cụ lại tìm vào giường cụ bà. Cụ bà ngạc nhiên gấp ba lần buổi sáng. Cụ từ tốn nằm xuống. Nhân cơ hội cụ bà bận ngạc nhiên, cụ bèn cầm ngay túi tiền cụ bà bỏ trên đầu giường, thò tay vào túi. Chốc lát, những cuộn giấy bên trong đã đổi chủ. Cụ giả bộ chê giường chật chội, bỏ ra nằm riêng.

Sáng nay, tranh thủ lúc cụ bà chưa dậy, cụ lên đường sớm. Lòng phơi phới như địa chủ sau ngày thu tô suôn sẻ, ngô thóc, săn khoai đã nằm chật bồ, bèn thong dong ngay quán bên đường. Nhòm vào trong thấy nồi nước dùng sôi cuồn cuộn như lòng cụ sáng hôm qua. Gần năm rồi, cụ chưa được ăn phở gà lần nào. Khi trông bảng giá ba mươi ngàn, ba lăm ngàn, năm mươi ngàn… cụ đang háo hức, bèn to giọng: - Cho bát phở ba lăm!

Chủ quán nói chung tử tế, Dạ một tiếng rõ to. Cụ còn khôn hơn, cầm bát ngồi quay mặt vào trong, sợ nhỡ nhòm thấy cụ bà nào quen quen ngang qua, tiện mồm gọi, lại phải ngửa cổ chiêu đãi thì việc đang lành… hóa rách.

Ăn xong, cụ mới lững lững ra phố, thong thả tìm nơi bán điện thoại. Người qua lại đông đúc. Xe xuôi ngược tít mù. Trời còn sớm, chưa có cửa hàng nào mở. Cụ đành xăm xăm băng nẻo công viên. Trời mới sáng ra, mấy cụ ông cụ bà đang ngồi chuyện trò. Ba bốn ông dắt chó tìm chỗ cho nó giải quyết. Cụ thừa biết những người ngồi trên ghế đá không nói xấu con giai con gái, con dâu con rể thì cũng thở than cho tuổi già đã qua bao nhiêu vinh nhục, bão táp phong ba. Chả lẽ để ba cái thứ nhung nhăng làm vướng niềm vui của cụ, cụ bèn rẽ sang lối khác, tìm cửa hàng khác. Bây giờ, cửa hàng đầy, mua gì cũng có.

Tuổi già cũng lạ. Đi đứng chật chưỡng, bước đồi bước vực. Chưa được mấy cây số, tai đã ù, mắt đã u, hơi thở đã ú, cụ bèn lù đù… đứng dựa vào gốc cây, chợt thấy tấm bảng to dài Cửa hàng điện thoại ngay trước mắt. Mừng quá, quên mất đã tuổi tám mươi, cụ vùng đứng lên, rảo chân băm bổ. Suýt nữa bổ chửng bổ chảo, may mà cụ gượng được, hì hục bước vào. Trông cụ tựa đứa trẻ học hành có kiến thức nước đổ đầu ngan, vào phòng thi, sợ cụ quỵ xuống, gây phiền hà đầu ngày, chủ cửa hàng nhìn ra, vội ngoảnh mặt đi, coi như không biết.

- Đừng tưởng nhé! Cụ mày đã từng là người được mấy em trẻ măng (giờ cũng thành cụ bà rồi) bán bia ngày xưa mong giờ phút cụ đến mở hàng cho đấy!

Nghĩ thế để cho nó biết vía cụ cũng tốt, không được như chúa Chổm cũng gần bằng, cụ bèn ra oai, bước vào.

Chẳng ngoảnh mặt đi được mãi, nó quay lại, cười điệu cười như Đổng Trác: - Chào cụ! Mời cụ xem!

Miệng nói tay chỉ, nó mặc cụ dạo quanh quầy.

Chao ôi! Sao mà nhiều điện thoại thế, như Tổng kho Long Bình vậy. Cụ run rẩy trỏ vào chiếc điện thoại mặt to như chiếc bàn là, hỏi giá.

Nó trừng mắt:

- Cụ ở đâu?

Cụ cũng trừng mắt:

- Tôi ở đây!

- Cái này là vẽ để quảng cáo. Không phải để bán! Có bán cũng không dùng được!

- Thế thì cụ biết rồi! Thuở xưa, vào cửa hàng mậu dịch. Hàng hóa ít nhưng chỗ nào cũng ghi Hàng mẫu không bán. Bây giờ mọi thứ phát triển, hàng làm mẫu vẽ vẫn không bán nhưng vẫn bán những mặt hàng khác, không làm mẫu.

Chủ cửa hàng ra bộ thông cảm với ông già hơn cả tuổi Khốt ta bít, hơn cả tuổi ông nó: - Cụ muốn mua điện thoại loại nào?

Cụ bèn nhìn nó, e hèm! Sửa giọng, nói cho rõ: - Có máy nào một triệu không?

- Máy một triệu không dùng nữa rồi!

- Thế hai triệu? Cụ hỏi và nghĩ ngay đến mặt cụ bà sẽ gặp trưa nay.

- Sang hàng khác mà mua? Ở đây không có đâu!

- Ơ! Cái thằng mất dạy này! Cụ mà tức lên, mặt mày cứ gọi là ra bã!

Dọa ngầm một câu thế thôi chứ nếu bạo mồm bạo miệng thì chưa kịp hở ra, mặt mũi cụ không khéo tan tành rồi. Thế nhưng cụ cũng cương, không nói không rằng, không sang hàng khác. Tuổi già, kinh nghiệm đầy đến tận cổ, không nói năng, không hành động khi đang trào lên cơn tức tối. Cụ lững thững đi lại loanh quanh, chờ hạ hỏa: - Máy đắt nhất bao nhiêu?

- Ba chục, bốn chục triệu!

- A! Thằng này xẵng, cụ mày ngần này tuổi, mày phải thưa gửi cho đàng hoàng nhé! Nghĩ bụng vậy, cụ nhẹ nhàng. Nhẹ nhàng để nó học tập, sau này đừng xẵng với người hơn tuổi nữa:

- Giai ơi! Thế còn thấp nhất?

- Mười triệu!

Nó cũng nhấm nhẳng, nói trống không.

Cụ tức lắm rồi đấy! Trong cổ có cục gì nút lại. Cụ bèn làm thinh, ngúc ngắc một lúc cho cái cục ấy biến đi, cao giọng: - Giai cho cụ xem mua cái nào cao cao chứ mười triệu thì dùng gì?

Nó nhìn cụ, ngạc nhiên gần như cụ đã ngạc nhiên sáng hôm trước. Chỉ dẫn cụ nhẹ nhõm hẳn, mời đến ngăn riêng, nó ra ý để cụ thỏa sức lựa chọn. Đã lỡ rồi. Xảy chân thì đỡ bằng sào/ Xảy miệng thì đỡ làm sao bây giờ? Cụ ra dáng ung dung của người trong túi có tiền, lượn ra lượn vào, đi đi lại lại. Nhìn ngó một lúc chừng đã chán, cụ từ tốn cho nó thấy không phải người nào có tiền cũng lên mặt, hung hăng: - Giai cho cụ mua cái này!

- Mười bốn triệu, cụ ạ!

- Gói lại cho cụ!

Thế là mắt nó sáng ra. Mắt cụ kém cứ ngỡ thằng nào mất nết bật đèn pha, khiến căn nhà đang tối, chợt sáng quắc. Gói tất cả máy, cục sạc, tai nghe… cho vào túi, nó toan hướng dẫn cách sử dụng để cụ về, đỡ lúng túng. Cụ biết tuổi già chứ nó đã già đâu mà biết. Ở tuổi này, nhớ nhớ quên quên là chuyện bình thường. Mày có nói thì cụ quên ngay khi chưa kịp bước ra, bèn lên giọng: - A! Cái thằng này! Mày tưởng cụ mày không biết sử dụng chứ gì? Bỏ tất cả vào đây!

Trả tiền xong, cụ hùng hổ bước ra. Chủ quán cũng khôn, nó sợ cụ ngã. Cụ ngã thì cụ chịu, nhưng chỗ nó bán hàng, tự dưng rước phức tạp vào người, rầy rà, phiền toái ra. Đỡ cụ xuống tận đường, nó còn giả bộ kính cẩn: - Chào cụ! Cụ đi cho…!

Mình nghe nó nói, nửa như thanh thản nửa như thong thả. Toan hỏi lại, mắng cho nó một vài, nhưng bóng nó khuất rồi! Thôi thì, chỉ cần hành vi nhịn nhường cũng mang lại bao nhiêu tốt lành lớn lao. Một khoảnh khắc bình tĩnh biết đâu tạo ra nhiều cơ hội quý báu. Con người không ai hoàn hảo, không phải ai cũng đồng tình với chúng ta về mọi vấn đề. Điều quan trọng nhất là chúng ta đối xử với nhau thế nào vào thời điểm khó khăn. Nhiều người đã vì sự nóng giận mà đánh mất bản thân, nhẹ là tài sản, nặng là mất đi tình thân hoặc thậm chí tính mạng. Sự nhường nhịn giúp chúng ta yêu thương, chia sẻ, hiểu biết nhau hơn, cung cấp cơ hội cho nhau để cùng sửa chữa và phát triển. Người biết kiểm soát cảm xúc mà đối xử với người khác một cách tử tế mới đáng kính trọng.

Thế là cụ từ từ bước đi trong trạng thái hạnh phúc thảnh thơi. Nếu mà nhanh được, chả cần lời mày nhắc đâu, chủ Cửa hàng điện thoại nhé!

Cái lo bắt đầu nổi sóng trên đường. Con mụ vợ to mồm chắc biết mất tiền đang hằm hằm cầm gậy chờ cụ. Cụ coi chuyện thường. Một sự nhịn là chín sự lành. Mấy lần bị đập sau rồi cũng êm đềm dịu mát cả. Sợ là sợ mặt mụ như đeo đá, lầm lầm lì lì, hỏi không nói, gọi không thưa. Lâu dần không khéo, đùa thành thật, hóa câm mồm lệch mặt thì khổ.

Về nhà, may mà mụ đi vắng. Mở máy ra. Trăm cái khó khăn mới dồn dập tới. Chả biết bấm vào đâu.

Cụ ngồi dạng chân ra. Ấn ấn, chấm chấm, không thiết gì ăn uống nữa. Các cháu lấy làm lạ, gọi hỏi. Cụ quát chúng để cụ yên. Suốt nửa ngày liền, ăn không no, ngủ không đẫy giấc, chỉ lo máy không sáng, chỉ lo máy không hiện hình, không hiện chữ. Lọ mọ đánh vật hàng tiếng đồng hồ mới gõ được. Mồ hôi mồ kê vã ra. Mấy đứa cháu khiếp vía, tưởng cụ vừa mới tắm xong. Ngồi mà nước chảy ròng ròng. Cụ cũng mặc kệ, không biết đến bao giờ mới hết lo, không biết bao giờ mới gọi, mới gõ, mới bấm, mới đánh máy được. Trong khi đó thì điện thoại, tin nhắn, Macege, Fecebook, za lo… của bạn bè cứ tới tấp ập tới, tới tấp leng keng, tới tấp chít chít, không trả lời kịp, tức đến phát khóc.

Cũng may, mồ hôi hòa nước mắt nên các cháu không biết cụ đang xúc động. Cụ viết mấy dòng này để bà con anh chị em đọc, coi như lời thổ lộ những khó khăn như người đang ngã, giãy giãy giữa vườn cây cải ngồng, mong chờ sự thông cảm với cụ đã già này!

Cẩm Bình. Ngày 05/07/2024.




VVM.20.9.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .