Những người ở đây hình như không để ý đến biển, nên những sáng, những chiều hầu như chỉ có mình Thiện bay nhảy, lặn hụp với biển. Biển hoang sơ vắng vẻ, thi thoảng mới có vài chiếc ghe từ làng cá phía Nam đi, về. Thiện thường nằm dài trên cát ngắm trời mây hoặc đi nhặt vỏ sò, đá cuội đủ mầu sắc về để đầy trong phòng mình, nghĩ rằng có dịp chúng sẽ trở thành của quý khi được tặng cho những người bạn ở Sài Gòn hoặc quê nhà. Sau một thời gian, Thiện không còn ra biển mỗi ngày nữa vì chàng phát hiện ra những đồi cát. Vùng đất quanh năm nắng hạn này có bạt ngàn đồi cát, thỉnh thoảng mới có một mảng xanh là những cây gai hoặc xương rồng. Mùa mưa đến chỉ vài cơn ào ạt rồi hết, đồng cát xanh lên vài đám cỏ còi cọc rồi nhanh chóng khô vàng. Vậy mà những bầy bò, bầy dê, bầy cừu hàng trăm con được chăn thả nơi này, cho dù có những con bò suốt đời chưa bao giờ được một lần no căng bụng. Trong bộ ảnh của Thiện ngoài những cảnh biển bình minh và hoàng hôn, những mầu sắc lạ của vỏ sò, con ốc, còn lại là những đàn gia súc. Những đàn gia súc ra khỏi chuồng vào sáng sớm, được mặt trời vẽ một viền sáng trên lưng, cho đến những buổi chiều về bầy cưù lẫn trong nắng, trong sắc vàng của bụi mù, cảnh thật đẹp rực rỡ như tranh, làm Thiện đốt không biết bao nhiêu phim…
Một sáng chủ nhật. Thiện chạy xe vô định qua mấy đồi cát với hy vọng sẽ tìm thấy một cảnh đẹp cho bộ ảnh. Bất ngờ trên trãng cát trắng, có một bóng đen, thật ra là một người . Một thiếu nữ ! Chung quanh cô ta bầy dê hơn trăm con, trở thành những chấm đen trên cát. Bộ quần áo mầu xanh đậm, găng tay, khẩu trang… kín bưng, nếu không có mái tóc và đôi mắt có lẽ Thiện cũng không nhận ra đó là một cô gái. Khi Thiện đưa máy đến gần, tính bấm một kiểu bán thân thì cô gái xoay mặt đi chỗ khác. Thiện làm quen:
-Cho tôi chụp một tấm thôi mà ! Không thấy rõ mặt đâu.
-Không được đâu, xấu lắm !
Thiện năn nỉ thế nào cũng không chụp được dù khuôn mặt bị che kín chỉ chừa có đôi mắt ! Lần đầu Thiện gặp Hương như vậy đó.
Gần một năm sau, Thiện quen biết cả gia đình Hương và những hộ người Chăm làm nghề chăn nuôi trong toàn khu vực Thiện ở. Hương là người con gái thứ tư của ông bà Tha. Các chị Hương đã lấy chồng và đều ra riêng, còn cô bé là con gái út sẽ giữ quyền thừa kế của gia đình. Hai người anh trai của Hương cũng đã lập gia đình và theo vợ, thỉnh thoảng mới tạt về thăm nhà một tí cũng như con gái người Việt theo chồng lâu lâu mới về thăm cha mẹ. Các hộ chăn nuôi ở đây đều có nhà cửa đàng hoàng ở làng Chăm cách khu chăn nuôi vài chục cây số. Họ ở trong những căn nhà tạm, sát chuồng gia súc, có người làm nhà vách đất, có người xây gạch, mái lợp tôle hoặc ngói, sàn luôn tráng ciment. Nhà ông bà Tha cũng vậy, căn nhà nhỏ lợp fibro ciment, phủ lá dừa lên trên, vách đất, cánh cửa bằng tre đan. Vài ô cửa sổ nho nhỏ, xinh xinh được làm bằng những thanh tre nhỏ cắm từ vách đất. Hàng rào là những cành trâm bầu nâu đen. Cứ hai cây trứng cá là có chiếc võng treo sẵn suốt ngày đêm…Chuồng dê, chuồng cừu là những căn nhà sàn thoáng mát sạch bong, nhìn vừa mộc mạc vừa có cái gì đặc biệt lạ lẫm khiến Thiện chụp không biết bao nhiêu hình mà kể. Cái thói quen đi đâu cũng mang máy ảnh của Thiện hoá ra là phương tiện để Thiện được gần gũi Hương cùng với những gia đình người Chăm làm nghề chăn nuôi ở đây. Bộ ảnh của Thiện có nhà ở, có đồng cát, có đàn bò, đàn dê, đàn cừu cho đến những hoa xương rồng và Hương. Hương có vóc dáng như tượng thần nữ nhảy múa trên các tháp Chăm, nước da trắng, làn môi hồng của cô bé làm nhiều cô gái mơ ước. Đôi mắt nâu đen, hàng mi dài rất đặc biệt của người Chăm cùng chiếc mũi thon xinh làm Hương có một vẻ đẹp mộc mạc mà thanh thoát. Khi đã quen thân, có những buổi trưa, Thiện vác xe chạy vào bãi thả gia súc tìm Hương, dưới những cây cốc núi xanh mát hiếm hoi chỉ để nói với Hương mấy câu, hoặc bảo hương bỏ khẩu trang ra để được nhìn mặt, một lát rồi về…
Làng Hương là một làng thuần dân Chăm. Ngoài con đường chính trải nhựa còn lại là những lối đi toàn cát, ngang dọc như bàn cờ, chỗ nào cũng có bóng mát của những cây me cổ thụ. Nhà cửa hầu hết được xây bê tông, lợp ngói, có đủ các công trình phụ đường hoàng. Trong làng có hai thánh đường, một đạo mới còn một đạo cũ dù rằng cả hai đều là Hồi giáo. Gia đình ông Tha theo đạo cũ, có những qui luật riêng mà Thiện phân biệt được là người đạo cũ quấn khăn trắng trên đầu còn đạo mới thì đội cái mũ trắng như cái bánh tiêu. Họ cùng tiếng nói, cùng phong tục, cùng học và làm theo kinh Koran nhưng khoảng cách giữa hai đạo cũ và mới còn đậm nét lắm . Thiện theo ông Tha và bà con về làng Chăm mới thấy rõ những dị biệt ấy.
Sáng ngày 30 tháng chạp lịch Chăm, cả làng đi tảo mộ ở khu nghĩa địa cách làng vài cây số. Mỗi ngôi mộ được thể hiện bằng hai hòn đá núi tròn cách nhau khoảng hai mét, những ngôi mộ liền nhau tạo thành hai dãy đá dài hằng trăm mét song song . Dù rằng, Khi lập gia đình, người đàn ông theo vợ, nhưng khi chết thì chôn cất theo gia tộc, huyết thống của mình. Khi hai hàng đá song song ấy bỗng dưng có hai viên đá bị lệch ra ngoài độ nửa mét, có nghĩa là có người được chôn không thẳng hàng. Thiện thắc mắc, ông Tha trả lời đó là người lúc sống đã mắc tội với đời, với đạo, có hành động phản lại dân tộc, xóm làng, làm trái với những luật dạo như lấy chồng hay lấy vợ khác dân tộc, khác đạo mình…
Thiện theo ông Tha đi ăn tết các nhà người quen ở Long Sơn về. Cũng thịt gà luộc, cũng cá kho, thịt nướng , rượu đế giống nhau cả, nhưng Thiện phải đi gần hết 20 gia đình để thăm và chúc mừng năm mới. Đêm giao thừa có Văn nghệ ngay sân vận động giữa làng, Thiện được xem Hương cùng những thiếu nữ khác trong trang phục truyền thống hát múa một số bài hát dân gian với tiếng trống Paranưng. trống Ghi Năng, kèn Saranai …Thiện say, ngất ngây vì rượu và ngất ngây vì nhan sắc của những cô gái…Hai ngày ở làng Chăm, lúc nào chàng cũng ngà ngà như vậy. Chiều ngày tết thứ hai, khi tiếng trống được thầy cả đánh lên từ trong chùa báo tin ngày tết đã hết, mọi người trở về lại Long Sơn. Những người bạn Chăm của Thiện thay những bộ trang phục truyền thống bằng đồ lao động, đám thanh niên lại quần bò, áo thun…
Chiều ngày thanh minh, Hàng trăm người đàn bà mặc toàn đồ trắng – Aùo dài, váy, khăn đều trắng, đội lễ cúng lên chùa . Thiện háo hức đi lễ theo vợ chồng ông Tha và Hương. Thiện mặc thêm cái chăn trắng bên ngoài chiếc quần tây, đầu quấn chiếc khăn trắng viền hoa văn vàng đỏ, thêm mầu da sạm nắng, trông chàng chẳng khác gì người Chăm thật. Gặp những người mới quen, chào bằng tiếng Chăm Thiện không hiểu gì, cứ ngớ ra, lúc ấy mới bị phát hiện là Chăm giả ! Chàng được bố trí ngồi trong nội điện, cạnh những ông thầy chang, trong khi hàng mấy trăm người khác lễ từ ngoài sân bên những mâm lễ chờ làm phép không đưa vào được trong chùa . Trong khi hành lễ, thầy Chang và mọi người cầu nguyện toàn tiếng Chăm, Thiện chỉ nhìn quanh quất từ bàn thờ có biểu tượng hồi giáo, rồi ngắm những ông thầy Chang vừa cầu nguyện vừa ăn trầu, hút thuốc, uống trà…Thế ra trong mâm lễ vật ngoài trái cây, chè xôi…còn có trầu cau và thuốc lá là phần của các thầy, hình như trong ấy còn có tiền nữa, đó là lộc, là quyền lợi của các thầy ( ! ), vì để được làm thầy, ứng viên phải là người Chăm thuần chủng, gia đình chưa hề vi phạm luật đạo. Ngoài chuyện phải học hành chữ Chăm cổ, kinh sách từ các thầy lớn tuổi, ứng viên phải làm tiệc đãi đằng cả làng khi được công nhận hay lên chức, rất tốn kém, không phải ai muốn cũng được. Ngồi xếp bằng , như kiểu ngồi bán già bên Phật giáo mãi, Thiện thấy mỏi, mới đổi thế ngồi chân nằm chân đứng. Vừa mới co một chân đứng lên thì ống quần tây mầu đen của Thiện lòi ra ngoài cái chăn trắng ! Thấy kỳ, chàng vội lách đám đông ra ngoài. Thấy chàng ngoài sân, ông Tha hỏi :" Sao ông không ngồi trong đó ? Ông được ngồi bên trong là khách quý đó, biết không ? ". " Ngồi xếp bằng mỏi quá, tôi mới co lên thì lòi cái quần đen ra, mắc cỡ quá !". Thiện vừa nói xong, đã có người ngồi xuống ngay, bẻ ống quần tây lên cao mấy nấc như choàng ôm hẳn vào phần dưới của Thiện. Hương đó ! Sự va chạm đầu tiên ngắn ngủi này làm Thiện chợt rung động và từ đó chàng không còn vô tư với Hương nữa.
Thiện đem chuyện chuyến đi kể cho anh Tâm, trưởng phòng Kỹ thuật nghe, Tâm cứ "trợn mắt", nhất là khi Thiện khoe món canh thịt dê nấu có vị như canh cá nấu chua, món lòng bò nướng chấm mắm nêm, món cá trê nấu rau đắng có cả gạo tấm và cả món chè nấu bằng nhựa cây "trum" nhơn nhớt… Nghe xong anh Tâm kết luận cho một câu :" Người Chăm họ hay sử dụng bùa lắm đó, có ngày cậu sẽ bị bùa của họ thì hết thuốc chữa !". Thiện cứ lờ đi, thầm nghĩ giá mình bị bùa của Hương…
Vì ở cùng một làng, những người Chăm chăn nuôi sống với nhau như ruột thịt. Có con gà, con vịt gì cũng mời nhau. Thiện thường được tham gia với họ. Ít có người Việt nào đến chòi của họ ngoài những người chủ bò, chủ dê… Buổi chiều khi đàn gia súc đã về chuồng, họ thường khề khà với nhau bên ly rượu. Biết được thói quen này Thiện hay đến với chai rượu với ít mồi mua ngoài thị trấn. Đột xuất, không có mồi ngon thì con cá khô, trái xoài cũng xong. Có cuộc vui, Thiện đem theo cây đàn ghi-ta để đệm cho họ hát những bài hát truyền thống. Điều này làm Thiện thích thú giống như khi chụp được những kiểu hình của Hương với khăn áo Chăm vậy.
Có lần, khi tất cả dê bò đã về chuồng nhưng Hương chưa về. Thằng bé Sang cùng đi chăn dê với Hương đã về từ lâu. Hỏi ra mới biết Hương đi tìm một con dê đẻ. Thiện theo Ông Tha và thằng Sang đi tìm Hương. Thống nhất ba người đi ba hướng khi đến chân núi thì phải quay về. Thiện men theo con suối cạn, chưa đến chân núi thì gặp Hương. Trên tay Hương là một chú dê con vừa sinh, còn con dê nái thì chạy lúc thúc theo sau. Chiếc nón lá hất ngược ra phía sau gáy, không còn mang khẩu trang, những sợi tóc ướt mồ hôi dính bệt vào má trông Hương vừa cực nhọc vừa tội nghiệp.
-Ba nói cần thiết để ngày mai đi tìm về cũng được . sao em di về trễ thế ? Cả nhà cứ lo !
-Em vẫn đi tìm dê như vậy mà ! Sáng nay em thấy con đốm nó muốn sinh con rồi, nên lúc đi về em nhìn thấy thiếu nó là em biết liền.
-Nó đi đẻ xa thế à ?
-Giống dê nó vậy đó anh. Nó trốn bầy, tìm đến một nơi xa, khuất rồi mới đẻ, chiều đến vẫn theo bầy về, ngày mai lại tìm đến cho con bú. Như con đốm này, nếu em không gặp chắc nó sẽ ở miết dưới cái hố đá vì không leo lên được.
Tôi đưa tay về phía Hương :
-Hương đưa anh bế giúp cho một đoạn. Đỡ mệt !
-Không được đâu anh ! Không nặng nề gì đâu mà anh lo để em bế nó được rồi.
Hết đoạn dường dốc, Hương ra dấu cho Thiện dừng lại. Cô bé ngồi xuống một mõm đá :
-Nghỉ một tí đã anh Thiện !
-Hương mệt lắm phải không ?
-Em nghỉ chút xíu là khoẻ ngay ấy mà, Tại em phải đưa cả mẹ lẫn con nó lên khỏi hố, nên hơi cựcvà mất thời gian như vậy.
Thiện ngồi cạnh Hương. Trời đã ngã về đêm nhưng vẫn còn sáng, một thứ ánh sáng của vùng cát. Gió dìu dịu thổi vào mang theo hơi biển. Thiện nhận được mùi đồng cát khô sau một ngày nắng cháy và cả mùi thơm dịu dàng của tóc Hương.. Thiện nắm lấy tay Hương :
-Mai mốt anh sẽ ở đây luôn với em, Hương nhé !
-Làm sao mà được ! Anh là người thành phố mà, anh đã quen ở thành phố rồi làm sao ở chỗ nắng nôi này được ? Bộ anh Thiện tính đi chăn dê, chăn cừu như tụi em á hả ?
-Mình sẽ không đi chăn dê, chăn cừu, nhất là chăn thuê cho người ta nữa. Anh sẽ mua dê, rồi thuê người như thằng Sang ấy đến làm, mình chỉ quản lý thôi.
-Là em phải cưới anh Thiện á ? Không được đâu vì anh Thiện đâu phải người Chăm, em chỉ được cưới chồng người Chăm thôi !
-Em không phải cưới anh mà anh cưới em chứ !
-Người Chăm em chỉ được lấy người chăm thôi, cùng là người Chăm mà khác đạocòn không được nữa là…
-Ngày xưa vua Chế Mân của em cưới công chúa Huyền Trân của anh, họ đâu có cùng dân tộc, cùng đạo đâu ! Chị Nhung, bác sĩ lấy anh Ban, kỷ sư nông nghiệp dưới Huyện em thấy không ? Có sao đâu, họ vẫn hạnh phúc mà.
-Nhưng em không dám đâu !
-Yên chí ! Từ từ anh tính rồi đâu sẽ vào đó…
Chiều ấy, Thiện về với bao nhiêu dự tính cho tương lai. Hương xinh đẹp, khoẻ mạnh, ngoan hiền và tốt bụng, với Thiện sẽ là một người vợ lý tưởng. Thiện sẽ có một bầy gia súc và Thiện sẽ làm công việc quản lý, sáng chiều kiểm tra, chăm sóc thuốc men như ông Tha vẫn làm, Hương ở nhà nội trợ, rồi Thiện sẽ có những đứa con xinh đẹp, khoẻ mạnh… Chắc mẹ Thiện sẽ bằng lòng thôi vì mẹ rất thương và chiều Thiện kia mà !
Cuối tuần ấy, Thiện chưa kịp ra khu chăn nuôi thì chính vợ chồng ông Tha tìm đến nơi Thiện ở. Hoá ra, từ lâu, ông bà Tha nhắm sẵn một mối cho Hương rồi. Đó là con trai một thầy Chang trong làng và hai gia đình đã đồng thuận cuối năm làm lễ cưới. Không biết Hương đã kể thế nào mà bà Tha đã tha thiết nói với Thiện :" Anh đừng quen con Hương nữa vì gia đình mình đã hứa với bên kia rồi, đó là một gia đình uy tín trong làng, chúng tôi không thể nuốt lời được. Anh nên thương chúng tôi…" Dù bất ngờ nhưng Thiện cũng hiểu, chàng trấn an ông bà Tha :" không có gì đâu và sẽ không bao giờ có gì xảy ra, chú thiếm yên chí ! "
Từ đó, Thiện không ra khu chăn nuôi , không đến những gia đình người Chăm quen biết và không còn tìm đến Hương nữa cho dù Thiện rất nhớ Hương. Thiện buồn như đánh mất một cái gì quý báu, chắt Hương cũng vậy thôi, nhưng còn biết làm gì hơn ! Thiện trở lại trạng thái khó chịu với khí hậu vùng muối khắc nghiệt này giống y như những ngày mới đến. Cái hợp đồng lao động của Thiện với công ty chỉ còn một thời gian ngắn nữa thôi…
Chiều nay, Thiện lại ra biển một mình. Thiện hít thở thoải mái gió biển, lang thang cho đến lúc trời gần tối chưa muốn về. Thiện nghĩ đến Hương, nghĩ đến vùng cát với nắng hạn nghiệt ngã Hương là một loài xương rồng trắng, một loại hoa cát mộc mạc, thanh khiết, lớn lên và gắn bó với nơi này…