Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
         



THẰNG HỀ



T hằng hề có cái mũi đỏ choen choét như treo lúc lắc quả cà chua trên cái mũi ấy. Hàng ngày nó hay đi qua con phố này, ngồi nặn những quả bóng bay thành đủ các hình thù, rồi chia cho bọn con nít. Tụi trẻ con thích nó. Người lớn cho nó tiền.

Nó xin được vào một gánh xiếc rong nào đó. Cái gánh xiếc nghèo nàn. Nó vẫn làm cái việc của một thằng hề. Ngày ngày nó bôi cái mũi đó choét như quả cà chua, và nhảy múa, và tung đĩa. Phải nói, nó diễn trò tung hứng với những chiếc đĩa giỏi lắm. Nó vừa tung, vừa cười. Cái thoáng nó nhăn mặt chớp qua, chẳng ai kịp nhận ra.

Rồi nó trở thành một thằng hề có tiếng. Người ta mời nó đến diễn ở những nơi có nhiều trẻ con, và những ngày lễ dành cho trẻ con. Nó cười tí tởn. Đứa trẻ con nào cũng háo hức được nhìn thấy nó. Thằng hề, gặp là cười, cười là vui. Nhưng chỉ có trẻ con thích nó, reo hò tán thưởng nó. Người lớn ít khi để ý đến nó. Họ đến gặp nó chẳng qua vì con cái họ, và họ chẳng bao giờ tán thưởng, họ ngồi im hoặc quay sang nói chuyện với nhau khi nó diễn. Những trò hề của nó quá nhạt nhẽo so với sự phức tạp trong cuộc đời họ. Thằng hề nghĩ, “một thằng hề không hiểu nổi những người bình thường nghĩ gì và sống thế nào. Thằng hề chỉ có cuộc sống của thằng hề mà thôi”. Chỉ có trẻ con mới hỏi nó rằng “Làm hề lúc nào cũng được cười. Thích nhỉ?”, “Bố mẹ cho con đi làm hề giống thằng hề nhé”.

Thỉnh thoảng sau những màn trình diễn, có vài đứa trẻ con hồn nhiên chạy lại hỏi nó ngay trên sân khấu

“Thằng hề có bố mẹ không chú?”

Nó cười hí hí, tung hứng mấy chiếc đĩa. Đứa trẻ con bị cuốn mắt vào những chiếc đĩa ấy, lại cười háo hức với nét mặt của thằng hề đến nỗi nó quên luôn câu hỏi khi nãy.

Ai thèm quan tâm đến điều đó làm gì chứ. Thậm chí ngay cái tên của nó cũng chẳng có ai cần phải biết. Nó đơn giản được gọi là thằng hề. Nó vui với cái tên đó, vì nó sẽ chẳng phải mất công nghĩ ngợi một cái tên thật kêu để đi làm nghề cho nó nổi bật. Nó cũng không mất công phải nhớ, nhớ cho bằng được chuyện ngày trước bố mẹ nó đặt tên nó là gì. Nếu người ta bắt nó đưa ra một cái tên, nó sẽ phải vắt óc cả ngày mà suy nghĩ, rồi nhớ. Nó phải nhớ từ chuyện nó có được bố mẹ sinh ra không, cho đến chuyện bố mẹ nó đặt tên nó là gì. Hồi bé nó tên gì và lúc lớn nó tên gì. Ôi, phức tạp quá, rắc rồi quá. Nó không bao giờ liên kết được nhiều vấn đề như thế cùng một lúc đâu. Nó là một thằng hề. Nó đã biết điều đó từ lúc nó biết nghĩ, biết nhớ.

Thằng hề ở lại luôn ở rạp xiếc. Nó ăn những bữa cơm nấu vội của một bà đầu bếp dở ẹc mà người ta chỉ bỏ ra một số tiền nghèo nàn để thuê về. Nó dành hầu hết thời gian của mình để luyện tập thành một chú hề. Chỉ có mỗi tối khuya sau khi diễn xong, nó mới được chui vào cái ổ của mình, và trở về làm nó. Mà nó là ai. Nó là thằng hề. Nó chẳng biết ai khác ngoài thằng hề.

Đêm nay nó không vội chui về tổ của mình. Nó còn mải say sưa với trò tung hứng mới. Nó cứ mân mê mãi, đuổi bắt mãi. Nó thấy bàn chân đang không còn chạm đất nữa, cảm giác người nhẹ bẫng đi, và nó bắt đầu bay lên. Nó nhìn thấy nó còn chập chững đi, nó và mẹ nó hay ngồi ở hiên nhà ngóng bố nó đi làm về. Nhà nó bé tẹo. Bố nó nhìn nó hằm hằm, vứt cuốc ra sân rồi hét lên gọi mẹ nó dọn cơm.

Nó nhớ những cốc rượu to ừng ực bố nó ngồi uống một mình. Nó ngồi nép sau mẹ. Nó khóc to khi nghe thấy tiếng bố nó quát. Bố nó giơ luôn chiếc bát đang ăn, ném thẳng vào mặt nó. Mẹ nó quay lại bế thốc lấy nó chạy đi. Tiếng bát rơi xuống nền gạch, loảng loảng loảng xoảng. Tiếng bố nó hét lên “Cút đi. Cút hết đi. Quân khối nạn”.

Mẹ ôm nó về. Mâm bát đã chẳng còn cái nào lành. Bố nó ăn no rồi đã đi đâu. Mẹ nó ôm nó, xoa xoa đầu nó, miệng cười roi rói. “Sắp đến giờ đi ngủ rồi đây. Đi ngủ nào. Đi ngủ để mẹ dọn nhà”. Mẹ nó cười. Nó nhớ được cái nụ cười ấy của mẹ. Chả biết là có lần nào mẹ cười nữa không mà nó chỉ nhớ được có lúc ấy. Nó nhảy nhảy lên, làm mặt xấu, lêu lêu. Nó đã biết làm thằng hề từ lúc ấy. Nó nghe tiếng mẹ cười.

Rồi bất chợt một giọng nói khản đặc khó chịu đã lôi tuột nó từ trên không trung xuống đất.

“Đầu óc mày cứ ngơ ngơ thế, bao giờ mới thành thạo được, không chừng lại ngã bầm dập mặt bây giờ”

Bà đầu bếp có cái mặt vuông vức hình chữ điền như đàn ông đang nhìn thằng hề bằng ánh mắt chế giễu, ái ngại. Nó đột nhiên bực bội vì sự xuất hiện của bà đã khiến nó không thể nhìn thấy nụ cười của mẹ nữa.

“Kệ tôi”

Nó cạu khuôn mặt lại nhìn mụ. Đàn bà gì mà xấu đáo xấu để. Mặt phệ, mũi to, tóc tai lúc nào cũng bù xù như không bao giờ được chải vậy. Bình thường mỗi bữa phải ngồi ăn cơm với mụ, nó lúc nào cũng ăn qua quýt vội vàng để khỏi phải nghe những câu chuyện luyên thuyên của mụ. Mỗi lúc nó vội vàng đứng dậy đi ra khỏi bếp, mụ đều nhìn nó bằng ánh mắt gờm gờm như con tinh tinh muốn ăn tươi nuốt sống con mồi vậy.

Nó không thích mụ, chính xác hơn, nó sợ mụ. Nghe tiếng mụ nó đã sợ. Cái giọng khàn như sấm của mụ khiến nó cảm thấy trời đất sắp có bão lũ ập đến, buồn bã thảm thiết.

Thế những nó đã nghe cái giọng này gần được chẵn chục năm rồi.

“Đi vào bếp ăn cơm để tao còn nghỉ. Muộn rồi”. Mụ vừa làu bàu vừa đến lại gần nó, lôi cái tay nó xềnh xệnh ra ngoài.

Nó vừa giằng ra vừa cấu vào tay mụ: “Kệ tôi. Tôi không thèm ăn cái thứ thức ăn dở tệ của bà đâu”

Mụ không phản ứng gì. Mụ đã quá quen với những giận dỗi, hờn lẫy của nó nên mụ chỉ càng túm chặt tay nó lôi đi, còn cái thân thể gầy nhẳng của nó thì không thể nào thoát khỏi bàn tay to như hộ pháp của mụ.

Trước mặt nó là một mâm cơm đầy thức ăn.

Nó cúi xuống ăn lấy ăn để.

Cơm ngon quá khiến nó lạ lẫm, nhưng vì thức ăn ngon quá, nó ăn ngon quá nên bỗng chốc nó chỉ tập trung vào mâm cơm mà chẳng còn nghĩ ngợi điều gì khác. Nó cũng chẳng ngẩng mặt lên nhìn mụ lần nào. Cho đến khi mâm cơm vơi đi, nó chợt nhận ra, hôm nay mụ chẳng nó gì. Điều này khiến nó thoải mái nhưng lại nhen lên trong lòng nỗi mơ hồ lo lắng.

Nó cố gắng mở lời, định hỏi mụ gì đó, nhưng cứng họng.

Nó đành cười, cười khùng khục. Cái mũi đỏ chót chưa được rửa khiến nó trông hề thật hề.

“Sắp có người khác trẻ hơn đến nấu ăn cho mày và ông chủ rồi”. Mụ nhìn nó nói khàn khàn, sắc mặt không hề biến đổi.

Nó nghe rồi. Mụ sắp đi chứ gì. Nó nghe rồi, mà mặt vẫn cười nhăng nhắng. Nó vừa cười vừa bước ra khỏi cái bếp chật chội.

Nó nghe thấy tiếng Mụ khàn khàn phía sau. Nó không quay lại nữa, nó chỉ cười, cứ ngoác miệng cười trong mơ hồ lặng yên.

Nó chui về cái tổ của mình.

Đêm đến thằng hề không cười.

Nó nằm vật ra giường khi rửa sạch chiếc mũi đỏ và ti tỉ thứ màu xanh đỏ khác trên mặt nhưng nó không ngủ ngay được. Cái bụng nó vẫn còn căng tròn vì bữa no ngon lành hôm nay. Đã ngần ấy năm, từ cái ngày đầu tiên nó lẽo đẽo theo ông chủ gánh xiếc về đây. Bữa đó, khi nó đã lả đi vì đói, nó nhớ nó đã xà vào nồi cơm nguội với cái bát canh đặc sệt của mụ mà húp lấy húp để. Hẳn đó là lần duy nhất nó cảm thấy thức ăn mà mụ đầu bếp già nấu có sức cuốn hút mãnh liệt nhất. Nó cặm cụi, vội vàng ăn như sợ ngừng lại thì bát cơm cầm trên tay sẽ bị hất vỡ mất. Cứ như thế, sau buổi tối hôm ấy, ngày này qua ngày khác nó đã phải ăn từng bữa cơm của mụ trong tâm trạng hề nhất. Nó nhớ đến từng bữa cơm mẹ nấu rồi chảy nước miếng thèm thuồng. Nó lại cười hề hề trong từng bữa cơm mụ nấu. Khi mụ quát tháo nó vì cái vẻ cười liên miên của nó, nó cứ cười và nói với mụ rằng: “được ăn là chuyện đáng để cười”. Nó lớn lên, từ những bữa cơm “chả ra gì” của mụ.

Thỉnh thoảng trong những ngày đang lớn ấy, trong đầu nó cũng lợn cợn một vài suy nghĩ mờ hồ về cái người ta vẫn gọi là kí ức ngày xưa. Nó nghĩ đến chuyện có phải ngay từ khi sinh ra nó đã là một thằng hề rồi hay không?

Từ lúc ấy, bao nhiêu năm rồi. Nó vẫn còn nghe văng vẳng tiếng cười rộn rã của mẹ nhưng nó chẳng còn nhìn thấy mẹ nó ở đâu nữa. Bố nó quảng nó ra đường. Nó không nhớ rõ chuyện đó. Nó chỉ biết nó lớn lên ở cái góc đường ấy, và có ai đó đã nhận ra năng khiếu làm thằng hề của nó, dạy cho nó vài chiêu chọc cười con nít. Nó đúng là một thằng hề giỏi. Nó học nhanh và chẳng mấy chốc đã là một thằng hề có tiếng. Sự xuất hiện của nó là một cái dấu xác nhận việc trẻ con sẽ được cười đã đời.

Ông chủ rạp xiếc nhờ nó mà thu thêm bộn tiền, nên nó cũng dĩ nhiên trở thành đứa con được cưng chiều nhất rạp xiếc, ai cũng có vẻ ngọt ngào với nó hơn, chỉ có mụ đầu bếp vẫn không ngừng quát tháo ầm ĩ vào mặt nó mỗi bữa ăn.

Thằng hề giật mình tỉnh dậy giữa đêm. Tiếng quạt máy đã khô dầu xè xè kêu ì ì trong yên lặng.

Nó bật tỉnh dậy. Xung quanh nó là bóng đen bao bọc. Nó đã mơ về một thằng hề khác đang ngồi khóc. Nó cứ tưởng đó chính là nó. Nó đã muốn đến an ủi vỗ về, hoặc bằng một cách đồng cảm hơn là khóc cùng nó. Nhưng nó không khóc nổi. Nó chỉ cười. Tiếng cười khùng khục. Thằng hề kia tức giận và quay sang đánh đập nó. Chiếc mũi của nó đỏ lên hệt như một quả cà chua bị dập be bét.

Nó hoảng hốt sờ lên cái mũi của mình rồi thở phào nhẹ nhõm. Nó cứ ngồi im như thế, mãi cho đến khi nghe tiếng ngáy ồ ồ của mụ đầu bếp ở phòng bên ngoài nó mới cảm thấy yên tâm mà nằm xuống tiếp.

Cái chỗ nằm của nó bé bằng lỗ mũi, người ta cho nó ngủ ở đây cùng với mụ đầu bếp, và cái ông bảo vệ đang ngồi ngoài kia để trông coi rạp xiếc. Nó nhìn vào bóng đêm, nhìn sâu mãi vào trong đó nhưng nó không tìm được thứ gì cả. Nó nghe văng vẳng tiếng cười của mẹ. Gió ngoài kia vẫn thổi phần phật. Nó nghe thấy từng cơn từng cơn ập đến, cứ như tiếng cười đùa giỡn nhau. Nó lại nghe thấy giọng nói khàn khàn như đàn ông của mụ đầu bếp. Nó nhăn nhó ôm bụng. Một cơn đau nhói lên từ bụng, như có một sợi dây đang kéo ngày càng chặt lại trong bụng nó. Nó cố gắng cựa quậy bụng, nhưng càng cựa, sợi dây càng thiết chặt hai đầu lại, nó cảm thấy không thở nổi. Một lần nữa, thằng hề lại lên cơn nôn khan liên tục. Mồ hôi nó vã ra từng cơn.

“Mẹ phải đi rồi”

“Tao sắp đi rồi”

Mẹ đi rồi. Mụ sắp đi rồi. Hàng trăm lần câu nói ấy cứ lặp đi lặp lại như một cuộn băng được tua nhiều lần trong đêm. Nó nhảy múa tưng bừng trong cái bóng đêm vô thức của thằng hề, nó kéo thằng hề ngồi lên, nhào nặn lại từng tiếng, để chúng đóng cục lại trong căn phòng hẹp này cùng thằng hề.

Nó co rúm người lại. Sự im ắng xung quanh khiến nó sợ hãi. Nó muốn ngồi dậy bật đèn. Nó muốn tìm cái mũi cà chua của mình. Nó muốn tìm cái mũ dài thường thượt như cái bơm nó vẫn đội. Thế mà nó không ngồi dậy nổi. Nó cứ nằm im như thế. Người nó không ngừng đổ mồ hôi, nhưng nó vẫn quấn chặt lấy cái chăn mỏng đang để bên cạnh. Sự sợ hãi nhơm nhớp vây đặc lấy nó. Nó nhắm mắt lại cố cầu khấn điều gì đó, nhưng nó chỉ nhìn thấy thằng hề có cái mũi đỏ choét đang đi lại trên phố. Người ta nhìn thằng hề ấy, người ta chỉ trỏ thằng hề ấy, và cười. Lần đầu tiên nó không cười. Nó chạy lại từng người van xin họ hãy ngừng cười. Tiếng cười trên những khuôn mặt ấy khiến nói hoảng hốt. Nó sợ những âm thanh cười phát ra từ cổ họng của họ. Nó sợ cả một không gian người cười. Không có bất kì dấu hiệu nào thay đổi. Nó quỳ gối khóc lóc, van xin, nhưng tuyệt nhiên chỉ là những dáng hình lướt qua như ảo ảnh trên phố. Chuyện thằng hề khóc lóc, chuyện thằng hề van xin dường như là một trò chơi mới của đoàn xiếc. Người trên phố nghĩ vậy, và họ tiếp tục cười ngặt nghẽo, thỏa thuê.

Thằng hề diễn đạt quá. Cái mũi nó cứ đỏ lên mãi. Người cha bế đứa con trai trên tay vẫn không thể ngừng cười. Hề đương đại phải đau khổ bi ai thể này mới đáng xem. Người lớn thích kiểu vừa cười vừa nghĩ ngợi, thích cái hề nhiều chiều phức tạp. Thằng hề này quá giỏi, người lớn nghĩ vậy, và âm thầm ngưỡng vọng tài năng của nó. Nó khóc mà vẫn hề. Nó khóc khiến người ta cười sung sướng. Tiếng cười càng lúc càng tràn trề, nuốt chửng lấy những giọt nước mắt chấp chới của thằng hề. Nó lịm dần trong một cơn mơ cười.

Đứa trẻ con chẳng hiểu vì trời nắng hay vì bắt chước tiếng khóc của thằng hề mà khóc ré lên. Tiếng khóc chói tay trong một buổi chiều rất ư buồn bã. Tiếng khóc ấy kéo thằng hề đi. Người lớn lấy tay xoa xoa đầu đứa trẻ, vỗ về, dỗ dành “Con ngoan, nín đi, nín đi nào. Ba đây. Ba thương.” Thằng hề nghe tiếng nói ấy giật mình, nó nhìn thấy mẹ nó, rồi nó mỉm cười với mẹ như ngày xưa. Nước mắt trên má, gió đã làm khô kiệt rồi. Nó bắt đầu một tràng cười dai dẳng. Nó nghĩ mẹ nó sẽ cười vì nó. Nó bắt đầu chạy trên phố, cười trên phố. Đứa trẻ con đã nín khóc, và người lớn lại quay đầu ngán ngẩm. đúng là hề thật. Rạp xiếc lại quay trở về với trò hề cũ rích mọi khi. Nhưng là trò hề, những trò hề thật giản đơn quá mức. Người lớn không thích cái trò hề ấy. Chỉ có trẻ con là thích. Đứa trẻ con cười khúc khích. Thằng hề cũng cười khúc khích.

“Tao sắp đi rồi”

Nó bật dậy vì tiếng nói đột ngột vọng ra từ nhà bếp. Nó lao vào gian bếp chật chội của mụ. Nó tưởng mụ đầu bếp vẫn đang ngủ, nhưng hóa ra mụ đang ngồi. Nó nhìn thấy mụ từ phía sau với tấm lưng hộ pháp thô kệch.

Tiếng ú ớ của nó khiến mụ đầu bếp giật mình quay lại. Khuôn mặt trắng bệch của nó khiến mụ hoảng hốt, mụ trợn mắt, gào lên, rồi đưa tấm lưng to đùng của mình ra đẩy nó lên lưng cõng về chiếc giường của nó.

Trong lúc nó lịm dần vào một cơn tỉnh tỉnh mê mê khó chịu, nó vẫn loang loáng nhớ, hình như mụ cho nó uống vài viên thuốc to đùng, rồi mắt nó mờ đi, đầu nó không còn nghe thấy tiếng nói cười, tiếng khóc than nào nữa.

Hình như trời đã gần trưa khi nó tỉnh dậy.

“Tao sắp đi rồi”

Tiếng mụ văng vẳng bên tai như hàng ngày vẫn hét lên gọi nó khi giờ cơm đến. Theo một phản xạ tự nhiên nhất, nó lao vào căn bếp của mụ đầu bếp.

Mọi thứ đều được sắp xếp một cách ngăn nắp đến khó tin. Nó chưa bao giờ nhìn thấy những thứ gọn gàng sạch sẽ như thế xuất hiện cùng một lúc trong căn bếp này. Nó nhìn xung quanh tìm mụ. Nó giỏng tai lên cố gắng nghe tiếng khè khè, đanh đá của mụ. Nhưng tịch không hề có một tiếng động nào.

Nó buông thõng cánh tay xuống, cảm giác đôi chân được nâng lên. Nó nghĩ đến màn đu dây hôm nọ bị mụ cắt ngang, rồi thằng hề như được kéo trượt đi.

Không còn dấu vết nào của mụ đầu bếp dở tệ nữa.

..........

“Của đáng tội, mụ ta thật đã giới thiệu cho tao một đứa con gái xinh xắn, ưng mắt lắm, nhưng tao quen cái hơi, cái tiếng nặng trịch của mụ ta quá nên tao chả thể nào thấy dễ chịu với cái cô đầu bếp mới này. Có khi tao phải tìm mụ về. À mà, mụ phen này đi vội vã, kiên quyết lắm, tao có cóc manh mối nào đâu”.

Ông chủ rạp xiếc vừa nhìn thẳng hề tung hứng hai quả táo trên dây vừa lảm nhảm phân trần. Thằng hề chẳng muốn quan tâm nữa, nó quen rồi, mụ đầu bếp dở tệ ấy vốn cũng chẳng ưa gì nó, nên nó không thể nào bày tỏ rằng cảm xúc mất mát về sự ra đi của mụ được. Như thế thì mất mặt quá. Nó sinh ra để chỉ giỏi làm hề cho trẻ con mà thôi.

Cái con mụ này, sao nó dở tệ thế chứ.

“Thằng kia, mày ngừng đu ngay. Xuống đây tao bảo” – Ông chủ vừa lẩm bẩm và khoát tay ra hiệu cho thằng hề đi xuống.

Thằng hề miễn cưỡng ngoan ngoãn vâng lời.

“Mày phen này vớ được vàng nhé. Tự nhiên của một đống tiền rơi xuống”

Ông chủ quán vừa nói vừa rút ra một cuốn sổ màu đỏ đã nham nhở bạc đưa cho thằng hề.

“Của mày tất đấy. Không thể tin được mụ ta gàn dở thế nào mà để lại tất cả vốn liếng tiết kiệm cho mày rồi ra đi được như vậy”

Thằng hề bối rối lật giở từng trang trong cuốn sổ. Từng năm từng tháng vụt qua trước mắt nó, và số tiền cứ ngày một lớn dần lên. Cuốn số tiết kiệm này đứng tên người thừa hưởng là nó thật sao. Cái tên khai sinh mà đến nó cũng quên mất, làm sao mụ biết được, để ghi vào đây. Cái tên của nó, đã bao năm nay trờ thành vật xa lạ, bơ vơ đến thế cơ mà. Mẹ nó, hẳn mẹ nó biết đâu cũng chẳng còn nhớ đã từng sinh ra một thằng bé có cái tên khác tên thằng hề. Nó đứng sững người, rồi sau đó nó nhón chân, nhảy lên dây và tiếp tục bài luyện tập của mình.

Tiếng chân nó nhẹ nhàng, bàn chân di chuyển càng lúc càng mềm dịu. Nó xoay xoay cái mũi cà chua đỏ choét, cứ thế cười, cười mãi, cười mãi cho đến khi tiếng cười xâm chiếm kín đặc đầu óc nó, miên man.

“Mẹ phải đi rồi”

“Tao sắp đi rồi”

Từng tiếng nói nhòa lẫn đi, chìm trong những âm thanh hỗn đỗn. Tiếng quạt máy xè xè. Trời mỗi lúc một nóng lớn. Người càng lúc càng đông. Chỉ còn thằng hề vẫn đang cười.




VVM.15.9.2024.NVA

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .