Tại nơi này, một đô thị lớn luôn sôi động nhịp sống “làm ăn” và là nơi nhập cư của những người “tứ xứ”, hai chữ “Sài Gòn” hiện diện đâu đó đều mang lại cho nhiều người cảm giác thân thuộc, gần gũi, bình dị, khiến lòng nao nao... Đó là vì thành phố có thể thay đổi hiện đại hơn nhưng vẫn còn đó một hệ thống di sản văn hóa vật chất hiện hữu bằng những cảnh quan quen thuộc “trên bến dưới thuyền”, những con đường với hàng cây trăm năm hiền hòa, những công trình kiến trúc nghệ thuật, những ngôi đình, chùa, đền, miếu lâu đời... Và còn là di sản tinh thần của người Sài Gòn “khoan dung, nhân nghĩa, phóng khoáng” không dễ mất đi, có khi chỉ tạm “khuất lấp” bên dưới những bộn bề của một đô thị có quá nhiều vấn đề nóng bỏng trong quá trình phát triển!
Gần 50 năm, thành phố có biết bao thay đổi, bao nhiêu người đến đây rồi ở lại, bao nhiêu người vì hoàn cảnh riêng đã ra đi. Nhưng tất cả đều mang trong mình một cảm tình tưởng nhạt nhòa mà vô cùng sâu đậm, với Sài Gòn. Bởi vì, hiện nay TP. HCM là trung tâm kinh tế lớn của cả nước, một đô thị hiện đại mà vẫn dung chứa trong mình nhiều truyền thống văn hóa – lịch sử độc đáo và quý giá.
**
Lịch sử Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy tiến trình phát triển của một vùng đất có vị thế “địa – lịch sử” độc đáo, để từ đó hình thành bản sắc “địa – văn hóa” đa dạng, năng động và cởi mở trên nền tảng truyền thống chung của cả nước là cần cù lao động, yêu nước, anh dũng chống ngoại xâm. Sài Gòn được hình thành tại vị trí trung tâm vùng đất Nam bộ, nối liền hai miền Đông – Tây. Nằm trên trục giao thông thủy bộ quan trọng ở Nam Đông Dương, có “mặt tiền” nhìn ra biển Đông là khu vực Cần Giờ, có vị trí tâm điểm của khu vực Đông Nam Á giữa các con đường hàng hải từ Bắc xuống Nam, từ Tây sang Đông từ thời tiền sử đến ngày nay.
Từ khi Sài Gòn hình thành một đô thị ở Đàng Trong thời Chúa Nguyễn, đây đã là nơi dân tứ xứ thường xuyên đổ về. Không chỉ là lưu dân Đại Việt mà còn nhiều sắc dân khác nữa: “Gia Định là cõi Nam nước Việt, lúc mới khai thác, lưu dân nước ta cùng người Đường, người Tây dương, Cao Miên, Đồ Bà... đến ngụ cư đông đúc xen lẫn” như sách Gia Định Thành thông chí đầu thế kỷ 19 đã chép. Công cuộc khai khẩn và xây dựng vùng đất mới phải trải qua nhiều gian nan khó nhọc, bao lớp người đã phải đối mặt với thiên nhiên hoang dã và khắc nghiệt, phải học cách nhận biết và thích nghi với hoàn cảnh khác biệt với quê hương bản quán, tìm cách hòa hợp lối sống và học tập kinh nghiệm lao động sản xuất của cộng đồng bản địa. Kinh nghiệm thành công của người Nam Bộ thật đơn giản: Thích nghi, hội nhâp, tôn trọng sự khác biệt, tứ hải giai huynh đệ, sống thật thà và tương thân tương ái...
Sài Gòn là một trung tâm kinh tế lớn, “đất làm ăn” của nhiều cộng đồng dân cư, nơi tiếp cận và tiếp nhân những phương thức làm ăn mới, vì vậy với người Sài Gòn tính thực tiễn được đặt lên hàng đầu, cùng với sự rạch ròi, linh hoạt và quyết liệt vượt ra khỏi những ràng buộc, gò bó của khuôn mẫu cũ, nhạy bén với những mầm mống tốt đẹp, năng động sáng tạo tiếp thu khoa học kỹ thuật mới... “Tất cả hướng đến hiệu quả thực sự của “công chuyện làm ăn”, không lý thuyết suông, không giáo điều”. Đồng thời, sự liên kết hỗ trợ nhau trong làm ăn, trọng tình nặng nghĩa trong những mối quan hệ cá nhân và cộng đồng... được coi là truyền thống nổi bật của người Sài Gòn. Đặc biệt người Sài Gòn, người Nam bộ nói chung thường có tính cách lạc quan, không hay than thở, không mặc cảm sợ sai nên sửa sai nhanh, vì vậy nơi này dễ dàng “quy tụ và lan tỏa” những điều mới mẻ và tốt đẹp.
Truyền thống của một vùng đất, một cộng đồng là những gì được lắng đọng và lưu truyền qua quá trình lịch sử dài lâu, từ sự thích ứng với thiên nhiên và văn hóa của cộng đồng. Truyền thống mang tính bền vững, thường được bổ sung qua từng giai đoạn, trở thành “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt từ quá khứ đến hiện tại và tương lai của cộng đồng, vùng đất đó. Sự hội tụ nhân lực từ mọi miền, mọi nguồn gốc được nhiều thế hệ dân cư ở Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh duy trì, phát triển. Cho đến nay, “người Sài Gòn – TP. HCM” được coi là tất cả những ai sinh sống, làm việc tại đây và cả những người ở xa luôn nhớ thương thành phố! “Chất” Sài Gòn là ở suy nghĩ, hành xử trong làm ăn, trong đối xử với người lạ người quen, chứ đâu phải là có nhà cửa, có “mấy đời” đã sinh sống ở đây.
***
Nhìn lại một chặng đường chưa dài của thành phố Hồ Chí Minh nhưng là một phần đời của mỗi người, nếu đừng quá thiên vị tình cảm với nơi “chôn nhau cắt rốn” thì có lẽ ai trong chúng ta cũng có lần muốn nói một điều gì đó với thành phố này - nơi ta từng ít nhiều được sẻ chia một cơ hội trong cuộc sống. Có thể bạn sẽ nghĩ rằng, đã rất nhiều người viết về Sài Gòn được đồng cảm và khen ngợi, rất nhiều tác phẩm, công trình về Sài Gòn đã ra đời và được đón nhận nồng nhiệt. Nhưng có sao đâu, mỗi người đều có những kỷ niệm và trải nghiệm riêng với Sài Gòn, từ đó hình thành sự hiểu biết và nuôi dưỡng tình cảm của riêng mình dành cho thành phố này.
Và để ghi lại những câu chuyện dung dị, thấm đượm tình yêu dành cho vùng đất nghĩa tình, dễ sống và đáng sống cùng những con người luôn hào sảng, chưa bao giờ hết yêu thương này, Báo Phụ Nữ TPHCM – Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM tổ chức cuộc thi viết THÀNH PHỐ CỦA TÔI. Cuộc thi nhằm tôn vinh các thành tựu về kinh tế, xã hội, văn hóa, những công trình làm thay đổi diện mạo thành phố, những di sản có giá trị văn hóa- lịch sử của thành phố. Đặc biệt là tôn vinh những con người bình thường mà hào sảng qua những câu chuyện đời thường mà bạn là người trong cuộc hay chứng kiến, đã lưu lại trong bạn những ký ức khó quên. Những chuyện dù nhỏ nhưng có giá trị lan tỏa sự tử tế trong xã hội, góp phần “di truyền” những truyền thống và phẩm chất tốt đẹp của Sài Gòn – TP.HCM cho những thế hệ cư dân thành phố trong tương lại.
Xin mời các bạn cùng chung tay lưu lại một phần lịch sử - văn hóa của thành phố từ những công trình những thành tựu to lớn, đồng thời cũng từ câu chuyện của những “người Sài Gòn”. Đất nước nào, thành phố nào mà không bắt đầu được xây dựng từ những con người bình dị, phải không?