M ảnh đất sau nhà lão Bảnh ở xóm này ai lại không biết. Từ khi hợp tác xã giao khoán đất canh tác cho xã viên, chẳng người nào chịu nhận mảnh đất này để canh tác bởi “ nó chẳng giống ai” vì quá nhỏ chưa bằng góc tư cái sân phơi lúa của nhà lão Bảnh, đất nhiểm phèn lại lởm chởm những sỏi, “pha không pha – thịt không thịt” trong khi qui định nộp lợi tức thu hoạch theo tỉ lệ lại khá cao! Không ăn! Thế rồi, mảnh đất ấy xem như bỏ hoang từ tháng này đến năm nọ, chẳng ai ngó ngàng, thậm chí làm ngơ khi nghĩ đến chuyện trồng mè, cầm cuốc vun lên vài vòng khoai hay thả xuống vài hom mì chống đói.
Con Vá sủa gâu gâu vài tiếng rồi chồm dậy chạy ra ngoài ngõ, vẩy đuôi mừng rỡ. Thằng Trọn – con lão Bảnh – bước vào sân. Nó vừa đi vừa cúi xuống vuốt đầu con chó, mắt nhìn vào nhà, giọng pha chút trịnh trọng:
- Ba ơi, có tin mới đây!
Lão Bảnh bước ra, vồn vã:
- Trọn đó hả? Có chuyện gì không con?
- Vào nhà hẵn nói… Chuyện lớn đây!
Ngồi trên bộ ván săn đá ngả nâu láng bóng, lão Bảnh thủng thẳng rót ly trà, cố gắng tỏ vẻ bình thường như không có chuyện gì xảy ra.
- Uỷ ban xã vừa thông báo cấp sổ đỏ cho các hộ gia đình…Ba khai báo đất thổ cư nhà mình nhanh đi! Giọng thằng Trọn thúc giục.
Ngụm trà chưa kịp trôi qua cổ họng. Lão Bảnh như muốn chồm dậy, nhìn thẳng vào đứa con đang ngồi đối diện, nói liền một hơi:
- Cái gì? Mấy năm rồi chờ có bao nhiêu đó! Chừng nào hết hạn? Người ta tới nhà mình hay mình lên xã khai báo?
- Lên đó mua hồ sơ rồi về nhà làm, xong, nộp. Lấy số hẹn ngày giải quyết!
Thằng Trọn vênh mặt trả lời với giọng kẻ cả, cộc lốc. Hình như nó đã quen rồi với thái độ tiếp xúc với dân từ khi nó được cử làm cán bộ địa chính của xã cho dầu hiện nay nó chẳng là gì cả - hưởng chế độ một suất dành cho nhân viên hành chánh- vì học vấn của nó không đến đâu, đang học lớp bảy hệ bổ túc văn hoá tại địa phương và cũng có lẽ nó đã bị “dính keo” vào cái tính “ coi Trời bằng nắp vung” của cha nó.
Lão Bảnh đốt chiếc đèn dầu, rón rén bước đến cái tủ thờ vì không muốn thằng Trọn thức giấc. Nhẹ nhàng mở cửa, lão lấy ra cuộn giấy được gói kỷ trong một túi ny-lon dày cộm. Dưới ánh đèn mù vàng hoe, lão lật từng tờ một và đặt sang một bên những gì cho là cần thiết kèm theo cái gật đầu tự hài lòng.
Con trăng lưỡi liềm chếch sang đầu ngọn tre. Ở góc nhà tối om, tắc kè kêu nấc lên những tiếng đơn độc quạnh hiu. Trời không một chút gió. Lão Bảnh không thấy ngột ngạt, trong lòng lại cồn cào trổi lên sự toan tính: Làm sao mảnh đất bỏ trống phía sau nhà trở thành vật sở hữu riêng. Mà đến bây giờ, chắc chẳng ai biết nó có từ lúc nào và cũng có lẽ ai cũng cho là nó đã thuộc về lão; ít nhất lão đã có công “ chăm sóc, trông nom” vì nó nằm sát sau nhà.
Lão xuệch xoạch bật lửa mấy lần, điếu thuốc bặm chặt trên miệng run rẩy, cuối cùng đám khói cũng nhả ra từ bàn tay u nần khô nhám. Hít một hơi thật sâu như muốn thu tóm cả màn đêm mù sương vào lồng ngực, lão thấy sảng khoái khi hình dung cái tương lai gần mình sắp có như một chiến tích hào hùng của một thời trai trẻ “ vỗ ngực xưng tên” đấy ra những cuộn giấy cũ. Lão nghĩ bụng: Tối mai sẽ tranh thủ biến mảnh đất hoang ấy thành một ao rau muống và xem đó là nguồn thu nhập chính của gia đình bấy lâu nay – một minh chứng hoàn hảo – nhằm cho việc hợp thức hoá diện tích đất ở vào trong sổ đỏ.
Ông bà xưa từng nói: “Tấc đất- tấc vàng” quả không sai chút nào, nhất là ở thời buổi này, nhà nhà có tiền đều thi đua kinh doanh bất động sản. Biết đâu, sang năm khu đất này được qui hoạch xây dựng đô thị, một xa lộ chạy ngang trước mặt nhà… lúc đó… “ đời lên tiên”, mảnh đất bị chối bỏ kia trở thành vài ba trăm lượng là chuyện nhỏ! Nghĩ đến đó, lão thấy như nóng bừng cả mặt, máu dồn cả lên đỉnh đầu, tim muốn ngưng đập, cơ thể muốn phồng ra, hơi thở hổn hển gấp gáp, một vùng sáng tung toé phía trước.
Lão Bảnh dang tay ngã người ra sau, nằm bẹp như bất động. Cái hơi lạnh bốc lên từ mặt thềm gạch phía dưới lưng không đủ sức đánh tĩnh sự hoan lạc đang choáng ngợp trong lòng lão.
2-
Những cơn mưa chiều liên tục, ông Trời như muốn phù hộ lão Bảnh. Suốt mấy đêm liền, chờ mọi người chung quanh tắt đèn đi ngủ, lão Bảnh lặng lẻ mang cuốc xà-beng ra mảnh đất hì hục đào bới. Mảnh đất lõm dần, để lộ một cái trũng trông giống một cái rỗ méo mó lọt thỏm giữa thảm ruộng xanh mênh mông. Mảnh đất “vô chủ” bây giờ trở thành “có chủ”.
Nhín lại những cọng rau già trong thức ăn của lũ heo, lão Bảnh cắm bừa vào cái ao vừa hình thành vội vã sau nhà. Lão thấp thỏm, lấm lét đảo mắt chung quanh xem có người nào chú ý đến nơi lão đang đứng hay không.
Những chiếc lá non lũ lượt vươn dài nhanh như thổi. Vài con ếch xuất hiện xì xụp dưới dưới đáy ao tìm nơi ở mới. Những bong bóng tròn nổi lên khỏi mặt nước màu vàng đục sâu tới mắt cá chân đánh dấu chú cua đồng mon men tìm đến săn mồi.
Lão Bảnh buông đủa, nhìn ra sau nhà, mỉm cười một mình. Cái thói quen mắt trông chừng phía ngõ biến mất từ khi thằng Trọn về báo tin làm giấy tờ đất. Bụng lão tự dưng muốn no dù ăn chưa đầy một chén. Sự mãn nguyện lộ rõ lên đôi mắt tham lam tủn mủn của lão như một kẻ thắng trận đi thu nhặt chiến lợi phẩm.
3-
Con Loan mếu máo chạy ùa vào nhà. Nó vất cây roi tre ngoài bụi chuối bên hiên nhà.
- Ông Tư Bảnh đánh con!
Bà Bảy – mẹ con Loan- trợn tròn mắt nhìn con, hỏi:
- Mắc mớ gì ổng đánh mày?
- Con lùa vịt vô ao rau muống của ổng … Con Loan vẫn mếu máo, thút thít.
- Cái gì? Ao rau muống của ổng?
- Ổng còn nói ... Hể mày còn để vịt vô đây là tao xuỵt chó ra cắn hết ráng chịu! - Con Loan kể lể.
Bà Bảy giận muốn tím mặt:
- Ai nói ao rau muống đó của ổng? Để tao!
Chẳng nói thêm, bà Bảy đi như chạy về phía nhà lão Bảnh.
… Câu chuyện cải vã đến mức gần như xô xát giữa lão Bảnh và bà Bảy không dừng lại ở phạm vi bìm giậu le chùm mà nó loang dần ra tận đầu làng đến cuối hẻm. Lão Bảnh khăng khăng cho là ao rau muống do mình khai phá và kiếm tiền chợ nhờ nó từ lâu. Bà Bảy một mực nó chẳng phải của ai cả. Thế mạnh nghiêng dần phía lão Bảnh. Bà Bảy không có chứng cứ bao biện. Lão Bảnh đắc chí tung ra đòn thí mạng “ Có gì không tin… lên xã hỏi!”. Vài người hàng xóm tụm lại thầm thì to nhỏ: “Đụng vào Tư Bảnh làm gì cho thêm mệt! Ai lại không biết thằng Trọn – con lão - đang “ xưng hùng xưng bá” nơi ấy!”.
Có hậm hực cũng đành chịu, bà Bảy bỏ bữa cơm trưa, đến nhà ông thư ký hợp tác xã trước đây hỏi cho ra lẽ. Trong lúc ấy, lão Bảnh cau có rặn óc tìm kế hoạch thu tóm nhanh mảnh đất ấy về mình. Lão “À” lên một tiếng, bụng nghĩ: “Ngày mai vào rừng kiếm mớ tre gai về rào quanh cái ao cho chắc ăn…”
4-
Nghe bà Bảy trình bày, ông cựu thư ký hợp tác xã trả lời bằng cái lắc đầu, giọng gọn lỏn:
- Chuyện nhỏ! Bỏ qua đi!
- Bỏ qua sao được?
-Miếng đất nhỏ xíu ấy mà! Lợi ích bao nhiêu!
-Nay mai ổng lấn sang nhà ông thì ông tính sao?
-Bà nói quá! Nhà tui cách nhà ổng cả mấy đám ruộng!
Thấy như “ Nước đổ lá môn”, bà Bảy tiu nghỉu trở về nhà. Nước mắt chừng ứa ra vì buồn và giận, ước gì ông Bảy còn sống! Trước đây, ông Bảy với ông Tư Bảnh đối xử nhau rất chí tình chí nghĩa. Không phải vì cùng độ tuổi, cùng kham khổ như nhau mà hai ông còn là đôi bạn chiến đấu, cùng nằm gai nếm mật, người canh gát- người xuống bàu lấy nước cho đồng đội. Tuy ông Bảy chết đi, hai nhà vẫn không bao giờ “ lời qua tiếng lại”. Thế mà…
Cái thói đời như vậy đó. Bao quanh biết bao nhiêu là kẻ cơ hội, thấy cái lợi nhỏ là quên ngay cái tình nghĩa lớn. Cái lẻ phải tuy rất cỏn con sẽ mãi “ không là cái đinh gì” trong muôn vàn cạm bẩy và cám dỗ trong thời buổi kinh tế thị trường này.
Bà Bảy than thở với con Loan :
- Sao Trời không sụp xuống đè chết hết cái lũ người tham lam như cha Tư Bảnh kia…”.
Con Loan ra giọng như một triết gia, nó an ủi mẹ:
- Cái gì đến, nó sẽ đến!
- Nói như vậy nghe được? Mày biết gì!
Bà Bảy thở dài. Căn nhà lão Bảnh bên kia đường thắp đèn sáng trưng như chuẩn bị một cuộc chiêu đãi lớn. Con Loan như hiểu mẹ mình. Nó bắt chước mẹ lắc đầu thở dài, nói đâu đâu:
- Có đèn phụ trăng!
Ôm con vào lòng, bà Bảy lấy tay vuốt mái tóc đen dày mùi khói nắng của nó. Bà lẩm bẩm, than thở:
- Tuổi đã mười lăm cứ như còn mười một…
5-
Nghe nói đâu trên xã cũng biết chuyện lão Bảnh lấn chiếm đất công. Thằng Trọn ra mặt kêu oan thay cha nó cũng bị cho ra làm dân phòng. Mỗi lần họp dân cũng đều nghe mấy ông uỷ ban bóng gió về chuyện này pha lẫn chút răn đe của luật pháp. Hôm mừng thọ bà Bảy, Hội Người Cao Tuổi của xã đến thăm, không thấy bóng dáng lão Bảnh như mọi năm, kể cả ông cựu thư ký hợp tác xã.
Cái ao rau muống nằm trơ ra lặng lẽ. Người dân cũng chẳng biết sử dụng nó vào mục đích gì. “ Bỏ thì thương, vương thì tội”, chi bằng cứ để đó, ai muốn hái rau về luộc thì hái, ai muống thả vịt tìm ốc thì cứ thả.
Cánh cửa sau nhà lão Bảnh đã đóng kín mít, chẳng ai thấy hé mở bao giờ. Mỗi vụ gặt, người ta nhìn về phía ao rau muống khen nức nở:” Hoa rau muống nở dày, màu tím trắng trông cũng hay hay !”