Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
         


ĐỒ ĂN CẮP


 

V à tất nhiên chị vật vã than khóc kêu trời, kêu đất khi mà vừa bước vào sân nhà nhỏ em thì cả chồng, cả vợ, cả con nó đều xúm nhau gọi chị là “đồ ăn cắp”. Chị thanh minh, chị thề thốt nhưng họ chỉ xem chị như người đang diễn tuồng vụng về. Không ai gọi vào nhà, cũng chẳng ai thẳng thắn đuổi chị đi, tự chị phải biết lấy chị phải làm sao rồi.

Mẹ chị về sống chung với nhỏ em ruột ấy của chị từ lúc kinh tế gia đình nó còn khó khăn, phải đi vớt bèo về nấu cám lợn, trông nhà cho chúng đi làm việc. Giờ mẹ đã già, sức yếu may sao chúng nó ăn nên làm ra… do vậy chị cũng an lòng chấp nhận làm đứa con bất hiếu không phụng dưỡng mẹ già. Bởi dẫu muốn chị cũng không cam khi nhà chị chỉ có vuông vườn tạp và cái quán cóc nhỏ bằng lòng bàn tay mà phải nuôi mấy miệng ăn thì làm sao đủ đầy bằng sống ở nơi đây. Cở tháng, chị bắt xe một lần lên thăm mẹ. Chị biết mẹ buồn vì sống thui thủi, do vợ chồng nhỏ em phải vắng nhà suốt. Còn gì bồn chồn day dứt hơn khi nhớ quê mà không thể về thăm quê… Bởi vậy mỗi lần lên đây, chị cố tranh thủ dọn dẹp nhà cửa, giặt cái mùng, phơi chiếc chiếu cho mẹ rồi ngồi tâm tình cho bà vui.

Việc chi đi lại thăm mẹ cũng chẳng làm vợ chồng nhỏ em hài lòng, nó luôn chì chiết cho rằng mọi gánh nặng đổ dồn lên vai nó, nó phải cày cuốc nuôi mẹ già. Chị chỉ đến với bàn tay không, chỉ thêm rộn chuyện vì mỗi lần chị về mắt bà lại đỏ hoe. Rằng chị khỏe hơn nó nhiều khi không phải lo tiền ăn, lo tiền trị bệnh cho mẹ già … Chị chỉ biết cắn răng, nuốt nước mắt vào lòng và thầm mơ một ngày trúng số. Là mơ vậy thôi, chứ lâu thật lâu khi cơn khát vọng bùng cháy chị nhón tay rút tờ vé mười ngàn mà cứ run run vì xót.

Chị thấy rõ vẻ ngượng ngùng của vợ chồng nhỏ em khi khách đến chơi nhà mà bất chợt thấy một người đàn bà áo quần cũ kỷ lui cui dưới bếp. Đời nay, osin còn ăn mặc sạch sẽ tươm tất làm nở mặt mày chủ, còn chị mang chày mang lưới, lôi thôi trong nhà thì chắc mười phần là chúng nó quá xấu hổ rồi.

Lần này, chị vừa đến cổng, cả nhà nhỏ em đều đổ dồn ra cửa xỉ vả, chúng bảo rằng chị là “đồ ăn cắp”. Nhà chỉ có 4 người là bà mẹ già (đâu có nhu cầu về tiền bạc), hai vợ chồng nó và thằng con đã lớn, làm công chức nhưng ai cũng thu nhập kinh tế cao (Osin chỉ đến làm việc vào mỗi buổi sáng rồi về). Tháng rồi, lúc chị ra về, cái ví của chồng nó để trong phòng đã mất tờ năm trăm ngàn. Ai vào nhà lấy?

Nhỏ em chị mắng không tiếc lời:

- Năm trăm ngàn đáng bao nhiêu, một ngày chồng tôi đem về nhà này gấp năm, gấp bảy lần số đó. Tôi ghét là ghét cái "đồ ăn cắp". Nghèo, xin đi, người ta còn thương. Ăn cắp là nhục.

Khóc cạn nước mắt, thề rát cả họng. Khi mà không có gì chứng minh thì chị chỉ biết thề. Thề để mong mọi người tin nhưng ngược lại khi người ta khẳng định rồi thì câu thề thốt ra càng làm người ta ghét. Bà mẹ già lặng lẽ, khó xử muốn mở lời để nhẹ bớt cho con đang nức nở ngoài kia mà chẳng biết nói gì. Rồi thì cũng tan cuộc, chị quay lưng ra về và luôn ngoái nhìn, chị rưng rưng nước mắt. Chị biết rằng chị đã không được phép đến nhà ấy được nữa rồi.

Cơm, áo, gạo, tiền đeo đẳng nay cái tai tiếng kia lại đè nặng làm lưng chị còng nhiều hơn. Nhìn thái độ nóng nảy, chát chúa của vợ chồng nhỏ em, chị nghĩ nó có mất tiền thật chứ không phải là bày chuyện cố tình vu oan cho chị. Nhưng chị cũng không chứng minh được mình là người vô tội nên nhơ nhớp cứ đè chị ra mà trây mà trét. Sợ con hiểu lầm mẹ rồi có mặc cảm xấu xa nên chị hay phân trần. Nó thường an ủi chị một câu: “Con biết mà! Má bị oan. Kệ, mình con biết đủ rồi!”

Thằng Tý đã lầm vì không phải chỉ mình nó biết má nó bị oan, còn một người biết nữa, đó là đứa em trai họ hàng con của người dì ruột. Vừa có năm trăm ngàn vừa xua được cái bà dì nghèo nàn làm xấu mặt nó. Đơn giản vậy thôi mà (!)

Mãi đến khi chị bệnh nặng, nhỏ em cũng không về nhìn. Đến khi chị không còn hơi sức, vẫn cố nhắc lại với đứa con luôn bên giường chăm sóc mẹ:

- Má không phải là đồ ăn cắp!

Thằng Tý ôm xác mẹ, gật đầu mà không nói nên câu.




VVM.30.8.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com