Việt Văn Mới
Việt Văn Mới


NGÀY GIỖ




             
B à Hoài đứng lặng phắc trước gian nhà thờ bị bão đánh sập đêm qua, cái ban thờ sơn son thiếp vàng, nơi linh hồn chồng bà vẫn cư ngụ giờ đã gãy nát. Tấm ảnh thời trai trẻ, ông tặng bà, bà nâng niu giữ gìn hơn bốn chục năm qua cũng đã bị gạch vữa xé vụn, bà cảm thấy đau xót như chính thân thể mình bị xẻ ra từng mảnh.

Bỗng vèo, một làn gió vụt qua, những mảnh ảnh bay vút lên, cuộn tròn vào nhau, lơ lửng trước mặt bà, bà thảng thốt kêu lên: “Ông ơi! Ông đừng bỏ mẹ con tôi, tôi sẽ bảo thằng Tình, thằng Nghĩa về làm lại để ông có chỗ đi về với mẹ con tôi”. Lời dứt, những mảnh ảnh lập tức tỏa ra, nhẹ nhàng đáp xuống đống gạch vỡ. Bà Hoài lập cập đi ra sân gọi con gái, lát sau Thu tất cả chạy về, bà vồn vã:

- Con bắt ngay con gà, đong lấy mười bơ gạo nếp đem lên cho thằng Tình, thằng Nghĩa xem nhà của chúng nó có bị sao không và bảo chúng nó về sửa sang lại gian nhà thờ kẻo sắp đến ngày giỗ rồi.

Thu giãy nảy như đỉa phải vôi:

- Con chịu thôi, mà chắc gì các anh ấy đã về. Hay là mẹ vay ai rồi thuê thợ sửa?

Bà buồn nhưng không giận con, bà biết nó rất sợ mỗi khi bà sai bảo nó lên thành phố để gặp Tình, Nghĩa. Bốn năm trước đây bà và Thu còn ở với Tình, Nghĩa, cuộc chia ly được khởi mào khi vợ chồng Tình mở quán cơm phở bình dân, lúc đầu chỉ lèo tèo vài ba người khách, sau khách kéo đến ăn đông nghẹt thì vợ chồng Nghĩa bị loá mắt mỗi khi thấy vợ Tình ngồi đếm tiền.

Vợ chồng Nghĩa lên tiếng đòi quyền lợi, vợ chồng Tình phản kháng, rằng; “Tại sao trước đây, vợ chồng mày không mở đi”. Nghĩa đáp: “Không phải lý sự dài dòng, nếu không biết điều sẽ đập nát quán”, biết là Nghĩa làm thật nếu không “biết điều” nên vợ chồng Tình đành phải ngồi vào đàm phán, sau hai tiếng tranh cãi; mỗi tháng vợ chồng Tình chi cho vợ chồng Nghĩa một triệu sáu trăm ngàn đồng. Hoà bình kéo dài được một tháng thì nội chiến lại xảy ra, vợ chồng Nghĩa đòi tăng quyền lợi lên hai triệu tám trăm ngàn, bên kia phản ứng dữ dội, cuộc chiến bùng nổ và máu đã đổ; Tình và vợ Nghĩa phải đưa đi cấp cứu còn Nghĩa và vợ Tình bị tống giam. Một tuần sau, nhờ cái thư tay của ông chú ruột, cộng với tấm bằng Tổ quốc ghi công của ông Hoài mà Nghĩa và vợ Tình được tự do. Bà Hoài làm đơn nhờ chính quyền can thiệp, sau một loạt giải pháp đưa ra đều bị hai bên bác bỏ, cuối cùng một biện pháp tuy gây tổn hại lớn tình mẹ con, tình anh em đã được thực thi: Chia dọc căn nhà 35 thành 35A, 35B - Mỗi bên một mét hai mươi nhăm mặt tiền. Cũng từ đấy quán cơm phở bình dân Đại Nghĩa kể như sập tiệm. Sau sự kiện này, bà Hoài vơ vét vốn còn lại, vay mượn thêm, mua lại ngôi nhà của một người quen ở ngoại thành, chính là ngôi nhà mà mẹ con bà đang ở bây giờ. Bốn năm đã trôi qua, song mỗi lần nghĩ lại bà vẫn còn bàng hoàng, kinh sợ huống chi Thu là người con gái nhút nhát từ bé. Nhưng không đi, không có tiền làm lại ban thờ, bà cảm thấy có tội với chồng. Còn vay? Biết vay ai ở cái chốn đồng không mông quạnh này? Mà có vay được thì biết lấy gì để trả khi bốn sào lúa đã bị bão quật nát! Bà đem nỗi niềm này giãi bày với con, thương mẹ, Thu đành vâng lời đi lên thành phố gặp hai người anh.

Nhưng họ đã không về, gom góp gởi cho mẹ bảy trăm ba mươi ngàn, kèm theo lời thanh minh: “Nói với mẹ, dạo này tao cũng kẹt lắm, còn giỗ năm nay mạnh ai người nấy làm!”. Ngày giỗ, bà Hoài vẫn làm hai mâm như mọi năm, bà hy vọng hai người con trai sẽ đưa vợ con về, nhưng đợi đến quá giờ ngọ, vẫn không thấy bóng dáng một ai, bà sai Thu bưng mâm xuống, bữa cỗ chỉ có bốn người, hai mẹ con bà Hoài và hai người láng giềng.

Quãng chín giờ tối, bà Hoài và Thu đang thiêm thiếp ngủ thì có tiếng xe máy, nhận ra tiếng xe quen thuộc, Thu vùng dậy chạy ra mở cửa, thấy Tình và Nghĩa, Thu reo lên.

- A! Anh Tình, anh Nghĩa! Sao hai anh về giỗ bố muộn vậy? Hai chị và các cháu đâu?

Họ không trả lời câu hỏi của Thu mà hỏi lại:

- Mẹ đâu?

Rồi phăm phăm đi vào trong nhà với nét mặt cực kỳ quan trọng. Bà Hoài ngồi dậy thúng thoắng ho, cơn ho kéo dài làm cho ngực bà đau nhói.

- Mẹ làm sao thế? - Tình lên tiếng nhưng không đi lại chỗ mẹ mà đi đến bên cái ban thờ mới được tu sửa tạm bợ, lấy trái cây, giấy tiền, hương mang từ thành phố về, bày lên rồi thắp ba nén hương lầm rầm khấn. Nghĩa cũng lặp lại như Tình, xong, cả hai mới đi đến giường. Nỗi buồn và cô đơn trong bà Hoài phần nào dịu vợi đi khi nhìn thấy con trưởng và thứ cúi lạy trước ban thờ bố.

- Mẹ có được khỏe không? - Nghĩa hỏi, bà Hoài đưa tay lên vấn tóc, khẽ đáp lại:

- Mẹ vẫn khoẻ, sao hai anh về giỗ bố mà muộn thế?

Tình nói:

- Chúng con đã nói với cái Thu là không về được, chả lẽ nó không nói với mẹ à?

- Có, nó có nói các anh không về, thế hai anh không về giỗ bố thì về làm gì vậy?

Bà Hoài nhìn Tình và Nghĩa với ánh mắt đầy nghi hoặc. Mới chỉ mấy tích tắc trước đây, bà còn cảm động vì đêm tối mà họ còn lặn lội về thắp hương cho bố, nhưng bà đã lầm, sự lầm lẫn này, kéo theo nỗi thất vọng hiện rõ trên khuôn mặt khắc khổ của bà.

- Còn quan trọng hơn cả chuyện giỗ chạp. Cực kỳ quan trọng! - Nghĩa nhấn mạnh từng chữ.

Tình đi ra dắt chiếc xe Dream II vào nhà, đóng chặt cửa, móc túi lấy bao Vina, rút một điếu, bập lên môi, dí mắt xuống sát ngọn đèn dầu leo lét, châm lửa. Tình rít một hơi thật dài, tưởng đến vỡ lồng ngực, lâu lâu sau phun khói ra mù mịt. Tình vẫn có thói quen, trước khi bắt đầu một câu chuyện gì hệ trọng, để chấn hưng lại tinh thần, Tình thường bắt đầu bằng một hơi thuốc thật dài.

- Mẹ ạ! - Tình nói - Hôm nay chúng con về bàn với mẹ một chuyện có thể nói là một cuộc cách mạng đổi đời mà nhờ có cuộc cách mạng này mà gia đình ta chắc chắn sẽ nhảy một bước từ tiểu dân lên tư sản. Đây là thời cơ ngàn năm có một.

Bao giờ cũng vậy, hễ cứ cất giọng lên là Tình luôn tâng cao vấn đề, nhiều khi sự việc chỉ bằng đống rấm, Tình cũng phóng lên thành đống rơm và luôn luôn trong hệ tư tưởng của mình, khi phóng rọi sang người khác, Tình không quên cài cắm mớ triết học thập cẩm của mình vào để minh chứng cho mọi người thấy rằng cái chuyên ngành triết mà mình mài đũng quần bốn năm không phải là vô dụng như ả vợ gày đét vẫn dẩu môi, bĩu mỏ nói :” Triết với chả triệt chả bằng bát tiết canh lợn!”

Kinh nghiệm thực tiễn cũng cho Tình hiểu rằng càng nói bí hiểm, rối rắm, khó hiểu, thậm chí vô nghĩa bao nhiêu thì càng làm cho người nghe phải nể sợ bấy nhiêu. Triết thuyết này đã được Tình áp dụng rất thành công, đặc biệt trong những cua giảng cho các vị quan chức đang theo học tại chức.

Bà Hoài không hiểu gì cả, Nghĩa lại càng không, với trình độ học vấn hết lớp năm cải cách, lại chịu ảnh hưởng nặng nề của nền văn hóa vỉa hè nên mọi thứ từ văn hóa đến đạo đức, Nghĩa chỉ gói gọn trong chữ “tiền”.

- Anh cứ nói huỵch toẹt mẹ nó ra chứ mãi cách mạng với chả thời cơ làm đếch gì !

Người ta có thể nhồi nhét cái gì chứ nhồi nhét trí tuệ ắt không xong. Nghĩa nói, nửa như chửi, nửa như giục. Tình lừ mắt nhìn Nghĩa, “Đồ vô học - ánh mắt bảo vậy”.

Bà Hoài đã bắt đầu lo lắng. Có chuyện gì mà chúng nó úp úp mở mở? Chả lẽ chúng nghi mình có vàng chôn dưới đất? Nỗi sợ hãi bắt đầu le lói trong tâm can bà, bà sợ để lâu, nó sẽ bùng lên không thể kiểm soát được nữa, bà lên tiếng hy vọng chặn đứng được nó ngay từ thời kỳ trứng nước:

- Có chuyện gì các con cứ nói thẳng ra, mẹ con mình cùng bàn bạc một thể.

Nghĩa sợ để Tình nói sẽ lại “Cách mạng” lại “Thời cơ” nên cướp lời:

- Thế này mẹ ạ! Sắp tới người ta sẽ quy hoạch nơi đây thành khu du lịch, nghỉ mát cho Tây, cho nên giá đất sẽ nảy vọt lên, không phải là một chỉ ba mét vuông nữa mà ba cây một mét vuông. Tổng diện tích nhà, bếp, vườn của nhà ta hai trăm mét vuông, ước tính bán được cỡ sáu trăm cây. Một đống vàng, mẹ hiểu không?

Thu bật cười:

- ở nơi khỉ ho cò gáy này, lại toàn nghĩa địa thì du lịch với ma à! Em tưởng hai anh đi xem bói, người ta bảo đất nhà mình có chum vàng, hũ bạc cơ đấy!

- Im mồm đi, mày thì biết gì - Tình mắng em gái, nụ cười trên môi Thu vụt tắt. Tình tiếp:

- Điều này thì chắc chắn rồi mẹ ạ! Sở dĩ người ta quy hoạch nơi đây cũng là nhờ cái hồ mênh mông trước cửa nhà mình đấy. ở nội thành, chật chội, lại ô nhiễm mà dân Tây lại thích hoang dã nên họ mới quy hoạch toàn bộ khu này.

- Thế ai nói với các anh vậy? - Bà Hoài hỏi. Nghĩa đáp:

- Chính chú Hùng chứ ai nữa. Chả lẽ chú ấy lại nói sai, mà cũng chỉ mai, mốt, chú ấy và mấy vị nữa về đây cắm đất thôi mà.

Bằng linh cảm, bà Hoài đã lờ mờ nhận ra, thế nào rồi chúng cũng đòi bà nhượng lại nhà cửa, vườn tược và rất có thể cái điều bà còn kinh sợ hơn cả mất nhà là chúng sẽ đâm chém lẫn nhau như bốn năm về trước. Không, còn hơn cả bốn năm trước, bởi đó chỉ là một căn nhà, dù mặt tiền nhưng giỏi cũng chỉ một trăm cây, còn bây giờ những sáu trăm cây, gấp sáu lần, mức độ hiểm nguy sẽ tăng lên tỷ lệ thuận với vàng! Sự ám ảnh của ngày nào tưởng đã phần nào mờ nhạt trong bà khi bà về cái nơi hoang vắng này sinh sống, giờ đây nó được lôi thốc dậy, bà hoang mang quá, khiếp sợ quá, đến nỗi tự dưng bà vô thức bật ra một chữ: Vàng!

- Đúng, vàng, vàng muôn năm ! - Nghĩa rên lên sung sướng. Tình nhếch mép, cái miệng vốn đã rộng như được dịp mới ra thêm vài phân nữa và từ “nhếch” chuyển thành “mở” giao thời trong mươi giây:

- Trước hết mẹ phải đưa hết lại cho chúng con giấy tờ mua nhà trước đây, để con lên văn phòng Luật sư, nhờ những chuyên gia đầu ngành về luật rà soát xem còn thiếu chỗ nào, bổ sung ngay. Và nếu mẹ còn nợ nần tiền nhà của ông bà Phan, con sẽ vào tận Sài Gòn để thanh toán hết.

- Mẹ với ông bà ấy - Bà Hoài nói - sống với nhau vì tình nghĩa chứ có phải chứ có phải vì tiền đâu, các anh tìm gặp ông bà ấy thì tôi chả dám sống để nhìn mặt họ đâu. Nếu không có họ, tôi đã chết đói chết bệnh từ lâu rồi chứ làm sao có thể sống đến hôm nay.

- Vậy là không ổn rồi - Vẫn Tình - phải thanh toán sòng phẳng bằng hết, thời buổi bây giờ đến bố mẹ, vợ chồng con cái còn chưa tin được nhau huống chi người ngoài! Sau đó mẹ viết “di chiếu” lại cho chúng con. Con và Nghĩa sẽ về đây còn mẹ và cái Thu lại về nhà cũ.

- Tôi không về đâu, quy hoạch xong, chờ đất lên giá là bán - Nghĩa buông một câu chắc nịch.

Tình cười gằn, nụ cười khinh bỉ của một kẻ lúc nào cũng vỗ ngực trí thức trước một kẻ vô học. Tình đã tính kỹ lưỡng rồi, với khu đất này, nếu chỉ bán để lấy vài trăm cây thì thật là ngu ngốc, phải biến nó thành Hotel, cho Tây thuê, chỉ có thể mới hốt nhiều đôla được. Tưởng là Nghĩa sẽ cúi đầu bái phục trước tầm nhìn xa của mình, nào ngờ khi Tình vừa trịnh trọng công bố kế hoạch “vĩ mô” xong, Nghĩa đã phá lên cười:

- Ha, ha, nghe có vẻ hấp dẫn đấy. Nhưng tôi hỏi anh đào đâu ra tiền để xây? Tôi là cứ chủ nghĩa mì ăn liền, nếu anh muốn xây Hotel thì lại chia đôi!

- Cái gì? Chia đôi cái con khỉ, mảnh đất này hình thang, mặt tiền nhìn ra bờ hồ giỏi chỉ được bốn mét vuông, chia ra thì xây cho chó nó ở à!

Tình gần như gào lên, khuôn mặt méo xệch như bị lên cơn động kinh. Cuộc chia dọc nhà bốn năm trước làm sụp đổ khát vọng đổi đời của Tình, nó làm Tình đau đớn, vật vã hàng tháng trời và trở thành vết thương tinh thần không gì hàn gắn được, nay lại bùng lên mãnh liệt để rồi đem lại hệ quả là cuộc cãi vã gay gắt.

Tình:

- Mày mà còn đòi chia chác, tao sẽ đến cơ quan pháp luật tố cáo mày về tội buôn ma tuý. Mày sẽ rũ tù nghe chưa!

Nghĩa:

- Có giỏi thì cứ việc, trước khi”đây” vào tù sẽ sơ tán hết vợ con, đem năm cân thuốc nổ sang hầu chuyện!

- ối các con ơi!-Bà Hoài nấc lên- mẹ cắn rơm, cắn cỏ mẹ lạy các con! Anh em máu mủ đừng ăn thịt lẫn nhau. ối ông Hoài ơi! Ông sống khôn, chết thiêng hãy về đây cho tôi cùng đi với ông ơi!

Nói đoạn bà lao đầu vào tường, Thu ôm ghì lấy mẹ, thét lên:

- Các anh độc ác vừa phải thôi, các anh đã đuổi mẹ ra khỏi nhà, lại còn định giết mẹ nữa phải không?

Không biết có phải tiếng thét thảm thiết của Thu, hay những cái lao đầu vào tường của mẹ đã thức tỉnh lương tâm trong con người họ mà cả hai bằng lòng hòa hoãn đến sáng mai và một điều hết sức bất ngờ là chính Nghĩa nói một câu rất có văn hóa: “Thôi hôm nay là ngày giỗ bố không nên làm cho mẹ phải suy nghĩ, buồn phiền nữa”.

Màn đêm đặc quánh, càng về khuya trời càng thêm lạnh lẽo, bên ngoài tiếng ếch nhái, tiếng côn trùng vẫn cất lên bản hòa tấu của chúng nhưng đêm nay nghe hối hả hơn, có lẽ chúng đã nghe được câu chuyện của Tình, Nghĩa, biết được ngày tận số sắp đến nên cùng nhau chia sẻ chăng? Bà Hoài ngồi dậy, thấy giường bên, tiếng ngáy của Tình, Nghĩa vẫn đều đều phát ra, bà yên tâm hơn, khẽ lay Thu dậy rồi thì thầm vào tai con…


Trời đã sáng, những tia nắng sớm chen lấn, xô đẩy nhau lao xuống gian nhà đổ, chúng quét vào cả mặt Tình, Nghĩa. Tình thức giấc, nhìn sang giường bên không thấy mẹ và em đâu, làu bàu văng tục, chợt thấy tờ giấy đặt ở trên bàn, Tình đập Nghĩa dậy, cả hai đi lại cầm lên xem, giấy viết: Tôi là Nguyễn Thị Hoa( thường gọi là Hoài), vợ ông Trần Văn Hoài, ở thôn Năm, xã... huyện... Viết giấy này, nhượng lại toàn bộ nhà cửa, đất đai cho hai con tôi là Trần Tình, Trần Nghĩa. Tôi kính mong chính quyền giúp tôi phân chia hộ, sao cho hai con tôi đều vừa lòng.

Ngày 9 tháng 9 năm...

Người nhượng

Nguyễn Thị Hoa.

- Vậy là bà cụ đã bỏ đi, chuyện này ta tính sau, bây giờ tôi và chú ra uỷ ban xã, nhờ họ chứng thực vào mấy chữ, sau đó về thành phố tiếp tục bàn bạc - Tình nói với Nghĩa, cả hai không rửa mặt, dắt xe ra, khóa cửa rồi lên xe phóng vụt đi.

Họ trở về thành phố lúc tám giờ, ông Hùng đã ngồi đợi sẵn ở nhà Tình, thấy họ, ông Hùng lên tiếng ngay:

- Chú đến để báo lại cho hai cháu biết, khu đất mẹ các cháu đang ở đúng là thành phố sắp quy hoạch, chú cũng tưởng ở đấy có cái hồ lớn, họ sẽ xây dựng khu nghỉ mát, du lịch cho người nước ngoài nhưng không phải thế.

- Vậy họ quy hoạch gì chú? - Tình nôn nóng. Nhìn bộ mặt của hai người cháu đang căng ra vì hồi hộp, ông Hùng thấy rờn rợn, ông nói nhanh:

- Chả là khu nghĩa địa cũ của thành phố đã quá tải, nên họ sẽ cho xây dựng ở đó một khu nghĩa địa mới theo mô hình tân tiến vào lại bậc nhất thế giới, thôi chú phải đi họp gấp, chú về đây.

Ông Hùng bước vội ra cửa. Bám gót ông là câu chửi của Tình: “Tiên sư cái lão quan liêu!”.

Hai hôm sau, trong mục rao vặt của một tờ báo nọ, người ta thấy có những dòng nhắn tin sau: Con là Trần Nghĩa, Trần Tình, nhắn tìm mẹ là Nguyễn Thị Hoa (tức Hoài), 72 tuổi, đã bỏ nhà ra đi đêm ngày 9/9, khi đi mặc quần đen, áo bà ba, cùng với con gái là Trần Thị Thu, 30 tuổi, người nhỏ, gầy. Mẹ ở đâu về ngay, chúng con đã cho sửa lại nhà. Ai biết mẹ và em chúng tôi đang ở đâu, xin báo về địa chỉ Trần Nghĩa số nhà 35 A, hoặc Trần Tình, số nhà 35B, phố...phường... hay nơi cơ quan Công an gần nhất, chúng tôi xin cảm ơn và hậu tạ!




VVM.30.8.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .