Tôi cảm thấy khó chịu, xốn xang. Ánh nắng xế trưa chiếu xuyên qua tán lá cây mít, vẽ những đốm sáng lay lắt lên đỉnh đầu, gò má bọn tôi nhưng chẳng ai thèm để ý mà tránh né. Tựa lưng vào gốc cây, tôi uể oải đưa tầm mắt ra xa, vượt khỏi khu vườn còi cọc của Châu, nhìn về núi Dinh Cố. Bên dưới vài đám mây trắng lóa bởi nắng đang rất gắt giấc này, sườn núi xanh rờn màu cây lá, lác đác vài chỗ chợt sẫm tối bởi bóng mây.
Dân nhậu hay nói trời nắng nóng mà uống rượu đế thì rất mệt người, phải vật vã, nhăn nhó như ‘Phan Thanh Giản uống thuốc độc’ nhưng nảy giờ, cái bình toong nhà binh đựng gần năm xị đã nhẹ tưng bởi chỉ có hai người bọn tôi ‘cưa’ đôi, tôi lại cảm thấy rượu lạt như nước lã. Lòng tôi còn nặng nề hơn vì lời buộc tội vừa rồi của cháu gái Châu. Tuy vậy tôi cũng ráng phân giải:
-Để cậu nói cho cháu nghe. Con trăn này bữa nay nuốt mấy con gà, nếu nó còn sống thì mai mốt nó ăn gà vịt nữa. Rồi nếu... ốm nhách, nặng chưa tới ba chục ký lô như cháu mà ra đồng một mình, lỡ gặp nó, đúng lúc nó đang đói, kiếm không ra mồi, thì sự thể sẽ ra sao đây? Nói như cháu, rõ ràng nó là sát sinh… Thôi để cậu gọi nó là sát thủ nhe, y như trong bộ băng Bao Thanh Thiên nhà mình mướn về coi đó? Ừ, sát thủ lạ mặt này đã giết mấy con gà của nhà mình. Nó phải bị trảm! Hai cậu không còn cách xử lý nào khác hơn. Không chịu thì cháu đi hỏi bà ngoại đi. Thôi, từ bi hỉ xã bỏ qua cho mấy cậu cái tội giết rồi ăn luôn sát thủ đi nghe cháu...
Con trăn sát thủ dài gần hai mét, đường kính vòng thân mình cỡ lon sửa bò. Về lý lịch con trăn thì tôi hết sức đồng ý với Châu, rằng vùng đất rẫy An Ngãi này đã bị giải tỏa gần hết, mấy con đường nhựa đã làm xong, cỏ hoang và cây dại đâu còn bao nhiêu mà rắn rít, sóc, chuột đồng… còn chỗ sống; rằng hơn nữa con này không phải rắn mà là trăn dài thượt như vậy thì chắc gốc gác nó phải là từ phía núi kia, run rủi sao mà bò vô tới miếng rẫy này…
Y như vừa rồi miếng rẫy của Châu đã hóa thành công đường xử án lưu động của Bao đại nhân, Châu khề khà kể tiếp về diễn tiến vụ án. ‘Tội danh’của sát thủ : giết bằng cách nuốt sống ba con gà của gia đình Châu, nhưng số ‘kẻ bị hại’ có thể nhiều hơn nếu bỏ công đi hỏi bà con hàng xóm xung quanh đây. ‘Hiện trường’: trong đám cỏ tranh. Thời gian gây án: không rõ, chắc đã mấy ngày rồi. ‘Chủ tọa hội đồng xét xử’: ông Châu, chủ rẫy. ‘Hội thẩm nhân dân’: mấy phụ nữ đứng vòng ngoài, đã không hề có ý khoan hồng. ‘Luật sư tình nguyện’ bào chữa: cháu gái Châu.
Sau khi ‘tội danh thành lập’, án đã được thi hành ngay lập tức. Đặc biệt là Châu - ông chủ tọa hội đồng xét xử, cũng xăng xái tham gia vào ‘đội thi hành án’ nhưng thực ra, ông ta chỉ đứng xa xa, tay quơ quơ cái cuốc, miệng la hét om sòm gọi là chỉ huy. Cả đội cứ xà quần, dày xéo đám cỏ tranh khá lâu mà kẻ thủ ác vẫn luồn lách, tìm đường trốn chạy. Rốt cuộc, vì nghe ồn ào, một thằng cháu khật khùng của Châu ở rẫy bên cạnh đã chạy qua và được bổ sung ngay vào đội. Án tử được thi hành lập tức: nhát cuốc duy nhất của anh khùng bổ xuống, chính xác vào ngay đầu sát thủ.
Nếu không có tôi tình cờ từ Sài Gòn xuống chơi, đúng lúc vụ án xảy ra thì sát thủ đã được đem chôn cất tử tế. Vì một là có người bàn việc lột bộ da phơi khô rồi bán, nhưng da đã hư nát vì nhiều nhát cuốc, nhát rựa "ăn theo". Hai là trong nhà không có ai biết ăn thịt rắn - nay là trăn thì cũng vậy thôi - trừ mỗi mình Châu, tiếc là bạn tôi tuy đã từng ăn và thích ăn nhưng lại không có ý niệm gì về việc chế biến thịt loài bò sát ghê gớm này. Còn lý do thứ ba chính là sự lên án của cháu gái Châu đối với cả hai lý do có trước nên phải lẽ hơn hết là đem chôn cất con vật cho đàng hoàng, cũng là để làm phước đối với một sinh linh vừa rời bỏ cuộc sống thế gian. Do đó, khi tôi cho biết muốn chôn con trăn thì cứ chôn, chỉ cần giữ lại cho tôi - cho hai đứa tôi - một khúc thịt khoảng hai kílô để tôi nấu nướng làm món ăn, lập tức trước mắt mọi người, tôi chợt có cái vẻ gì đó như dân man dã, tức còn xấu, còn tệ hơn rất nhiều so với sự thô lỗ, cục mịch của dân ở rẫy nữa...
Trước kia, Châu cũng là cán bộ, nhưng tiếc một cái lại là cán bộ bình định nông thôn chế độ cũ. Vậy thì sau ngày 30/4, "cán bộ" ta chỉ còn mỗi một con đường là cùng gia đình lui về miếng đất rẫy này. Thấm thoát mấy chục năm chục năm đã trôi qua... Hiện giờ vẫn là nhà tranh, vách đất, vẫn đèn dầu, nước giếng và cây trái còi cọc ngoài vườn - nghĩa là vẫn nghèo. Lâu lâu vì ngặt nghèo quá, có khi Châu phải lén cắt tranh "lộn" bên đất người ta để bán kiếm tiền đong gạo. Mỗi lần từ Sài Gòn xuống chơi, phải sơ ý lắm tôi mới quên mang theo thứ quà cáp thực tế - thức ăn, nhưng thứ ít thực tế hơn là sách báo, tạp chí thì bạn tôi cũng rất mong mỏi. Đặc biệt khi có ý định làm món gì đó lai rai với Châu thì thường là tôi lễ mễ mang theo luôn đủ thứ, từ bột ngọt cho đến hành ngò.
Bữa nay, với khúc thịt trăn, tôi đưa tiền cho đứa cháu nhỏ chạy u ra cái quán gần nhà, cũng có bán đủ thứ. Cần có ngũ vị hương cho món trăn xào, còn xả, ớt đã sẵn có dư dả ngoài vườn. Và dĩ nhiên, không thể thiếu một bình toong rượu cùng với nước đá chữa lửa. Cái chái bếp tồi tàn, vừa thấp vừa tối của nhà Châu bỗng trở nên nhộn nhịp, chộn rộn, khác hẳn ngày thường.
Khó có thể diển tả được cái cảm giác thống khoái kỳ cục, nặng trĩu nhục cảm, khi đứng tắm cạnh giếng nhà Châu. Gió thổi rào rạt gây một chút lạnh lẽo, ngại ngùng nhưng xác thịt được kích thích đến tận cùng bởi nước lạnh. Tắm xong, bọn tôi xà vào chiếc chiếu rách quen thuộc đã được trải dưới gốc mít – cũng là chỗ nhậu quen thuộc từ trước đến nay...
Phần còn lại của thi thể con trăn sát thủ - như đã nói - giờ là đĩa xào ngũ vị thơm phức. Mấy con chó xớ rớ gần đó bị đuổi chạy cho xa vì người ta cử kiêng, không bao giờ cho chúng ăn xương rắn, xương lươn. Xương trăn cũng vậy thôi. Cảm giác sảng khoái một lần nữa lại lan tỏa khắp người, dĩ nhiên bắt đầu từ vị giác. Thứ rượu dỏm, hôi như mùi cao su cháy hay mùi giẽ rách lau bàn, mấy ngụm đầu tiên lại chợt ngon lạ lùng. Có khi hạnh phúc đơn sơ quá đỗi. Hạnh phúc bé mọn đến tội nghiệp.
Vậy mà đứa cháu gái Châu đang kết tội chúng tôi sát sinh: một nhóm sát thủ này giết một sát thủ khác, bạo tàn hơn là còn ăn luôn cả một phần thi thể. Chỉ riêng có Châu, đã nói nhỏ với tôi là hành vi ăn thịt luôn sát thủ bị giết, trong trường hợp này là một con vật thì không phải là tội, do ông bà mình từ xưa đã có chủ trương "vật dưỡng nhơn" . Vậy lời buộc tội không xác đáng: không sát sinh thì làm gì có "vật dưỡng nhơn"? Rõ ràng tôi đã cố gắng giải thích, mong mỏi sự đồng cảm từ ‘luật sư’ bào chữa cho con trăn sát thủ.
Bất giác tôi ngước mặt lên nhìn đứa cháu gái của Châu. Đó là một con bé ốm yếu, đen đũi, gương mặt không đến nổi xấu gái nhưng trông thật tối. Gần hai mươi tuổi rồi mà thân thể không hề hứa hẹn một chút gì nở nang, tròn trịa. Những khó khăn, túng thiếu kéo dài ở gia đình này đã khiến con bé mang những suy nghĩ, hoài vọng bế tắc của mình ghé vào những am, chùa, miếu, cốc… đầy dẫy ở vùng đất khô cằn này. Rồi niềm an ủi có thể chợt đến từ lời giảng dong dài của một vị ni cô trẻ đi tu vì thất tình hay từ một ông sư già bất đắc chí bởi tán gia bại sản nào đó. Có lẽ con bé được dạy rằng, sống ở đời, có nghèo khổ thì chỉ là do số mạng, do nghiệp báo không thể tránh khỏi. Hơn nữa, sống ở đời là phải chịu nhận lấy phần thua thiệt về mình. Như về biến cố con trăn nuốt mấy con gà - tài sản quí báu của bà ngoại mình - thì con bé vẫn nhất định không kết án con trăn, cũng như không chịu cho ai trị tội sát thủ. Hãy tha thứ cho kẻ ác! Đừng chấp! Hãy ẩn nhẫn và chịu đựng trước tội lỗi!
Tôi nhìn lại đĩa thịt trăn. Lẽ nào niềm hạnh phúc nhỏ bé của buổi chiều hiếm hoi, tình cờ lại này không thể được tha thứ? Một sát thủ vừa rời khỏi thế gian nhưng cũng có để lại chút kỷ niệm về mình trong dạ dày của con người chúng ta. Nhưng sự kết thúc đời sát thủ hình như không đem lại niềm vui cho nhiều nhiều người một chút.
Thôi, bữa nay men rượu đã không đủ gây hưng phấn, dù là một chút lãng đãng chiêm bao, để trở vô nhà lấy ra cây ghi-ta như mọi lần. Trời mới về chiều mà tôi đã nghĩ đến sáng mai trở về thành phố, trở lại công việc kiếm sống. Cũng như bạn tôi phải trở lại với mấy gốc mảng cầu, gốc mít cùng đám cỏ tranh. Chỉ có sát thủ là đã đi vào hư vô...