Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      



BẢY NGÀY VÀ…




H ôm nay thì hắn chán tất cả, từ những cuộc ăn chơi muôn sắc mầu quên cả thời gian do đàn em tổ chức, những lời mật ngọt tâng bốc có cánh, đến cả những hợp đồng làm ăn có lời lớn mà nếu như trước đây, hắn không bao giờ bỏ lỡ cơ hội.

Đã bảy ngày rồi vợ hắn bỏ về nhà bố mẹ đẻ, sau cái bạt tai có phần nặng tay của hắn. Hôm ấy, hắn chếch choáng hơi men như bao ngày khác sau cuộc nhậu tới bến với một đối tác lớn, nhưng kiên quyết cự tuyệt không cho cậu lái xe dìu vào nhà, bởi biết chắc bao giờ người vợ cũng chờ và mở cửa cho hắn. Thế mà, gọi không thấy vợ mở cửa như mọi ngày thì chớ, khi gắng gượng loạng choạng vào nhà, hắn lại thấy vợ đang đứng bên cửa sổ trả lời điện thoại của ai đó, điệu bộ ra chiều niềm nở lắm. Nghi hoặc hắn gặng hỏi:

- Cô mải điện thoại với thằng nào mà không mở cửa cho tôi?

- Có gì đâu anh, bạn học cũ hỏi thăm ấy mà. Em xin lỗi…

Tự dưng cơn giận bùng lên trong hắn. Hắn lao tâm khổ tứ tìm mọi cách kiếm tiền thì cái nhà này mới được như bây giờ, chứ trông vào đồng lương giáo viên ba cọc, ba đồng của vợ thì…Càng nghĩ càng như có lửa bốc lên trong đầu:

- Cô còn cãi phải không, khi tôi vào nhà cô còn đang ngọt ngào anh em với thằng đĩ đực nào đấy cơ mà. Này thì cãi này. Này thì anh với em này. Này thì xin lỗi…

Say là thế, giận là thế mà hắn vẫn chợt nhận ra trong mắt vợ sự ngỡ ngàng, thảng thốt, thất vọng và giận dữ tột đỉnh mà hắn chưa bao giờ thấy.

Nằm thượt trên giường, tự nhiên hắn nhớ đến những lời ỏn thót của lũ đàn em trong những cuộc chén chú chén anh:

- Anh hai có người vợ tuyệt vời thật đấy, vừa xinh, có học lại dịu dàng, đảm đang hiền thục...

- Có nội tướng như chị hai, nên anh hai ngày càng thành công là phải…

- Ai cũng ghen với anh chị đấy, gia đình hạnh phúc, con cái vừa giỏi lại ngoan…

Đúng là vợ hắn là một mẫu mực của người vợ truyền thống, đẹp nết đẹp người. Hàng ngày dạy học về là chăm chút việc nhà, hết mực chiều chồng, dạy dỗ con cái, chăm lo việc hai bên họ mạc. Hắn chưa bao giờ phải động tay vào việc nhà, chưa bao giờ nghe thấy lời phàn nàn của bất cứ ai về vợ. Ngay cả hai đứa con đều học giỏi và đỗ đại học, có chỗ làm việc ổn định, hắn cũng chỉ có cái công cùng chu cấp tiền nong, chứ chưa bao giờ phải ngó ngàng đến. Vợ hắn luôn được đồng nghiệp và học trò kính trọng. Nhiều học sinh ra trường từ lâu vẫn coi cô giáo như người mẹ hiền, tâm sự với cô cả những điều sâu kín nhất, coi cô giáo như điểm tựa tinh thần trong cuộc đời. Hắn một nhà kinh doanh thức thời, vận may lại luôn mỉm cười, nên tiền của chảy về như nước. Hắn trở nên trịch thượng, kiêu ngạo, tự cho mình quyền sinh quyền sát, ban phát và nhận những lời ơn huệ có chiều hàm ơn, xu nịnh tự lúc nào. Có hôm, sau những cuộc rượu chè, cờ bạc, ăn chơi từ A đến Z, nhìn vợ, hắn có đôi chút động lòng trắc ẩn và thầm tự hỏi không hiểu tại sao vợ hắn lại nhẫn nại và chịu đựng được đến thế. Hắn biết sự nhẫn nhịn của vợ, nhưng từ lâu đã quen được chiều chuộng và hưởng thụ nên cũng thấy đấy là điều bình thường và tất yếu. Thực ra vợ hắn có những lần cự nự nhưng hắn mắng át đi, cả vú lấp miệng em, mạnh gạo bạo tiền mà. Từ lâu triết lý sống của hắn đã như vậy rồi.

Hôm nay trong lòng trống vắng, ngẫm lại, hắn thấy đúng là vợ hắn có nhiều điểm đáng quí vô cùng, mà không phải người phụ nữ nào cũng có được. Chỉ có điều bao năm sống gia trưởng, quen được vợ chiều chuộng và sự nịnh nọt của người đời, hắn trở nên tuýp người quen với sự hưởng thụ và những đòi hỏi không có điểm dừng, thậm chí nhiều khi vô lý. Hai đứa con hắn khi biết chuyện đều bênh mẹ ra mặt, thậm chí chúng còn nói thẳng với hắn:

- Từ lâu chúng con vẫn biết bố đối xử bất công với mẹ, nhưng không thể tưởng tượng lần này bố lại thô bạo vô lý đến như vậy. Đúng là bố làm ra nhiều tiền, nhưng thử hỏi ai là người quán xuyến việc nhà, chăm sóc dạy dỗ chúng con? Ai là người nâng giấc mỗi khi ông bà đau ốm… để bố yên tâm kinh doanh. Từ trước mẹ và chúng con đều biết bố sống như thế nào, nhưng đều cố nhịn cho yên nhà, gắng chịu đựng để giữ lấy gia đình và hy vọng bố sẽ thay đổi. Mẹ và chúng con luôn động viên nhau, thương và thông cảm phần nào với bố phải vật lộn trong dòng xoáy thời thị trường mở cửa. Bố có biết mẹ con phải chịu đựng và hy sinh bao năm nay đến mức nào không? Chúng con cố gắng học hành vì thương mẹ, phấn đấu có một cuộc sống tự lập vững vàng cho mẹ yên lòng và làm cho mẹ có thêm niềm vui sống. Lần này bố làm tổn thương cả mẹ và chúng con cùng tất cả gia đình, không biết sau đổ vỡ quá lớn này, mẹ con có vượt qua được không. Giọt nước tràn ly làm mẹ con giận bố và thất vọng vô cùng. Nếu bố không có thái độ đúng với mẹ thì không biết sẽ như thế nào. Bố là bố của chúng con, chúng con mong bố…

Lúc đầu nghe các con góp ý, hắn giận đến tím cả mặt. Từ trước đến nay hắn quen với việc phục tùng vô điều kiện của mọi người, chứ có ai dám phê bình góp ý với hắn bao giờ. Thế mà lần này… rồi còn chưa kể anh em, gia đình, họ mạc… ai cũng ra mặt phản đối hắn nữa chứ. Lâu lắm rồi hắn mới có những giờ phút nhìn nhận lại mình và phải sống trong dằn vặt, đấu tranh giữa cái đúng và cái sai, hạnh phúc mong manh cùng những hào nhoáng bề ngoài cùng sự đổ vỡ, danh dự và sĩ diện, giá trị đích thực của cuộc sống cùng những phù phiếm chốc lát, lỗi lầm và sám hối… như bây giờ. Hắn hiểu rằng, sau bao năm tháng chịu đựng, lần này vợ hắn bị xúc phạm nặng nề. Cái giới hạn của sự kiềm chế đã đến cái ngưỡng cuối cùng. Hắn hoảng sợ thật sự, bởi hắn hiểu rõ tiền bạc cũng chẳng có ý nghĩa gì, nếu con người không có một tổ ấm, mà hắn đâu có còn trẻ dại. Bao lâu nay, nhiều khi hắn bỏ tiền ra là mua được những gì hắn muốn, nên hắn hiểu hơn ai hết giá trị của hạnh phúc gia đình, đâu có phải là có tiền là có tất cả…

Hắn lơ đãng nghe tiếng chuông đồng hồ báo giờ. Nhìn dòng ngày tháng nhấp nháy trên màn hình, hắn chợt giật mình. Hôm nay là mùng một âm. Hắn là nhà kinh doanh nên tín lắm, chính hắn bảo lũ đàn em đem đồng hồ đi cài đặt hiển thị ngày âm để vợ hắn biết mà thắp hương, cầu khẩn cho hắn làm ăn thông đồng bén giọt. Nghe nói đền chùa nào thiêng thì dù xa mấy hắn đều đến cầu khẩn. Tự nhiên hắn nhớ lại câu chuyện một đàn em kể nịnh hắn hôm qua, trong cuộc rượu. Lúc ấy hắn nghe và chỉ cười đãi bôi như bao lần khác và nhủ thầm, chắc thằng cha này nghe ai kể hoặc đọc ở đâu đó mà thôi:

- Có một đôi vợ chồng trẻ nọ, cố mãi vẫn không thoát khỏi cảnh nghèo túng, nghe nói có một ngôi đền linh thiêng lắm, cầu gì được nấy. Người chồng khăn gói lên đường, vượt bao núi cao vực thẳm rồi cũng đến nơi. Trong đền chỉ có tượng hai vị thần, người chồng thắp hương khấn vái thì nghe như có lời thì thầm bên tai: Chúng ta là thần của cải và thần hạnh phúc, ngươi chỉ được chọn một trong hai ta mà thôi, chọn vị thần nào vị nấy sẽ cùng về và phù hộ cho vợ chồng ngươi. Người đàn ông nghĩ vợ chồng vốn yêu thương nhau, sống hòa thuận nhưng nghèo quá, nên cầu xin của cải. Từ khi có thần của cải trong nhà, tiền của như có chân đua nhau chạy về, sinh sôi nẩy nở. Chẳng mấy chốc đôi vợ chồng nọ trở nên giàu có nổi tiếng khắp vùng. Nhưng cũng từ đấy ngôi nhà của họ không còn là tổ ấm nữa, người chồng sa vào cờ bạc, rượu chè, cùng những cuộc chơi không có điểm dừng. Vợ chồng luôn đánh cãi chửi nhau, trong nhà lúc nào cũng u ám, lạnh lẽo, điều ngày trước chưa bao giờ có trong nếp nhà tranh bé nhỏ, đơn sơ. Nghĩ ngợi, cân nhắc mãi, người chồng lại khăn gói đem tượng vị thần của cải đến trả về ngôi đền nọ và cầu xin vị thần hạnh phúc. Khi trở về, hắn ngạc nhiên thấy cả hai vị thần cùng theo về. Vị thần hạnh phúc mỉm cười độ lượng: Lần trước ngươi cầu của cải, thì chỉ được giầu có. Lần này ngươi cầu hạnh phúc sẽ được cả hai, bởi trong ta có cả hai điều đó, chúng ta tuy hai nhưng là một đấy thôi. Từ đấy tuy hai vợ chồng không giầu có như trước, nhưng cuộc sống như được hồi sinh, ấm dần trở lại”. Anh hai đúng là người có cả hai vị thần trong nhà đấy ạ!

Như có một tia chớp lóe lên trong đầu, hắn vục dậy vội vã rửa mặt, chải đầu, sửa sang áo quần, thắp hương thành kính khấn vái rồi vội vàng ra xe phóng về phía nhà bố mẹ vợ.




VVM.23.8.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .