Thuở ấy, chưa có các Ðài cấp Tỉnh, Ðài Huế là Tiếng Nói chung của cả Miền Trung, nên máy phát rất mạnh, không thua Ðài Quốc-Gia và Ðài Pháp-Á (Radio France-Asie) của Pháp ở Sài-Gòn, nghe được cả ở Miền Bắc lẫn Miền Nam Việt-Nam.
Cả nước chưa có hệ-thống truyền-hình; cả Miền Trung chỉ có vài ba tờ nhật-báo ở Huế mà thời-sự thì dựa theo tin-tức đọc chậm của Ðài Sài-Gòn. Trong tình-hình đó, Ðài Huế là món ăn tinh-thần hằng ngày của đồng-bào Miền Trung, và của cả những người ở phiá ngoài Tỉnh Thanh-Hoá và ở phiá trong Tỉnh Bình-Thuận mà có gốc-gác hoặc liên-hệ đời sống ở Miền Trung.
Ngoài những tiếng hát của các nam+nữ ca-sĩ mà một số về sau vào Sài-Gòn thì trở thành danh-ca của toàn-dân, giọng bình và ngâm thơ của các thi+kịch-sĩ tên-tuổi một thời, tiếng hát của các danh-ca quốc-tế trong các chương-trình nhạc ngoại-quốc do thính-giả yêu-cầu, và giọng đọc xì-xồ của mấy người Pháp trong chương-trình vô-tuyến của Service d’Information, những ai đã từng nghe Ðài Huế cũng đều xác-nhận rằng người nữ-xướng-ngôn chính của Ðài này có một giọng đọc truyền-cảm vô-cùng. Giọng đọc của người con gái Huế ấy chẳng những dịu-dàng, ngọt-ngào, ấm-cúng, hấp-dẫn, mà còn trí-thức, vì không bao giờ vấp phạm lỗi-lầm khiến thính-giả khó chịu hoặc làm sai lạc ý-nghiã của câu văn.
Những người hiếu-kỳ đi ngang qua Ðài Huế thường để ý thấy có một thiếu-nữ be-bé xinh-xinh, cư-ngụ trong một căn phòng khiêm-tốn ở tầng trên của một buồng-kho bên hông trụ-sở Ðài. Một cầu thang nhiều bậc xi-măng từ mặt đất bắc lên cửa phòng làm cho căn phòng có vẻ cao hơn, khiến các thanh-niên ái-mộ đặt cho người-đẹp và căn phòng ấy cái mỹ-danh “nàng bồ-câu trên chuồng bồ-câu”.
Ðó chính là cô xướng-ngôn nói trên.
Sau ngày hồi-cư vào đầu năm 1947, tôi thường đến Ðài Huế để góp phần vào các chương-trình kịch vô-tuyến hằng tuần, kể cả việc trình-bày một số kịch thơ dã-sử và xã-hội của tôi, trong đó nhạc-sĩ Trịnh Văn Ngân là một trong những cây ngâm tuyệt-vời.
Do đó, tôi quen biết “nàng bồ-câu trên chuồng bồ-câu”. Tên nàng là Trần Trinh Thuận, tức nữ-sĩ Vi Khuê, một biên-tập-viên chính-ngạch có giọng nói trời cho nên kiêm luôn phần-vụ xướng-ngôn.
Tuy Vi-Khuê làm việc ở một cơ-quan thông-tin tuyên-truyền đậm màu chính-trị, nhưng những bài thơ của nàng hồi đó chỉ là tâm-tình của bạn gái ở lứa tuổi hai mươi, dễ thương như “con nai vàng ngơ-ngác, đạp trên lá vàng khô”.
*
Tôi thì lăn xả vào giữa tình-hình rối-ren cuả Quê Hương. Dù đã từng bị giặc Pháp tù đày, tôi vẫn giao-du tuy không đồng-ý với Hồng Quang, chủ-nhiệm báo “Ý Dân”, là người chỉ chọn vũ-lực để chống chủ-nghiã thực-dân; và vẫn cộng-tác tuy không thuận-tình với Phạm Bá Nguyên, chủ-nhiệm báo “Công Lý,” là kẻ nhận Ðệ-Tứ thay cho Ðệ-Tam. Tôi lui+tới với Duy Sinh nhưng chưa yên tâm vì huyền-thoại văn-hoá điệp-báo của Nguyễn Bách Khoa. Tôi rất đau lòng vì đồng-bào đói khổ, nhưng chỉ hiệu-chính giùm thi-pháp chứ không tán-thành nội-dung khích-động giai-cấp đấu-tranh trong thi-tập “Tiếng Nói của Dân Nghèo” cuả Vân Sơn PMT (Phan Mỹ Trúc). Tôi thân+thương Trụ Vũ và Quách Thoại nhưng không hợp tính với họ vì lối sống phóng-túng của hai nghệ-sĩ thân-nhân ấy của Vi Khuê. Tôi tiếp-xúc với tác-giả nhưng không khép mình trong triết-thuyết bi-quan trong “Con Thuyền Không Bến” cuả Nguyễn Vũ Ban. Tôi thả hồn lên cõi siêu-nhiên nhưng không bước vào nương nhờ Cửa Thiền trong “Không Bến Hạn” cuả Huyền Không.
Tôi ủng-hộ cả hai đường-lối phục-hồi độc-lập quốc-gia: công-nghiệp kháng-chiến vũ-trang chân-chính của người dân, và nỗ-lực ngoại-vận ôn-hoà của các chính-trị-gia không-cộng-sản trong lòng Thế-Giới Tự-Do.
Riêng ở phiá bên này lằn ranh, tôi nhận thấy Cựu-Hoàng Bảo Ðại thì quá yếu mềm mà Đế-Quốc Pháp thì còn luyến tiếc giấc mơ đô-hộ Việt Nam, nên viết cuốn truyện dã-sử “Trai Thời Loạn” để gửi gắm ý mình, và kết-quả là tôi bị cơ-quan An-Ninh Quốc-Gia bắt giam; sau nhờ có chính-khách Cao Văn Chiểu, Giám-Đốc Thông-Tin Lê Tảo, cùng nhiều nhân-sĩ khác, can-thiệp với Thủ-Hiến Phan Văn Giáo, tôi mới được thả ra.
Ðể tạo một thế đứng vững-vàng hơn, tôi thành-lập Thi+Văn Ðoàn “Xây-Dựng”, xuất-bản các tác-phẩm của mình và của các bạn từ Bắc chí Nam. Mới bắt đầu thì Nhất Hiên (Phan Nhật Hiến) bỏ theo Việt Minh, và nửa chừng thì Như Trị (Bùi Chánh Thời) cũng nhảy lên chiến-khu.
Tôi hướng về nền dân-chủ và lòng hào-hiệp cuả Hoa Kỳ như tia sáng ở cuối đường hầm.
*
Tháng 4 năm 1954, tôi vào phục-vụ tại Phòng 5 Bộ Tư-Lệnh Ðệ-Nhị Quân-Khu với tư-cách văn-nghệ-sĩ & ký-giả bị/được động-viên chuyên-môn. Lê Ðình Thạch và Huy Vân thì kỳ-cựu, Tô Kiều Ngân gốc Nha Thông-Tin cũng đã thành quân-nhân. Tchya (Ðái Ðức Tuấn) và Nhất Lang thì được đồng-hoá sĩ-quan.
Ngoài việc viết bài cho báo “Tiếng Kèn”, cho các đơn-vị Võ-Trang Tuyên-Truyền ở tuyến đầu, và cho chính tôi đi vận-động trong dân-nhân, tôi còn là phóng-viên chiến-tranh và biên-tập-viên chính cuả Ðài “Tiếng Nói Quân Ðội” tại Miền Trung.
Do chương-trình phát-thanh này, mà tôi là giám-đốc, tôi mới đặt phòng-giấy ngay tại trụ-sở của Ðài Phát-Thanh Huế, và gặp mặt Vi Khuê thường-xuyên.
Thay chỗ nhạc-sĩ Anh Chương, tôi cử Lâm Tuyền làm Trưởng Ban Tân-Nhạc; nhưng rồi tôi làm lơ cho Lâm Tuyền đào-ngũ vì anh quá chán chuyện đời.
Tôi đưa Văn Giảng lên thay.
Hà Thanh mới bắt đầu vào nghề.
Những lần xe Jeep bị hư, tôi đạp xe-đạp qua chở Kim Tước từ cư-xá Nha Thông-Tin ở bên kia cầu Trường Tiền. Cặp Châu-Kỳ−Mộc-Lan của giới ca-nhạc, cũng như cặp Hoàng-Pha−Phương-Khanh của giới văn+thơ, cũng đã từng ở đây.
*
Rồi Thoả-Ước Geneva ra đời.
Trong hội-nghị quốc-tế ấy, có ba nhân-vật Việt-Nam đã được thế-giới chú ý hàng đầu: Cô Thiên-Hương, con gái của nhà văn Hồ Hữu Tường, là nữ ký-giả duy-nhất, nói được nhiều ngoại-ngữ và trẻ đẹp nhất trong giới truyền thông; Cụ Võ-Thành-Minh, một lão-thi-sĩ, từ Huế đến, đã bí-mật vượt hàng rào Cảnh-Sát Thụy-Sĩ vào cắm trại trên Bờ Hồ Leman trước hội-đường, tuyệt-thực thổi sáo nói lên nỗi lòng của người dân Việt-Nam mong-muốn Thống-Nhất và khao-khát Tự-Do; và Ông Nguyễn-Quốc-Ðịnh, Ngoại-Trưởng cầm đầu Phái-Ðoàn Quốc-Gia Việt-Nam của chính-phủ Bảo Ðại, đã từ-chức để khỏi ký tên vào văn-bản thừa-nhận việc đất nước bị qua-phân.
Thủ-Tướng Ngô Ðình Diệm cử Ông Trần-Văn-Ðỗ đến thay. Pháp và Việt-Minh thoả-thuận ngưng bắn, lấy vĩ-tuyến 17 ngang sông Bến Hai làm ranh-giới Bắc–Nam.
*
Ðại-Tá Trương Văn Xương, Tư-Lệnh Ðệ-Nhị Quân-Khu, thuộc cánh Tổng-Tham-Mưu-Trưởng là Trung-Tướng Nguyễn Văn Hinh (con của cựu Thủ-Tướng Nguyễn Văn Tâm, thân-Pháp), mở một chiến-dịch đưa quân từ Huế vào tiếp-thu các Tỉnh phiá trong. Theo chương-trình chính-thức thì Thủ-Tướng Diệm sẽ từ Sài-Gòn ra chủ-toạ lễ thiết-lập Chính-Quyền Quốc-Gia tại vùng đất mới lấy lại này. Theo kế-hoạch riêng của cặp Hinh+Xương thì Diệm, trên đường đi từ Huế vào Quảng-Ngãi, sẽ bị lính và dân dàn chào bằng tiếng hô “Đả Đảo” cùng với trứng thối và cà chua. Câu hỏi nổi bật là “Mười vé phi-cơ cho gia-đình họ Ngô, hay là mạng sống cuả cả trăm ngàn binh sĩ Quốc-Gia?” Các bức tường vẽ khẩu-hiệu đã được xây lên; và biểu-ngữ, bích-chương, cùng truyền-đơn liên-hệ đã được chuẩn-bị sẵn dọc đường rồi.
Phòng 5 Quân-Khu đương-nhiên đảm-trách công-tác tác-động tinh-thần này.
Thành-Phố Huế ngẫu-nhiên được chia thành hai trận-tuyến. Bộ Tư-Lệnh Quân-Khu thì đóng trong Ðại-Nội, phiá Bắc của Sông Hương; nhà Ông Ngô-Ðình-Cẩn, trung-tâm quy-tụ cuả gia-đình họ Ngô, thì nằm trên Xóm Phú-Cam, phiá Nam của Sông Hương. Bộ-phận “Tiếng Nói Quân-Ðội” của tôi lại đặt trụ-sở tại Ðài Huế, trên bờ phiá Nam. Ðể biểu-dương lực-lượng, Quân-Khu phái đến hai chiếc xe-tăng, án-ngữ hai bên sân, trước Ðài Phát-Thanh. Các chương-trình vô-tuyến dân-chính chỉ có nội-dung lập-lờ, thông-tin hàng-hai.
Ở Quảng-Ngãi, cán-bộ Việt Minh gài lại xúi giục dân-chúng phản-kháng lực-lượng tiếp-thu, vì thấy vẫn có Cố-Vấn Pháp trong hàng-ngũ Quốc-Gia; súng nổ, người chết; Ủy-Hội Quốc-Tế Kiểm-Soát xen vào.
Ðảng Cần-Lao, qua nhạc-sĩ Ngọc Linh, móc nối tôi.
Tôi không theo đảng-phái nào hết, nhưng quyết-định ủng-hộ Thủ-Tướng Diệm, với chủ-trương “Ðả Thực, Bài Phong, Diệt Cộng”, để được sự giúp-đỡ cuả Hoa-Kỳ. Quốc-gia giàu mạnh nhất thế-giới này đã dìu-dắt Tây-Ðức, nâng-nhấc Nhật-Bản, và cứu-vớt Ðại-Hàn. Trung-Tá Nguyễn Văn Bông, Tư-Lệnh Mặt Trận Nam–Ngãi, đã phát-biểu với Trung-Tá Nguyễn Văn Tố, Phó Tư-Lệnh Ðệ-Nhị Quân-Khu, trong khi ổng lái xe ra đón Tố vào:
– Mình cộng-tác với thằng giàu thì hẳn sướng hơn phục-vụ cho thằng nghèo!
Tôi thảo truyền-đơn, tài-liệu, viết bài tuyên-truyền cho chí-sĩ họ Ngô.
Bộ Tham-Mưu của Xương không tin-tưởng ở tôi. Họ lập hẳn một Ðài Phát-Thanh riêng, trong Thành-Nội― dân-chúng gọi là “Đài bí-mật”―để tự mình phổ-biến lập-trường chống-Diệm và hô-hào dân-chúng nổi lên.
Không còn bị Cấp Trên ràng buộc, tôi công-khai dùng “Tiếng Nói Quân Ðội” để hậu-thuẫn cho Diệm và Hoa-Kỳ.
Hồi ấy, chỉ có một số trong giới Nho-học lớn-tuổi nghe danh Ông Ngô-Ðình-Khả, còn đa-số dân-chúng nói chung thì ít ai biết tên Ông Ngô-Ðình-Diệm, ngoại-trừ một nhóm trong giới Kitô-Giáo có đọc tờ báo “Tinh Thần” thời-gian gần đó.
Chương-trình phát-thanh của tôi có ảnh-hưởng rất lớn trong quần-chúng, vì làn sóng của Ðài Huế phát đi rất mạnh và xa, trong lúc “Ðài bí-mật” thì nhỏ và yếu, chỉ lẩn-quẩn vùng gần, lại khi-có khi-không.
Tôi đã lèo-lái để người dân xứ Huế, nghe Đài “của tôi” và trông thấy hai chiếc xe-tăng trấn đóng trước Ðài mà tưởng và tin là phe mạnh nhất trong Quân-Lực đã đứng hẳn qua phía Diệm, nên biệt-phái chiến-xa đến cho tôi để bảo-vệ Tiếng Nói của mình, chống lại phe yếu thế Hinh–Xương.
Toàn-quốc, nhất là Sài-Gòn, hướng về xứ Huế, gốc-gác của họ Ngô, lấy đó làm chỉ-dấu mà lên tinh-thần.
Từ đó, các phần-tử thân-Diệm mới dám đứng ra khỏi vòng giới-hạn của mình mà hoạt-động rộng-rãi trước mắt mọi người.
*
Trong những tháng ngày gay-cấn ấy, cứ mỗi lần từ các cuộc hành-quân hoặc từ các hoạt-vực bên ngoài trở về với phòng-giấy tại Ðài, tôi lại cảm thấy nhẹ-nhõm cả người, khi gặp mặt lại những nữ-nghệ-sĩ trẻ đẹp tươi vui, như bướm, như hoa, tô thắm cuộc đời. Trong vườn thanh+sắc ấy, Vi Khuê của giới thi+văn vẫn gần-gũi với tôi hơn các bạn bên giới cầm+ca. Nhưng “nàng bồ-câu” vẫn vô-tư-lự như mọi ngày, đâu biết đầu-óc tôi đã bỏng-rát những tính-toán mưu-mô, thân-xác tôi đã bầm-dập những gian-nan nguy-khốn, và chỉ trở về văn-phòng để thư-giãn cho những căng-thẳng thần-kinh.
*
Thủ-Tướng Ngô Đình Diệm thắng phe Hinh+Xương.
Hoa-Kỳ mở Phòng Thông-Tin tại Đại-Khách-Sạn Morin. Giám-Ðốc Thompson A. Grunwald là viên-chức dân-sự Mỹ đầu tiên đặt chân đến Miền Trung. Tôi tổ-chức dạy tiếng Anh trên Ðài, có Tôn Thất Ðát phụ-lực; tham-gia thường xuyên là Thompson, và bất-thường là bất-cứ người ngoại-quốc nào nói tiếng Anh mà tôi gặp được, bắt đầu từ Đại-Tá Richardson, Trưởng Phái-Ðoàn quân-sự Hoa-Kỳ T.R.I.M.
Lớp dạy tiếng Anh của tôi là lớp đầu tiên trong lịch-sử dạy tiếng Anh qua làn sóng truyền-thanh cho thính-giả Việt-Nam.
Ðại-Tá Nguyễn Quang Hoành lên thay Trương Văn Xương, rồi vì bất-đồng chính-kiến nên lại nhường chỗ cho Thiếu-Tướng Lê Văn Nghiêm.
Ðại-Úy Ngô Văn Hùng thay thế nhạc-sĩ Ngọc Linh, làm Trưởng Phòng 5. Văn Giảng ra đi, tôi cử Lê Trọng Nguyễn lên thay. Nguyễn vừa dịch tài-liệu vừa sáng-tác nhạc; bên cạnh giai-phẩm “Nắng Chiều” là “Hoan-Hô Lê Thiếu-Tướng” theo lệnh của Hùng (bắt chước “Hoan Hô Ngô Thủ-Tướng”). Ðể giúp Tôn Thất Ðậu chọn nhạc ngoại-quốc do thính-giả yêu-cầu, tôi liên-lạc với hàng chục Toà Ðại-Sứ ở Sài-Gòn, viết lời mở đầu về nền âm-nhạc của mỗi nước, và đặc-tính của mỗi bản nhạc, để giới-thiệu trước khi trình-bày. Giáo-Sư Lê Hữu Mục có đến chơi đàn; nữ-sĩ Như Thu đến góp bài; thi-sĩ Hồ Ðình Phương đến ngâm thơ. Trình-bày “Mục Thi-Ca” của tôi là Trần Anh Tuấn, Ðinh Lợi, Lan Hương, và Tâm Thanh (Tôn Nữ Kim Ninh).
*
Ở các Tỉnh Cao-Nguyên và miền núi Tỉnh Quảng-Ngãi, phong-trào đòi tự-trị của người Thượng nổi lên.
Chính-Quyền Diệm gom các phần-tử chủ chốt “Thượng Tự-Trị” về tập-trung ở đầu Cầu Nam-Giao. Một Nha Chiến-Tranh Tâm-Lý được lập nên, đặt trụ-sở ở đầu Cầu Phú-Cam. Đại-Úy Hùng kiêm-nhiệm Nha này. Tôi cũng kiêm thêm một số phần-vụ ở cơ-quan này, nên dời bàn-giấy đến đây.
Bộ Tư-Lệnh Ðệ-Nhị Quân-Khu dời tổng-hành-dinh qua Hữu-Ngạn sông Hương.
Nước Việt-Nam Cộng-Hoà, với sự hậu-thuẫn của Hiệp-Chủng Quốc Hoa-Kỳ, được Thế-Giới Tự-Do nhìn-nhận.
*
Trong những năm trẻ-trung của Nền Ðệ-Nhất Cộng-Hòa ấy, Liên-Xô, Hoa-Cộng và Cộng-Sản Bắc-Việt, là những bên chủ-trương chia đôi đất nước Việt-Nam, chưa sẵn-sàng thực-hiện vũ-trang xâm-lược Miền Nam, mà Hoa-Kỳ thì viện-trợ tối-đa cả tinh-thần lẫn vật-chất cho con bài của mình và cái tiền-đồn mới lập này của họ ở Ðông Nam Á, nên tình-hình an-ninh khả-quan, chế-độ bắt đầu vững-vàng.
Thế là nhiều người liền tranh nhau mưu-quyền thủ-lợi riêng. Hầu hết chiến-công giữ nước, cũng như thành-tích dựng nước, được dùng để dâng lên Ngô Tổng-Thống, chỉ là những cử-chỉ qụy-lụy, những lời-lẽ tâng-bốc, những thái-độ tôn-thờ, dành cho toàn-thể gia-đình họ Ngô, được các tay chân thân-tín của Cụ xét thấy êm tai đẹp mắt nên tường-trình lên mà thôi.
Ông Ngô-Ðình-Khôi, bào-huynh của Diệm, từ-trần đâu cả chục năm trước kia, không ai biết đến; nay dời mộ-phần thì có cả tá cấp-cao chức-lớn gây lộn nhau để giành làm Trưởng Nam danh-dự hầu-cận bên quan-tài; nhiều năm về sau, hễ nhắc đến ông, nhiều kẻ còn khóc-lóc thảm-thương. Ông Ngô-Ðình-Luyện làm đại-sứ tận bên nước Anh, người dân không hề thấy mặt, thế mà khi nhắc đến ổng thì ai nấy đều vẽ-vời ra vô-vàn tài-cao đức-trọng, để ngợi-ca cho vừa lòng thế-gia. Huống chi các “Cố Vấn” hùng-cứ trong nước mà uy-quyền có khi lấn át cả ông anh. Dù không muốn nhập-cuộc, đa-số vẫn phải nhắc đi nhai lại, để được yên thân, những sáo-ngữ đã thành công-thức chót lưỡi đầu môi:
“Nhờ ơn Ngô Tổng-Thống và các bào-huynh, bào-đệ cuả Người!” Thế là lắm kẻ được đặc-cách tiến-chức thăng-quan.
Trung-Tướng Thái Quang Hoàng thay thế Lê Văn Nghiêm.
Nhà văn Bùi Tuân trở thành Dân-Biểu, không còn viết thuê xã-luận cho Ðài của tôi, mà diện lễ-phục lái xe-hơi di diễu khắp phố-phường. Nhạc-sĩ Ngô Ganh không còn lập-dị, mặc bộ com-lê may bằng dạ chăn đi dưới nắng hè, bên trong là chiếc áo ngủ cổ kiềng mà mỗi lần đi đâu thì chỉ cần gài thêm vào đó một cái cổ áo trắng có đính sẵn ca-vát là khỏi phải tốn thêm nguyên cả chiếc áo sơ-mi; bây giờ ảnh làm Quản-Ðốc Ðài, kiêm Ðại-Diện Nhân-Dân Miền Trung, ngồi chung dãy ghế danh-dự với Ðại-Biểu Chính-Phủ, Tư-Lệnh Quân-Khu, v.v... trong những buổi lễ công-cộng trên khán-đài Phu Văn Lâu.
Trong lúc đó, tôi bị cơ quan An-Ninh Quân-Ðội thẩm-vấn tới, điều-tra lui. Họ vin vào cớ tôi đã là Trưởng Ðài Quân-Ðội từ khi còn Hinh+Xương.
Một hôm, Tổng-Thống Diệm ra Huế và ở lại đêm. Sáng sau, tôi nghe hàng-xóm kháo chuyện với nhau: “May mà bắt được, chứ không thì quân khủng-bố đã ám-hại Tổng Thống đêm qua rồi!” Ðến sở, tôi hỏi Đại-Úy Ngô Văn Hùng thực/hư thế nào; ổng liền gọi điện-thoại cho An-Ninh Quân-Đội, và cơ-quan này đến bắt tôi. Truy-cứu mới biết: chính-quyền sở-tại và thân-tộc có tổ-chức nhiều vòng đai an-ninh xung quanh nhà-thờ Phú Cam, nơi Diệm đến tiếp-xúc với giáo-dân; có một nhân-viên chìm, thuộc vòng-đai trong, vì đến trễ nên bị chận soát ở vòng-đai ngoài; thấy y có vũ-khí giấu trong người, đồng-bào tưởng lầm là Việt Minh. Chỉ có thế thôi, nhưng vì Diệm đã được thần-thánh-hoá, nên câu hỏi của tôi, dù là để phối-kiểm với mục-đích dùng Đài Quân-Đội mà trấn-an dư-luận đồng-bào, cũng đã bị xem là một sự xúc-phạm tày trời.
Ngày xưa, phần lớn văn-nghệ-sĩ đều phục-vụ trong ngành truyền-thông, nên tôi đã từng mong được chuyển nghề qua làm việc trong cơ-quan Thông Tin, để được quần-chúng độc-giả khán+thính-giả trọng-vọng hơn. Bây giờ đã ở trong ngành Tác Ðộng Tinh Thần, dù của Quân Lực nhưng cũng là thông-tin tuyên-truyền, tôi mới thấy mặt trái của tấm huy-chương.
Lần đó, nhà bác-học Bửu Hội, thân-thích của Cựu-Hoàng Bảo Đại, nhân dịp từ Pháp về thăm nhà, đến nói chuyện về y-học với đồng-bào Huế tại Rạp Chiếu Bóng Morin. Một số văn+thi-sĩ tùng-sự tại Nha Thông-Tin Trung-Phần đã nêu lên nhiều câu hỏi về thời-sự, mục-đích là để gài Hội phải phát-ngôn ủng-hộ Diệm, hoặc ngược lại thì có bằng-chứng để dễ ra tay. Mặc dù Hội đã nhấn mạnh rằng ông không về Việt Nam với mục-đích chính-trị, và xin miễn đề-cập đến các vấn-đề ngoài phạm-vi y-học, đồng-thời số đông trong cử-tọa cũng đã huýt gió phản-đối những câu hỏi lạc-đề, nhưng nhà văn Ðỗ Tấn vẫn trơ-tráo đứng dậy đặt thêm cho được vài câu hỏi nữa.
Bác-Sĩ Trần Văn Thọ, Tổng Giám-Ðốc Thông-Tin, mà còn tranh tài với Bác-Sĩ Trần Kim Tuyến, Giám-Ðốc Nha Nghiên-Cứu (tức cơ-quan Tình-Báo) thuộc Phủ Tổng-Thống; thảo nào mà nhà-văn này cũng không chịu lép vế các nhà-văn khác trong thành-tích bao vây những ai bị nghi là, bị cho là có thể đối-kháng chế-độ đương-quyền.
Một số nhà-thơ giành nhau chức-vụ lãnh-đạo ngành Thông-Tin, khởi đầu bằng địa-vị Chủ-Tịch Hội Văn-Nghệ-Sĩ & Ký-Giả Miền Trung.
Nhà-thơ Đỗ Tấn Xuân nhai lại cái bã Tố Hữu tán-tụng Staline, in hẳn cả một tập thơ―nhan đề “Mùa Hoa Sim Nở”―trong đó có câu “Tiếng đầu lòng con gọi: Cụ Ngô!”
Họ sợ vướng tôi nên tìm cách loại tôi, lùng thu thi-tập “Ánh Trời Mai” của tôi, v.v...
Thế nhưng hầu hết các nam+nữ tân+cổ+nhạc thi+ca+kịch-sĩ cộng-tác với tôi thì chỉ thấy tôi là một nhà thơ trẻ trai, hiền-lành, hòa-đồng với họ trong từng bộ-môn, chứ không biết gì về những khó-khăn của tôi.
Họ cũng không quan-tâm gì đến mục-đích chính-trị của Ðài, mà lại đinh-ninh rằng trọng-tâm hoạt-động và lý-do cùng ý-nghĩa của sự hiện-diện của Ðài chỉ là phần diễn-ngâm ca-tấu giải-trí văn-nghệ mà họ cống-hiến cho số thính-giả gần xa ái-mộ họ mà thôi.
Vi Khuê thì trầm-lặng hơn họ và có một thế đứng riêng. Nàng không ca hát nhưng số khán+thính-giả địa-phương hằng ngày háo-hức đến xúm dán mũi vào cửa kính để xem tận mắt các nữ-danh-ca hát thật cũng như dượt bài, đều không bỏ lỡ cơ hội nhìn ngắm cô biên-tập-viên duyên-dáng của Ðài. Các người-đẹp trình-diễn thì chỉ xuất-hiện vào giờ có chương-trình liên-quan, còn Vi Khuê thì có mặt ở đó suốt ngày, để những lúc trở về Ðài tôi nhìn thấy nàng mà dịu-vợi ưu-tư...
*
Thế rồi tôi giã-từ quân-ngũ, rời khỏi Ðài, ra ngoài hoạt-động văn-nghệ nhiều hơn trong một môi-trường rộng-lớn và khoảng-khoát hơn.
Ngoài các nỗ-lực tích-cực trong Quân-Ðội và sau đó là trong ngành Cảnh-Sát Công-An, tôi còn hăng say dùng hoạt-động văn-nghệ riêng tư để góp phần xây-dựng và củng-cố chế-độ Ðệ-Nhất Cộng-Hoà, thí-dụ: viết báo, đi thuyết-trình trong Cảnh-Sát & Công-An và ngoài dân-chúng; sáng-tác và trình-diễn khắp nhiều Tỉnh vở kịch thơ “Gươm Chính-Nghiã” của tôi đề-cao Tổng-Thống Ngô Ðình Diệm, kêu gọi sĩ-phu khắp nơi, đặc-biệt từ Miền Bắc, về với Chính-Nghiã Miền Nam; sáng-tác và xuất-bản tập thơ “Tuần Trăng Mật” vinh-danh tình yêu vợ+chồng, phù-hợp với nguồn cảm-hứng từ Luật Gia-Ðình của Bà Ngô-Ðình Nhu...
Tôi giữ Mục “Vườn Thơ” trên tuần-báo “Rạng Ðông” của Lê Hữu Mục, họp làm đặc-san với Tôn Thất Dương Tiềm, xuất-bản thơ của các bạn gần xa và của chính mình, kết-thân với các nhóm như Hồ Mộng Thiệp, Thanh Phượng, Anh Ðộ, Tô Như, Quốc Dân... ở Ðà-Nẵng; đồng nhóm Xây-Dựng là Xuân Huyền, Tường Vi, Huyền Chi, Hoài Minh, Bàng Bá Lân, v.v... ở Sài-Gòn. Trong đó, tôi giữ mục “Hội Thơ” (do Hồ Đình Phương trung-gian) trên tuần-báo Văn-Nghệ Tiền-Phong của Hồ Anh, và có nhạc-sĩ Lê Mộng Bảo giúp phần ấn-loát phát-hành sách và đặc-san.
Tôi tái-tổ-chức họp bạn hằng tuần; ngày xưa thì có Nhân Hậu, Vĩnh Thao, Hạnh Lang, Trúc Lang, Võ Ngọc Trác, Xuân Dưỡng, Giang Tuyền, Kiêm Minh, Lê Mộng Hoà, Nhân Nam, v.v...; bây giờ thì có Hoàng Hương Trang, Tuyết Lộc, Kim Lan, Nguyên Xuân Tứ, Hữu Ðỗ, Khang Lang, Hoài Tâm, Hương Thu, Xuân Nghị, Thanh Thuyền, Thế Viên, v.v...; có lần có cả Trần Minh Phú từ Hàng Me đến, Diên Nghị từ đơn-vị về, Hồ Ðình Phương từ Long-An ra...
Ðại-Hội Văn-Hoá Toàn-Quốc dưới thời Ðệ-Nhất Cộng-Hoà (khai-mạc ngày 11 tháng 1 năm 1957) đã đem lại cho tôi một phần thưởng tinh-thần: “Xây-Dựng” cuả tôi được nhìn-nhận là một cành của Cây Ða Văn-Hiến Việt-Nam.
Trong thời-gian đó, Vi Khuê lên xe hoa. Và đôi uyên-ương đưa nhau lên xây tổ ấm trên đồi núi Ðà-Lạt sương mù, bỏ lại “chuồng bồ câu” trống lạnh như nỗi thiếu vắng trong lòng của những ai ai...
*
Sau khi bản-thân tôi gặp nhiều khó-khăn vì không chịu cải-đạo; sau khi người ta giết chết cả hai vợ+chồng thầu-khoán Nguyễn Văn Yến; sau khi người ta dùng ngay phòng họp là nơi tôi hướng-dẫn học-tập “Ðạo-Ðức của Ngô Tổng-Thống” cho các cấp chỉ-huy Cảnh-Sát Huế trong các buổi học-tập Chính-Trị và Công-Dân Giáo-Dục hằng tuần, để làm nơi tra khảo và giết chết thầu-khoán Nguyễn Ðắc Phương rồi ném xác xuống sân tri-hô là Phương nhảy lầu tự tử; sau khi nhận được vô-số bài-vở của anh+chị+em Cảnh-Sát Công-An gửi về tôi để xin đăng lên tờ nội-san “Phục Vụ” do tôi chủ-biên, nội-dung tố-cáo nhiều, quá nhiều, hành-động tham-lam, tàn-bạo, kể cả giết người, dựa quyền cuả ông Cố-Vấn Ngô Ðình Cẩn; v.v...
Do đó, tôi đã liều-lĩnh công-khai nêu lên một số khuyết-điểm của chế-độ họ Ngô, trong một buổi học-tập tại cơ-quan vào ngày Lễ Hai Bà Trưng (3-3-1960).
Biến-cố này đã gây chấn-động cả Miền Trung.
Kết-qủa là tôi bị quản-thúc điều-tra ba tháng, gây tranh-cãi giữa hai ông Cố-Vấn Cẩn và Nhu...
Rồi tôi bị đày lên Cao Nguyên “vùng nước độc và nguy-hiểm” với bụi đỏ mù trời.
Đời sống chính-trị tạo thi-hứng cho tôi sáng-tác và đăng báo rời-rạc các bài thơ mà sau Cách-Mạng 1-11-1963 mới được gom lại ấn-hành thành tập “Với Thượng-Ðế”, tập thơ thứ bảy cuả mình.
*
Qua đến Ðệ-Nhị Cộng-Hoà, tôi cũng lại gặp rắc-rối, vì tôi công-khai phản-đối những sai trái, nhất là chiều-hướng quân-phiệt trong chế-độ Nguyễn Văn Thiệu, bằng một bức thư trần-tình gửi lên Cấp Trên**.
Sau cùng tôi được (hay bị?) đưa về lại Miền Trung để giải-quyết giùm (và tôi đã giải-quyết được) những khó-khăn nội-bộ tại vùng đất này mà trước đó Trung-Ương hầu như bó tay...
Giờ đây, tôi trở về Huế lại.
Ngồi trên ghế đá công-viên trước Ðài Phát-Thanh Huế, tôi nhắm mắt mường-tượng những gì đã xảy ra tại đây vào buổi tối 8-5-1963―phản-ứng của giới Phật-Tử bị cấm treo cờ Phật-Giáo vào ngày lễ Phật, Phật-Giáo-Đồ tập-trung, chất nổ, người chết, sức mạnh quần-chúng...
Rồi lịch-sử đã sang trang...
Lắc đầu xua đi những ảnh-hình thế-sự, tôi thả hồn sống lại quãng đời thơ trẻ đã qua.
Những khuôn mặt cuả Huế một thời, mà tôi nhớ thêm: các nhà văn Bửu Kế, Phan Khoang...; các nhà thơ Phan Văn Dật, Nguyễn Anh, Tô Kiều Ngân...; nhà khảo-cứu Bửu Cầm; hoạ-sĩ Phi Hùng; nhà dựng kịch Lê Hữu Khải; các kịch-sĩ Vũ Ðức Duy, Vĩnh Phan, Minh Mão, Hà Nguyên Chi...; các nhạc-sĩ Nguyễn Hữu Ba, Lê Quang Nhạc, Ưng Lang, Hoàng Thi Thơ, Lê Tất Vịnh, Hoàng Nguyên...; các ca-sĩ Minh Trang, Thanh Nhạn, Tôn Thất Niệm, Ngọc Cẩm–Nguyễn Hữu Thiết, Bạch Yến, Thiện Nhân, Hương Việt, Diệu Hương...
Tôi không gặp lại Phương Như, Bằng Trình của Huế, Anh-Ðộ Ðỗ Cẩm Khê của Ðà-Nẵng, và mất liên-lạc với Huyền-Chi từ sau khi nàng lấy chồng. Trước đó, bóng người áo trắng Kiều-Ngọc đã vuột khỏi tầm tay tôi.
Nhưng tôi vẫn còn nhớ rõ buổi hoàng-hôn ấy tôi lái xe Lambretta-2-bánh chở Trần Dạ Từ từ khách-sạn Khê-Ký lên Bến-Ngự để anh gặp Nhã Ca, và buổi sáng chủ-nhật kia Hy Văn Mộng đến nhà tôi chơi bị cháu nhỏ tè ướt cả quần khi anh bế nó lên hôn.
Có những bạn thân không còn, hoặc còn nhưng phai thân...
Nhưng Vi-Khuê thì vẫn còn là một người bạn thân. Cuả vợ+chồng chúng tôi.
Trong cuốn lưu-bút “Kỷ-Niệm Vàng” mà tôi giữ kỹ, bây giờ vẫn còn tờ giấy bạc “anh gánh dưa” một đồng mới toanh mà Vi-Khuê đã ký tặng mừng tuổi tôi vào dịp Tết năm nào.
Hình-ảnh ấy càng đậm nét khi nàng đưa Vân-Anh, cả hai phất-phơ tà áo màu qua cánh đồng An-Cựu vàng rực mùa lúa gie, đến thăm tôi vào thuở ban đầu, để rồi sau đó thì nàng làm chứng-nhân cho cuộc lễ thành-hôn của tôi với người bạn thân ấy của nàng.
*
Giờ đây Thành-Phố Huế đã bị giáng bậc xuống làm Thị-Xã, tước mất―ngoại-trừ về phần văn-hóa và lịch-sử― cái địa-vị thủ-phủ của Miền Trung; hoa-khôi Ðồng Khánh ngày càng hiếm-hoi; Ðài Huế xuống cấp làm Ðài Tỉnh nhỏ; các xướng-ngôn-viên và ca-sĩ chỉ gợi tiếc những giọng oanh vàng và hương sắc ngày xưa...
Ðệ-Nhất Cộng-Hoà thế kia, Ðệ-Nhị Cộng-Hoà thế này. Mỗi chế-độ có những vấn-đề khác nhau, nhưng đều giống nhau ở vận nước chông-chênh.
Liệu những biến-thiên của cuộc đời sẽ còn đem lại những đổi thay nào khác nữa cho Đồng-Bào, cho Quê-Hương? Huế vẫn còn đây, Ðài Huế vẫn còn đây, và tôi trở về ngồi đây.
Nhưng tôi không còn tìm thấy lại được, sau mỗi chặng đường―cũng vẫn gian-nan một mình chống-chọi với ma-quỷ còn sót lại trong thời buổi mới―sự thanh-thản, dù trong chốc-lát, cho tâm-hồn mình, như những ngày nào xa xôi...