C
hị là con đàn bà lạc trí!
Lần nào cũng vậy, hễ tôi hỏi là sao chị đãng trí dữ vậy, chị Hường đều nhấn mạnh là “Chị không có đãng trí, chị là con đàn bà lạc trí, nghe chưa!”. Nói xong chị cười một tràng để xí xóa đi cái tội có hôm pha cà phê sữa thì lại bỏ đường, hôm pha trà đá đường thì lại bỏ chanh muối, có hôm pha chanh muối thì chị bỏ sữa đặc vào chanh… “Lạc trí” nhiều như thế, nhưng cái quán nước giải khát nho nhỏ của chị lúc nào cũng đông khách, khách phần lớn là dân lao động trong khu phố, nam nữ công nhân trong khu nhà trọ gần đó, họ thích ngồi uống nước ở quán chị, trước hết vì giá cả rất bình dân, thức uống sạch sẽ, sau vì tính chị rất cởi mở, dễ gần, hay khôi hài, chìu khách và quan tâm đến tất cả mọi người.
Tính khí chị cũng khá thất thường, nhưng không mấy ai khó chịu vì điều đó, có lẽ một phần vì chị… đẹp, cái đẹp của người phụ nữ từng trải qua giông gió của cuộc đời, giờ nép vào một góc nhỏ, bình thản mà sống. “Mọi thứ bây giờ đối với chị là vô thường lắm”, chị bảo thế!
Chị có dáng người cao, da trắng, mắt to long lanh, má bên trái có một đồng tiền sâu duyên ơi là duyên, mũi cao, môi thắm… Hơn bốn mươi tuổi mà nhìn chị trẻ như chừng ba lăm ba sáu. Đẹp vậy, duyên vậy, nhưng chị lại là người đàn bà đa đoan, một mình nuôi đứa con trai gần mười năm nay. Khôi là một cậu bé ngoan. Mới mười hai tuổi nhưng Khôi biết làm đủ thứ để giúp mẹ: phụ mẹ dọn quán, bán nước, rửa ly, quét dọn, nấu cơm… Lúc rảnh rỗi là cậu bé lôi mẹ ra bóp vai đấm lưng cho mẹ đỡ mệt. Khôi bảo mẹ Hường là nữ chúa, Khôi là người hầu trung thành nhất đời nữ chúa… Khôi có những nét đẹp giống mẹ, riêng đôi mắt hơi đượm buồn, trống vắng. Thời gian đầu mới biết chị Hường, thấy hai mẹ con chị đơn chiếc, tôi cũng thắc mắc nhưng không dám hỏi. Sau này thân thiết hơn, có một buổi tối trời mưa, tôi buồn tình ra quán chị ngồi uống cà phê, quán vắng nên hai chị em bắt đầu tám chuyện trên trời dưới đất… rồi tôi buộc miệng hỏi:
– Chị, ba của Khôi ở quê hay đi làm ăn xa hả chị?
Chị Hường bỗng im bặt, ngồi lặng như pho tượng. Ngoài trời mưa rỉ rả, tình cờ từ máy tính chỗ quầy nước phát giọng ca sĩ Như Quỳnh đang hát bài Mưa Buồn… “Từng nụ hoa tan tác, theo gió cuốn tả tơi. Trời như cũng ngậm ngùi. Hương sắc phai rồi vì gió mưa u hoài. Mưa gió ơi, khóc ai mà chưa nguôi, mãi rơi đầy hồn tôi…”.
Chị Hường thở dài bốn năm hơi liền:
– Haiza, chị lạc trí, chị quên mất tiêu rồi Thư ơi!
Đó là lần đầu tiên trong đời, tôi nghe thấy từ “lạc trí”, từ miệng chị Hường. Chị nói xong thì thở dài thêm bốn năm hơi nữa, rồi chị bảo:
– Chuyện đời chị, lâm ly như tiểu thuyết đó cưng… Hôm nào nhớ chị kể nghe cho vui, không vui không lấy tiền cà phê à!
Chị đánh vai tôi một cái bốp, cười ha hả rồi đi vào chỗ máy tính, cầm con chuột bấm chọn qua bài hát “Chuyện đêm mưa”, nghe càng thêm buồn tê tái.
Đời thiệt ngộ, những người hay buồn nhiều thì cứ cố mà cười! Làm như nụ cười có thể mang đến cho họ vẻ tự tin, niềm kiêu hãnh, hay mang giúp họ một cái mặt nạ với cuộc đời.
Tôi là đứa con gái trầm tính, ít khi cười, vì tôi thấy cuộc sống mình chẳng có mấy niềm vui cả. Mỗi ngày, sau các buổi học, tôi và thằng Huy phụ mẹ bán bún riêu chiều, tối dọn dẹp xong thì học bài, hoặc đi loanh quanh mấy nhà sách rồi về ngủ. Ba tôi bỏ mấy mẹ con tôi đến sống cùng bà vợ bé gần sáu năm nay, thỉnh thoảng ghé nhà chỉ để xem mẹ tôi có dành dụm được tiền thì tìm cách lấy hết. Lúc còn nhỏ chúng tôi không biết gì, giờ tôi đã mười tám, thằng Huy cũng hơn mười sáu tuổi, đứa nào cũng hiểu hết chuyện nên chẳng bao giờ để cho mẹ giữ tiền nữa. Ba có tra hỏi thì tôi bảo mẹ còn phải đi mượn tiền cho tụi con đi học, mỗi lần nghe vậy ông liền hằn học bảo:
– Thì chúng mày nghỉ học cả đi, ra đường làm kiếm tiền mà ăn mà sống, mà nuôi tao nữa chứ. Tao đẻ ra chúng mày nuôi tới chừng này mà chả nhờ được cái quái gì, thật là vô dụng…
Xong ông chửi thề cho một tràng, dằn ném đồ vật trong nhà cho đã đời rồi lại bỏ đi. Tờ hôn thú của ba và mẹ vẫn còn đó. Tôi và Huy thỉnh thoảng vẫn trách mẹ sao cứ sống hiền lành chịu đựng như thế, sao mẹ không thể đanh đá hơn, hung dữ hơn, dứt khoát hơn… Mẹ tôi bảo: “Hiền hay dữ là bản chất của con người, có cố cách mấy thì cũng khó mà thay đổi. Nếu tính người mà dễ thay đổi vậy thì cuộc đời này cũng loạn hết thôi, sẽ không có giới hạn nào để người ta biết điểm dừng mà điều chỉnh lấy mình”.
Tổn thương mà ba gây cho mấy mẹ con tôi nhiều vô kể. Những lúc ba không có nhà, dường như mẹ chẳng bao giờ nhắc về chúng, chỉ khuyên bọn tôi hãy cố gắng sống tốt nếu thương mẹ. Thỉnh thoảng thấy ức chế, tôi lại cố hỏi mẹ những chuyện trời ơi, rằng ba xấu tính vậy mà sao hồi xưa mẹ lấy, bằng cách nào mà ổng lấy được mẹ, rằng hồi mẹ đẻ tụi con ổng có quan tâm chăm sóc không, rằng hồi tụi con còn nhỏ ổng có thương yêu nựng nịu tụi con không, rằng không hiểu lý do nào mà ổng lại về sống với cái bà xấu xa đó… Tôi cứ hỏi mà không cần biết rằng lúc đó mẹ tôi đau thấu tận tim gan, cố nuốt nước mắt vào trong. Tôi cứ hỏi hết lần này đến lần khác vì mẹ tôi chẳng bao giờ chịu trả lời, mẹ chỉ bảo là mẹ quên hết rồi, nhiều chuyện quá làm sao mẹ nhớ nổi.
– Con đừng có nói vợ bé của ba là kẻ xấu xa nữa nghen Thư. Trong quan hệ giữa một người đàn ông và một người đàn bà, không dễ để xác định là ai xấu hơn ai, ai chân thật và ai dối trá… Mà thôi, lớn lên rồi con sẽ hiểu!
Cũng lại là câu nói cửa miệng muôn đời của người lớn dành cho con trẻ: “Lớn lên rồi con sẽ hiểu!”. Rồi tôi cũng hiểu dần mà không cần đợi đến lúc lớn lắm. Tôi có thể không thật sự thân thiết cởi mở, trút hết tâm sự với mẹ mình, nhưng tôi lại có thể thổ lộ với chị Hường. Chị thấy tôi hay buồn nên chị hỏi chuyện, tôi như cá gặp nước… Chị khuyên tôi hãy học cách trưởng thành, để hiểu và yêu thương mẹ nhiều hơn. Làm đàn bà, đã không được chồng thương, lại thêm con cái ghẻ lạnh thì không gì đau khổ khốn nạn bằng. Rồi chị kể cho tôi nghe vì sao mà chị bị “lạc trí”, một cách trốn tránh để không phải đau liên hồi, đau bất tận, đau đến chết. Chị và chồng chị là thanh mai trúc mã, yêu nhau gần mười năm mới lấy nhau, cưới xong năm đầu là chị đẻ luôn Khôi, hai vợ chồng làm ăn khấm khá dần. Chị có cô bạn thân chơi với cả hai vợ chồng chị từ bé, vì thân nên qua lại nhiều, xem nhau như chị em ruột thịt, cô ta lại chưa chồng…
– Cái dại nhất đời chị là dâng chồng mình cho con bạn thân lúc nào không hay đó em. Lòng tham con người ta không đáy. Kẻ tham sắc dục, người tham tiền… Còn chị Hường của em thì tham… tử tế! Tử tế đến mức người ta ăn nằm với nhau trong nhà mình. Tử tế đến mức mà chồng bảo hãy cho anh ta thời gian để giải quyết rắc rối, chị vẫn tin. Và thời gian đó chính là để chị làm sao chấp nhận thêm cái việc… cô bạn thân của mình đã mang bầu với anh ta! Đó, em thấy chuyện đời chị nó vui ghê không?!
– Rồi chị làm sao?
– Làm sao nữa em… Con người ta đã bạc với nhau rồi thì bạc ghê lắm em à… Tình yêu không còn, niềm tin không còn, chỉ còn một chút lòng tự trọng! Chị chọn cách ra đi, xa lánh và lãng quên. Coi như trí nhớ của mình đi lạc, quá khứ của mình mất tích… Ờ, mà chắc tại chị tên là Thu Hường chứ không phải Xuân Hường nên cuộc đời mới không được hường lắm hay sao đó bây.
Chị cười ha hả rồi ngưng bặt, đưa hai bàn tay quẹt ngang hai con mắt rồi trét hai bàn tay ướt cái thứ nước mằn mặn đó lên hai má, lên hai vai áo tôi, bóp mạnh vai làm tôi đau điếng. Tôi nắm chặt hai bàn tay chị vẻ áy náy. Chị lại cười:
– Sau này em có con gái, nếu đặt tên Hường thì phải là Xuân Hường hoặc Thắm Hường nghe hôn. Mà em đừng cố ép mẹ mình phải bới móc lại quá khứ, hãy để mẹ em cất nó và khóa yên lại trong một ngăn tủ, có thể như vậy mẹ em sẽ nhẹ lòng hơn. Hãy cho quá khứ của mẹ em đi lạc đi, có duyên có nợ thì hẳn nó sẽ tìm về…
“Có duyên có nợ thì hẳn nó sẽ tìm về…”, chị này ngộ, chuyện quá khứ kể ra thôi mà cũng đợi chờ duyên nợ!
Đời này ngộ lắm, chữ duyên đến thì ít mà chữ nợ dai dẳng thì nhiều. “Có khi có một mối duyên đến thôi mà khi giao phối với nghiệp lại đẻ ra hàng trăm món nợ”, chị Hường bảo vậy. Mẹ tôi chính là người gặp phải cái duyên nghiệp ngặt nghèo như thế.
Cái duyên, cái nghiệp, cái nợ cứ vòng vèo…
Ba tôi vì bà vợ nhỏ quen tiêu xài và “sinh tật” mà đi vay tiền để phục vụ, chu cấp cho bà ta. Bà ta thì mang tiền để cống hiến cho những sòng bài tứ sắc. Cờ bạc, đừng kể là đàn ông hay phụ nữ, dính vào là bán vợ đợ chồng cả, sau đó mới tới đợ con. Tiền tiêu thủng túi, thế là vay, là nợ, nợ bạc lạnh trong gia đình rồi tới nợ bạc nóng bọn xã hội đen. Nợ đòi không có trả, bị đe dọa cả tính mạng, ba tôi và bà vợ nhỏ cãi nhau, đánh nhau thương tích đến nỗi cùng đi nhà thương hết. Bà vợ nhỏ bị ba tôi xô té đập mặt xuống đất gãy một chiếc răng cửa, còn ba tôi thì bị bà ta dùng con dao thái rạch ngang cổ tay mém chút đứt gân…
Rồi ba tôi bị bà vợ nhỏ ruồng rẫy đi theo người đàn ông khác, bỏ lại cho ông những món nợ phi pháp mỗi ngày tăng theo cấp số nhân. Vì không có khả năng chi trả, ông bị bọn cho vay nặng lãi siết hết của cải, đánh cho bầm dập thân thể, đầu ông va đập bị chấn thương mạnh đến mức lơ ngơ, thân thể yếu ớt, và bị “lạc trí”. Lúc này, trên danh nghĩa mẹ tôi vẫn còn là vợ của ba, bà lại buộc phải ăn “cơm thừa, canh cặn”, nhận lãnh tất cả những hậu quả do ông ấy gây ra.
Sự hiện diện trở lại của ba trong căn nhà này khiến mẹ tôi bỗng trở thành một con người khác, đầy hỉ nộ ái ố, bà không quên bất cứ điều tệ bạc nào mà ba tôi đã từng dành cho bà và các con… Đến mức chúng tôi phải nhiều lần xin bà hãy trở lại là người mẹ như trước khi ba tôi quay về, nhưng không thể… Hóa ra, cái sự yêu và hận của con người luôn tồn tại cùng nhau chứ không hề mất đi, chỉ là khi muốn lãng quên, người ta đã cất kỹ nó vào một ngăn tủ, đến lúc cần nó làm bằng chứng, người ta sẽ mang ra phơi bày không sót thứ gì…
Mỗi khi chăm sóc ba, hay mang thuốc cho ba uống, mẹ tôi ra vẻ nguy hiểm như sắp đầu độc ba tôi đến nơi, bà nhìn ông bằng ánh mắt đầy giận dữ và luôn kèm theo những lời đay nghiến.
– Bây giờ ông sướng rồi, đâu nhớ cái gì nữa. Chỉ có con đàn bà như tôi là phải trả nghiệp cho ông suốt đời thôi. Sao ông ở ác với tôi quá vậy?!
Nói rồi bà lấy tay đấm vào vai ông, như để trả đũa cho những lần ông hành hạ bà ngày trước.
Huy là đứa ít nói, hiếm khi bày tỏ quan điểm trước mẹ, vì nó luôn sợ làm mẹ buồn. Vậy mà trưa này, khi thấy ba mình khó nhọc né nắm đấm của mẹ và kêu “đau”, Huy kéo tay mẹ ra khỏi phòng, lớn giọng.
– Mẹ cứ tự dày vò mình, dày vò ba vậy thì được gì, ba có nghe có hiểu không? Con xin mẹ, ổng gần như mất trí rồi, mẹ buông bỏ đi!
– Không! Cứ nhìn ổng là bao nhiêu vết thương trong lòng mẹ nó hiện lên từng chút một. Tại sao cả đời ổng không dành được điều gì tử tế cho mẹ hết vậy???
Mẹ tôi chợt òa lên khóc tức tưởi như một đứa trẻ bị mắng oan. Thằng Huy bối rối, suýt khóc theo mẹ. Tôi từ bếp chạy vội lên, ôm chặt lấy bà vỗ về.
– Mẹ… Điều tử tế nhất mà ba dành cho mẹ là hai chị em con nè, bộ mẹ không thấy vậy sao?
– Cái gì mà ồn ào quá vậy?
Ba tôi mở tung cửa phòng ra nhìn chúng tôi, vẻ giận dữ toát lên gần giống như thời ông còn bạo hành vợ con mỗi ngày khiến tôi và Huy bất chợt hoảng sợ.
Mẹ tôi cũng lặng người đi… Bà nhìn trân trân vào chồng và con mình… Bà gồng người nuốt cơn uất nghẹn vào cổ họng mình từng chút một, rồi đứng dậy đi một hơi ra cửa, khoát tay ra hiệu hai chị em tôi không được đi theo. Tôi làm dấu cho Huy im lặng và đến trấn an ba, chỉ để một mình tôi theo dõi mẹ.
Bà đi băng băng trong con hẻm nhỏ, như chẳng cần nhìn thấy ai, suýt nữa thì đâm người vào chiếc xe bán bánh dạo vừa mới cua vào ngã rẽ.
Đúng như tôi đoán, mẹ đi ra chỗ quán nước của chị Hường. Vừa đến góc ngoài của quầy, cả tôi đang đứng nấp gần mẹ và mẹ tôi đều giật mình vì nghe giọng chị Hường hét lớn sau nhà.
– Không có lá nào rụng về cội của anh hết. Anh còn xớ rớ ở đây là tui chém!!!
– Anh sẽ bắt thằng Khôi, nó là con trai duy nhất của anh, anh mới đủ điều kiện lo cho nó, anh không buông đâu.
Một gã đàn ông ngoài bốn mươi tuổi cao to bảnh bao vừa nói vừa chạy ra, anh ta bị nồi niêu, muỗng đũa và các vật dụng nhà bếp khác liên tiếp phóng vào người. Hường đầu tóc rối tung cầm con dao chặt thịt điên tiết lao theo phía sau.
– Nó không có thằng cha khốn nạn như anh, anh biến lẹ cho tui!
Gã đàn ông vội vàng chui vào chiếc ô tô chờ sẵn bên kia đường, chiếc xe lao nhanh rồi mất hút.
Mẹ tôi kéo tay chị Hường lại can ngăn, và từ từ gỡ con dao ra khỏi tay chị. Chị Hường ôm mẹ tôi khóc nức nở.
– Em đã quên hết mọi chuyện rồi, sao hắn ta lại tìm kiếm em để phá cuộc đời em nữa chứ?!
Mẹ tôi ôm Hường an ủi.
– Không sao đâu, sẽ không ai bắt được con của em nếu em không muốn.
– Cũng may Khôi nó còn ở trường học… Không được, em phải chạy ra trường bây giờ!
Tôi rời khỏi chỗ nấp, nhanh nhảu đi theo chị.
Hú hồn, cũng may hôm đó chồng cũ của chị Hường không đến trường tìm Khôi. Nhưng bản năng “con gà mẹ xù lông” khiến chị Hường phải có những toan tính mới để bảo vệ cuộc đời của hai mẹ con chị. Chị quyết định sẽ đưa Khôi đi thật xa để người đàn ông đó không tìm chị nữa. Lần này, chị sẽ lập nghiệp ở tận cao nguyên phố núi.
Theo thỏa thuận, tôi bất đắc dĩ trở thành bà chủ mới của quán nước nhỏ, cho đến khi nào tìm được người sang quán giúp chị, hoặc tôi có thể trở thành chủ nhân của quán nếu tôi thích.
Hai tuần sau đó, ba tôi mất đột ngột vì lên cơn đột quỵ vào lúc mẹ con tôi đều đi vắng. Ông chết không để lại bất kỳ lời trăng trối nào. Chị Hường nán lại phụ lo tang sự cho ba tôi xong thì mới từ giã chúng tôi đi về nơi ở mới.
Ba mất, tôi và Huy sẽ không còn ai để gọi là ba nữa, cảm giác buồn và trống trải là có thật, như một điều hiển nhiên, dù thương hay không thương. Mẹ tôi cũng buồn vì còn quá nhiều ấm ức chưa được giải tỏa… Tôi hiểu, trong tận sâu trái tim, bà vẫn tha thiết mong ba tôi được trở lại là người bình thường, nhận ra sai lầm và có cơ hội bù đắp cho chị em tôi, để ông “được làm người tử tế” hơn, và để chúng tôi có chút tự hào về một “đấng sinh thành”. Nhưng cuộc đời vẫn luôn đặt ra những câu chuyện khác biệt và không chìu lòng người, để con người phải đối diện và thích nghi với nó… Như chuyện của nhà tôi và chuyện của chị Hường vậy, bốn chữ “đang yên đang lành” không bao giờ là mãi mãi…
Ngày cuối, chị Hường cùng bé Khôi đến thắp cho ba tôi nén nhang tiễn biệt. Thấy mẹ tôi cứ chằm chằm nhìn vào di ảnh chồng đầy vẻ trách móc, chị Hường ôm bà, nhẹ nhàng khuyên giải.
– Ổng đi rồi, chị còn oán trách làm gì nữa?!
– Ổng chưa từng nói với tui một lời xin lỗi!
– Quên đi chị, để còn sống vui vì tụi nhỏ. Cứ coi như mình lạc trí, một lần nữa… Bao giờ sắp lên thiên đàng, thì mình nhớ lại để tổng kết một lần cho đầy đủ một kiếp người, rồi thôi!
Với giọng điệu nửa đùa nửa thật và rất “già đời” đó, tôi biết chị Hường đã trở lại là “người đàn bà lạc trí” như tôi gặp thuở ban đầu…
Chúng tôi chia tay đầy bịn rịn. Khôi rưng rưng ôm chặt anh Huy của nó…
– Sao chị nhất định phải đi?
– Chị muốn “lạc trí”, quên những thứ cần quên, chỉ cho và nhận những điều tử tế cần có giữa cuộc đời này thôi… Mai này em sẽ hiểu, và cũng có khi sẽ sống giống như chị vậy… Chị cũng cần tìm tình yêu mới nữa chứ!
Chị Hường bẹo má tôi, cười giòn. Chị quay qua ôm mẹ tôi lần nữa, rồi nắm tay Khôi, kéo vali hành lý đi về phía chiếc taxi đang đợi ở đầu đường…
Hai tuần sau đó, ba tôi mất đột ngột vì lên cơn đột quỵ vào lúc mẹ con tôi đều đi vắng. Ông chết không để lại bất kỳ lời trăng trối nào. Chị Hường nán lại phụ lo tang sự cho ba tôi xong thì mới từ giã chúng tôi đi về nơi ở mới.
Ba mất, tôi và Huy sẽ không còn ai để gọi là ba nữa, cảm giác buồn và trống trải là có thật, như một điều hiển nhiên, dù thương hay không thương. Mẹ tôi cũng buồn vì còn quá nhiều ấm ức chưa được giải tỏa… Tôi hiểu, trong tận sâu trái tim, bà vẫn tha thiết mong ba tôi được trở lại là người bình thường, nhận ra sai lầm và có cơ hội bù đắp cho chị em tôi, để ông “được làm người tử tế” hơn, và để chúng tôi có chút tự hào về một “đấng sinh thành”. Nhưng cuộc đời vẫn luôn đặt ra những câu chuyện khác biệt và không chìu lòng người, để con người phải đối diện và thích nghi với nó… Như chuyện của nhà tôi và chuyện của chị Hường vậy, bốn chữ “đang yên đang lành” không bao giờ là mãi mãi…
Ngày cuối, chị Hường cùng bé Khôi đến thắp cho ba tôi nén nhang tiễn biệt. Thấy mẹ tôi cứ chằm chằm nhìn vào di ảnh chồng đầy vẻ trách móc, chị Hường ôm bà, nhẹ nhàng khuyên giải.
– Ổng đi rồi, chị còn oán trách làm gì nữa?!
– Ổng chưa từng nói với tui một lời xin lỗi!
– Quên đi chị, để còn sống vui vì tụi nhỏ. Cứ coi như mình lạc trí, một lần nữa… Bao giờ sắp lên thiên đàng, thì mình nhớ lại để tổng kết một lần cho đầy đủ một kiếp người, rồi thôi!
Với giọng điệu nửa đùa nửa thật và rất “già đời” đó, tôi biết chị Hường đã trở lại là “người đàn bà lạc trí” như tôi gặp thuở ban đầu…
Chúng tôi chia tay đầy bịn rịn. Khôi rưng rưng ôm chặt anh Huy của nó…
– Sao chị nhất định phải đi?
– Chị muốn “lạc trí”, quên những thứ cần quên, chỉ cho và nhận những điều tử tế cần có giữa cuộc đời này thôi… Mai này em sẽ hiểu, và cũng có khi sẽ sống giống như chị vậy… Chị cũng cần tìm tình yêu mới nữa chứ!
Chị Hường bẹo má tôi, cười giòn. Chị quay qua ôm mẹ tôi lần nữa, rồi nắm tay Khôi, kéo vali hành lý đi về phía chiếc taxi đang đợi ở đầu đường…