Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      

Tranh Đinh Quân

ĐÀN BÀ


                     
     M ày mà biết đàn bà kia đấy! – Cô Nga chủ quán nước chè đá đỗ đen. Tùy mùa – Cười khúc khích, bĩu môi đến hay. Mà nói thật, khi bà Nga cười đã tước đi cái già, lơi ra tất cả cái vẻ đẹp đạo mạo của lứa tuổi năm mươi. Sự đầy đủ về vật chất, toại nguyện về từng trải sự đời. Trẻ trung ra đến mức mà người được nghe chuyện phải lúng túng. Rồi bị bộ mặt lập nghiêm, khép khóe miệng lại, mơ mòng… Làm cho ta giật mình, định thần lại mới biết thân phận mình đang ngồi nói chuyện với ai. Trả lời thật gượng gạo, y như mình là thằng kẻ trộm bị bắt quả tang, cái ý nghĩ lếu láo.

– Dạ! Đâu có, cháu làm chi biết được đàn bà? – Tôi trả lời.

– Thế mà hôm nọ chú bảo mí cô là có vợ rồi?

– Con có vợ rồi thật mà! – Tôi thề thốt.

– Ừ, cô tin nhưng mà… loại trẻ ranh như cậu làm sao biết được cái tính tình tang của đàn bà…

Cô Nga lại cười hồn nhiên và tươi tắn. Đến mức làm cho tôi là kẻ thất thế không còn nghĩ đến khoảng cách, mình là thân phận gã làm thuê như trăm ngàn người làm thuê nghèo hèn, dễ tự ái về túng bấn kém cỏi của mình.

Tôi biết ơn cô Nga, vì cô không họ hàng gì với tôi nhưng đối xử lại tử tế. Lúc không kiếm được khách cô cho giật tạm vài ngàn ăn cơm bình dân, cho vay thêm một hai ngàn đưa cho vợ. Khi có người tới quán cô ngồi nghỉ mát cần ra bến xe, bến tàu; cô ới tôi lại. Tao thấy mày lành, con nhà tử tế muốn đỡ cho tí chút. Không phải dân chạy vạy, xe lai đều được cô Nga ưu ái cả đâu. Mấy quán cơm bình dân cạnh cái chợ tạm bợ này là nơi ăn uống của dân xe lai, bốc vác, phát vãng. Nhưng có cớ gì mà vào quán của bà Nga. Bà chỉ tiếp khách sộp, gian trong thì bia bọt, gian dưới gốc đa thì trà đá, nước ngọt. Mà dân lao động sau bữa cơm một ngàn đồng, đâu dám bỏ ra cả một hai ngàn giải khát.

Tôi đến quán cô Nga vào cái ngày thất nghiệp, không kiếm được khách. Trời lại mưa lùi xùi, buồn bã. Xin cô ngồi trú, chờ xem có ai nhờ lai ra bến xe, bến tàu vớt vát chút đỉnh. Chính cô Nga đã nửa đùa nửa thật nói với một ông khách ăn mặc sang trọng, tay cầm ca táp như ra lệnh:

– Cậu chở ông này ra ga hộ cô!

Tôi chở ông ấy ra ga thật. Tôi nghe ông ấy ca cẩm: – Cái Nga đùa dai như con quỉ sứ…

Tôi lặng im, kệ đời. Nghề làm thuê có dám nói điều gì khi không phải việc của mình. Tôi dừng xe lại ga rồi mời ông xuống và không dám mặc cả tiền công. Ông dúi vào tay tôi tờ bạc năm ngàn. Vỗ vào vai – chờ chú, chở quay lại nhà cô Nga nghe chưa? – Dạ! – Còn gì vui bằng lại được hầu ông khách vui tính, tốt bụng. Ông ngó qua quýt giờ tàu, rồi ra vẻ cáu gắt: “đã đến giờ quái đâu”… Tôi cần mẫn cua những vòng chắc chắn chở ông về quán bà Nga. Bà Nga cười muốn ngất, đập tay vào vai tôi:

– Chú mày không vứt quách lão béo xuống sân ga hộ cho cô?

Tôi lúng túng không trả lời. Cô Nga rút nơi tập bạc, tờ hai ngàn mới cứng dúi vào tay tôi – Thôi, cháu ăn cơm đi, chốc lại, cô nhờ chở ông này ra ga nhé!

– Ấy, anh trả rồi!

– Kệ em! Cô phẩy tay cười ngặt nghẽo.

Có nhiều chuyện đồn về cuộc đời của cô. Người ta khen cô là người đàn bà phúc hậu, con cái đỗ đạt làm ăn chu chỉnh. Có kẻ lại chê cô loại gái đĩ “quí tộc”. Cô để ngoài tai mọi chuyện. Có nhiều chiếc xe con, xe máy nào tạt vào cô đều đon đả mời chào. Chẳng thèm hỏi tiền khách làm gì cho mệt. Khuôn mặt cô vẫn trẻ trung, duyên dáng, bất cần đời.

Từ lần ấy, tôi thành khách không mời mà đến của cô. Ăn tạm cơm bình dân ở chợ là đến gốc đa. Chịu cô sai vặt, chịu chuyện của cô. Thú thật, tôi quí cô bởi cái cách nói chuyện “bất biết đời” – như câu cô hay tung ra.

– Mày cũng biết đàn bà kia đấy? – Cô lại cười ngặt nghẽo. Và khi tôi đã là tên tù binh tự nguyện của cô rồi, cô Nga đã triết lý về đàn bà thế này. Tôi không tin tưởng lắm nhưng vẫn bị thuyết phục.

– Đàn ông là một lũ đểu, nhưng không có họ thì đời khổ lắm! – Đấy cô Nga lại cười ngặt nghẽo, khoe bộ răng đều đặn.

– Đàn ông như con nhện đực múa may quay cuồng bên con nhện cái. Nó ca nhạc cơ đấy. Làm cho con nhện cái mê mệt, say vũ khúc của chàng nhện. Nhưng có con nhện đực nào thoát bị con nhện cái ăn thịt đâu?

Cô lại cười đưa hai bàn tay búp măng ra đếm. Cô đếm đi đếm lại mấy lần, nếu đằng thằng ra phải ngót một trăm. Cô cười khúc khích, bật nắp hộp thuốc lá ra đưa cho tôi một điếu. Anh yêu cô ta cái gì nào, sắc đẹp ư? Duyên dáng ư? Tất nhiên rồi. Người đàn bà mà thiếu cái đó thì ai mà chịu được. Nhưng thiếu gì chuyện, có lão đẹp mã ra phết, thế mà rước phải một mụ ghê ơi là ghê, xấu, xấu không ngửi được. Vì sao hở chàng trai ngu đần. Vì tình yêu mù lòa, nó tước những sợi ra như chiếc lưới bủa giăng lấy. Không thoát được đâu. Thế mới gọi là đàn bà chứ. Tất nhiên, không loại trừ có gã đàn ông đẹp mã nhưng “hủi tàu”, muốn lợi dụng ti tí “men đàn bà”. Nhưng chỉ có chết bởi sự cám dỗ đó. Rồi lại nói ra lời bao biện, ôi đàn bà xấu đẹp gì như nhau tuốt.

Ngày ấy cô mới tròn mười sáu. Làm gì có chuyện ăn mặc mốt mết như con gái bây giờ. Cái lão đoàn trưởng văn công đi về nông thôn để khám. Ai biết được đời lại ngu như vậy. Ước mơ nghệ thuật làm cho người ta quáng mắt, mụ mị mà lão đó nào có đẹp đẽ gì. Nghe đâu vào nghề cũng chỉ văn hóa bảy. Người lại như chiếc thừng. Răng vẩu, chẳng có chiếc nào nằm với chiếc nào. Thế mà hát hay đáo để. Nó bảo với cô, đằng nào cũng phải cho nó xem ngực. Quân đàn ông đểu thế. Mình chỉ sướng cái đoạn văn nghệ, nó thì thích nhìn chũm cau. Cha ơi, mới khiếp cho bàn tay đàn ông. Nó làm cho con người ta không nghĩ ra tuổi tác và giới hạn. Cô ra đi từ đó. Cô quên tiệt gã vì đời nó vậy thôi. Nhớ cái đó làm gì cho ôi người.

Tôi nào hiểu được đàn bà. Con vợ tôi nó thề bồi một đời chỉ giành cho tôi. Nhưng chuyện đời rơm rác cứ quàng vào đến phát chán. Nó quát tướng lên. Hai tay chống vào nạnh. Đi dân công người ta đùa, ông bảo làm sao cấm được lũ đàn ông đểu các ông. Sao không tìm một cái khóa, khóa lại.

– Chúng nó đã làm gì mày chưa?

– Đừng hòng, có mà thừa… của!

Tôi ôm lấy vợ, lòng biết ơn. Mãi sau này mới biết là mình nông cạn. Có thằng bạn nói thầm: – Con vợ mày nó hú hí với thằng đội trưởng. Đàn bà là gì hở lão ngu?

– Đàn ông hay lắm! – Cô Nga lại cười. Hai mắt cô híp lại cái duyên như lặn vào bên trong. Có ối con xấu như ma mút. Thế mà cứ tán lấy tán để. Rằng em đẹp, em giòn. Ngay như cái lão bố tụi nhỏ này cũng vậy. Ra cái điều tán tỉnh. Biết được, cô đâu để cho ngủ yên.

Một chiếc xe con vù qua quán cô Nga. Một bàn tay giơ ra khỏi cửa kính vẫy vẫy. Cô cười, tay phẩy lại.

– Cái lão khọm già. Dạo ấy cô là y tá của cơ quan ý mà. Đang đêm lão đến gõ cửa phòng. Nga ơi, anh đau bụng. Đau thế nào hở anh. Nó cứ bình bịch khó chịu lắm. Khuya rồi em làm sao được. Thôi em chịu khó chườm giúp anh kẻo mai còn khai mạc cuộc họp. Chà, linh tính của đàn bà giúp cô phát hiện ra con mắt đắm đuối của đấng quân tử nhìn như xé quần áo người ta. Không lên thì rách chuyện – Cái thời đạn bom, nó đẩy mình đi dễ như chơi.

Lên thì làm sao tránh được mười ngón tay của gã. Cháu tưởng đàn bà họ dễ dàng lăn vào giường cho đàn ông ngủ hả? Đừng có hòng, có mà ăn tạt tai. Họ đều yếu cả đấy thôi. Nhưng họ đã nổi giận thì coi chừng. Đó là những con hổ cái.

Cô lên đến nơi. Anh chàng giả vờ vớ lấy chiếc quần dài xỏ vào người. Ôm bụng nằm rên hừ hừ.

– Đau ở đâu anh!

– Đau ở đây! – Chú chàng cầm lấy tay cô đặt vào vùng bụng. Quái chết, bụng mới ghê chứ. Thôi, mặc xác cái bụng. Đổ cho ít dầu quế vào mà xem. Đã thế cho chú mình uống thuốc cho tắc ruột lại nhé. Miễn là ông thủ trưởng kính mến đừng có chết cho em. Lão ta túm lấy hai đầu vú của cô. Khốn nạn, vì bất ngờ nên mới đau. Lão xoa muốn rứt tung đầu vú ra như kiểu lấy tay mà rứt.

– Bốp! – Cô giáng vào mặt thằng đê tiện.

– Cô nói thật chứ!

– Thật, cô sợ gì! – Cô Nga lại cười.

Lão quì xuống, rúc vào hai đùi của cô. Anh xin lỗi em. Anh yêu em từ lâu rồi. Rất mong em cho anh.

– Sao anh khốn nạn thế. Anh nói thật ra có hơn không. Em cho anh uống thuốc vào lỡ chết, em phải tù vì tội đầu độc lãnh đạo không nào. Lão hôn hít như chó. Khốn khổ cho đàn ông khi lao vào yêu đương, họ như bị lấy mất hồn đi hay sao ấy.

– Thế cô cũng yêu ông xe con à! – Tôi hỏi.

– Thì cháu bảo làm sao chống lại được lũ đàn ông các người.

– Nhưng cô không sợ vợ ông ta biết à. Dù sao bà ấy cũng là đàn bà có máu mào gà như cô!

– Mày ngu lắm! Cô phải đi học chứ cháu. Cái gì cũng phải trả giá mà lại. Và đời, thiếu gì người đến thay thế chỗ trống.

– Nhưng, ông ấy đối xử với cô tốt không?

– Tốt, rất tốt nữa đằng khác! Dù sao lão ta cũng là một tên đàn ông chỉ cho cô những bài học vào đời.

Tiếng ve sầu kêu ra rả tấu lên như muốn xóa nhòe câu chuyện của cô Nga. Một người ăn mặc bảnh bao từ trong nhà đi ra nói với giọng nhã nhặn:

– Em ạ! Cháu có nhắn anh hè này về đưa cả vợ con thăm bà nội và đi tắm biển đấy!

– Cha tổ con tôi. Nó cứ mải mê thi thố, giáo sư mấy tiến sĩ làm gì không biết. Nó có nhớ “bà lão” quê mùa này đâu.

Tôi bắt gặp ánh mắt bậc anh hùng kia và cô Nga giao nhau… Cô lại cười và sai ông ta đưa xe đón con cháu về nhà. Ông tỏ ra vui vẻ một cách hào hứng. Tôi gặp may, cô giao cho chở người đó đi đến bến xe liên tỉnh.

Tôi cứ ngẫm nghĩ một cách tự hào, rằng mình cũng đủ hiểu về đàn bà.


– Mày mà cũng hiểu về đàn bà ư? – Lúc vắng khách cô lại tra tấn tôi. Cô Nga bĩu môi, cười ngặt ngoẽo. Đến Tết mới hiểu nổi. Cô lại bắt đầu kể cho tôi nghe một chuyện mới rồi.

– Cô có yêu đàn ông không cô? – Tôi bạo gan hỏi.

– Có chứ! Nhưng đàn ông lý tưởng thì hiếm lắm!

– Thế chồng cô thì sao?

– Cũng vậy thôi, lúc đó cô muốn cho cuộc đời yên ổn nên lấy ông ấy!

– Thế đàn ông không có ai đáp lại trái tim nóng nảy của cô hay sao?

– Á chà! Cậu mày từ khi đến hầu cô cũng nói được một câu hay đáo để! – Cô Nga cười – Họ là cái chốn cho đàn bà đi tìm. Nhưng đời người thì ngắn ngủi. Mà đàn ông thì lắm lắm. Với lại tầm thường nhiều hơn ưu việt. Có người có tri thức nhưng nghèo – Họ cũng chưa phải là đàn ông. Có kẻ lại lấy tiền ra cám dỗ, lấy địa vị ra cám dỗ ép buộc đàn bà – Họ chịu đựng không tự giác, vì họ muốn yên ổn không muốn phá vỡ quan niệm. Còn cô lại khác.

– Cô được bao nhiêu người yêu?

– Nhiều, nhiều lắm hàng trăm người yêu cô! – Cô lại cười ngặt nghẽo. Nuốt khan tiếng cười vào trong. Thú thật nếu không vì cuộc sinh nhai, nhờ vả tôi dám thụi vào mặt con mụ đàn bà đáng ghét đĩ bợm. Như đoán được ý nghĩ của tôi cô Nga nhìn như thôi miên, rõ thật là “giai cấp” đàn bà.

– Chớ quá chớn cậu nhóc ạ! Mày cũng biết đàn bà cơ à? – Cô lại cười duyên dáng.

– Lúc đó cô đã bốn mươi tuổi. Cậu con trai đầu đã mười lăm, chồng cô hiền lành cơ chỉ. Yêu quí vợ con như một thần tượng. Có lúc nghe người mách bảo về chuyện vợ. Cáu gắt ra điều đau khổ lắm. Cô Nga mới dấm dẳng:

– Anh ghen quá khứ của tôi hả?

– Đâu… Anh có nghe người đời bàn tán về em.

– Sao anh không đến với em sớm hơn?

– Mà anh nào biết em ở đâu.

– Khi không có em, chưa biết em lẽ nào anh không sống. Từ ngày em lấy anh, em có đi với ai không?

Có một chàng sinh viên thực tập đã đến với cô lúc ấy. Chàng ta kém cô chục tuổi. Trong lúc phòng không còn ai đã ôm chầm lấy cô. Em ơi! Anh xin phép em được hôn. Trời ơi! Cái gã choai choai này thành đàn ông từ bao giờ. Nói thật với em, mặc dù em có con rồi nhưng hãy đi cùng anh. Làm sao em có thể sống với lão chồng khù khờ thế kia. Em đi với anh. Anh sẽ bảo lãnh cho đời em. Khổ chưa, khi ta là đàn bà, ta muốn trút bỏ đi thứ ma ám của giới tính, để không bao giờ chuốc cho đời sự tội lỗi vô tình.

– Anh nói thật không! – Cô hỏi.

– Thật! – Chàng trai trẻ đáp.

– Anh có thích em không?

– Thích lắm. Anh tôn thờ em. Anh chưa bao giờ gặp được con người kỳ diệu như em!

– Trời ơi! Anh có thề khi có em gặp bất kỳ người đàn bà nào khác anh nhắm mắt lại mà đi hay không?

– Anh thề!

Trong cùng một lúc, cô như thấy những khuôn mặt già nua ôm lấy đầu gối của cô thề thốt. Tại sao loài người lại có sự giống nhau như vậy – Buông chàng trai ra, cô gõ gõ vào vầng trán, xoa vào chiếc cằm còn măng tơ.

– Chàng trai khốn khổ ơi! Tại sao chàng đã vội thèm trái cấm sớm quá vậy. Chàng tưởng hễ cứ cầm được chiếc bằng đại học trong tay là đã có cả thế giới này hay sao? Cút đi, sắc đẹp sẽ giết chết trái tim dại khờ của em đấy. Chị cũng muốn trút bỏ nó đi cho mau. Nào yêu nhau đi, nhưng lấy gì đảm bảo cho cuộc sống, lấy gì khi ngày mai chị già đi, hở con người nghĩa hiệp?

Tôi ngồi chết lặng đi nghe cô Nga thuyết lý, cái nhìn của cô mới đoan trang làm sao. Tôi muốn biết kết cục thiên tình sử của cô với cậu học trò kia đến đâu. Nhưng tôi sợ. Sợ một nỗi, nếu cô yêu cậu ta thì trong hai người ai là kẻ ban phát và ai là người cầu cạnh. Nhưng nếu cô mà yêu cậu ta thì hôm nay, trong ký ức đen tối của đời cậu ta phải giấu đi một lần tâm sự cùng người đã thay vào chỗ trống của cô Nga, phải nói dối và bịa đặt cho cuộc đời tầm thường. Và biết đâu, ngày hôm nay trong cuộc trầm luân này, cậu lại khao khát có cô Nga làm vợ mới đắp bồi được sự trống vắng?

– Cái lão có ca táp mà chú mày lai ra bến xe đấy!

– Trời ơi! Nó vẫn đến với cô à? – Tôi nuốt đi sự căm giận con mụ đàn bà khốn kiếp kia.

– Sao? Cậu tưởng đến lúc này “cậu bé” ấy không thành đàn ông hay sao. Chính cậu ta phải đến đây là để trả ơn cô đấy. Lão ta còn định hôn cô, cháu bảo có mất dạy không. Lão nói, trên đời này lão chưa hề gặp một người đàn bà nào đứng đắn như cô. Kiêu sa như cô, dám từ chối tình yêu của lão. Và em ạ! – Lão gọi cô như thế. Bây giờ anh khoát tay một cái, là đàn bà đã nhảy vào giường! – Cô cười.

Khốn nạn thay cho đàn ông. Vì chẳng bao giờ hiểu hết được đàn bà!


Tôi phát điên lên vì hàng trăm câu chuyện của cô Nga kể ra như đùa. Cô chỉ vào những chiếc cúp, những lão béo từ nơi căn nhà ba tầng xuất hiện. Họ như nhau ráo. Van xin cô cho chết. Họ đi lại thế kia có vẻ oai phong, nhưng cô bắt bò bốn chân cũng phải bò. Tôi đau đớn hơn những người kia nhiều. Tôi căm thù đàn bà đến mức tưởng về đến nhà là có thể giáng vào mặt vợ những cái tát. Nhưng thú thật tôi lại nghe bao nhiêu người xuýt xoa khen ngợi cô Nga. Cô ăn ở phúc đức quá. Biết trước biết sau, nhường trên nhịn dưới chơi với ai cũng giành lấy phần thiệt. Ai nhờ việc gì là loay hoay làm cho bằng được. Người ta còn thấy cô vào chùa khấn vái đều đặn. Trời ơi! Sao kinh dị vậy. Hàng bao nhiêu năm qua sống trên đời cô gây chuyện chưa đủ hay sao. Mà hôm nay cô lại tiếp tục mê hoặc người đời.

Tôi muốn bỏ quách đi cái nghề tranh thủ khốn nạn này, bỏ quách đi cho khỏi bị sự ám ảnh bởi những câu chuyện cô kể. Nhưng lạ lùng thay cô như một thứ ma lực cứ kéo tôi phải đến. Tôi nguyền rủa đàn bà. Tôi căm giận bọn đàn ông đểu cáng. Sự hèn kém, dâm dật đã hạ nhục chính mình, một nửa thế giới giống loài của họ.

Tôi vênh vang đắc thắng vì sự từng trải về đàn bà của mình. Thú thật nghe cô Nga kể, làm tôi cứ tưởng tượng ra như mình hiểu hết sự cặn bã của đàn ông. Cô cười khúc khích.

– Mày mà cũng hiểu về đàn bà kia à?

– Dạ! Cháu nói với cô là đã có vợ rồi kia mà!

– Cậu ạ! Thế giới đàn bà mở mắt ra cho đàn ông đấy nhưng bao giờ họ cũng đòi hỏi lại. Thử tưởng tượng xem không ai hiểu được đâu. Cô cười.

Tôi nghe người ta khen con cái cô đỗ đạt, cậu cả đang bảo vệ luận án tiến sĩ về di truyền học. Cô em gái là cán bộ giảng dạy về đạo đức ở một trường đại học tầm cỡ quốc gia. Cô Nga bao giờ nói đến chuyện con cái cũng mời tôi một điếu thuốc thơm. Cô bảo hai đứa con rất khá. Lấy vợ, lấy chồng sớm làm gì cho vướng bận. Phải biết nhìn về phía trước. Tôi cười thầm cô về cái thói ích kỷ, mình thì trác táng còn sẵn giọng đạo đức cho người khác.

Một hôm tôi bị một ông “ca táp bự” gọi chở đi đến chùa Gốc Gạo. Đến nơi, ông làm bộ cho tôi im lặng rồi chỉ vào cô Nga đang sụp lạy Phật.

– Lạy trời lạy phật, nếu trời có hại thì hại tôi, tôi có chết cũng được, nhưng đừng bắt các con tôi chết vì chúng nó vô tội… – Cô Nga khóc…

– Trời ơi! Thế mới là đàn bà chứ cậu! – Nói rồi ông rút khăn mùi xoa ra hỉ mũi.

Nước mắt tôi cũng tự dưng trào ra…




VVM.30.6.2023

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com