Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
         



BA DƯỢNG




N gày mẹ đi thêm bước nữa tôi nhất quyết không đến dự đám cưới của bà. Một đứa trẻ lên tám khi ấy chỉ muốn có một gia đình làm sao đón nhận được một người xa lạ đến ở cùng để rồi “ba” phải ra đi và mình phải gọi người đó bằng “ba”. Trong kí ức như sương mờ của tôi, ngày cưới của mẹ, mẹ đã cười rất nhiều, thứ dần dần hòa tan đi trong tôi là hình ảnh người ba ruột, thay vào đó là dù chưa tiếp xúc nhiều nhưng tôi vẫn mặc định ghét người ba dượng của mình. Sau những năm tháng ấy tôi không nhớ nhiều về ba tôi nữa, vì tôi nghe mẹ kể ông đã đi rất xa để tìm cuộc sống mới. Tôi thấy thương cho ba, vì hạnh phúc của mẹ nên phải đi thật xa. Chắc ngày ba đi ba phải buồn lắm, phải dứt khoát lắm và thêm tổn thương dữ lắm. Kí ức với sự hạnh phúc của gia đình trước khi ba mẹ chia tay như bồi đắp thêm vào trí nhớ vốn ít ỏi vì bị nỗi chia lìa che lấp của tôi. Ban đầu, tôi ghét mẹ, vì mẹ buông tay ba, vì mẹ đang tâm để gia đình tan vỡ. Sau dần, tình thân vẫn thắng nổi nỗi oán giận thế là tôi quay ra ghét ba dượng của mình. Và rất lâu sau đôi khi tôi không tìm nổi một lí do nào để ghét dượng nữa thì “sự ghét ấy” vẫn cứ hun đúc mỗi ngày thêm lớn trong tôi đến độ tôi đã không để ý đến tình thương mà người đàn ông ấy dành cho mình.

Sau khi cưới, mẹ con tôi về ở với dượng. Khi tôi còn chưa biết phải xưng hô như thế nào thì mẹ nói với tôi:

- Từ giờ con gọi chú là ba nhé.

- Sao mẹ lại bắt con gọi ông ấy là ba, con chỉ có một người ba thôi !

Dượng rất ôn tồn nói với tôi:

- Thế con gọi ta là ba dượng cũng được. Như thế sẽ phân biệt với ba ruột của con, vì ta cũng muốn làm ba của con.

Nhưng tôi vẫn nhất quyết không chịu, dù mẹ tôi có giận như thế nào thì sau đó tôi vẫn nhất quyết chỉ gọi ông ấy là “dượng”. Chẳng hiểu sao rất lâu sau này tôi mới chợt nhớ đến cái nháy mắt khi ấy của dượng và giọng nói hết sức dịu dàng:

- Gọi ta là dượng cũng được, còn hơn là ông ấy. Ta muốn là người thân của con.

Tôi vẫn hay trách mẹ sao không ở lại căn nhà cũ, mẹ chỉ bảo đơn giản lấy chồng phải theo chồng và quay đi giấu ánh mắt buồn man mác. Khi ấy tôi còn nhỏ quá, không hiểu được, đối với tôi việc thay đổi môi trường sống khiến tôi giận dỗi cả một thời gian dài. Con nít không hiểu chuyện, chỉ muốn những việc thoải mái cho mình. Thế nhưng bây giờ khi đã trưởng thành, từng chút từng chút một tôi mới nhận ra cuộc sống của cả mẹ và dượng tôi khi ấy vốn không đơn giản như tôi đã nghĩ.

Tôi còn nhớ thuở nhỏ tôi rất ham chơi. Tôi ỷ lại vào tổn thương của một gia đình tan vỡ mà mình đang mang để lấy cái cớ cho những trò quậy phá của mình. Qua thời gian, với tình thương của mẹ và sự quan tâm của dượng, tôi lớn lên trong sự đủ đầy nhưng mỗi khi quá nghich và bị bắt lỗi tôi lại lấy lí do tổn thương ra để mà nói. Những lúc ấy mẹ thường nhìn tôi rất uất ức nhưng có gì đó không nói ra, còn tôi chỉ luôn đổ lỗi cho mẹ... Dượng khác mẹ, nếu những khi tôi làm quá sai có lẽ mẹ sẽ đánh tôi vài roi, nhưng dượng thì thường đợi sau khi mẹ hết giận sẽ dùng lời lẽ khuyên bảo tôi. Rất lâu sau này tôi hỏi dượng sao không bao giờ đánh mắng tôi dượng mới bảo:

- Vì ngày ấy con ghét ta, ta không muốn dùng đòn roi uốn nắn con. Mẹ con là ruột thịt với con, bà ấy có mọi quyền làm miễn con nên người, đòn roi sẽ làm con sợ nhưng có lẽ con sẽ không hiểu. Nên ta thường khuyên bảo con sau đó. Một vấn đề mà con làm sai, khi cả sợ và hiểu thì sau này sẽ không tái phạm nữa.

Dượng luôn đối xử với tôi bằng một thái độ rất ôn tồn đến độ tôi đã từng nghĩ người đàn ông ấy sẽ không bao giờ biết nổi giận là gì. Lúc đầu tôi nghĩ đó là sự khách sáo của hai con người xa lạ có mỗi một gắn kết chung là mẹ. Nhưng sau này tôi mới hiểu đó là vì tính cách của dượng là như vậy, và cũng vì dượng rất thương và tôn trọng tôi. Khi chúng tôi chuyển về nhà dượng ở, cũng vì thay đổi hộ khẩu nên tôi cũng phải chuyển trường, cũng chính dượng là nguời chạy đôn chạy đáo lo thủ tục nhập học cho tôi vì tôi chuyển vào giữa năm học nên nhiều giấy tờ phức tạp. Ban đầu tôi còn nghe dượng bảo với mẹ cứ để tôi học trường cũ nhưng rồi mẹ nói quá xa so với nhà và không ai đưa đón nên bất đắc dĩ phải chuyển trường. Nhưng dù tính cách dượng ôn hòa cách mấy cũng có một lần tôi nhớ như in dượng đã rất giận. Đó là khi tôi bước vào lớp chín. Năm cuối cấp rất quan trọng, thế nhưng trong một lần vì lười học ham chơi tôi đã để điểm kém một môn. Dượng chưa bao giờ la rầy nếu tôi điểm kém nhưng lần này dượng rất giận:

- Điểm số rất quan trọng ở năm cuối cấp con hiểu không, nó sẽ quyết định trường cấp ba con được học đấy.

Sau lần đó, tôi thực sự không dám lơ là nữa và cũng may mắn đỗ được vào trường chuyên năm sau. Nhưng đó chưa phải lần dượng giận nhất, khi tôi bước vào lớp mười một cũng là lúc tôi thường bị stress vì việc học rất nặng. Trường chuyên thường có khối lượng kiến thức khá nặng vì thế có lần tôi đã trốn đi chơi, nhưng lần đó tôi lại quên gọi về nhà. Tôi sa đà vào cuộc vui nên gần như rất khuya tôi mới về, dượng ngay khi thấy tôi đã chực tát tôi nhưng ông kìm lại mà bỏ vào trong nhà. Bóng lưng đầy mồ hôi của ông và tiếng mẹ phảng phất bên tai tôi khi ấy: “ Sao con hư vậy? Dượng đã chạy cả ngày tìm con, liên lạc không được chở mẹ đi khắp nơi vừa đi vừa khóc.” Ông vẫn không đánh tôi như chưa bao giờ ông đánh, nhưng khi ông chực đánh tôi mới hiểu tôi đã sai thật rồi.

Khi tôi vào đại học cũng là lúc mọi thứ trong tôi đổ vỡ. Tôi chọn lên phố học đại học một phần cũng vì tôi nghe được thông tin về ba. Dù mẹ giấu tôi rất kĩ thông tin về ba và sau rất nhiều năm chúng tôi không liên lạc nhưng tôi vẫn luôn muốn gặp lại ông. Tôi cũng muốn hỏi ông rất nhiều chuyện và cả muốn an ủi ông vì chắc ông có nhiều rào cản khi tôi đã có gia đình mới nên mới không tìm gặp tôi. Bằng rất nhiều cách cũng như lén mẹ liên lạc với bên nội để có được địa chỉ mới của ba nhưng rồi tôi lại bị dượng phát hiện. Suy nghĩ rất lâu cuối cùng dượng cũng lên phố cùng tôi đặng đưa tôi đi tìm nơi trọ, lo cho tôi chỗ ở trên phố sau cùng tôi tìm đường đến nhà ba tôi. Căn nhà ấy tràn đầy tiếng cười, có một cô gái trạc tuổi tôi dắt xe ra cửa chực đi đâu vừa nhác thấy bóng tôi hỏi tên ba tôi quay vào trong nói rõ to:

- Ba ơi, có chị này đến tìm ba này.

Rồi phóng vội xe đi. Ba tôi bước từ trong nhà ra có chút thảng thốt khi nhìn thấy tôi, ông quay vội nhìn vào trong nhà như sợ ai đó nhìn thấy rồi kéo tôi thật nhanh cùng dượng ra đầu ngõ. Ông không hề tỏ ra vui mừng khi nhìn thấy tôi mà sau đó là chuỗi liên tục các câu hỏi:

- Sao con lại đến đây? Có ai thấy không? Mẹ bảo con đến đòi tiền à?

Hàng ngàn câu hỏi đột nhiên quanh quẩn đầu tôi, chỉ thấy sau đó tai tôi ù đi và bàn tay to bè của dượng bịt chặt đôi tai của tôi...

- Dượng biết bao lâu rồi?

Và dượng đã kể cho tôi nghe tất cả, trước cả khi cưới mẹ tôi ba đã có một gia đình riêng mà mẹ không biết. Sau đó ông lấy mẹ cho đến khi mẹ phát giác ra sự thật và quyết định chia tay vì mẹ không muốn phá vỡ hạnh phúc gia đình người khác. Ba sau đó vẫn theo năn nỉ mẹ nhưng ông cũng không muốn bỏ gia đình kia. Dượng là người thương mẹ từ trước, và chính vì sự xuất hiện của dượng dưới danh nghĩa người đàn ông mới của mẹ mà ba không dám xuất hiện làm phiền mẹ nữa. Ban đầu mẹ lấy dượng khi chưa có tình yêu mà vì cần một chỗ tựa nương và cũng vì khi ấy tôi còn quá nhỏ. Sau dần mẹ dần bị tình yêu của dượng làm động lòng...

- Vậy mẹ không về căn nhà cũ không lẽ...

- Ngày đó căn nhà ấy đứng tên ba con dù là công sức làm lụng của cả hai người, sau khi không năn nỉ được mẹ con thì ông ấy bán...

- Sao mẹ với dượng không bao giờ nói sự thật về ba cho con?

Dượng chỉ ôn tồn nói với tôi:

- Vì ông ấy là ba của con.

Thì ra bấy lâu nay bí mật to lớn nhất mà cả hai người đều giấu đó là tôi có một người ba như vậy, nhưng vì không muốn làm thương tổn chính tôi nên họ chấp nhận giữ tất cả mọi hình ảnh xấu cho mình. Ông đều có thể đến thăm tôi chỉ là vì ông không muốn chứ không phải như bấy lâu tôi vẫn nghĩ rằng ông không có điều kiện. Căn nhà mới của ông khá to và đủ đầy... Nhưng không hiểu sao tôi lại thấy khá nhẹ nhõm khi biết được sự thật, có lẽ vì thực sự tôi chỉ đang chối bỏ sự nứt vỡ của bản thân nên dùng sự đẹp đẽ của quá khứ che lấp.

Ngày tôi cưới là chuyện của hơn bảy năm sau đó, tôi vẫn mời ba đến dự nhưng người dắt tôi vào lễ đường lại là dượng. Khi tôi để dượng dắt tay tôi vào lễ đường ông đã rất bất ngờ. Nhưng tôi chỉ mỉm cười:

- Ba đang làm chú rể đợi con kìa ba..

.

***

Có những sự việc đôi khi ta chỉ nhìn theo cái mà ta muốn thấy mà bỏ quên đi những điều rất quan trọng, những điều vốn là sự thật ở phía sau. Cũng giống như tôi vậy, như cách tôi đã bỏ quên những hi sinh của dượng, người đã ở bên tôi suốt cả những năm tháng tuổi thơ đến khi tôi trưởng thành chỉ vì cố chấp của riêng mình. Để rồi khi nhìn lại, khi sự thật cứ từng chút từng chút hé lộ, tôi đã nhận ra những thầm lặng lớn lao của dượng đã nhiều đến vậy. Thật may, chưa phải là quá muộn...




VVM.22.6.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .