Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      



VỢ VÀ… EURO 2024



N HIỀU năm trước, tôi đã là một Fan của bóng đá. Điều đó bình thường: hiện diện trên trái đất này có cả vài tỉ người đang là Fan bóng đá, đâu chỉ mình tôi?

Nhiều năm trước, vợ tôi mù tịt về bóng đá. Điều đó cũng bình thường nốt: có hàng triệu triệu gia đình “lệch pha” như vậy!

Nhưng tôi may mắn hơn nhiều bạn bè khác: có người vợ rất tâm lý. Chẳng hiểu gì bóng đá mà cô ấy vẫn chịu khó thức cùng tôi, không bỏ mặc tôi nửa đêm về sáng một mình vui buồn với trái bóng lăn như vợ Quân, vợ Lữ; Không cấm tôi bám trụ ở quán cà phê như vợ Trọng; Càng không buộc tôi tắt Tivi vào giường ngủ đúng giờ như vợ Hiến, vợ Đường.

Chỉ có điều như đã nói, vợ tôi mù tịt về bóng đá nên đang khi tôi phấn khích gào lên “Dzô!” hoặc xuýt xoa tiếc rẻ cú đá “ra ngoài còn khó hơn vào lưới” của một siêu sao thì cô ấy chỉ quan tâm bình phẩm:

-Ôi, anh áo xanh đẹp trai quá!

-Gã kia nhìn bậm trợn thấy ghét…

-Chậc… chậc!... Thể hình nhiều chàng đội áo trắng cứ như… Nam Vương thế giới ấy, anh nhỉ?

Rồi nhè những pha bóng gay cấn nhất là cô ấy lại nheo nhéo rót vào tai tôi: “Việt vị là gì? Thế nào thì ném biên? Tại sao bị phạt góc?” v.v… Rõ chán mớ đời!

Thú thật, nếu trong người không có tí ti máu “nể vợ” thì nhất định tôi đã nổi điên để rồi… để rồi…

“Để rồi” sao nữa thì tôi không biết! Tôi đã can đảm thử “nổi điên” một lần nào đâu mà biết?

Nhưng đó là chuyện những năm trước kia, còn EURO 2024 bây giờ…

Bây giờ, tôi vẫn là “Fan cuồng” của bóng đá. Điều đó bình thường! Điều hơi bất bình thường là vợ tôi -tuy vẫn trung thành ái mộ môn thể thao Nữ Hoàng hơn… Vua- không còn mù tịt bóng đá nữa.

Thật đấy, vợ tôi tiến bộ đáng khen lắm, đôi lúc làm tôi ngạc nhiên. Cô ấy đã hiểu một số luật lệ nên chẳng còn nheo nhéo hỏi những câu sơ đẳng: “Việt vị là gì? Thế nào thì ném biên? Tại sao bị phạt góc?”; Đã gọi ra vanh vách từng siêu sao trụ cột, không nhầm lẫn đội nọ sang đội kia. Ví dụ: Bồ Đào Nha có CR 7, Pháp có Mbappe, Đức có Toni Kroos, Bỉ có Lukaku… Rồi thì Neymar là của Brazil còn Messi dĩ nhiên của Argentina rồi… Nhất là nếu có ai cắc cớ đặt thử thách: “Hãy kể tên các quốc gia Châu Mỹ” thì không bao giờ vợ tôi ngớ ngẩn liệt kê Pháp, Anh hay Tây Ban Nha đâu, cho dù chỉ liệt kê ở chỗ bạn bè thân thiết chứ chả phải trên… sóng truyền hình!

EURO 2024 khai mạc gần tuần nay thì đêm nào tôi thức xem trực tiếp đều có vợ vui vẻ “kề vai sát nách”. Chẳng thức suông, cô ấy còn chăm chỉ nấu cháo, chè, xôi, xúp… canh khuya bồi bổ cho chồng nữa. Dĩ nhiên vì cô ấy rất yêu thương tôi. Tôi hiểu và biết ơn vợ nhiều lắm.

Sau mỗi trận đấu, người ta thường thống kê các chi tiết: tỉ lệ kiểm soát bóng, số lần phạt góc - việt vị, số đường chuyền, số thẻ phạt... v.v… Tôi không mấy quan tâm những thông số ấy, chỉ ghi đầy đủ tỉ số để không nhầm lẫn hay quên sót khi ngồi tán gẫu với bạn bè. Cô vợ tinh tế của tôi lại càng không quan tâm, bởi đã tự soạn cho mình một ghi chép khác.

Khi 24 đội tuyển hoàn thành lượt đầu tiên của vòng đấu bảng rồi, thống kê của vợ tôi thế này: * Màu áo nhiều trọng tài sử dụng nhất: Với 36 lượt trọng tài chào sân (không tính trọng tài bàn và trọng tài phòng VAR) chỉ có 3 vị mặc áo đen, 6 vị áo vàng mà tới 27 vị áo xanh biển (blue).

* Màu áo được thủ môn mặc nhiều nhất: Trong 12 trận đấu thì hết 11 trận có (ít nhất) 1 thủ môn nếu không mặc áo vàng thì cũng xanh lá cây (green - light green). Chỉ duy nhất trận Thổ Nhĩ Kỳ - Georgia là ngoại lệ.

* Trọng tài “thân thiện” nhất: Thổi trận Bồ Đào Nha - Cộng hòa Séc. Cuối trận, khi bóng vào lưới Séc, ông trọng tài này (chẳng rõ ngoài đời có giao tình thắm thiết gì không) chạy lại ôm đầu thủ môn Séc như... an ủi. Tiếc là hành động này thừa thãi vì ngay sau đó bàn thắng không được VAR công nhận.

* Trọng tài “tinh mắt” nhất: Đương nhiên là… công nghệ VAR rồi!

* Cầu thủ “xui xẻo” nhất: Mbappe (tự đập mặt vào vai đối phương đến gãy sống mũi, máu me tùm lum!).

* Cầu thủ “hãm tài” nhất: Ngoài nhiều cú “trớt huớt” ra, Lukaku 2 lần đưa được bóng vào lưới Slovakia thì đều bị VAR từ chối cả 2.

* “Khinh địch” nhất: Thủ môn Georgia, quá nôn nóng tìm bàn thắng đã bỏ vị trí chạy lên tham gia tấn công cùng đồng đội, đứng sát rạt gần thủ môn đối phương nên lãnh đường Hồi Mã Thương lãng xẹt: khi cầu thủ Thổ Nhĩ Kỳ phản công chớp nhoáng, dù anh ta chạy thục mạng trở về cũng không sao đuổi kịp, đành tẽn tò nhìn bóng lọt lưới ngon ơ!

(Hình ảnh này gợi nhớ World Cup 2018: Trái bóng từ chân cầu thủ Đại Hàn bay vọt qua đầu thủ môn Neuer, ung dung… lăn vào lưới. Giải đấu hiếm hoi mà Cỗ Xe Tăng tuột xích ngay từ vòng đấu bảng. Cay!)

* Đội có bàn sút (vào lưới) nhiều nhất: Tuyển Đức 6 lần (trong tỉ số… 5-1 với Scotland!), bỏ xa 23 đội còn lại của EURO 2024 (3 đội nhiều thứ nhì là Thụy Sĩ, Tây Ban Nha và Thổ Nhĩ Kỳ chỉ ghi được 3 bàn).

Nhưng mới là lượt trận đầu tiên thôi. Muốn biết liệu tuyển Đức có giống Trình Giảo Kim nhà Đường (chỉ hùng hổ 3 búa đầu rồi… xụi lơ), thì phải chờ vòng Knock-out… trả lời!

* Đội “mát tay” nhất: Cũng là tuyển Đức khi “mở hàng” khá “đắt khách” cho các cú OG tiếp theo (Pháp - Áo, Bồ Đào Nha - Séc…).

Đến đây, xin phép Dịch Giả tài hoa Vũ Anh Tuấn cho tôi được trích phần cuối một bài thơ đăng tải trên website Sách & Tranh của ông, sau trận chung kết World Cup 2014.

Bài thơ là lời… quả bóng tròn (dưới danh xưng “EM”) tâm sự với “CHÀNG” (hẳn là cầu thủ quán quân năm đó):

Nhưng em hiểu:
Khi hào quang chiến thắng lắng xuống rồi
Chàng sẽ quay lại tìm em
Nguyên vẹn tình yêu đắm đuối
Để bắt đầu một chinh phục mới
Vì làm sao chàng có thể xa em?
Cho đến ngày mỏi gối chồn chân
Tóc bạc trắng, mắt mờ dần theo năm tháng
Trái tim chàng vẫn nồng nàn tình yêu say đắm
Dành cho em,
Cô gái mưa nắng thất thường:
Lúc bay bổng
Lúc ru hồn
Lúc bão táp cuồng phong
Lúc bướng bỉnh làm mình làm mẩy
Lúc dỗi hờn ngúng nguẩy
Đỏng đảnh đến hồn nhiên: đốt cháy lưới nhà!
(M.Q.D.)

* Nhóm Y Tế “tắc trách” nhất: Không hiểu tay nghề nhân viên cứu thương của tuyển Pháp băng bó thế nào mà băng quấn ngang trán Griezmann tuột rơi xuống lúc đang thi đấu.

Nhân vụ “băng rơi” này, tôi muốn kể thêm một sự cố khác mà qua đó tôi mới biết tính bảo thủ của vợ cao đến mức… phi lý.

Đó là chi tiết cầu thủ dự bị Embolo (Thụy Sĩ) lao như tên bắn tới khung thành Hungary đã làm một “vật thể lạ” từ người rơi ra, nằm một đống trên cỏ xanh. Vợ tôi tròn mắt nhìn rồi lay tay tôi:

-Cái gì vừa rơi ra thế, anh?

Tôi ngắc ngứ và… bí.

Vật thể từ Embolo rơi ra không rõ rệt hình thù, tôi chẳng dám khẳng định. Nhưng vừa hỏi xong, vợ tôi đã tự trả lời luôn:

-Hình như… cái quần, anh ạ!

Giờ đến lượt tôi tròn mắt:

-Hả?... Sao quần lại rơi ra được? Vô lý!

Tôi giương mắt nhìn thật kỹ, cơ hồ muốn toét hai mắt để chắc chắn mình không nói sai: Đúng thế, chiếc quần màu đỏ nâu vẫn nguyên vẹn dính trên người Embolo kia thôi?

-Không phải quần ngoài… Là em nói quần lót bên trong ấy…

-???

A, thế này thì dù “nể vợ” đến đâu, tôi cũng phải cãi bằng được! Sao có thể phi lý thế chứ? Nếu quần mặc ngoài đã không tuột, làm sao quần lót bên trong lại có thể rơi ra? (Trừ phi Embolo là… nữ vận động viên Tenis thì còn tạm nghe được! Bởi các nàng khi thi đấu chỉ mặc váy, không mặc quần).

May quá, hai vợ chồng tôi không cần gân cổ tranh cãi thêm, Bình luận viên đã cho biết Embolo làm rơi miếng đệm chân. Bấy giờ vợ tôi mới tiu nghỉu, ngồi im.

“Vợ iu” ơi, chuyện khó thế mà em cũng nghĩ ra được???!!! Cạn lời thiệt à nha!

***

Tiếng là thức xem “bóng đá” (cùng tôi) mà vợ tôi chẳng mấy hào hứng theo dõi “đá bóng”. Điều cô ấy thú vị chính là chiêm ngưỡng “thời trang tóc” cầu thủ, đặc biệt thích thú kiểu thắt bím. Thử ngắm kỹ mà xem: rất đa dạng, rất công phu, rất ấn tượng và rất cá tính!

Với kinh nghiệm thường xuyên làm tóc, vợ tôi quả quyết rằng tùy độ cầu kỳ của các kiểu bím mà phải mất từ 2 tới 4 tiếng đồng hồ mới sở hữu được đấy, nào phải dễ dàng đâu!

Khá nhiều anh chuộng thắt bím, hầu như trận nào cũng có: không ngắn sát da đầu thì dài quá vai thả lúc lắc đong đưa; từ uốn éo ngoằn nghèo đường zigzag đến cột túm thành chùm như đuôi bò... Tiêu biểu vài cái tên: Xavi và Ake (Hà Lan), Camavinga (Pháp), Rafael Leão (Bồ Đào Nha), Onana (Bỉ), Abdulkerim (Thổ Nhĩ Kỳ)…

Ngoài thắt bím, “thời trang tóc” trình làng nhiều kiểu khác. Búi tó như một lão nông Việt Nam: Virgil (Hà Lan), Gallagher (Anh); Buộc dải băng-đô: Calafiori (Ý), Memphis (Hà Lan); Bung xù như đội ổ rơm: Cucurella (Tây Ban Nha), Kounde (Pháp), Faes (Bỉ)… v.v và v.v…

Vợ tôi còn hào hứng rủ tôi mở cuộc thi “PHÁT VƯƠNG”. Tiếc là ban Giám Khảo chỉ có hai “ngoe” nên khó cho ra một kết quả tâm phục khẩu phục. Tôi bỏ phiếu chấm kiểu tóc của Xavi (Hà Lan) mỹ thuật nhất, thì vợ tôi khăng khăng bênh vực Williams Jr. (Tây Ban Nha).

Dằng co tranh cãi mấy ngày liền, cuối cùng phần thắng nghiêng về vợ tôi. Cũng phải thôi, phụ nữ bao giờ chẳng... đúng?

Và để gọi là “cổ động Euro 2024”, vợ tôi còn nảy sáng kiến: rủ rê vài chị em trong xóm ra tiệm tạo mẫu tóc theo các cầu thủ mà chị em thần tượng. Nhiều người khen: nhìn ngồ ngộ, vui vui.

Phần tôi rầu rĩ nhiều hơn, vì thấy vợ thay đổi xoành xoạch. Hôm thắt bím, hôm bung xù, hôm búi tó, hôm lại giản dị chỉ một sợi dây buộc ngang đầu... Dĩ nhiên ưu ái nhất vẫn là mẫu “đuôi gà trống” mà cô ấy đã trao tặng ngôi “PHÁT VƯƠNG”.

Vợ tôi dẫn tôi từ bất ngờ này đến ngạc nhiên khác. Mỗi sáng bước ra đi làm, tôi rất hoang mang: không biết chiều nay đặt chân về nhà sẽ nhìn thấy vợ chải kiểu tóc nào? Tính vợ tôi là thế: một khi đã thích gì thì nhất quyết làm bằng được, bất chấp mọi lời dị nghị hay can ngăn.

Ngày nào vợ tôi còn “cổ động Euro 2024” kiểu này, ngày đó tôi còn hồi hộp quá. Tôi cứ lo ngay ngáy: biết đâu có một hôm nào đó, cô ấy hứng chí hăng hái đến tiệm tạo mẫu tóc kiểu… Lukaku, thì... toang!

19.06.2024




VVM.22.6.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .