- Đan cho con nít thì chọn màu tươi sáng chút chớ dì.
Như sực tỉnh bởi một lời đánh thức giữa đêm khuya, dì ngước nhìn đồng hồ, ngước cả nhìn tôi, rồi lại vội nhìn xuống đồ vẫn đang đan dở:
- Màu này dượng con thích...
Dượng bỏ nhà ra đi dễ cũng ước chừng được ba năm rồi mà cho đến giờ dì vẫn không thôi nỗi nhớ. Thằng nhóc bao nhiêu tuổi là bấy nhiêu năm dượng không làm tròn nghĩa vụ làm cha của mình. Người ta mắng dượng tuyệt tình, ngoại tôi những ngày đầu còn tuyên bố : “ Nó mà bước vào nhà này lần nữa tao đánh gãy chân”, duy chỉ có dì vẫn ngày đêm ngóng chờ dượng. Tôi cũng oán trách dượng bởi tôi thương dì. Ngày dì lấy dượng, vẫn còn xuân xanh, cô thôn nữ được bao trai làng tán tỉnh, thế mà lại ưng một anh chạy cộ bò, lạnh lùng ít nói, ngày hỏi cưới cũng chỉ là một câu chẳng có tí lãng mạn nào:
- Em lấy tôi nha?
Dì vẫn hay kể về dượng với một lòng yêu, khiến tôi những ngày đầu khi nghe tin dượng bỏ dì mà đi vẫn không tin nổi đó là sự thật. Thậm chí có lẽ vì là một nhà văn, tôi huyễn hoặc mình việc dượng đi là một điều gì đó có nỗi khổ tâm riêng. Nhưng cuộc sống thực vốn không phải là cổ tích, dượng đi là đi thật, chỉ đơn giản là vì trốn nợ. Không có một mảng màu le lói nào trong chuyện tình của hai người, cũng không có những uẩn khúc riêng, không có cả nỗi hi sinh nào cả, chỉ đơn giản khoảng nợ dượng gánh lấy là quá lớn và người đàn ông ấy đã chọn cách trốn đi để lại tất cả phía sau. Những ngày đầu ấy, dì mỗi ngày đều phải gánh chịu những lời mắng chửi của chủ nợ và những lời dèm pha đàm tiếu của cả những người xung quanh. Ôm đứa con còn đỏ hỏn trong tay, gửi nhờ bên ngoại, dì bươn chải nơi gánh chợ kiếm từng đồng trả nợ cho món nợ của dượng.
- Dì vẫn còn nhớ người đàn ông ấy...dượng sao?
Dì nhìn tôi bằng đôi mắt thấu hiểu, và rồi nhìn ra khung cửa sổ để từng màn mưa bắt đầu nhuốm vào đôi mắt của dì. Đồng hồ như điểm từng con số báo hiệu đã rất khuya mà mưa vẫn không có dấu hiệu ngừng. Những cơn mưa mùa hè nó khắc nghiệt hơn những cơn mưa đúng mùa rất nhiều, vì nó không xua tan đi cái nóng thuở ngày mà chỉ càng khiến cho trời thêm hanh, thêm oi bức mà thôi. Cứ như nước trời đổ xuống một cách vô ích, làm mọi thứ thêm hầm. Như sự chờ đợi của dì tôi, vô ích sau từng ấy năm dượng ra đi không một lời nhắn gửi về.
Khi dượng ra đi, cũng có nhiều người oán trách nhưng cũng có nhiều người đến với dì mong sẽ được làm một chỗ tựa nương cho dì nhưng dì từ chối cả. Má tôi khi ấy rầy dì dữ lắm, ngoại cũng dọa sẽ từ mặt dì, vì thương dì mấy bận, một nách nuôi con nhỏ, từ thương hóa giận. Ai cũng hiểu dù dì không nói ra nhưng dì chưa bao giờ nghĩ rằng tình nghĩa vợ chồng của dì và dượng đã hết, dì luôn đợi dương về cho dì một lời kết thúc đúng nghĩa rồi...ra sao cũng được. Lâu dần, không còn ai nói gì dì nữa, gia đình cũng là chỗ dựa giúp dì chăm đứa nhỏ, những điều tiếng xung quanh cũng dần cạn, một câu chuyện không thể cứ buôn mãi không có hồi kết.
- Trời hanh quá, may mà thằng nhỏ ngủ ngon.
Tôi ngước nhìn đứa nhỏ đang nằm trên võng, nó ngày càng giống y đúc dượng, làn da ngăm ngăm di truyền, cả cái mũi và mái tóc có phần hơi xoăn. Đôi khi dì nhờ tôi chăm nó nhưng vì thấy nó như khuôn với dượng, tôi...ghét bỏ. Dì dường như nhìn ra nhưng chỉ cười. Khi tôi lớn dần thêm lên, dì bắt đầu nói chuyện với tôi nhiều hơn về cuộc đời, và khi má tôi cắt cứ tôi qua ở chung nhà với dì cho dì bớt cô đơn vì hai dì cháu tôi chỉ chênh nhau độ mười tuổi, khá hợp tính nhau, tôi gần như hiểu thêm về sự chờ đợi của dì.
Ngày dượng ra đi cũng là những cơn mưa mùa hè như thế này, không lãng mạn đến độ sẽ viết một bức thư với đầy lời xin lỗi hay hứa hẹn, dượng chỉ đi vậy thôi. Dì biết dượng đi cũng là khi các chủ nợ đến với những giấy nợ đầy trên tay, dượng mang nợ bởi vì cờ bạc...
- Trong cuộc sống, đôi khi không phải cứ phân biệt đúng sai rõ ràng, có những chuyện lẽ là nó như vậy. Dì yêu dượng, nên dì tha thứ cho dượng. Tình yêu mà, có buồn đau, nhưng không có lí do cho sự tha thứ.
Rồi năm tháng cũng cứ dần qua đi, khi tôi nhìn tình yêu của dì mà ngưỡng mộ thì tôi cũng không thể hoàn toàn thấu hiểu và tha thứ cho dượng. Nhất là khi cứ mỗi cơn mưa về dì lại ngóng trông, lại thức rất khuya vì dì luôn tin, cơn mưa đã mang dượng ra đi rồi cũng sẽ mang dượng quay trở về. Nhưng có lẽ ngay cả thời gian cũng đang mang trong mình mệnh đế vương của nó, bắt đầu bào mòn đi niềm tin và sự chờ đợi của dì, nhưng dì vẫn có thói quen nhìn ra mưa như một thói quen. Dì không còn trả lời tôi như cách dì thần thánh hóa tình yêu của mình như ngày nào tôi hỏi lí do về sự chờ đợi nữa.
- Vì dượng là ba của con dì.
Thời gian dần qua đi, tình yêu dần biến thành trách nhiệm. Thời gian lấy đi tất cả mọi thứ, làm phép trừ với mọi điều trong cuộc sống kể cả niềm tin. Thế nhưng khi thằng nhóc bước vào lớp một thì dượng quay về. Chiếc ba lô sờn cũ rách nhiều chỗ được vá vấp lại tạm thời, người đàn ông đứng trước mặt tôi nếu nhìn kĩ chẳng khác gì người năm đó đã quỳ xuống trước mặt ngoại để hỏi cưới dì. Có chăng chỉ là làn da vốn ngăm trở nên đen đúa hơn và râu ria và cả mái tóc cứ như không được chăm sóc, trông cứ như một kẻ lang bạt đi ở một nơi nào đó rất xa trở về. Rất xa đến độ gần bảy năm trời...Tất nhiên không một ai trong gia đình tôi chào đón dượng, và nhất là tôi, người đã nhìn dì chờ đợi suốt bảy năm cho đến khi dì sắp quên đi thì lại quay về. Tại sao không đi luôn? Tại sao không để dì quên hẳn? Tại sao không đợi đến khi dì tìm đuợc hạnh phúc mới? Vì tôi biết ngay khi thấy dượng, dì sẽ tha thứ. Và quả thật là dì tha thứ.
Tôi dọn ra khỏi nhà dì và về lại nhà mình sau một trận cãi nhau to. Bảy năm trước khi dì quyết định chờ dượng, dì đã đương đầu với cả gia đình và giờ khi dì quyết định tha thứ cho dượng, cả gia đình lại không tha thứ cho dì. Những tháng năm sau đó hầu như gia đình ngoại, cả tôi và dì hầu như không nói chuyện, cứ thế chúng tôi sống riêng dường như không liên quan với nhau dù chung lối xóm. Tôi biết dì cũng rất vất vả với cuộc sống riêng, hàn gắn mối quan hệ cha con của dượng và con đã đủ mệt rồi. Và dì cũng phải vá lại tổn thương của chính mình. Dượng những năm sau đó ai cũng thấy rõ sự thay đổi, cố gắng vất vả sớm hôm đi làm đến tối mịt để lo cho gia đình nhỏ. Khi tiếng cười bắt đầu xuất hiện trong khung nhà nhỏ ấy cũng là lúc gia đình tôi bắt đầu nguôi ngoai với sự tức giận của bảy năm qua. Những năm sau đó, dượng hầu như ngày nào cũng qua thăm ngoại dù bị mắng chửi thậm chí bị ông tôi mang chổi ra đánh. Và thậm chí ngay cả tôi, dù nhác thấy bóng dượng đã rất ghét bỏ nhưng cũng cảm thấy xót thương. Thời gian đúng là có thể bào mòn mọi thứ, kể cả vết thương. Và lúc nào khi bị ngoại tôi đuổi ra khỏi nhà thì ngoài cổng luôn có bóng dì đứng đợi dượng cùng sự vỗ về an ủi...
Khi thằng em họ tôi vào cấp ba cũng là lúc dượng dần được sự tha thứ của gia đình tôi, nhất là khi dì đổ bệnh và hầu như không thể đi bán ngoài chợ nữa, chỉ có thể nhận việc về nhà làm kiếm từng đồng. Mọi gánh nặng kinh tế đổ lên vai dượng. Cũng rất lâu rồi tôi mới lại bước vào căn nhà ấy chỉ để thăm dì. Người đàn ông ấy đang tỉ mẩn bưng bát cháo từ dưới bếp lên, vẫn còn cảm thấy xấu hổ khi đối diện với tôi vì tôi chính là người ở bên dì những tháng năm dượng ra đi. Vẫn ít nói, vẫn không tỏ rõ tình cảm nhưng có lẽ tôi cảm thấy được sự đổi thay rõ rệt và cả sự bù đắp ẩn chứa sự hi sinh.
- Từ khi ổng quay lại dì và ổng chưa bao giờ nhắc lại chuyện ngày đó. Ổng chỉ nói một lời “ xin lỗi, nếu mình còn thương tui thì cho tui quay lại với mình”.- Rồi dì trầm ngâm - Có nhiều chuyện đã xảy ra rồi thì có trách móc cũng chẳng thể làm gì được. Ngày đó ổng sai thiệt, ổng biết lỗi và dì cho ổng cơ hội sửa đổi. Nếu sau đó ổng vẫn sai thì dì cũng không còn nuối tiếc khi tình cảm mình sai chỗ.
- Hên là dượng sau đó không dám sai nữa ha.
Dì bật cười, nụ cười chứa chan hạnh phúc. Dì yêu dượng nên gả cho dượng, và vì tình yêu dì luôn cho dượng một cơ hội để được bắt đầu lại. Ai cũng có thể có những sai phạm, cũng không ai định lượng sai lầm ấy có đáng được tha thứ hay bỏ qua. Quan trọng là ở tình cảm và nghĩ suy mỗi người, nếu có thể, nếu vẫn còn yêu, nếu vẫn còn tin tưởng, hãy thử một lần tha thứ. Cái giá phải trả ở mỗi người, mỗi niềm tin là khác nhau, nhưng không phải lúc nào nó cũng mang lại thất vọng, có phải không?