T hà vốn là một cô gái hoạt bát, nhí nhảnh, hay nói. Ấy thế mà cứ gặp Lý là lại ngượng ngùng, chắc vẫn còn đeo cái e thẹn từ năm ngoái. Lúc cô bị “giời leo” bác sĩ gọi là bệnh zona, mà thật oái ăm, bị ngay vùng lườn rồi leo lên tới nách, đau nhức quá không chịu nổi, cô đã phải nhờ Lý bôi thuốc. Gớm! Ngượng chín cả mặt… Lúc xa thì cứ như là nhớ nhớ…. Thế mà gặp lại cứ làm sao ấy…
Tiếng lành đồn xa, không chỉ bà con làng xóm, mà cả khu vực lân cận cũng biết đến thầy Lý mát tay trị bệnh. Họ lục tục dẫn nhau tới, thế là nhà Lý trở thành một nhà thương. Từ sớm đến tối, từ tối đến khuya. Lý tất bật công việc hái thuốc, chế thuốc, khám bệnh. Dạo này cũng đỡ hơn một chút vì có đệ tử đỡ đần. Nó cũng là bệnh nhân, trước đây cái chân của nó bị gãy ở phần đùi, do ngã núi nó đi bệnh viện mổ về sau có một lỗ thủng cứ đùn mủ với nước vàng ra. Người ta gọi là “rò tủy”. Thế rồi ra bệnh viện tỉnh mổ đi, mổ lại đến lần thứ tư, rồi vẫn tật nào chứng ấy. Lý cho nó uống thuốc nam sau vài ngày thấy ở lỗ rò đùn ra các cục xương to như hạt đậu, hạt gạo mặt xương lỗ chỗ ghê lắm rồi lại đùn ra cả mấu chỉ khâu, cuối cùng là ra rất nhiều mủ lẫn máu như óc cá. Đến khi chẳng còn gì để đùn ra nữa thế là khỏi. Nó nhảy như sáo. Nó bảo cháu có thể đi đá bóng được rồi. Bố mẹ nó mừng lắm, biết ơn thầy Lý lắm, sớm tối ghé nhà gặp chuyện gì cũng làm, nhưng chưa dám nói đến chuyện tiền bạc, vì nhà chẳng có gì bán ra tiền. Thấy nó nhanh nhẹn chăm chỉ, ngoan ngoãn lại rất thích nghề y, bố mẹ nó nói với Lý cho nó ở lại giúp việc và học nghề. Có nó đỡ chân, đỡ tay lại thêm những người theo hầu bệnh nhân nặng phụ việc băm thuốc, rửa thuốc, sao thuốc, tán thuốc nên công việc nhiều cũng trôi chảy như một cơ sở y dược chuyên nghiệp. Bệnh nhân đông quá toàn những chứng ngặt nghèo, lại cấp bách không sao dừng được Lý phải nhận, rồi gửi sang nhà bà con lân cận ở nhờ.
Nhu cầu chữa bệnh ngày càng cấp bách. Nhiều bệnh phải dùng đến thuốc bắc thế mà “nhân bần, tật trọng”, bệnh nhân nghèo quá Lý phải vay mượn mua thuốc chữa bệnh cho họ đến khi khỏi hẳn, về rồi mà cũng chẳng có tiền. Có người đến chữa bệnh hết gạo cả tuần mà người nhà vẫn chưa tiếp tế. Nhiều lần bà cụ mẹ Lý phải nhịn bữa để nhường cơm cho bệnh nhân. Cụ mỉm cười nheo mắt nhìn mấy người bệnh bị liệt giờ đã lần từng bước mà lòng rộn ràng quên cả đói. Thỉnh thoảng Thà lại tìm cớ đem cho bà cụ ít gạo, ít đỗ. Bà cụ cứ khen mãi về cô bé đẹp người, tốt nết làm Lý càng hay mơ thấy Thà…
Lý đã thực sự được xóm làng tin yêu gửi gắm sinh mệnh. Các cụ trong làng đã “lên chức” cho Lý. Họ không gọi Lý là anh, là chú nữa mà gọi là thầy Lang. Điều đó khiến cho Thà rất vui. Nhiều lúc cô giả bộ khoanh tay, cúi rạp người: “Em chào thầy Lang ạ!”… Công việc nhiều, Lý phải vất vả cáng đáng mấy chục bệnh nhân.
Ông trưởng thôn thường tranh thủ đến phụ giúp Lý. Ông còn có sáng kiến tổ chức lớp thanh niên làng mỗi tháng dành một ngày phúc thiện cùng Lý vào rừng kiếm thuốc. Lý đã phổ biến hàng chục loại dược liệu có giá trị, mọc hoang dã trong rừng cho anh chị em. Tại cuộc họp Đảng ủy xã ông đề nghị mời thầy Lý ra trạm y tế xã có điều kiện giúp dân và khỏi cái cảnh nghịch đời “trạm y tế hơn chục gian nhà thênh thang thì để sân rêu, giường mốc, mà nhà Lý thì bệnh nhân ngả cánh cửa nằm ở bếp”. Vấn đề cũng được bàn đi tính lại nhiều lần và cuối cùng đã thống nhất. Ông trưởng thôn lại đến nhà bàn bạc đả thông cho Lý, động viên anh nên ra trạm y tế làm cho thuận lý, thuận tình. Rồi biết đâu nhà nước trông đến cho đi học nâng cao kiến thức thì còn gì bằng nữa. Nghĩ kỹ thì ngại lắm, nhưng nếu là sẽ được đi học thì thực đúng với nguyện vọng của Lý. Thế là anh chấp nhận, nhưng ở nhà quê chuyện học hành nó cũng có số chứ dễ gì. Năm ngoái, huyện báo cho Lý làm hồ sơ để đi học lớp Trung cấp y học dân tộc Tuệ Tĩnh. Thế rồi phấp phỏm chờ mãi đến ngày nhập trường, ai ngờ người ta lại đưa giấy báo cho thằng Ngọng con ông chủ tịch xã đi học. Lý buồn lắm, ông trưởng thôn hiểu được tâm tư của Lý, ông thức gần hết đêm cùng Lý chuyện trò. Ông an ủi:
- Không được đi học đợt này cũng chẳng tiếc lắm, cái trường này đâu có đào tạo thầy Lang. Các thầy, các ông toàn là bác sĩ, dược sĩ Tây y cả mà… Bò thì làm sao đẻ ra nghé! Chú có đi học thì cũng chỉ là lấy cái giấy cho hợp thức thôi. Từ khi tôi lớn đến giờ có thấy thầy Lang nào nổi tiếng, mà lại có bằng cấp, học hành ở trường ra đâu?
Nắng như đổ lửa xuống sân đình, thế mà đám trẻ con trễ nhếch, trễ nhải đứng đầu trần xem cái xe Com-măng-ca. Anh tài xế cũng phải chịu nắng đứng canh chỉ sợ chúng nó lấy đá viết tên mình. Xe của huyện hôm nay về xã không phải để lấy gạo nếp và trứng vịt mà để lấy xác minh một chuyện như hoang đường mà tin đồn nhao nhao khắp cả. Số là mấy hôm trước thằng Út con ông chủ tịch xã bị con trâu sứt nó húc thủng bụng, ruột đùn ra ngoài trắng hếu. Người ta phải lấy cái bát hơ lửa sát trùng rồi úp lên giữ ruột lại khênh về trạm xá. Trời xẩm tối ông trưởng trạm cuống quýt cả lên, sai người gọi xe công nông chở đi bệnh viện huyện. Trong lúc chờ xe, Lý ra vườn lấy nắm lá chuối tiêu cho thêm nhúm muối giã nát rồi vắt nước cho thằng bé uống. Một lúc sau trong cái bát úp nghe tiếng như huýt gió. Lý tháo băng mở bát ra thấy ruột cứ từ từ kéo hết vào trong bụng. Mọi người trợn tròn mắt gai rợn cả người. Lý lại lấy bã lá chuối đắp lên vết thương rồi băng lại. Thằng bé vẫn được chở đến bệnh viện nhưng không phải khâu mũi nào.
Ông trưởng phòng y tế huyện mời rất nhiều nhân chứng, cuối cùng đã khẳng định sự việc là đúng. Ông cố tỏ ra thân mật với Lý, nhưng lại vặn vẹo anh đủ điều. Lý chỉ trả lời: Tôi bắt chước đồng bào dân tộc Cao Lan.
Việc này chẳng phải nhỏ, nghĩ vậy ông trưởng phòng y tế đem hồ sơ đến gặp chủ tịch huyện để báo cáo.
- Dạ thưa anh!
Ông trưởng phòng y tế tường thuật một mạch về sự kiện bị trâu húc lòi ruột cho thủ trưởng nghe và kèm theo một lời kết luận: Thật đáng tiếc tay này lại không đủ tư cách hành nghề mà chỉ học lỏm học mót vài chiêu dân dã. Tuy thế nhưng hắn được dân tín nhiệm lắm! Qua đây cũng xin ý kiến anh là có nên cho tiếp tục hành nghề hay không?
Ông chủ tịch với cái dẻ lau bàn chùi sạch hai bàn tay rồi vuốt miệng nói:
- Thế quy định của ngành như thế nào?
- Dạ thưa! Theo thông tư của ngành thì phải có bằng y sỹ y học dân tộc hoặc bằng bác sỹ thì mới được hành nghề.
Thế thì dẹp! Cứ theo đúng quy định mà nổ. Cái gì cũng làm cho đúng luật lệ, quản lý chắc chắn, thế mới ăn ngon, ngủ yên được! Nói đoạn ông ngả lưng khềnh khàng ra ghế, vắt hai bàn chân "Giao Chỉ" lên mặt bàn. Ông trưởng phòng y tế hiểu ý đứng dậy, cong lưng nói:
- Dạ vâng! Thưa anh em về!
Ông chủ tịch đảo mắt ngược, gật đầu.
Việc đồng áng đang vào vụ cấy thế mà người ta nghỉ vắng cả đồng. Đầu đường, ngõ xóm xôn xao. Bà con kéo đến vây kín cả nhà Lý, để chứng kiến việc các nhà chức trách kiểm tra thu giữ thuốc men, cấm Lý hành nghề chữa bệnh.
Ông trạm trưởng y tế năng nổ chỉ dẫn và sục sạo cứ như là khám nhà tội phạm. Họ quẳng ra giữa nhà nào là dao cầu, thuyền tán, ấm đất, chai lọ, kim châm cứu, thuốc men… Tiếng sắt đá, sành, sứ va vào nhau chua chát. Mẹ Lý thương con, xót của run cả người. Cụ chẳng dám nhìn phải lập cập vào bếp sụt sùi khóc một mình… Lý xót xa bậm môi nhìn đống thuốc như một bà mẹ đang phải chứng kiến đứa con thân yêu bị tra tấn cực hình… Dân làng chịu hết nổi, lao nhao phản đối:
- Người ta cứu dân nào có tội gì?
- Không được đổ thuốc ra đất!…
- Kìa ông Thuận bỏ cái gì vào túi thế ?… Ông trưởng thôn kìm nén không được nữa. Bật lên trước đám đông như một thủ lĩnh. Ông thét lớn:
- Vâng! Anh yên tâm…!
- Yên tâm cái gì? Các ông quăng cả ra đất vỡ hết đồ của người ta.
- Đình chỉ hành nghề rồi thì để làm gì?
- Này tôi nói cho các ông hay, chủ trương Nhà nước là cởi mở, nguyên tắc Nhà nước là để phòng chống tiêu cực, không khi nào lại ngăn cản việc chữa bệnh cứu người.
- Phải rồi! Phải rồi! Không được vô lý, không được tàn nhẫn. Tiếng bà con la sau lời ông trưởng thôn.
Ông trưởng thôn quay lại giơ tay ra hiệu bà con yên lặng rồi nói tiếp:
- Cái lệnh đình chỉ này mới chỉ là của các ông thôi nhá! Chúng tôi còn nhiều cửa để kêu. Kêu thấu trời mới thôi!
- Vâng anh cứ kêu đi! Đây là quyền của anh! Còn việc khám xét thu hồi, hủy bỏ thuốc không nhãn hiệu, không đăng ký là quyền của chúng tôi… nhá!
Ông ta dằn giọng, nghiêng nghiêng, gật gật như trêu ngươi thiên hạ, rồi phất tay ra hiệu tiếp tục cho đám đàn em đang trố mắt nhìn. Họ lại càng làm dữ. Các bao tải thuốc đã được phơi khô cất tận trên gác cũng bị lôi xuống và tất cả kéo ra bờ sông đốt…!
Ông trưởng thôn tức nghẹn cả cổ.
- Cứ thế này thì bao nhiêu phương thuốc hay của dân tộc thất truyền hết. Chỉ béo bở bọn cơ hội với bọn buôn bán thuốc giả mà thôi!
Đêm ấy ông trưởng thôn trằn trọc không sao ngủ được. Mờ sáng ông đã tới nhà Lý. Cứ tưởng nhà Lý vẫn chưa dậy thế mà không ngờ lại gặp khá đông đủ anh em bà con đã ngồi đầy mấy cái chiếu, cứ như là hẹn.
- Ờ, thì tùy anh chị! Cứ thử xem sao! Trong thâm tâm ông trưởng trạm cũng biết ý kiến của Sở y tế rồi và cũng thầm phục Lý. Nhưng nó mà hành nghề thì mình và trạm y tế hóa ra thừa. Dẫu vậy ông vẫn buộc lòng phải chấp nhận để Lý chữa cho Thà.
Kể từ khi bị địa phương và phòng y tế huyện đình chỉ hành nghề, Lý không dám chữa bệnh nhưng lòng say mê nghề nghiệp vẫn rực cháy trong tim. Sớm hôm miệt mài nghiên cứu. Trong thời gian này Lý tham khảo y lý, dịch lý và học kinh nghiệm điều trị từ các bộ sách quý đồng thời học thêm chữ Hán để đọc sách cổ.
Bố mẹ Thà được hướng dẫn nên rành luật lắm. Họ đến nhà Lý mang theo cả tờ đơn xin được đi chữa bệnh cho con với mục đích “còn nước còn tát” và tự chịu trách nhiệm về hậu quả. Tờ đơn này đã được các nhà chức trách của địa phương ký tên đóng dấu vuông của trạm y tế và một dấu tròn của uỷ ban xã. Với kiến thức và kinh nghiệm đã khá vững, thông qua tứ chẩn “vọng, văn, vấn, thiết” anh xác định Thà bị phù thận dạng nhiễm mỡ. Tình trạng hiện tại đã nguy kịch do dùng thuốc lợi tiểu dài ngày và liều cao, dẫn đến tim mạch hoạt động bất thường và cả tỳ, thận cũng đã suy kiệt. Phải có một phương thuốc thật thần hiệu mới cứu nổi vì cái bụng phù to như thế, nếu uống thêm một bát thuốc vào là có thể nứt ra. Bệnh nhân không thể ăn gì, chỉ uống vài lượng nước ướt miệng thôi.
Lý bị dằn vặt bởi tình cảm của một người thầy thuốc với một bệnh nhân mà hình ảnh luôn gắn bó bên mình. Anh hồi tưởng lại buổi dẫn đoàn thanh niên vào rừng hái thuốc. Lúc cùng Thà trên một lõng đường, cô bị trượt dốc tuột xuống vách đá. Chả biết có đau không. Thấy Thà tập tễnh, Lý đã dìu cô xuống tới chân đèo…
Ôi! Cả một đoạn đường thơ mộng…mỗi lần nhớ đến Lý lại thấy ngây ngất… bần thần cả người… Cảm giác như gió, như mây, man mác, chờn vờn. Nhưng vì hoàn cảnh chưa cho phép buộc Lý phải dấu kín cảm xúc dưới đáy tim mình…
Lý bâng khuâng đi vào căn buồng. Hỡi ơi! gian buồng lạnh lẽo chỉ còn mấy tấm kệ gỗ với mấy cái chai không nút. Nhưng may thay những bài thuốc có thể chữa được cho Thà, Lý vẫn thuộc làu và nhớ từng cây lá. Anh quyết định vào rừng kiếm thuốc.
Như mọi lần trong hành trang vào rừng của Lý bao giờ cũng có lọ xạ hương và miếng Hải Ngưu Giác của sư phụ tặng. Anh mang theo hai vật đó để phòng rắn cắn. Nhưng bảo bối đâu mất rồi? Hay là họ đã đốt hết? Không! Nếu đốt thì hương xạ đã trùm kín cả xã mà hôm ấy lúc lửa rừng rực có thấy mùi gì đâu?
Đêm ấy Lý thao thức không sao ngũ được, vừa thương Thà, vừa tủi phận mình… Gà mới gáy lần đầu anh đã dậy châm lửa nấu cơm. Ủ phần cơm cho mẹ, còn mình nắm đi một nửa với ít muối vừng. Anh lấy dao dắt ngang lưng, cầm thêm chiếc xẻng quân dụng rồi rón rén mở cửa bước ra. Con đê làng nhả khói sương, hòa nhập với hơi nước sông lập lờ khuất phủ rặng tre. Lý tắt qua cánh đồng đến bìa rừng trời vẫn chưa sáng tỏ. Anh mải miết luồn dưới tán cây rậm rạp, qua thung, vượt đỉnh mải mê kiếm thuốc tới cả những nơi dường như chưa có dấu chân người. Rồi mừng quá khi thấy vết đất mới cày lên dẫn đến những chân lợn rừng khá lớn. Đúng rồi đàn lợn này có tới hàng chục con, đêm qua đã ủi lật đất mấy khóm sắn. Sắn vẫn còn chắc đêm nay nó lại tới. Nếu như có được bộ lông mao lợn rừng với lá chàm chàm trên cây gạo thì sẽ có một phương thuốc thần hiệu. Ôi! Thà sống rồi! Lý sung sướng reo lên. Anh hăm hở căn theo lối đi của lợn rừng để đào hố bẫy. Chiếc hố sâu ngập đầu người đã được đào và dấu đất đi rất kín đáo. Anh lấy cành cây cài nắp rồi lại lấy đất mặt rừng ngụy trang lên. Mải miết làm chẳng để ý đến thì giờ, nhìn không thấy mới giật mình, trời đã tối! Nhưng vẫn phải mò mẫm để hoàn tất việc ngụy trang hố bẫy. Cánh rừng hoang vu với tiếng côn trùng râm ran, rờn rợn. Anh đi dò từng bước, bỗng bập một cái vào ống chân rồi lằng nhằng níu lại. Lý cúi xuống khoắng tay thì hỡi ôi, con rắn độc! Nó vừa lúc nhả ra thì loạt soạt chuồn vào bụi. Từ vết rắn cắn chân anh tê dại, anh rút khăn thít chặt đoạn ống chân trong sự hoảng loạn tinh thần. Trấn tĩnh lại anh nhớ lại câu chuyện năm trước. Ông Lực người cùng làng bị rắn cắn vào ngón tay. Ông đã chặt cụt ngón tay và thoát hiểm. Mỏm cụt ngón tay đã lành và ông lại vào rừng kiếm củi, tới chỗ con rắn cắn trước đây, nhìn thấy ngón tay mình còn tươi nguyên liền ướm vào mỏm cụt, lập tức ông ngã ngửa chết ngay. Hình ảnh ông Lực vừa thoáng qua. Lý kê luôn chân mình vào tảng đá rồi cầm dao dùng hết sức chặt xuống. Máu tóe ngược cả lên mặt. Không đứt! Anh lại chặt luôn nhát thứ hai. Cũng không đứt! Hai mắt hoa lên, con dao tự dời khỏi tay rồi anh ngã vật xuống ngất xỉu… Khi tỉnh dậy... Nhớ đến Thà… Anh định đứng lên nhưng không được. Hết hy vọng rồi! Nọc độc rắn đã làm anh mất cảm giác tới nửa thân mình. Anh ngửa mặt lên nhìn trời chỉ thấy đám mây đen kịt… Lý ráng lật người nằm sấp xuống lấy tay xoa nhẵn một chòm đất rồi dùng que viết thầm trong đêm: “ Đốt lông mao lợn rừng hoà với nước sắc lá chàm chàm gạo cho Thà… u. ..on”. Chữ uống chưa viết xong thì từ từ trong ngực nhói buốt rồi lật cong người anh lên. Cảm giác như đá đè nghẹt thở Lý vươn tay ráng ngáp từng hơi. Từ đáy mắt như có lửa lóe ra. Đầu óc nặng nề và nhức như búa giáng…. Cơn giật lặng xuống anh định bò đi nhưng không được. Nửa người đến thắt lưng đã liệt hẳn. Anh nằm ngửa tuyệt vọng và nhận thấy có bàn tay thần chết đang dần dần bóp tới cổ mình. Và bất chợt cuộc đời như đoạn phim lướt trong ký ức. Anh cố chống hai tay ngồi dậy, nhắm mắt lại lẩm bẩm điều gì rồi cởi chiếc áo mạ sắc nắng mưa trải ra trước mặt, lấy ngón tay chấm máu viết: “Cầu cho các thầy lang đừng gặp hoàn cảnh như tôi…”. Các mũi dùi lại xối trong ngực... Hai mắt lóe lửa rồi tối sầm. Trục xương sống cứng thẳng ra, giật anh ngã ngửa… Trận cuồng phong ào ào vít những tán cây gục xuống, để ánh trăng soi đường cho hồn anh ra khỏi nơi mà các con lợn rừng hung dữ sắp kéo tới.-./.