Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      

tranh của nữ họa sĩ Thanh Trí

TRÁI TIM MỖI NGƯỜI




T ừ ngày gặp lại bà, ông thấy mình trở lại tuổi thanh xuân tràn trề sinh lực. Trái tim ông đã đóng băng từ lâu, nay bỗng tan ra dưới nắng xuân hồng ấm áp dịu êm… Dường như ông không còn khái niệm về tuổi tác của ông và bà. Trong mắt ông, bà vẫn là cô gái ngày xưa, người yêu của ông cách đây hơn ba mươi năm.

Thật ra, cảm giác trên chỉ từ từ hình thành sau khi ông gặp bà năm bảy lần, và giờ đây đã dần dần ổn định. Chứ hôm đầu tiên ngồi đối diện với bà, ông như không tin ở mắt mình. Em đấy ư? Ông quặn lòng khi nhìn vào đôi mắt không còn trong xanh, dù được chăm chút tô vẽ kĩ lưỡng vẫn hiện lên mờ mờ bàn chân chim ở phía đuôi mắt. Hai gò má dù phủ lớp phấn dày, khá công phu vẫn không che giấu hết những nếp nhăn và những đốm nâu lão hóa. Mái tóc được uốn gọn , khéo léo, sang trọng với thuốc nhuộm màu hạt dẻ vẫn để lộ ra những chân tóc thưa thớt và hẳn đã có nhiều sợi bạc… Chưa bao giờ ông chứng kiến sức tàn phá ghê gớm của thời gian đến như vậy .

Đó là một buổi chiều Sài gòn vừa dịu bớt nắng. Sau khi ông đón bà từ sân bay Tân Sơn Nhất về một khách sạn mà ông đã đặt phòng trước cho bà, ông đưa bà đến quán cà phê. Ngồi đối diện với ông, bà có vẻ lúng túng vụng về, luôn tay vuốt tóc, không dám nhìn thẳng vào mắt ông. Ông dịu dàng âu yếm nhìn bà, như muốn trấn an bà về điều gì đó mà ông chưa rõ…

Nhưng rồi không hiểu sao sau đó, những nét già trên khuôn mặt bà dần dần trẻ lại. Như một phép màu. Và giờ đây bà trở lại nguyên vẹn là cô gái ngày xưa, người ông đã từng yêu thương và mãi mãi yêu thương nhưng đã không cùng bà nên duyên vợ chồng vì số phận trớ trêu.

Từ ngày gặp lại ông, bà cũng cảm thấy mình trẻ hẳn ra, nhẹ nhàng nhanh nhẹn năng động lên gấp bội, lòng hân hoan mở hội. Như loài mai ủ rũ héo hon suốt mùa đông, tưởng chừng không còn sức sống, bỗng một sáng xuân, người ta tỉa cành ngắt lá cho mai tích nhựa vào thân, người ta tưới nước tràn trề để mai nhú ra bao nhiêu là mầm là nụ. Tất cả đều xanh mượt, căng tròn , mũm mĩm… Cũng như ông , bà dần dần mất đi khái niệm tuổi tác. Bà thấy mình trở lại tuổi đôi mươi, mắt bỗng sáng long lanh, môi bỗng đỏ mọng và má bỗng ửng hồng, tâm hồn vui phơi phới. Cái nắm tay đầu tiên sau bao năm xa cách làm bà nghe như có luồng điện chạy dài từ đỉnh đầu tới gót chân. Và cái nhìn của ông, cái nhìn quen thuộc gần gụi thân thiết, hiền từ bao dung chở che, nồng nàn ấm áp chân thành, chứa chan cảm thông yêu thương trìu mến… khiến bà nao cả lòng.

Cũng như ông, lần đầu tiên gặp lại ông, bà vô cùng kinh ngạc! Mái tóc ông đã bạc trắng. Đôi mắt đã sậm màu mỏi mệt sau cặp kính lão. Hình dáng, bước chân… đều thay đổi. Lúc đó bà muốn khóc quá chừng nhưng kìm lại được. Bà chợt nhớ tới mình , hẳn bà cũng già đi nhiều lắm? Chắc chắn rồi! Chính điều nầy làm bà bối rối. Cũng may, quán cà phê vườn đang nhạt nhòa dần trong khoảnh khắc hoàng hôn, che bớt dùm bà những bước chân khắc nghiệt tàn nhẫn của thời gian. Bà khôn ngoan ngồi khuất trong bóng tối của chậu nguyệt quế, tìm lại được sự tự tin

Hóa ra thời gian giống như bụi bặm, nó ẩn khuất, tiềm tàng trong từng hạt không khí nên có thể luồn lách khắp mọi nơi. Đồ đạc dù được che chắn kĩ càng đến cỡ nào, nó vẫn len lỏi vào được . Họ nhìn nhau rưng rưng, ngậm ngùi.

- Em về chơi được bao lâu ? Ông đã biết nhưng vẫn hỏi để cả hai bớt lúng túng.

- Em tính ở lại hai tháng. Bà mỉm cười trả lời câu đã thuộc lòng.

- Em sẽ ăn Tết ở đâu?

- Có thể em về Hội An.

- Tại sao lại có thể?

- Vì cho tới giờ phút nầy em cũng chưa có quyết định dứt khoát. Em có nhiều nơi để đến và về , nhưng chỗ nào thú vị nhất thì em chưa nghĩ ra.

Câu chuyện cởi mở dần … Bao kỉ niệm êm đềm hạnh phúc của một thời tuổi trẻ được đánh thức. Có lẽ thần ái tình thấy tội nghiệp họ, biết không cần phải bắn thủng tim của họ nữa mà chỉ nên tặng mỗi người một đôi hài có mũi sau gót chân để họ đi ngược lại thời gian. Quá khứ giúp họ tìm lại tuổi xuân nồng nhiệt tự nhiên. Tình xưa giúp họ vượt qua ranh giới hiện tại.

Họ tìm lại được nhau thật tình cờ, như nhiều cái tình cờ vẫn thường xảy ra trong cuộc sống. Trong một tiệc cưới, ông tình cờ ngồi gần một bà mập mạp. Ông liên tục tiếp thức ăn cho bà, rất lịch sự . Đáp lại nồng hậu của ông , bà cũng liên tục tiếp thức ăn cho ông. Chuyện đông chuyện tây, chuyện cổ chuyện kim, chuyện trên trời dưới đất, bà cứ say sưa khiến người ngoài tưởng họ là đôi bạn thân thiết từ lâu, hoặc có thể còn hơn thế nữa. Sự nhiệt thành quá mức của bà đôi lúc làm ông bối rối ngượng nghịu. Nhưng cũng nhờ vậy mà bà nhắc đến tên Cẩm Tú Cầu. Ông giật mình, cái tên hiếm gặp, cái tên vẫn nằm sâu trong một ngăn tim kín đáo nhất của ông. Qua vài thông tin ngắn gọn, ông chắc chắn đây là Cẩm Tú Cầu của lòng ông. “ Anh biết chị ấy ư? Anh muốn liên lạc không ? Tui có số phone của chỉ nè!” Ông run run ghi. Rồi ông là người đứng dậy đầu tiên sau lời xin lỗi nhã nhặn. Ông nhanh chân về nhà. Bấm dòng số dài ngoằng, ông cẩn trọng dò đi dò lại rồi mới nhấn nút “phone”. Tiếng chuông bên kia đầu dây đổ dài. Ông hồi hộp, hơi thở ngắn và cạn. Hình như khá lâu mới có người cầm máy: “ À lố!” .Giọng nam! Ông giật thót tim: “ A lô! Có phải nhà Cẩm Tú Cầu đó không ạ?” “ Cẩm Tú Cầu?…”. “ Vâng , làm ơn cho tôi gặp Cẩm Tú Cầu!”. Một thoáng im lặng… “ À …À ...Đó là mẹ tôi , nhưng có gì quan trọng mà ông gọi vào giờ nầy?” . “ Tôi từ Việt Nam …”. “ OK, tôi hiểu rồi, ông chờ máy nhé!”. Sực nhớ ra giờ nầy bên ấy, ông ngại ghê nhưng đã việc đã lỡ .

Giọng bà lạ huơ lạ hoắc, phải tới hơn mươi phút sau, ông mới tìm lại được âm sắc quen thuộc của bà. Sau mấy lời thăm hỏi, bà nhắc: “Stop nghen! Mai em sẽ gọi lại cho anh.”. Cũng từ hôm đó, cứ cách vài ngày, ông chưa kịp gọi cho bà, thì bà đã gọi về cho ông. Hai ông bà cứ vậy mà say sưa, bao nhiêu là chuyện. Con gái ông ngạc nhiên và mừng lắm khi thấy cha mình độ rày mặt mày cứ hớn ha hớn hở, thỉnh thoảng lại tủm tỉm cười một mình. Coi bộ vui vẻ lắm.

Càng nói chuyện qua điện thoại, họ càng khao khát được gặp nhau. Bàn tới bàn lui, bà quyết định về Việt Nam ăn Tết. Họ hồi hộp, sung sướng, nao nức chờ mong.

Ngày bà về, ông là người duy nhất đi đón bà. Ông đã chuẩn bị kĩ tinh thần trước đó nhưng có lẽ sẽ rất khó nhận ra bà nếu bà không cho trước dấu hiệu, bởi đâu còn hình dáng mảnh mai của cô thiếu nữ ngày nao.

Mấy hôm sau, trong bữa ăn sáng ở một quán phở, ông dè dặt:

- Hay là… chúng ta cùng đi du lịch trong dịp Tết nầy !

Bà háo hức:

- Đi đâu vậy anh?

- Hà nội , Huế … Nha Trang…Đà Lạt…

Bà cầm tay ông , lắc lắc , hệt ngày xưa, giọng nũng nịu:

- OK ! …Nhưng anh đi vậy rồi ăn nói với bọn nhỏ như thế nào?

Ông âu yếm nhìn bà:

- Em yên tâm . Anh đã sắp xếp mọi chuyện rồi.

Rồi họ bên nhau trong một khách sạn ở Đà Lạt.

Họ hoàn toàn bất ngờ về chính mình và bất ngờ về nhau. Ông mãnh liệt, nhiệt cuồng, tận tình quá đỗi ! Bà đậm đà, nồng nàn, lãng mạn xiết bao!

Thì ra, cuộc đời đẹp quá! Đáng yêu quá ! Ông lắng nghe sức sống trào dâng trong từng mạch máu, trong từng tế bào. Hừ , phen nầy ông quyết tâm mai mốt về nhà, sẽ lên kế hoạch chăm sóc kĩ hơn cho sức khỏe của mình, điều mà bấy lâu nay ông chưa bận tâm đúng mức. Ông sẽ đi tập dưỡng sinh. Mỗi chiều, ông sẽ chơi tennis thêm một tiếng nữa. Sẽ đặc biệt chú ý chế độ ăn uống, sẽ bỏ thuốc lá…Chưa bao giờ ông có được hạnh phúc nầy , yêu và được yêu , hết lòng hết dạ. Ông tận hưởng cảm giác quá đủ, thậm chí có thể nói là tràn trề . .. Vậy thì ông còn cần gì nữa cơ chứ? Bà là tất cả cho phần đời còn lại của ông. Ông dạt dào cảm xúc hàm ơn bà, người đã cho ông được hồi sinh, giúp ông thấm thía tận cùng niềm hạnh phúc được làm người trần thế. Ông thầm hối tiếc, giá như ông bà gặp nhau sớm hơn. Thật quá lãng phí!

Đà Lạt lạnh buốt da. Trong tấm mền dày cộm ấm áp cùng hơi ấm tỏa ra từ thân thể ông, bà thấy mình nhẹ tênh, bé bỏng. Vậy thì bà còn cần gì nữa cơ chứ? Ở tuổi nầy, bà thực sự đang yêu và thực sự được yêu ư? Bà đang ở trong cõi thực ư? Đến bây giờ, bà mới nhận ra tình yêu là điều có thực, mà cả quảng đời đã qua bà luôn nghi ngờ. Trái tim bà rộn rã ngân nga những giai điệu xuân thì. Nhà cửa, xe cộ, tiền bạc bà phải vật lộn, đổ mồ hôi, lao đao lận đận bon chen mấy chục năm qua ở xứ người bỗng trở nên vô nghĩa phù phiếm! Ừ, hết thảy chẳng là gì cả! Hạnh phúc quá lớn, quá lạ …Hạnh phúc không hề được báo trước, quá bất ngờ… khiến bà như đang sống trong giấc mơ đẹp nhất đời. Bà đang trôi bồng bềnh… bồng bềnh trong đám mây hư thực, thực hư…Và điều chắc chắn như đinh đóng cột là bà chẳng hề phí công khi vượt qua nửa cái hành tinh xanh đáng yêu nầy để bây giờ có ông bên cạnh.

Rồi họ say sưa háo hức bàn chuyện tương lai. Họ tin cuộc hạnh ngộ nầy là thiên duyên, bởi tất cả như có sự sắp xếp hợp lý : Ông bà đều trong cảnh góa bụa, quan trọng hơn nữa là ngày xưa họ đã từng là người tình sâu đậm của nhau. Bà sẽ về Việt Nam. Họ sẽ xây một ngôi biệt thự … Họ sẽ an nhàn tận hưởng mùa xuân đang trở lại… Họ thật lòng khao khát được có nhau, nương tựa nhau trong khoảnh đời còn lại.

Thế nhưng, sau khi nhận cú điện thoại của bà từ Mỹ, báo tin chuẩn bị tiến hành thu xếp mọi việc để về nước, ông bỗng đắn đo băn khoăn. Bao nao nức ước ao cùng bà chung sống bỗng lắng xuống. Những ngọn sóng cuồn cuộn dữ dội đã từng nhào lộn ngoài khơi; giờ đang rất đỗi hiền lành, nhẹ nhàng vỗ vào bờ.

Có nên chăng?

Xưa nay ông quen sống một mình trên tầng lầu. Một mình nên tha hồ thích làm gì thì làm. Tới bữa, nếu muốn ăn cùng vợ chồng đứa con gái, thì ông xuống . Còn không, ông gọi điện thoại kêu con Đẹt bưng lên. Ông ăn mặc tùy tiện, thường cứ quần xà lỏn, áo may ô, mát mẻ thoải mái. Muốn ngồi muốn nằm ở tư thế nào cũng được. Muốn tắm hay muốn ở dơ tùy thích… Chiều, sau khi ở sân tennis về, ông cùng mấy người bạn ngồi khề khà vài lon bia, nói chuyện tào lao chơi. Tối, ăn cơm xong, ông nằm khềnh ra tấm nệm trải trên sàn nhà, dang rộng tứ chi hết cỡ cho đỡ mỏi. Rồi mở TV xem. Dễ chịu khoan khoái không thể tả hết!

Nhưng nếu ở với bà, ông có còn được tự do như vậy nữa không? Ồ! Bao nhiêu là thói quen sống của ông, những thói quen dễ chịu. Những thói quen như những nếp li trên quần áo đã chết cứng theo thời gian, khó lòng ủi thẳng ra được. Ông e ngại, nếu sống với bà, liệu bà có chấp nhận? Hay cuộc sống của ông sẽ bị đảo lộn? Hay suốt ngày ông lại phải chịu đựng những tiếng kèo nhèo kẻo nhẻo, than thân trách phận, day dứt rỉa rói ông thế nầy, ông thế nọ? Mấy ngày ở cùng bà, lúc nào ông cũng phải để ý đến bản thân mình từng li từng tí, nào phải dậy sớm, nào phải giữ mình sạch sẽ thơm tho… Nhiều cái “ phải” lắm. Hưng phấn thì cũng có đấy vì tất cả đều lạ lẫm, đều gây ấn tượng thú vị, nhưng cứ “phải” như vậy suốt cả phần đời còn lại thì mệt thật chứ chẳng chơi!

Rồi trong mọi sinh hoạt , ông luôn phải chiều chuộng bà. Những ngày ông bà bên nhau vừa qua là những ngày mới mẻ sau bao nhiêu năm xa cách. Là người tình của nhau. Là khách của nhau. Thêm nữa, ông đã cố gắng đối đãi với bà theo cách bà là một phụ nữ ở Mỹ, một đất nước “ lady first”- mọi ưu tiên dành cho phụ nữ . Nhưng nếu cứ phải như vậy thì coi bộ gay go quá! Rồi họ sẽ phải trở về cuộc sống đời thường với bao điều vụn vặt! Là vợ chồng, họ sẽ có những va chạm, trách móc , giận hờn … Mà đó là điều ông không hề muốn. Ông thích hình ảnh mình mãi đẹp trong mắt bà, mãi là một “ gentleman” thực sự. Muốn vậy, họ không nên sống với nhau khi cả hai đã cùng có tuổi. Sức khỏe không còn đủ để họ luôn cố gắng làm đẹp lòng nhau. Ừ phải, muốn làm đẹp lòng nhau cũng cần khỏe mạnh. Vậy thì ông tìm cách chung sống với bà để làm gì ? Còn nữa, phụ nữ thường hay đau yếu quặt quẹo lúc về già. Ôi, nghĩ tới đây ông thở ra ngao ngán đồng thời cũng tự vấn lương tâm mình. Nhưng biết làm sao bây giờ? Đồng ý là bà có thừa tiền để mướn người chăm sóc. Đồng ý là ông thừa của, thừa lòng để không tiếc gì với bà nhưng nghĩ tới nghĩ lui ông thấy nhọc nhằn quá ! Liệu ông đủ sức để kham?

Phần ông, sống một mình thật đơn giản. Đau ốm ư? Hai đứa con ông đều ngoan, đều hiếu thảo. Trong khi đó, các bệnh viện cao cấp cứ mọc lên như nấm, muốn được chăm sóc cỡ nào cũng có. Sợ gì!

Và chắc chắn không ít người sẽ xì xầm, già rồi mà còn bày đặt te rẹt! Hoặc tệ hại hơn nữa là họ lầm tưởng ông lấy bà vì bà là một Việt kiều khá giả. Làm sao họ tin được ông và bà, chưa chắc ai giàu hơn ai? Ái chà, đủ thứ chuyện! Càng nghĩ càng rối tung lên mà ông thì mệt mỏi biếng nhác lắm rồi. Giờ đây ông chỉ còn muốn nâng niu chắt chiu tình yêu của ông và bà. Để lấy đó làm niềm vui sống.

Thế là, ông quyết định phải phone gấp cho bà, sẽ viện một cớ gì đó để không xúc phạm và đau lòng bà, có lẽ chuyện sức khỏe của ông là ổn nhất …Ông cân nhắc, xác định kỹ càng độ nông sâu tình cảm của ông dành cho bà, đau đớn thở dài, đành vậy thôi em ơi , chúng ta cũng chẳng còn sống được bao lâu nữa. Thôi thì hãy yên phận cho khỏe cái thân già.

Nhưng ông chưa kịp gọi cho bà thì bà đã gọi về. Giọng bà nhỏng nhẽo trẻ con, chứa chan niềm vui sướng:“À lố ! Anh yêu, anh khỏe không? ”. “ A lô !Anh tạm được, còn em ?”

Khỉ thiệt , đường dây điện thoại bữa nay sao kì cục quá! Mỗi câu nói của ông ngay sau đó liền được vọng lại, y như tiếng vọng trong hang đá. Tiếng của bà thì có lúc trở nên léo nhéo. Ông cứ phải kêu lên: “ Em nhắc lại coi, anh nghe không rõ!” Rồi ông phải căng tai, đoán tới đoán lui mới hiểu được ý bà. Thiệt khổ hết chỗ nói! Bà cũng than giọng ông nhỏ. Thế là hai ông bà cứ phải vừa hét to, vừa a lô , à lố, á lồ liên tục. “ À lố, sao lại tạm được? Anh phải khỏe kia, nếu không em bắt đền đó. Em ấy à, good lắm! Thử gởi cho em một chiếc que tăm và một viên cuội nhỏ , em sẽ bẫy trái đất lật ngược lại , tụi mình đứng bên nhau cho xem. .. À lố , con trai em OK chuyện tụi mình rồi , nó nói rất dễ thương, rằng hễ mẹ hạnh phúc là con vui… ”.

Ông thở khó nhọc “ Alô ! Cẩm Tú Cầu em ơi! Khoan đã, nghe anh nói nè…Alô…Alô… Anh đã suy nghĩ lại, anh thấy…” Ông vừa truyền đạt được nội dung cần thiết thì đường dây lại trục trặc, dù vậy ông cũng kịp nghe bà sụt sịt, giọng nghẹn ngào. Ông hoảng hốt, cố gắng giải thích rõ hơn, nhưng cái đường dây điện thoại chết tiệt kia hình như không chuyển tải được. Ông cứ phải gào to lên. Mãi lát sau ông mới biết bà đã gác máy tự lúc nào.

Nhìn trân trân cái điện thoại, ông chờ đợi phép lạ nhưng phép lạ không đến. Rồi ông bấm máy gọi điên cuồng. Trả lời ông là tiếng tít tít ngắn liên tục chết tiệt! Ông bắt đầu lo lắng , lòng thắt lại vì lo âu sợ hãi? Bà đang khóc, hẳn thế . Ông tin rằng với chừng tuổi nầy đương nhiên bà sẽ không nông nổi làm điều dại dột. Nhưng bà sẽ đau buồn rồi sinh bịnh. Ông xốn xang thương bà, tự ghét mình, tự đấm ngực mình, ân hận, tuyệt vọng. Ông vừa chà đạp lên niềm kiêu hãnh sâu xa của người đàn bà. Ông đã làm trái tim người yêu thương ông và ông yêu thương bị tổn thương nặng nề. Giọng bà văng vẳng bên tai ông: “Em ấy à, good lắm! Thử gởi cho em một chiếc que tăm và một viên cuội nhỏ , em sẽ bẫy trái đất lật ngược lại , tụi mình đứng bên nhau cho xem. ..” Trời ơi!...

Chút hi vọng chợt le lói trong ông. Có thể bà bỏ qua cho ông ? Ông sẽ viết thư cho bà, rằng sở dĩ ông làm vậy vì không muốn bà phải hi sinh cho ông nhiều quá. Rằng thực ra ông rất yêu bà, luôn muốn sống với bà. Rằng bà là vật báu của ông. Rằng ông luôn mong mỏi sẽ được sống mãi bên bà trọn kiếp. Rất có khả năng bà đồng ý tha thứ cho ông, vì bà vốn là người hiền lành nhu mì, lại thương yêu ông hết mực. Nghĩ là làm ngay. Ông hăm hở chạy đi lấy giấy bút .

Sau vài tiếng đồng hồ ngồi cắm cúi viết, ông đứng dậy đi tới đi lui. Tờ giấy chi chít những dòng chữ bị gạch xóa đến tội tình.

Không! Ông vẫn còn chừa lại hai chữ “ thói quen”. Hai chữ nầy thực ra cũng đã bị bôi đi bôi lại nhiều lần nhưng cuối cùng ông lại viết chồng lên, nắn nót, tô đậm lên, to và rõ. Rồi khoanh tròn nó lại. Mệt mỏi, ông ngồi phịch xuống sàn nhà, hai tay ôm đầu rên rỉ. Lại nghe giọng bà văng vẳng bên tai: “Em ấy à, good lắm! Thử gởi cho em một chiếc que tăm và một viên cuội nhỏ , em sẽ bẫy trái đất lật ngược lại , tụi mình đứng bên nhau cho xem. ..”

Xấu hổ khi thấy rõ bản thân mình, khi nghĩ tới tấm chân tình của bà, ông muốn gào to lên cho trút hết nỗi niềm.

Trời ơi đất hỡi, ông không thể phủ nhận điều sâu kín từ trái tim ông, rằng ông yêu bà, yêu bà tha thiết. Cả đời ông chỉ có yêu bà thôi mà! Cẩm Tú Cầu ơi, anh yêu em vô cùng. Em có biết không em?




VVM.15.3.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .