Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      



CĂN NHÀ




Nguyên tác của Ales Rybak (Nga)

     Vài Hàng Về Tác Giả:
       Nhà văn Ales Rybak sinh ra tại một làng thuộc huyện Makavchitsky thuộc Minsk. Ông tốt nghiệp Đại Học Belarus. Truyện của ông được in lần đầu tiên vào năm 1952. Ông là tác giả nhiều tuyển tập truyện ngắn, truyện dài được lưu hành rộng rãi tại Nga. Hiện nay ông cư ngụ tại Minsk.

♣♣♣

T rước ngày cô và Lesik bị bắt, Olga có một linh cảm là việc gì xấu sẽ xẩy ra. Vào lúc nửa đêm hôm đó trong khi những ngọn gió gầm thét quanh bốn bức tường, những bông tuyết to bằng nắm tay đập ầm ầm vào tấm kính cửa sổ và tiếng chó sói tru từ khu rừng nghe như ở sát bên cạnh nhà thì Ivan trở về cùng với ba người đồng đội.

Đã không gặp mặt chồng cả tháng, nàng hớn hở đi vào bếp tìm xem có gì mang ra cho bốn người ăn, nhưng Ivan lại nói họ đang bận với việc khác quan trọng hơn và hứa là sẽ trở lại trong một hay hai ngày nữa. Trong nhà đã hết bánh mì từ hai hôm rồi, bốn người vội vã ăn thịt nguội với khoai tây rồi rút thuốc lá ra hút, Ivan cởi đôi giầy đã rách đế và sũng nước ra, thay bằng đôi giầy đã cũ nhưng còn lành lặn và ấm áp rồi đi vào căn phòng nơi Lesik đang nằm ngủ trong chiếc nôi để gần lò sưởi. Anh ta cúi xuống hôn nhẹ thằng bé rồi đứng im nhìn nó, tay ôm choàng lấy vai Olga khi cô cũng im lặng đứng bên cạnh chồng.

Olga muốn theo chân họ nhưng Ivan chỉ cho phép cô không được đi quá chiếc sân trước nhà. Tuyết dồn thành từng đống cao hơn hàng rào và ngập cao tới đầu gối trên con đường nhỏ mặc dù ban chiều đã được cào đi hết. Không có dấu hiệu nào cho thấy là cường độ cơn bão tuyết giảm đi cả. Olga nhìn theo bóng Ivan đang biến mất dần trong bóng đêm mịt mù dầy đặc và lạnh cóng.

Buổi trưa hôm sau, bà Adolya, chủ nông trại bên cạnh chạy sang thầm thì với cô là đêm qua chiếc xe lửa của quân đội Đức chở xe tăng cùng rất nhiều vũ khí bị nổ tung trên đường rầy gần nơi đây … Sau đó từ sáng sớm, rất nhiều lính Đức, cảnh sát và những tên tay sai địa phương đã đổ về làng bên là Chubovka. Không ai biết là chúng làm những gì ở làng này nhưng mọi người ở đây cần phải đề phòng. Bà ta thì thầm, than vãn một lúc rồi lúp xúp chạy về nhà. Olga ngồi thừ người bên cửa sổ, mặt tái mét, răng cắn chiếc môi đến rớm máu. Tin về chiếc xe lửa bị đánh mìn nổ tung là một tin vui, nhưng cô hiểu rõ ai là người chịu trách nhiệm về vụ này, cô phát bịnh khi hay tin quân Đức đang đổ quân tới làng Chubovka. Họ không thể dí mũi vào nơi mà toàn người dân vô tội cư ngụ để trả thù.

Suốt đêm hôm đó Olga không chợp mắt được phút nào, cô đứng hàng giờ bên cửa sổ trong bếp nhìn về hướng Chubovka, tai chăm chú lắng nghe những tiếng động từ đó vọng lại. Có lúc cô nghĩ là mình nghe thấy tiếng một chiếc xe, cô chạy vội về phòng thằng Lesik đang nằm trên nôi và sẵn sàng chống trả lại người nào đến gần đứa con. Tới gần sáng, cô mới nằm xuống giường và ngủ thiếp đi cho tới khi đứa con khóc vì đói. Sau khi cho con uống sữa và thay tã xong, cô đi vào nhà kho để lấy ít củi. Bận rộn với công việc, cô không nghe thấy hai người lính Đức và một người cảnh sát bước vào nhà. Một lúc sau, nghe tiếng thằng Lesik khóc, cô chạy vào. Người cảnh sát nói to ra lệnh cô mặc quần áo cho cả thằng bé rồi theo họ đi. Cô hét lên:

- Đây là nhà tôi, tôi không đi đâu cả.

Hắn rít lên:

- Hãy ngoan ngoãn nghe lời và im lặng, đừng có la lối om sòm.

Olga chỉ còn mơ hồ nhớ được là cô, thằng Lesik và một số người khác nữa bị tập trung tại một chỗ rồi được đẩy ra con đường đi tới Chubovka. Đầu óc cô bây giờ chỉ quanh quẩn nghĩ tới Ivan. Giờ này anh đang ở nơi đâu? Anh có bình yên không? Trong vùng ánh sáng mờ mờ, con đường như dài vô tận, tuyết cao tới tận đầu gối rất khó nhấc chân lên, người cảnh sát phải đẩy khiến cô ngã chúi xuống nhiều lần, may mà tuyết mềm và thằng Lesik không kêu khóc.

Tất cả được nhốt trong một căn nhà chứa cỏ khô nằm cách xa làng Chubovka 200 thước. Họ toàn là đàn bà, con nít, người già cả và đều là nông dân trong vùng. Căn nhà đổ nát xiêu vẹo, nóc chằng chịt lốm đốm như chiếc xàng mà những bông tuyết có thể chiu lọt qua được.

Những cơn gió lạnh tới tận xương xuyên qua kẽ hở của bốn bức tường làm tê cóng đám người cùng khổ bên trong. Vài người đàn bà lẩm bẩm cầu xin thượng đế đưa họ lên thiên đàng thay vì phải chịu đựng cực hình nơi trần gian như thế này.

Cũng chẳng bao lâu, họ lại được đẩy ra khỏi căn nhà để tới một nơi có nhiều lính Đức đồn trú. Cái lạnh làm họ tê cứng như không thể cất bước được nữa. Tất cả lại di chuyển, dẫn đầu là đoàn xe chở quân lính Đức, sau đó là toán cảnh sát đi bộ cùng với đám nông dân bị bắt. Sau khi đi qua cánh đồng là tới cánh rừng thông trẻ, ở đây những cơn gió ít khắc nghiệt hơn. Trong khi chân bước, đôi tay của Olga hầu như bị tê cóng. Ôm chặt thằng Lesik vào người, cô vén chiếc mền nhỏ đang quấn quanh người nó ra một chút để nhìn mặt. Cô thầm thì với đứa con, xin nó cố gắng chịu đựng thêm một chút nữa. Cũng chẳng biết là mình hy vọng cái gì, cô như đang trong một cơn mộng. Cho đến một lúc, một tiếng nổ chát chúa phía trước chừng vài trăm thước vang lên làm cô bừng tỉnh và ngửng đầu lên. Một sức mạnh khủng khiếp làm những tấm gỗ nặng nề của cây cầu tung lên cao và những chiếc xe chở quân lính Đức lăn xuống vực sâu.

Hầu như đồng thời với tiếng nổ, phía sau những bụi cây phía bên trái con đường có tiếng người hô lên: “Các bà kia, nằm xuống!”. Olga vội nhào xuống bên chiếc dốc, tay vẫn ôm chặt thằng Lesik. Tiếng súng liên thanh rền vang rung chuyển cả một góc trời.

Thoạt đầu, Olga vui mừng gặp lại Ivan. Sâu trong rừng khi niềm vui đã đẩy lùi nỗi sợ hãi, trước mặt một vài người chạy giặc họ hôn nhau và khóc vì mừng, Ivan đỡ cô ngồi xuống cạnh một gốc cây và choàng vào vai cô một chiếc áo da cừu, một tay anh ta ôm thằng Lesik, tay kia vuốt má cô. Khi những nỗi lo sợ và kinh hãi đã qua, mối lo cho sự an toàn của đứa con cũng vơi bớt, bây giờ họ sẽ tìm một nơi an toàn, ấm áp và con họ sẽ không còn nguy hiểm vì bên cạnh còn có cha mẹ nó. Bất chợt … Olga nhớ là nó không khóc từ lâu, cô nhào tới dằng nó ra khỏi tay Ivan. Người nó đã tím ngắt, hơi thở đã tắt từ lúc nào. Cô ôm chặt đứa con, gào lên như con vật trong cơn đau đớn tận cùng.

Sau hơn bốn tiếng đi bộ trong rừng, họ về tới căn cứ của quân kháng chiến. Nó được chôn tại một khoảng đất trống nhỏ trong rừng có những cây phong nhỏ mọc dầy, hai bên là hai cây sồi cao và đã già. Cô ngất xỉu nhiều lần khiến Ivan phải vất vả cứu tỉnh.

Những ngày sau đó, cô không ăn và cũng chẳng nói chuyện với ai mà chỉ nằm trong phòng, hai mắt nhìn lên trần nhà. Viên y sĩ có bộ râu rậm chỉ lắc đầu tỏ ra bất lực và chẳng có lời khuyên nào. Thân hình Olga suy xụp, da mặt vàng như bị bệnh sốt rét. Ivan ngồi bên ngày đêm, anh được vị chỉ huy cho phép nghỉ để săn sóc vợ.


Một năm sau, Olga quyết định trở về nhà của mình tuy buồn phải xa Ivan. Trong đêm cuối, Ivan phác hoạ đời sống của hai người sau khi đánh đuổi hoàn toàn quân Đức Quốc Xã ra khỏi đất nước. Anh cũng nói là hiện nay anh không thể rời khỏi đơn vị nhưng riêng cô thì có thể về nhà được, làng của cô đã được giải phóng và đã thoát khỏi nanh vuốt của quân phát xít rồi. Anh còn nói là nhà của cô vẫn còn nguyên vẹn, cô có thể về để trồng trọt lại và đợi ngày anh trở về. Anh cũng dặn dò con đường nào nên đi, con đường nào phải tránh.

Vào một buổi chiều trời đã gần tối khi gần về tới làng Chubovka, bầu không khí nóng và ẩm đang được thay thế dần với làn sương mỏng mà vào cuối tháng Ba ở vùng này thường thấy. Những cây thông, cây tùng như nở lớn ra vì không khí ẩm thấp quanh năm, chúng đứng thẳng, im lặng như suy nghĩ điều gì làm cô rùng mình sợ hãi. Phải rồi, đây là căn nhà kho mà năm trước cô và Lesik bị nhốt ở đây, giờ chỉ còn lại vài chiếc cột than bị đốt cháy dang dở. Đi xa hơn một chút, Olga như bị xỉu, hai chân cô đau buốt vì đã phải đi bộ suốt ba ngày qua, chỉ có ý chí khiến cô còn có thể đứng thẳng mà không ngã quỵ xuống bên đường.

Mặc dù trời đã tối nhưng cảnh tượng rờn rợn đang bày ra trước mắt, làng Chubovka này chẳng còn gì nữa mà chỉ còn lại vài cột ống khói khẳng khiu ẩn hiện trong bóng đêm. Những con mèo hoang lang thang kêu lên những tiếng ma quái. Còn người ta, bọn phát xít đã làm gì đám dân trong làng này? Chắc chắn là tất cả không thể chết hết được.

Cảm thấy như bị nghẹt thở, Olga hít một hơi dài. Cô cúi xuống vốc một nắm tuyết rồi chà lên mặt và cảm thấy hơi dễ chịu nhưng không thể bước xa hơn được. Tháo chiếc túi xách trên vai xuống, cô và Ivan đã dồn tất cả những gì hai người có vào trong đó: nửa ổ bánh mì, bốn củ khoai tây luộc, hai bánh xà bông và một hộp diêm. Cô ngồi bệt xuống đường, dù rằng chiếc túi vải không nặng nhưng cũng làm vai cô đau vì phải mang nó suốt ba ngày đường.

Bây giờ phải đi đâu đây? Nếu ngôi làng Chubovka này bị phá hủy hoàn toàn thì ngôi làng nhỏ của cô gần đây cũng chẳng còn dấu vết nào nữa. Olga mệt mỏi đứng lên rồi đeo chiếc túi lên vai. Cô không muốn băng qua làng Chubovka nữa mà quyết định bước thẳng về phía làng mình. Trời đã tối hẳn nhưng bước chân của cô thoăn thoắt mà không sợ lạc lối. Từ đây nhắm mắt lại cũng về tới nhà được, cô đã quen thuộc từng ngọn đồi nhỏ, từng cái hố, từng bụi cây dù cho chúng bị sương mù bao phủ một lớp dầy.

Thình lình cô ngửi thấy mùi khói, tim cô như dừng lại vì nỗi vui, mối hy vọng bất chợt ào tới. Phía đằng xa là nhà của Tomash lờ mờ ẩn hiện trong đám sương dầy đặc, tuy vậy cô vẫn nhìn thấy một cột khói trắng toả ra từ chiếc ống khói. Chắc hẳn giờ này bà Adolya đang chuẩn bị bữa ăn tối cho ông chồng một chân Tomash đây. Còn riêng tại căn nhà của cô ở phía đằng kia thì sao đây? Việc gì xẩy ra vậy? Tại sao có một tia sáng yếu ớt phát ra từ nhà bếp, xuyên qua màn sương được? Có người nào khác đang ở trong căn nhà của cô hay sao? Cô nghĩ tốt nhất là hỏi Adolya trước khi về nhà.


Adolya đang hối hả trong bếp, bà ta đang cắm cúi với xoong chảo mà không để ý tới Olga khi cô đẩy cửa bước vào nhà, cô lên tiếng:

- Gớm, làm gì mà lui cui suốt buổi vậy? Mà bếp lại không còn củi nữa, có cần tôi mang vào cho không?

Cô ho mạnh làm Adolya giật mình đứng thẳng lên:

- Olga! Trời ơi! Cô còn sống đấy à? Có phải là tôi đang nằm mơ không đây?

Bà ôm chầm Olga, đôi mắt ướt sũng ấn vào má cô.

- Tưởng là chẳng bao giờ gặp lại cô nữa chứ … Tôi nghe tin cô được các kháng chiến quân cứu nhưng lại bặt tin từ dạo đó tới giờ.

Hai người ngồi xuống ghế và bắt đầu khóc. Olga kể lại chuyện của mình và thằng Lesik trong khi bà ta lấy chiếc khăn chấm nước mắt liên tục.

- Còn tại Chubovka thì sao? Có ai bị giết không?

Nghe Olga hỏi, người của Adolya chợt lạnh toát, mặt trắng bệch, hai tay run rẩy mà chẳng nói gì. Olga phải to giọng:

- Bà làm sao vậy? Nói cho tôi nghe đi.

- Thì cô đã đi qua và nhìn thấy những gì xẩy ra rồi đó … Mà cũng chẳng lâu lắc gì … Chỉ vào khoảng hai tháng trước … Họ mặc toàn đồ đen … phải … như đàn quạ đen, họ ào tới làng Chubovka … họ bắt nhốt mọi người vào trong nhà chứa cỏ đầu làng, từ trẻ tới già chẳng kể một ai rồi châm lửa đốt. – Adolya ngưng nói, thổn thức khóc một lúc. - Phải, họ thiêu sống mọi người bất kể già trẻ để trả thù cho việc dân làng đã giúp kháng chiến quân, không cộng tác với chính quyền mới do quân Đức dựng nên cũng như làng này có một số thanh niên trốn vào rừng chống lại họ.

Thân hình Olga tê cứng khi nghe Adolya thuật lại, nỗi sợ hãi quá ghê gớm khiến hai mắt cô lạc hẳn làm Adolya sợ, bà ta đứng lên, vỗ hai tay vào nhau:

- Nhìn đây, Olga. Tôi cũng chưa kịp chào đón cô trở về … Nào, cởi chiếc áo khoác ngoài ra rồi vào đây ngồi cho ấm … Tomash cũng sắp trở về, mình sẽ có một buổi tối vui … Bánh nướng trong lò cũng gần được rồi …

Olga đứng dậy:

- Tôi phải đi.

Nghe giọng nói, Adolya đoán là cô ta nôn nóng muốn biết ai đang ở trong căn nhà của cô. Hắng giọng, lấy lại bình tĩnh bà ta thuật lại cho Olga nghe trong tiếng nấc:

- Nhà của cô hiện giờ do vợ một tên mật vụ đang ở. Họ không phải là người trong vùng của mình mà trên đường chạy thoát thân cùng với bọn lính Đức. Khi họ tới đây, tôi nói nhà đó là của cô và cô sẽ về sớm thôi. Tên mật vụ đó như muốn giết tôi khi nghe tôi nói vậy. Ngay khi bỏ chạy với bọn lính Đức, hắn cứ dơ khẩu súng lên doạ bắn tôi nữa. Nhưng tôi thấy hắn sợ hãi, áp lực của quân mình làm bọn chúng sợ và chẳng có lúc nào được bình yên cả. Còn cô vợ của hắn lại mang bầu và cũng gần tới ngày sinh rồi. Lúc đó cô ta ngã bệnh và hắn phải để lại cô vợ ở đây cùng với thằng con trai.

Olga vùng vẫy:

- Trong nhà tôi? Vợ của tên mật vụ?

Cô cũng không còn nhớ lúc nào đã quơ vội chiếc túi xách và rời khỏi nhà của Adolya nữa. Cô cũng quên là hai chân đã mệt mỏi và đau nhức mà bước như chạy về sân trước nhà khi đó tuyết đã rơi đầy tới đầu gối. Bây giờ trong đầu cô chỉ có một ý nghĩ độc nhất: Vào được trong nhà và ném tất cả đồ đạc của người khách không được mời kia ra khỏi nhà. Đuổi người đàn bà về lại nơi thuộc về cô ta hay chạy theo người chồng mật vụ đang đào tẩu cũng được.

Chiếc cửa được khóa kỹ, Olga bắt đầu đập mạnh vào cánh cửa. Một phút sau, cô nghe tiếng kêu kẽo kẹt quen thuộc của miếng ván lót sàn trong nhà bếp rồi tiếng nói yếu ớt đầy lo sợ của một người đàn bà:

- Ai vậy?

Olga không còn nhẫn nại, cô đạp cánh cửa, miệng la lớn:

- Mở cửa mau lên.

Một phút im lặng đầy sợ hãi bao trùm khoảng không gian đầy thù nghịch, rồi tiếng chân lê về phía cửa:

- Đợi một chút. Ồ, mà đâu rồi.

Đứng sát bên cánh cửa, Olga có thể nghe thấy người nào đó đang lần mò tìm chiếc chốt cửa trong bóng tối. Đã chiếm nhà người ta mà giờ này không kiếm ra chiếc chốt cửa hay sao đây?

Cuối cùng có tiếng chốt cửa bằng sắt rít lên. Olga đợi rồi đẩy mạnh, cánh cửa mở rộng và cô bước vào trong bếp cùng một lượt với người đàn bà kia. Dưới ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn dầu để trên bàn, lòng hận thù của cô như bốc hơi: Trong vùng ánh sáng mờ ảo, một người thiếu phụ nhỏ nhắn, mặt tái xanh đượm những nét lo sợ. Cô ta đứng dựa vào tường, hai tay đưa ra phía trước như che chiếc bụng to vượt mặt, bên cạnh là một thằng bé con khoảng năm sáu tuổi, tóc nâu, chân đất, nắm quần mẹ và thút thít khóc.

Không nói một lời, Olga đặt chiếc túi xách lên ghế, cởi chiếc áo khoác ngoài ra rồi treo lên chiếc đinh đóng ở cánh cửa. Cô nhìn quanh như thể kiểm soát xem mọi vật có còn như một năm trước kia khi cô bị bắt đi hay không nhưng trời tối nên không thể coi lại kỹ được. Như cần một chút khí trời, cô bước ra sân sau khi khép cánh cửa lại. Cô phải nói lời nào chứ, phải nói thẳng vào mặt người đàn bà kia. Nhưng lạ lùng làm sao, những lời nói cay độc kia bị đóng băng trước khi thoát ra khỏi miệng. Cô nhìn thiếu phụ và thằng bé một lần nữa, mặt cô ta vẫn trắng bệch nhưng lại có nhiều nét đau đớn. Cô biết là chiếc dây thừng đã xiết chặt rồi. Không muốn im lặng hay nói nhẹ với kẻ đã chiếm nhà của cô nữa, cô cau mày, rít lên như tiếng con rắn:

- Vậy thì … bây giờ cô tính sao đây?

- Xin cho tôi ít phút … chúng tôi sẽ rời khỏi nới đây ngay.

Nói xong, thiếu phụ chạy vào buồng bên trong, lấy quần áo của mình và đứa con cùng một ít vật dụng khác rồi ném ra giữa bếp. Cô lấy một chiếc khăn trải giường ra và cúi xuống định dồn mọi thứ lại rồi túm ở bốn đầu lại thành một chiếc bọc, nhưng bất chợt cô ta kêu thét lên một tiếng đau đớn rồi gục xuống.

Olga hoảng sợ. Rõ ràng thiếu phụ kia cắn môi đến chẩy máu, hơi thở khó khăn, vặn vẹo, ôm bụng chứng tỏ cô ta đang đau đớn và có thể sinh bất cứ lúc nào. Đây là một người cần giúp đỡ, nhất là lại là một người đàn bà, ngoài ra thằng bé con bắt đầu khóc, nó ôm lấy mẹ nó mếu máo:

- Mẹ ơi … mẹ ơi … đứng lên đi … mẹ ơi.

Một tay Olga nắm lấy tay nó, tay kia xoa lên mái tóc nâu và cổ như bị nghẹn. Tại sao lại có tình trạng oái oăm xẩy ra như thế này được. Cô để thằng bé ngồi trên chiếc ghế kê trong một góc phòng, dặn nó ngồi im không được khóc, vặn cho ngọn đèn sáng thêm rồi cúi xuống quan sát thiếu phụ. Rõ ràng là tình trạng của cô ta ngày một tệ. Cuộn chiếc áo rồi kê đầu cô ta lên, Olga nghĩ là phải chạy sang nhà Adolya để nhờ bà ấy giúp.

May là Adolya chưa đi ngủ. Bà ta và ông chồng đang ăn tối. Nhìn thấy Olga ở ngoài cửa, bà ta chạy ra quên cả khoác chiếc áo ấm:

- Việc gì xẩy ra vậy?

Olga lắp bắp:

- Người ở trong nhà tôi … Cô ấy … nguy hiểm lắm.

- Chưa tới ngày mà. – Adolya đoán ra sự hốt hoảng của Olga rồi vội vàng trút vội ít nước đã đun sôi trong ấm vào một chiếc bình và lấy một chiếc khăn sạch. Sau khi khoác lên chiếc áo ấm, bà ta cùng Olga vội vã bước ra cửa.

Cho tới nửa đêm, cả hai đều mệt mỏi và tuyệt vọng. Thiếu phụ vẫn xuất huyết sau khi sinh, Adolya phải chạy về nhà hai lần để lấy thêm nước sôi, còn Adolga ôm thằng bé mới sinh vào lòng. Nó sinh sớm cả hai tuần lễ. Còn thằng anh năm tuổi nhìn thấy mẹ nó nằm im thì khóc tỉ tê và lăn vào bên mẹ dù cho Olga cố dỗ nó đi ngủ.

Thiếu phụ bị xuất huyết ngày một nặng, luôn luôn trong tình trạng mê sảng. Rồi một lúc hơi tỉnh táo với đôi mắt nhoà lệ, cô ta xin Olga bế đứa bé lại gần. Sau khi thấy nó là một đứa con trai mạnh khỏe, với một giọng yếu ớt và như tội lỗi, cô ta thều thào:

- Thưa cô, đứa bé này không có tội gì phải không? Nó không phải gánh chịu những trừng phạt, phải không cô?

Nói xong, thiếu phụ nhắm mắt lại và bất tỉnh.


Olga bước ra khỏi giường với tay lấy chiếc hộp diêm để trên đầu tủ. Nhìn chiếc đồng hồ treo trên tường, giờ mới gần bốn giờ sáng. Cô bước lại gần chiếc nôi và chăm chú nhìn đứa bé. Nó đang ngủ, hơi thở thật nhẹ. Tối hôm trước cô không nghĩ là nó có thể sống được. Có thể là chỉ vài giờ chứ không thể qua được một ngày. Thân hình nhỏ xíu xanh mướt, cái mặt to bằng nắm tay nhăn nheo như vỏ củ khoai nướng. Không một dấu hiệu nào của sự sống. Tuy vậy, như có một điều gì đó mong manh nhưng bền bỉ từ tận cõi sâu thẳm trong tâm hồn đang cào cấu cô. Bản năng của một phụ nữ đang thúc đẩy cô. Mi đang làm gì đây? Kìa, một đứa trẻ đang tuyệt vọng, đang chiến đấu cho sự sống hiện đang ở trước mặt mi kìa. Tại sao lại không cứu vớt lấy một mầm sống kia chứ?

Cô nhai sơ một miếng bánh mì rồi lấy một mảnh vải sạch cuộn vào rồi thêm vào ít nước đường, sau đó cô để cái vú giả vào miệng đứa bé. Nhưng nó không bú. Olga bối rối, ngồi thừ ra một lúc rồi sực nhớ tới Adolya, có thể bà ấy biết phải làm sao bây giờ.

Adolya cũng chẳng biết gì hơn. Trước kia chỉ tới trạm xá ở Chubovka là xong, nhưng bây giờ làng ấy đã bị thiêu hủy hoàn toàn chẳng còn gì nữa. Sau một lúc suy nghĩ, Adolya đề nghị tắm cho nó bằng nước ấm, đun ít thảo mộc và cho nó uống bằng muỗng. Khi mọi việc đã xong, Adolya về nhà và Olga vui mừng khi thấy da dẻ đứa bé dần dần đã chuyển sang màu hồng. Trong khi ngủ, hai môi nhỏ xíu mấp máy như thể đòi ăn. Olga để chiếc vú giả vào miệng nó rồi vào bếp pha sữa. Nó không bú nhưng sau đó uống sữa bằng muỗng vì trong nhà không có bình. Có lẽ nước thảo mộc mà Adolya nấu đã giúp nó hồi sức lại.

Cô không vào phòng ngủ mà bước ra ngoài sân. Trần mây dầy thật thấp bao phủ bầu trời, mưa phùn xen lẫn với tuyết rơi lả tả. Xa xa về hướng đông, một vệt sáng thật nhỏ le lói trong màn tối đen như thể có ai dán một miếng giấy nhỏ sạch vào đó. Vệt sáng này mang lại một hy vọng, có lẽ mặt trời có thể xuất hiện và cuối cùng mùa xuân sẽ trở lại. Hiện giờ thì cô không còn sức lực để đợi cho thời tiết tốt nữa. Cô chỉ mong mùa xuân trở lại sớm với thời tiết ấm áp và trên hết dĩ nhiên là gặp lại Ivan. Hơn bao giờ hết, cô nhớ đến anh, ước ao sự hiện diện của anh trong căn nhà này, thèm sự săn sóc của anh, căn nhà cần hình ảnh người đàn ông, vườn tược hiện nay hầu như hoang phế và cô cũng chẳng biết phải khởi đầu xây dựng lại như thế nào nữa.

Đứng ở bên ngoài một lúc rồi trở vào trong nhà, với chiếc rìu đã rỉ sét, cô chẻ ít củi rồi bắt đầu nhóm lửa. Cô phải nấu nướng chút gì để ăn chứ bây giờ thì gần như đã kiệt sức. Sáng hôm qua Tomash đã đưa thằng bé lớn tới trung tâm nuôi trẻ mồ côi sau khi chôn cất cho thiếu phụ nọ bên cạnh rừng. Ráng xua đuổi những suy nghĩ và những mối lo sợ có việc gì xấu ra khỏi đầu nhưng như vô hiệu, cô đi lại quanh nhà như người mộng du, cuối cùng cô quyết định sang nhà Gorash để xin ít sữa cho đứa bé.


Trời đã tối. Mặt trời đã khuất hẳn phía bên kia cánh rừng nhưng bầu trời mang một màu đỏ bất thường như máu. Có phải làng nào đó đang bị đốt chăng? Ai đã đốt cả làng vậy? Mà có cả khói bốc lên nữa, từng vòng khói bốc lên trước mắt cô. Con đường trở về nhà bây giờ hơi khô, dễ đi hơn và ít bị trơn trượt. Đi theo một con dốc rồi trèo lên một ngọn đồi nhỏ, từ đây cô có thể nhìn thấy con đường quen thuộc dẫn về nhà giờ đã bắt đầu tối đen và đóng đá. Nhìn về nhà, một con ngựa gầy có yên cương được buộc vào hàng rào bên cạnh cổng. Ai tới nhà vào giờ này? Không kịp nghĩ thêm, cô bắt đầu cắm đầu chạy thật nhanh về nhà.

Một viên sĩ quan với nét mặt mệt mỏi vừa ra bước khỏi nhà khi Olga cũng vừa về tới cổng. Bộ quần áo của viên sĩ quan này còn mới, ngôi sao bóng loáng gắn trên hai cầu vai. Cô thầm nghĩ: “Thiếu tá đây”. Nhưng ông ta từ đâu tới và tới đây có việc gì? Không để cho cô thắc mắc thêm, viên sĩ quan tự giới thiệu:

- Tôi làm việc trong phòng tuyển mộ và quân số. Thưa có phải tên cô là Olga Lagatsky?

- Vâng. Thưa có chuyện gì vậy? – Cô thấy trái tim mình nhói đau và đập thình thịch, những nỗi lo sợ điều xấu sẽ xẩy đến từ mấy hôm nay bây giờ thành sự thực rồi chăng.

Sau khi vào trong nhà, cô nhìn chòng chọc vào miếng giấy mà viên sĩ quan trao cho, người cô mê muội đi, cô loáng thoáng nghe tiếng viên sĩ quan:

- Tôi xin lỗi là đã mang tin buồn đến cho cô. Nếu cô cần gì xin liên lạc với chúng tôi tại văn phòng theo địa chỉ này …

Viên thiếu tá bước ra ngoài, ông ta cố bước đi thật nhẹ. Cô đứng lặng người, mắt nhìn qua khung cửa sổ thấy ông ta cởi dây cương rồi cưỡi lên và cho con ngựa bước đi từ từ, sau cùng khuất hẳn sau những hàng cây bên đường.

Một tháng sau, khi đã tỉnh táo được phần nào và những dấu hiệu mùa xuân đang tới, Olga quyết định đi về làng Sadki. Cô quấn cho đứa bé tấm chăn nỉ rồi bồng nó trên tay. Cô chỉ gọi nó là “thằng bé con” vì chưa nghĩ tới việc đặt tên cho nó.


Văn phòng hành chính xã lúc này chỉ chiếm phân nửa căn nhà bỏ hoang của người nào đó và may mắn cho Olga là lúc đó còn mở cửa viên xã trưởng to béo đang ngồi đằng sau chiếc bàn rộng lớn, ông ta ra hiệu cho Olga ngồi xuống rồi hỏi:

- Cô cần gì?

Olga nhìn ông ta:

- Tôi muốn làm giấy khai sinh cho thằng bé con của tôi. Thời buổi chiến tranh, không biết lúc nào thuận tiện …

Nét mặt viên xã trưởng tươi tỉnh hẳn lên:

- Tưởng là chuyện gì, làm giấy khai sinh thì dễ mà. Cứ tưởng là cô tới khiếu nại việc gì chứ. Hằng ngày bao nhiêu người tới đây đòi hỏi đủ thứ chuyện, nhưng phải hiểu là tôi làm được việc gì cho họ chứ. Ở đây chẳng có gì, không có hạt giống, không phân bón, không bột mì, không gỗ, không đinh … chẳng có gì cả.

Olga nhìn thấy ba ngón của bàn tay phải ông ta bị cụt gần hết, tuy vậy ông ta vẫn cầm cây bút dễ dàng.

- Rồi, họ đứa bé là gì?

- Lagatsky.

- Tên gọi?

- Tôi không biết nữa, mà cũng chưa đặt tên cho nó.

- Đừng suy nghĩ cho mệt óc. Nào … gọi nó là Dmitri, Dima cho gọn. Tên này cũng hay lắm.

- Đúng rồi, Dmitri, Dima, hợp với nó lắm.

Bước ra khỏi văn phòng xã, Olga cảm thấy nhẹ nhõm. Cô ôm chặt thằng bé vào ngực. Bây giờ nó là đứa con riêng của cô rồi. Một thời gian sau đó, với sự giúp đỡ của phòng quân số và nhất là sự tận tâm của viên thiếu tá trước kia đã đến nhà báo tin, Olga bỏ làng mình và tới cư ngụ tại một làng thật xa sinh sống. Ở nơi này, cô chẳng quen ai và cũng chẳng ai biết cô cả.-./.




VVM.08.03.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .