Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


tranh Đặng Văn Can

BÓNG CHIM TĂM CÁ

                         

C hiều trên bờ sông. Gió và nắng quái.

Con đò cố lách qua lũ lĩ lục bình rin rít, cố nhoi lên từng thước. Khói dầu máy phun mù mịt phía sau, khét lẹt. Hai Loan ngồi bên bao mì mót, lấm láp mủ, đất. Mái tóc rối bù, cần cổ vươn về cuối sông, sắp dài thành cổ cò. Vậy mà chiếc xuồng cũ của chồng không thấy xuất hiện. Chẳng nói bữa nay đem tiền về mua gạo, mua sữa cho thằng nhỏ mà. Đi cả tháng rồi còn gì. Thằng cu mới hai mươi tháng mà cũng biết nhớ ba, cứ thấy bóng chiếc xuồng nào chèo qua là giơ tay ngoắc ngoắc, miệng kêu “áu áu”. Mỗi khi ở nhà, chồng Loan hay giả bộ làm chó, giỡn với thằng nhỏ. Anh bò xuống, tiến rồi lùi, miệng kêu “gâu gâu”, làm thằng nhỏ thích chí cười sằng sặc. Giờ ba không có nhà, buồn một mình nó cũng bò dưới nền nhà, kêu “áu áu”.

Hai mươi ba tuổi có chồng, Hai Loan bị chê là “gái ế”. Là nói vậy chứ ở xóm bờ sông nầy, cũng có chị gần ba mươi mà chưa đám cưới. Nhưng họ lại đi làm nhà nước, ăn trắng mặc trơn, có chồng lúc nào chẳng được. Nhà Loan ba mất sớm, cô phải phụ má mần mướn nuôi bốn đứa em “trứng gà, trứng cút”, đến nỗi bỏ học ngang lớp năm. Người trai quê miền Trung vô đây lập nghiệp, đi làm mướn gặp nhau rồi nên vợ, nên chồng. Người nầy cái gì cũng vừa phải. Tầm vóc vừa phải không cao không lùn. Không đẹp không xấu. Thuốc lá cũng vừa phải, có cũng được, không có cũng được. Rượu nhậu vừa phải, chưa lần nào say “quắc cần câu” ói mửa tùm lum bắt vợ hầu hạ. Có cái không bao giờ nhúng tay vô là bài bạc, nhậu ôm, hát ôm…Vậy nên từ lúc có chồng, Hai Loan thường được ở nhà chăm con, lâu lâu mùa vụ mới đi làm mướn ít ngày. Và ở nhà hoài, thành ra ỷ lại chồng. giờ vắng chồng một tháng, ba má con ở nhà xấc bấc xang bang không có tiền xài. Hai Loan bắt con chị sáu tuổi coi thằng em, đi mót mì.

Chiều nào cô cũng dành chút thời gian ngồi bờ sông ngóng chồng. Thằng chả đi biệt mù khơi, không tin tức gì. Hai Loan ngẫm mới thấy mình ngu thiệt là ngu. Hồi đầu năm chồng kiếm dư mớ tiền, đòi mua điện thoại di động mà cô không chịu. Tiền sữa cho con còn thiếu, di động làm gì. Hai vợ chồng đêm nào cũng nằm ôm nhau tới sáng, mắc mớ chi phải điện thoại. Phải bây giờ có điện thoại di động, gọi là biết ba sắp nhỏ ở đâu, đỡ sốt ruột. Cô đem chuyện nầy than thở với lão ve chai bữa bán mớ bao xi măng. Lão già híp đôi mắt đuôi lươn cười gạ gẫm. “Đi chơi với anh, về tặng cho cái Nó-kìa liền”. Khổ vậy! Xa chồng lâu ngày, đám đàn ông cà chớn bu lại làm phiền. Mình lo ăn cho con muốn xỉu mà họ cứ tưởng rảnh rang thèm khát đàn ông hay sao đó. Mới trưa nay chớ đâu. Hai Loan nổi khùng hốt thằng nhỏ đi mót mì chung một cán cuốc. Mới mười sáu tuổi mà ba trợn, thấy không có người dám đeo theo rờ ngực chị. Ông hàng xóm mới chết vợ thì tối nào cũng kiếm cớ sang nhà Hai Loan xin lửa, xin nước tương. Có bữa ổng chạy qua xin nước tương tới ba lần. Hai Loan quạu, đưa cho nguyên chai. “Chú Ba mang về dùng luôn đi, mai tui mua chai khác. Giờ mắc tắm cho thằng nhỏ mà chạy qua chạy lại hỏi hoài”. Toàn thứ mắc dịch ở đâu không. Tưởng mật đường hay sao mà tính nhào vô chấm mút. Nói thiệt. Chồng tui cái gì cũng “vừa phải” thôi, nhưng còn ngon lành hơn các người nhiều. Ôi trời! Vậy mà đi gì đi ác ôn. Thằng chả có biết mình cũng nhớ chồng chớ bộ. Đêm nằm, gác chân qua bên rớt cái đụi, tủi thân muốn khóc. Thằng con thiếu sữa, cằn nhằn cả đêm, cắn nát bấy hai vú da bèo nhèo.

Một chiều nữa trên bờ sông. Gió thổi ào ạt. Cơn mưa đen sầm bờ bên kia.

Hai Loan nhớm xách bao đọt lục bình, tính về. Bỗng cuối khúc ngoặt con sông phía chùa Thiên Phong, bóng một chiếc xuồng loi nhoi ngược gió. Chiếc xuồng mờ ảo trong mây đen và gió thổi, mỏng manh giống chiếc xuồng của nhà cô. Trời phật ơi! Hổng lẽ chồng về?! Phải chồng không đây. Ông xã ơ..ơ…ơi! Chân nhón, tay ngoắc, miệng la, con mắt mở căng muốn rách. Chiếc xuồng như nghe tiếng kêu gọi, như nhìn thấy bàn tay ngoắc lia, nên ráng vươn tới. Lúc này gió thổi mạnh, lục bình dạt về bờ nam, chừa ra một khoảng trống mấy chục mét trên mặt sông. Ráng lên ông xã! Ráng lên mình ơi! Giọng Hai Loan lạc đi trong gió, đẫm nước mắt.

Chiếc xuồng dập dềnh, khó nhọc tiến vô bờ. Hai Loan đã nhìn thấy một người ngồi lái, ra sức chọc mái dầm lách qua lục bình đang ken dày trở lại. Người ngồi giữa, lọt thỏm, một cánh tay cuống cuồng móc xuống nước bơi phụ. Tròng trành. Nhấp nhô. Những cơn gió quái ác tung, giật. Chỉ còn cách bờ hơn mười mét, nhưng đám lục bình trở mặt, giăng giăng ngăn cản. Người ngồi giữa cúi khom lưng, ráng sức nắm từng cụm lục bình phăng tới. Hai Loan bỗng hét lên lo sợ. Lục bình như có bàn tay hà bá giúp sức, kéo nhào cánh tay đang níu lấy nó. Chới với. Sặc sụa. Hai bàn tay người dưới nước bám vội be xuồng. Chiếc xuồng nghiêng về một bên, nước tràn vô ào ào, rồi cả người ngồi lái cũng rớt xuống sông. Hai mạng người bám víu đáy xuồng trơn trượt. Hai Loan nhảy tũm xuống sông, tính sải tay bơi về chiếc xuồng lật mà không được. Lục bình ra sức cản lại. Hai Loan vuốt nước trên mặt, nhìn định hướng chỗ xuồng lật, rồi chúi xuống lặn một hơi. Nhô đầu lên, lục bình trĩu nặng trên đầu, trên vai. Hai người chấp chới kêu cứu kế bên chừng ba mét. Lại chúi xuống, lặn. Hai Loan hét lên: “Bám cho chắc be xuồng, đừng thả tay ra”. Rồi cô bám lấy mũi xuồng, hai chân ráng sức đạp nước. Thời gian như đứng im. Không biết bao lâu, ba con người vật lộn với sóng nước và đám lục bình độc ác. Hai Loan giờ mới phát hiện người bị chìm xuồng là hai đứa con gái. Thật hên cho cả ba người, có người chạy xe máy qua, nghe tiếng kêu thì chạy đi gọi người phụ đưa chiếc xuồng vô bờ.

Hai Loan mắc cảm, nằm sốt li bì. Hai gia đình có con bị nạn tìm đến cám ơn, cho quà. Hai Loan mở mắt đó mà chỉ nghe lơ mơ. “Nhà tui mang ơn cô Hai…con nhỏ có sao…nó đang học lớp chín…”. Hai Loan nghe loáng thoáng. Ngày thứ ba cô mới ngồi dậy được. Hai đứa con còn chưa về nhà. Mấy bữa nay chúng được ông hàng xóm hay xin nước tương nấu cơm cho ăn. Con chị còn biết đút cháo cho má. Chiều, nằm trên võng trước nhà nhìn ra bờ sông. Hai Loan vừa nhớ vừa giận chồng. Hổng lẽ nó bỏ mình chết. Con chị ẵm thằng em ở đâu chạy về, dắt theo một người đàn ông. Thằng nhỏ miệng la “áu áu”, tay chỉ vô người khách. “Phải chị là Hai Loan?”. Cậu thanh niên ngoài hai mươi tuổi rụt rè hỏi. “Dạ phải!’. “Tôi mang lá thư của anh Hai về cho chị. Chị tìm cách cứu ảnh về. ảnh nói thương chị và các cháu lắm mà …kẹt”. Hai Loan mở tờ giấy, coi qua rồi hét lên, khóc oà. Chồng ơi sao anh ngu dại quá vậy.

Theo lá thư, thì chồng Hai Loan sau đợt đi bán tro dừa có mua tấm vé số cầu hên. Ai dè hên thiệt, trúng giải an ủi một trăm triệu. Đã tính về liền cất lại cho vợ con cái nhà, mà mấy người cùng làm biểu: “Vậy là thần tài tới mầy rồi đó, đừng bỏ lỡ cơ hội. Giờ qua biên giới, vô casino gỡ lấy vài trăm triệu nữa rồi hãy về”. Tưởng ngon ăn, ai ngờ ngồi buổi sáng thì sạch trơn số tiền. Cay cú quá. Có những lúc trong tay có hai ba trăm triệu rồi, tính gỡ mớ nữa rồi thôi…Rồi tiếc của, quyết gỡ lại đủ vốn rồi về nên liều thế thân lấy ba chục triệu. Rồi…cả tháng nay bị giam giữ ở bển. Tụi bảo kê nói điện thoại về nước kêu người nhà đem tiền chuộc, nhưng làm gì có điện thoại. “Giờ bà xã tìm cách cứu anh. Nếu không tụi nó chặt tay anh gởi về đó”. Hai Loan ngất xỉu, không kịp kêu trời.

Làm phước gặp phước. Số tiền ba chục triệu với Hai Loan lớn như núi Bà, nằm mơ cũng không có. Vậy mà có quý nhơn phù trợ. Ông chủ trại tro dừa nói sẽ cho vợ chồng Hai Loan vay tiền. “Chú không sợ tụi bây giựt nợ, nhưng bây cứ làm giấy thế chấp nhà đất đưa cho thím để bả yên tâm. Còn thằng Hai chồng bây tao lạ gì. Nó siêng lắm, trả nợ mấy hồi. Kẹt quá về làm công trừ nợ cho chú mấy năm chớ gì?”. Thôi “cũng liều nhắm mắt, đưa chân”, trước mắt phải cứu chồng về đã rồi tính tiếp.

Ngày mai, Hai Loan lại phải gởi con cho ông Ba hàng xóm, theo người thanh niên kia qua biên giới. Anh ta nói, sáng đi sớm tối kịp về ngủ nhà. Cầu trời cho đêm qua mau.-./.




VVM.07.3.2024.NVA

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .