Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      

GIẤC MƠ

                  

C hị mới vừa đi chợ về tới đầu ngõ, nghe tiếng nói chuyện hình như nhà có khách. Thì ra anh hàng xóm sang chơi. Nhìn hai ông nói chuyện gì ra điều hăng say, thậm chí chị lên tiếng chào cũng không nghe.

Không biết hai người đàn ông đang tỉnh hay mơ, chị tò mò lắm. Bưng rổ rau ra ngồi gần ngạch cửa, vừa lặt, vừa lóng tai nghe chuyện đàn ông. Thì ra lại là chuyện “thường ngày ở huyện’’… hết ông A rồi đến ông B…

Chị là đàn bà, thân ở xó bếp nhưng hằng ngày đi chợ cũng nghe được lỏm bỏm chuyện này chuyện kia. Có một dạo biển miền Trung cá chết, dân miền Trung không đi biển được, thật tội nghiệp, cuộc sống của họ sẽ ra sao? Xót xa cho biển, cho hàng tấn cá chết phơi bụng, đồng nghĩa với sự khốn khó của dân. Ai biết số cá chết đó đi về đâu? Ngộ độc thực phẩm là vấn nạn ai cũng lo sợ.

Chuyện xả lũ làm thiệt hại mùa màng, nhà cửa dân, nhìn những hình ảnh thời sự trên ti vi, thật đau lòng. Người nông dân bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, vào mùa vụ họ phải dậy khi mặt trời chưa thức giấc và trở về nhà khi ánh sáng đã hòa vào đêm tối. Tất cả mọi chi tiêu trong nhà đều trong chờ vào mùa thu hoạch, vậy mà sự chờ đợi đó cuốn theo dòng nước, cuốn luôn mái nhà che mưa, che nắng. Thật tội nghiệp.

Hình ảnh trẻ em đi học ngang qua chiếc cầu tre lắt lẻo, không có được cây cầu chắc chắn bắc qua sông mùa nước nổi. Hình ảnh các em đến trường trong bộ đồng phục đầy sình thấm ướt, lạnh run, tai nạn luôn chực chờ, làm sao yên lòng đây!

Đàn bà thì không trăn trở sao?

Ngày bức bối suy nghĩ. Đêm nằm mơ: chị thấy mình là một nữ tướng, một mình một ngựa với bảo kiếm xông pha, thù trong giặc ngoài nghiêm trị.

- Đem chúng nó ra đây!

- Chém!

- Á!

Một tiếng la lớn làm chị giật mình, tỉnh giấc bật ngồi dậy.

- Chuyện gì?

Hớt hải nhìn quanh chị hỏi.

Thì ra tiếng la phát ra từ chồng chị nằm bên cạnh, anh cũng bật dậy.

- Bà làm gì vậy. Đánh tôi một cái đau thấy ông bà, ông vải luôn hà.

Tiếng chồng chị bực mình hỏi tiếp

- Hả, bà chém ai?

- Dạ không, em chỉ mơ. Đánh trúng mình hả?

Chị không nhịn được cười, thấy chồng dở giấc ngủ, đang cáu nên cố nén.

- Mình với đầu gì ở đây, bà xáng một cái, tôi tỉnh ngủ luôn rồi.

- Trúng đâu đưa em coi.

Chị còn chưa hoàn hồn, một tay ôm ngực, một tay xoa xoa bên má chồng bị đánh trúng.

- Bà bợ cái gì đó, bà làm như nó sắp rơi ra ngoài.

- Dạ đúng rồi, mình la làm tim em muốn rớt ra ngoài.

- Đàn bà lo chuyện bếp núc, con cái, lo ở đó mà hóng chuyện đàn ông rồi nằm mơ.

Chị nghĩ thầm mà tức trong bụng: “Lại đàn bà’’.

- Em xin lỗi, mình ngủ tiếp đi.

Nói rồi chị nằm xuống, quay lưng, trùm mền qua đầu cười một mình, bụng nghĩ: Phải mà chồng chị la chậm chút nữa đã chém được vài ba kẻ cướp.

Chị nén tiếng thở dài, cơn buồng ngủ không còn, đầu óc lan man với bao nhiêu suy nghĩ không cần phải ngủ mới mơ… Cuộc sống đời thường với ước mơ dung dị, bình yên. Quê chị ngày xưa yên ã biết mấy, những ruộng lúa xanh mút tầm mắt, có thể thấy con sông hiền hòa nghịch ngợm với lũ trẻ trâu trong làng mỗi khi chiều xuống. Hồi cái tuổi thanh xuân của chị, vào những đêm trăng thanh gió mát, nam nữ hẹn hò nhau tản bộ trên những con đường đất ngai ngái mùi cỏ dại quyện lẫn mùi rong rêu sông nước, bóng trăng tò mò dõi theo, vậy mà họ vẫn lén hôn nhau khi ngang qua cây đa rợp bóng đầu làng, con trăng chịu thua trốn trong mây hờn dỗi… Chị mơ màng, hình ảnh đó như mới hôm qua, bày ra trước mắt… Bây giờ “Đô thị hóa…” chị cảm giác như bức tranh không có gam màu chủ đạo… Một sự tùy tiện! Đúng, sai, phải, trái lẫn lộn… “Quay đầu là bờ”, câu này chị đã nghe người lớn nói từ hồi còn rất nhỏ. Con người ai cũng có lúc làm sai, mức độ nặng nhẹ tùy sự việc, nhưng biết quay đầu lại sửa vẫn không muộn. Sự việc dẫu có lớn cũng bớt đi tổn thất.

Quê hương như mẹ hiền. Đàn bà cũng lớn lên trên mảnh đất quê. Từ lũy tre làng, từ dòng suối ngọt chảy ra từ lòng đất, đàn bà cũng đau nỗi đau quê hương. Được sống trong lòng quê, như trẻ thơ ngủ ấm trong lòng mẹ hiền, làm sao không trăn trở.

Những người mẹ liệt sĩ, vì yêu quê hương, đã hy sinh chồng, con. Để rồi tuổi già cô quạnh trong căn nhà tình nghĩa mà giá trị duy nhất là những tấm bằng liệt sĩ treo trên vách tường lặng lẽ cùng nhang khói… Những khi đêm về, mẹ hiu hắt nhớ chồng, nhớ con. Nỗi nhớ ăn mòn, bóng dáng mẹ liêu xiêu như bụi chuối sau hè qua cơn giông bão.

Nếu ta làm nghèo quê hương, làm xấu đi hình ảnh văn hóa dân tộc, có công bằng với những người mẹ này không!?

Cái xấu giống như những vết loang, hãy làm trắng hơn phần còn lại đễ vết loang đó không nhân rộng ra. Hãy nhìn lại bản thân, hãy suy nghĩ tích cực, tự hoàn thiện chính mình, không ngừng học hỏi để vươn lên. Sự cố gắng như một sức đề kháng với những cái xấu chung quanh ta.

Đâu cần ông Bụt hiện ra giữa đời thường, trong mỗi người đều có một ông Bụt, hãy mở lòng ra và suy nghĩ đến mọi người chung quanh khi ta quyết định làm một điều gì đó… Ông Bụt là những bữa ăn của nhà giàu không phung phí, biết ý thức tiết kiệm để chia sớt cho những nơi còn đói nghèo. Ông Bụt là những vị bác sĩ có tâm với bệnh nhân v.v… Chúng ta hãy mở lòng để cảm nhận chung quanh và yêu thương. Không cần mơ cảnh thấy thiên đường.

Quê hương như người mẹ hiền luôn dang rộng vòng tay, sẽ tự hào cười rạng rỡ khi ta nên người, sống tốt và cũng đau khổ hết nước mắt khi bị dày vò bao lụy phiền, mẹ có bỏ con bao giờ. Hãy là niềm tự hào cho quê hương, cho đất mẹ.

Trời cuối năm se lạnh! Ngày Đông làm xao lòng những kẻ xa quê… Dù xa đến mấy quê hương vẫn là nỗi nhớ thiết tha, họ luôn đau đáu dõi về. Nhớ con đường đến lớp. Nhớ cô bạn học ngày xưa hai tà áo dài bị một cậu trai nghịch ngợm cột chung. Nhớ con sông miền Nam đầy tôm cá. Nhớ củ khoai nướng mùa mưa lũ miền Trung. Nhớ cái rét căm căm miền Bắc với mùa hoa sữa trắng… Những con đường họ qua vẫn mong đem lại thành quả đầu tiên, vinh dự đầu tiên cho quê hương mình. Mong quê hương được bình yên, được giàu mạnh…

Miên man với những suy nghĩ, tiếng bà hai Bưng làm chị giật mình, chạnh lòng cay đầu sóng mũi…

Từ đầu ngõ tiếng bà hai Bưng đã rổn rảng:

- ÚT ơi, có ông hai Bưng bên bây không?

Chị khẽ cười. Là vậy đó! Bà Hai Bưng lúc nào cũng nghe tiếng trước khi thấy người.

- Dạ có chị.

- Tới giờ cơm rồi còn chưa chịu về, sắp nhỏ đói bụng ngồi chờ ổng.

Bà Hai vừa đi, vừa đánh đàng xa ngoe ngoảy cái nón lá.

- Vô nhà uống nước đã chị.

Không đợi mời tới tiếng thứ hai, bà Hai Bưng đã sà xuống ngồi cạnh, miệng không ngớt, chuyện nọ, chuyện kia, lại bức xúc trong lòng. Bà Hai nổi tiếng tám chuyện nhất xóm, nhưng cũng có tình, nhà ai hữu sự bà đều xắn tay áo lên giúp. Nghe đâu có chuyện gì bà đi vô, đi ra nhấp nhổm không yên. Phải bây giờ mà có “Bà Trưng, Bà Triệu” chắc bà đã đầu quân…

Đàn bà là một nửa của thế gian… Trái tim đàn bà vẫn bơm máu lên não để đau nỗi đau chung. “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm.” Câu thành ngữ nói lên tầm quan trọng cũng như tâm huyết một người đàn bà luôn dặt trái tim mình trong ngôi nhà yêu thương. Ngôi nhà chung, ngôi nhà lớn đó là quê hương.

Tiếng ông Bưng nhà trên vọng xuống

- Đi về bà ơi!

- Lại nhiều chuyện gì đó?

Bà Hai Bưng đứng dậy.

- Về nghe Út.

- Dạ chị về.

Sực nhớ nồi cá kho trong bếp.

- Chết rồi! - Chị chạy vội vào, may mà chưa khét.

Nhớ đến giấc mơ hôm qua, chị tủm tỉm cười. Tiếng chồng chị vói theo…

- Má thằng Tý hôm nay sao vậy?

Ừ, chị là đàn bà, làm gì cũng phải lo cho cái bao tử chồng, con trước. Chồng thôi cái ngữ điệu: “Đàn bà” nhé! Tối nay em về mơ làm đàn ông bàn chuyện thế sự cho biết tay!!!-./.

Saigon – tháng 5/18



VVM.08.3.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .