Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


CHỊ THỦY



B ên kia sông là làng Yên Giang. Chị Thủy tôi lấy chồng ở đó. Chóng thật, vừa mới hôm nào đưa chị xuống thuyền để về nhà chồng, thế mà đã hơn hai mươi năm rồi. Hôm ấy, chả riêng gì chị tôi khóc mà các cô giáo – bạn đồng nghiệp của chị cũng khóc. Có lẽ, đó là những giọt nước mắt mừng cho hạnh phúc muộn màng của một người con gái đi làm dâu ở tuổi gần bốn mươi, nhưng không tránh khỏi những lo âu, buồn lòng khi chị trở thành mẹ hai đứa con riêng của chồng. Mười tám tuổi, chị tôi xung phong đi bộ đội. Hơn ba năm chị làm văn thư ở một Sư đoàn bộ binh, rồi chuyển sang thuyết minh phim của Sư đoàn, được đi phục vụ cho các đơn vị trong Quân khu. Vào dịp ấy, có lần chị biên thư về cho tôi còn căn dặn : “Nếu không có gì thay đổi, ít ngày nữa chị đưa người yêu về ra mắt gia đình. Có thể cuối năm chị tổ chức đám cưới Trọng à. Anh chị đã bàn với nhau rồi. Cưới xong, chị sẽ chuyển ngành về quê chồng và xin được chuyển công tác về Phòng văn hóa huyện…”. Tôi giấu kín chuyện này để đem đến niềm vui bất ngờ cho gia đình. Nhưng rồi chợt đợi mãi không thấy chị về. Hơn một năm sau, tôi mới lại nhận được thư của chị. Bức thư viết dài nhưng không vui. Đoạn cuối chị viết : “…Chị đã chuyển ngành, nhưng không về Phòng văn hóa huyện quê anh ấy như trước chị đã nói với em. Chị đang học năm thứ nhất ở trường ĐHSP Hà Nội. Vậy là chỉ còn mấy năm nữa thôi, chị được đứng trên bục giảng. Còn người ấy – người mà có lần trong thư chị đã nói chuyện với Trọng, bây giờ anh như cánh chim trong rừng đại ngàn. Cánh chim ấy chắc gì còn biết lối bay về. Chuyện dài lắm. Có dịp Trọng về thăm chị nhé”.

Nhận được thư, tôi mừng cho chị, từ một người lính nay chị đã là sinh viên của một trường sư phạm ở Hà Nội. Sau này, chị sẽ làm cô giáo như mong ước thời còn trẻ, nhưng còn chuyện riêng chắc có nhiều trắc trở. Tôi cứ dằn vặt tự hỏi: “Sao chị không đưa người yêu về nhà như đã hẹn, mà cũng không về Phòng văn hóa huyện như lời hẹn ước của hai người? Sao chị lại bảo người ấy như cánh chim trong rừng đại ngàn, chắc gì còn biết lối bay về?”.

Tôi sắp xếp thời gian để đến trường thăm chị, nhưng dịp ấy lại có lệnh đột xuất, tôi phải vào công tác ở phía Nam. Năm tôi chuyển ngành cũng là năm chị Thủy ra trường. Lẽ ra, chị được giữ lại giảng dạy ở trường, nhưng vì hoàn cảnh bố mẹ già, chị xin về dạy học ở quê nhà. Tôi mang theo biết bao tâm trạng vui buồn lẫn lộn về câu chuyện cuộc đời của chị. Một người cô gái đẹp như chị - một thời là hoa khôi của làng, một người đã qua thời áo lính, rồi lại qua thời sinh viên, vậy mà chị vẫn chưa có người yêu. Trong chị còn ngổn ngang những dự định chưa thành đan xen một mối tình éo le, bất hạnh.

Hôm đến thăm chị, tôi dè dặt hỏi:

-Chị Thủy còn nhớ bức thư mà chị viết cho em lâu lắm rồi không, bức thư mà chị nói, định về quê chồng công tác ở Phòng văn hóa huyện ấy?

Chị tôi vốn dịu dàng ít nói, lại hay đa sầu đa cảm, chị nhìn tôi như thầm trách: “ Em nhắc đến chuyện ấy làm gì?”. Thế rồi, chị hít một hơi thật sâu, nhìn về phía xa xăm, buông mấy tiếng lạnh lùng:

- Có. Nhưng thôi, đừng bắt chị kể lại nữa.

Nói vậy, nhưng chị vẫn buồn buồn nhớ lại:

- Năm đó, chị đã chuẩn bị một chuyến về quê với bao nhiêu hy vọng đong đầy hạnh phúc. Nhưng có phải cái gì ước muốn cũng được đâu. Sắp đến ngày hẹn về quê thì xảy ra chiến tranh phía Bắc. Hai đứa xa nhau từ đó. Anh lên giữ chốt ở vùng biên giới. Chị chờ đợi ở đơn vị, rồi lại đợi chờ ở trường đại học. Chị đã tìm đến đơn vị cũ và đến cả quê anh ấy. Mãi gần đây, nghe tin anh ấy hy sinh trong một lần đánh bọn giặc xâm chiếm ở vùng biên giới.

Tôi lảng sang chuyện khác:

- Ngày còn là sinh viên, nghe nói có thầy giáo yêu chị lắm phải không? Người ấy như thế nào? Sao chị cứ chối đây đẩy mãi ?

Chị Thủy cười chua xót. Chị nói mà nửa như tâm sự, nửa như mắng:

- Cậu ngốc lắm. Có lẽ cậu chưa yêu bao giờ đấy thôi. Không dễ gì quên nhau đâu. Mối tình đầu mà.

Nói đến đây giọng chị Thủy lạc hẳn đi, đôi mắt đỏ hoen, giọt nước mắt lăn tròn đều trên gò má gầy gầy xương xương của chị. Tôi cãi lại:

- Thế chị cứ trói buộc mối tình đầu đến bao giờ nữa! Chị không biết nó trôi dạt về tận đẩu tận đâu rồi à?

Chị không nói gì thêm, khẽ dụi ngón tay vào hai khóe mắt. Chị Thủy ra trường thoáng đã hơn mười năm. Ngần ấy năm, hầu như chị dành tất cả tình cảm thương yêu cho học sinh. Năm nào chị cũng có học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia. Và chỉ sau mấy năm dạy học, chị đã được đề bạt làm Hiệu phó của một trường phổ thông có uy tín của tỉnh. Một cô giáo hiền hậu, đẹp người, đẹp nết và giàu tình thương lại có năng lực như thế mà sao ông trời cứ bắt phải cam chịu một cuộc sống cô đơn, lẻ loi mãi như thế. Có lần tôi than trách chị:

- Phận đàn bà con gái có thì. Bây giờ ai đến chị cũng lẩn tránh, chị tự làm khổ mình đến bao giờ nữa?

Có bức thư tôi viết, cố tình để cho chị tức giận và cũng là để cho chị phá tan cái ám ảnh nặng nề về cảnh dì ghẻ con chồng: “ Ngày trước, chị trói buộc mãi với mối tình đầu nên tuổi xuân đã trôi đi dang dở. Đã trót lỡ làng rồi, chị lại cứ mặc cảm với cuộc sống dì ghẻ con chồng. Chị định ở vậy đến già à? Chị định để người đời gọi là bà cô mãi phải không? Nếu sau này chị gặp đứa con chồng như cô Tấm ngày xưa thì chị thương yêu nó hay vùi dập nó. Cô giáo gì mà cứ ác cảm với những chuyện cổ tích xa xưa ấy mãi…”.

Chả biết do bức thư ấy hay duyên số, năm sau, gần chạm tuổi bốn mươi, chị tôi đi lấy chồng. Vừa rồi đến thăm chị, tôi vừa đến cổng, thằng Sơn, con trai chị nhìn thấy tôi, nó reo lên:

- Bố mẹ ơi! Cậu Trọng đến kìa.

Thằng Sơn ôm chầm lấy tôi, giọng lém lỉnh:

- Mẹ cháu nhắc đến cậu luôn đấy. Sao cậu ít đến thăm mẹ con cháu thế?

Tôi nhìn chị, cười:

- Cậu muốn đến nhưng chỉ sợ mẹ cháu lại mắng: “ Cậu ngốc lắm”.

Giá ngày ấy cậu không ngốc thì bây giờ làm gì có thằng Sơn của cậu cao to, đẹp trai thế này. Chị đấm lưng tôi thùm thụp:

- Phải gió nhà cậu. Chỉ được cái nhớ dai.

Đúng là tình yêu không có tuổi, hạnh phúc không có giới hạn. Anh chị tôi dù là có con chung hay riêng, nhưng sống tình cảm, hạnh phúc lắm. Nhớ ngày chị Thủy sinh cu Sơn được ít ngày thì chị cũng được lên chức bà ngoại. Cái Thơm, con gái đầu lòng của chồng chị cũng đi lấy chồng ở làng bên, mẹ con, bà cháu quấn quýt nhau lắm. Có lần lâu rồi, tôi đến, cái Thơm nhanh nhảu khoe:

- Từ ngày mẹ Thủy về đây, chúng cháu đỡ khổ cậu ạ. Bây giờ có cháu ngoại, mẹ cháu lại vất vả thêm. Sáng lên lớp dạy học, chiều về thôi thì đủ việc, mẹ cháu lo toan hết. Hôm giỗ mẹ đẻ cháu, họ hàng ai cũng khen mẹ Thủy, người đâu mà nết na thế, đúng là cô giáo có khác. Bố cháu cũng bảo thế. Mỗi lần có giỗ, mẹ Thủy thắp hương lên bàn thờ, mẹ khấn gì nhiều lắm.

Tôi bâng quơ:

- Thế nhà mình có cô Tấm như trong chuyện cổ tích không?

Cái Thơm không hiểu ý tôi vô tư nói:

- Mẹ Thủy cháu còn hơn cả cô Tấm. Chỉ khác là mẹ cháu không từ quả thị đi ra thôi.

Tôi nhìn chị cười hóm hỉnh:

- Là cậu hỏi, các cháu có giống cô Tấm ngày xưa không? Ngày trước, đã có lần cậu bảo mẹ cháu: “ Nếu sau này chị gặp đứa con chồng như cô Tấm ngày xưa thì chị yêu thương nó hay vùi dập nó?”.

Chị lại đấm lưng tôi thùm thụp:

- Cậu chỉ khéo nhớ dai.

Trời đã về chiều. Tôi chuẩn bị ra về, thì thằng Đông, con riêng của chồng chị đưa cô gái ở cùng cơ quan về thăm nhà. Vừa đến sân, nó đã niềm nở:

- Mẹ ơi! Con dâu tương lai của nhà ta đây mẹ nhá.

Thế rồi, cả nhà ngồi quây quần vui vẻ. Cô gái tự giới thiệu về gia đình, quê hương. Thằng Đông ý tứ cầm tập ảnh giới thiệu từng người bên ngoại tương lai của nó. Tấm ảnh nào thằng Sơn cũng reo lên “ Đẹp quá mẹ ơi!”. Đến bức ảnh anh bộ đội chụp chung với một nữ quân nhân, cả hai còn rất trẻ, tình tứ và duyên dáng bên nhau thì chị tôi buông rơi bức ảnh ấy xuống bàn. Tôi thấy trán chị lấm tấm mồ hôi. Chị lẳng lặng đi ra, tôi lẻn theo để gặp chị. Thấy tôi, chị ngồi úp mặt vào hai bàn tay, đôi mắt hơi ướt. Chị lại dụi dụi ngón tay vào khóe mắt, nói trong ngỡ ngàng, xúc động:

- Cậu Trọng! Ảnh chị chụp chung với anh ấy đấy.

Tôi viết đến trang này, không biết bây giờ chị tôi vui hay buồn, giận hờn, hay mong đợi để đón nhận cuộc gặp gỡ sắp tới với người cũ, và cũng là người thông gia tương lai của gia đình chị. Chỉ biết rằng, theo lời hẹn, chưa đầy một tháng nữa thôi, anh chị tôi và người ấy gặp nhau để bàn chuyện hạnh phúc trăm năm của các cháu…”




VVM.06.3.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .