T ừ lâu, chùa X. vẫn phát cơm chay từ thiện mỗi trưa, nên có nhiều Phật tử đến làm công quả. Đa số là các bà lớn tuổi.
Bếp nhà chùa nấu cơm, chia sẵn vào từng hộp phát cho người nghèo đến nhận đem về chứ không tổ chức ăn tại chỗ. Cơm chay cũng đơn giản, không cầu kỳ, nên nhà bếp chỉ bận rộn tới khoảng hơn mười giờ sáng là hết việc.
Các bà ai về nhà nấy trong tâm trạng thơ thới hỉ hoan, sau khi góp chút công lao vào việc cứu vớt (bao tử) một bộ phận sinh linh sa bước khốn cùng.
Chỉ mình bà Bưởi ở cả ngày, chiều tối mới về.
Ngoài phụ bếp cơm từ thiện, bà Bưởi còn chủ động đảm đương nhiều việc khác trong chùa: thay hoa và đèn nến ở chánh điện; lau chùi, quét dọn trong ngoài; chăm sóc vườn rau, cây cảnh…
Thành thử các chú tiểu tự nhiên rảnh rỗi, nhàn nhã hơn.
Ngoài chú Huệ Minh lớn nhất, mười tám mười chín gì đấy, thì Huệ Lộc mười bốn còn Huệ Từ mới lên mười, đang tuổi ăn tuổi ngủ nên không được… siêng cho lắm. Giờ bỗng dưng có người tự nguyện đỡ tay bao nhiêu việc linh tinh, các chú mừng rơn, chẳng dại gì khách sáo, càng có thêm thời giờ chuyên tâm vào học hành.
Tuổi khác nhau, tính tình càng khác nhưng ba chú rất thương yêu nhau, có lẽ vì chung một hoàn cảnh xuất thân: trẻ mồ côi. Cửa Phật từ bi chẳng bao giờ từ chối một đứa bé cuống rốn chưa lìa, bị ai đó dấm dúi bỏ trước cổng chùa rộng mở.
Ngót ba mươi năm trụ trì chùa X, sư cụ đã ôm vào lòng rất nhiều đứa trẻ đáng thương như thế. Để rồi sau đó, số đông được các cặp vợ chồng hiếm muộn xin về làm con nuôi, số ít hơn ở lại chùa tu tập. Và trong số ở lại tu tập đó, sau này có ý nguyện hoàn tục về đời, sư trụ trì đều vui lòng chấp thuận, như đã vui lòng đón nhận chúng vào chùa nuôi dưỡng ngày nào.
Cả ba chú Huệ Minh, Huệ Lộc, Huệ Từ hiện nay không hề có ý nghĩ hoàn tục. Các chú rất quyến luyến sư cụ, tỏ ra yêu thích cuộc sống tu hành.
Sư cụ đặt nhiều tâm huyết lẫn kỳ vọng vào ba đệ tử trong veo như ba giọt nước giếng ấy.
Thông thường, một khi các bà vào chùa làm công quả, tựu chung chỉ với hai mục đích: tích đức hoặc đền tội (cho chính mình hay cho ai đó).
Bà Bưởi thì khác. Bà đi “làm công quả” vì… ghét con dâu! Nói chính xác: vì ghét con dâu quá nên bà tự ái, không muốn phải sống nhờ hột cơm của “vợ chồng chúng nó” nữa.
Con vợ quá tệ còn thằng chồng răm rắp nghe và bênh vợ chằm chặp, chẳng coi mẹ ra củ khoai gì!
Đứa con dâu sao mà lắm tội: tham lam, lười biếng, hoang phí, đua đòi ăn diện…. Nó nhiều tật xấu thế mà con trai bà si mê lắm, nằng nặc đòi mẹ rước về bằng được!
Vào chùa nghe sư cụ giảng kinh, bà Bưởi thấy chí lý quá: đâu phải chỉ khi xa lìa người mà ta thương yêu, ta mới đau khổ. Mà phải sống chung với kẻ ta ghét, ta cũng đau khổ chẳng kém!
Ngày nào cơn giận cũng âm ỉ trong lòng làm tim đau gan nóng khiến bà Bưởi ăn ngủ không yên.
Bất kể con dâu làm gì, bà cũng thấy chướng mắt. Nó mở miệng nói câu gì, cũng làm bà… lộn ruột. Nó ngậm miệng không nói câu gì, bà càng… lộn ruột hơn (“À, hóa ra nó khinh mình!”).
Thế có khổ thân già này không, hỡi trời cao đất dày?
Lắm phen, bà Bưởi chỉ muốn xách gói quần áo đùng đùng bỏ đi ngay cho khuất mắt: “Mặc kệ cha chúng bay! Để hàng xóm phỉ nhổ vào mặt, xem chúng bay có sợ mất vía, phải mau mau đi rước bà về không nào? Bỏ mẹ già lang thang khổ sở là đại bất hiếu, nhục lắm chứ chẳng chơi!”
Nhưng bà Bưởi biết đi đâu khi đầu đuôi chỉ có mỗi một mống con trai này thôi?
Bà còn người chị ruột thì người chị ấy đã già yếu hơn cả bà, cũng đang sống dựa vào đàn con, giống bà. Lấy lý do đến thăm chị ở chơi đôi ba ngày thì được, chứ ở lâu không ổn tí nào.
“Con mình đứt ruột đẻ ra còn bạc bẽo, huống gì cháu”, bà chép miệng nghĩ, mỗi khi từ nhà chị xách nón lủi thủi quay về.
Người ta bảo “cái khó ló cái khôn”, không sai. Sau một đêm thao thức thở dài sườn sượt, bà Bưởi chợt nảy ra một ý và hăm hở thực hiện ngay: xin vào chùa X. làm công quả. Chùa gần nhà, có tổ chức bếp cơm từ thiện, luôn cần nhiều người thiện nguyện như thế.
Con trai lẫn con dâu nghe bà tuyên bố, cùng im lặng. Không can gián cũng chẳng tỏ vẻ ngạc nhiên. Như thể chúng cho đấy là một sự đương nhiên mà lý ra bà phải làm từ lâu rồi kia!
Bà Bưởi càng tức điên, hậm hực quấn cái khăn vải lên đầu, chụp thêm vành nón lá bên ngoài, ngoay ngoảy bỏ đi, sau khi quẳng lại cái nguýt dài thậm thượt.
Ở trong chùa cả ngày, chiều đến bà Bưởi ra về, tay xách đong đưa bình nước trong vắt múc từ giếng chùa, như ngầm quát vào mặt con dâu:
-Từ nay tao không thèm ăn nửa hột cơm hay uống một ngụm nước nào của chúng bay đâu, nhé!
Sư cụ không biết, các chú tiểu ngây thơ không biết, các bà làm công quả chung với bà Bưởi cũng không biết mục đích thực sự của bà. Ai cũng đinh ninh bà làm công quả tạo phước thôi. Mà đã mang danh nghĩa “đi làm công quả”, dĩ nhiên bà phải bới việc ra mà làm, cho bận bịu luôn tay, chứ ăn rồi ngồi hóng gió thế nào được?
Vì vậy chỉ ít lâu, bà Bưởi đã… oải.
Việc nhà chùa như lá rụng, vừa quét xong đã lại rơi đầy, chẳng bao giờ ngớt. Tuổi già sức lực còn được bao nhiêu mà không thấm mệt? Đầu váng. Mắt hoa. Tay yếu. Chân chậm. Đêm trở mình, từng khớp xương rệu rã kêu lục cục như ai oán, rỉ rên.
Đôi lúc, bà Bưởi giận lây các chú tiểu vô tư sao không phát giác ra bà làm gì cũng lề mề, chậm chạp, để bảo bà rằng: “Bà lại cái võng kia nằm nghỉ đi, để việc này chúng con làm…” nhỉ?
Rồi bà lại giận quàng giận xiên sang các chị em khác: làm chung với nhau đã nhiều ngày mà chưa một ai quan tâm hỏi lý do vì sao bà vào chùa làm công quả. Nên bà chẳng có cơ hội để kể tội con dâu, nên những ấm ức tích tụ trong lòng chẳng có chỗ nào phát tiết.
Chắc họ nghĩ lý do của bà cũng y như họ, có gì mà phải hỏi!
Cơm chay ăn mãi đã ngán. Cái thanh tịnh vườn chùa không còn làm lòng bà yên ả, mà càng gợi lên nỗi hiu hắt, cô đơn.
“Về không được, ở chẳng xong”, bà càng trút oán giận vào con dâu. Cũng vì ghét nó, bà mới bỏ vào chùa để “tiến thoái lưỡng nan” thế này đây.
Đêm đêm, bà thầm van vái Bồ Tát hiển linh thúc đẩy vợ chồng chúng nó một lần (chỉ một lần thôi) bảo bà: “Thôi, từ mai mẹ đừng lên chùa nữa! Làm công quả bấy nhiêu ngày đủ phúc lớn đức dầy lắm rồi...”, để bà vờ vĩnh trưng ngay ra vẻ mặt đầy tiếc nuối, trước khi miễn cưỡng… nghe theo.
Nhưng hai đứa vẫn im thin thít.
Chúng nghĩ bà tích đức (hoặc đền tội… thay chúng) chưa đủ công lượng chăng?
Lần đầu tiên ghé vào chùa, cô gái trẻ ấy có hành tung khá lạ. Vội vàng, dớn dác trông ngược ngó xuôi như định tìm ai, lại như đang muốn giấu giếm một bí mật.
Nếu căn cứ vào bộ quần áo có phần nhàu nhĩ cô mặc, người ta sẽ nghĩ đây là một người nghèo đến chùa xin cơm từ thiện.
Nhưng cô không hề giống bất cứ ai khác: không hỏi cơm, không thắp nhang van vái trước bàn thờ Phật, không tìm góc vườn yên tĩnh để ôn thi hay đọc sách cũng không thong dong thưởng ngoạn cảnh chùa, nhất là chưa hề thấy đóng góp gì vào thùng công đức.
Cô đi loanh quanh, nơi nào cũng xộc vào, nghiêng nghiêng ngó ngó. Trừ khu nhà bếp nhộn nhịp ra, lúc này chùa rất tĩnh lặng và các chú tiểu đều đi học cả.
-Cô cần gì thế?
Bà Bưởi chặn cô lại, tò mò hỏi.
-Cháu muốn gặp riêng sư trụ trì.
- “Sư cụ vừa đi xong, chiều cô hãy đến…”, câu trả lời chưa kịp bật ra đã bị nuốt ngược trở vào.
Ấy là vì bà Bưởi phát hiện cô gái này có ánh mắt giống hệt mắt con dâu bà. Lúng liếng! Đong đưa!
Trước giờ, điểm khiến bà “dị ứng” nhất nơi con dâu chính ở cái lúng liếng này đây. Cho nên đã không chút thiện cảm, bà còn lập tức đánh giá tư cách cô gái này rất thấp. Thật buồn là trên đời vẫn có những người vô lý như thế: khi đã định kiến với kẻ nào thì cũng sẵn sàng định kiến lây sang ai “lỡ” mang dáng dấp tương tự kẻ ấy.
Nên chỉ lạnh lùng buông mấy tiếng “Sư cụ đi vắng!” là bà ngoe ngoảy bỏ đi, mặc kệ cô ta hai tay vo tròn chéo áo, tần ngần đứng ngóng vào chánh điện.
Hai ngày kế tiếp, cũng tầm chín giờ sáng, cô gái lại đến. Xui cho cô, tuần này sư cụ bận việc rời chùa từ sớm, cô đều về không.
Tín đồ muốn gặp riêng hòa thượng trụ trì là bình thường nên bà Bưởi chẳng quan tâm. Chỉ khi nghe Huệ Từ vô tư kể: cô gái còn hỏi về chú Huệ Minh nữa, thì bà mới giật mình, sinh nghi.
Là sao nhỉ? Cô ta cũng trạc tuổi chú Huệ Minh, liệu có khi nào…?
Cứ nhớ đến đôi mắt cô ta rập khuôn mắt con dâu, bà lại thấy… bất an. Thì con trai bà là gương nhãn tiền đấy: nó cứng cỏi, bậm trợn vậy mà còn bị cái lúng liếng kia quật đổ, huống chi chú Huệ Minh chơn chất, thật thà? Vài chị em vẫn rúc rích bông phèng vào tai nhau rằng: “Chú Huệ Minh điển trai, trắng trẻo, cao ráo thế kia, nếu không khoác áo nâu sòng nhất định sẽ rất… đào hoa!”
Càng nghĩ càng ngờ vực. Tích Quan Âm Thị Kính hiện ra mồn một lớp lang khiến bà Bưởi ngầm lo và sợ. Lo Thị Mầu thời @ tái hiện, sợ chú Huệ Minh trẻ người non dạ… vụng đường tu! May là trong cả hai buổi sáng, chú ấy có giờ học ở trường, không biết gì.
Bà Bưởi để ý kiểm soát chặt chẽ, đặc biệt khi chú Huệ Minh có mặt ở chùa. Bà thấy quả nhiên lần nào cô gái cũng hỏi thăm về chú ấy, hôm qua không hỏi suông mà còn đòi gặp trực tiếp nữa kia! Hừ, đời nào gặp dễ thế? Ngay cả lởn vởn gần chỗ Huệ Minh còn bị bà “đánh chặn từ xa” kia mà!
Ấy vậy mà sáng nay, từ giếng nước lót tót lên sân trước, bà Bưởi giật mình thấy bên gốc sứ trắng, cô gái kia đã sáp lại chỗ chú Huệ Minh từ lúc nào, mặt tươi hơn hớn! Không ngờ bữa nay cô ta đến sớm nhỉ?
“Chết thật!… Chướng mắt quá!”
Chỉ cần cô ta đứng gần Huệ Minh đủ để bà “chướng mắt” rồi!
Bà sấn lại, chen ngang vào giữa, gay gắt:
-Này, cô muốn gì thế?
Hỏi rồi lại tự trả lời luôn:
-Sư cụ đi rồi, nhé!
Bà đẩy vai Huệ Minh xua chú đi nơi khác, hơi hếch mặt lên:
-Cần gì, cô nói với tôi.
Vẻ đầy cam chịu, cô gái chỉ lí nhí:
-Thôi ạ… Để mai…
Cô ta kiên trì thật, liên tiếp suốt tuần như thế, chẳng kết quả gì mà vẫn không nản lòng. “Rảnh nhỉ, không có việc gì làm à?”
Đinh ninh cô ta thực sự chỉ nhắm vào Huệ Minh thôi -nhìn bộ mặt rạng rỡ lúc tiếp cận chú ấy là biết- bà Bưởi càng ghét cay ghét đắng, gia tăng canh chừng. Vào khung giờ cô quen đến là bà lảng vảng ở sân trước, để xua cô đi ngay từ cổng chùa, cho… khuất mắt!
Áp đặt cô gái chỉ là thứ rác rưởi xấu xa, bà Bưởi tự khoác cho mình sứ mệnh phải “giải cứu” chú Huệ Minh, “bảo vệ” thanh danh nhà chùa, chứ chưa bao giờ nghĩ đã lạm quyền, khắt khe vô lý.
Bà gọi lén cô bằng những cái tên: Bạch cốt tinh, Yêu nhền nhện, Cáo chín đuôi, Thị Mầu… và ngấm ngầm đắc ý thấy tên nào cũng thích hợp cả.
Đúng quá! Lẳng lơ cám dỗ Tiểu Kỉnh Tâm hay Đường Tam Tạng, đích thị chỉ có Thị Mầu và bọn yêu quái thôi!
Nhưng có đúng bà Bưởi võ đoán quá không? Nếu có, thì chuyện vừa xảy ra phải nghĩ thế nào? Rành rành hai năm rõ mười, lại trước mặt Huệ Lộc, có phải riêng mình bà đâu?
Sáng nay, hai chú Huệ Minh, Huệ Lộc cùng nhau trồng mấy gốc mãng cầu xiêm chỗ cuối vườn sau, gần cổng hậu rất ít khi có ai ra vào. Chẳng hiểu sao cô gái biết được, đã lẻn vào đây từ bao giờ.
Bà Bưởi không hề hay biết, lúc cắp rổ ra vườn định hái rau mới thấy cô ta mặt đối mặt Huệ Minh rồi.
Bà càng bàng hoàng, không tin vào mắt mình khi chứng kiến cô đột ngột nắm tay áo rộng của chú Huệ Minh kéo lật lên, cho lộ ra cả khuỷu tay trắng như da con gái.
Như bị ong chích, bà Bưởi quăng rổ, vừa la toáng vừa hào hển chạy đến. Quá quắt lắm! Trời Phật ơi! Bồ Tát ơi!
Mặt bà Bưởi đỏ bừng bừng, do quá giận. Mặt cô gái cũng đỏ bừng bừng, có lẽ do xấu hổ.
Bị mắng xối xả, cô chỉ ấp úng:
-Cháu xin lỗi… Là… cháu…
Bà quát lên, át giọng:
-Về đi!... Sư cụ đi rồi!
Đang tức, bà quay sang trách luôn chú Huệ Minh:
-Sư cụ không cho phép chú… như thế… đâu…
Rồi cố vận hết sức lực, bà nắm áo cô ta, vừa kéo vừa đẩy tuồn tuột ra cổng:
-Đi ngay!… Đi đi!
Hai cánh cổng hậu mở ra rồi đóng sập lại ngay, chát chúa.
Thực sự bà Bưởi cố tình nói dối: sáng nay sư cụ ở chùa, không đi đâu cả. Bởi thấy cô ta manh động nên bà quyết liệt không cho cô tiếp cận, dù với chú tiểu non nớt hay hòa thượng tuổi cao đức trọng. Biết bọn yêu nữ còn giở những trò ma mãnh gì?
Suốt ngày, cứ nhớ lại hành vi “mạo phạm” ấy là bà Bưởi tức ấm ách, muốn nổ đom đóm mắt.
Hừ, lố lăng hết sức! Trên đời hết sạch con trai rồi sao? “Cọc đi tìm trâu” đã khó chấp nhận, đằng này lại lăn xả vào người tu hành! Con cái nhà ai chẳng biết xấu hổ là gì? Làm sao cho “nó” đừng tới “ám” chú Huệ Minh nữa đây?
Nghĩ mãi… nghĩ mãi… Cuối cùng bà Bưởi nảy ra kế sách mà bà cho là hữu hiệu nhất: tố cáo với cha mẹ cô ta! Chẳng cha mẹ nào ủng hộ con gái điều ấy. Sợ chuyện xấu xa đồn đãi bung bét đưa đến hậu quả khó lường, chắc chắn họ sẽ có biện pháp ngăn chặn.
Trước tiên phải dò xem nhà cô gái ở đâu? Bà Bưởi đoán không phải người địa phương nên chị em trong chùa chẳng ai biết gì về cô cả. Bà để ý đã biết cô luôn đến rồi về bằng chuyến xe buýt có trạm dừng rất gần chùa. Phương tiện di chuyển này thuận tiện cho bà bám theo cô, chỉ cần ngụy trang một chút để không sớm bị nhận ra.
Bà Bưởi âm thầm tính toán kế hoạch. Mai bà sẽ nghỉ một ngày công quả chờ sẵn ở trạm dừng xe buýt, đợi lúc cô gái về. Ngày mai cả sư cụ lẫn chú Huệ Minh đều đi vắng thật, bà yên tâm cô ta sẽ về ngay thôi.
Chẳng hiểu rồi cha mẹ cô gái sẽ phản ứng ra sao? Buồn rầu, đau khổ, giận dữ hay xấu hổ? Chưa biết! Nhưng nhất định hồi kết sẽ bất ngờ, thú vị và gay cấn!
Bà Bưởi háo hức với nỗi tò mò thúc đẩy. Thật hấp dẫn khi được là người đầu tiên phanh phui một bí mật, càng hấp dẫn hơn khi sau đó được rỉ tai loan truyền cái bí mật ấy.
Cô gái đã đến, với tâm trạng buồn bã khác thường, mặt bơ phờ hốc hác như thiếu ngủ, bước chân nặng nề. Hình như có một ám ảnh gì khiến cô lo lắng, bất an.
Lúc cô gái mệt mỏi lên xe, bà Bưởi nhanh nhẹn theo chân ngay. Bà đã mặc áo gió bên ngoài lại cố tình kéo khăn chùm đầu xuống che đi nửa mặt, để ngay cả có ngồi gần cô cũng khó nhận ra.
Nhưng bà lo xa thôi chứ cô gái có chú ý đến ai đâu. Cô thờ thẫn… thẫn thờ… thế nào, lên xe buýt rồi xuống xe buýt dường như chỉ theo phản xạ.
Cô gái đổi liên tiếp hai tuyến xe.
Đường đông, xe thắng gấp nhiều lần làm bà Bưởi mau chóng mệt nhọc. Đầu váng, mắt hoa. Tình trạng này kéo lâu hơn nữa, sợ phải bỏ cuộc mất, bà phân vân quá, tiến thoái lưỡng nan, chưa biết làm sao thì xe buýt ghé trạm dừng và cô gái vừa bước xuống.
“Ô, may quá, đến rồi đây!”
Bà Bưởi vừa hí hửng đã lại hoang mang ngay, khi thấy cô gái săm săm rẽ vào cổng… bệnh viện.
À, ra cô ta còn định đi thăm ai!
Nhưng lúc này mới tầm mười giờ, lại là ngày đầu tuần, đâu phải thời điểm cho người ngoài vào thăm?
Thông thường, các bệnh viện ấn định mỗi sáng từ bảy đến mười một giờ -trừ ngày nghỉ- dành riêng để bác sĩ khám chữa bệnh lâm sàng, “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.
Người nuôi bệnh phải tạm thời ra khỏi các khoa, tìm chỗ nào đó ngồi chờ. Người ta thường dùng “thời gian chết” ấy để trò chuyện, đọc báo, đánh cờ, ăn, ngủ hoặc đi đâu đó…
Đã nhiều lần vào các bệnh viện, bà Bưởi biết rõ quy tắc ấy. Bà lưỡng lự, không biết nên tiếp tục đi theo hay chỉ cần đứng lại ngay cổng bệnh viện chờ cô ta ra về? Biết còn chờ bao lâu nữa? Vài mươi phút dưới tiết trời nắng nóng này, xem ra cũng chẳng thoải mái gì!
Đắn đo chưa chủ đích mà chân bà vẫn đều đều theo sau lưng cô gái. May mắn, khoa bệnh cô đến ở ngay tầng trệt. Một tấm biển to treo ngang dãy phòng cửa đóng im ỉm mang ba chữ đậm nét “KHOA UNG BƯỚU”.
Bên ngoài khoa, rất nhiều người đang đứng ngồi vạ vật. Mặt ai cũng căng thẳng, ủ ê.
Nhác thấy cô gái, một người đàn ông đang mệt mỏi ngồi dựa lưng vào tường đứng bật dậy, kêu lên:
-Ô kìa, cô không mang điện thoại à? Sao tôi gọi mãi không được?
-Tối qua cháu quên sạc pin.
-Điều dưỡng vừa báo mẹ cô mất rồi...
Chỉ nghe thế là cô gái đổ quỵ xuống.
Mọi người xúm lại nâng cô lên, nhốn nháo thoa dầu, xoa bóp, giật tóc mai cho tỉnh dậy.
Cô lăn lộn, khóc ngất:
-Mẹ ơi… con để lỡ tâm nguyện… của mẹ rồi…
Người đàn ông thở dài:
-Ra cô lại vừa lên chùa.
Cô tức tưởi kể lể:
-Cả tuần nay, người ta nói sư cụ đi vắng… Giờ muộn rồi… Mẹ cháu chưa yên lòng… chết không thanh thản…
Có ai đó tặc lưỡi, nói vu vơ:
-Nhanh quá! Sáng còn tỉnh lắm…
Đứng ngay phía sau, bà Bưởi bàng hoàng, mơ hồ cảm nhận câu chuyện không phải như bà suy diễn. Có lẽ quan trọng hơn, thiêng liêng hơn.
Theo những gì vừa nghe được thì cả tuần nay cô gái lên chùa với mục đích hoàn thành tâm nguyện của mẹ.
Đột nhiên, bà chạnh lòng, ân hận nhận ra đã khắc nghiệt, vô lý quá đáng với cô. Chỉ vì cặp mắt cô cũng đong đưa, lúng liếng giống con dâu bà nên tiềm thức xô đẩy bà đối nghịch với cô, khiến bà phạm sai lầm không thể sửa chữa.
Đúng thế, người mẹ mắc bệnh nan y đã chết khi tâm nguyện dở dang, còn sửa chữa làm sao?
Cô gái vẫn vật vã không thôi.
Người đàn ông nhắc:
-Cô bình tĩnh lại, mau đi làm giấy tờ kịp đưa mẹ về…
Được hai người tốt bụng vừa xốc vừa dìu hai bên, cô gái rũ rượi lết từng bước ngắn.
Lúc họ đi ngang, bà Bưởi nghe một người nhỏ nhẹ hỏi:
-Mẹ cô còn tâm nguyện gì? Chúng tôi giúp được không?
Đấy cũng là câu bà Bưởi muốn hỏi nhưng ngại ngùng, mà có lẽ cũng chẳng cần thiết nữa.
Bà lặng lẽ bước đi, thẫn thờ, mệt mỏi.
Giờ thì bà rất sợ phải nghe lọt bất cứ câu trả lời nào của cô gái. Nhưng cô gái cũng không trả lời. Trên đời có nhiều điều thật khó để có thể nói ra. Như mẹ cô cũng đã rất khó khăn đấy.
Nhiều năm, bà mẹ âm thầm ôm giữ một bí mật cho riêng mình. Nếu không đột ngột phát hiện căn bệnh ngặt nghèo đã ở giai đoạn cuối, hẳn bà vẫn chẳng hé môi.
Hơn hai mươi năm trước, từ tỉnh lẻ một mình khăn gói vào thành phố học Đại học, mẹ cô yêu lầm một người đàn ông đang có vợ. Yêu cuồng nhiệt. Yêu quên thân mình. Yêu bất chấp hậu quả. Nên khi hậu quả hiện hình, ông ta sợ hãi trốn biệt tích.
Không đủ can đảm thú nhận với gia đình lại càng không dám nhúng tay vào tội ác, bà âm thầm chịu đựng. Sinh mới hai ngày, bà trốn bệnh viện, ôm con lẻn đi.
Nửa năm sau, chiều lòng cha mẹ, bà lên xe hoa và theo chồng về một tỉnh rất xa. Lần lượt sinh bốn con gái nhưng chỉ nuôi sống được một, bà bị cả nhà chồng kết án. Ngay khi chồng hất hủi, bà cũng không oán trách, chỉ đinh ninh tất cả là cái giá đền “tội” xưa.
Tuy vẫn chìm khuất trong bóng tối, lỗi lầm ấy luôn ám ảnh người mẹ. Nung nấu nỗi nhớ thương đứa trẻ bạc phước, bà bứt rứt không yên.
Trong đêm thâu mất ngủ, bà vẫn nhớ tiếng khóc yếu như tiếng mèo kêu của nó. Nhớ hai cánh môi bé xíu nhem nhép đòi sữa. Nhớ vết bớt có màu đỏ sẫm trên bắp tay, tương tự một vệt máu loang.
Bà không hiểu sau đêm đó, cuộc đời thằng bé trôi dạt về đâu? Còn sống hay đã chết yểu từ lâu? Có may mắn được lớn lên trong một gia đình dù lắp ghép nhưng đủ đầy cha mẹ, hay đang côi cút lạc loài xó chợ đầu đường?
Thời gian được con gái đưa vào thành phố chữa bệnh, lòng bà nhen nhúm hy vọng mong manh. Tâm nguyện cuối cùng của bà chỉ là tìm ra một nơi chốn xưa, để hỏi thăm vị hòa thượng trụ trì số phận một hạt bụi nhỏ nhoi bị vứt bỏ trước cổng chùa… -./.