Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      

tranh Mai Qúy Ngọc

CHUYỆN Ở KRÔNG ANA



T rở lại Buôn Mê lần này khác với những chuyến đi lên Tây Nguyên trước đây của tôi, không phải đi thăm đai ngàn cho biết, cũng không phải tham gia vào các lễ hội, mà chung tay cùng các bạn mang theo một số tập vỡ, bút viết, cặp táp, chăn mền, nhu yếu phẩm… len lỏi vào các buôn làng ở huyện Krông Ana, đặc biệt tại xã Ea Bông, phân phát cho các cháu học sinh nghèo nhân mùa khai giảng năm học mới.

Theo tôi biết, đây là một huyện nghèo miền núi, nằm về phía tây nam của tỉnh Đắk Lắc, nhưng có địa hình đồng bằng, nhờ vào hai con sông Krông Ana hay còn gọi sông mẹ và sông Krông Nô hay còn gọi sông cha hội tụ, tạo thành những cánh đồng phì nhiêu cò bay thẳng cánh. Chẳng vì thế mà nơi này được xem là vựa lúa của các tỉnh miền Trung nam bộ, với đa số người dân sinh sống bằng nghề nông.

Đúng như dự tính, xe bon bon chạy qua cầu Sêrêpôk nằm trên quốc lộ 14 một đoạn, liền rẽ phải vào đường nông thôn có tên Hầm Đá. Con đường tuy chỉ vừa đủ cho hai chiếc xe tránh nhau, nhưng mật độ giao thông lúc nào cũng đông đúc, bởi ngoài thị trấn Buôn Trấp nằm sâu bên trong, còn có các xã các buôn làng người dân tộc sinh sống.

Mới đầu, ai nấy đều háo hức suy đoan, chuyến đi lần này sẽ được tân mắt chứng kiến những đồi núi chập chùng, đại ngàn xanh biết, nhưng sau khi đặt chân đến nơi, chỉ bắt gặp toàn là những cánh đồng bạt ngàn, tiếp nối những cánh đông bạt ngàn, đang vào mùa trổ đòng đòng vàng ươm.

Đang lúc bối rối, chưa kịp giải thích cho mọi người hiểu rõ hơn, về sự khác biệt của vùng đất đỏ bazan nơi đây, bỗng tôi bắt gặp trên từng nét mặt mỗi người, ai cũng đang tỏ ra thích thú, dán chặt đôi mắt nhìn dõi theo vẻ đẹp thiên nhiên một cách chăm chú; đồng thời, mở căng lồng ngực ra hít hà mùi hương lúa non, trải dài một màu vàng hực tới tận chân trời, đẹp không thua gì màu vàng lồng lộng nơi bức tranh “Cánh Đồng Lúa Mì” của nhà danh hoạ người Hà Lan- Van Gogh.

Nhân lúc không ai chú ý, tôi lấy điện thoại gọi ngay cho H’ Rut, hỏi xem việc chuẩn bị buổi phát quà đã tiến hành đến đâu, bởi chuyến đi làm thiện nguyện lần này do tôi khởi xướng, nhưng thông qua địa phương là nhờ cả vào H’ Rut.

- Alô! Công việc thế nào rồi em?

Thay vì trả lời, H’ Rut hỏi ngược lại tôi:

- Xe anh đã về tới đâu rồi?

Tôi đưa mắt quan sát hai bên đường xem mình đang ở đâu, nhưng không tài nào nhận ra đây là đâu, bèn trả lời cho cô bằng cách phỏng đoán.

- Hình như đang ở địa phận xã Dray Sap thì phải?

Từ đầu bên kia tiếng H’ Rut reo lên:

- Ồ! Vậy chẳng còn bao lâu nữa anh sẽ vào tới địa điểm phát quà rồi.

- Em có mặt ở đó chưa?

- Đã.

- Hẹn em lát nữa gặp lại.

- Dạ.

Qua giọng nói đặc trưng núi rừng Tây Nguyên, H’ Rut gợi nhớ nơi tôi cái thời còn làm việc ở Buôn Ma Thuột, thường được cơ quan cử xuống các buôn làng triển khai chương trình nông thôn hoá; để rồi từ đó nảy sinh tình cảm với con gái của một Pô Khan, người kể chuyện thông qua ngôn ngữ hát Klie Khan, lúc nào không hay. Vì thế, cứ sau mỗi chuyến công tác, tôi lại được cô mời về nhà đãi đằng cơm nước, thưởng thức các ché rượu cần do chính tay cha cô gầy men, thay cho loại rượu “ông uống bà khen” Ama Kông, khiến cho không ít bạn bè đã phải thốt lên những lời bông đùa, xúi dại: “hay cậu cứ ở lại Ea Bông làm rể luôn đi, để cho gia đình H’ Rút có cơ hội nối ngôi nhà vốn đã dài của họ được dài thêm ra?” (*)

Mải suy nghĩ lan mang, xe chạy tới địa điểm phát quà lúc nào không hay, chừng ngó thấy H’ Rut đứng sinh hoạt chung với các cháu học sinh dưới sân, tôi kip nhận ra đây là sân chơi của trường tiểu học Ea Bông.

Thoạt nhìn, ngôi trường bề ngoài trông cũng chẳng khác với bao ngôi trường mà tôi bắt gặt trên đường tới đây, tuy không được hoành tráng cho lắm, nhưng được cái sạch sẻ thoáng mát, nhờ vào khoảng sân rộng được trồng nhiều cây cao bóng cả trên đó.

Xe vừa đỗ lại trong sân, trưởng đoàn liền giao việc tập kết hàng hoá cho người khác phụ trách, đi cùng tôi tới gặp riêng H’ Rut, nhờ cô làm cầu nối bàn bạc với địa phương các nghi thức diễn ra trong buổi phát quà.

- Chào erm! Chờ bọn anh có lâu không?

Tạm dừng việc quản trò lại, cô vui vẻ hỏi chúng tôi:

- Các anh cần em giúp gì không?

Nhìn các cháu xêp thành năm hàng dọc một cách ngay ngắn tôi hỏi H’ Rut:

- Các cháu được tập trung về đây lâu chưa em?

H’ Rut thật tình đáp:

- Từ đầu giờ trưa ạ!

Liếc nhìn đông hồ tay thấy đã hơn hai giờ trưa, tôi ngạc nhiên hỏi cô:

- Chẳng phải bọn anh đã thông báo trước, đoàn sẽ có mặt sau hai giờ trưa hay sao, địa phương lại tập trung các cháu sớm quá vậy?

H’ Rut cho biệt:

- Có lẽ do địa phương ở đây quá sốt sắng thôi.

Tôi lo lắng hỏi :

- Vậy là các cháu chưa kịp cơm nước gì sao?

- Việc này em không rõ, tuy nhiên ở nông thôn người ta thường ăn cơm rất sớm.

- Để làm gì?

- Vừa kịp ra đồng vừa tiết kiệm bữa ăn sáng.

Nhìn nơi những khuôn mặt hồn nhiên, mái tóc khét nắng vàng hoe, nước da nâu móc, áo quần bám đầy đất đỏ bazan, khiến ai vô tinh nhìn thấy cũng không khỏi chạnh lòng. Tự dưng, tôi cảm thấy tim mình đau nhói, trong đâu hiện lên câu hỏi “Tạo hoá phải chăng đã bất công khi tạo ra con người, bởi cùng là trẻ thơ cùng là con người, tại sao có em lại sinh ra trong sự giàu sang, có em phải sống trong cảnh nghèo khó; có em sinh ra ở thành thị, có em lại ở nông thôn; có em ở núi rừng, có em vùng biển; có em da màu, có em da trắng; tại sao. . . tại sao. . . và tại sao?

Thấy các cháu đứng chờ đợi dưới cái nắng gay gắt ở những ngày cuối hè, chỉ để nhận về phần qua chẳng đáng là bao trước năm học sắp khai giảng, khiến tôi cảm thấy trong lòng vô cùng áy náy, bèn nhờ H’ Rut thử đi bàn lại với đia phương, bỏ bớt một số nghi thức rườm rà trong khâu tổ chức, bắt tay ngay vào việc phát quà, ngỏ hầu giúp các cháu sớm được trở về nhà, nhất là với các cháu từ các nơi xa xôi lội bộ đến đây rất sớm.

May mắn thay, sau một hồi bàn bạc, H’ Rut đã kịp thời quay trở lại, báo tin đia phương đồng ý cho triển khai ngay việc phát quà.

Mừng rỡ trước tin vui nhận được, mọi người vui vẻ đôn đốc nhau ai lo việc nấy, sẵn sàng lao ngay vào công việc được giao phó.

Bất chợt, đang lúc ai nấy đinh ninh buổi phát quà sớm được kết thúc trong sự thành công thì, bỗng đâu trong đám đông người đứng chờ con cháu bên ngoài, vang lên tiếng khóc của ai đó. Mới đầu, tiếng khóc nghe nho nhỏ thút thít, sau lớn dần lên, khiến mọi người giật mình quay đầu nhìn lại, phát hiện tiếng khóc của cậu bé trạc năm-sáu tuổi.

Hết sức ngạc nhiên trước việc vừa xảy ra, H’ Rut liền đi cùng với tôi, bước tới đứng đối diện với chị phụ nữ, có đứa con đang nằm giãy giụa khóc lóc trên mặt đất

H’ Rut lên tiếng hỏi chi ta:

- Cháu bị làm sao thế chị?

Người phụ nữ, mẹ cháu bé, e ngại đáp:

- Nó đòi chiếc cặp.

- Chiếc cặp ư?

- Đúng vậy.

- Cháu đi học chưa?

- Đã.

- Chị từ buôn nào đến đây?

- Gần đây thôi

- Chị không có phiếu nhận quà sao?

- Gia đình tôi không phải diện khó khăn.

- Vậy chị tới đây có việc gì?

- Do tò mò muốn biết buổi phát quà diễn ra thế nào thôi, không ngờ nhìn thấy chiếc cặp ưng ý, cháu nó đòi tôi phải xin cho được chiếc cặp giống vậy, cho dù tôi hứa mua chiếc cặp khác trên đường trở về nhà, nhưng nó nhất quyết không chịu nghe, đòi phải cho nó chiếc cặp giống như những chiếc cặp kia.

Nghe chị phụ nữ phân trần, H’ Rút cảm thấy mũi lòng, bèn an ủi:

- Chị chờ tôi một lát, để tôi thử đi hỏi người phụ trách, xem họ có thể giúp được gì cho mẹ con chị không?

Chưa kịp nói dứt lời, đã thấy H’ Rut lao nhanh về phía nhóm người phụ trách, trao đổi gì đó một hồi lâu với họ, sau đó quay trở lại nói với chị phụ nữ:- Họ trả lời lấy làm tiếc, vì số cặp chỉ vừa đủ cho số quà phát ra, nên không thể đáp ứng yêu cầu của cháu bé; tuy nhiên, họ hứa sẽ gửi chiếc cặp giống y như vậy lên đây tặng cháu, sau khi ở đây về.

Nằm dưới đất lắng tai nghe hai người phụ nữ trao đổi, câu bé không những chỉ lắc đầu nguầy nguậy từ chối lời đề nghị, mà còn gào khóc đòi hỏi to hơn.

- Không chịu đâu! Chiếc cặp, chiếc cặp, chiếc cặp kia cơ.

Giữa lúc ai nấy đều tỏ ra bất lực trước đòi hỏi của cậu bé, bởi chưa tìm ra cách nào, khả dĩ có thể thoà mãn yêu cầu của cậu ta. Bất ngờ, từ trong số các học sinh đã nhận quà, xuất hiên cô gái vừa tách khỏi hàng mình đứng, ôm theo bên mình chiếc cặp, tiến tới chỗ cậu bé nằm khóc, khẻ nâng cậu ta ngồi dậy nói:

- Bạn ơi hãy nín đi, đây là chiếc cặp bạn cần, tôi xin nhường nó lại cho bạn.

Ngạc nhiên trước hành động đầy bất ngờ của cô gái, thay vì nói lời cảm ơn, cậu ta quệt nước mắt đứng lên, nhận lấy chiếc cặp từ tay cô bé, sau đó chạy đến nép mình sau một thân cây to cùng với ánh mắt nhìn thoả mãn.

Nhân cơ hội này tôi giữ cô bé lại hỏi:

- Vì sao cháu quyết định nhường chiếc cặp lại cho bạn ấy?

Cô bé không hề suy nghĩ đáp ngay:

- Tại cháu trông thấy bạn ấy thật tội nghiệp.

- Chỉ vậy thôi sao?

- Bởi chiếc cặp hiện giờ của cháu vẫn còn dùng được.

Chao ôi! Nghe qua những lời thổ lộ của cô bé, tôi chợt vỡ ra cho mình bài học giá trị về nhân cách con người, thông qua việc đối xử tệ hại giữa con người với con người trong xã hội hiện giờ biết bao. Buồn. Tôi định tách khỏi đám đông đi ra ngoài, tìm chút thanh thản cho tâm hồn, nhưng có lẽ đã muộn mất rồi, vì hình như H’ Rut đã đọc được ý nghĩ nơi tôi, nên đã bước ngay theo sau hỏi:

- Anh định đi đâu sao?

Tôi cười nói cho qua chuyện:

- Buổi phát quà sắp kết thúc, anh muốn đi ra ngoài tìm ly nước uống.

Sau khi đã yên vị trong quan nước, H’ Rut hỏi tôi:

- Anh ở lại với em chứ?

Tôi hỏi:

- Em muốn nói chuyện gì với anh?

- Nếu ở lại, em sẽ kể cho anh nghe giai thoại “chuyện tình loạn luân giữa hai anh em họ Niê”.

Tưởng chuyện gì khác chuyện chàng Y Dhin với nàng H’ Hoan, mà năm lần bảy lượt H’Rut hứa sẽ kể cho tôi nghe, nhưng không rõ vì lý do gì đến giờ cô vẫn chưa kể. Tuy nhiên, trong một chuyến du lịch khám phá đồi Cư H’ Lăm, tôi được nghe cô hướng dẫn viên thuật lại tỉ mĩ câu chuyên tình cùng huyết thống giữa họ, nên đã phải chịu sự trừng phạt khắc nghiệt từ dân làng. Và qua đó tôi được biết theo ngôn ngữ Ê Đê, Cư có nghĩa là đồi núi còn H’ Lăm là sự loạn luân.

Giả đò như chưa từng nghe kể về chuyện tình bi đát giữa Y Dhin và H’ Hoan, tôi trả lời H’ Rut:

- Có lẽ anh pải theo mọi người trở ra Buôn Ma Thuột thôi.

- Tại sao?

- Vì chuyến đi lần này do anh khởi xướng.

- Anh có thể gặp lại mọi người vào sáng sớm hôm sau kia mà?

- Làm vậy e họ sẽ cho là anh mang con bỏ chợ.

- Vậy tuỳ anh.

- Hẹn lần tới anh trở lên đây một mình thăm em.

Chia tay H’ Rut tôi trở về với đoàn, sau đó lên xe thẳng đường trở lại trung thâm thành phố ăn uống, nghỉ ngơi, sau một ngày di chuyển làm việc vất vả.

Xin chào tạm biệt Ea Bông, nơi đã lưu giữ trong tôi kỷ niệm “Chuyện ở Krông Ana”, qua chuyến đi thiện nguyện ở xứ sở “Buồn Muôn Thuở” hay có người còn gọi là “Bụi Mù Trời”./.

(*) Nhà dài Tây Nguyên.




VVM.01.3.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .