T an trường thì mặt trời vừa đứng bóng. Trên đường về, tôi và thằng Lý gặp cơn lốc ma kỳ lạ. Cơn lốc giống hình một con người, đột ngột hiện ra, xoay tròn, …rồi đột nhiên biến mất. Không dám về nhà ngay, hai đứa kéo nhau vào nhà Hai Nguyện, tranh nhau uống nước mưa đựng trong cái lu sành, kê sát gốc cau. Nghe bọn tôi tả lại, Hai Nguyện giọng đầy bí ẩn, nói :
“Ai nhanh tay lấy cái nón lá úp cơn lốc lại , khi mở nón ra sẽ thấy một giọt máu hình trái tim”.
Bán tin bán nghi, nhưng tôi và Lý sợ, không dám làm. Những cơn lốc ma thường chạy ra hướng đầu làng.
Nhà Nguyện nằm sát bờ sông. Chiều hè, tôi và Lý thường rủ nhau ra đó, tập bơi, hay ngồi trên bãi cát, nhìn lên những cánh rừng cháy đỏ rực phía Tây- mùa đốt rẫy của người Thượng và nghe Nguyện kể về những vùng đất xa xôi, bí ẩn.
“- Mấy năm trước, tao theo ông già lên tận bên trên Ba Gia, Đồng Ké để mua thuốc và trầm hương. Dân Thượng họ thật thà, nói một là một, không như dân mình … Ở trển, đàn ông đóng khố…con gái ở trần…hay lắm”. Hai Nguyện say sưa.
- Nghe nói họ có bùa bả phải không? Tôi hỏi Nguyện
- Ừa, nghiệm lắm. Ai bị bỏ bùa là dính luôn- Nguyện khẳng định- Ông già tao mà ở lâu thêm chút nữa là không dứt nổi ra với bà Hre…
- Ghê thiệt – Thằng Lý và tôi tròn mắt, kêu lên
Từ dãy núi cao, sông Bàu giang chảy qua nhiều dốc đèo, băng đến cánh đồng mía Gò Sa thì gặp con kênh đào nối với Trà Khúc. Dòng sông mát xanh, mềm mại như dải lụa; nhưng vào mùa lụt, nó trăn trở, ầm ào cuốn trôi những cồn đất hai bên bờ, đập vào chân Gò, vỡ vụn thành phù sa, đem đi bồi đấp cho những cồn bãi xa lạ. Sau cơn lũ, bọn trẻ trong xóm hay nhặt được những đồng tiền xu rỉ sét xanh, những chiếc bình cổ sứt sẹo lộ ra dưới chân gò. Tiền xu được bọn trẻ dùng chơi đáo*, bình cổ sứt thì chúng đem bỏ ở gốc cây Da. Thủa đó mấy ai nghĩ đến giá trị đồ cổ.
Hai Nguyện là con trai ông Trùm Ba, chỉ hơn bọn tôi dăm tuổi. Nguyện là nguyên mẫu của người xứ Gò: tầm thước, đen chắc, mắt sáng và tháo vát việc nhà nông. Dân trong xóm, thường đến tận nhà, thỉnh Nguyện đi xem tướng tá trâu, bò, trước khi bỏ tiền ra tậu.
Tôi và Lý từng nhịn đói cả ngày, vác lồng chim mồi theo Nguyện, ngược bờ sông, lên tận Đèo Gió. Đó là những lần trốn học dù biết chắc rồi sẽ bị ăn đòn. Giữa bạt ngàn đồi núi, khi nghe tiếng chim cu gáy thì mặt trời trên cao cũng phải đứng yên, bâng khuâng, dịu cơn nắng lại .
Treo lồng cu mồi xong, Hai Nguyện dẫn tôi và Lý xuống suối tìm chà là , ổi chín. Chân đèo là một mảng đồi đứt gãy, để lộ ra những tầng đất, đá màu sắc khác nhau. Ba anh em men theo con suối chảy róc rách. Chà là và ổi dại mọc thành từng vạt, chim ăn vung vãi khắp rừng. Hai Nguyện chỉ hái được những trái ổi già. Lý và tôi không dám leo cây vì sợ ong đốt.
- Anh Hai cho mấy trái ổi ăn đi- Tôi năn nỉ với Nguyện.
- Tao để dành cho thằng Lý…- Nghe nói thế, tôi im luôn.
Thằng Lý là em chị Trang, con bà Phượng, có tiệm bún bò cạnh đường cái quan, gần vườn nhà tôi. Ở Gò Sa không ai nhớ bà Phượng trôi dạt tới đất này vào thời nào, mãi cho đến khi vẻ đẹp thiếu nữ của Trang phát lộ rực rỡ thì người ta mới ngỡ ngàng về sự hiện hữu của cái quán nhỏ bên đường. Quán Trang trở thành nơi thu hút con trai trong vùng nửa quê nửa chợ. Dân chơi thị xã cũng không bỏ qua cơ hội ghé thăm. Bọn họ thường vừa đạp xe vừa nghêu ngao câu ca hơi tục tĩu : “ Ai lên chợ Chùa ghé ngang tiệm Trang …/ “
Trang cao ráo, trắng trẻo, tóc đen, óng mược thả dài sau lưng. Trang đẹp và hồn nhiên; nàng sẳn sàng tặng nụ cười mát mẻ và ánh mắt lúng liếng cho bất cứ chàng trai nào bước chân vô tiệm. Vì nụ cười và ánh mắt vô tư của cô chủ quán nên đã xảy ra mấy cuộc đọ sức giữa trai Gò Sa và trai xóm dưới đường tàu.
Nguyện là người mê Trang nhất. Dáng điệu tự nhiên, với chút lẵng lơ, nàng khiến chàng chân quê này đắm say đến ngỡ ngàng như phát hiện ra một vật thể lạ, hiếm thấy ở vùng đất cằn khô “chó ăn đá…”. Tôi và thằng Lý đã chuyển không biết bao ổi, chà là của Nguyện gửi cho Trang, chuyển những bức thư tình của “chàng”cho “nàng”. Nhưng, giống như những cơn lốc ma bí ẩn, chúng đột ngột biến mất. Chỉ hơn tôi có vài tuổi, Trang coi tôi như thằng Lý, có chuyện gì Trang cũng kể cho hai đứa nghe. Những trưa hè ba chị em cùng tắm sông, tôi hay nhìn trộm bộ ngực trắng ngần.
Gò Sa- quê tôi là cái đồi sa thạch nhô lên giữa dải đồng bằng chật hẹp xứ Chánh Mông. Đầu xóm, là một cây đại thụ, sần sùi, chở đầy những tổ quạ xơ xác, bên cạnh cái miếu cổ, lúc nào phản phất mùi nhang khói. Ban đêm, đom đóm lập lòe, người yếu bóng vía không dám ngang qua. Hai Nguyện nhiều lần đứng dưới gốc cây Da,trong đêm thanh vắng, thầm nhắc tên người con gái mình yêu. Nhưng anh chưa tìm ra con đường đến được trái tim thiếu nữ. Trang vẫn là bông hoa đang vô tư tỏa hương sắc cho mọi người.
Vào một ngày tháng Tư, Gò Sa xuất hiện những người lính chiến. Có một chàng sĩ quan, súng lục đeo hông, giày ghệch, bước vào quán Trang.
-“ Chào cô chủ quán xinh đẹp” – Chàng sĩ quan nhìn thẳng vào mắt
Trang, vừa nói vừa kéo ghế ngồi.
- “ Xin chào, anh dùng gì ạ” Trang trả lời, giọng run run.
Từ hôm đó, Hùng – người sỹ quan- thường xuyên lui tới quán Trang. Đậm đặc chất lính, dáng vẻ phong trần, ăn nói vừa táo tợn chính xác vừa nhẹ nhàng hóm hĩnh, ngài sỹ quan chinh phục cô chủ quán xinh tươi không quá khó khăn. Sau một tuần, Trang theo Hùng ra bờ kênh hóng gió lúc trời vừa xẩm tối. Và đến tuần thứ hai, Hùng đã mở được cúc áo Trang và thưởng thức trọn vẹn vẻ đẹp thiếu nữ dưới ánh sáng lung linh của trăng, sao mùa Hạ.
Nhưng người lính lại hành quân, dù phải để lại phía sau một tình yêu của người đàn bà . Hơn một tháng đóng quân ở Gò Sa, đơn vị của Hùng phải chuyển tới một địa bàn khác.
Tan trường về, tôi và Lý vẫn gặp những cơn lốc ma. Dòng Bầu giang hiền hòa uốn lượn qua cánh đồng mía, lắng nghe tiếng rì rào của chim muôn, trời đất, cỏ cây.
Trang không còn là cô gái hồn nhiên. Hùng đã lấy đi sức sống ở nàng. Trang gầy yếu, và trở nên yên lặng. Khi chiều xuống, Trang ngồi trên đồi cao, mắt thẩn thờ nhìn xuống ngã ba sông nơi Hùng từ biệt nàng.
Hôm đó, xảy ra một cảnh tượng mà chỉ có thằng Lý và tôi chứng kiến, dù không tin vào mắt mình:
Chiều lộng gió, phía Tây mặt trời đỏ ối… từ trên đồi cao, Trang vừa chạy ào xuống sông vừa kêu lớn:
“ Anh… Hùng… Ơi! Anh…Hùng …ơi” và khi gần sát bờ sông thì Nguyện bổng hiện ra, la lớn: “ Anh …Hùng …đây, Hùng …đây” . Và Trang ngỡ ngàng, rồi lao tới ôm chầm lấy Nguyện, hai người ngã xuống sông, trong ánh hoàng hôn chập choạng…
Đó là câu chuyện của hơn hai chục năm trước kể từ ngày tôi rời quê, tha phương cầu thực. Cây đại thụ đầu làng nay chỉ còn trơ lại cái gốc xù xì. Những cơn lốc ma và lũ quạ đen không nơi trú ngụ đã phiêu bạt chốn nào, không còn thấy xuất hiện ở Gò Sa. Nước ngã ba sông không còn trong xanh như thưở ấy.
Tôi tới chào Hai Nguyện; anh không tàn tạ như tôi nghĩ. Nhưng vợ anh thì vừa già lại vừa cau có, chị ta ngậm điếu thuốc rê... Tôi vội chào rồi bước đi, bụng nghĩ : “Chẳng lẽ…”
Ghi chú:
*Chơi đáo – chơi thảy lổ