Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


LÒNG TỪ



     V ương quốc Chiêm Thành giáp với nước Đại Việt, thường cho quân sang quấy nhiễu khiến nhân dân vùng biên địa thiếu sự yên ổn đế làm ăn, sinh sống nên vô cùng oán giận.

Để giữ yên bờ cõi, vua Lý Thánh Tông cùng quan Thái úy Lý Thường Kiệt phải thân chinh đem quân dẹp giặc, vì thế giặc mạnh, lại chiến đấu trên đất người nên trận đầu bị thất bại, nhà vua phải cho quân rút về. Sau đó, khi ra quân lần thứ hai thì mới giành được thắng lợi, bắt vua chiêm là Chế Cũ. Vua Chiêm xin dâng 3 châu là Đại Lý, Ma Linh và Bố Chính để được tha tội chết và cũng từ đó nước Đại Việt mở rộng về phía nam cả mấy trăm dặm.

Trong lúc rảnh rỗi việc quân,nhân gặp buổi trăng thanh gió mát, nhà vua cùng các hậu phi, quần thần hầu cận xa giá đến điện Hàm Quang để nghỉ ngơi và nhân lúc không khí cởi mở giữa vua tôi, có thể bàn luận việc dân, việc nước, trước mắt là bàn định việc tăng cường quản lý vùng đất mới do vua Chiêm vừa cống nạp.

Điện Hàm Quang được Tiên đế dựng lên từ thời mới dời đô ra Thăng Long, cùng với một số cung điện, đền đài, chùa chiền khác. Điện nằm cạnh bờ sông một gò đất cao thoáng đãng. Từ cổng trước lên phải qua cả trăm bậc cấp mới đến sân điện. Đây cũng là một trong những công trình sơn son thếp vàng đồ sộ, lộng lẫy với những chạm trỗ mỹ thuật làm say đắm lòng người. Dưới ánh nắng mai, những mái ngói bạc trắng lấp lánh, phản chiếu cả một khoảng trời rộng, chẳng khác gì những lâu đài thần kỳ trong chuyện cổ tích.

Vua Lý Thánh Tông nhiều lần bày tỏ với quần thần về sự mãn nguyện của mình trước việc thành Thăng Long được các Tiên đế cho xây dựng tương đối hoàn chỉnh. Kể từ khi dời đô đến lúc nhà vua lên ngôi chỉ hơn bốn mươi năm mà không biết bao nhiêu nhà cửa được xây dựng lên, nguy nga, tráng lệ. Trong Cung thành tức là khu trung tâm của Hoàng Thành thì có điện Càn Nguyên là nơi các quan văn võ vào chầu, điện Tập Hiền để họp các quan văn theo định kỳ hoặc đột xuất; điện Giảng Võ là nơi hội họp, bàn luận việc quân với các quan võ. Sau điện Càn Nguyên còn có hai điện nữa là Long Hoa và Long Thụy là nơi bày yến tiệc chiêu đãi Hoàng thân quốc thích, các quan văn võ trong những dịp đầu xuân hay khánh tiết. Ngoài ra còn có các cung dành cho các cung tần, mỹ nữ… rồi chùa chiền, đỉnh tháp, cổng ngõ, cầu cống phục vụ cho việc đi lại trong Hoàng Thành, các kho tàng, bến bãi phục vụ việc chuyển lương, quân dụng, vật dụng….

Vua Lý Thánh Tông đang đứng trên sân của điện Hàm Quang, gió sông Hồng thổi lên lồng lộng. Hương thơm của cỏ cây, hoa lá lan tỏa tạo một cảm giác thoải mái, nhẹ nhàng trong lúc nhà vua đang dõi mắt về phía Cung thành thì đàn sâm cầm từ phía hồ Tây bay lên rồi lượn vòng về phía sông Tô Lịch, vẽ lên nền trời bức tranh của sự bình yên, no ấm.

Trong lúc nhà vua đang miên man với nhiều ý nghĩ về tiền đồ đất nước thì từ phía dưới quan Thái úy từ từ bước lên, cúi chào. Nhà vua đưa tay ra đỡ và hai người tiến vào phía trong, nơi có bộ ghế tràng kỷ đặt dưới nhà võ cửa trông ra phía sông Hồng.

Từ lâu, vua tôi đã một lòng, một dạ trong việc quân quốc. Sau khi chinh phạt Chiêm thành thắng lợi trở về, lòng tôn quí ấy càng thêm tỏ rõ. Khay trà vừa được thị nữ bưng lên đặt xuống bàn, nhà vua liền tự tay mình rót một chén mời quan Thái úy. Chén trà sen bốc khói lan tỏa như mùa hạ vẫn còn quanh đây thắm tình đạo vị. Trong bầu không khí cởi mở, nhà vua bắt đầu câu chuyện.

- Chế Cũ thường cho quân sang quấy nhiễu nước ta, thật là đáng giận, nhưng khi bắt được Chế Cũ rồi, hắn đem dâng đất để chuộc mạng, ta lại thả về, việc ấy có gì di hại về sau?

- Bẩm Hoàng thượng, việc Hoàng thượng phải thân chinh vào đất giặc để trừ nạn nước, mang lại sự bình yên lâu dài cho Đại Việt, thật là một bậc quân vương dũng lược, từ trước đến nay ít thấy trong lịch sử. Việc tha mạng cho Chế Cũ là hợp đạo lý. Tướng giữa trận tiền chẳng mấy ai chém người ngã ngựa. Chiến tranh là việc chẳng đặng đừng. Đầu rơi, máu chảy của quân sĩ cả hai phía đều là nỗi đau khó chữa lành của nhân dân hai nước. Nếu lúc bấy giờ ta tức khắc giết Chế Cũ để thỏa mãn sự oán giận thì Chế Cũ đâu còn cơ hội để dâng đất ba châu cho ta, đất nước đâu được mở rộng cả mấy trăm dặm về phía nam. Và dân Chiêm vì thương xót vua của mình mà giữ lòng thù hận với Đại Việt, từ đó chiến tranh giữa hai nước dễ bùng phát trở lại, oán hờn lại chồng chất oán hờn, chẳng ích lợi gì về lâu dài cho sự bình yên của đất nước.

- Ta nghe Khanh nói, lòng lại sáng ra. Nhìn lại trong quá khứ chưa xa, kể từ thời Ngô Vương, thời Đinh Tiên Hoàng và gần dây thời các Tiên đế của ta đều lấy lòng từ mà đối nhân xử thế, xem việc đao binh, núi xương sông máu là phải tránh đừng để vạ lây đến trăm họ.

Quan Thái úy vừa lắng nghe ý giãi bày vừa cung kính nâng bình trà rót thêm vào chén của Hoàng thượng. Gió từ sông Hồng, từ các ao hồ thổi lên mát rượi cả một khoảng hành lang dài, mang lại sự dễ chịu cho mọi người.

Hoàng thượng nhẹ nhàng nâng chén hớp thêm một ngụm trà rồi thong thả nói tiếp:

- Từ khi kinh đô được dời từ Hoa Lư về đây, đất nước đã dần ổn định và có sự phát triển về mọi mặt nhất là các nghề nông, lâm, thủy sản. Các làng thủ công mỹ nghệ như dệt vải, chạm gỗ, đúc đồng… cũng đã được khuyến khích, càng ngày sản phẩm càng nhiều, đáp ứng được một phần nhu cầu của đời sống trong nước. Nhưng bên cạnh sự hân hoan đó, Trẫm còn nhiều mối lo trong lúc trị quốc, bình thiên hạ.

Quan thái úy như chia sẻ nỗi lòng của nhà vua, liền hỏi:

- Bẩm Hoàng thượng, đó là những nỗi lo gì?

Hoàng thượng như muốn nói hết gan ruột của mình:

- Ở phía bắc Tống triều cậy mình nước lớn cứ lăm le xâm lược nước ta, đòi hết chuyện này đến chuyện nọ, dành đất, lấn biển, đến một lúc nào đó chiến tranh giữa hai nước chắc phải xảy ra.

- Bẩm Hoàng thượng, đó là một thực tế nhưng không phải đáng lo lắm. Từ trước đến giờ ta phải đối mặt với ngoại bang biết bao lần, nhưng rồi đất nước vẫn cứ vững bền. Nếu phải lo thì chỉ có một điều là sợ lòng người trong nước không yên, vua tôi không một lòng một dạ vì nghiệp lớn. Ở chốn triều đình thì quan lại tham ô, sống xa hoa phung phí. Chốn làng quê thì đời sống mất hết phong hóa, dân không lo làm ăn, chỉ thích cờ bạc rượu chè, hút xách, đâm thuê, chém mướn, cướp của giết người, làm đảo lộn cả cuộc sống tốt đẹp đã được tổ tiên xây dựng thành nề nếp bao đời nay.

- Khanh nói, ta nghe rất ưa lòng. Ta cũng thấy đất nước đang hồi thịnh trị mà sao trong khám đầy cả tội nhân. Vốn ta thương dân như con. Ta đã thường nói với quần thần: “Lòng Trẫm yêu dân cũng như yêu con Trẫm vậy, hiềm vì trăm họ ngu dại, làm càn phải tội, Trẫm lấy làm thương lắm. Từ rày về sau, tội gì cũng phải giảm nhẹ bớt đi”

Quan Thái úy nghe nhà vua nói rất cảm động, cũng góp lời vào:

- Lòng thương người là tình cảm tự nhiên giữa người với người. Lòng thương dân,ngoài tình cảm còn là trách nhiệm của bậc quân vương. Mà hiểu được nỗi khổ của dân để khoan sức dân là kế sâu rễ, bền gốc. Đã là bậc minh quân, ai cũng ghi lòng, tạc dạ điều ấy.

Và khanh còn nhớ thời mới lên ngôi, giữa mùa đông lạnh giá, Hoàng thượng đã nói với quân thần rằng: “Trẫm ở trong cung ăn mặc như thế này còn rét, nghĩ những tù phạm bị giam trong ngục, phải chịu trói buộc, cơm không có mà ăn, áo không có mà mặc, vả lại có người xét hỏi chưa xong, gian ngay chưa rõ, nhỡ rét quá mà chết thì thật là thương lắm!”.

Sau đó Hoàng Thượng cho mở kho cấp phát chăn chiếu, áo quần, thực phẩm đủ một ngày hai bữa ăn. Nói đi đôi với làm một cách tức khắc, chắc chỉ có một mình Hoàng thượng.

Từ khi đất nước được tự chủ, đạo Phật càng ngày càng được quí trọng. Trong triều đình ra ngoài dân chúng sống chan hòa, trong giáo lý Từ, Bi, Hỉ, Xả. Chính trên đất Thăng Long này không biết bao nhiêu chùa chiền, tháp Phật được xây dựng lên làm nơi tu học cho sư sãi và dân chúng, mở đầu cho nền văn hóa, văn học Phật giáo của dân tộc. Dòng thơ thiền phát triển rực rỡ cũng bắt đầu từ đây…

Một buổi chiều, tiết trời đang độ lập xuân, sau khi họp bàn với các quan văn xong, nhà vua rời điện Tập Hiền, thong thả đi vòng quanh qua những khoảng sân có nhiều cây cao bóng cả và cỏ cây hoa lá đầy hương sắc của chốn kinh thành. Nghe tiếng chuông chiều vọng từ chùa Sùng khánh sang, nhà vua cảm thấy thanh thản, nhẹ nhàng như có một trận mưa Pháp vừa rơi xuống thấm đẫm vạn vật. Trước phong cảnh thiền vị nhà vua khẽ ngâm bài thơ “Thị Đệ Tử” của Thiền Sư Vạn Hạnh, người có công xây dựng lên triều Lý, về sau lại được phong làm Quốc sư, và thường góp ý vào việc triều chính:

“Thân như điện ảnh hữu hoàn vô
Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô
Nhậm vận thịnh suy vô bổ úy
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô”

Nhà vua ngâm đi ngâm lại mấy lần, tỏ lòng rất tâm đắc và dường như từ lâu dòng thơ thiền đã thấm vào máu thịt của nhà vua. Mà đúng vậy, “Đời người như chớp nhoáng, sáng rồi vụt tắt. Tựa như cây cỏ mùa xuân tươi tốt, mùa thu héo tàn, mặc cho vận đời có thịnh hay suy cũng đừng sợ hãi, sự thịnh suy mong manh như hạt sương đầu ngọn cỏ, có đó rồi tan đó.

Hoàng thượng thầm nghĩ, con người sinh ra thường sợ hãi đủ điều, sợ thiếu ăn, thiếu mặc, mưa nắng lũ lụt, chiến tranh, dịch bệnh, sợ bị bách hại, bị tù ngục, lo sợ trước nỗi thịnh suy. Nhưng chân lý chỉ rằng tất cả đều là lẽ thường tình, là lẽ tuần hoàn của trời đất, cái cần ở lòng người, ở lòng ta, nhất là đấng quân vương, là lòng từ ái. Có lòng từ sẽ thu phục và đoàn kết được muôn dân, mở ra thái bình, thịnh trị cho đất nước.




VVM.25.01.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .