Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      

BỨC ĐIỆN



T huở nhỏ tôi là một cậu bé can đảm, tôi dám trèo lên ngọn cây cao nhất để bắt tổ chim, trong khi mấy đứa khác không dám.Mỗi lần tắm sông tôi dám trèo lên nhánh sung cao phóng mình xuống nước trước cặp mắt thán phục của những đứa trẻ khác. Sau này đi bộ đội tôi cũng là một chiến sĩ can trường. Tóm lại tôi không phải là con người hèn nhát. Thế mà nay chỉ có một việc rát nhỏ tôi không dám làm.Việc này chỉ cần mở miệng ra nói có một câu mà tôi thấy cứng hàm không thốt ra lời được. Chuyện này cũng chẳng có gì khó khăn hay nguy hiểm nhưng thực tình tôi thấy không đủ can đảm. Tôi thấy nó ghê gớm quá sức chịu đựng của mình, cho nên tôi lưỡng lự mãi không biết phải hành động ra sao.


***

Đó là việc báo cho người vợ biết tin chồng của chị ta vừa mới qua đời. Tôi với anh Lân chồng của chị Hoàng làm ăn chung với nhau ở Sài Gòn. Chị và các con ở lại Nha Trang. Chúng tôi xa nhà hàng năm mới trở về. Đang là người khẻ mạnh như vâm Lân bệnh có mấy ngày rồi đột ngột qua đời. Tôi phải đứng ra cáng đáng mọi việc. Bây giờ tới việc báo tin cho người vợ thì tôi thấy hết cả can đảm.

Chị Hoàng một người đàn bà có nhan sắc nhưng lúc nào cũng trỏ ra ốm yếu bệnh hoạn. Tôi gặp chị mấy lần đều thấy chị trùm khăn kín đầu, cổ quấn khăn len, người đầy mùi dầu và luôn luôn nghe chị than phiền về sức khoẻ. Chị nói mình bị yếu tim, suy nhược thần kinh, có tiếng động hay ai gọi tên cũng làm cho chị giật mình hồi hộp. Trông chị ốm yếu xanh xao và không có chuyện gì buồn phiền cũng thấy ủ rủ. Tôi nghĩ: thôi chết rồi! Người như chị mà đột ngột nghe cái tin chồng chết thì thật là đại hoạ. Chị mà ngã xuống đứng tim chết thật thì tôi biết làm sao ?

Tôi tưởng tượng cái cảnh hải hùng sau đây : Tôi tới nhà chị, gõ cửa, chị ra mở, thấy mặt tôi chắc chị cũng đoán ra cái gì rồi. Tôi sẽ nói :

- Xin chị ngồi xuống ghế bình tĩnh nghe tôi nói đây.

Tôi biết chỉ cần nghe mấy chữ “ngồi xuống bình tĩnh”, chị đã thất sắc rồi. Sau khi nghe cái tin động trời đó rồi thây mớ tro tàn của người chồng thương yêu đựng trong chiếc tiểu do tôi mang tới, chị Hoàng sẽ ra sao ? Chị thét lên một tiếng thậ to rồi ngất xỉu? Chị khóc oà lên lăn lộn trên sàn nhà? Chị chạy như người điên ra đường lao vào xe tôi biết làm sao. Tất cả những cảnh tượng trên đều có thể xảy ra lắm. Những lời chia buồn, những lời an ủi cổ điển như : Thôi xin chị đừng buồn, sinh kỳ tử qui mà, hay là số phận anh ấy chỉ có thế đau thương cũng chẳng thay đổi được gì, chị cố gắng khuây khoả nguôi ngoai, giữ sức khoẻ lo cho con cái, tôi thành thật chia buồn… thì có ăn thua gì đối với sự mất mát to lớn này?

Nghĩ như thế mà tôi không dám trở về Nha Trang. Tôi trốn biệt ở Sài Gòn. Tôi tính gởi cho chị cái điện tín:”Anh Lân đã qua đời. Chị vào gấp đem mớ tro tàn về thờ!”. Nghĩ đi nghĩ lại tôi thấy đọc bức điện như thế này có khác chi bản án tử hình đôí với người vợ ốm yếu đau tim ? Hay là viết cho chị bức thư kể rõ đầu đuôi sự tình, tôi thấy cũng khó khăn quá. Kể cái gì bây giờ? An ủi làm sao? Phân ưu làm sao? Viết bức thư loại này khó khăn biết là bao nhiêu. Tôi cũng đã thử ngồi xuống bàn đặt bút, nhưng không viết ra lời. Tôi tính toán mãi mà vẫn chưa tìm ra cách.


***

Thời gian đó tôi loay hoay luống cuống giống như con gà mắc tóc. Cho tới một hôm tôi thấy bà mẹ cho đứa con uống thuốc. Viên thuốc to và đắng quá đứa bé không chịu uống. Hình ảnh này gợi ra trong tôi một giải pháp : Tại sao mình không chia cái khối đau thương của người vợ ra làm bốn hay nhiều phần, cho chị ta uống dần cái chén đắng, may ra chị ta chịu đựng nổi? Và thế là ngày mai tôi đến bưu điện gửi cho chị Hoàng bức điện tín:” Anh Lân cảm xoàng. Chị yên tâm”. Viết xong tôi xé bỏ. Nghe nó vô lý làm sao. Cảm xoàng thì ai đi đánh điện tín rồi còn bảo người ta yên tâm. Tôi xin tờ giấy khác tôi viết:”Anh Lân bị ốm”. Bức điện sẽ gây hoang mang cho người vợ, nhưng được cái nó không vô lý. Tôi dừng lại ở chữ “ốm”. Tôi không nói ốm ra sao, bệnh gì, nặng hay nhẹ, thuốc men làm sao. Tôi bỏ lửng như thế để dành nội dung cho những bức điện kế tiếp.

Tuần sau tôi gởi bức điện khác:”Anh Lân bị ốm trầm trọng”. Tôi suy nghĩ khá nhiều để chọn giữa hai từ “trầm trọng” hay là “nặng”. Hai từ này có nghĩa như nhau chỉ khác có điều trầm trọng nghe có vẻ mơ hồ hơn là nặng. Nặng thì cụ thể quá. Vì thế mà tôi dùng chữ trầm trọng .

Tuần sau nữa tôi gởi tiếp cái điện:”Anh Lân đã vào bệnh viện”. Tôi tránh nói đến anh bị bệnh gì và vào bệnh viện nào. Tôi cố gắng tạo cho sự việc có cái vẻ mơ hồ. Như thế là tôi đã cắt cái khối đau thương ra được ba mảnh rồi. Ít ra giờ này nó cũng đã nhỏ hơn cái hình thù nguyen vẹn kinh khủng lúc trước. Tôi còn phải cắt thêm nhiều mảnh nữa. Tôi gởi tiếp cái điện:” Tình trạng của anh Lân nguy kịch” cái điện này là cây cầu bắt tới cái điện kế tiếp,nghĩa là cách gfiải quyết sau khi hết kịch. Đến đây tôi loay hoay lưỡng lự giữa động từ “ cấp cứu” hay “đưa vào phòng giải phẩu”? Cuối cùng tôi chọn cách thứ hai. Tôi gởi chị Hoàng cái điện:”Người ta đưa anh Lân vào phòng giải phẩu”. Tôi tránh dùng từ mổ xẻ nghe nó ghê ghê làm sao. Tôi cũng tránh nói tới nguyên nhân, bệnh gì mà phải đưa vào phòng giải phẩu?

Đến đây sắp sửa nháng xuống nhát dao cuối cùng tôi bí.Sau phòng mổ rồi đi đâu? Không lẽ ra phòng hồi sức. Làm gì có cái chuyện đó. Lại không lẽ nói rằng anh Lân đã…nằm nhà xác? Bây giờ thì tôi bí thực sự. Mặc dù khối đau thương đã bị cắt xén đi nhiều mảnh, nhưng cái phần còn lại vẫn còn lớn quá. Tôi lưỡng lự giữa một lô từ ngữ nói về cái chết. Tiếng Việt thực giàu có phong phú, đến nỗi tôi không biết lựa chữ nào: Chết, qua đời, tạ thế, mệnh một, về với ông bà, về với cõi Phật, về với Chúa, vĩnh biệt chúng ta, về với cát bụi, từ giã cõi đời, đi vào cõi vĩnh hằng… Ôi thôi biết bao nhiêu là chữ nghĩa, nhưng chữ nào cũng khủng khiếp vô cùng.


***

Đúng lúc tôi không biết phải làm sao thì điều tôi không dự định đã hiện ra. Sáng nay có anh phát thơ bóp chuông leng keng ở cửa. Anh ta trao cho tôi bức điện. Thôi chết rồi bức điện của chị Hoàng. Trước khi mở ra xem tôi đoán chị hỏi thăm sức khoẻ của chồng. Có thể chị sẽ trách tôi sao không tiếp tục cho chị biết tin. Cuối cùng tôi lấy hết can đảm mở ra đọc .

“Thôi đi ông tướng (Stop). Chấm dứt cái trò chơi xé nhỏ đau thương đi (Stop). Tôi đã biết tất cả rồi (stop). Tết này nhớ về dự lễ đính hôn của tôi với anh Lễ (Stop et fin).-./.




VVM.26.01.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .